Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 15/01/2020

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020 15:21 // ,

Tin Biển Đông – 15/01/2020

Những phương tiện, công cụ

nhằm vào nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Biển Đông

được TQ triển khai trong năm 2019

Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, nơi có trữ lượng có thể khai thác 190.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu, được gọi là vịnh Ba Tư thứ hai của thế giới. Uỷ ban Chính pháp Trung Quốc từng ngang ngược tuyên bố trên mạng xã hội rằng “dưới đáy biển rộng lớn của Biển Đông là 1/3 trữ lượng dầu khí của Trung Quốc”. Ý đồ và các hành vi trên của Bắc Kinh đã bị các nước lên án, chỉ trích mạnh mẽ. Dưới đây là một số phương tiện, công cụ được Trung Quốc triển khai ở Biển Đông trong năm qua nhằm vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.
Giàn khoan “Hải dương 982” (HD 982)
Ủy Ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc hôm 21/9/2019 thông báo triển khai giàn khoan lớn với khả năng khai thác sâu tới 5.000 m nhưng hiện chưa rõ chính xác vị trí triển khai giàn khoan. Giàn khoan dầu khí Hải Dương 982 bắt đầu hoạt động tại vùng biển sâu đến 3.000 m, đây là giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất trong các giàn khoan cùng loại tại Trung Quốc, có thể khoan dầu ở độ sâu đến 5.000 m dưới mực nước biển. Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo Hải Dương 982 tiến hành hoạt động trên Biển Đông từ ngày 21/8 đến ngày 5/11/2019, mỗi ngày 24 tiếng, tại khu vực có bán kính 2 km tính từ tâm là vị trí có tọa độ 17°37′44.589 vĩ Bắc/110°21’16.894 kinh Đông. Giàn khoan Hải dương 982 do Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đóng mới từ năm 2015 tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên, hoàn thành cuối năm 2016 và chuyển giao cho Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Đây là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, được Trung Quốc mệnh danh là “đảo nhân tạo trên biển”. Khu boong làm việc rộng 1.524 m2, sức chứa 180 người, tải trọng 5.000 tấn, trang bị hệ thống định vị động lực tự động thế hệ 3 (DP3). Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tính toán các tham số về gió, sóng biển, thủy triều để tự động duy trì vị trí của giàn khoan trên biển bằng cách điều chỉnh cánh quạt và động cơ đẩy.
Tàu cẩu lớn nhất thế giới “Lam Kình”
Chiếc tàu cẩu lớn nhất thế giới Lam Kình là tàu tự hành hoạt động ở vùng nước sâu, thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tàu này có cần cẩu chính với sức nâng 7.500 tấn, cẩu phụ 4.000 tấn, một móc 1.600 tấn, có thể nâng hạ những thiết bị siêu nặng và giàn khoan. Lam Kình đã tham gia nhiều dự án lớn, lắp đặt giàn khoan dầu lớn nhất thế giới. Hôm 03/9/2019, Trung Quốc đã đưa trái phép tàu cẩu này vào trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tàu này xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam cùng lúc với việc tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Tàu tiếp vận cỡ lớn “Tam Sa 2”
Con tàu mới mang tên “Tam Sa 2” (Sansha No. 2), được đặt theo tên của đơn vị hành chính phi pháp mà Bắc Kinh thiết lập trên Biển Đông để quản lý các thực thể mà họ chiếm đóng. Đây là con tàu phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự, có thể tiếp tế cho lực lượng đóng trên các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc hạ thủy tàu này đã làm dấy lên những lo lắng rằng con tàu này sẽ được sử dụng để gia cố sức mạnh của các đảo, đá mà Trung Quốc đã quân sự hóa ở vùng biển chiến lược. Hồi tháng 8/2019, Tân Hoa Xã đưa tin về chuyến vận hành thử nghiệm của tàu, đi từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết tàu mới có thể di chuyển 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, và có thể chở được 400 người. Tàu có chiều dài 128 m, lượng chiếm nước là 8.000 tấn, lớn hơn gấp đôi so với con tàu cũ (Tam Sa 1) được đưa vào sử dụng cách đây 11 năm với lượng chiếm nước 2.540 tấn.
Tàu khảo sát địa chất “Hải dương 8” (HD 8)
Vào ngày 19/7/2019, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông tại Bãi Tư Chính. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế. Cộng đồng quốc tế đã ủng hộ mạnh mẽ ứng xử và lập trường của Việt Nam, đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc. Đến ngày 24/10/2019, Trung Quốc buộc phải rút hoàn toàn tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống ra khỏi vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

TQ tăng cường sử dụng lực lượng hải cảnh

làm công cụ phục vụ cho các yêu sách chủ quyền

phi pháp ở Biển Đông

Trong các vụ việc xảy ra ở Biển Đông liên quan các hoạt động đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, nước này đã sử dụng các tàu hải cảnh như là một lực lượng chủ chốt, trực tiếp nhất.
Hải cảnh là một bộ phận trong lực lượng cảnh sát biển, được Trung Quốc thành lập từ tháng 3/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia. Lực lượng này hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và chịu sự chỉ huy nghiệp vụ của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và quản lý hành chính của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc. Lực lượng hải cảnh đặt dưới sự chỉ huy của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, lực lượng do Quân ủy trung ương Trung Quốc chỉ đạo trực tiếp sẽ bảo vệ quyền và chức năng trên biển của Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với quân đội Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại như pháo thay cho vòi rồng, các loại vũ khí tấn công.
Hải cảnh Trung Quốc được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Các loại như tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh”; tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn, trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của hải quân thành tàu hải cảnh như tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B, tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818. Đáng chú ý, trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2 mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2 mm; pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30 mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc, tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên…
Trong vụ việc đưa tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 (HD8) vào hoạt động trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông từ ngày 4/7 – 24/10/2019. Với tổng số 113 ngày, HD8 đã tiến hành 4 đợt khảo sát trái phép xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (4/7-7/8; 1/8-2/9; 7-23/9; 27/9-24/10). Trung Quốc đã huy động các tàu hải cảnh hộ tống HD8, trong đó có tàu hải cảnh mang số hiệu 35111. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 và vụ tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, chính nhóm tàu hải cảnh mới là lực lượng tấn công quan trọng của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa những tuyên bố “yêu sách chủ quyền” phi pháp của mình.Một lực lượng tàu hải cảnh với nhiều loại tàu khác nhau, bao gồm cả kỳ hạm tải trọng lớn, các tàu nhỏ hơn và lực lượng tàu cá lớn có thể tạo thành một sức mạnh vây lấn, xô đẩy, đâm húc. Các tàu vỏ trắng thường sử dụng súng phun nước, vũ khí phi sát thương như loa âm thanh công suất lớn, vòi rồng có thể bao vây, phong tỏa và kiểm soát một khu vực lớn như bãi cạn Scarborough.Trong tình huống căng thẳng, các tàu “vỏ trắng” tải trọng lớn có thể xô đẩy, đâm húc với các tàu cảnh sát biển của các quốc gia láng giềng, có số lượng và tải trọng ít hơn. Chính nhân tố này mới thực sự là lực lượng tác chiến “then chốt” trong các tranh chấp trên Biển Đông.
Bằng các nhóm tàu hải cảnh kích thước và tải trọng lớn, Trung Quốc có thể bao vây một thực thể địa lý trên Biển Đông trong một thời gian dài, các tàu nhỏ hơn có thể tiến hành các hoạt động xung đột phi quân sự để đầy lực lượng bảo vệ chủ quyền dân sự (tàu đánh cá, vận tải, cảnh sát biển ra khỏi thực thể địa lý mà quốc gia đối thủ đang bảo vệ.Với số lượng đông, tải trọng lớn, tàu Hải cảnh Trung Quốc có thể vây lấn và đánh chiếm thêm nhiều thực thể địa lý, hỗ trợ Bắc Kinh trong việc bồi đắp đảo và kiểm soát tự do hàng hải, sẵn sàng tiến hành các cuộc đọ sức mạnh vỏ thép trên Biển Đông. Trong những diễn biến vừa qua tại quần đảo Natuna của Indonesia, Trung Quốc cũng đã cử các tàu hải cảnh và tàu cá, trong đó có tàu hải cảnh 35111 tiến vào vùng biển quanh quần đảo này. Phía Indonesia đã phải triển khai tàu hải quân và máy bay chiến đấu ra đối phó, buộc Trung Quốc phải rút những tàu này.

Sau Natuna, TQ điều tàu bao vây đảo Thị Tứ,

thuộc quần đảo Trường Sa

Tính đến thời điểm hiện tại, gần 40 tàu cá Trung Quốc đang neo đậu trái phép tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ và đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trả lời trang Inquirer, Phó Đô đốc Rene Medina, người đứng đầu Bộ Chỉ huy miền Tây Philippines (8/1) cho biết, có đến 38 tầu Trung Quốc neo đậu suốt đêm 07/01 tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa), hiện do Philippines kiểm soát và đá Subi, bị Trung Quốc quân sự hóa; đồng thời khẳng định lực lượn chức năng Philippines “vẫn tiếp tục theo dõi” các tầu nước ngoài hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của Philippines và sẽ phản ánh đến các cơ quan ngoại giao liên quan.
Được biết, đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích, cao 3,6 m với diện tích khoảng 32 ha và được bao bọc bởi thềm san hô rộng. Trên đảo có nhiều cây dừa và cỏ dại. Việt Nam là nước phát hiện và quản lý đảo Thị Tứ một cách hòa bình và lâu dài. Trong đó có một số dấu mốc nổi bật như: Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hoà thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn, năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hoà. Đáng chú ý, quân đội Việt Nam cũng đã dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5 năm 1963. Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines lợi dụng tình hình chính tranh ở Việt Nam đang diễn ra căng thẳng, đã cử quân đội xâm chiếm 6 đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Bến Lạc (Đảo Dừa) và 3 đảo nữa. Trong những đảo Philipines chiếm phi pháp, Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì, Bến Lạc (Đảo Dừa) là đảo lớn thứ ba, Song Tử Đông là đảo lớn thứ năm ở quần đảo Trường Sa. Ngay sau khi chiếm đóng trái phép của Việt Nam, Philippines đã cho xây dựng phi pháp 1 đường băng dài 1.260 m vào năm 1975 với khả năng tiếp nhận các máy bay lớn nhưng đã xuống cấp. Ngoài ra, Philippines cũng thiết lập trái phép một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ như căn cứ hải quân, bến tàu, trung tâm y tế, trường học và một tháp thông tin di động. Năm 2002, chính quyền Philippines lại có hành động phi pháp khi đưa dân ra đảo trong khuôn khổ một chương trình tái định cư. Trước các hành động phi pháp của Philippines, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Thị Tứ nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung, đồng thời yêu cầu Philippines chấm dứt các hành động phi pháp, hoàn trả đảo Thị Tứ lại cho Việt Nam.
Trung Quốc từng nhiều lần đưa tàu cá neo đậu, bao vây đảo Thị Tứ. Theo đó, Trung Quốc đã điều trái phép nhiều tàu tới khu vực giữa bãi đá Subi và đảo Thị Tứ, ít nhất kể từ tháng 7 năm 2018 nhằm “đáp trả nỗ lực ban đầu của Philippines về việc sửa chữa đường băng” trên đảo Thị Tứ (5/2018). AMTI cho biết, Trung Quốc đã triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía Tây Nam. Hạm đội này bao gồm một số tàu của quân đội Trung Quốc và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá có kích cỡ từ 30 đến 70 mét. Số tàu cá trên đều thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được trang bị hệ thống vô hiệu hóa các máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động phi pháp của họ. Trong năm 2019, Trung Quốc (5/3/2019) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này.
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục điều tàu chấp pháp và tàu cá hiện diện trái phép trong vùng biển Natuna của Indonesia. Trước các hành vi trên của Trung Quốc, Indonesia buộc phải triển khai thêm tầu chiến, máy bay chiến đâu, bính lính và ngư dân đến vùng biển Natuna, nhằm sẵn sàng đáp trả việc tầu cá Trung Quốc, được tầu hải cảnh hộ tống, thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
Đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các bên ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về
Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.