CSIS dự báo 2020: Mỹ, VN đẩy mạnh quan hệ; Biển Đông có nguy cơ cao – VOA
Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020
17:37
//
- TinThế giới
,
Slider
23/01/2020
Giới chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế dự báo trong năm 2020, Việt Nam sẽ ngả về Mỹ nhiều nhất trong số các nước châu Á, đồng thời, đây cũng là năm mà Biển Đông là nơi có nguy cơ cao nhất sẽ xảy ra “sự cố” ở châu lục.
Hai dự báo nêu trên được đưa ra tại hội thảo “Dự báo về châu Á 2020” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 22/1.
Bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS, điểm lại thực tế trong những năm qua cho thấy Việt Nam liên tục có hướng đi tích cực trong hợp tác và đối thoại với Mỹ, cả về ngoại giao và quốc phòng.
Trên cơ sở đó, Việt Nam “nổi lên là đối tác chiến lược mới” của Mỹ ở châu Á, dù hai nước có xuất phát điểm thấp do những di sản chiến tranh xảy ra giữa hai nước cách đây nửa thế kỷ, tiến sĩ Searight nói.
Điều đáng chú ý, theo nữ tiến sĩ, người cũng từng là cố vấn cấp cao tại Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, là năm nay Mỹ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, một dịp thích hợp để lãnh đạo hàng đầu của 2 nước thăm lẫn nhau, có thể đưa quan hệ 2 nước lên một tầm mức cao hơn “nếu Việt Nam sẵn sàng”.
Đối tác chiến lược Mỹ-Việt tùy vào Hà Nội
Một điều trùng hợp là năm nay Việt Nam nắm chức chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào mùa thu, bà Searight lưu ý.
“Sẽ rất đáng chú ý là liệu Tổng thống Mỹ có đến dự hội nghị hay không. Hội nghị sẽ diễn ra sau bầu cử tổng thống ở Mỹ khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Như vậy, có sự chủ ý về thời gian với hy vọng Tổng thống Trump sẽ đến”, bà Searight nói.
Năm 2020 cũng là thời điểm bản lề trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam nên quốc gia này đang “tích cực làm việc”, cân nhắc cách thức “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại, theo nữ tiến sĩ.
“Vì vậy, nhiều khả năng là Hà Nội quan tâm đến việc tăng cường quan hệ Việt-Mỹ, trùng hợp với một chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Việt Nam, hoặc một chuyến thăm của nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đến Mỹ. Nếu không phải là Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất, thì có thể là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Washington năm nay”,Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS nói.
Trả lời câu hỏi đến từ cử tọa về khả năng hai nước sẽ nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược trong năm 2020, nữ chuyên gia CSIS, người từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Nam và Đông Nam Á, nói quyết định chủ yếu nằm ở phía Việt Nam.
“Tôi nghĩ Mỹ sẽ hoan nghênh ý tưởng nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược”, tiến sĩ Searight nói, “Hà Nội phải cân nhắc các lựa chọn. Hà Nội rất thận trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, họ phải cân đong đo đếm phản ứng bực bội của Trung Quốc”.
Ngoài ra, bà Searight lưu ý đến một vấn đề “tế nhị” trong quan hệ Mỹ-Việt, đó là sự mất cân bằng trong kim ngạch thương mại song phương.
“Tổng thống Trump đã đưa Việt Nam vào tầm ngắm, do Việt Nam rất thành công khi buôn bán với Mỹ và do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Như vậy, tôi nghĩ, Hà Nội phải cân đối xem có mạo hiểm không khi nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt đúng lúc chính quyền ông Trump có thể đang ‘truy đuổi’ Việt Nam về mặt thương mại”, nữ tiến sĩ phát biểu.
Thay vì các diễn giả đọc các tham luận, hội thảo của CSIS diễn ra theo hình thức là ban tổ chức đưa ra một loạt câu hỏi trắc nghiệm về từng chuyên đề gồm chính trị-giới lãnh đạo, an ninh, và kinh tế-thương mại. Cả nhóm diễn giả lẫn cử tọa ngay lập tức bình chọn các phương án trả lời qua thiết bị không dây, sau đó, các diễn giả phát biểu để phân tích hoặc phản biện sâu hơn.
Quan hệ Mỹ-Việt được nêu ra trong phần thảo luận sau khi ban tổ chức đặt câu hỏi “Nước nào sẽ có quan hệ xấu đi với Mỹ trong năm 2020” và đa số người tham gia hội thảo bình chọn “Trung Quốc”.
Việt Nam ngả về Mỹ nhiều nhất
Câu hỏi “Nước nào sẽ liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ trong năm 2020” có đáp án được bình chọn cao nhất là “Việt Nam”, với 55% số người dự hội thảo. Nước đứng thứ 2 là Úc với 29% và Singapore thứ 3, 10%.
Nhà nghiên cứu Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, nói đáp án được đa số bình chọn không có gì gây ngạc nhiên nếu xét đến những hành xử của Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông kéo dài tổng cộng 4 tháng trong năm 2019, và nếu Trung Quốc tiếp tục “đối xử” với Việt Nam như vậy.
Tuy nhiên, ông Poling, tác giả một số cuốn sách về Biển Đông, quan hệ Mỹ-Việt và an ninh châu Á, nhận định rằng Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn cố gắng duy trì quan hệ “êm ả” với Trung Quốc khi Việt Nam tiến tới có sự chuyển giao lãnh đạo vào năm 2021, năm có đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Biển Đông không chỉ là tác nhân đưa Việt Nam xích lại với Mỹ hơn nữa mà cũng là nơi dễ xảy ra “sự cố” nhất ở châu Á trong năm 2020, theo kết quả bình chọn của đa số khi trả lời câu hỏi “Sự cố an ninh lớn nhiều khả năng sẽ xảy ra ở đâu?”
Biển Đông có nguy cơ lớn nhất
Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây bất bình với các nước có tranh chấp ở Biển Đông và “sự cố” có thể xảy ra “ngay ngày mai”, chuyên gia Poling nói.
Sau 3 năm xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo đó, Trung Quốc nay có khả năng triển khai đều đặn các tàu tuần duyên và hải quân, liên tục tiến hành “quấy nhiễu” hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam và Malaysia, cũng như ngăn cản hoạt động đánh bắt cá của các nước, trong khi bảo vệ các tàu cá Trung Quốc, ông Poling điểm lại tình hình thực tế.
Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS cho rằng, tình hình đó có sự tham gia của “hàng trăm” cá nhân và tàu thuyền, đổ thêm dầu vào lửa là tinh thần dân tộc, cho nên bất cứai trong số đó cũng có thể là “tia lửa” làm bùng lên đụng độ.
Cũng liên quan đến Biển Đông, một câu hỏi khác được ban tổ chức đặt ra là trong năm 2020, sự việc gì nhiều khả năng sẽ diễn ra nhất. Đa số người có mặt tại hội thảo của CSIS, chiếm 50%, chọn đáp án là Trung Quốc “ngăn chặn thành công” hoạt động thăm dò dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền khác.
Nhà nghiên cứu Poling đồng ý với quan điểm của đa số cử tọa. Trung Quốc trong hàng chục năm qua luôn phản đối các nước khác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, trong những năm gần đây, họ ngăn chặn các nước trong vùng tiến hành hoạt động thăm dò mới, ông nói.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong 18 tháng gần đây, Trung Quốc có sự thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận của họ, đó là đẩy mạnh việc “quấy rối” hoạt động thăm dò tại các lô đã có từ trước, như các dự án của Shell và Rosneft liên doanh với Việt Nam, và cũng có bằng chứng cho thấy Trung Quốc làm điều tương tự với các dự án của Malaysia, theo lời ông Poling.
“Trong năm ngoái, Việt Nam đã đối đầu với Trung Quốc ở vùng biển, đổ nguồn lực và nỗ lực vào để phô diễn sức mạnh. Việt Nam có thể thắng trong một vài lần chạm trán, nhưng không thể thắng trong ‘cuộc chiến’ này, nếu xét đến lực lượng của Trung Quốc. Việt Nam không thể huy động lực lượng để đối phó với Trung Quốc trong mọi lần Trung Quốc ra tay hành động. Trừ khi có sự thay đổi lớn nào đó, sẽ không ai ngoài Trung Quốc có thể khoan thăm dò ở vùng có tranh chấp trên Biển Đông”, ông Poling đưa ra nhận định.
Mỹ bị lôi kéo vào “sự cố” ở Biển Đông?
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOA liệu Mỹ sẽ có hành động gì nếu “sự cố” xảy ra ở Biển Đông, chuyên gia Poling cho rằng nếu là đụng độ giữa Trung Quốc với Việt Nam, “Mỹ sẽ lên án ồn ào song sẽ không có gì khác nhiều hơn như vậy”.
Nhưng nếu “sự cố” xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines, nước đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, Washington sẽ có nhiều động lực hơn để giúp đỡ, “có thể là tăng cường các trang thiết bị trên chiến trường, dẫn đến việc Trung Quốc phải rút lui”, ông Poling nói.
Đến nay, Mỹ và Việt Nam đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ về quốc phòng với việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương năm 2016, viện trợ cho Việt Nam một số tàu tuần duyên cỡ lớn, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam lần gần đây nhất là vào tháng 11/2019. Nhưng giữa hai nước mới chỉ có Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký hồi năm 2011.
VOA
0 nhận xét