Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 20/12/2019

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019 15:53 // ,

Tin Việt Nam – 20/12/2019

Sức khỏe tù chính trị Nguyễn Trung Trực

suy yếu trong tù

Tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực đang thụ án 12 năm tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trong Trại giam số 5 – Bộ Công an ở tỉnh Thanh Hóa đang có biểu hiện xấu đi về tình trạng sức khỏe, mà người nhà trông thấy được ở chuyến thăm gặp ngày 17 tháng 12 vừa qua.
Anh Nguyễn Quang Trung, con trai ông Trực, cựu Phát ngôn nhân Hội Anh em dân chủ nói với phóng viên vào tối 20 tháng 12 như sau:
“Lúc em vào thăm ba thì ba nói là hơn một tuần trước thì ba bị đau mắt, được trại giam cấp thuốc cũng như cấp thuốc nhỏ nhưng ba em dùng thì không khỏi. Cái đó có lẽ là do bị dị ứng hay là thuốc gì đó đó, ba yêu cầu họ phải xác minh thuốc đó là thuốc gì nhưng mà họ (cán bộ trại giam) không đồng ý xác minh. Lúc mà ba ngưng thuốc thì mắt lại đỡ hơn, mắt hiện tại đã hết đỏ rồi nhưng mà mà còn rất là đau.”
Cũng theo anh Trung, ông Trực có biểu hiện đau đầu được miêu tả là “đầu ở trong tình trạng lúc nào cũng căng thẳng như muốn nổ tung ra”. Tình trạng này của ông Trực chỉ xuất hiện gần đây và sau cái chết của người tù chính trị – thầy giáo Đào Quang Thực khi đang thụ án tù thì gia đình cảm thấy lo nhiều hơn.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi cho các số điện thoại của Trại giam số 5 Thanh Hóa theo các số trên Internet nhưng không thể kết nối. Theo anh Nguyễn Quang Trung, trong cuộc gặp ngày 17-12 giữa anh và ông Trực thì có tổng cộng 3 công an theo dõi, ghi chép lại cuộc nói chuyện nhưng không có hành động ngăn cản khi người tù nhân lương tâm này nói về tình trạng sức khỏe.
Sáng 26/12/2018, ông Nguyễn Trung Trực – cựu Phát ngôn nhân, và là chi hội trưởng của hội Anh em dân chủ miền Trung bị Tòa án cấp cao Đà Nẵng bác bỏ kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm 12 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Nguyễn Trung Trực sinh năm 1974, từng là Chi hội trưởng của hội Anh em dân chủ miền Trung, một tổ chức xã hội dân sự không được chính quyền Việt Nam công nhận và có hơn 10 thành viên bị bắt giam. Ông Trực bị Tòa án Quảng Bình tuyên án12 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi tháng 9 năm 2018. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW khi đó cho hay, việc ông chỉ trích chính quyền “không phải
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoner-nguyen-trung-truc-s-health-deteriorates-12202019074259.html

TNLT Hồ Đức Hòa đau nặng

và nghi bị ung thư gan giai đoạn đầu

Tù chính trị Hồ Đức Hòa, người hiện đang phải thụ án tại Trại Ba Sao (Hà Nam), bị nghi có thể đang ung thư gan giai đoạn đầu trong khi điều kiện giam giữ khắc nghiệt.
Anh Hồ Văn Lực, em trai anh Hồ Đức Hòa cho biết gia đình đã vào trại giam thăm anh hôm 7 tháng 12 và được cho biết về tình hình sức khỏe mới nhất như sau:
Tinh thần anh thì vẫn vui vẻ, bình thường, nhưng về bệnh tật thì anh có nói về cái gan. Anh có tham khảo ý kiến của các y bác sĩ trong trại…Khi anh đi khám bác sĩ ở bệnh viện về thì bác sĩ ở bệnh viện nói gan bị thô và hơi xấu… Tức là nó thô và xấu hơn gan bình thường của mình. Về trại giam tham khảo phía đó thì họ nói là nghi vấn là có hiện tượng bắt đầu bước qua ung thư giai đoạn đầu. Anh ấy cũng đang làm đơn xin được đi khám lại để có chẩn đoán cụ thể nhưng họ vẫn chưa có quyết định cho anh đi khám lần hai”.
Anh Hồ Văn Lực cho biết do ảnh hưởng của điều kiện sức khỏe, tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa thường bị mệt mỏi, đi lại gặp khó khăn. Anh Hòa đã có tiền sử bị gan B khi ở nhà và vẫn được theo dõi điều trị thuốc để duy trì sức khỏe gan. Tuy nhiên từ khi bị đi tù vào năm 2011 đến năm 2018 anh Hòa không được điều trị thuốc. Gia đình đã phải làm đơn xin gửi thuốc vào cho anh Hòa vào năm 2018 khi anh có dấu hiệu đau bệnh.
Theo quy định của trại giam Ba Sao, từ năm 2016, anh Hồ Đức Hòa không còn được nhận các thực phẩm trợ giúp cho các chứng bệnh của anh từ gia đình. Anh Hồ Văn Lực cho biết:
“Từ 25/4 (2015) họ đã gửi thư cho các gia đình, không cho gửi các đồ lưu ký, và đến năm 2016 thì không gia đình nào được gửi đồ…Hôm họ gọi lên thì tôi nói theo luật của Bộ Công an gia đình được gửi đồ nhưng họ nói trại muốn quản lý để cho tốt cho phạm nhân, sợ nhiều phạm nhân gửi ma túy và hàng cấm vào. Tôi nói cái đó là ai làm người đó chịu chứ còn quyền người nhà được gửi thì phải tạo điều kiện cho người nhà được gửi bổ sung thêm thức ăn vì người nhà tôi bị ốm. Họ lấy ý kiến gia đình để gửi lên giám thị mà chưa thấy trả lời”.
Ngoài ra thân nhân TNLT Hồ Đức Hòa cho biết anh bị giam trong một phòng thiếu không khí gây mệt mỏi. Nhân viên y tế của trại giam đã vào kiểm tra phòng giam và xác nhận. TNLT Hồ Đức Hòa đã xin trại giam cho chuyển sang phòng giam khác nhưng vẫn chưa được chấp nhận.
TNLT Hồ Đức Hòa là 1 trong số 14 thanh niên Công giáo – Tin lành bị kết án tù vào tháng 1 năm 2013. Anh Hồ Đức Hòa là người bị án nặng nhất với 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Anh Hòa bị coi là người đứng đầu trong nhóm.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, anh Hồ Đức Hòa – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trần Đình tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã lôi kéo nhiều người khác ở các địa phương: Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Trà Vinh… tham gia tổ chức “Việt Nam Canh tân cách mạng Đảng” (gọi tắt là Việt Tân).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoner-hoduchoa-is-severely-sick-symptom-of-liver-cancer-12202019071344.html

Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình,

Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù

Sáng 20/12, trong ngày làm việc thứ tư phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), phiên toà chuyển sang phần tranh luận.
Bàn Tròn BBC: Điểm và bình luận sự kiện quốc tế và VN nổi bật năm 2019
Hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa
VN: Tham nhũng ‘tăng nhanh’ tính bằng triệu đô
Mở đầu phần tranh luận, Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội nêu quan điểm về giải quyết vụ án và đề nghị mức án với các bị cáo.
Theo đó, cơ quan công tố đề nghị phạt ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông 16-18 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” và án tử hình với tội “Nhận hối lộ;” hình phạt chung là tử hình.
Cơ quan công tố cho rằng, ông Son phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo mang tính quyết liệt buộc cấp dưới phải thực hiện. Ông còn nhận hối lộ của Phạm Nhật Vũ 3 triệu đô la.
Ông cũng có những tình tiết giảm nhẹ như có nhiều bằng khen của Chính phủ, bộ ngành, có huân chương Lao động hạng nhì…
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, cựu bộ trưởng 66 tuổi đã phủ nhận hành vi nhận hối lộ, rồi sau đó lại thừa nhận, nên bị đánh giá “chưa ăn năn hối lỗi.”
Với ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, theo Viện kiểm sát, ông Tuấn ký nhiều văn bản trái quy định để thúc đẩy việc MobiFone mua AVG, trong đó có quyết định 236 phê duyệt dự án mua bán này.
Tuy nhiên, việc ký là do “hoàn cảnh bắt buộc.” Ông Tuấn cũng được đánh giá là người chủ động tích cực trong chỉ đạo khắc phục hậu quả. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ đáng kể.
Bởi vậy, Viện kiểm sát đề nghị phạt ông Trương Minh Tuấn 6-7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị 8-9 năm tù ở tội “Nhận hối lộ;” tổng hình phạt là 14-16 năm tù.
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, bị đề nghị từ 7-8 năm tù ở tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” 16-17 năm tù ở tội “Nhận hối lộ,” tổng hình phạt là 23-25 năm tù.
Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone, bị đề nghị từ 4-5 năm tù ở tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” 10-11 năm tù tội “Nhận hối lộ,” tổng mức hình phạt đề nghị là 14-16 năm tù.
Viện kiểm sát cũng cho rằng, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí liên quan vụ án. Trong quá trình điều tra, ông Vũ đã tự thú tội Đưa hối lộ, ăn năn hối lỗi, tích cực với cơ quan pháp luật trong giải quyết vụ án. Ông Vũ tham gia hoạt động từ thiện và có nhiều đóng góp cho Giáo hội phật giáo Việt Nam.
Bởi vậy, cơ quan công tố đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Vũ và chỉ đề nghị phạt ông Vũ từ 3-4 năm tù với tội “Đưa hối lộ.”
Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự của Việt Nam 2015, mức hình phạt cao nhất đối với tội Đưa hối lộ là 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Ông Son nói chỉ bút phê theo “tinh thần chỉ dạo của Thủ tướng”
Ông Bắc Son mất cả tư cách ‘nguyên bộ trưởng’
Ông Nguyễn Bắc Son bị cách chức Ủy viên Trung ương
Ba triệu đôla của ông Nguyễn Bắc Son đi đâu?
Bắt các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn
Trước đó, trong phiên xét xử vào ngày 18/2, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói rằng mình chỉ bút phê chỉ đạo cấp dưới ký phê duyệt đầu tư dự án theo “tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.”
Cụ thể, truyền thông Việt Nam đưa tin cho biết, theo lời bị cáo khai tại toà, ngày 14/12/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được Công văn số 2678 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.”
Ông Son thừa nhận vai trò người đứng đầu khi bút phê vào tất cả các văn bản giao cho cấp dưới để hoàn thành thương vụ. Song ông phân trần, dù văn bản thông báo 2678 không phải quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng ông hiểu rằng thông báo như vậy là Thủ tướng đã đồng ý, theo tường thuật của báo Thanh niên.
Ông Son cũng nói rằng ông đã xin ý kiến nhiều nơi trong thương vụ Mobifone mua AVG.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Cáo trạng của Viện kiểm sát công bố trước đó nói ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD tiền hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG.
Phiên tòa có diễn biến đáng chú ‎ý khi ông Son vào sáng 17/12 có hành vi “phản cung” bằng việc phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ này.
Tuy nhiên chính ông đã đổi lời khai là có nhận khoản này chỉ sau giờ nghỉ trưa.
Trong quá trình bị thẩm vấn vào giai đoạn điều tra, ông Son khai đưa số tiền này cho con gái và dặn “không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy”. Tuy nhiên khi khai lại vào chiều 17/12 ông nói “không đưa cho con” mà “tiêu số tiền này cho cá nhân” nhưng “không nhớ tiêu vào việc gì”.
Ông mô tả việc ông có những lời khai khác nhau như vậy là do “đêm qua bị mất ngủ nên thấy mệt”.
Phiên tòa dự kiến sẽ còn kéo dài đến ngày 31/12, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50863397

Việt Nam: Bị tuyên án tử hình thì có cách nào xin giảm?

Hôm 20/12, tại phiên tòa ở Hà Nội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề nghị hình phạt tử hình cho bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Bàn Tròn BBC: Điểm và bình luận sự kiện quốc tế và VN nổi bật năm 2019
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình
Hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa
TAND Hà Nội đang xét xử vụ án Mobifone mua cổ phần của AVG, với các bị cáo gồm hai cựu bộ trưởng truyền thông.
Theo cáo trạng, sau khi thương vụ xong, bị cáo Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch HĐQT AVG – đã chuyển 3 triệu USD cho bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Ngoài ra là 200 nghìn USD cho Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng).
Lê Nam Trà – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Mobifone nhận 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải – nguyên Tổng GĐ Mobifone nhận 500 nghìn USD.
Kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt ông Nguyễn Bắc Son mức án 16 – 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tử hình về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Hối lộ và án tử hình
Bộ luật Hình sự (BLHS) được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 27/11/2015 và được Quốc hội sửa đổi, bổ sung ngày 20/6/2017.
Theo đó, có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với BLHS năm 1999, trong đó có sửa đổi, bổ sung các tội: “Tham ô tài sản”, tội “Nhận hối lộ”.
Về tội Nhận hối lộ: Điều 354 BLHS năm 2015 quy định như sau: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
a. Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
b. Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Tử hình, có được giảm thành chung thân?
Còn theo Điều 40 của BLHS 2015, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu:
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Và trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Việc nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ được đưa ra trong bối cảnh thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại.
Vì thế, quy định mới này, đưa vào BLHS 2015, được giới chức nói là mang tính nhân đạo, khoan hồng, vừa giúp cho công tác thu hồi tài sản được khả thi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nhưng, người phạm tội ngoài việc nộp lại tài sản tham ô, nhận hối lộ thì còn phải có đủ những điều kiện nhất định như đã nêu ở trên (hợp tác tích cực…) thì mới có thể được xem xét giảm án.
Thế nào là lập công lớn?
Một nghị quyết ban hành năm 2016 hướng dẫn áp dụng luật hình sự, có phần giải thích về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện.
Theo đó, hình phạt tử hình có thể chuyển thành chung thân nếu:
Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm;
Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn.
Nghị quyết của Tòa án Nhân dân Tối cao giải thích:
“Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án
đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ
hoặc người bị kết án đã tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.
“Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án
chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án…).
Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
“Lập công lớn” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã:
giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, Điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án;
cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác;
có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là người ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Từ tử hình còn chung thân và tối thiểu tù 30 năm?
Theo BLHS năm 2015, những người bị án tử hình được ân giảm, thì còn có thể được giảm án tù sau đó.
“Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm”, theo luật mới nhất.
Giới chức giải thích, việc thi hành án vô thời hạn đối với các phạm nhân tạo gánh nặng cho Nhà nước và làm cho người bị kết án không có động lực để phấn đấu, cố gắng trở thành người có ích.
Vì thế, luật Việt Nam cho phép người bị kết án tử hình được ân giảm tiếp tục được xét giảm.
Nhưng, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm.
Dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.
Tháng 5/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn.
Ông Sơn bị cáo buộc có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỉ đồng và hành vi tham ô chiếm đoạt 49 tỉ đồng.
Nhưng bị cáo được tòa nói là đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn phúc thẩm.
Bị cáo và gia đình có nhiều thành tích, là gia đình có công với cách mạng.
Gia đình bị cáo cũng bày tỏ mong muốn khắc phục hậu quả.
Vì vậy, tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi đã khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.
Cho đến hiện nay, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vẫn đang mang án tử hình, nhưng chưa thi hành án.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50867037

Thuyền trưởng tàu Việt Nam bị án tù

trong vụ trộm dầu Shell ở Singapore

Tòa án Singapore vào thứ Năm, ngày 19 tháng 12  đã tuyên án 5 năm rưỡi tù đối với công dân Việt Nam Doan Xuan Than, sau khi ông này thú tội trước tòa có nhận một lượng dầu mỏ ăn trộm trị giá 5,7 triệu Mỹ kim.
AFP loan tin ngày 20 tháng 12, dẫn xác minh từ phía Tư Pháp Singapore về việc thuyền trưởng Doan Xuan Thuan, 47 tuổi, cùng ba người khác thông đồng mua dầu mỏ ăn trộm suốt trong khoản thời gian gần hai năm trời.
Bản thân thuyền trưởng Doan Xuan Than kiếm được từ 70 ngàn đến 90 ngàn Mỹ kim trong vụ việc kể từ năm 2016 đến khi bị bắt vào tháng 1 năm ngoái.
Ông Doan Xuan Than là người thứ hai bị tuyên án tù trong vụ ăn trộm dầu thô từ nhà máy lọc dầu của hãng Shell ở Pulau Bukom. Người đầu tiên bị án 2 năm rưỡi tù hồi tháng 7 vừa qua là Dang Van Hanh, 38 tuổi, một thuyền viên trên tàu do Doan Xuân Thuan làm thuyền trưởng.
Tàu dầu do Doan Xuan Than làm thuyền trưởng có tên Prime South thuộc sở hữu công ty Việt Nam Prime Shipping Corporation.
AFP dẫn lại nguồn tin từ Strait Times rằng vụ trộm dầu thô còn liên quan đến 11 công nhân trước đây của nhà máy lọc dầu Shell. Trường hợp của những người này đang còn treo chưa được đưa ra xử.
Singapore là một trong những trung tâm giao dịch dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tai đây dầu thô từ Trung Đông được chuyển qua đưa đến khu vực Đông Á. Một số tập đoàn dầu khí lớn như Shell đặt nhà máy lọc dầu tại tiểu quốc Singapore.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-captain-in-singapore-sentenced-to-5-years-in-prison-12202019102728.html

Nhiều cán bộ bị khởi tố

vì liên quan đến vụ án Nhật Cường Mobile

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 10 cán bộ liên quan vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu” và “Rửa tiền” xảy ra tại công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 20/12 cho biết như vừa nêu.
Trước đó vào ngày 29/11, Bộ Công an cho biết đang mở rộng điều tra vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại công ty Nhật Cường, đã quyết định khởi tố bổ sung vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và nhiều đơn vị có liên quan.
Cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Học – nguyên phó giám đốc Sở, bà Phạm Thị Kim Tuyến – Trưởng phòng đăng ký kinh doanh và Lê Duy Tuấn – Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh cùng nhiều cán bộ liên quan khác.
Riêng ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Cty TNHH Thương Mại & Dịch vụ Nhật Cường, Giám đốc Cty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường bị cơ quan điều tra khởi tố với 3 tội danh “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu” và “Rửa tiền”. Ông này hiện đang bỏ trốn nên bị truy nã.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-officials-were-prosecuted-for-involvement-in-the-nhat-cuong-mobile-case-12202019072613.html

Hiệu trưởng truy tìm

giáo viên cung cấp thông tin cho báo chí vì bị tố cáo

Tin Vietnam.- Báo Giáo dục Việt Nam ngày 20 tháng 12 năm 2019 loan tin, sau khi truyền thông đưa tin về những sai phạm ở trường mầm non Na Ngoi 1, ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã khiến cho bà
Lê Thị Ngọc Hải, Hiệu trưởng nhà trường tức giận, quyết truy tìm giáo viên đã cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo đó, các giáo viên trường Na Ngoi 1 phản ánh, trong 2 năm học đã và đang diễn ra, các giáo viên trong trường không được nghỉ thứ 7, và chủ nhật. Những ngày này, họ bị Hiệu trưởng bắt đi khiêng đất, xi măng, gạch đá để nhà trường xây dựng. Còn lúc nhà trường không xây dựng thì cứ 2 tuần 1 lần giáo viên phải đi nhổ cỏ, cải tạo môi trường, làm đồ chơi cho học sinh.
Những giáo viên nào có việc đột xuất không tham gia lao động được thì phải nộp cho nhà trường 2 cây xanh có hoa, và số tiền để mua 2 cây hoa là khoảng 300 đến 400 ngàn đồng, trong khi đồng lương của các giáo viên rất ít ỏi. Nếu những giáo viên không thực hiện 2 việc trên thì sẽ bị hạ bậc thi đua, ảnh hưởng đến lương, thưởng nên ai cũng sợ.
Các cô giáo cho rằng, việc dạy trẻ mầm non cả ngày đã khiến họ rất mệt mỏi. Vì ngoài dạy trẻ, thì mỗi buổi trưa khi các bé ngủ các cô phải thức để làm đồ dùng học tập, lau nhà cửa, tối về thì phải làm việc nhà và soạn bài, làm đồ dùng đến khuya. Công việc bận rộn nên mỗi ngày các cô chỉ ngủ được 4 đến 5 tiếng đồng hồ.
Với cường độ công việc như trên, cuộc sống gia đình của các cô giáo thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, có những giáo viên ở xa thì cuối tuần không được về với gia đình.
Sự việc kéo dài đến nay khiến giáo viên không còn chịu đựng được nên đã cầu cứu đến báo chí. Trước sự việc trên, bà Hải thừa nhận là đúng, và nói rằng, trường bà không phải là cá biệt vì có nhiều trường khác cũng vậy. Còn việc nộp 2 cây hoa là do công đoàn yêu cầu chứ không phải nhà trường.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hieu-truong-truy-tim-giao-vien-cung-cap-thong-tin-cho-bao-chi-vi-bi-to-cao/

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại lùi tiến độ

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thêm một lần nữa lại hoãn chạy thử vào cuối tháng 11 vừa qua và không thể đưa vào hoạt động thương mại trong năm 2019 như được hứa hẹn trước đó. Lý do chính vì thiếu thủ tục an toàn.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 20/12 dẫn lời của lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và đại diện Chủ đầu tư dự án này.
Trước đó, Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) được phân công thực hiện việc đưa vào chạy thử toàn hệ thống từ ngày 29/11 với thời gian chuẩn bị là 5 ngày.
Tuy nhiên sau thời gian này, EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án nên bị Ban quản lý Dự án đường sắt và Chủ đầu tư không đồng ý cho EPC vận hành thử.
Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt nói nguyên nhân không cho vận hành thử là vì đây là loại hình giao thông với công nghệ mới lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và bắt buộc phải có phương án an toàn khai thác do EPC cung cấp để làm căn cứ giám sát, nghiệm thu và quy trách nhiệm.
Đại diện Chủ đầu tư dự án Cát Linh – Hà Đông nói với báo trong nước đến thời điểm 20/12 vẫn chưa thể khẳng định khi nào dự án sẽ được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác thương mại.
Tin nói trong thời gian kéo dài dự án, EPC sẽ chịu trách nhiệm trả lương nhân sự và phía Việt Nam không phải trả thêm chi phí này đối với hợp đồng trọn gói đã ký.
Theo ghi nhận của RFA, Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km do phía Trung Quốc xây dựng đã ít nhất 12 lần bị lùi tiến độ kể từ khi khởi công dự án vào năm 2011.
Dự án này có tổng vốn dự định ban đầu khoảng 550 triệu USD, nhưng đến năm 2019 đã đội vốn 886 triệu USD, với vốn vay của Trung Quốc gần 700 triệu USD.
Hôm 30/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải xử lý nghiêm những sai phạm trong dự án Cát Linh Hà Đông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cat-linh-ha-dong-skytrain-trial-operation-again-postponed-12202019090819.html

Vì sao không cho báo chí dự họp

về ô nhiễm không khí?

Bộ Tài nguyên – Môi trường vào ngày 19/12/2019 họp với các bộ, ngành, về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bất ngờ mời báo chí ra ngoài. Vì sao không cho báo chí họp về ô nhiễm không khí?
Ô nhiễm không khí có phải bí mật?
Trả lời RFA hôm 19/12, Tiến sĩ Trần Duy Bình, nguyên Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhận định lý do vì sao báo giới không được dự cuộc họp liên ngành về ô nhiễm không khí do Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì ngày 19 tháng 12:
“Vừa rồi Bộ TNMT cũng đưa ra giải pháp công khai trên TV rồi, còn chuyện các phóng viên bị đuổi ra ngoài thì Chị chưa biết, nhưng nếu có chuyện đó thì Chị nghĩ cũng không nên, cái này có gì đâu mà bí mật, ô nhiễm không khí thì tất cả người dân phải được biết chứ. Cũng có thể có khía cạnh nào đấy, có thể người ta chưa muốn. Bởi vì thật ra mà nói, nếu số liệu chưa chính xác, hay khi thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, nếu đưa tin thì có thể người dân hoang mang. Cũng có ý kiến tích cực, nhưng cũng có ý kiến chưa chính xác, Bộ chưa xác nhận được, mà đưa lên báo, mỗi người một nhận thức khác nhau. Tôi nghĩa Bộ TNMT cẩn thận thôi.”
Theo Tiến sĩ Trần Duy Bình, vấn đề này cũng có nhiều yếu tố nhạy cảm, ảnh hưởng tư tưởng người dân, có thể gây hoang mang. Vì vậy Bộ TNMT cân nhắc, đề phòng, chứ để xã hội hoang mang cũng không nên.
Trong khi trước đó vào ngày 14/12/2019, sau nhiều ngày không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bị báo động ô nhiễm trầm trọng, Bộ Y Tế chính thức đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.
Tuy nhiên Bộ TNMT lại hành xử ngược lại, là mời báo chí ra ngoài khi họp về ô nhiễm không khí.
Thói quen bưng bít thông tin
RFA vào ngày 19 tháng 12 cũng liên lạc anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động xã hội tại Hà Nội, và được anh cho biết nhận xét của mình:
“Về việc Bộ TNMT họp về ô nhiễm không khí mà mời phóng viên ra ngoài thì mình có nhận xét thế này, kể từ vụ Formosa tới giờ, mình thấy một điểm rất rõ về Bộ TNMT, văn hóa của Bộ này không phải là văn hóa minh bạch. Mặc dù luật quy định rất rõ, rất báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng suốt thời gian qua, Bộ TNMT đã không thực hiện đúng quy định đó trong thời gian rất dài, tức đây là sự vi phạm có hệ thống.”
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đối với cuộc họp về ô nhiễm không khí, là vấn đề đang nhức nhối hiện nay ở Việt Nam, lại một lần nữa chứng tỏ thói quen, văn hóa bưng bít thông tin của Bộ TNMT.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/12 cho biết, ứng dụng quan trắc PAM Air cho thấy AQI tại nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều vượt mức 200, tức rất nguy hại cho sức khỏe.
Trong khi đó, ứng dụng AirVisual hôm 13/12 cũng xếp Hà Nội bị ô nhiễm không khí nhất thế giới với điểm AQI 316. Chất lượng không khí tại Tây Hồ bị xác nhận ô nhiễm nhất với điểm số cao đặc biệt 405.
Tuy nhiên khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) vẫn chưa có thông báo hay khuyến cáo liên quan.
Một người từng làm trong ngành truyền thông, nay sinh sống ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Khánh, chia sẻ với RFA một thực tế mà anh từng trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp báo chí cũng như làm việc trong cơ quan nhà nước:
“Tôi từng làm báo ở Báo Tiền Phong, ở Ban Khoa giáo từ năm 2012 đến 2017. Thực tế  các Bộ và các cơ quan thuộc chính phủ, hay xã huyện  thông thường khi mời họp báo họ chỉ muốn phát biểu 1 chiều, chỉ muốn đọc như thông cáo, còn báo chí hỏi thì họ thường trả lời rất chung chung, quanh co, hoặc họ nói sẽ trả lời bằng văn bản. Cho nên việc Bộ TNMT mời báo chí ra ngoài là không có gì lạ. Chúng tôi từng họp báo ở Bộ Giao thông Vận tải, họ không cho phóng viên hỏi gì, chỉ ngồi nghe, rồi họ phát cho thông cáo báo chí rồi họ mời về…”
Theo anh Khánh, việc mời phóng viên ra ngoài trong buổi họp báo dù bất kỳ lý do gì cũng vi phạm luật báo chí 2013; thế nhưng chuyện này không có gì lạ ở Việt Nam.
Hệ lụy của việc thiếu minh bạch
Cho đến ngày 14/12, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong cả tuần qua, từ ngày 7 – 12 đến 13 -12 có xu hướng tăng lên so với tuần trước đó.
Theo chỉ số được công bố, trong các ngày 10 – 12 đến ngày 13 -12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.
Trong khi trước đó, khi người dân và các chuyên gia cảnh báo báo ô nhiễm nghiêm trọng thì cơ quan chức năng thường cho rằng vẫn an toàn.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Trần Duy Bình, nhận định:
“Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì do nhiều nguyên nhân, trong đó người dân gây ô nhiễm cũng nhiều như đốt than tổ ong, đốt trên đồng ruộng, chở vật liệu xây dựng… Đó cũng là những yếu tố gây ô nhiễm thêm. Nhà nước cũng đang cố gắng, nhưng cố gắng như thế nào? Thứ nhất là người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành cho ô nhiễm giảm đi. Nhà nước cũng rất quan tâm nhưng không biết làm thế nào cả (!?)…
Tiến sĩ Trần Duy Bình cho biết, người dân bây giờ ra đường cũng chỉ biết phòng hộ cho mình, như đeo khẩu trang. Theo bà, để giải quyết chuyện này, cần phải có giải pháp đồng bộ, chứ nếu không tình hình ô nhiễm sẽ kéo dài.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chuyện có những đánh giá khác nhau về ô nhiễm không khí thì cũng không lạ gì với Bộ TNMT:
“Tôi vẫn còn nhớ khi xảy ra thảm họa Formosa, thì cũng chính Bộ TNMT họp báo đưa ra nguyên nhân do tảo nở hoa hay thủy triều đỏ gì đấy… và cuối cùng sự thật như thế nào mọi người đều biết. Như vậy đánh giá ban đầu của bộ này là dối trá.”
Là một người đang sống ở Hà Nội, Anh Tuấn cho biết, không cần máy đo chất lượng không khí, cơ thể anh đã cảm nhận không khí ô nhiễm hết sức rõ nét. Anh so sánh y ô nhiễm gần như tương đương khi Anh sang thăm Bắc Kinh vào năm 2014.
Còn Anh Khánh thì cho rằng, cơ quan chức năng rất sợ minh bạch, vì nếu minh bạch, sẽ phải chỉ ra đâu là nguyên nhân. Việc tàn phá rừng, nhập máy móc, công nghệ lạc hâu, sử dụng nhiên liệu hoá thạch tràn lan trong sản xuất điện, thép… là những nguyên nhân cốt lõi cho vấn đề ô nhiễm trầm trọng hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-not-allow-reporters-to-attend-the-meeting-on-air-pollution-12192019135156.html

VN trước bước ngoặt phát triển,

tha hóa và khó khăn 2020

Việt Nam đang ở trong một ‘bước ngoặt’ của sự phát triển và cần đến một chiến lược phát triển mới trong bối cảnh mới, theo các khách mời hội luận cuối năm của BBC News Tiếng Việt.
Nêu cái nhìn cho năm mới, TS. Phạm Quý Thọ, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam nói:
“Việt Nam đang trong một bước ngoặt của sự phát triển, ở đây tôi nghĩ là sẽ có rất nhiều khó khăn trong năm 2020, kể cả kinh tế, xã hội và rất nhiều các vấn đề khác và cần phải nghiêm túc từ đảng, rồi nhà nước, chính phủ rồi quốc hội, tất cả cũng phải làm một chiến lược phát triển mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới.
Bàn tròn BBC: Điểm sự kiện quốc tế và VN nổi bật năm 2019
Bộ Tài chính VN cho việc bị hạ triển vọng tín nhiệm là “không xác đáng”
VN: Bí ẩn vụ biển xe đổi trắng thay xanh
“Thứ hai nữa là chuyển dịch không chỉ về kinh tế mà còn phải chuyển dịch sang các vấn đề giá trị phổ quát như trong năm 2019 đã đặt ra cho chúng ta.
Cho nên năm 2019 đã và sắp kết thúc, thì năm 2020, tôi thấy thứ nhất phải nhấn mạnh vấn đề này:
Đảng Cộng sản đối nghịch ý thức hệ với thị trường, cho nên nó không có lối thoát về kinh tế phát triển một cách bền vữngPGS. TS. Phạm Quý Thọ
“Một là kinh tế sẽ tiếp tục có những khó khăn, đặc biệt khi mà chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường nhưng mà lại không có những cơ sở để cho nó phát huy thị trường này, thì chúng ta tiếp tục rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn.
“Tức là Đảng Cộng sản đối nghịch ý thức hệ với thị trường, cho nên nó không có lối thoát về kinh tế phát triển một cách bền vững. Cái thứ hai nữa là do hiệu ứng của nó, sẽ có rất nhiều các vấn đề xã hội phát sinh.
“Trong đó phải nói sự tha hóa, mặc dù Đảng CSVN cũng đã rất cố để xây dựng đội ngũ chiến lược, chuẩn bị cho các đại hội các cấp, nhưng tôi nghĩ họ sẽ rất là khó chống nổi thực tế là sự cám dỗ của vật
chất và sự tha hóa này cũng sẽ lại tiếp tục, chứ không thể chống tham nhũng thông qua một số vụ mà có thể giảm được.
“Thứ ba nữa là nó ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác, đặc biệt là các giá trị xã hội ở trong dân chúng mà bây giờ tôi thấy đang phân hóa rất rõ, tức là người ta rất khó thống nhất với nhau những vấn đề từ rất nhỏ cho đến những vấn đề lớn như đã được mô tả và đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, con cái, con trẻ cũng như là các khía cạnh giáo dục khác.”
“Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy những điểm mới, mà cũng rất mới đối với Việt Nam, thí dụ như việc chọn sách giáo khoa, tức là những tác động của khó khăn về kinh tế sẽ lan tỏa sang các hiệu ứng về mặt thể chế cũng nhưng những vấn đề xã hội khác mà cần phải có những hoạch định cho rõ ràng thì mới có thể chủ động hơn được một chút trong năm 2020,” ông Thọ nói.
‘Quan trọng và kịch tính’
Còn blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nêu dự phóng về đối ngoại và đối nội với Việt Nam:
“Tôi cho rằng năm 2020 sẽ có hai vấn đề rất quan trọng và có thể rất kịch tính. Thứ nhất là về vấn đề Bãi Tư Chính và Biển Đông. Đây là vấn đề mà chính quyền Việt Nam có thể nói là gần như hoàn toàn bị động.
Đại hội 13 sẽ có một kiểu kịch tính khác là nó liên quan đến chuyện chống tham nhũngBlogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
“Tức là bây giờ xem xem Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào và khi đó họ sẽ đối phó như thế nào là điều rất khó khăn, và cái đó họ sẽ không thể dễ như năm nay. Đó là một vấn đề sẽ là kịch tính.
“Hoặc là rất ít khả năng là Trung Quốc sẽ không làm gì, nhưng nhiều khả năng là có chuyện và có chuyện thì sẽ rất kịch tính và Việt Nam đối phó như thế nào là cực kỳ khó.
“Thứ hai về đối nội, vừa là chuyện chống tham nhũng nhưng vừa là chuyện chuẩn bị Đại hội 13, thì nó sẽ kịch tính. Đại hội 12, chúng ta đã biết rồi, Đại hội 13 sẽ có một kiểu kịch tính khác là nó liên quan đến chuyện chống tham nhũng.
“Thì trong năm 2020, sẽ có những vụ án gì và các vụ án này sẽ đi đến đâu? Và liên quan đến Đại hội 13 chuẩn bị nhân sự, rồi sắp tới sẽ có ai lên, ai xuống, có ai bị (đề nghị xem xét) kỷ luật như ông Hoàng Trung Hải?
“Tất cả những chuyện này là sẽ rất kịch tính trong năm 2020, đó là hai điều tôi thấy rất đáng quan tâm,” nhà điểm tin tức và báo chí nói với BBC.
Còn từ Berlin, Cộng hòa Đức, nhà văn Võ Thị Hảo đưa ra bình luận:
“Tôi thấy Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam có thể sẽ là một cơ hội rất lớn để cho Việt Nam cải cách thể chế, nó có thể là một đòn bẩy thay đổi, thế nhưng vấn đề là chưa thấy một triệu chứng nào, một mầm mống nào để thấy rằng họ thực sự muốn cải cách thể chế, như họ đã từng lớn tiếng.
“Vì vậy, chúng ta sẽ rất để ý trong vấn đề này và việc thay đổi, việc mà gọi là ‘đốt lò’ cũng tạo một điều kiện để thay đổi những nhân vật, những người là quan chức trong hệ thống cầm quyền.
“Nó có thể đưa ra một điều cho người ta thấy rằng thực sự những nhóm này ‘thân’ ai đó, hay là có khuynh hướng muốn bảo vệ sự cải cách thể chế hay không, thì chúng ta đã thấy rất là rõ.
“Và đấy là một điều mà mọi người phải hết sức để ý và tất nhiên là để muốn thay đổi, thì đương nhiên mỗi người chúng ta phải góp sức vào thôi, phải lên tiếng, phải đấu tranh.”
‘Cấp bách và phải làm’
Theo bà Võ Thị Hảo, hiện nay và qua năm mới, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết khẩn cấp một số việc:
“Thế còn điều thứ hai nữa mà tôi muốn nói là có những cái cấp thiết mà nhà cầm quyền Việt Nam phải làm, thứ nhất là phải giải quyết ngay nạn ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và Sài Gòn mà thuộc hàng ô nhiễm nhất thể giới. phải giải quyết ngay nạn ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và Sài GònBà Võ Thị Hảo
“Không thể nào thúc thủ như hiện nay được, vì như thế là đưa mọi người vào cái chết.
“Một vấn đề nữa là đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang ngập mặn, mà một thông báo gần đây nhất nói là gần như toàn bộ; và đây là một cuộc chiến tranh nước, từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam…
“Thì bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm gì đây? Phải có những giải pháp rõ ràng.
“Và thứ ba nữa là vấn đề gian lận thương mại, Việt Nam hiện nay đang bị áp một mức thuế thép với một mức hàng trăm lần, là vì đã ‘chấp nhận gian lận’.
“Thép của Đài Loan hay là của Hàn Quốc, hay của Trung Quốc, chưa kể những mặt hàng khác đóng mác Việt Nam và xuất sang các nước khác để tránh lậu thuế và đó là một việc làm khủng khiếp, việc làm cực kỳ ‘gian lận’.
“Và nó không thể chấp nhận được ở trên thế giới và điều đó sẽ đem lại sự trừng phạt rất lớn mà chính người dân Việt Nam phải chịu, còn hưởng lợi thì phải để thuế quan đánh giá, tôi thấy đấy là một điều cần phải làm,” nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50869102

Nguy hại của quyết tâm

không ‘phi chính trị hoá’ quân đội!

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, ông Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết rằng “Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân”.
Vi hiến, độc tài
Quan điểm vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng bị cho là trái với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng như không đúng với bản chất của quân đội, là phục vụ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, chống xâm lược chứ không phải can thiệp chuyện an ninh trật tự hay chống nhân dân, như phát biểu của Giáo sư Mạc Văn Trang:
“Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường Quân đội và tặng một lá cờ có chữ ‘Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân’. Sau này thì phát triển thành ‘Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng’. Nhưng sau này biến quân đội thành của đảng ‘Quân đội ta trung với Đảng’ chứ không phải chứ không phải trung với nước, rất vô lý, nghe chướng tai vô cùng. Vì Quân đội Nhân dân phải bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ một đảng, đảng chỉ là một nhóm người.”
Quân đội Nhân dân phải bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ một đảng, đảng chỉ là một nhóm người. - GS. Mạc Văn Trang
Còn theo ông Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải ngũ lại cho rằng qua phát biểu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy đảng muốn sử dụng lực lượng quân đội để giữ thế độc tài, độc quyền lãnh đạo, điều hành đất nước.
“Từ ngày xưa tôi mới nhập ngũ, vào trường học, tốt nghiệp ra trường rồi ra làm việc những năm đầu tôi vẫn có cảm giác mình bị nhồi sọ, phải nghe những lời tuyên truyền của họ là quân đội này chỉ phục vụ chủ trương đường lối một đảng đó thôi. Dần dần tôi mới hiểu ra rằng trên thế giới không có nước nào quân đội phải theo đảng phái nào cả. Quân đội chỉ làm nhiệm vụ theo hiểu biết của mình là bảo vệ lãnh thổ quốc gia, bảo vệ người dân là nhiệm vụ chính. Còn chuyện theo một đường lối, một chủ trương, đảng phái, một tổ chức chính trị thì tôi cho rằng nó vô lý.”
Một bạn trẻ ở Biên Hòa qua Facebook Messenger cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện đường lối và tư tưởng của các lãnh đạo Việt Nam từ trước đến nay:
“Đơn giản thôi, bác Lê Duẩn từng nói: Còn đảng là còn mình. Nên bác Trọng cũng như lớp hậu bối phải sống chết bảo vệ đảng cũng hợp lý mà. Cố TBT Nguyễn Văn Linh cũng từng nói: “Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng”. Vậy nên cứ còn đảng trước đã rồi tính, đối với cán bộ đảng còn gì quan trọng hơn là đảng an toàn đảng vững mạnh.”
Đồng quan điểm với ý kiến nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính trị tại Hà Nội cũng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tư tưởng nhất quán của ông và của nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Thật sự rất đáng tiếc là đây một quan niệm phản dân tộc ở một nghĩa Đảng Cộng sản Việt Nam đã tư hữu hóa quân đội mà lẽ ra quân đội này để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc chống ngoại xâm thì bây giờ lại bảo vệ Đảng Cộng Sản Việt Nam.”
Quân đội chống dân!
Vào ngày 15/12 vừa qua, Quân đội Nhân dân đã tham gia diễn tập chống gây rối an ninh, khủng bố, bắt cóc con tin với sự huy động hơn 4.000 người, xe thiết giáp, chó nghiệp vụ… tại thành phố Hồ chí Minh. Đây được xem là đợt diễn tập khủng bố lớn nhất Việt Nam được cho biết nhằm đánh giá khả năng thực binh, ứng phó của các đơn vị khi có các sự cố xảy ra như: các thành phần xấu lợi dụng không gian mạng để kích động, gây rối trật tự hoặc nhóm khủng bố lợi dụng tình hình phức tạp để tấn công trụ sở, cơ quan nhà nước, bắt giữ cán bộ, hoặc dùng chất nổ đe dọa khủng bố cơ quan nhà nước.
Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, việc diễn tập nhưng lại huy động lực lượng quân đội tham gia như một hành động đàn áp nhân dân. Vô hình chung, đem lại một ảnh hưởng vô cùng khó lường:
Đảng Cộng sản Việt Nam đã tư hữu hóa quân đội mà lẽ ra quân đội này để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc chống ngoại xâm thì bây giờ lại bảo vệ Đảng Cộng Sản Việt Nam. - TS. Nguyễn Quang A
“Hết sức nguy hiểm vì quân đội và công an cuối cùng lại trở thành người chống lại nhân dân, xa rời nhân dân, không còn là chỗ dựa của nhân dân thì làm sao còn sức mạnh. Quân đội phải dựa vào nhân dân mà như thế thì dân mất lòng tin, nhiều người đã nói quân đội công an ‘hèn với giặc, ác với dân’. Nhưng ông Trọng và đảng ngày càng tuyệt đối hóa quân đội phục vụ đảng.”
Hệ lụy
Còn theo cựu sĩ quan Võ Minh Đức, khi quân đội, kể cả công an phải tuyệt đối trung thành, phải chịu sự lãnh đạo toàn diện trực tiếp của Đảng Cộng sản thì có rất nhiều hệ lụy xấu với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay:
“Họ chủ yếu dùng hai công cụ đó để bảo vệ quyền lực của họ, không chia sẻ cho bất kỳ ai quyền lực đó và sẵn sàng dùng lực lượng đó để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, dẫn đến độc quyền điều hành đất nước theo chủ nghĩa, quan điểm, đường lối riêng của họ. Quan điểm của họ nếu nói ở Việt Nam hiện nay đã biến chất, tha hóa, trở thành một đảng phái độc tài, tụt hậu so với tất cả quốc gia, đảng phái trên thế giới.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc độc quyền quân đội mà đảng Việt Nam đã và đang thực hiện sẽ là một lực cản vô cùng lớn đối với sự phát triển dân chủ của chính thể ở Việt Nam. Ông giải thích:
“Bởi vì khi người dân vẫn cứ mập mờ về chuyện đấy và binh lính được nhồi sọ rằng mình phải phục vụ cho một đảng chính trị thì không thể có đa đảng được. Điều đó rất nguy hiểm cho sự phát triển dân tộc này.”
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề nghị rằng để cho toàn dân Việt Nam hiểu đúng hơn vai trò của quân đội thì quân đội phải tách khỏi các đảng chính trị, phải trung lập với các đảng chính trị theo nghĩa rằng chỉ tuân thủ sự chỉ huy dân sự của chính quyền được người dân bầu lên, tức chính quyền hay chính phủ mà được dân bầu lên đã có tính đại diện của nhân dân. Trong trường hợp đó quân đội là của nhân dân thật. Tuy nhiên thực tế hiện nay lại khác:
“Còn bây giờ quân đội là của đảng cộng sản thì họ cứ lập lờ đảng với nhân dân là một, cái đấy thì đại bộ phậm nhân dân Việt Nam thì thấy hai cái đấy không phải là một.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/danger-of-determination-not-to-politicize-military-12192019140153.html

Cho một người vừa chết, cho một người mỏi mòn

Tuấn Khanh
Đám tang của thầy Đào Quang Thực tại quê nhà của ông, tỉnh Hòa Bình, giống như một lễ dựng mộ gió của người chết mất xác trên biển miền Trung. Gia đình và bạn bè của ông đứng quanh một bàn hương án, có tấm băng-rôn ghi tên và ngày chết của ông, chứ không có thi thể. Ở đâu đó, heo hút và khắc nghiệt của thời tiết và của cả trại giam số 6 Nghệ An, thầy Đào Quang Thực bị vùi ở đó theo luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với lý do đơn giản là việc giao thi thể về nhà sẽ gây mất an ninh.
Theo thông báo, 3 năm sau khi thầy Thực qua đời (tuổi 59), gia đình mới có thể lên trại giam số 6, Nghệ An để làm đơn xin cải táng.
Thầy Đào Quang Thực bị kết án 13 năm tù, một mức án nặng đến ngạc nhiên dành cho một thầy giáo đau yếu và hay cười nói. Công an tỉnh Hoà Bình đặt tên cho thầy Thực là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một tên gọi tự nhiên và đầy tính viễn tượng, như kiểu cha mẹ chọn cho con mình một cái tên thằng tèo, con tí, ngẫu hứng và may rủi.
Nhưng thầy Thực là một đứa con không may mắn trên đất Việt. Từ khi tạm giam, ông đã bị đánh, bị bỏ đói và khi đưa đi cấp cứu, ông cũng bị ngăn không được gặp gia đình. Và rồi, cuối cùng thì 3 năm sau, người hoạt động lật đổ chính quyền bằng nụ cười ấy, qua đời trong một trại giam nổi tiếng tàn ác từ trong đến ngoài trại. Tưởng chừng như ông được giải thoát trước 10 năm giam cầm của mình, nhưng không, thầy Thực vẫn phải chịu biệt giam cùng bùn đất nơi bãi chôn của trại giam số 6 Nghệ An thêm 3 năm nữa: Điều nhân đạo nhất mà một chế độ có thể làm được.
Đã đến lúc chúng ta cần nhớ đến những người đã đi qua giam cầm, đi qua những án tù quái lạ và chết nối, linh thiêng vào đời tự do mà họ mơ ước. Tôi nhớ những người như anh Huỳnh Anh Trí, thầy Đinh Đăng Định, ông Trương Văn Sương, tu sĩ Cao Đài Trần Hữu Cảnh, tu sĩ Đoàn Đình Nam, những thầy tu Phật Giáo, những linh mục Công giáo… danh sách thật dài, không kể xiết kể từ 1975 đến nay. Tôi không nghe thấy sự thù hận, chỉ có nỗi buồn và sự cao thượng tỏa lan. Tôi nhớ những giờ phút thầy Đinh Đăng Định yếu lả, lời dặn của ông với những người chung quanh là đừng để hận thù chiếm lấy trái tim, mà hãy tha thứ. Họ nối nhau ra đi, và trở thành những bằng chứng sáng lòa về một đất nước còn đầy những oan nghiệt.
Còn nữa hay không, những người con của nước Việt như vậy sẽ ra đi, chỉ vì ước mơ nhìn thấy một quê hương đổi thay tốt đẹp hơn, ước mơ nhìn thấy một chính quyền thật sự vì tổ quốc và dân tộc? Danh sách đã dài lắm chưa trong tim bạn?
Tháng 12 này, gia đình của anh Hồ Đức Hòa đi thăm nuôi về, và lặng đi khi thấy anh Hòa đã mang thêm chứng tê bại, có thể dẫn đến liệt người. Đây là điều dễ thấy nhất, trong số những chứng bệnh về đại tràng, trĩ, huyết áp cao, gan chai… mà anh đã chịu đựng suốt 8 năm qua.
Hồ Đức Hòa là người chịu án nặng nhất trong số những người bị kết án trong vụ 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành vào năm 2013. Trong số đó, có 6 người tuyên bố không nhận tội do tòa án phán quyết, bao gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật. Riêng Hồ Đức Hòa bị án nặng nhất là 13 năm tù và 5 năm quản chế, bị coi là người đứng đầu trong nhóm. Con số 13, như định mệnh chung cho cả thầy Thực và anh Hòa.
Sức khỏe của tù nhân Hồ Đức Hòa ngày càng suy sụp. Và lúc này thì càng ngày càng thấy rõ hơn, khi có nghi vấn là anh mắc bệnh ung thư gan thời kỳ đầu. Gia đình của anh Hồ Đức Hòa cho biết, vốn là một người can trường và thường giấu nhẹm tình cảnh khó khăn của mình để mẹ già không lo lắng, nhưng đến nay, anh bật nói ra với người nhà trong lần thăm nuôi mới vừa rồi, cho thấy anh không còn đủ sức chịu đựng như trước.
Từ năm 2016, anh Hồ Đức Hòa không còn được nhận đồ thăm nuôi của gia đình, kể cả những loại thực phẩm trợ giúp cho các chứng bệnh của anh, thậm chí cả thuốc men. Trại giam Ba Sao, lừng danh với sự khắc nghiệt không kém trại 6 Nghệ An, chỉ cho gia đình gửi tiền vào lưu ký trong trại giam, để mua thức ăn hay nhu yếu phẩm của trại bằng giá đắt đỏ nhưng không kiểm soát được phẩm chất. Lý do trừng phạt là anh Hồ Đức Hòa có tư tưởng cải tạo không tốt. Gia đình cũng nhận được thư của trại giam, yêu cầu phải thúc đẩy anh Hòa nhận sự giáo dục tư tưởng của trại.
Tù nhân ở Việt Nam trải qua 2 lần tù như vậy. Sau khi bị kết án và bị gia giữ, họ còn phải bị tra tấn tinh thần suốt thời gian thụ án, bằng cách phải xác nhận ăn năn và ra mặt cầu xin sự khoan hồng của đảng và nhà nước. Tù nhân Hồ Đức Hòa đã đi qua 8 năm với 2 lần tù tinh thần và thể xác như vậy.
Không như thầy Đào Quang Thực phải qua đời trong im lặng. Hay như thầy Đinh Đăng Định, ra đi trong sự chứng kiến đầy bất lực của mọi người chung quanh, anh Hồ Đức Hòa là một thực thể sống và đang mỏi mòn. Vì Hồ Đức Hòa là một hình ảnh rõ nét của ý chí tự do, đầy nhân cách của một người tự do. Anh cần hơn hết sự quan tâm của mọi người, của công luận vào lúc này. Những người tù đã ra đi và được nhớ đến, là lý do để anh Hồ Đức Hòa cần được nhớ nhiều hơn hôm nay.
Đừng để những danh sách đau thương ấy dài hơn, đáng nhớ hơn. Sự sống của mỗi con người bất cứ nơi nào đó trên đất Việt, không phải chỉ để nhớ đến, mà để hành động.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/for-passed-away-person-and-another-suffering-12202019090650.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.