Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 02/01/2019

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020 15:54 // ,

Tin Biển Đông – 02/01/2019

Biển Đông: Làm sao giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh?

Trọng Thành
Biển Đông đang trở thành lò thuốc súng. Theo nhiều nhà quan sát, trong năm 2020, vùng biển này là một trong những điểm nóng nhất hành tinh, nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang là nhãn tiền, đặc biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, giữa Bắc Kinh và một số quốc gia khu vực. Vì sao nguy cơ xung đột gia tăng, và làm thế nào để giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh? Đó là câu hỏi ngày càng ám ảnh giới chuyên gia.
Theo kết quả cuộc điều tra thường niên, công bố cuối tháng 12/2019, về những nguy cơ hàng đầu đối với nước Mỹ trong năm mới của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations), một viện tư vấn về chính trị quốc tế có tiếng tại Mỹ, thì Biển Đông được xếp hạng khu vực thứ hai trên thế giới, mà ”đụng độ vũ trang” có nguy cơ dễ dàng bùng nổ nhất, sau khu vực Trung Đông (với nguy cơ xung đột giữa Iran với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Washington). Trong một bài viết trên trang mạng The National Interest, ngày 28/12/2019, chuyên gia về lịch sử hải quân Robert Farley thậm chí cảnh báo Biển Đông là một trong năm địa điểm trên thế giới có thể khiến Thế chiến Thứ Ba bùng phát trong năm 2020 đầy căng thẳng này.
Tại sao lại là Biển Đông ?
Bài ”Trung Quốc gần hoàn tất chương trình (quân sự hóa) “nguy hiểm” tại Biển Đông”, đăng tải ngày 02/01/2019, trên trang web hàng đầu nước Úc news.com.au, nhấn mạnh đến cuộc chạy đua vũ trang gia tăng tại Biển Đông, giữa một bên là Trung Quốc, bên kia là các quốc gia láng giềng đang bị Bắc Kinh đẩy vào chân tường, buộc phải tăng chi phí quốc phòng.
Khoảng 15 năm trở lại đây, chi phí quân sự tại khu vực tăng gấp đôi, chủ yếu để chuẩn bị cho ”một cuộc chiến tranh quy ước với cường độ cao”. Theo ghi nhận của một cựu chuyên gia tình báo Úc, tiến sĩ Mark Baily, sau gần 20 năm lấn dần từng bước một, Trung Quốc đã xây dựng, củng cố cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, và dần dần bình thường hóa việc kiểm soát trên thực tế gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Cựu chuyên gia tình báo Úc so sánh tình hình hiện nay tại Biển Đông với thập niên 1930, khi đế quốc Nhật bành trướng quân sự, trước khi dùng vũ lực đánh bật các đối thủ, để độc chiếm vùng biển chiến lược này. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, một cường quốc có tham vọng nguy hiểm như vậy.
Ba đề xuất của học giả Trung Quốc
Trong bối cảnh nguy cơ xung đột nhãn tiền, trang mạng The Diplomat ngày đầu năm mới, đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Trung Quốc, mang tựa đề ”Ba chìa khóa để Hải Quân Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại hòa bình”. Giáo sư Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Biển thuộc Viện Nghiên Cứu Đại Dương ở Bắc Kinh, thừa nhận nguy cơ ”xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ’‘ tại Biển Đông, trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sẵn sàng chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất.
Tác giả đề xuất ba việc cần làm để giảm nguy cơ xung đột vũ trang. Đề xuất thứ nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc cần đạt được đồng thuận về việc chia sẻ quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo tác giả, tương quan lực lượng tại vùng biển này đang từ từ nghiêng về phía Bắc Kinh, với các đầu tư hiện đại hóa quân sự từ hàng chục năm nay, cho dù xét về sức mạnh tuyệt đối, hiện tại cũng như thời gian tới, Trung Quốc không thể nào sánh ngang nước Mỹ. Tuy nhiên, xét về lâu dài, Trung Quốc sẽ có sức mạnh quân sự áp đảo tại các vùng ven bờ, cụ thể là ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và đây là điều mà tác giả khuyến cáo Washington nên chấp nhận như một thực tế. Như vậy, hai bên cần dàn xếp để duy trì đối thoại chiến lược về khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, tạo thế cân bằng lực lượng tại khu vực này. Và đây chính là khuôn khổ bảo đảm an ninh chung.
Đề xuất thứ hai mà tác giả khuyến cáo là hai đại cường cần nỗ lực triển khai thiết lập các quy tắc an ninh trên biển, nhằm duy trì ổn định tại khu vực. Tác giả nhấn mạnh Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là một nền tảng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập trật tự và an ninh. Theo học giả Trung Quốc, do cả Bắc Kinh và Washington đều không đủ sức mạnh để đơn phương áp đặt trật tự, các quy tắc này phụ thuộc vào sự nhất trí của cả hai bên. Về vấn đề này, có hai bước cần tiến hành. Thứ nhất là xác lập các quy tắc để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa Hải Quân và Không Quân hai nước tại vùng biển này. Và thứ hai là xác định các quy tắc chung cho các hoạt động quân sự nhằm tránh mọi xu hướng leo thang nguy hiểm.
Khuyến cáo Mỹ ”trung lập” liệu có khả thi ?
Hai đề xuất nói trên của học giả Trung Quốc gián tiếp thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Đề xuất thứ ba, và cũng là điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài viết của học giả Trung Quốc là việc khuyến cáo Hoa Kỳ nên có lập trường ”trung lập” về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tác giả cảnh báo mọi can thiệp của Hoa Kỳ, đứng về phía một hoặc các bên tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, có thể dẫn đến ”các phản ứng dữ dội” từ phía Trung Quốc. Lợi ích mà nước Mỹ thu được khi làm như vậy sẽ nhỏ hơn rất nhiều các thiệt hại, và thậm chí các can thiệp đó có thể dẫn đến đối thoại với Trung Quốc bị cắt đứt, trật tự do Mỹ tạo lập tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ”sụp đổ hoàn toàn”.
Có thể nói đề xuất thứ ba này liên quan đến nguy cơ trực tiếp và chủ yếu dẫn đến bùng nổ xung đột vũ trang tại Biển Đông, khi Hoa Kỳ đứng về phía một quốc gia ven bờ không chấp nhận sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong bảng xếp hạng các quốc gia có nguy cơ đụng độ vũ trang với Bắc Kinh của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ, Việt Nam xếp cuối theo trật tự abc. Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội đang nằm ở tuyến đầu trong thế trận quốc tế đang dần dần hình thành, chống lại đà bành trướng Trung Quốc. Trong nửa cuối năm vừa qua, tuần duyên Việt Nam phải đối đầu liên tục trong bốn tháng với tuần duyên Trung Quốc, xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế, quấy nhiễu giàn khoan.
Nhà phân tích quân sự Derek Grossman, trung tâm tư vấn chiến lược Rand, chuyên về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, phát biểu với báo Úc, ghi nhận Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạng lưới hợp tác quốc phòng với nhiều nước ASEAN, cùng Úc, Nhật Bản và Ấn Độ – ba quốc gia trong Bộ Tứ đi đầu trong việc duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ‘‘rộng mở và tự do”, dựa trên luật pháp quốc tế. Washington cũng ủng hộ nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, và chính thức bước đầu hỗ trợ Hà Nội về hải quân.
Xét trong bối cảnh như vậy, liệu khuyến cáo của học giả Trung Quốc, để Washington từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh lấn át, có thể nào là khả thi?

Biển Đông: Jakarta nói ‘chủ quyền’ TQ

không có căn cứ pháp lý

Indonesia hôm thứ Tư bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có căn cứ pháp lý”.
Lời bác bỏ được đưa ra hai ngày sau khi Jakarta phản đối việc tàu tuần duyên Trung Quốc hiện diện trong vùng lãnh hải Indonesia.
Indonesia cũng cho hay đã bắt giữ ba tàu cá Việt Nam ở cùng vùng biển mà tàu Trung Quốc xâm phạm.
Trong một phản ứng sắc bén, Bộ Ngoại giao Indonesia trong thông cáo ra hôm 2/1 đòi Trung Quốc phải giải thích về “cơ sở pháp lý và các đường biên rõ ràng” liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Indonesia nói là vùng EEZ, TQ coi là vùng thuộc Quần đảo Trường Sa
Indonesia nói EEZ là nơi họ có đầy đủ đặc quyền theo quy định của Công ước Luật Biển LHQ 1982 (UNCLOS). Là một thành viên ký kết UNCLOS, Indonesia nói, Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng quy định này.
Cuộc tranh cãi chính thức nổ ra hôm 30/12, khi Bộ Ngoại giao Indonesia ra thông cáo nói tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến vào vùng EEZ của Indonesia, khu vực ngoài khơi Quần đảo Natuna ở phía bắc nước này.
Nằm về phía đông bắc của Quần đảo Natuna là Quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philipines.
Tuy nhiên, Indonesia không phải là một bên tham gia tranh chấp.
Indonesia ngay hôm 30/12 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta tới để trao công hàm phản đối mạnh mẽ.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm thứ 31/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh, và rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá “bình thường” tại đó vùng biển mà Jakarta đề cập đến.
Tuy không nhắc tên địa danh cụ thể, nhưng Trung Quốc coi đó là nơi liên quan tới Quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan tới Quần đảo Trường Sa,” ông Cảnh Sảng nói. “Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Các ngư dân Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt động đánh bắt ở vùng biển liên quan tới Quần đảo Trường Sa. Điều đó là hợp pháp và hợp lý.”
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Indonesia lặp lại quan điểm Jakarta không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc.
Jakarta cũng nhắc tới việc lập luận của Bắc Kinh đã bị bác hồi 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague, PCA, và tuyên bố Indonesia “không bao giờ công nhận Đường Chín đoạn của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, hai bên liên tục có đụng độ về quyền đánh bắt cá quanh Quần đảo Natuna, với việc Indonesia bắt giữ ngư dân Trung Quốc và tăng hiện diện quân sự trong khu vực.
Theo trang tin The Jakarta Post, trước đó, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia đã báo cáo tình trạng phát hiện có hàng chục tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống tàu cá vào tiến hành các hoạt động mà giới chức Indonesia cho là đánh bắt cá bất hợp pháp.
Jakarta Post nói khoảng 50 tàu Trung Quốc vào vùng biển Indonesia lần đầu tiên hôm 19/12 và rời đi vào ngày hôm sau. Đến ngày 24/12 lại có thêm các tàu nữa quay trở lại với sự hộ tống của nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc.
Trung Quốc và vùng EEZ của Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu bè và các lực lượng hải cảnh vào khu vực EEZ của nước khác trên Biển Đông.
Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh đã vào Bãi Tư chính ở ngoài khơi Vũng Tàu, nơi mà Hà Nội nói là hoàn toàn thuộc vùng EEZ của Việt Nam, theo quy định của UNCLOS.
Việc tàu khảo sát tiến vào, ở lại, rời đi rồi lại quay trở lại nhiều lần cho tới tận cuối tháng Mười đã làm nổ ra cuộc khẩu chiến và đối đầu căng thẳng ngoại giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Nếu như ở vùng Quần đảo Natuna, Bắc Kinh coi đó là ngư trường cho các hoạt động đánh bắt cá “bình thường” của ngư dân Trung Quốc và Indonesia, thì ở Bãi Tư chính, Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã có “vi phạm nghiêm trọng”.
“Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam,” ông Cảnh Sảng nói hồi tháng 9/2019.
Hà Nội đã phản ứng bằng cách “nhiều lần giao thiệp” với Bắc Kinh, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi trung tuần tháng Chín nói.
Hiện có ý kiến nói các vấn đề ở Biển Đông có thể được nêu ra năm 2020 khi Việt Nam bắt đầu làm chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Giải quyết các tranh chấp Biển Đông

tại Toà trọng tài quốc tế: Vấn đề thu hút

sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu các nước

Tòa án quốc tế là cơ quan xét xử thường trực bao gồm những thẩm phán được bầu ra với nhiệm kỳ nhất định và giải quyết các vụ việc mà các bên tranh chấp yêu cầu. Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Sau vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài thường trực Liên hợp quốc thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS (7/2016), năm 2019 trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hành động đơn phương trái phép ở Biển Đông, vấn đề sử dụng công cụ pháp lý như Toà trọng tài quốc tế lại được giới chuyên gia các nước nêu ra.
Cũng như đối với trọng tài, các bên tham gia tranh chấp có thể tự nguyện lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua tòa án. Trong trường hợp đó, tòa án quốc tế sẽ đứng ra xét xử tranh chấp giữa các bên. Trong lịch sử, tòa án quốc tế đầu tiên được thành lập là Tòa án quốc tế Hội quốc liên, hoạt động từ năm 1920 đến năm 1940. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tòa án quốc tế Liên hợp quốc được thành lập trên cơ sở của Hiến chương Liên hợp quốc với một bộ phận cấu thành của Hiến chương là Quy chế Tòa án quốc tế.
Tòa án quốc tế Liên hợp quốc có hai chức năng: Một là, giải quyết tranh chấp giữa các nước. Hai là, đưa ra kết luận tư vấn về những vấn đề pháp lý cho hội đồng bảo an và đại hội đồng hoặc cho các cơ quan, tổ chức chuyên môn khác của Liên hợp quốc nếu đại hội đồng cho phép. Tòa án quốc tế chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ kiện giữa các quốc gia, trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các quốc gia, trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan đó. Tòa không có thẩm quyền xét xử những vụ việc mà đương sự là thể nhân, pháp nhân, trừ khi quốc gia đồng ý đứng ra là nguyên đơn thì tòa án sẽ xét xử để bảo vệ quyền lợi thể nhân và pháp nhân này. Thẩm quyền xét xử của tòa án phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia có liên quan. Các quốc gia là thành viên của quy chế tòa án có thể tuyên bố về việc chấp nhận thẩm quyền xét xử bắt buộc của tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp có nội dung liên quan đến giải thích điều ước; vấn đề công pháp quốc tế; vi phạm nghĩa vụ quốc tế; tính chất và mức độ bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
Sự chấp nhận của các thành viên có thể là vô điều kiện hoặc trên cơ sở điều kiện có đi có lại đối với một vài quốc gia khác hoặc chấp nhận với điều kiện trong thời gian nhất định. Các quốc gia không phải là thành viên quy chế tòa án có thể chấp nhận thẩm quyền xét xử của Tòa án thể hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ, trong một hiệp định. Tòa án quốc tế gồm 15 thẩm phán do Đại hội đồng và Hội đồng bảo an bầu ra với nhiệm kỳ 9 năm, cứ 3 năm bầu lại 1/3 thẩm phán. Trong số các thẩm phán đó, không thể có hai người cùng quốc tịch. Thành phần của hội đồng thẩm phán phải đảm bảo được tính đại diện, công bằng giữa các hệ thống pháp luật khác nhau, giữa những nước có mức độ phát triển khác nhau. Theo truyền thống, trong hội đồng bao giờ cũng có đại diện của 5 nước thường trực Hội đồng bảo an. Thẩm phán của Tòa án quốc tế không được đảm nhiệm một chức vụ chính trị, hành chính hoặc nghề nghiệp nào trong thời gian đương nhiệm. Việc bãi miễn họ chỉ được thực hiện trên cơ sở nhất trí của tất cả các thành viên còn lại.
Quyết định của tòa án quốc tế được thông qua theo nguyên tắc đa số, tính trên tổng số thẩm phán có mặt. Trong trường hợp số phiếu thuận và phiếu chống bằng nhau thì chủ tọa của phiên tòa sẽ có tính chất quyết định. Theo Điều 38 của Quy chế Tòa án, khi xét xử tòa án quốc tế sẽ sử dụng những nguồn như: i) Các điều ước quốc tế chung hoặc riêng bao gồm các quy phạm được các bên tranh chấp thừa nhận. ii) Tập quán quốc tế đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn và được xem như quy phạm pháp luật quốc tế. iii) Những nguyên tắc pháp lý chung được các dân tộc văn minh thừa nhận. iv) Các phán
quyết tư pháp và các học thuyết của các học giả có uy tín của các quốc gia khác nhau nếu đáp ứng được những điều kiện quan trọng trong Điều 59 của quy chế thì sẽ được xem là các nguồn hỗ trợ giải thích quy phạm pháp lý. Trong quá trình xét xử, tòa án có thể đưa ra các biện pháp tạm thời cần áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự. Các biện pháp này cần được báo cho các bên liên quan và hội đồng bảo an Liên hợp quốc biết. Phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp lý bắt buộc với các bên đương sự. Nếu một trong các bên đương sự không thực hiện phán quyết của tòa án thì bên tranh chấp kia có quyền yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Do những hạn chế về thẩm quyền, về thủ tục còn mang nặng tính hình thức, không năng động, mềm dẻo, tòa án quốc tế đóng vai trò khiêm tốn trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia. Một số phán quyết của tòa án trong thực tế đã gây ra tranh cãi cho các quốc gia về tính trung thực và khách quan của nó. Tuy nhiên, tòa án quốc tế cũng có đóng góp vào việc phát triển pháp luật quốc tế và có những cải tổ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ví dụ: Phán quyết của Tòa án quốc tế đối với vụ phân chia thềm lục địa tại Biển Bắc đã có tác động tích cực đến quá trình pháp điển hóa Luật Biển quốc tế tại Hội nghị lần thứ 3 về Luật Biển quốc tế.
Song song với việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, tòa án quốc tế còn đưa ra những ý kiến tư vấn cho các cơ quan, các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Những ý kiến này chỉ mang tính chất khuyến nghị nhưng có thể được các bên công nhận và xem xét như kết luận có tính chất bắt buộc. Những ý kiến của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế. Ngoài tòa án quốc tế của Liên hợp quốc, phải kể đến một số tòa án khác như Tòa án quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS). Tòa án quốc tế về luật biển có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp và khiếu nại phù hợp với quy định của Công ước. Tòa án cũng có thẩm quyền xem xét các tranh chấp về giải thích, áp dụng các điều ước và công ước khác nhau, nếu thành viên của điều ước, công ước này thỏa thuận.
Trong Phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là cơ sở quan trọng cho các giải pháp pháp lý tiếp theo. Đây được xem là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, thực chất là bác bỏ đường lưỡi bò, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò… Đây cũng là lần đầu tiên Toà đã ra bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, lần đầu tiên nhân loại có một bộ định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học. Toà cũng khẳng định những gây hại đối với môi trường, làm gia tăng tranh chấp và những tính phi pháp trong nhiều hành động của Trung Quốc, không chỉ đối với Philippines mà còn đối với các hoạt động khác nói chung.

Công cụ pháp lý – Biện pháp ngăn Biển Đông “dậy sóng”

Ngày 29/11/2019, tại trung tâm Hội thảo quốc tế ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra hội thảo khoa học: “Biển Đông – những thách thức hiện tại và triển vọng tương lai”. Các đại biểu tham dự Hội thảo nhấn mạnh Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới với lượng hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông trị giá khoảng 5.000 tỷ USD; có 9 trong 10 cảng container bận rộn nhất thế giới nằm ở khu vực này nên Biển Đông có vai trò quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Biển Đông không chỉ liên quan tới khu vực Đông Nam Á mà gắn liền với lợi ích và sự quan tâm toàn cầu. Do vậy, Biển Đông được coi là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương mà Mỹ đang cùng với Úc, Nhật, Ấn Độ (gọi chung là “Bộ tứ”) tích cực thúc đẩy trong thời gian gần đây.
Ấn Độ có lợi ích lớn ở Biển Đông. Các diễn biến căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại và lợi ích kinh tế của Ấn Độ. Phát huy vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông là một phần quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Nhìn lại vụ việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, các đại biểu cho rằng, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhiều tàu hộ tống có vũ trang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xung quanh khu vực bãi Tư
Chính trong nhiều tháng đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế. Điều này làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc và suy giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với nước này.
Việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động hăm dọa, gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông Malaysia, Philippines, Việt Nam; phớt lờ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thường trực vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướngđang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Các học giả tham gia hội thảo khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là văn bản có tính pháp lý như hiến pháp về biển, là nền tảng cho ổn định trên biển và tự do hàng hải. Chính vì thế, hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đang thách thức trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Sau khi trở thành thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 25 năm trước, Việt Nam đã thực hiện các quyền của quốc gia ven biển được nêu trong UNCLOS, xác định các vùng biển của Việt Nam theo các quy định của Công ước; trình Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa lên Liên Hợp quốc năm 2009; ban hành Luật Biển năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Trong các văn bản pháp luật, Việt Nam đã đưa ra quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trung Quốc cũng đã tham gia vào UNCLOS, nhưng vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định của UNCLOS, luôn viện dẫn sai lệch, bóp méo nội dung các điều khoản của UNCLOS. Trung Quốc tự cho phép mình quyền diễn giải yêu sách chủ quyền trên biển hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế. Trung Quốc đòi hỏi vùng biển rộng lớn, chiếm hầu hết Biển Đông dựa trên một chiếc bản đồ do một tư nhân vẽ tùy tiện cách đây hơn nửa thế kỷ, mô tả “đường lưỡi bò” lúc đầu có 11 đoạn, sau đó còn 9 đoạn và đến nay lại có 10 đoạn và hoàn toàn không có tọa độ rõ ràng.
Sau khi nộp lên Liên hợp quốc tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” kèm theo một công hàm năm 2009, Trung Quốc đã có nhiều hành vi gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông như: năm 2011, Trung Quốc tiến hành các hoạt động quấy nhiễu và cắt cáp ngầm tàu Bình Minh 2; năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát, ngang nhiên mời thầu quốc tế khai thác 9 lô dầu khí nằm trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thành lập thành phố “Tam Sa” bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 2014, cùng với việc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông và sau đó là tiến hành quân sự hóa các cấu trúc này….
Ý đồ của Trung Quốc là biến những vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của các nước láng giềng ven Biển Đông thành vùng biển tranh chấp để rồi đòi “khai thác chung”.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trên thực tế đã có luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, các tài liệu pháp lý khác và mới đây nhất là phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng để giải quyết tình hình ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc bất chấp tất cả và luôn có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận của các nước nhỏ khác ven Biển Đông.
Thực tiễn đã khẳng định luật quốc tế là công cụ tốt nhất để giải quyết các tranh chấp. Nhưng việc tiếp tục coi thường UNCLOS, Trung Quốc đang thể hiện với các nước liên quan rằng họ vẫn muốn hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc về kẻ mạnh” hay nói một cách khác là “cá lớn nuốt cá bé”. Hiện đang tồn tại 2 nguy cơ lớn nhất đối với khu vực: (i) Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực, tiến tới độc chiếm Biển Đông; (ii) sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Nếu không bị ngăn chặn sẽ tạo ra một hiện thực mới trên Biển Đông là “sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế”, buộc mọi người phải chấp nhận”.
Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế. Đây là việc làm cần thiết vì có một thực tế là chỉ trong vài năm gần đây, thế giới mới bắt đầu quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Indonesia. Trước đó, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa các nước ven Biển Đông với Trung Quốc hay là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai quốc gia này.
Các nước nhỏ ven Biển Đông cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, vai trò của UNCLOS, khẳng định bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của
UNCLOS. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả các biện pháp pháp lý (thông qua Tòa án quốc tế hoặc cơ quan hòa giải…).
Cùng với đó, việc cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc, nhất là các hoạt động gây hấn, xâm lấn của các tàu Trung Quốc kèm theo các bản đồ chỉ rõ tọa độ hoạt động vi phạm; cung cấp hình ảnh các tàu chấp pháp lớn của Trung Quốc phun vòi rồng, đâm va vào các tàu thực thi pháp luật, tàu cá của các nước ven Biển Đông giúp bạn bè quốc tế và kể cả người dân Trung Quốc biết về hoạt động bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc để họ thấy rõ bản chất hiếu chiến của Bắc Kinh.
Về tiềm lực kinh tế, quân sự, các nước ven Biển Đông đều không thể so sánh với Trung Quốc, song thế mạnh của các nước này là luật pháp quốc tế. Mặt khác, sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của mỗi quốc gia trước nguy cơ xâm lược là một biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước châu Âu đều kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết các tranh chấp, bất đồng. Mỹ còn thường xuyên tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông để bảo vệ luật pháp quốc tế; thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Các nước nhỏ ven Biển Đông cần tranh thủ điều này để phát huy vai trò của công cụ pháp lý trong chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Công cụ pháp lý giúp các nước ven Biển Đông làm rõ chính nghĩa của mình để nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Một khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng bá quyền của họ.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.