Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 03/01/2020

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020 19:09 // ,

Tin khắp nơi – 03/01/2020

Tổng Thống Trump Ra Lệnh Không Kích

Tiêu Diệt Tướng Hàng Đầu Của Iran

Tổng thống Trump đã ra lệnh một cuộc không kích tại phi trường Iraq giết chết tướng Iran Qassim Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Ngũ Giác Đài xác nhận Qassim Soleimani là một trong những viên chức bị giết chết vào đầu ngày thứ Sáu.  Một chỉ huy dân quân hàng đầu của Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis cũng bị giết trong vụ tấn công. Vệ binh Cách mạng Iran xác nhận trong một tuyên bố rằng Soleimani đã chết.
Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã được thực hiện nhắm đến hai mục tiêu liên quan đến Iran ở Baghdad hôm thứ Năm.  Các nhóm bán quân sự của Iraq hôm thứ Sáu cho biết, ba hỏa tiển đã tấn công phi trường quốc tế Baghdad, giết chết năm thành viên của nhóm bán quân sự Iraq và hai vị khách của họ.  Các hỏa tiển đã nhắm vào mục giêu gần nhà ga hàng hóa phi trường, đốt cháy hai chiếc xe, giết chết và làm nhiều người bị thương.
Chỉ huy dân quân địa phương Abu Muntathar al-Hussaini nói với Reuters rằng tướng Haj Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis đang đi trên một chiếc xe thì bị hai hỏa tiển dẫn đường liên tiếp tấn công từ một máy bay trực thăng Hoa Kỳ khi họ đang trên đường đi từ cổng đến để ra khỏi phi trường.  Ông cũng cho biết chiếc xe thứ hai đang chở vệ sĩ từ PMF và bị trúng một hỏa tiển. Sau vụ tấn công xãy ra, giá  dầu đã tăng 2 Mỹ Kim. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-ra-lenh-khong-kich-tieu-diet-tuong-hang-dau-cua-iran/

Hoa Kỳ không kích tiêu diệt tướng cấp cao của Iran

tại phi trường quốc tế Baghdad.

Theo tin từ truyền thông Iraq và 3 viên chức của Iran, tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo quyền lực của lực lượng Quds (1 đơn vị đặc nhiệm của Vệ Quân Cách Mạng Iran), ông này đã bị giết trong đợt không kích của Hoa Kỳ tại phi trường quốc tế Baghdad, Iraq.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng xác nhận về cuộc không kích trên. Lí do của cuộc không kích được Lầu Năm Góc đưa ra là do tướng Soleimani đã tích cực trong phát triển nhiều kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, và những thành viên tuỳ tùng trong khắp lãnh thổ Iraq. Lầu Năm Góc cũng cáo buộc vị tướng này cùng lực lượng của ông ta phải chịu trách cho những cái chết và làm bị thương hàng trăm người Mỹ và các thành viên liên minh.
Viên chức của Iraq nói cuộc không kích cũng đã giết chết Abu Mahdi al-Muhandis, phó thủ lãnh của lực lượng hậu phương Iran, được biết đến là lực lượng cơ động của Iran. Truyền thông nhà nước Iran nói rằng cuộc tấn công trên được thực hiện bởi các trực thăng của Hoa Kỳ. Trong cuộc tấn công 2 phương tiện đã bị tấn công bởi hoả tiển của Hoa Kỳ, và tất cả 10 hành khách trên phuơng tiện, gồm tướng Soleimani đã bị giết. Theo đại sứ Iran, Iraj Masjedi thì họ đã tử vì đạo.
Cuộc tấn công xảy ra vài giờ sau thư ký Bộ Quốc Phòng là ông Mark Esper, nói rằng Washington đã sẵn sàng nâng tầm hoạt động để đẩy lực lượng Iran ra khỏi Iraq, trong đó gồm cả việc tấn công phủ đầu. Nhiều nhà bình luận nhận định, cái chết của 1 vị tướng cấp cao sẽ chắc chắn đánh dấu sự leo thang mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Iran càng trầm trọng.
BTT
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-khong-kich-tieu-diet-tuong-cap-cao-cua-iran-tai-phi-truong-quoc-te-baghdad/

Mỹ tiêu diệt một tướng Iran đầy quyền lực tại Irak

Thanh Phương|Trọng Nghĩa
Ba ngày sau vụ tấn công vào sứ quán Mỹ ở Bagdad, sáng sớm ngày 03/01/2020, viên tướng rất có thế lực, Qassem Soleimani, đặc sứ của Iran về các vấn đề Irak, đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích của Mỹ gần Bagdad.
Trong số 8 người khác bị giết chết, còn có Abou Mehdi al-Mouhandis, nhân vật số hai của tổ chức Irak Hash al-Chabi, thân Iran.
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, chính tổng thống Donald Trump đã ra lệnh hạ sát Soleimani. Vụ oanh kích của Mỹ là nhằm đáp trả vụ tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ ở Bagdad, cũng như các vụ bắn rocket vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ, xảy ra từ nhiều tuần qua.
Phía Iran đã xác nhận cái chết của tướng Soleimani. Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :
« Trong một thông cáo, lực lượng Vệ binh Cách mạng báo tin là tướng Soleimani đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích bằng trực thăng Mỹ gần sân bay Bagdad.
Theo bản thông cáo, nhiều nhân vật thân cận của tướng Soleimani cũng như các chỉ huy của tổ chức Irak Hash al-Chabi, mà Iran vẫn yểm trợ, cũng đã bị giết khi đoàn xe của họ bị trực thăng Mỹ oanh kích.
Trong những năm gần đây, tướng Soleimani đã đóng vai trò quan trọng trong vùng này. Chính ông là người đề ra chính sách của Iran yểm trợ cho chế độ của tổng thống Syria Bachar al-Assad.
Sau đó, cũng chính ông đã trực tiếp tham gia vào việc thành lập các lực lượng dân quân Irak để chiến đấu chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Trong những năm gần đây, người ta thấy nhiều bức ảnh chụp ông đang chỉ huy nhiều chiến dịch quân sự ở Syria và Irak.
Ông cũng đã đóng vai trò rất tích cực trong việc Iran yểm trợ tổ chức Hezbollah ở Liban. Tướng Soleimani còn là một nhân vật rất thân cận với lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei. Vị giáo chủ này hiện vẫn chưa có phản ứng gì, nhưng cách đây hai ngày, ông đã báo trước là Teheran sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của Mỹ vào các lợi ích của Iran. »
Phản ứng từ Iran và Irak
Chính quyền Iran đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Iran, Hassan Rohani, là một trong những người đầu tiên lên tiếng, khẳng định rằng « Iran và các quốc gia tự do khác trong khu vực » sẽ « báo thù Mỹ, kẻ đã phạm tội ác giết người khủng khiếp này ».
Về mặt ngoại giao, chính quyền Teheran đã triệu tập người đứng đầu đại sứ quán Thụy Sĩ, đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Iran, để tố cáo một hành vi « khủng bố nhà nước của Mỹ ».
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, cũng lên án vụ không kích của Mỹ, gọi đấy là một hành động « cực kỳ nguy hiểm và là một sự leo thang ngu ngốc ».
Còn tại Irak, thủ tướng từ nhiệm, Adel Abdel Mahdi tố cáo chiến dịch không kích của Mỹ đã « vi phạm trắng trợn » một thỏa thuận an ninh song phương Irak-Hoa Kỳ. Theo ông, hành động đó sẽ « châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tàn khốc ở Irak ». Các nhóm dân quân thân Iran hay chống Mỹ cũng ra lệnh cho lực lượng của họ sẵn sàng ứng chiến.
Qais al-Khazali, người đứng đầu nhóm Asaib Ahl al-Haq, thành viên quan trọng nhất trong liên minh Hash al-Chabi tập hợp các nhóm bán quân sự thân Iran, đã ra chỉ thị viết tay cho « mọi chiến binh trong lực lượng kháng chiến » là phải sẵn sàng vì « một chiến thắng vĩ đại » đang gần kề.
Còn giáo sĩ Moqtada Sadr thì đã kích hoạt trở lại lực lượng Quân Đội Mahdi của ông, gần một thập kỷ sau khi đã giải thể lực lượng chống Mỹ khét tiếng này.
Tuy nhiên, theo hãng AFP, trên Quảng Trường Tahrir ở thủ đô Baghdad, tâm điểm của một phong trào phản kháng kéo dài từ ba tháng qua chống chính quyền Irak bị cho là thân Iran, nhiều người biểu tình đã hò reo hay nhảy múa đón mừng tin tướng Qassem Soleimani bị hạ sát.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200103-hoa-k%E1%BB%B3-th%E1%BB%A7-ti%C3%AAu-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-iran-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-irak

Vụ Soleimani: Mỹ yêu cầu công dân rời Irak,

quốc tế kêu gọi kiềm chế

Trọng Nghĩa
Ngay sau khi thông tin về vụ tướng Iran, Qassem Soleimani bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ tại Irak được loan tải ngày 03/01/2019, làm dấy lên nhiều phản ứng gay gắt từ phía Iran và Irak, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi các bên kềm chế.
Riêng tại Hoa Kỳ, tranh cãi đã bùng lên giữa đảng Cộng Hòa, bênh vực quyết định dứt khoát của tổng thống Trump, và đảng Dân Chủ, lo ngại trước nguy cơ lò thuốc súng Trung Đông bùng nổ. Trước mắt, Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả công dân Mỹ rời khỏi Irak.
Trong một bản thông cáo, đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Irak ngay lập tức, « thông qua đường hàng không ngay khi có thể, còn nếu không được, thì hãy tới các quốc gia khác bằng đường bộ ».
Lời kêu gọi của bộ Ngoại Giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh luận lại nổi lên ở Mỹ, chủ yếu là giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về tính chất đúng đắn của quyết định tấn công giết chết tướng Qassem Soleimani.
Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy thuộc đảng Dân Chủ trong một tin nhắn Twitter một mặt cho rằng « Soleimani là kẻ thù của Mỹ, đó là điều không cần bàn cãi », nhưng việc ám sát nhân vật này có nguy cơ « khơi mào một cuộc chiến khốc liệt trong khu vực ».
Đây cũng là ý kiến của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang tranh chức ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ.
Nhìn chung, phía đảng Dân Chủ cho rằng quyết định triệt hạ một nhân vật quan trọng như viên tướng Iran này là một hành động « gây chiến », nên cần phải được Quốc Hội bật đèn xanh trước.
Ngược lại, về phía đảng Cộng Hòa, rất nhiều tiếng nói ca ngợi tính « dứt khoát » trong quyết định của tổng thống Mỹ. Bà Nikki Haley, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố « hãnh diện về tổng thống Trump đã có một hành động mạnh mẽ và đúng đắn ».
Quốc tế kêu gọi kềm chế
Về phản ứng quốc tế, Trung Quốc là nước đầu tiên lên tiếng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và tự kềm chế nhằm tránh cho căng thẳng leo thang thêm. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng không quên đả kích Mỹ khi nhấn mạnh rằng Bắc Kinh « luôn phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế », và « chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Irak phải được tôn trọng ».
Bộ Ngoại Giao Nga, lời lẽ thẳng thừng hơn với Mỹ, cho rằng vụ hạ sát tướng Iran là một bước « liều lĩnh và sẽ làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực ». Thông báo của Nga còn gởi lời chia buồn đến người dân Iran.
Ở các nước Tây Âu, chính quyền Berlin kêu gọi các bên liên quan « thận trọng » và « xuống thang », Luân Đôn cũng kêu gọi các bên giảm nhiệt, cho rằng việc leo thang căng thẳng không có lợi cho ai.
Riêng nước Pháp thì, qua lời quốc vụ khanh đặc trách Châu Âu và Ngoại Vụ Amélie Montclair, nhấn mạnh đến ưu tiên « ổn định » cho khu vực, và trong chiều hướng đó sẽ liên lạc với tất cả các tác nhân và đối tác của Pháp trong vùng.
Đại sứ quán Pháp tại Teheran cũng khuyến cáo công dân Pháp ở Iran là nên tránh xa những nơi tụ tập đông người, nhất là trong bối cảnh Iran sẽ tổ chức 3 ngày lễ tang cho tướng Soleimani.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200103-soleimani-m%E1%BB%B9-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-r%E1%BB%9Di-irak-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-b%C3%ACnh-t%C4%A9nh

Mỹ: Có dấu hiệu

Iran và đồng minh đang chuẩn bị tấn công

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 2/1 loan báo có những chỉ dấu cho thấy Iran hay những lực lượng được nước này ủng hộ có thể đang có kế hoạch tấn công thêm nữa và cho biết có khả năng Hoa Kỳ có thể có những hành động phủ đầu để bảo vệ người Mỹ.
Bộ trưởng Esper nói với các phóng viên: “Có một số chỉ dấu cho thấy họ đang chuẩn bị mở thêm những cuộc tấn công, điều này không có gì mới…chúng ta đã thấy trong vòng hai hay ba tháng qua.”
“Nếu việc này xảy ra, chúng ta sẽ hành động và nếu chúng ta được tin hay có một số chỉ dấu về việc tấn công, chúng ta sẽ đánh phủ đầu cũng như bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ để bảo vệ người Mỹ.”
Người biểu tình được Iran hỗ trợ ném đá vào tòa đại sứ Mỹ trong hai ngày biểu tình đã rút lui hôm 1/1/2020 sau khi Washington điều động thêm binh sĩ Mỹ đến tòa đại sứ.
Tổng thống Donald Trump, đang đối mặt với chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020, cáo buộc Iran dàn dựng bạo động. Ngày 31/12/2019, ông đe dọa trả đũa Iran nhưng sau đó ông nói là ông không muốn chiến tranh.
Xáo trộn bên ngoài tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad diễn ra sau khi Hoa Kỳ không kích hôm 29/12/2019 vào những căn cứ của nhóm Kataib Hezbollah được Iran yểm trợ, làm 25 người thiệt mạng để trả đũa vụ tấn công bằng phi đạn làm một nhân viên khế ước Mỹ thiệt mạng tại miền bắc Iraq trong tuần qua.
Các cuộc biểu tình đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến sau hậu trường giữa Washington và Tehran tại Trung Đông.
Ông Esper nói “Cuộc chơi đã thay đổi và chúng ta chuẩn bị làm những việc cần thiết để bảo vệ nhân viên của chúng ta và những quyền lợi và đối tác của chúng ta trong khu vực.”
Trong cùng cuộc họp báo, nói có một chiến dịch lâu dài của Kataib Hezbollah chống lại người Mỹ ít nhất kể từ tháng 10 và cuộc tấn công bằng phi đạn tại bắc Iraq nhằm mục đích sát thương.
“31 rocket không phải là để cảnh cáo mà là để gây thiệt hại và sát thương,” Tướng Milley nói.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%B3-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-iran-v%C3%A0-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-%C4%91ang-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-/5230387.html

Cựu giám đốc Google

chỉ trích chính sách nhân quyền của công ty

Một cựu giám đốc của Google đã đưa ra quan ngại về các chính sách của gã khổng lồ công nghệ này về nhân quyền, khi công ty này muốn mở rộng hoạt động tại Trung Quốc và các nơi khác.
Ông Ross LaJeunesse, người phụ trách quan hệ quốc tế toàn cầu của Google, cho biết ông đã bị “cho ra rìa” sau khi hối thúc công ty có lập trường mạnh mẽ hơn.
Google thì khẳng định trong một tuyên bố rằng. họ có “cam kết mạnh mẽ” đối với vấn đề quyền con người.
Ông LaJeunesse hiện đang vận động tranh cử một ghế trong Thượng viện Hoa Kỳ.
Ông nói rằng, trải nghiệm của ông tại Google đã khiến ông nhận thấy điều cần thiết của việc ban hành các quy định chặt chẽ hơn.
“Không thể để các công ty công nghệ lớn như Google được phép hoạt động tương đối tự do ngoài sự giám sát của chính phủ”, ông viết trong một bài đăng trên Medium.
Apple bị cho là gỡ bỏ ứng dụng định vị cảnh sát vì áp lực Bắc Kinh
Kêu gọi tẩy chay Call of Duty vì Hong Kong
South Park “xin lỗi đểu” TQ sau khi bị chặn
Giới trẻ TQ chơi chữ hiểm hóc chống kiểm duyệt
Tìm kiếm – mảng kinh doanh chính của Google – đã rời bỏ thị trường Trung Quốc năm 2010 để phản đối chính sách kiểm duyệt của Bắc Kinh, cũng như cáo buộc chính phủ nước này tấn công mạng.
Nhưng từ đó, công ty nãy vẫn tìm cách để quay lại đây, một thị trường lớn và tiềm năng.
Vào tháng 7, Google cho biết họ đã từ bỏ nỗ lực phát triển một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt tại Trung Quốc. Chương trình mang tên “Chuồn chuồn” này đã khiến một số chính trị gia Hoa Kỳ và nhân viên của Google, trong đó có cả ông LaJeunesse lo ngại về việc sẽ cho phép nhà nước kiểm soát.
‘Cấp trên luôn có cớ từ chối’
Ông LaJeunesse cho biết, Google đã khước từ những nỗ lực của ông để chính thức hóa việc thiết lập một chương trình đánh giá về quyền con người cho toàn công ty, dù nó có thể có ích nếu công ty này mở rộng hoạt động sang các quốc gia như Trung Quốc và Ả Rập Saudi.
“Mỗi lần tôi đề nghị một Chương trình Nhân quyền, các giám đốc điều hành cấp cao lại đưa ra một lý do để nói không”, ông viết.
“Sau đó, tôi nhận ra rằng, công ty chưa bao giờ có ý định kết hợp các nguyên tắc bảo vệ nhân quyền vào các quyết định kinh doanh và sản phẩm của mình. Ngay khi Google cần tăng gấp đôi cam kết với bảo vệ quyền con người, họ đã quyết định theo đuổi lợi nhuận lớn hơn và giá cổ phiếu cao hơn. “
Ông LaJeunesse bắt đầu làm tại Google từ năm 2008 cho mãi đến tháng 5 năm ngoái. Ông nói rằng, ông cũng từng đưa ra quan ngại về việc đối xử với phụ nữ và người dân tộc thiểu số và cảm thấy mình bị gắn nhãn là một nhân viên gây rắc rối.
Chẳng hạn, ông kể rằng sếp của ông đã nói trong một cuộc họp nhân viên: “Bây giờ, các cô cậu châu Á lên cầm mic để phát biểu. Tôi biết các bạn vốn không muốn đặt câu hỏi.”
Google khẳng định rằng, họ “nghiêm túc” điều tra các khiếu nại về hành vi không phù hợp và đã làm việc để cải thiện quy trình báo cáo.
Họ nói họ đã tiến hành đánh giá nhân quyền cho các dịch vụ của mình và không tin rằng cách tiếp cận tập trung hơn được đề xuất bởi ông LeJeunesse là tốt nhất, với những sản phẩm khác nhau.
“Chúng tôi có một cam kết mạnh mẽ hỗ trợ các tổ chức và những nỗ lực cho quyền con người”, một nữ phát ngôn viên của Googke nói trong một tuyên bố.
“Chúng tôi chúc Ross mọi điều tốt đẹp nhất với tham vọng chính trị của ông ấy”, bà này nói thêm.
Ông LaJeunesselà thành viên đảng Dân chủ đang tranh ghế Thượng nghị sĩ đại diện cho Maine. Ghế này hiện đang nắm giữ bởi Susan Collins thuộc đảng Cộng hòa.
Ông LaJeunesse cho biết, Google đã thay đổi khi việc kinh doanh của họ mở rộng sang các lĩnh vực mới, như điện toán đám mây. Và công ty này đã thay đổi bộ máy lãnh đạo.
Larry Page và Sergey Brin – đồng sáng lập công ty này khi họ còn học cao học tại Đại học Stanford – đã chính thức từ bỏ vị trí đứng đầu công ty vào tháng trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50980433

Khảo sát: Quá bán ở Mỹ

cho rằng TT Trump ‘phạm tội đáng truất phế’

Gần 6/10 người Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump đã phạm tội đáng bị truất phế, nhưng công chúng Mỹ lại chia rẽ về việc liệu cử tri cần phải quyết định số phận của ông qua lá phiếu trong năm nay, hay nên để cho Thượng viện xét xử ông trong phiên tòa luận tội, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận vừa được Ipsos và 538 công bố, được tờ Washington Post dẫn lại.
Ipsos là công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ 3 thế giới, có mặt ở 90 thị trường. 538 (FiveThirtyEight) là trang web chuyên về phân tích khảo sát dư luận, chính trị, kinh tế và thể thao.
Cuộc trưng cầu của Ipsos và 538 cũng cho thấy cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội lẫn Tổng thống Trump đều bị công chúng Mỹ cho điểm thấp trong cách họ xử lý tiến trình luận tội.
Theo đó, 57% người Mỹ tin rằng ông Trump đã phạm tội đáng bị phế truất, trong khi 40% không tin như vậy. Trong số những người tin, 50% nói họ “hoàn toàn chắc chắn” trong khi 31% nói rằng họ “khá là chắc chắn”, báo Washington Post tường thuật.
Trong khi đó, 51% người được vấn ý nói rằng cuối cùng nên để cử tri quyết định số phận của ông Trump, trong khi 47% cho rằng Thượng viện nên phế truất ông, vẫn theo bài báo của Washington Post.
Cuộc trưng cầu Ipsos-538 cho thấy chưa tới phân nửa người dân Mỹ – 45% – cho rằng phe Dân chủ ở Hạ viện nên tiếp tục trì hoãn phiên tòa luận tội ở Thượng viện cho đến khi những quan ngại của họ về tính công bằng của phiên tòa được giải quyết. Trong khi đó, 52% cho rằng phiên tòa không nên bị trì hoãn.
Về cách xử lý của Đảng Dân chủ, chỉ 35% người được vấn ý tán đồng trong khi có đến 45% không ủng hộ.
Tuy nhiên, cách hành xử của Đảng Cộng hòa trong tiến trình luận tội còn nhận được ít sự ủng hộ hơn – chỉ có 28%, trong khi có tới 51% không tán đồng.
Về phần ông Trump, chỉ có 27% người Mỹ tán đồng cách ông đương đầu với cuộc điều tra luận tội và 55% không ủng hộ.
Phần lớn người được vấn ý, 80%, tin rằng ông Trump đã yêu cầu phía Ukraine điều tra cha con nhà ông Joe Biden. 60% tin rằng ông Trump đã rút lại viện trợ quân sự nhằm để thúc đẩy Ukraine mở cuộc điều tra về ông Biden, và 61% tin rằng ông Trump và chính quyền của ông tìm cách che giấu thông tin về hành động của ông đối với Ukraine, cũng theo kết quả cuộc thăm dò.
Đa số người dân Mỹ cho rằng những hành động này là không đúng đắn nếu chúng thật sự đã xảy ra.
Về phần ông Joe Biden, người đang vận động để giành đề cử của Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống, người dân Mỹ bị chia rẽ với số lượng như nhau ở hai bên – mỗi bên 48% – về việc liệu ông Biden có hành xử một cách hợp đạo đức hay không trong vấn đề Ukraine khi ông còn là phó tổng thống.
Khi được hỏi về phiên tòa xử ông Trump sắp tới ở Thượng viện, đa số người được vấn ý – 57% – cho rằng sẽ tốt hơn nếu Thượng viện triệu tập các nhân chứng mới như yêu cầu của phe Dân chủ.
Trong khi đó, 86% cho rằng các thượng nghị sỹ nên đóng vai là những “bồi thẩm viên trung lập” và xem xét chứng cứ. Lãnh đạo phe Đa số ở Thượng viện, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, đã bị chỉ trích khi nói rằng ông không xem mình là bồi thẩm viên không thiên vị và rằng ông hợp tác với đội ngũ pháp lý của ông Trump trước khi phiên tòa diễn ra.
https://www.voatiengviet.com/a/5230900.html

Khuyên dân ‘đã uống thì không lái’,

Dân biểu New York lại bị truy tố vì lỗi này

Một nhà lập pháp hàng đầu cấp tiểu bang của bang New York bị cáo buộc lái xe trong khi đang say xỉn vào đêm Giao thừa sau khi chính ông đã kêu gọi các cử tri của mình đừng uống rượu rồi lái xe trong những ngày lễ.
Ông Brian Kolb, lãnh đạo phe Cộng hòa thiểu số tại Hạ viện Bang New York, đã lao xe xuống rãnh ven Đường 41 ở Victor, bang New York, vào hôm 31/12/2019, cảnh sát trưởng hạt Ontario, ông Kevin Henderson, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 1/1.
Ông Kolb chỉ có một mình trên xe khi xảy ra tai nạn phía trước tư gia của ông, vị cảnh sát trưởng cho biết. Ông ấy không bị thương tích gì.
Kolb đã bị bắt giữ vào khoảng 10 giờ tối và sau đó được đưa đến nhà tù Hạt Ontario để xử lý, cũng theo lời cảnh sát trưởng. Nồng độ cồn trong máu của ông là trên 0,08%.
Vị dân biểu đã đưa ra lời xin lỗi và nhận trách nhiệm cho điều mà ông gọi là “sai lầm khủng khiếp về suy xét”.
“Tối qua, tôi đã bị truy tố tội lái xe trong tình trạng say xỉn gần nhà. Đây là sai lầm khủng khiếp về suy xét – điều mà tôi đã kêu gọi những người khác đừng phạm phải – và tôi nhận toàn bộ trách nhiệm”, ông nói trong thông cáo báo chí sau vụ đâm xe. “Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người dân địa hạt 131 [nơi ông đại diện]. Tôi hoàn toàn nhận biết được mức độ nghiêm trọng của tình hình vào tôi xin lỗi sâu sắc”.
“Không có lời biện hộ hay bào chữa nào cho những gì đã xảy ra vào tối thứ Ba. Tôi đã có quyết định sai lầm, và đó là quyết định mà tôi hối tiếc sâu sắc”, ông nói thêm.
Trong một bài viết trên chuyên mục hàng tuần được đăng trước Lễ Giáng sinh, ông Kolb lập luận: “Không gì có thể bào chữa cho việc lái xe không còn tỉnh táo”.
“Nhiều hoạt động trong ngày lễ của chúng ta, nhất là trong dịp mừng Năm Mới, có việc uống bia rượu thả cửa. Nếu hành động một cách an toàn, có chừng mực thì đó có thể là những trải nghiệm tuyệt vời trong ngày lễ. Tuy nhiên, chỉ cần một quyết định sai lầm là xảy ra thảm họa”, ông viết.
https://www.voatiengviet.com/a/khuy%C3%AAn-d%C3%A2n-%C4%91%C3%A3-u%E1%BB%91ng-th%C3%AC-kh%C3%B4ng-l%C3%A1i-d%C3%A2n-bi%E1%BB%83u-new-york-l%E1%BA%A1i-b%E1%BB%8B-truy-t%E1%BB%91-v%C3%AC-l%E1%BB%97i-n%C3%A0y/5230797.html

Giới chuyên gia lo ngại về chương trình trợ cấp

nông dân bị ảnh hưởng bởi thương chiến

Tin Washington DC – Vào năm 2019, chính phủ liên bang đã cung cấp sự hỗ trợ tài chính hết sức hào phóng cho giới nông dân Hoa Kỳ. Trợ cấp nông nghiệp tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua, với hầu hết được chi trả mà không gặp trở ngại nào từ Quốc Hội. Trong năm 2018 và 2019, chính phủ liên bang đã công bố 2 chương trình hỗ trợ nông dân, với trị giá tổng cộng 28 tỷ Mỹ kim.
Khoảng 19 tỷ trong số này đã được trả vào cuối năm 2019, và phần còn lại sẽ được trả vào năm 2020. Tuy nhiên, theo kinh tế gia Joe Glauber, cựu viên chức Bộ Nông Nghiệp và nay là thành viên của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, số tiền trợ cấp khổng lồ của Washington lẽ ra cần được quan tâm nhiều hơn. Theo ông Glauber, số tiền này còn cao hơn cả tiền hỗ trợ ngành công nghiệp xe hơi trong đợt khủng hoảng 2008, và chương trình hỗ trợ ngành xe hơi khi đó đã bị tranh luận dữ dội tại Quốc Hội. Tuy nhiên, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ USDA lại tạo ra quỹ trợ cấp nông dân dựa theo một chương trình cũ có tên là Commodity Credit Corp., tạm dịch là chương trình Tín dụng hàng hóa, cho phép USDA được quyền chi tiền mà không cần qua Quốc Hội. Một số người hiện đang thắc mắc rằng, liệu việc sử dụng chương trình Tín dụng hàng hóa để tạo quỹ trợ cấp nông dân là có hợp pháp hay không. Ngoài ra, ông Glauber còn lo ngại về tình trạng gọi là áp lực đạo đức.
Trong đó, do ngành nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi chiến tranh thương mại, nên không ai dám cản trở các quỹ trợ cấp cho ngành này. Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, USDA đang trả cho các nông dân số tiền cao gấp đôi mức thiệt hại thật sự mà họ phải chịu từ thương chiến.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/gioi-chuyen-gia-lo-ngai-ve-chuong-trinh-tro-cap-nong-dan-bi-anh-huong-boi-thuong-chien/

Chương trình việc làm cho du học sinh

có thể đang bị lợi dụng

Tin Washington DC – Một chương trình visa liên bang, vốn cho phép các du học sinh được làm việc tại các công ty ở Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp, có vẻ đã bị một số công ty giả mạo lợi dụng. Chương trình visa F-1 có điều khoản cho phép du học sinh được làm việc tại Hoa Kỳ để lấy kinh nghiệm thực tế sau khi có được bằng cấp.
Tuy nhiên, một vụ án liên bang mới đây cho thấy chương trình này có khả năng đã bị lợi dụng, khi một bị cáo thừa nhận rằng cô ta đã cung cấp giấy xác nhận làm việc giả mạo cho gần 2,700 sinh viên nước ngoài. Các du học sinh tại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp có thể nộp đơn cho chương trình huấn luyện thực tế OPT. Chương trình này cho phép du học sinh được làm việc tại Hoa Kỳ trong vòng từ 12 đến 36 tháng, sau khi lấy được bằng tốt nghiệp. Tuy chương trình OPT được một số trường đại học và chủ hãng xưởng ủng hộ, nhưng cuộc điều tra mới đây của đài NBC cho thấy, một số công ty có cung cấp chương trình OPT có vẻ là không hợp pháp. Các nhà điều tra liên bang mới đây đã truy tố hãng Findream ở Illinois và người sáng lập là một phụ nữ gốc Hoa tên Weiyun Huang, về tội gian lận visa. Theo hồ sơ
tòa án, hoạt động chính của hãng Findream chính là cung cấp giấy xác nhận làm việc giả mạo cho các du học sinh Trung Cộng, những người muốn được ở lại Hoa Kỳ bằng chương trình OPT. Ngoài Findream, Huang còn sở hữu một công ty nữa là Sinocontech. Trong thời gian từ 2013 tới 2019, hai công ty của Huang đã cấp 2,700 giấy xác nhận làm việc cho du học sinh, thu về 1.5 triệu Mỹ kim.
Do có nhiều lỗ hổng, chương trình OPT gây ra rất nhiều tranh cãi. Công đoàn lao động đã kiện Bộ Nội An để yêu cầu hủy chương trình OPT. Tuy nhiên, các trường đại học lại cho rằng việc hủy chương trình này sẽ làm giảm khả năng thu hút sinh viên quốc tế của trường.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chuong-trinh-viec-lam-cho-du-hoc-sinh-co-the-dang-bi-loi-dung/

Di trú Mỹ, một năm nhìn lại

Aline Barros
Thỏa thuận ký với các nước
Nhóm ký giả VOA phụ trách mảng di trú Hoa Kỳ vào tháng 7 năm ngoái đưa tin về việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump ký “thỏa thuận về đệ tam quốc gia an toàn” với Guatemala, nơi những người tìm cách tị nạn từ Trung Mỹ có thể được trả về đây thay vì được nhận vào Mỹ.
Cựu Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Kevin McAleenan và các giới chức Guatemala phác họa chi tiết của hiệp ước một tháng sau đó.
Những cái chết tại biên giới và trong trại tạm giam
Một bức ảnh vào tháng 6/2019 về một người cha và cô con gái nhỏ người Salvador nằm chết úp mặt dưới nước tại sông Rio Grande chia cách Mỹ-Mexico khiến mọi người đau lòng và phẫn nộ.
Hai năm qua, ít nhất có ba trẻ em chết vì cúm trong thời gian bị tuần tra biên giới Mỹ giam giữ, trong đó có Carlos Gregorio Hernández Vásquez, 16 tuổi.
Một đoạn video được ProPublica công bố cho thấy Vasquez bất động sau khi ngất xỉu trong phòng giam vào lúc 1:36 sáng. Thiếu niên di dân người Guatemala này qua đời hôm 20/5/2019.
Một ngày sau, đồn biên giới tạm thời đóng cửa giữa những phúc trình là một “số đông” di dân bị giam có những triệu chứng như bệnh cúm.
Bị cầm giữ ở Mexico
Trong một chuyến viếng thăm biên giới Hoa Kỳ-Mexico, toán ký giả VOA phụ trách mảng di trú đã trao đổi với một số đông di dân và những người xin tị nạn vào đầu tháng 8/2019. Nhiều người bỏ xứ ra đi nhiều tháng trước khi các thay đổi chính sách của Mỹ có hiệu lực. Tất cả đang chờ ngày ra tòa di trú.
Số người tị nạn được nhận xuống thấp kỷ lục
Hoa Kỳ đạt mức 30.000 di dân vào nước Mỹ theo như qui định, vào ngày 30/9/2019, ngày cuối của năm tài chánh 2019, giữa lúc chính quyền ông Trump hạ thấp hơn nữa con số người tị nạn được chấp nhận vào Mỹ trong năm 2020.
Số du học sinh sụt giảm
Sau nhiều thập niên gia tăng số du học sinh tại Mỹ, 2019 là năm thứ nhì số lượng sinh viên từ một số nước tới Mỹ học tập giảm mạnh.
Gia hạn Qui chế Bảo vệ Tạm thời TPS
Công dân 6 quốc gia đang sinh sống và làm việc tại Mỹ theo Qui chế Bảo vệ Tạm thời sẽ vẫn có thể giữ được tình trạng hợp pháp cho đến đầu năm 2021. Nỗ lực của chính quyền Trump muốn chấm dứt TPS đối với El Salvador, Haiti, Honduras, Nepal, Nicaragua và Sudan gặp phải một số vụ kiện trong năm ngoái và đang chờ được xử, khiến những người được hưởng qui chế TPS có thêm thời gian ở lại Mỹ.
Gánh nặng xã hội
Chính quyền Trump chung quyết quy định nới rộng định nghĩa đối với một người có thể trở thành gánh nặng xã hội (dựa dẫm sự hỗ trợ của chính phủ), cho phép các giới chức di trú quyết định ai được nhận vào Mỹ hoặc được phép điều chỉnh tình trạng của người đó để trở thành thường trú nhân căn cứ trên việc tiêu tốn những nguồn lực công.
Hướng dẫn về việc xin tị nạn
Chính quyền ông Trump tăng tốc việc điều tra sơ khởi những di dân xin tị nạn, xúc tiến việc phỏng vấn di dân trong một ngày.
Chính phủ cũng đề nghị một qui chế cấm không được xin tị nạn đối với những di dân bị kết án trong danh sách các tội phạm mới được điều chỉnh và bổ sung. Đề nghị này phải được đưa ra xin ý kiến của công chúng trước khi được ban hành.
DACA
Tối cao Pháp viện Mỹ đã nghe những tranh cãi về nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm chấm dứt DACA, tức chương trình Hoãn Hành động nhằm bảo vệ những người đến Mỹ khi còn nhỏ khỏi bị trục xuất và cho phép họ làm việc hợp pháp tại Mỹ. Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ ra quyết định vào tháng 6 năm 2020.
Cấp quốc tịch Mỹ cho người Liberia
Các công dân Liberia sống tại Mỹ từ 20/11/2014, không có tình trạng cư trú hợp pháp, được đủ diều kiện đệ đơn xin thẻ xanh và sau đó là quốc tịch Mỹ theo những điều khoản của một luật chi tiêu quốc phòng được Quốc hội thông qua.
https://www.voatiengviet.com/a/di-tr%C3%BA-m%E1%BB%B9-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-nh%C3%ACn-l%E1%BA%A1i/5230354.html

Cảnh sát Pháp sử dụng hơi cay để chấm dứt

cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu

Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm thứ Năm (2/1), cảnh sát Pháp sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình phong tỏa ga xe buýt ở Paris. Đây là cuộc đối đầu mới nhất giữa chính quyền và các đoàn thể về kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí. Theo Reuters, cuộc biểu tình đã kéo dài tới ngày thứ 29, và là những cuộc biểu tình dài nhất kể từ năm 1968.
Theo đoạn video do một phóng viên truyền hình BFM công bố trên Twitter cho thấy cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông ở lối vào ga xe buýt. Truyền hình BFM cũng đưa tin về cuộc đối đầu sau đó vào buổi sáng ở trung tâm Paris, gần Opera Garnier. Công đoàn CGT vốn theo đường lối cứng rắn đã kêu gọi đình công nhiều hơn vào tháng này, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron cam kết sẽ thúc đẩy cải cách lương hưu.
Trong một bài phát biểu vào đêm giao thừa, tổng thống Macron bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ nhanh chóng đạt được thỏa hiệp với các hiệp hội về vấn đề cải cách, nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc do các bộ trưởng đưa ra.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phap-su-dung-hoi-cay-de-cham-dut-cuoc-bieu-tinh-phan-doi-cai-cach-luong-huu/

Chính phủ Pháp họp

về tình hình đình công chống cải tổ hưu trí

Thanh Phương
Sáng ngày 03/01/2020, thủ tướng Pháp Edouard Philippe có buổi họp với các bộ trưởng đặc trách về cải tổ hưu trí để xem xét tình hình giao thông công cộng và tiến triển trong các cuộc thương lượng với công đoàn, vào lúc mà phong trào đình công bước sang ngày thứ 30.
Trong lời chúc Tết Dương lịch tối 31/12/2019, tổng thống Emmanuel Macron tái khẳng định quyết tâm tiến hành cải tổ hưu trí để tiến tới một hệ thống « phổ quát », nhưng ông cũng thúc giục chính phủ nhanh chóng tìm ra thỏa hiệp với các công đoàn.
Chính phủ thủ tướng Philippe đã mời các công đoàn họp lại ngay từ ngày 07/01, tức là sau kỳ nghỉ đầu năm, với mục tiêu đạt được một dự luật để kịp trình hội đồng chính phủ ngày 22/01.
Hiện giờ đối thoại giữa chính phủ với các nghiệp đoàn vẫn bế tắc và phong trào chống cải tổ hưu trí đã phá kỷ lục về thời gian đình công liên tục tính từ 30 năm qua, không biết bao giờ mới chấm dứt. Tuy nhiên, giao thông công cộng đã được cải thiện đáng kể tại Paris, ngày 03/01 là ngày đình công thứ 30, chỉ có một tuyến metro đóng cửa hoàn toàn, các tuyến metro khác hoạt động một phần hoặc chỉ vào giờ cao điểm.
Ngoài giao thông công cộng, nhiều ngành khác cũng ra lời kêu gọi tiến hành cuộc đình công mới. Riêng trong hãng hàng không Air France, hai công đoàn của phi công và tiếp viên hàng không đã kêu gọi đình công vào tuần tới.
Đặc biệt, nhà hát Opera Paris đang trải qua một cuộc đình công dài nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nhà hát này: trong suốt ba tuần đóng cửa, 63 buổi trình diễn đã bị hủy và số tiền thất thu lên tới hơn 12 triệu euro.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200103-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-ph%C3%A1p-h%E1%BB%8Dp-%C4%91%C3%ACnh-c%C3%B4ng-ch%E1%BB%91ng-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-h%C6%B0u-tr%C3%AD

Đình công 2019 :

Đòn bẩy để Paris trở thành « thủ phủ thế giới về xe đạp »

Thùy Dương
Thủ đô Paris của Pháp vốn nổi tiếng là thành phố có hệ thống giao thông công cộng lâu đời, dày đặc, hiện đại và thuận tiện bậc nhất thế giới. Nhưng từ vài năm gần đây, với tham vọng đưa Paris « sánh vai » với các thành phố hàng đầu thế giới về xe đạp, đô trưởng Paris Anne Hidalgo tập trung vào quy hoạch các tuyến đường dành riêng cho xe đạp.
Phong trào đình công từ ngày 05/12/2019 của ngành giao thông công cộng Paris, khiến hệ thống tàu xe gần như tê liệt, dù làm nhịp sống của nhiều người dân bị đảo lộn, nhưng dường như lại là « cú hích » đưa người dân đến gần với xe đạp, phương tiện giao thông « xanh », thân thiện với môi trường.
Xe đạp, « ngôi sao mới nổi » trên đường phố Paris
Nhiều nhà kinh doanh xe đạp ở Paris có chung nhận xét là chưa bao giờ lại có nhiều người đạp xe ở Paris đến như vậy. Nếu trước đây, trên nhiều đường phố, làn đường dành riêng cho xe đạp rất vắng vẻ thì nay « nườm nượp người xe ». Người dân Paris, vốn quen với nhịp sống « métro-boulot-dodo » (đi metro, làm việc, rồi về ngủ), nay tàu không nhiều, xe bus cũng hiếm, nhiều người đã chuyển sang đi xe đạp.
Ông Mathieu, chủ cửa hàng xe đạp Ecox, quận 9 Paris, chia sẻ là khách đông đến mức ông không còn xe mà cho thuê. Trong khi đó, ông Alexis Frémeaux, chủ tịch hiệp hội Mieux Se Déplacer à Bicyclette (MDB) khẳng định trên một số tuyến đường, lượng xe đạp tăng gấp 2,5 lần so với thường lệ. Riêng đối với Vélib’, dịch vụ cho thuê xe đạp nổi tiếng ở Paris, số cuốc xe trong 12 ngày kể từ đầu đợt đình công đạt hơn 1,5 triệu, một con số cao chưa từng có. Riêng ngày Chủ Nhật 08/12, số lượt thuê xe đạp của hãng Jump tăng vọt 260%.
Trên báo Le Figaro ngày 22/12, ông Antoine Laporte Weywada, phụ trách Géovélo, một ứng dụng cho phép người đi xe đạp tra cứu và đi theo những lộ trình an toàn và nhanh nhất, cho biết số cuốc xe được thực hiện ở Paris theo lộ trình tra cứu trên ứng dụng đã tăng 211%. Còn theo đo lường của thành phố Paris, trên đại lộ Voltaire ở phía đông thủ đô, quận 11, dài gần 3km, nối từ quảng trường République đến quảng trường Nation, vào giờ cao điểm, trong nhỮng ngày đình công tính đến ngày 15/12, lượng xe đạp trên đại lộ nhiều gấp đôi lượng xe hơi. Trên đường Georges-Pompidou, lượng xe đạp tăng 145%.
Nhân dịp này, RFI có dịp phỏng vấn chị Bùi Thúy Vân, tiến sĩ về ngành dược, hiện sống ở thành phố ngoại ô Vincennes, và làm việc tại bệnh viện Georges Pompidou, quận 15, Paris. 10 năm sống tại vùng Paris, đợt đình công này là dịp đầu tiên chị Vân đi làm bằng xe đạp. Chị Bùi Thúy Vân giải thích :
Phỏng vấn Bùi Thúy Vân
« Cơ hội vàng » cho giới kinh doanh, cho thuê, sửa chữa xe đạp
Nghịch lý là tháng cuối năm là mùa làm ăn của giới tiểu thương nhưng năm nay đình công đã khiến họ « làm ăn thất bát », ngược lại giới kinh doanh, cho thuê xe đạp thường vắng khách vào mùa cuối năm thì năm nay phong trào đình công lại trao cho họ « cơ hội vàng ».
Vốn thường quen cho du khách thuê xe đạp dạo thăm phố xá trong một vài giờ, nay nhiều cửa hiệu có những vị khách mới là chủ doanh nghiệp tới thuê vài chục xe trong thời gian không xác định, cho đến khi nào phong trào đình công chấm dứt. Chẳng hạn, sau khi các nghiệp đoàn ngành giao thông công cộng Paris thông báo đình công vào ngày 05/12, ông Victor Dugain, chủ tiệm xe đạp Paris à vélo, c’est
sympa, nhận được một cú điện thoại từ lãnh đạo một công ty để thuê 30 chiếc xe đạp cho các nhân viên nhân kinh doanh để họ đi làm hàng ngày và đi giao dịch với khách hàng.
Trao đổi với phóng viên đài France Inter hôm 18/11, ông dự báo doanh thu sẽ tăng gấp 10 lần « nhờ » phong trào đình công. Ngày 14/12, ông cho tờ báo phát miễn phí 20 minutes biết số xe cửa hàng cho thuê đã tăng gấp 3 lần so với thường lệ. Ông Alexis, người sáng lập Cyclofix, dịch vụ sửa chữa xe đạp, thì phấn khởi vì hoạt động của Cyclofix cũng « nhảy vọt » gấp 3 lần so với trước đây.
Ông Michael, giám đốc thương mại của hãng Altermove, hài lòng khi số xe đạp trợ điện mà công ty bán ra tăng 80%. Chính quyền vùng Paris và phụ cận, để kích thích người dân mua xe đạp trợ điện, ban đầu thông báo kể từ tháng 01/2020 hỗ trợ tối đa 500 euro cho những ai muốn mua xe đạp trợ điện, nay tranh thủ đợt đình công cuối năm 2019 cho triển khai luôn kế hoạch trợ giá. Người dân cũng « chớp luôn cơ hội » để mua xe.
Nỗ lực của thành phố Paris
Một số chủ cửa hàng bán, cho thuê và sửa chữa xe đạp cho báo chí biết rất nhiều người trong số các khách hàng mới ban đầu chọn xe đạp như giải pháp tạm thời, nhưng sau những trải nghiệm đi xe đạp trong Paris thì hào hứng chia sẻ là họ sẽ tiếp tục đi xe đạp lâu dài. Phong trào đình công tình cờ đã cho họ thấy đạp xe hàng ngày trong Paris, tận hưởng khí trời, ánh sáng tự nhiên và cảm nhận nhịp sống xung quanh có lẽ dễ chịu hơn rất nhiều so với việc phải chen chúc trong các con tàu dưới đường hầm sâu hun hút trong lòng đất, thời gian đi lại bằng xe đạp cũng không quá lâu nếu so với các phương tiện khác.
Mặc dù dự báo sau đình công, lượng người đi xe đạp vẫn sẽ tăng so với trước đây, nhưng các chuyên gia về quy hoạch và đại diện của nhiều hiệp hội người đi xe đạp cũng lưu ý để tiếp tục thu hút thêm được nhiều người dân và níu chân họ lâu dài trên các đường đi xe đạp, thành phố Paris hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, các nhà quy hoạch phải khắc phục việc làn đường dành cho xe đạp không liên tục, một số lối đi dành riêng cho xe đạp đột ngột bị ngắt quãng, việc phân làn chuyển làn ở nhiều ngã tư, quảng trường lớn chưa hợp lý, có thể gây nguy hiểm cho người đạp xe, đặc biệt ở rất nhiều khu vực đông đúc như quảng trường Concorde, đại lộ New York, những « điểm đen » chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp.
Một quan chức chính quyền Paris thừa nhận thành phố mới thực hiện được 30% mục tiêu đã đề ra vào năm 2015 trong « kế hoạch xe đạp 5 năm ». Tuy nhiên, khách quan mà nói thì cũng không thể phủ nhận những nỗ lực vượt bậc của chính quyền thành phố dưới quyền đô trưởng Anne Hidalgo, nhất là trong 2 năm gần đây. Khoảng 1.000km đường đã được quy hoạch dành riêng cho xe đạp. Nhờ thế mà số xe đạp lưu thông trong thành phố đã tăng 54% từ tháng 09/2018 đến tháng 09/2019. Chỉ tính riêng năm 2019, Paris đã chi hơn 70 triệu euro để xây đường mới dành riêng cho người đi xe đạp và các bãi để xe.
Gần một tháng vừa qua là dịp để người dân thấy những tiến bộ mà thành phố Paris đã đạt được. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quy hoạch của thành phố nhìn nhận những điểm tích cực, những điểm cần còn hạn chế để tiến tới hoàn thành « cuộc cách mạng xe đạp », đưa Paris lên tầm « thủ phủ thế giới về xe đạp » như các thành phố Amsterdam – Hà Lan và Copenhagen – Đan Mạch.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200103-%C4%91%C3%ACnh-c%C3%B4ng-2019-%C4%91%C3%B2n-b%E1%BA%A9y-paris-th%E1%BB%A7-ph%E1%BB%A7-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-xe-%C4%91%E1%BA%A1p

Thủ tướng Dmitry Medvedev: Nga luôn ủng hộ

các doanh nghiệp dầu khí nước này tham gia

vào các dự án trên vùng biển của Việt Nam

Ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã có cuộc điện đàm về quan hệ song phương và các vấn đề liên quan.
Hai bên đã rà soát tình hình hợp tác và vui mừng nhận thấy việc triển khai các thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2019 đạt nhiều kết quả thực chất, đồng thời hai bên đã thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đánh giá cao việc quan hệ Việt – Nga phát triển năng động thời gian qua với nhiều chuyến thăm cấp cao và hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Năm chéo Việt – Nga năm 2019 – 2020; đánh giá cao việc hai bên tích cực phối hợp tháo gỡ các rào cản trong thương mại song phương, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, thủy và hải sản, góp phần phát huy tối đa lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Liên minh Kinh tế Á – Âu trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Hai Thủ tướng đã trao đổi về các hoạt động chung trong năm chéo Việt Nam – Nga và Nga – Việt Nam trong năm 2020, gắn với kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 75 năm chiến thắng phát xít và 45 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, cũng như nhân dịp Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN.
Liên quan đến hợp tác dầu khí, Thủ tướng Việt Nam Nguyên Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dầu khí hai nước mở rộng hợp tác với nhau, bao gồm thăm dò và khai thác dầu khí, cũng như các lĩnh vực mới như nhiệt điện khí, cung cấp khí hóa lỏng, nhiên liệu động cơ. Về phần mình, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga luôn ủng hộ các doanh nghiệp dầu khí nước này tham gia vào các dự án trên vùng biển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng tập trung trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy triển khai một số dự án hợp tác quan trọng, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân.
Trong năm qua, Lãnh đạo Nga đã nhiều lần khẳng định chính sách ủng hộ việc doanh nghiệp Nga hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh cực thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam và tại khu vực Biển Đông; đánh giá đây là điểm sáng và điển hình trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trong suốt những thập kỷ qua.
http://biendong.net/bien-dong/32444-thu-tuong-dmitry-medvedev-nga-luon-ung-ho-cac-doanh-nghiep-dau-khi-nuoc-nay-tham-gia-vao-cac-du-an-tren-vung-bien-cua-viet-nam.html

Thổ Nhĩ Kỳ : TT Erdogan được phép đưa quân sang Libya

Mai Vân
Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 02/01/2020, đã thông qua đề nghị của tổng thống Erdogan muốn gởi quân sang Libya giúp chính quyền Tripoli. Ông Erdogan được hậu thuẫn của các nghị sĩ trong đảng AKP cầm quyền, và từ đồng minh cực hữu. Phe đối lập phản đối mạnh mẽ.
Thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, tường thuật :
325 phiếu thuận, 184 phiếu chống. Nếu tổng thống Erdogan giờ đây có thể gởi quân đến Libya, bất kỳ lúc nào ông muốn, thì ông cũng không thể nói rằng ông được hậu thuẫn của tất cả các dân biểu cho kế hoạch của ông. Toàn bộ phe đối lập hầu như đã bác bỏ văn bản. Chỉ có đảng cầm quyền AKP và đồng minh cực hữu là ủng hộ đề án quân sự này.
Cuộc tranh luận 3 tiếng rưỡi đồng hồ trước khi bỏ phiếu không khác gì cuộc nói chuyện giữa những người điếc với nhau. Những người bảo vệ văn kiện cứ tiếp nối nhau trình bày các lập luận có trong văn bản.
Dân biểu Ismet Yilmaz, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, phát biểu nhân danh đảng AKP, nhấn mạnh đến ʺtình hữu nghị lịch sửʺ giữa Tripoli và Ankara, và còn cho là Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm ngơ trước những lời cầu cứu của chính quyền thủ tướng Fayez el-Sarraj. Ông cũng nhắc đến quyền lợi quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Yilmaz cho rằng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng góp vào một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Libya.
Phe đối lập tỏ ra rất hoài nghi trước lập luận trên. Họ nói đến một ʺsai lầm nghiêm trọngʺ, một ʺcuộc phiêu lưu nguy hiểmʺ, một văn kiện ʺmơ hồʺ, khi trao cho tổng thống toàn quyền đưa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc tranh chấp có rất nhiều tác nhân.
Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn phải chọn lựa giữa hai phương án : Gởi lính chiến đấu sang Libya hay chỉ gởi chuyên gia.
Phản ứng quốc tế
Cũng trong ngày 02/01/2020, ngay sau cuộc bỏ phiếu của các dân biểu Thổ Nhĩ Kỳ, quốc tế đồng loạt lên tiếng cảnh báo.
Trao đổi qua điện thoại với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng mọi hành động can thiệp của nước ngoài có thể làm tình hình Libya thêm phức tạp. Các quốc gia trong khu vực như Israel, Chypre, Hy Lạp thì nhắc đến « mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định khu vực ».
Tại Ai Cập, tổng thống Abdel Fattah al-Sissi đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, sau cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ. Tướng Haftar, đối đầu với chính quyền Tripoli, đã kêu gọi đến sự giúp đỡ của Ai Cập.
Nga cũng tỏ thái độ quan ngại về sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya. Bởi vì, mục tiêu của Ankara là muốn khống chế miền đông Địa Trung Hải, một vùng cũng có tính chiến lược đối với Nga.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200103-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-tt-erdogan-%C4%91%C6%B0a-qu%C3%A2n-libya

Iran nói sẽ báo thù cho tướng Soleimani

bị Mỹ giết ở Iraq

Tin mới nhất: Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng tướng Iran Qasem Soleimani “đáng ra phải bị giết từ lâu rồi”.
Theo ông Trump, tướng Soleimani “chịu trách nhiệm trong các vụ giết và làm bị thương hàng nghìn người Mỹ”.
Đây là lời giải thích trực tiếp nhất từ nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vì sao ông ra lệnh giết tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran.
Ông Soleimani đã bị quân đội Mỹ giết chết ở Iraq trong một cuộc không kích.
Lãnh đạo Iran đã ngay lập tức lên án hành động của Hoa Kỳ và nói sẽ báo thù cho ông Soleimani.
Chuẩn tướng Esmail Qaani, 63 tuổi được bổ nhiệm thay vào vị trí của ông Soleimani, người mang hàm thiếu tướng (2 sao).
Lầu Năm Góc xác nhận ông này “bị giết theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống” Donald Trump.
Tin về vụ oanh kích của Hoa Kỳ gây xôn xao dư luận quốc tế ngày 03/01, với một số tờ báo tiếng Anh chạy tựa nói về “hoảng loạn Thế chiến III”.
Sứ quán Mỹ ở Baghdad bị người biểu tình tấn công
Căng thẳng Iran – Mỹ có vượt quá kiểm soát?
Mỹ ‘đã nạp đạn và lên cò’ để đáp trả Iran
Vệ binh Cách mạng Iran xác nhận Tướng Soleimani đã thiệt mạng, đồng thời cho biết thủ lĩnh dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis cũng bị sát hại trong đợt không kích này.
Thật khó tin là Iran sẽ không đáp trả mạnh mẽ, cho dù có thể chưa phải là ngay lập tứcPhân tích gia BBC Jonathan Marcus
“Theo lệnh của Tổng thống, quân đội Mỹ đã có hành động tự vệ mang tính quyết định để bảo vệ lực lượng Mỹ ở nước ngoài bằng cách tiêu diệt Qasem Soleimani,” Lầu Năm Góc cho hay.
“Cuộc không kích này nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công tiếp theo của Iran. Mỹ sẽ tiếp tục có các hành động cần thiết để bảo vệ công dân và quyền lợi của người Mỹ dù họ ở bất cứ đâu trên thế giới,” Lầu Năm Góc tuyên bố.
Có thông tin nói rằng, một số binh lính Iran đã bị quân đội Mỹ ở Baghdad bắt giam, nhưng Mỹ chưa xác nhận điều này.
Vụ không kích xảy ra vài ngày sau khi người biểu tình bao vây Đại sứ quán Mỹ ở Iraq, đụng độ với quân đội Mỹ tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper phát biểu chiều thứ Năm rằng, Mỹ không chấp nhận bất cứ cuộc tấn công nào vào lực lượng của Mỹ trong khu vực, và cáo buộc Iran về hành động bạo lực ở Đại sứ quán Mỹ tạị Baghdad.
“Các cuộc tấn công vào người Mỹ sẽ bị đáp trả theo cách thức, thời điểm, và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn,” một tuyên bố cho hay. “Chúng tôi kêu gọi chế độ Iran chấm dứt các hành động tàn ác của mình.”
Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Iran nói với Reuters rằng “kẻ thù Mỹ và Israel phải chịu trách nhiệm với cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani của Iran và chỉ huy dân quân Abu Mahdi al-Muhandis của Iraq”.
Cuộc không kích của Mỹ
Các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào hai mục tiêu liên quan đến Iran ở Baghdad hôm thứ Năm 2/1, các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters với điều kiện giấu tên, và từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Các nhóm bán quân sự Iraq cho biết hôm thứ Sáu 3/1 rằng, ba quả tên lửa đã được phóng vào điểm gần sân bay quốc tế Baghdad, giết chết năm thành viên của nhóm bán quân sự Iraq và hai “vị khách”.
Tin tức nói hỏa tiễn từ drone của Hoa Kỳ bắn vào xe chở ông Soleimani và cộng sự khi họ rời sân bay.
Nhưng đài truyền hình quốc gia Iran lại nói hỏa tiễn từ trực thăng Hoa Kỳ bắn cháy hai chiếc xe, làm chết 10 người, gồm ông Soleimani.
Đài này cũng nói tất cả 10 người đã “tử vì đạo”.
Qasem Soleimani là ai?
Từ năm 1998, Thiếu tướng Qasem Soleimani đã lãnh đạo Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran – một đơn vị tinh nhuệ trong Vệ binh Cách mạng của Iran, chuyên điều hành các hoạt động bí mật ở nước ngoài.
Ở vị trí này, Thiếu tướng Soleimani đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ do Iran hậu thuẫn của Bashar al-Assad trong cuộc Nội chiến Syria, và trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.
Thiếu tướng Soleimani là một nhân vật có vai trò quan trọng trong chế độ Iran. Lực lượng đặc nhiệm Quds của ông nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Một số nhà quan sát cho rằng vì thế, ông Soleimani là người có thực quyền số hai trong bộ máy chính trị Iran.
Ông Soleimani trở nên nổi tiếng ở Iran nhờ quãng thời gian chiến đấu trong cuộc chiến Iran-Iraq vào những năm 1980-1988.
Tại sao căng thẳng Mỹ-Iran ở Eo biển Hormuz lại quan trọng?
Iran nói sẽ “trả thù’
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Javad Zarif gọi cuộc oanh kích của Hoa Kỳ là “hành động khủng bố quốc tế” và Mỹ sẽ phải “chịu trách nhiệm”.
Giáo chủ Iran Khamenei nói “những kẻ tội phạm sẽ chịu sự báo thù khủng khiếp” và ra lệnh làm quốc tang ba ngày cho ông Soleimani.
Tại Hoa Kỳ, vụ việc cũng gây chia rẽ trong chính giới.
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Elizabeth Warren nói rằng ông Soleimani là “kẻ sát nhân”, nhưng quyết định giết ông ta lại là “hành động liều ẩu”.
Chiều 03/1 giờ châu Âu, báo Nga đưa tin Tổng thống Vladimir Putin “lên án vụ giết ông Soleimani”.
Truyền thông Nga nhấn mạnh rằng phát biểu của ông Putin được ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad yêu cầu mọi công dân Mỹ rời Iraq “ngay lập tức”, sau khi xảy ra vụ oanh kích.
Theo như tìm hiểu của BBC News, thủ tướng Anh, Boris Johnson không được TT Trump thông báo trước về quyết định “loại bỏ” ông Soleimani.
Là đồng minh của Mỹ, Anh hiện có 400 quân đóng tại Trung Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Dominic Raab kêu gọi các bên “giảm căng thẳng” vì “xung đột tiếp theo sẽ không có lợi cho ai cả”.
Nhưng lãnh đạo đảng Lao động đối lập ở Anh, ông Jeremy Corbyn thì dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn và gọi vụ oanh kích giết tướng Soleimani là “cuộc ám sát do Hoa Kỳ thực hiện”.
Trong khi đó, dân biểu Anh, Tom Tugendhat, từ đảng Bảo thủ, nói ông Soleimani “mang quân phục, chỉ huy các lực lượng vũ trang gây ra nhiều cuộc tàn sát ở Syria, Iraq nên là một mục tiêu quân sự” của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Anh cũng yêu cầu mọi công dân nước này tạm thời không dự các lễ hội, tụ tập đông người ở Iran trong ba ngày nước này để tang ông Soleimani.
Philip Gordon, cựu điều phối viên của Tòa Bạch Ốc về Trung Đông thời Obama nói vụ giết ông Soleimani “như là lời tuyên chiến của Hoa Kỳ đối với Iran”.
Còn nhà phân tích của BBC News, ông Jonathan Marcus thì viết:
“Thật khó tin là Iran sẽ không đáp trả mạnh mẽ, cho dù có thể chưa phải là ngay lập tức.”
Giá dầu thô ngay lập tức đã tăng vì thị trường phản ứng trước tin về vụ giết chết tướng Iran.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50979913

Irak bên bờ hỗn loạn sau vụ sát hại tướng Soleimani

Thanh Phương
Vốn đã gặp nhiều xáo trộn do phong trào biểu tình chống chính phủ từ ba tháng qua, Irak nay có nguy cơ rơi vào hỗn loạn sau vụ trực thăng Mỹ oanh kích và sát hại tướng Iran Soleimani và cánh tay phải người Irak từ bao thập niên qua Abou Mehdi al-Mouhandis.
Với vụ oanh kích này, Hoa Kỳ đã triệt hạ toàn bộ dàn chỉ huy các lực lượng thân Iran ở Irak : Soleimani là tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Al-Qods thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, chuyên trách các vấn đề Irak, còn al-Mouhandis là lãnh đạo lực lượng dân quân Hash al-Chabi thân Iran.
Trong một thời gian dài không có phản ứng gì với việc người dân Irak nổi dậy chống chính quyền Bagdad, Hoa Kỳ nay đã can thiệp trở lại vào Irak bằng quân sự, nhắm vào tướng Soleimani, người đang dàn xếp việc thành lập một chính phủ mới ở Bagdad theo hướng bảo vệ các lợi ích của Iran.
Một dấu hiệu cho thấy sự tê liệt của một quốc gia vốn vẫn cố giữ thế cân bằng giữa hai đồng minh lớn là Hoa Kỳ và Iran, nhà nước Irak vẫn chưa có phản ứng chính thức gì về vụ sát hại tướng Soleimani. Quốc Hội Irak sẽ họp lại ngày mai để xác định lập trường sau sự kiện này.
Nhưng thủ tướng từ nhiệm của Irak Adel Abdel Mahdi ngay từ hôm nay đã dự báo là cái chết của tướng Soleimani sẽ « gây ra một cuộc chiến tàn khốc tại Irak ». Chính quyền Donald Trump coi như đồng ý với dự báo này, bởi vì họ vừa kêu gọi các công dân Mỹ phải rời khỏi Irak «  ngay lập tức ». Còn đối với Ngoại trưởng Iran, Mohammed Javad Zarif, vụ sát hại tướng Soleimani là một « bước leo thang cực kỳ nguy hiểm ». Nhưng như vậy thì Iran sẽ đáp trả Hoa Kỳ như thế nào và khi nào ?
Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, rất khó dự đoán được phản ứng của Teheran trước cái chết của một trong những nhân vật được người dân Iran mến mộ nhất, bởi vì sự kiện này chưa có tiền lệ. Nhưng một điều chắc chắn, theo nhà nghiên cứu Ramzy Mardini, Viện Mỹ vì Hòa bình (United States Institute of Peace), kể từ nay hai nước Hoa Kỳ và Iran sẽ đối đầu trực diện với nhau. Teheran nay không còn có thể sử dụng tay chân của họ ở Irak để đe dọa và tấn công vào các lợi ích của Mỹ mà không bị Wasington trả đũa quân sự như trong một cuộc chiến quy ước.
Từ nhiều năm qua, Bagdad vẫn cảnh báo hai đồng minh Mỹ Iran là không nên dùng lãnh thổ của họ như là chiến trường để thanh toán lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hồ sơ hạt nhân Iran. Theo giải thích của chuyên gia về Irak Fanar Haddad, nếu Iran có trả đũa thì sẽ không phải là bằng các vụ bắn rocket vào sứ quán Mỹ, mà sẽ dưới dạng một cuộc xung đột lớn giữa hai nước ở Irak.
Năm 2003, Hoa Kỳ đã lật đổ Saddam Hussein để lập ra một chế độ mới, nhưng chế độ này nay đang dần dần bị Iran kiểm soát. Vẫn theo chuyên gia Haddad, chính quyền Washington dường như đang cố gắng kéo chính trường Irak ngả theo Mỹ trở lại. Nhưng nếu họ thất bại, Irak sẽ rơi vào vòng xoáy của đấu đá nội bộ và Iran lại càng có cơ hội để gia tăng kiểm soát chế độ Bagdad.
Trước mắt, theo dự báo của nhà nghiên cứu Ranj Alaaldin, Viện Brookings tại Doha, sau cái chết của hai nhân vật có thế lực nhất ở Iran, rất có thể sẽ có thanh trừng nội bộ trong chính quyền Irak, vì Iran rất muốn biết « làm thế nào mà Mỹ biết được tướng Soleimani đến Bagdad ? Ai là kẻ chỉ điểm ? »
Tóm lại, chưa biết là tình hình sẽ diễn tiến ra sao, sau vụ hạ sát tướng Soleimani, nhưng rõ ràng là không thể loại trừ nguy cơ một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới, mà Irak sẽ là chiến trường chính.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200103-irak-b%C3%AAn-b%E1%BB%9D-h%E1%BB%97n-lo%E1%BA%A1n-s%C3%A1t-h%E1%BA%A1i-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-soleimani

Carlos Ghosn ‘thuê lén’ máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ

để trốn thoát

Một hãng điều hành máy bay tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/1 cho biết cựu chủ tịch hãng xe hơi Carlos Ghosn đã sử dụng bất hợp pháp máy bay của họ để trốn thoát khỏi Nhật.
Hãng MNG Jet cho biết một nhân viên đã làm giả giấy tờ thuê máy bay mà trong đó không nêu tên ông Ghosn.
Hãng này nói rằng họ đã khởi kiện về vụ việc, một ngày sau khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ bảy người, trong đó có bốn phi công, trong cuộc điều tra về vụ đào thoát của ông Ghosn đến Lebanon qua ngả Istanbul.
Ông Ghosn đã trở thành kẻ đào tẩu quốc tế sau khi ông tiết lộ hôm 2/1 rằng ông đã trốn đến Lebanon để thoát khỏi cái mà ông gọi là “hệ thống tư pháp gian dối” ở Nhật Bản, nơi ông đối mặt cáo trạng về các tội tài chính.
Lebanon hôm 2/1 đã nhận lệnh bắt giữ Ghosn từ Interpol. Vẫn chưa có lời lý giải rõ ràng về cuộc đào thoát bất ngờ của Ghosn từ tư gia của ông ở Tokyo đến Beirut .
Đài truyền hình NHK của Nhật dẫn nguồn trong giới điều tra cho biết một camera giám sát đã ghi được hình ảnh cựu chủ tịch Nissan rời dinh thự của ông ở Tokyo một mình không lâu trước khi ông trốn thoát.
Hình ảnh này được quay từ một máy quay gắn trong nhà ông Ghosn ở trung tâm Tokyo vào giữa trưa hôm 29/12 năm 2019 và nó không hề cho thấy ông Ghosn quay về nhà, NHK cho biết.
Trong một thông cáo, MNG Jet cho biết họ đã cho thuê hai máy bay cho hai khách hàng khác nhau trong các hợp đồng “dường như không liên quan với nhau”. Một chiếc bay từ Osaka đi Istanbul, chiếc còn lại bay từ Istanbul đi Beirut.
“Tên của ông Ghosn không xuất hiện trên giấy tờ chính thức trong cả hai chuyến bay này”, thông cáo cho biết.
“Sau khi biết được qua truyền thông rằng chiếc máy bay thuê này làm lợi cho ông Ghosn chứ không phải những hành khách được công bố chính thức, MNG Jet đã mở cuộc điều tra nội bộ và khởi kiện hình sự ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
Một nhân viên của hãng thừa nhận đã làm giả hồ sơ và xác nhận rằng ông ta “hành động với tư cách cá nhân”, hãng này cho biết.
Phi công và những người bị bắt khác, bao gồm hai nhân viên mặt đất ở sân bay và một nhân viên hàng hóa, đã ra tòa hôm 3/1 sau khi cung cấp lời khai cho cảnh sát, theo nhân chứng của Reuters.
Ghosn cho biết ông sẽ lên tiếng công khai về vụ đào thoát này vào ngày 8/1 tới.
https://www.voatiengviet.com/a/carlos-ghosn-thu%C3%AA-l%C3%A9n-m%C3%A1y-bay-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BB%91n-tho%C3%A1t/5230752.html

Vụ Carlos Ghosn: Những nghi vấn

và các hệ quả của cuộc chạy trốn

Minh Anh
Ngày 02/01/2020, cựu lãnh đạo liên doanh Renault – Nissan – Mitsubishi khẳng định tự ông tổ chức cuộc chạy trốn ra khỏi Nhật Bản đến Liban. Trên nguyên tắc, ông Carlos Ghosn sẽ bị tư pháp Nhật Bản đưa ra xử vào mùa xuân năm 2020 với những cáo buộc tham ô, tiêu lạm công quỹ.
Cũng trong ngày hôm qua, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol phát lệnh truy nã “đỏ” nhắm vào ông. Vụ đào thoát ly kỳ này, đôi khi được thổi phồng như là một tập phim của James Bond 007, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi, nhất là bởi vì ông đang bị quản thúc tại gia, dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát Nhật Bản, thậm chí là của một công ty an ninh tư nhân do hãng Nissan ủy thác.
Nhật báo Le Monde số ra ngày 03/01/2019, tìm cách làm sáng tỏ một số điểm thắc mắc cũng như là hệ quả của vụ đào thoát này. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Vụ đào thoát diễn ra như thế nào?
Theo truyền thông Liban, cuộc đào tẩu của ông Carlos Ghosn được thực hiện với sự trợ giúp của một công ty bảo vệ tư nhân. Tuy nhiên, bà Carole Ghosn, vợ của ông, đã phủ nhận một lời thuật dường như cho rằng ông Ghosn được đưa ra ngoài chỗ tạm giam bằng cách nấp trong một chiếc hộp dùng để vận chuyển các nhạc cụ cho một ban nhạc được mời đến trình diễn tại tư gia của ông ở Nhật. Một điểm chắc chắn là các dữ liệu từ bộ Tư Pháp Nhật Bản không cho thấy có một cuộc xuất cảnh nào mang tên ông.
Điều tra sơ bộ cho thấy khoảng 5 giờ 15 ngày thứ Hai, 30/12/2019, một chuyên cơ tư nhân mang số hiệu TC-TSR đến từ Osaka, Nhật Bản đã đáp xuống phi trường Atatürk – không phục vụ các chuyến bay thương mại, nhưng được dùng cho các loại máy bay vận chuyển hàng hóa và các chuyến bay riêng. Chiếc máy bay này sau đó được cất vào trong kho. Vào khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, một chiếc máy bay tư nhân khác, chiếc Bombardier Challenger 300 số hiệu TC-RZA đã cất cánh từ chính phi trường trên, rồi thẳng hướng Beyrouth.
Theo hãng thông tấn DHA của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà điều tra đã có trong tay bản ghi âm trao đổi giữa phi công của chiếc máy bay thứ hai và tháp kiểm soát không lưu. “Destination Beyrouth”, phi công thông báo trong đoạn ghi âm.
Ông Ghosn đi vào Liban bằng cách nào?
Nhiều nguồn tin Liban khẳng định Carlos Ghosn đã vượt qua rào kiểm soát ở Beyrouth bằng hộ chiếu Pháp. Dường như ông có đến hai hộ chiếu. Theo kênh truyền hình NHK của Nhật Bản, một trong hai chiếc hộ chiếu được cất trong một chiếc túi đeo mà chìa khóa, một mã khóa bí mật do các luật sư bào chữa cho ông nắm giữ. Tấm hộ chiếu thứ hai này dường như được dùng để di chuyển ở trong nước. Hơn nữa, theo Le Monde, đối với một số doanh nhân các doanh nghiệp chiến lược có quan hệ làm ăn với
Israel và các nước Ả Rập, việc có thêm một hộ chiếu thứ hai là quan trọng. Các luật sư của ông hiện còn đang nắm giữ các hộ chiếu khác của ông (Brazil, Liban và Pháp).
Vẫn theo truyền thông Liban, một khi đến Beyrouth, dường như đích thân tổng thống Liban, Michel Aoun, đến đón ông tại phi trường. Trả lời câu hỏi của Le Monde, phủ tổng thống đã bác bỏ thông tin này.
Cuộc điều tra đã đi đến đâu?
Thứ Năm, 02/01/2020, kênh truyền hình NHK tiết lộ các công tố viên đã tiến hành lục soát tư dinh của ông ở Tokyo. Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở một cuộc điều tra để xác định rõ ông Ghosn đã quá cảnh Istanbul trong những điều kiện nào. Hãng thông tấn DHA còn cho biết 7 người đã bị cảnh sát bắt giữ: bốn phi công, hai nhân viên mặt đất và viên chức của một công ty vận chuyển hàng không tư nhân. Những người này bị nghi ngờ đã giúp đỡ ông Ghosn trở về Liban từ một sân bay ở Istanbul.
Nhật Bản đã có phản ứng như thế nào?
Tại Nhật Bản, báo chí chỉ trích Carlos Ghosn nhiều hơn là các thiếu sót của chính phủ, không thể ngăn cản vị doanh nhân rời đất nước. Từ các báo cấp tiến cho đến bảo thủ của Nhật đều cho rằng việc ông Ghosn đào thoát là “phạm một trọng tội”, “một hành vi hèn nhát“, và đòi “xem xét lại” lời biện minh vô tội của ông Ghosn.
Về phần mình, tập đoàn Nissan là tỏ ra kín tiếng. Hãng này e ngại phải hứng chịu thêm một yếu tố bất ổn mới. Nissan chỉ vừa mới vực dậy thì vào cuối năm 2019, nhân vật số 3 của hãng là ông Jun Seki phải từ chức chỉ sau ba tuần nhậm chức. Riêng cựu giám đốc điều hành của Nissan, ông Toshiyuki, một thời là thân cận của Carlos Ghosn, là lấy làm tiếc về cuộc đào thoát này, cho rằng “từng hy vọng sự thật sẽ được sáng tỏ ở tòa“.
Phiên xử sẽ như thế nào?
Việc ông Ghosn đào thoát buộc phải đình phiên xử, dự kiến diễn ra trong năm 2020. Giờ chỉ còn hãng Nissan và ông Greg Kelly, cánh tay phải của ông, bị bắt cùng ngày với vị cựu chủ tịch vào năm 2018 và cũng được tại ngoại hầu tra, là sẽ bị đưa ra xét xử.
Le Monde lưu ý là thứ Tư 01/01/2020, tòa án Tokyo đã chấp nhận thu khoản tiền 1,5 tỷ yên (12,3 triệu euro) mà ông Ghosn nộp vào thời điểm được tại ngoại hầu tra hồi tháng 4/2019. Với cuộc tẩu thoát này, việc trả tự do xem như bị hủy: nếu ông Ghosn quay lại Nhật Bản, ông sẽ bị đưa trở về tù ngay lập tức.
Các công tố viên phụ trách cuộc điều tra tỏ ra tức giận cho rằng “việc trả tự do có điều kiện là một sai lầm” và mọi việc giờ phải “làm lại từ đầu”. Viện công tố từng phản đối mạnh mẽ việc cho phép ông Carlos Ghosn được tại ngoại hầu tra, khi cho rằng nguy cơ nghi can đào thoát là rất cao, do những mối quan hệ rộng rãi của ông Ghosn.
Về phần các luật sư của ông Ghosn, họ thật sự ngỡ ngàng. Luật sư bào chữa chính, Junichiro Hironaka, phủ nhận mọi can dự. Đương nhiên, ông sẽ phải giải thích bởi vì chính ông là người đã bảo đảm cho việc trả tự do có điều kiện của ông Ghosn.
Liệu Carlos Ghosn có bị dẫn độ?
Nhật Bản có thể yêu cầu Liban cho dẫn độ, nhưng cuộc thương lượng dự báo là sẽ khó khăn. “Cơ may có được lệnh dẫn độ hầu như là không có”, theo như nhìn nhận của chính phủ Nhật Bản. Bởi vì, từ bao lâu nay, Tokyo đòi Beyrouth cho dẫn độ Kozo Okamoto, một trong các thủ phạm vụ tấn công khủng bố sân bay quốc tế Ben Gourion tại Israel năm 1972, làm thiệt mạng 26 người. Chính quyền Liban không những từ chối giao trả ông Okamoto, mà còn cấp quy chế tị nạn chính trị cho nhân vật này năm 2000. Nhưng theo một người khác am tường về hồ sơ này thì “Tokyo cũng có thể thông qua Paris, vốn dĩ có thỏa thuận dẫn độ với Liban”.
Trong số những phản ứng chính thức hiếm hoi từ Liban, Tổng cục An ninh, cơ quan chuyên trách về an ninh sân bay ở Beyrouth, khẳng định ông Ghosn đã nhập cảnh vào Liban “một cách hợp pháp” và do vậy “không thể truy tố ông”. Hơn nữa, theo ghi nhận của nhà kinh tế học Sami Nader, “cho đến lúc này, chính phủ Nhật Bản chưa có một yêu cầu chính thức nào gởi đến Beyrouth”. Phía Pháp, thông qua lời quốc vụ khanh đặc trách kinh tế, bà Agnès Pannier-Runacher, trên đài BFM-TV khẳng định “Carlos Ghosn sẽ không bị dẫn độ nếu ông về Pháp”.
Quan hệ Liban – Nhật Bản có bị ảnh hưởng?
Vụ việc có lẽ sẽ không có nhiều tác động đối với mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Liban. Ông Karim Emile Bitar, giám đốc Viện Khoa học Chính trị trường đại học Saint-Joseph tại Beyrouth giải thích:
Mức nhập khẩu hàng các sản phẩm điện tử hay xe hơi của Nhật tại Liban cũng khá quan trọng. Nhưng tỷ lệ này chiếm một phần khá nhỏ trong GDP của Nhật Bản, và Liban còn phát triển các mối quan hệ với nhiều con rồng châu Á khác như Hàn Quốc chẳng hạn. Có thể nói, tác động về kinh tế không nhiều, nhưng vụ Ghosn rất có thể mở ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao”.
Có một điều chắc chắn được giới doanh nhân nước ngoài tại Nhật Bản nhắc đến nhiều là vụ đào thoát của ông chủ công nghiệp quyền lực này đều tiện cho cả Pháp và Nhật Bản, cùng tránh phơi bày những thủ đoạn, bí mật bên trong hậu trường trong trường hợp phiên xử ông Ghosn được mở.
Vậy Carlos Ghosn có sẽ bị xử ở Liban hay không?
Dường như ông Ghosn muốn có một phiên xử tại Liban. Trong một thông cáo được đưa ra ngay sau khi đến Beyrouth, ông tuyên bố là “không chạy trốn công lý” và “được giải thoát khỏi sự bất công”. Tuyên bố này cho phép suy đoán ông không từ chối một có một phiên xử nhưng trong một môi trường thuận lợi hơn.
Carlos Ghosn giải thích rằng ông chạy trốn là vì ông quá mệt mỏi về điều mà ông gọi là “con tin của một hệ thống tư pháp Nhật Bản thiên vị”, ở đó, “các quyền cơ bản của con người là bị chối bỏ”.
Thứ Năm, 02/01/2020, bộ trưởng Tư Pháp Liban, ông Albert Sarhane, cho biết đã nhận được một “lệnh truy nã đỏ” từ Interpol nhắm vào Carlos Ghosn, tức là một yêu cầu bắt giữ từ phía tổ chức cảnh sát quốc tế.
Tương lai nào cho Carlos Ghosn?
Từ nhiều năm qua có nhiều lời đồn thổi cho rằng Carlos Ghosn rất có thể sẽ ra tranh cử tổng thống ở Liban. Nhưng trong trước mắt, tương lai chính trị của ông dường như là điều không thể. Hơn nữa, phong trào phản kháng đang diễn ra tại Liban từ tháng 10/2019 chống nạn tham nhũng trong giới chức chính quyền và tài chính đòi các lãnh đạo phải minh bạch hơn nữa.
Trên bình diện kinh doanh, ông chủ ngành công nghiệp đầy thế lực này đã đầu tư vào ngành chế biến rượu vang tại Liban, cũng như trong bất động sản. Ông còn trao tặng nhiều khoản quyên góp quan trọng cho nhiều định chế tại Liban. Carlos Ghosn có nhiều mối quan hệ chặt chẽ ngay trong giới chính khách Liban. Nhiều bạn học cũ tại một trong những cơ sở đào tạo danh giá nhất của Liban đã vận động thành lập một ủy ban hỗ trợ. Theo đánh giá của ông Bitar, ông “Ghosn đã cắm rễ sâu tại Liban”.
Le Monde ghi nhận công luận Liban bị chia rẽ giữa những người cho rằng Carlos Ghosn là nạn nhân của một âm mưu và những người nghiêm túc tin vào những cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông. Những người ủng hộ cho rằng ông Ghosn là “một biểu tượng của thế giới kinh doanh, niềm tự hào của đất nước” và người ta thông cảm với “điều kiện giam giữ ông”. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Nader lưu ý, “điều này từng đúng như thế. Nhưng lòng nhiệt tình đó gần đây đang bị xói mòn đôi chút”.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200103-carlos-ghosn-nghi-v%E1%BA%A5n-h%E1%BB%87-qu%E1%BA%A3-cu%E1%BB%99c-ch%E1%BA%A1y-tr%E1%BB%91n

Carlos Ghosn có nguy cơ bị kiện về tội “phản quốc”

Trọng Nghĩa
Cựu lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault-Nissan, Carlos Ghosn như vậy đã rất thành công trong việc tổ chức cuộc chạy trốn khỏi Nhật Bản để về Liban an toàn. Thế nhưng, những khó khăn mà ông sẽ phải trải qua chưa phải là đã hoàn toàn chấm dứt.
Ngày 02/01/2020, Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế nhắm vào ông, trong lúc ba luật sư tại Liban đang muốn kiện ông ra tòa về tội phản quốc vì có quan hệ với Israel. Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh tại Beyrouth phân tích:
« Carlos Ghosn chưa hoàn toàn tai qua nạn khỏi. Sau khi được đón giao thừa với tư cách là một người được tự do ở Beyrouth cùng với vợ và những người bạn thân, cựu tổng giám đốc Renault-Nissan phải đối mặt với những rắc rối đầu tiên.
Chính quyền Liban đã nhận được lệnh truy nã quốc tế do Interpol ban hành hôm thứ Năm (02/01/2020) theo yêu cầu của Nhật Bản nhắm vào ông trùm ngành ô tô bị phế truất.
Ông Carlos Ghosn sẽ phải ra trình diện một công tố viên Liban vào tuần tới, nhưng có lẽ ông sẽ được tại ngoại. Và sẽ không có vấn đề ông bị cho dẫn độ qua Nhật, vì luật pháp Liban cấm giao công dân nước này cho một quốc gia khác để bị xét xử.
Một tin xấu khác trong ngày đối với ông Carlos Ghosn là một thông tri gởi cho bên công tố Liban, buộc ông vào tội « phản quốc ». Ba luật sư chịu trách nhiệm về đơn kiện này đã cáo buộc ông chủ cũ của Renault-Nissan là đã đi qua vùng ʺlãnh thổ của kẻ thùʺ và vi phạm luật tẩy chay Israel của Liban.
Trong khuôn khổ công việc của mình, quả thực là ông Carlos Ghosn đã đến Israel vào tháng Giêng năm 2008, nơi ông đã được tổng thống Ehud Olmert và thủ tướng Shimon Peres thời đó tiếp đón.
Vấn đề là luật pháp Liban rất nghiêm ngặt về điểm này và cấm mọi liên hệ với Israel, một quốc gia mà trên nguyên tắc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh với Liban từ năm 1948 đến nay. »
Điều tra tiến triển
Tại Nhật Bản, các tiết lộ về cách ông Carlos Ghosn trốn khỏi nước này càng lúc càng nhiều. Hình ảnh camera theo dõi trước nhà riêng của ông tại Tokyo cho thấy là ông đã rời khỏi nơi cư trú một mình hôm Chủ Nhật tuần trước, và không thấy quay trở lại.
Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, đoạn video cho thấy là bên cạnh ông không có một bóng dáng đáng ngờ nào vào thời điểm đó. Có thể là sau đó ông mới có người giúp đỡ.
Trong ngày 02/01/2020, ông Ghosn khẳng định rằng ông đã trốn qua Liban « một mình », nhưng không cho biết chi tiết về chuyến bay của ông.
Hãng AFP cho biết, giới điều tra đã lập lại được chi tiết hành trình đáng ngạc nhiên này : Ông được cho là đã lên máy bay riêng tại sân bay quốc tế Kansai, gần Osaka (phía tây Nhật Bản) tối Chủ nhật ngày 29 tháng 12, để đi đến Istanbul. Sau một thời gian quá cảnh ngắn ngủi vào rạng sáng thứ Hai tại sân bay Atatürk, được các máy bay vận tải và cho các chuyến bay riêng sử dụng, ông Ghosn đã dùng một máy bay riêng khác đến Beyrouth ngay sau đó.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã có bảy người, trong đó có bốn phi công, bị câu lưu trong khuôn khổ cuộc điều tra về việc ông Ghosn quá cảnh Istanbul trên đường về Liban.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200103-carlos-ghosn-nguy-c%C6%A1-b%E1%BB%8B-ki%E1%BB%87n-t%E1%BB%99i-ph%E1%BA%A3n-qu%E1%BB%91c

Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Việt Nam

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi sẽ thăm Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 1 trong chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á bắt đầu từ ngày 5/1 đến ngày 10/1.
Ngoài Việt Nam, Ngoại trưởng Motegi cũng tới thăm Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Thông tấn xã Việt Nam trích lời giới chức Bộ Ngoại giao Nhật cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngoại trưởng Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế bao gồm việc tiếp nhận lao động Việt vào Nhật.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật, Việt Nam và Nhật sẽ gia tăng hợp tác ở mức khu vực và quốc tế trên cơ sở đối tác chiến lược mở rộng.
Theo VNA, chuyến thăm cũng nhằm duy trì và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do.
Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Nhật sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, và chứng kiến lễ ký trợ giúp phát triển (ODA) của Nhật dành cho Việt Nam.
Ngoại trưởng Nhật cũng dự bữa tối với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-japanese-foreign-minister-to-pay-visit-5-7-january-2020-01032020080209.html

Chủ tịch Bắc Hàn

khuyến cáo về vũ khí chiến lược gây sốc

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Khi thể hiện sự thất vọng vô cùng trước các cuộc đàm phán nguyên tử bị đình trệ, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un khuyến cáo về hành động gây “sốc”,  và đất nước của ông sẽ sớm tiết lộ một “vũ khí chiến lược”  để củng cố khả năng đánh chặn nguyên tử trước áp lực “kiểu xã hội đen” của Hoa Kỳ.
Ông Kim cũng tuyên bố rằng Bắc Hàn không còn bị bắt buộc phải tự đình chỉ thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, mà Tổng thống Trump gọi là một thành tựu ngoại giao lớn. Nhưng ông Kim không đưa ra dấu hiệu rõ ràng rằng việc tiếp diễn các cuộc thử nghiệm này sắp xảy ra và dường như để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán cuối cùng. Ông Kim sử dụng thế bế tắc ngoại giao để mở rộng khả năng quân sự của ông bằng cách tăng cường thử nghiệm vũ khí tầm ngắn. Kho vũ khí của ông
hiện được ước tính bao gồm 40 đến 50 quả bom nguyên tử và các hệ thống vận chuyển khác nhau, bao gồm cả hỏa tiễn nhiên liệu rắn được thiết kế để đánh bại các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn,  và  hỏa tiễn liên lục địa có khả năng bay đến Hoa Kỳ.
Ông Kim cũng củng cố vị thế đàm phán của ông, thúc đẩy việc ngoại giao theo hướng một cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí giữa các quốc gia nguyên tử thay vì các cuộc đàm phán dẫn đến sự đầu hàng vũ khí đơn phương mà ông xem là sự bảo đảm mạnh nhất cho khả năng sinh tồn của Bắc Hàn.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chu-tich-bac-han-khuyen-cao-ve-vu-khi-chien-luoc-gay-soc/

Kim Jong Un cảnh báo

chông gai trong ‘cuộc đối đầu lâu dài’ với Mỹ

William Gallo
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có lẽ chưa chính thức tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân trong bài phát biểu đầu năm đăng ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, ông Kim có vẻ như chuẩn bị tinh thần cho người dân nội địa về tương lai lâu dài không được nới lỏng chế tài, bác bỏ khả năng tiến bộ trong những cuộc thương thuyết vốn ngưng trệ trong nhiều tháng.
Trong bài phát biểu cuối hội nghị 4 ngày của đảng cầm quyền, ông Kim đưa ra một lập trường mới đối với Hoa Kỳ và cảnh báo nước ông về khả năng có những thời kỳ chông gai trước mắt. Do “sự đối đầu lâu dài với Hoa Kỳ,” ông Kim nói, chuyện này nên xem như là một sự đã rồi rằng chúng ta phải sống dưới những chế tài của những lực lượng thù nghịch trong tương lai.”
“Sự đối đầu giữa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Mỹ kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác hiện đã dồn thành một sự đối đầu rõ ràng giữa tự túc và chế tài,” ông Kim nói.
Ông Kim cũng dọa tái tục các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa hay thử nghiệm hạt nhân và cảnh cáo thế giới sẽ sớm chứng kiến một “vũ khí chiến lược mới”—bình luận này đã được tường thuật sâu rộng trên truyền thông quốc tế.
Tuy nhiên thông điệp gởi quốc dân của ông cũng cho thấy rằng ông Kim trở về tay không sau cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 2 năm qua tại Hà Nội với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
“Tôi nghĩ thất bại tại Hà Nội làm mất khán giả cho ông ấy và cho những người cổ súy cho lập trường ngoại giao với Mỹ,” ông Andray Abrahamian, một học giả tại Trường đại học George Mason Triều Tiên, nói. Ông Abrahamian nói tiếp “Họ tỏ ra yếu khi yêu cầu nới lỏng chế tài, nay họ ra chỉ dấu là họ không cần nữa.”
Giới ưu tú bất bình
Tại Hà Nội, ông Kim đề nghị dỡ bỏ ít nhất một phần của khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon để đổi lấy việc nới lỏng chế tài đã kéo lùi nền kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ đề nghị này. Đây có thể là một sự mất mặt cho ông Kim.
Thất bại trong việc được nới lỏng chế tài là một bất bình chính đối với giai cấp doanh nhân mới nổi của Triều Tiên, hiện bị thiệt hại vì những hạn chế về kinh tế, cũng như đối với những thành viên bảo thủ trong giai cấp ưu tú truyền thống, nhiều người trong số này chống lại những cuộc thương thuyết với kết quả là Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bài diễn văn của ông Kim có thể được soạn thảo một phần để thuyết phục các nhóm này gắn bó với chế độ–kêu gọi tiếp tục trung thành, tự túc và quyết tâm đối đầu với khó khăn.
Những khó khăn trước mắt
Một thay đổi quan trọng có khả năng xảy ra: một bước ngoặt thình lình về phía chính sách của Triều Tiên ưu tiên hạt nhân cùng lúc với phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa là chi tiền nhiều hơn vào quốc phòng.
Ông Kim gợi ý về khả năng “thắt lưng buộc bụng” có nghĩa là hy sinh khu vực dân sự để xây dựng quốc phòng, theo nhận xét của bà Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích ở Seoul của NK News, trang web chú trọng đến Triều Tiên.
Năm 2012, ông Kim cam kết Triều Tiên “sẽ không bao giờ thắt lưng buộc bụng nữa.” Một năm sau, ông Kim loan báo chính sách byungjin. Vào năm 2018, ông Kim đảo ngược hướng đi, tuyên bố Triều Tiên có thể chú trọng đến tăng trưởng kinh tế. Bây giờ ông Kim có thể đã ra chỉ dấu là trở lại chính sách byungjin trên thực tế, nhà phân tích Lee của NK News nói.
Đây không phải là con đường duy nhất mà người dân Triều Tiên có thể bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Ông Kim cũng kêu gọi trấn áp mạnh hơn đối với những hành động “chống xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa,” gợi ý cho thấy các giới hạn khả dĩ đối với thị trường tư nhân đã được phép nổi lên trong những thập niên gần đây. Ông Kim cũng kêu gọi “thắt chặt kỷ luật đạo đức trong toàn xã hội.”
Bác bỏ đề nghị của Washington
Tại một vài điểm, ông Kim hình như công nhận là các chế tài làm tổn hại đến kinh tế của nước ông, nhưng ông cho rằng “chúng ta không thể từ bỏ an ninh tương lai của chúng ta vì những kết quả kinh tế, hạnh phúc, và tiện nghi trông thấy.”
Dù diễn văn của ông Kim không hoàn toàn bác bỏ những cuộc thương thuyết hạt nhân, nhưng đưa ra một lập trường cứng rắn hơn trong năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng đối với nền kinh tế Triều Tiên.
Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Ewha Womans University ở Seoul nhận định: “Ông ta muốn Hoa Kỳ thương thuyết với Triều Tiên như là với một cường quốc hạt nhân đủ tư cách và trách nhiệm.”
https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-ch%C3%B4ng-gai-trong-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-l%C3%A2u-d%C3%A0i-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9/5230378.html

Đại tướng tử nạn, Đài Loan ngừng bay 52 trực thăng

Đài Loan tạm thời cho ngừng bay tất cả 52 trực thăng Black Hawk trong quân lực nước này sau vụ đại tướng Thẩm Nhất Minh cùng nhiều sĩ quan cao cấp tử nạn.
Đài Loan nói đô đốc Lưu Chí Bân tạm thời nắm chức tổng tham mưu trưởng và tổng tư lệnh quân đội thay ông Thẩm Nhất Minh.
Tổng thống Thái Anh Văn, trong lễ ngày 03/1/2020 để tưởng niệm các sĩ quan cao cấp tử nạn, đã yêu cầu quân đội “cảnh giác và bám sát tình hình xuyên eo biển với Trung Quốc”.
Bà Thái Anh Văn nói tình hình tại eo biển Đài Loan “chuyển động nhanh”.
Ông Lưu Chí Bân, cựu tư lệnh hải quân, hiện giữ chức phó tổng tham mưu trưởng, được đề bạt tạm thời nắm quyền tổng tư lệnh quân lực.
Vì sao Tưởng Kinh Quốc cho phép có đảng đối lập ở Đài Loan?
Đại tướng Đài Loan thiệt mạng trong tai nạn trực thăng
Đài Loan gửi mặt nạ phòng hơi độc cho Hong Kong
Hoa Kỳ ‘dùng Đài Loan kiềm chế TQ’?
Tuần cuối tháng 12/2019, tàu sân bay thứ nhì của Trung Quốc, chiếc Sơn Đông, đã đi qua eo biển Đài Loan từ phía Nam lên phía Bắc.
Cùng tàu Sơn Đông còn có các chiến hạm khác của Trung Quốc.
Không quân Đài Loan tạm ngừng bay để kiểm tra kỹ thuật 14 chiếc trực thăng Black Hawk, và lục quân cũng kiểm tra 30 chiếc của họ.
Tám chiếc khác, hiện do cơ quan dịch vụ hàng không của Bộ Nội vụ, sử dụng để tuần tra và huấn luyện, cũng được kiểm tra.
Giới chức sẽ đánh giá lại cả radar, bộ phận điều khiển, xăng dầu và tính năng khí động học của tất cả các trực thăng Black Hawk, theo phóng viên BBC News, Cindy Sui từ Đài Bắc cho biết hôm 03/01.
Trực thăng UH-60 Black Hawk từng được dùng vào các cuộc tập trận của Đài Loan trong tình huống như bị Trung Quốc tấn công.
Do tập đoàn Sikorsky Aircraft của Hoa Kỳ chế tạo, UH-60 Black Hawk là loại trực thăng đa dụng chiến thuật, có hai động cơ.
Vừa dùng vào vận tải, vừa có thể trang bị trở thành trực thăng tấn công, UH-60 Black Hawk được chế tạo với nhiều mẫu khác nhau.
Model A có thể chở được 11 quân nhân mang đầy đủ vũ khí cùng tổ lái ba người.
Model L có thể mang theo tên lửa không đối đất.
Chiếc gặp nạn ở Đài Loan hôm đầu năm là model M, cũng là loạ̣i được Hoa Kỳ bán cho các nước như Croatia, Thái Lan và Đài Loan.
Ngay trước bầu cử
Cái chết của Đại tướng Thẩm Nhất Minh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan hôm 02/01 cùng một loạt sĩ quan cao cấp gây choáng cho cả nước.
Vụ việc xảy ra không lâu trước kỳ bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới.
Cả ba ứng viên tổng thống đều đã tạm ngưng vận động tranh cử trong ngày thứ Năm khi nghe tin về vụ tai nạn.
Tối ngày 02/01, thi thể của ông Thẩm Nhất Minh được chuyển về bệnh viện tại Đài Bắc.
Tại đó, đội danh dự và các sĩ quan, quan chức quốc phòng, gồm bộ trưởng Nghiêm Đức Phát có mặt để vĩnh biệt ông Thẩm cùng các tướng tá, sĩ quan và hạ sĩ quan khác thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Tám người tử nạn trong vụ trực thăng đâm xuống núi gồm Đại tướng Thẩm Nhất Minh, thiếu tướng Vu Thân Văn (phó chủ nhiệm Cục Chiến tranh Chính trị), thiếu tướng Hồng Hồng Quân (phó tổng tham mưu trưởng phụ trách thông tin điện tử), trung tá Diệp Kiến Nghi, thiếu tá Hoàng Thánh Hàng, phi công Lưu Trần Phú và hai kỹ sư quân sự là trung sĩ Hàn Chính Hoành và trung sĩ Hứa Hồng Bân.
Năm người sống sót có các sĩ quan cấp tướng thuộc bộ tổng tham mưu, bộ quốc phòng và một phóng viên quân đội.
Tổng thống Thái Anh Văn đã ra lệnh cho mọi đơn vị quân đội treo cở rủ để tưởng niệm tướng Thẩm cùng các đồng đội tử nạn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50983333

Tổng thống Đài Loan

kêu gọi Quân Đội cảnh giác Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Một hôm sau tai nạn trực thăng làm tổng tham mưu trưởng Quân Đội Đài Loan và 3 viên tướng cao cấp khác thiệt mạng, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã triệu tập ngay một cuộc họp với các quan chức quốc phòng cao cấp ngày 03/01/2020. Bà kêu gọi quân đội cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Đài Loan cho biết hội nghị tập trung vào việc giữ vững tinh thần chiến đấu của binh sĩ, cũng như bảo đảm an ninh bên trong và xung quanh eo biển Đài Loan. Một chủ đề khác là kiểm tra lại toàn bộ các loại trang thiết bị đang sử dụng.
Cuộc họp diễn ra ngay sau khi Quân Đội Đài Loan ban hành lệnh cấm bay đối với toàn bộ 52 chiếc UH-60M Black Hawk của nước này, được biên chế cho lực lượng không quân, lục quân và không vận.
Trong một đoạn video được văn phòng tổng thống Đài Loan công bố, người ta thấy bà Thái Anh Văn yêu cầu các quan chức bao gồm cả bộ trưởng Quốc Phòng, là phải cảnh giác và chú ý đến diễn biến quân sự quanh eo biển Đài Loan.
Thứ Năm 02/01, một chiếc trực thăng Black Hawk chở theo 13 người, đã bị rơi xuống một khu rừng núi phía bắc Đài Bắc. Tướng Thẩm Nhất Minh, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Đài Loan bị thiệt mạng cùng với 7 sĩ quan cao cấp khác trong đó có phó cục trưởng Cục Chiến Tranh Chính Trị và phó tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo. Trong số năm người sống sót có ba viên tướng khác.
Tai nạn đang được điều tra, dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến việc tổ chức cuộc bầu cử, mà bà Thái Anh Văn được cho là nhiều triển vọng chiến thắng. Tuy nhiên, tổn thất nhân mạng trong tai nạn sẽ buộc Đài Loan phải cải tổ khẩn cấp guồng máy sĩ quan quân sự hàng đầu. Câu hỏi cũng được đặt ra về việc tại sao có quá nhiều sĩ quan cao cấp đi cùng một chuyến bay như vậy.
Trung Quốc đe dọa sử dụng biện pháp quân sự nếu cần thiết để sát nhập Đài Loan. Một khoảng trống trong bộ phận lãnh đạo quân đội tại Đài Bắc có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường đe dọa quân sự.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200103-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-%C4%91%C3%A0i-loan-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-trung-qu%E1%BB%91c

TQ toan tính gì trong dự án xây dựng sân bay

và cảng biển Dara Sakor tại Campuchia?

Dự án Dara Sakor, một sân bay được xây dựng tại một khu rừng rậm hoang sơ ở phía Tây Nam Campuchia, do nhà thầu Trung Quốc thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận tại Campuchia cùng giới quan sát khu vực, với nhiều nghi ngại về mục đích và ý đồ thực sự đằng sau nó.
Mắt xích quan trọng trong chiến lược hiện diện quân sự của TQ?
Theo thiết kế sân bay quốc tế Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong sẽ sở hữu đường băng dài nhất Campuchia. Cách đó không xa, dự án xây dựng một cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu chiến cũng đang được triển khai. Điều đáng chú ý là các dự án này đã được Chính phủ Campuchia cấp phép và đều do các công ty xây dựng của Trung Quốc phụ trách thi công. Mặc dù giới chức hai bên đều khẳng định chúng chỉ phục vụ mục đích dân sự, song quy mô của thỏa thuận giao đất tại Dara Sakor đang khiến không ít người hoài nghi, đặc biệt khi một phần của dự án mọc lên trong khu vực vốn bị coi là “rừng thiêng nước độc” đối với dân địa phương Campuchia .
Chuyên gia Sophal Ear tại Đại học phương Tây ở Los Angeles (Mỹ) nghi ngại tại sao Trung Quốc lại muốn xây đường băng giữa rừng rậm? Công trình này sẽ giúp Trung Quốc phát huy sức mạnh không quân ra toàn khu vực, làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Khi mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, Trung Quốc phải cạnh tranh với chiếc ô an ninh mà Mỹ đã dựng lên tại khu vực từ hàng thập kỷ trước như tại Thái Lan, Philippines. Nhưng ở Campuchia lại khác, Thủ tướng Hun Sen đang có xu hướng quay lưng với Mỹ và đón nhận nồng nhiệt Trung Quốc, hiện là nhà đầu tư kiêm đối tác thương mại lớn nhất của Phnom Penh.
Những cảnh báo từ chính phủ các nước và giới chuyên gia
Tại khu vực bờ biển Dara Sakor, giới chức quân sự Mỹ cho biết Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền nhằm mở rộng một căn cứ hiện nay của hải quân Campuchia. Để tránh những chỉ trích từ dư luận, cả hai đều có những tuyên bố trấn an như Campuchia sẽ không cho phép nước ngoài đặt quân đội trên lãnh thổ Campuchia, tuy nhiên hình thức thực tế tại các cảng biển, sân bay này sẽ là phục vụ hoạt động thăm viếng, tiếp tế hoặc đồn trú luận phiên thay vì thiết lập căn cứ cố định như Mỹ tại Philippines. Tuy nhiên, những quan ngại vẫn không hết. “Chúng tôi lo ngại rằng đường băng và các cơ sở hạ tầng bến cảng ở Dara Sakor đang được xây dựng nhằm phục vụ mục đích quân sự bởi quy mô của nó vượt xa nhu cầu hạ tầng cho hoạt động thương mại cả ở hiện tại và tương lai”, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn cho biết. “Bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm hoan nghênh quân đội nước ngoài hiện diện ở nước này cũng đều sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định tại khu vực”, Đại tá Eastburn nói thêm. Bộ Tài chính Mỹ hồi đầu tháng áp đặt lệnh trừng phạt với tướng Kun Kim, cựu tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), với cáo buộc ông này có liên quan đến dự án ở Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong và hưởng lợi tài chính từ quan hệ với một công ty quốc doanh Trung Quốc. Thủ tướng Hun Sen bác bỏ những ý kiến cho rằng ông để Trung Quốc thiết lập hiện diện quân sự ở Campuchia. Chính phủ của ông khẳng định đường băng và bến cảng ở Dara Sakor sẽ biến vùng rừng rậm hẻo lánh này thành một trung tâm hậu cần toàn cầu, giúp “tạo ra phép màu”.
Mâu thuẫn ngay từ nội bộ Cmpuchia về tính minh bạch của các dự án
Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc tướng Kun Kim hưởng lợi từ “mối quan hệ với một thực thể nhà nước Trung Quốc”, đồng thời “sử dụng binh lính để đe dọa, phá hủy và giải tỏa đất”. Dù với điều khoản cho thuê hào phóng, khu phức hợp nghỉ dưỡng là một phần của dự án Dara Sakor đã được hoàn thành hiện khá ảm đạm vì không có khách. Nhưng thay vì rút khỏi một dự án không hiệu quả, các nhà đầu tư Trung Quốc lại tăng gấp đôi khoản đầu tư. Những công trình mới tại Dara Sakor bao gồm một đường băng dài 3.200 m và một cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận tàu 10.000 tấn. Câu hỏi “Ai kiểm soát liên doanh ở Dara Sakor” hiện vẫn mơ hồ. Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat lại nói với báo New York Times rằng Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia đang điều hành dự án sân bay, đồng nghĩa nó không thể có mối liên hệ nào với quân đội Trung Quốc. Song Sin Chansereyvutha, Phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia cho biết cơ quan này tôi không có bất kỳ thỏa thuận nào ở sân bay Dara Sakor. “Sẽ không có quân đội Trung Quốc ở Campuchia, không bao giờ”, Phát ngôn viên Chính phủ Campuchia Pay Siphan nhấn mạnh. “Có lẽ người da trắng muốn kìm hãm Campuchia bằng cách ngăn cản chúng tôi phát triển kinh tế”. Hồi đầu năm, Campuchia cũng đã mời phóng viên quốc tế vào thăm quan thực tế tại các dự án này để tăng mức độ thuyết phục.
Cách Dara Sakor khoảng 80 km, một dự án bất động sản của Trung Quốc tiếp tục mọc lên tại một công viên quốc gia khác. Khu nghỉ dưỡng quốc tế Sealong Bay có cảnh quan biển và đầu bếp Trung Quốc. Nhưng dự án bên cạnh nó mới thu hút được chú ý: Căn cứ hải quân Ream, lớn nhất Campuchia. “Tất cả những dự án này đều bao trùm sự mơ hồ bởi bạn không bao giờ biết chắc điều gì đang diễn ra”, Devin Thorne, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, trụ sở ở Washington (Mỹ) bình luận. Hồi tháng 7, tờ “Wall Street Journal” đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần quân cảng Ream trong vòng 30 năm. Hai năm trước, quân đội Campuchia hủy các cuộc tập trận chung với Mỹ và bắt đầu các cuộc tập trận chung với Trung Quốc.
Sau đó, Thủ tướng Hun Sen hồi giữa năm thông báo ông đã chi 240 triệu USD mua vũ khí Trung Quốc, một động thái cho thấy mối quan hệ quân sự ngày càng khăng khít giữa hai nước.
http://biendong.net/bien-dong/32442-tq-toan-tinh-gi-trong-du-an-xay-dung-san-bay-va-cang-bien-dara-sakor-tai-campuchia.html

Trung Cộng phạt tiền kẻ ném đồng xu

vào động cơ máy bay để cầu may

Tin An Huy, Trung Cộng – Một người đàn ông 28 tuổi đã bị tòa án Trung Cộng yêu cầu bồi thường 17,600 Mỹ kim cho hãng hàng không Lucky Air, sau khi anh ta ném đồng xu vào động cơ máy bay để cầu may trước chuyến đi vào năm ngoái. Tòa án quận Nghi Tú, tỉnh An Huy, ra phán quyết với bị cáo Lu Chao từ tháng 7, 2019, nhưng gần đây mới công bố.
Bị cáo Lu, người lần đầu tiên đi máy bay, thừa nhận đã ném vài đồng xu vào động cơ máy bay của hãng hàng không Lucky Air vào ngày 17 tháng 2 năm ngoái, với hy vọng sẽ có một chuyến bay an toàn. Chuyến bay của Lucky Air từ An Khánh đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã bị hủy sau khi nhân viên hàng không phát hiện 2 đồng xu 1 yuan trên mặt đất, gần một động cơ máy bay. Toàn bộ hành khách sau đó phải rời máy bay và phi cơ tạm dừng hoạt động để kiểm tra. Hãng Lucky Air, có trụ sở ở Côn Minh, phải sắp xếp chỗ nghỉ và các chuyến bay thay thế cho những hành khách bị mắc kẹt, gây ra thiệt hại hơn 123,000 yuan, tương đương 17,600 Mỹ kim. Trong khi đó, Lu bị cảnh sát giam 10 ngày với cáo buộc gây rối trật tự xã hội. Hồi tháng 5, Lucky Air khởi kiện Lu yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tại tòa, Lu cho rằng chi phí bảo trì của hãng hàng không quá cao và Lucky Air lẽ ra nên thông báo trước khi hành khách lên máy bay, để nhắc họ không nên ném đồng xu vào động cơ. Lu nói anh ta không đủ khả năng bồi thường thiệt hại của hãng hàng không.
Tuy nhiên, tòa án ra lệnh Lu phải bồi thường toàn bộ 17,200 Mỹ kim cho Lucky Air, nhưng giảm phí tòa án xuống còn 66 Mỹ kim. Nhiều sự việc tương tự đã xảy ra ở Trung Cộng trong thời gian gần đây, và vụ án của Lu là vụ thứ 2 được xét xử.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-phat-tien-ke-nem-dong-xu-vao-dong-co-may-bay-de-cau-may/

2 người Việt Nam bị tội phạm Trung Cộng bắt cóc

được giải cứu

Vào đêm 31/12, hai người phụ nữ Việt Nam được giải cứu ở một nhà trọ ở khu Golden Gate, thành phố Las Pinas từ tay những kẻ bắt cóc là người Trung Cộng.
Theo Văn phòng cảnh sát khu vực thủ đô quốc gia Philippines, vào 20 giờ ngày 31/12, cảnh sát phát hiện chị Pha Ti Khim Yin và chị Nguyễn Thị Thân Mai bị bắt trong tình trạng tay chân bị trói bằng băng keo.
Cảnh sát tiến hành bắt giữ nghi can Li Muqin. Nghi can còn lại được xác định là Zhao Chao vẫn đang lẩn trốn.
Theo tờ Inquirer đưa tin, cả hai đều mang quốc tịch Trung Cộng. Theo lời khai của các nạn nhân, họ biết hai người đàn ông này xử dụng một ứng dụng hẹn hò trên mạng vào ngày 30/12 và đồng ý gặp nhau tại nhà trọ. Ngay khi đến nhà, các nghi can lập tức bắt trói nạn nhân rồi ép họ liên lạc với người nhà để đòi tiền chuộc là 1 triệu peso (hơn 19,700 Mỹ kim). Một nạn nhân đã gửi địa điểm nơi giam giữ cho người thân cũng là người Việt Nam để trình báo cảnh sát. Nghi can Li Muqin phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng về tội bắt cóc và giam giữ người trái phép.
Các vụ án có liên quan đến người Trung Cộng ở Philippines tăng nhanh trong những năm qua, đặc biệt ở khu vực phía nam Manila nơi có nhiều sòng bạc đang hoạt động mạnh.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/2-nguoi-viet-nam-bi-toi-pham-trung-cong-bat-coc-duoc-giai-cuu/

Nhìn lại phản ứng liên quan việc Malaysia kiến nghị

Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ

xét duyệt yêu cầu mở rộng ranh giới thềm lục địa

Ngày 12/12, Malaysia đã đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) xét duyệt yêu cầu mở rộng ranh giới thềm lục địa qua khỏi Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của của Manila ở Biển Đông. Động thái trên đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận khu vực và các bên liên quan.
Tuyên bố cứng rắn của Manila
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdulla chỉ trích việc Bắc Kinh lập bản đồ tự vẽ “đường 9 đoạn” để tuyên bố sở hữu hầu như toàn bộ Biển Đông là quá lố bịch. Theo ông, đề nghị của Malaysia là nhằm khẳng định chủ quyền trên toàn bộ thềm lục địa và các tài nguyên bên dưới gồm các mỏ dầu khí có thể có trong khu vực này. “Đó là một tuyên bố chủ quyền mà chúng tôi sẽ bảo vệ. Nhưng dĩ nhiên là bất kỳ ai cũng có thể thách thức và tranh cãi, điều không hề bất thường”, ông Saifuddin Abdulla tuyên bố.
Phản ứng của Bắc Kinh
Hành động của Malaysia đã khiến Trung Quốc bối rối. Trung Quốc chỉ trích đó là hành động “khiêu khích”. Bắc Kinh đòi CLCS không duyệt đơn đăng ký ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông của Malaysia và cáo buộc quốc gia Manila vi phạm luật pháp quốc tế và “xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc. Trong thư gửi đến Tổng Thư ký Antonio Guterres vào tuần trước, phái đoàn thường trực của Trung Quốc bên cạnh Liên hợp quốc khẳng định “Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và một vùng tiếp giáp lãnh hải căn cứ vào các đảo của nước này ở Biển Đông; vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa”. Vì vậy, Bắc Kinh “nghiêm túc yêu cầu Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) không xem xét hồ sơ của Malaysia”. Trung Quốc có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có chủ quyền lịch sử ở Nam Hải”, theo cách Trung Quốc gọi Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng gửi ý kiến phản đối đến Malaysia, nêu việc nước này “vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và vi phạm các chuẩn mực quan hệ quốc tế”.
Giới chuyên gia của Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Malaysia, cho rằng “ranh giới mới mà Malaysia đề xuất đi qua vùng biển nằm giữa hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (cách Trung Quốc gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và chồng lấn lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc. Đó là một hành động đơn phương không có lợi cho sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quốc gia”. Đồng thời cho rằng CLCS bản chất là một tổ chức khoa học không có nhiệm vụ xem xét các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền sẽ không giải quyết vấn đề, như CLCS đã không vào cuộc khi Việt Nam và Malaysia hồi năm 2009 đã cùng nộp đơn đăng ký ECS ở phía nam Biển Đông.
Giới chuyên gia nghiên cứu các nước
Theo các nhà quan sát, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định nếu thềm lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý, thì nước này có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý, gọi là thềm lục địa mở rộng. Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải (ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nói đơn đăng ký thềm lục địa mở rộng của Malaysia đã khiêu khích Trung Quốc phản ứng, tương tự vụ năm 2009 và ông nói thêm rằng lúc này nên tiến hành các bước đáp ứng yêu cầu của CLCS hơn là chọc tức Trung Quốc.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên vùng biển này, bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan. Mới đây, Trung Quốc tung ra tàu sân bay Sơn Đông nhằm hù dọa các nước tranh chấp chủ quyền. Hồi tháng 7/2019, Trung Quốc đã cử nhóm tàu thăm dò Hải Dương địa chất 8 xâm phạm thềm lục địa và EEZ của Việt Nam, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác dầu khí giữa Việt Nam với công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft ở gần Bãi Tư Chính. Trung Quốc cũng đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền bãi này. Đến tháng 10 thì tàu Hải Dương địa chất 8 rời đi.
Việc Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông đã khiến Mỹ cùng các đồng minh công khai thách thức, tiến hành các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải ở vùng biển này. Các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc FONOP, như một cách gây ấn tượng với các nước đàm phán COC rằng chớ nên xâm phạm những lợi ích quan trọng của các quốc gia sử dụng hàng hải quốc tế, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không.
http://biendong.net/bien-dong/32446-nhin-lai-phan-ung-lien-quan-viec-malaysia-kien-nghi-uy-ban-ranh-gioi-them-luc-dia-lhq-xet-duyet-yeu-cau-mo-rong-ranh-gioi-them-luc-dia.html

Ấn Độ quyết đưa phi thuyền lên mặt trăng năm nay

Ấn Độ có kế hoạch thử một lần nữa phóng phi thuyền không người lái lên mặt trăng vào năm 2020, sau thất bại hồi năm ngoái, người đứng đầu chương trình không gian của nước này loan báo hôm 1/1/2020.
Công việc tiến triển tốt đẹp với chương trình Chandrayaan-3 nhằm đưa một xe tự hành lên bề mặt mặt trăng, chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian của Ấn Độ K. Sivan, nói tại một cuộc họp báo.
“Chúng tôi nhắm phóng phi thuyền vào năm nay nhưng có thể lấn sang năm tới,” ông Sivan nói. Các nguồn tin ở Ấn cho hay nhà cầm quyền đã ấn định tháng 11 là mục tiêu tạm thời để phóng phi thuyền.
Ấn Độ đang tìm cách trở thành quốc gia thứ tư sau Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa phi thuyền lên mặt trăng và đẩy mạnh danh tiếng của nước này là một cường quốc không gian chi phí thấp.
Mô-đun Chandrayaan-2 của Ấn Độ rớt xuống bề mặt mặt trăng vào tháng 9 năm ngoái.
Ông Sivan nói mô-đun đẩy, phi thuyền đáp xuống và tàu tự hành trên bề mặt mặt trăng lần tới sẽ tốn khoảng 35 triệu đô la.
Ông cho biết thêm Ấn Độ đã chọn 4 ứng viên phi hành gia để tham gia vào phi vụ có người lái đầu tiên vào quỹ đạo vào giữa năm 2022.
Bốn phi hành gia này bắt đầu tập luyện tại Nga cuối tháng này. Có đến 3 phi hành gia sẽ tham dự vào dự án. Đây sẽ là một trong những dự án cột mốc dự trù được thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm ngày Ấn Độ giành được độc lập từ tay người Anh.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%C6%B0a-phi-thuy%E1%BB%81n-l%C3%AAn-m%E1%BA%B7t-tr%C4%83ng-n%C4%83m-nay/5230369.html

Quân đội Úc di tản dân cư các thành phố bị lửa vây hãm

Mai Vân
Hải Quân Úc ngày 03/01/2020, bắt đầu di tản hàng trăm người tại một thành phố phía đông nam đang bị các đám cháy vây hãm. Dự báo thời tiết lo ngại cháy rừng sẽ còn nghiêm trọng hơn vào những ngày cuối tuần.
Tàu hải quân HMAS Choules đã đến đón cư dân thành phố Mallacoota, bang Victoria. Nhiều người ở thành phố này đã ra sát bờ biển từ đêm giao thừa 31/12/2019, để tránh hỏa hoạn. Theo thủ tướng Úc, một ngàn người sẽ được di tản khỏi nơi này.
Thống kê sơ bộ cho biết có ít nhất 20 người chết, hàng chục người khác bị mất tích, 1.300 ngôi nhà cháy rụi, từ khi các đám cháy bùng lên vào tháng 9.
Trước mắt nhiệt độ không ngừng leo thang, có thể sẽ vượt quá 40°C vào thứ Bảy này, và chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở vùng đông nam, khu vực có đông dân cư nhất nước Úc.
Lệnh được ban hành yêu cầu hàng chục ngàn người di tản khỏi 3 bang. Việc hàng ngàn du khách, cư dân phải rời những khu vực bị hỏa hoạn, chủ yếu nằm dọc theo bờ biển phía đông dài khoảng 300 km, đã gây ra cảnh kẹt xe nghiêm trọng trên các con đường dẫn về Sydney và Canberra.
Trả lời hãng tin AFP, người dân cho biết họ bị kẹt giữa những ngọn lửa cao cả 5 mét hai bên đường. Bị lửa bao vây, họ thiếu cả thức ăn và nước uống. Máy bay quân đội bắt đầu tiếp tế thức ăn, và vật dụng cần thiết cho những người chạy tránh hỏa hoạn.
Thủ tướng Úc Morrison hôm nay cho biết ông dự kiến hủy chuyến đi Ấn Độ vào tháng này do tình hình hỏa hoạn ở Úc. Ông Morrison vốn đã bị chỉ trích đi nghỉ ở Hawaii vào tháng 12 trong lúc mà Úc bị cháy rừng, giờ càng bị quy trách nhiệm nặng nề trong cách xử lý tình hình. Nhiều người lên tiếng thẳng thừng: ông đừng mơ họ dành lá phiếu cho ông. Một số người thì từ chối không bắt tay ông.
Vận động viên tennis và cricket đóng góp cho nạn nhân hỏa hoạn
Theo sáng kiến của Nick Kyrgios and Chris Lynn, các ngôi sao hai bộ môn thể thao tennis và cricket ở Úc sẽ đóng góp cho quỹ cứu giúp người bị hỏa hoạn một khoản tiền mặt mỗi ghi được một bàn.
Hội Tennis Australia, cũng thông báo tổ chức trận đấu với nhiều tên tuổi ở sân Rod Laver Arena, Melbourne, ngày 15/01, trước giải Open Úc, có sự tham gia của những tay vợt hàng đầu thế giới, để gây quỹ hỗ trợ. Ngoài ra còn có 1 triệu đô la Úc để giúp sửa chữa những sân quần vợt bị hỏa hoạn làm hỏng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200103-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-%C3%BAc-di-t%E1%BA%A3n-d%C3%A2n-c%C6%B0-l%E1%BB%ADa-v%C3%A2y-h%C3%A3m

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.