Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 18/12/2019

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019 15:52 // ,

Tin Việt Nam – 18/12/2019

Cựu bộ trưởng Son khai vụ Mobifone mua AVG

 là làm theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng

Cựu Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son vào chiều ngày 18 tháng 12 khai trước tòa ông cho thực hiện thương vụ Mobifone mua AVG là theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng chính phủ. Người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Truyền thông trong nước vào ngày 18 tháng 12 tường thuật rõ là dù bị mất ngủ vào đêm hôm trước, song tại tòa vào chiều ngày 18 tháng 12, ông Nguyễn Bắc Son khai báo khá rành mạch về vai trò của ông là người đứng đầu Bộ Thông tin- Truyền thông, đơn vị chủ quản của Mobifone mua AVG.
Theo lời khai của ông Nguyễn Bắc Son thì vào ngày 14 tháng 12 năm 2015, Bộ TT-TT nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của thủ tướng chấp nhận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận vai trò người đứng đầu khi bút phê vào tất cả các văn bản giao cho cấp dưới để hoàn thành thương vụ.
Trước tòa vào chiều ngày 18 tháng 12, ông Nguyễn Bắc Son cũng nói rằng ông đã xin ý kiến nhiều nơi trong thương vụ Mobifone mua AVG. Ông Son khẳng định đã giao cho người phó là thứ trưởng bộ TT-TT lúc bấy giờ, ông Trương Minh Tuấn, cùng thực hiện dự án và đã thực hiện công việc mua bán một cách thận trọng, có báo cáo chính phủ.
Ông Nguyễn Bắc Son cũng nhận tội và không cần luật sư bào chữa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/son-dung-mobi-12182019075659.html

Vụ MobiFone-AVG: Nguyễn Bắc Son ‘không nhớ’

chi 3 triệu USD tiền hối lộ thế nào

Khánh An-VOA
Cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa bất ngờ thay đổi lời khai một lần nữa vào chiều 17/12, thừa nhận có nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ nhưng “không nhớ được hết” đã chi tiêu số tiền này vào những việc cá nhân gì.
Lời khai nhận tội được ông Son đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình trong phiên tòa trước đó vào buổi sáng.
Giải thích cho sự bất nhất về lời khai, ông Son, trong các đoạn video quay trực tiếp tại tòa án mà báo chí Việt Nam đăng tải, nói rằng do tâm trạng “rất căng thẳng” và “thần kinh hoảng loạn” nên ông đã có những lời khai chưa đúng vào buổi sáng.
Ngoài ra, ông Son cũng “đính chính” rằng ông đã không đưa số tiền 3 triệu USD này cho con gái như đã khai trước đó, mà chi tiêu vào việc cá nhân nhưng “không nhớ” đã chi vào khoản gì.
Những phát biểu tại tòa của cựu Bộ trưởng Bộ TTTT và các quan chức liên quan đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trong cộng đồng mạng xã hội Việt Nam kể từ khi vụ án bắt đầu được xét xử hôm 16/12.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân: “Nhận hối lộ đến 3 triệu đô là vô cùng tham lam. Vì được 3 triệu đô mà cho kẻ khác lấy đi 300 triệu đô là vô cùng ngu si. Không nhận tội lại khai tên con gái khiến cả 2 cùng phải mắc tội là mê muội. Đổ tội cho con gái là nhẫn tâm. Sáng khai không nhận, chiều khai nhận, là tráo trở. Có tội mà không dám chịu tội là đớn hèn”, rồi ông than: “Từ bao giờ xã hội ta “bồi dưỡng” nên những bộ trưởng tham lam, ngu si, mê muội, nhẫn tâm, tráo trở, đớn hèn như thế này?”
Trong khi một số người bày tỏ sự phẫn nộ khi các cựu quan chức khai rằng họ đã nhận hàng triệu đôla tiền hối lộ qua các thùng hoa quả, lẵng hoa và quà biếu Tết từ Phạm Nhật Vũ, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng từ Hà Nội nói với VOA rằng bà không những “không ngạc nhiên” hay “phẫn nộ”, mà còn “thấy may” khi những thông tin trên được đưa ra.
“Đây không phải là việc do người dân phát hiện ra, mà tôi cho rằng là do phe nhóm họ đấu đá nhau nên mới lòi ra chuyện này. Đấy cũng là một cái may! Tôi ủng hộ họ đánh nhau. Không vấn đề gì. Miễn
là khui được ra sự thật. Chứ còn Cộng sản mà đoàn kết như ngày xưa thì dân mình chết”, bà Phượng giải thích thêm với VOA.
Từng làm việc trong một cơ quan cấp Bộ chuyên quản lý vốn vay từ nước ngoài dành cho các dự án tại Việt Nam, bà Phượng cho biết kinh nghiệm thực tế cho thấy số tiền tham nhũng, thường được gọi là “phí bôi trơn” trong tất cả các dự án chiếm đến 60-70% tổng ngân sách, chỉ có 30-40% là chi tiêu thực sự cho dự án.
Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT bị cáo buộc đã nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG, để chỉ đạo cho MobiFone – công ty TNHH một thành viên trực thuộc Bộ TTTT, mua lại 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, cao hơn giá trị thực của công ty này gần 6.500 tỉ đồng.
Cáo trạng tòa án cho biết Phạm Nhật Vũ đã hối lộ cho ông Son 3 triệu USD, đưa cho ông Trương Minh Tuấn-Thứ trưởng Bộ TTTT vào thời điểm đó-200.000 USD, ông Lê Nam Trà-cựu Chủ tịch MobiFone-2,5 triệu USD, và cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải 500.000 USD.
Tuy nhiên, trong phiên tòa buổi sáng 17/12, ông Nguyễn Bắc Son khai với tòa rằng “ông không nhận được tiền” khi thực hiện dự án trên và giải thích rằng vì muốn “giữ lại mạng sống của mình” tại cơ quan điều tra nên ông đã “không thể không khai nhận được”, theo VTC News.
MobiFone-AVG là một trong những đại án được trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo phải “khẩn trương xét xử” trong năm 2019, bên cạnh các vụ án về quản lý tài sản nhà nước ở TPHCM, vụ án quản lý đất đai tại Đà Nẵng, vụ Nhật Cường…
Vài ngày trước, một số tờ báo trong nước có bài viết cho rằng “lò” chống tham nhũng của ông Trọng càng gần cuối năm càng “rực cháy”, bằng chứng là có nhiều quan chức dính đến những vụ án tưởng như không thể đụng tới được nay đã phải ra hầu tòa.
Tuy nhiên theo nhà hoạt động Đặng Bích Phượng, còn rất nhiều vấn đề và câu hỏi bỏ ngỏ liên quan đến “lò chống tham nhũng” này.
Chẳng hạn, theo bà, ai chứng minh được là ông Trọng-người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng-là trong sạch? Động cơ đằng sau của chiến dịch này là gì?
“Bản thân cá nhân ông Trọng không là gì cả, ai cũng nói thế. Người ta cứ hỏi rằng đứng đằng sau ông Trọng là ai? Ví dụ chẳng hạn Trung Quốc đang chống Việt Nam, thì họ cũng không bao giờ muốn thể chế này tự giết nó. Không bao giờ. Cho nên điều đó là không ai hiểu được. Chỉ có điều ông Trọng nói chống tham nhũng là chỉ để mị dân, một số những người thiếu hiểu biết, chỉ để che mắt thế thôi chứ không ai tin là ông Trọng chống tham nhũng”, bà Phượng nói.
Phiên xử sơ thẩm 14 bị cáo của dự án MobiFone mua AVG sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội cho đến hét ngày 31/12. Trong đó, hai quan chức cựu bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị truy tố hai tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Nếu bị buộc tội, hai cựu quan chức này sẽ phải đối diện với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, theo VnExpress.
https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-mobifone-avg-nguy%E1%BB%85n-b%E1%BA%AFc-son-kh%C3%B4ng-nh%E1%BB%9B-chi-3-tri%E1%BB%87u-usd-ti%E1%BB%81n-h%E1%BB%91i-l%E1%BB%99-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o/5209631.html

VN xôn xao vụ xe cao cấp

‘hô biến’ biển trắng thành xanh

Dư luận ở Việt Nam đặt câu hỏi xe đổi biển trắng thành xanh giữa đường Hà Nội, có “phạm luật”.
Sự việc được cộng đồng mạng xã hội ghi nhận hôm 17/12 trên đường Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội và chia sẻ nhiều ngay lập tức.
Người xem video trên YouTube và Facebook có thể thấy trong lúc bấm đèn rẽ trái, chiếc Mercedes mang biển trắng 30F-462.75 đột nhiên xoay biển xe ở đuôi xe sang biển xanh 80B-4329.
Giá ‘lăn bánh’ chiếc xe Mercedes Benz E250 ở Hà Nội được một số trang bán xe rao là khoảng 2.48 tỷ VND.
Gọi là hiện tượng ‘xoay biển xe’ (revolving number plate), hình ảnh này thường thấy trong một vài phim trinh thám.
Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh
VN: Đảng viên cộng sản và ‘bàn tay nhúng chàm’
Hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa
TP Hà Nội chi trả cho Nhật Cường bao nhiêu?
Trang Infonet.vn hôm 18/12 cho hay:
“Ô tô Mercedes mang BKS 30F-462.75 được đăng kí vào tháng 11/2018, người có tên trong giấy đăng kí xe là Nhung có địa chỉ thường trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.”
Bài báo không trích nguồn nào cho hay về tên tuổi chủ xe, và vì sao chỉ có tên không có họ, cũng không rõ “Nhung” này là nam hay nữ.
Vẫn Infonet viết:
“Biển kiểm soát 30F-462.75 được đăng ký cho xe chiếc Mercedes Benz sản xuất năm 2018.
Còn biển kiểm soát màu xanh 80B-4329 chưa rõ là biển thật hay giả.”
Bài báo cho hay Bộ Công an Việt Nam cam kết sẽ điều tra vụ việc và thông báo chi dư luận biết.
Ở một số quốc gia châu Âu, việc gắn hai biển cho một xe là phạm pháp.
Tuy thế, có những băng nhóm tội phạm dùng biển xoay để gây án và tránh bị camera an ninh chụp hình.
Ở Việt Nam cũng có luật sư nói dùng hai biển như trên là phạm luật.
Tuy thế, khả năng băng đảng tội ác dám dùng biển xanh có vẻ ít xảy ra vì đây là loại biển dành cho cơ quan cấp cao.
Theo luật của Việt Nam, biển xanh chỉ cấp cho xe của các cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản cầm quyền, Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp…
Các Ban Chỉ đạo Trung ương, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…cũng được dùng biển xanh…
Biển này đem lại ưu tiên nhất định trong giao thông cho người lái xe và dùng xe nhưng báo chí Việt Nam thường xuyên đăng tải tin về hành vi bất thường của các lái xe hoặc chủ xe biển xanh.
Ngày 18/12 một trang web là thuongtruong.vn đăng tin nói ngày 16 vừa qua, trên đường Phạm Hùng, Hà Nội, một xe Toyota “bị ghi lại hình ảnh đổi biển kiểm soát “từ trắng thành xanh” trong ít giây”.
Cũng mới tháng 9/2019, đài báo Việt Nam đăng tin một người lái xe biển xanh ở Thanh Hóa đã “tát cảnh sát giao thông”.
Quan tâm và phê phán
Từ hôm 17/12, cộng đồng mạng Facebook ở Việt Nam và nước ngoài đã chú ý nhiều đến hiện tượng này.
Weebo Mosel: ”Mấy ông hay lấy xe công đi tiệc tùng thích vụ đổi biển này lắm nè.”
Nguyen Anh Tuan: ”Dỏm òm, xe của James Bond đổi được cả chục biển lận kìa.”
Tran van Tu: ”Gan to nhỉ. Mà cũng tài nữa. Giống hết trong phim hành động.”
Kiệt Lưu: ”…nhớ đến phim Transporter do Jason Statham vai chính.”
JL Rainyday: ”Nó lấy xe công làm xe tư, khi cần công thì công, cần tư thì tư, ăn trên đầu dân mà dân vẫn phấn khích vì “chỉ thấy trên màn ảnh”.
Long Nguyễn:
“Lúc trước có ai đó đọc báo thấy xe biển số xanh nên thắc mắc , thế là lòi ra Trịnh Xuân Thanh, giờ cái này không biết còn đọc báo và lòi ra cái gì nữa.”
Châu Đoàn:
“…Chỉ trong nháy mắt biển trắng lật thành xanh. Và cũng chỉ qua một đêm bao nhiêu bài báo về nội dung này cũng biến mất.
Tôi cứ tưởng ở đất nước ta mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, hoá ra không phải. Có những quyền lực đứng trên pháp luật. Xe có thể biến mầu biển trong nháy mắt và những bài báo có thể biến sau một đêm. Việt Nam quả là một đất nước kì lạ.”
Trần Hồng Quang:
“Ngoài những xe chuyên dụng được hưởng quyền ưu tiên như cứu thương, cứu hoả, cảnh sát hay một số xe quân sự thì việc biển số xanh đỏ ở VN nên thống nhất loại bỏ để tạo sự bình đẳng khi tham gia giao thông vì rất nhiều xe biển xanh, đỏ đi sai luật và mập mờ mục đích công vụ, chưa nói tới thái độ của các lái xe biển xanh đỏ.
Sau này nên có biển xanh (green) với những ưu tiên như parking, làn đường… khuyến khích xe chạy năng lượng sạch.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50840564

Vì đâu không khí Hà Nội ngày càng độc hại?

Một nghiên cứu dựa trên các dữ liệu năm 2015 của các nhà khoa học Việt Nam chỉ ra rằng các nhà máy nhiệt điện than quanh Hà Nội có thể là một trong các nguồn chính cho sự ô nhiễm ngày càng tăng của thủ đô, theo Zing.vn.
Nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018, cho hay công suất lắp đặt nhiệt điện than đã tăng mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây, từ 13 GW lên 18,5 GW năm 2018.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiệt điện than đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Ở Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện đóng góp 5 microgram/m3 vào lượng PM2.5 trung bình năm 2011 và ước tính tăng lên 12 microgram/m3 vào năm 2030, theo ông Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm nghiên cứu.
Trong khi đó, giới hạn nồng động PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ là 10 microgram/m3.
Hít bụi mịn, ắt chết sớm
Hà Nội vào nhóm các thủ đô ‘ô nhiễm nhất thế giới’
Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam hiện cũng ‘dễ dãi’ nhất thế giới. Các nhà máy điện ở Việt Nam hiện được phát thải gấp 5-10 lần so với các nước đang thực hiện theo các tiêu chuẩn tốt, tờ Zing.vn cho hay.
Một nghiên cứu khác mang tên Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia của các nhà khoa học Đại học Harvard cho hay “Nếu không có gì thay đổi, phát thải từ tiêu thụ than trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, nhất là ở Indonesia và Việt Nam”.
Nghiên cứu này ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030.
Xe máy
Phương tiện giao thông cũng được xác định là một trong các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nặng tại Hà Nội, trong đó xe máy là ‘thủ phạm’ đầu bảng.
Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM nói với Thanh Niên rằng các kết quả đo đạc, khảo sát của trung tâm cho thấy với số lượng ngày càng tăng, xe máy đang đóng góp 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi.
TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cũng có chung ý kiến này. Ông nói xe máy đang chiếm khoảng từ 55 – 60% tổng lượng phát thải tại Hà Nội.
Công trình xây dựng
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, nói với tờ Lao động rằng chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội cao do nhiều hoạt động của con người, trong đó có việc chưa kiểm soát tốt nguồn thải của các công trình xây dựng, để bụi phát tán vào không khí.
Ông Tùng cho hay rằng nhiều công trình xây dựng không quây kín theo quy định, xe ra vào công trình cũng không được rửa, mang theo rất nhiều bụi đất bẩn ra ngoài môi trường khiến nhiều tuyến đường của thành phố luôn trong tình trạng bụi mù mịt.
Giải pháp nào?
Nghiên cứu sinh phòng Năng lượng Sạch và Phát triển Bền vững, Đại học Khoa học – Công nghệ Hà Nội, Trương An Hà, nói với Zing.vn rằng bài toán ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, cần giải quyết tổng thể từ các ngành, các địa phương chứ không chỉ riêng Hà Nội.
Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L, nơi vận hành hệ thống quan trắc không khí PAM Air, cũng chung ý kiến này.
Ông Dũng nói rằng cần phải có nghiên cứu tổng thể để xác định tỷ lệ ô nhiễm từ các nguồn phát thải, từ đó có giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược. Để làm việc này, theo ông Dũng, cần có nhiều hơn các điểm quan trắc, ví dụ phải nâng lên thành 300 điểm thay vì 100 điểm như hiện nay ở Hà Nội.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng thì đề xuất nhanh chóng có đề án kiểm soát khí thải xe máy.
Ông Hoàng Dương Tùng thì cho rằng các giải pháp như trồng cây xanh, nhiều tuyến xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế đốt than tổ ong nhưng chưa đủ. Thành phố cần quyết liệt hơn với các công trình xây dựng trong những ngày ô nhiễm.
Riêng với nhiệt điện than, Việt Nam vẫn cho rằng đây là một ngành quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng trong nước. Trong bố cảnh đó, ôngTrần Đình Sinh từ GreenID nói với
Zing.vn rằng cần phải công bố các số liệu phát thải cho công chúng một cách minh bạch, đầy đủ và dễ hiểu.
Hà Nội lọt vào top ô nhiễm nhất thế giới
Trong tuần vừa qua, đặc biệt trong các ngày 12-13/12, Hà Nội đã có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng của Air Visual về nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, với màu nâu – mức vô cùng độc hại cho sức khỏe.
Đỉnh điểm là vào khoảng 06:15 sáng 13/12, nồng độ PM 2.5 tại Hà Nội là 361, vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu.
Cho tới ngày 17/12, chất lượng không khí của Hà Nội luôn dao động trong các màu tím và đỏ, nghĩa là vẫn ở mức rất xấu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50818570

Hà Nội: Không đun than tổ ong,

đốt rơm rạ để giảm ô nhiễm không khí

Truyền thông trong nước trích dẫn thông tin của Sở TN&MT vào ngày 18/12. Theo đó, những nguyên nhân được Sở TN&MT đưa ra gồm sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; các hộ kinh doanh dịch vụ đun bếp than tổ ong; đốt rác tự phát; các công trình xây dựng cuối năm tăng nhiều; đối củi trong sinh hoạt …cũng là nguồn phát thải các chất ô nhiễm…
Riêng nguyên nhân ô nhiễm không khí Hà Nội có liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than của tập đoàn Điện lực VN (EVN), thì trong ngày 18/12, EVN lên tiếng phản bác cho rằng thông tin này là không chính xác.
EVN khẳng định các nhà máy nhiệt điện của EVN đều đã trang bị hệ thống quan trắc tự động 24/24, và các thông số ô nhiễm trong khí thải, nước thải đều được truyền gửi online cho các Sở TN&MT theo dõi. Và, những kết quả trong thời gian qua không có dấu hiệu tăng nồng độ bụi phát thải.
Để xử lý ô nhiễm không khí nghiêm trọng như thế, Sở TN&MT Hà Nội cho biết Hà Nội đang đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường và kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao hồ đồng thời trồng thêm cây xanh. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hạn chế và tiến tới không đun than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng…
Hôm 14/12, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong các ngày 10 đến 13 tháng 12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 trong nhiều ngày vượt mức cho phép.
Tổng cục Môi trường hôm đó ra khuyến cáo “Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường”.
Bộ Y Tế cũng có hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.
Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.
Bộ Y Tế cũng khuyên người dân nên dùng khẩu trang, vệ sinh mũi, súc họng, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình ở gần đường giao thông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/solutions-to-reduce-air-pollution-in-hanoi-including-not-to-use-coal-burn-straw-12182019073036.html

Gian dối trong y tế: Tội ác đối với bệnh nhân!

Diễm Thi, RFA
Gian dối
Ngày 9 tháng 12 năm 2019, VTV24 đăng một phóng sự điều tra về gian lận kết quả, bớt xén vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul Hà Nội lên sóng truyền hình. Phóng sự cho thấy nhân viên y tế cắt đôi que thử HIV nhanh, viêm gan B trước khi tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân. Phóng sự này lập tức gây phẫn nộ trong dư luận.
Ngay trong chiều 9 tháng 12, lãnh đạo bệnh viện này đã đình chỉ 3 nhân viên có liên quan trong vụ việc gồm ThS. BS Chu Thị Loan, Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam, cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phạm Thị Thùy Linh, cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi sinh y học.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hôm 17 tháng 12 chính thức thông tin ban đầu về vụ việc cắt đôi que thử nhanh HIV tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, Hà Nội. Theo đó, bệnh viện này không mua loại test này. Bà Chu Thị Loan nhận và chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận test của Công ty Lục Tỉnh có địa chỉ tại Hà Nội và thực hiện mà không báo cáo việc này với bệnh viện.
PGS-BS Nguyễn Thanh Bảo, khoa Vi sinh Y học Trường Đại học Y dược TP. HCM lên tiếng về việc này:
“Họ làm như vậy là sai rồi. Khi mà cắt đôi que thử như thế thuốc thử không đủ có thể đưa đến kết quả sai lạc. Dương tính có thể trở thành âm tính. Chuyện này phải bị xử lý.”
Theo nguyên tắc, mỗi que thử chỉ được dùng cho một bệnh nhân nhưng lại được cắt ra sử dụng cho 2 người nhưng bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ. 40 que thử được cắt thành 80 que.
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định đây là gian dối vì lợi nhuận:
“Tất nhiên làm như thế nó có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Chỉ bệnh viện đấy thôi chứ không phải cả một hệ thống đâu. Có một nhóm người họ muốn bớt chi phí, muốn có lợi nhuận bỏ túi. Nếu cắt đôi que thứ thì số lượng que tăng lên gấp đôi, không mất tiền mua thêm que nhưng vẫn tính tiền với bệnh nhân bình thường. Đây là hiện tượng làm ăn gian dối trong bệnh viện đó.”
Vị bác sĩ này nói thêm rằng, theo đúng quy định thì khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm, cho thuốc hay đưa ra liệu pháp điều trị thì bác sĩ phải giải thích cho người bệnh, phải công khai những vật tư sử dụng. Việc này xảy ra là do họ cố ý làm sai quy trình, một phần họ hám lợi, một phần họ lợi dụng việc người bệnh không để ý đến những quy định như vậy. Theo ông, đây là hiện tượng rất buồn trong ngành y tế mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Vi phạm y đức
Trong 12 Điều y đức, tức tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, được ban hành trong Quy định về y đức kèm theo Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06 tháng 11 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Điều 6 nêu rõ: “Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.”
Như vậy việc làm của các nhân viên y tế có bằng thạc sĩ, cử nhân nêu trên có vi phạm y đức hay không?
PGS-BS Nguyễn Thanh Bảo nhận định đây là sai sót về mặt y đức:
“Về phần y đức thì chuyện này đương nhiên là không đúng rồi. Mình phải đặt vấn đề kết quả cho bệnh nhân lên trên hết. Kết quả xét nghiệm HIV là vấn đề rất quan trọng. Dương tính hay âm tính ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bệnh nhân. Đương nhiên trong các lãnh vực đều có những sai sót, nhưng trường hợp này là sai sót về mặt y đức chứ không phải sai sót về mặt chuyên môn.”
Theo vị bác sĩ này, tất cả các nhân viên từ cấp thấp đến cấp cao làm việc trong lĩnh vực xét nghiệm đều biết nếu làm sai quy trình thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, từ đó ảnh hưởng đến phác đồ điều trị, và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của bệnh nhân. Ông khẳng định:
“Họ biết quy trình nào là đúng nhưng họ cắt xén thì nó ảnh hưởng đến kết quả. Họ biết hết chứ nhưng có thể do lợi nhuận mà họ làm không đúng thôi!”
Bên cạnh việc vi phạm về y đức, những nhân viên “nghĩ” ra việc cắt que thử từ một thành hai còn vi phạm pháp luật, mà cụ thể là hợp đồng dân sự giữa bệnh viện và bệnh nhân. Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích:
“Rõ ràng giữa bệnh viện và bệnh nhân có một hợp đồng dịch vụ cung cấp về dịch vụ y tế. Khi họ thu phí bệnh nhân thì họ thu đủ, thu trọn vẹn một sản phẩm nhưng khi cung cấp thì chỉ cung cấp có một nửa dịch vụ. Xét về phương diện hợp đồng giữa hai bên thì phía bệnh viện họ vi phạm về hợp đồng dân sự rồi. Họ vi phạm với tính cách là cố ý và gian dối chứ không phải một cách đơn thuần.”
Vụ việc này tuy gây xôn xao trong dư luận xã hội cũng như ngành y tế trong nước nhưng không phải là trường hợp cá biệt liên quan đến lĩnh vực xét nghiệm. Vụ các nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội đã nhân bản gần 800 kết quả xét nghiệm huyết học khống để thanh toán gần 17 triệu đồng bảo hiểm là một ví dụ.
Cụ thể, từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 5 năm 2013, tại khoa Huyết học Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội, chỉ một mẫu máu được làm xét nghiệm nhưng in thành nhiều kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Bệnh nhân khám sau, nhân viên y tế không cần đưa mẫu máu vào làm xét nghiệm mà dùng kết quả in sẵn của người trước để đưa.
Tám nhân viên y tế đã thực hiện gần 25.000 xét nghiệm huyết học, trong đó hơn 1.500 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau. Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người, dù khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi.
‘Lương y như từ mẫu’ là khẩu hiệu của ngành y một thời nay không còn phù hợp. Khẩu hiệu đó bị nhiều người đem ra mỉa mai so sánh với hình ảnh ‘dì ghẻ’ trong cách nói của dân gian trước đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/medical-cheating-the-patient-gets-it-dt-12172019140741.html

Hậu dịch tả lợn Châu Phi

và món thịt kho ngày Tết ở Việt Nam

Bùng phát dịch bệnh
Đợt dịch tả lợn Châu Phi (ASF) năm nay tại Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở 4 tỉnh khu vực miền Bắc gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa vào cuối tháng 2 năm 2019.
Tình trạng dịch bệnh này ngày càng trở nên xấu đi và lây lan khắp nơi. Đến tháng 9 năm 2019, Việt Nam tuyên bố ASF đã lây lan trên toàn lãnh thổ 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Số liệu thống kê được báo giới trong nước đưa tin cho thấy có khoảng 5 triệu 700 ngàn con heo nhiễm ASF bị tiêu hủy tại Việt Nam.
Giới chuyên gia trong nước nhận định rằng nguyên nhân lây lan nhanh chóng là do chăn nuôi manh mún và quản lý không bám sát tình hình dịch bệnh. Một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực quản lý thú y, không muốn nên tên, hồi tháng 6 đã giải thích với RFA về tình trạng lây lan của ASF tại Việt Nam:
“Chăn nuôi tại Việt Nam manh mún, nằm rãi rác phân tán nên việc khống chế dịch bệnh phải nói là quá khó, các hộ chăn nuôi ở Việt Nam cứ nuôi lẻ một vài con thì không ai có thể kiểm soát được hết cả. Heo chết thì người ta giết mổ thịt, rồi người ta bán nên kiểm soát không được. Đây không phải là chăn nuôi công nghiệp mà là kiểu chăn nuôi hộ gia đình, nuôi đủ các loại khác nhau, nay thịt này mai thịt nọ, con nọ con kia nên không khống chế được. Cơ quan quản lý cũng cố hết sức làm để khống chế nhưng không thể được. Mấy hộ nhỏ lẻ họ không quan tâm kiểm soát phòng dịch gì đâu.”
Hậu quả từ ASF
Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNN), được báo giới vào ngày 17/12 dẫn nguồn cho biết dù ASF vẫn chưa được kiểm soát ở Việt Nam nhưng thịt heo vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn chiếm khoảng 70%, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT thì tổng lượng thịt heo các loại trong năm 2019 ước đạt hơn 5 triệu tấn, giảm hơn 4% so với năm 2018; đồng thời dự báo mặc dù giá thịt heo gia tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ trong trong tháng 12/19 và tháng 1/20 sẽ khỏang 600 ngàn tấn và trong vòng 3 tháng tới tổng lượng thịt heo thiếu hụt tầm 200 ngàn tấn.
Bình thường lúc thịt heo khi chưa lên giá thì đi chợ có thể mua nửa kg hoặc 1 kg về kho. Còn bây giờ thịt heo tăng giá đâu có dám ăn nữa đâu. 50 ngàn đồng mua được có một miếng nhỏ xíu thì làm sao mà ăn đủ. Trước đây, một tuần có thể ăn 2-3 lần còn bây giờ ăn bớt lại. Vợ chồng em bây giờ ăn một buổi vào Chủ nhật có thịt heo, mua một lượng đủ vừa ăn nhưng một đứa ăn, một đứa nhịn
-Công nhân ở Bình Dương

Bộ NN&PTNT còn được báo giới dẫn lời cho biết số lượng thịt heo trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể thiếu hụt nhiều hơn số liệu mà Bộ này ước tính. Bởi vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại và ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn cũng bị tình trạng tương tự nên gây ra nguồn cung giảm mạnh.
Đài Á Châu Tự Do trao đổi được với một vài chủ trại chăn nuôi heo ở vùng Đông bằng Sông Cửu Long và được cho biết họ chuẩn bị xuống giống lứa heo con mới và thường nuôi từ 5-6 tháng mới được 5 kg để xuất chuồng.
Phóng viên RFA cũng dạo một vòng các chợ dân sinh ở Bình Dương và Vũng Tàu những ngày cuối năm 2019 và ghi nhận như sau:
Một công nhân ở Bình Dương chia sẻ:
“Bình thường lúc thịt heo khi chưa lên giá thì đi chợ có thể mua nửa kg hoặc 1 kg về kho. Còn bây giờ thịt heo tăng giá đâu có dám ăn nữa đâu. 50 ngàn đồng mua được có một miếng nhỏ xíu thì làm sao mà ăn đủ. Trước đây, một tuần có thể ăn 2-3 lần còn bây giờ ăn bớt lại. Vợ chồng em bây giờ ăn một buổi vào Chủ nhật có thịt heo, mua một lượng đủ vừa ăn nhưng một đứa ăn, một đứa nhịn.”
Một tiểu thương bán thịt heo ở Bình Dương cho biết:
“Nói chung từ ngày thịt heo lên giá đến nay thì bán chậm hơn tại vì mặt hàng bị lên giá cao quá. Trước đây ví dụ sườn non bán hết 4-5 kg còn bây giờ thì bị ế. Hiện tại ở chợ này vẫn bán rẻ hơn siêu thị, sườn non bán 170 ngàn đồng/kg mà còn bán ế đấy. Nói chung là người ta vẫn chọn ăn thịt heo nhiều hơn các loại thịt như thịt bò, thịt gà hay cá nhưng ăn giảm hơn, ví dụ như ngày xưa người ta mua 1 kg thì bây giờ còn 7-8 lạng hay trước đây mua 0,5 kg thì bây giờ mua còn 3 lạng thôi.”
Một người dân ở Vũng Tàu đi chợ bày tỏ:
“Không dám ăn thịt, mắc quá! Ngày xưa mua 20 ngàn đồng còn đủ ăn. Bây giờ phải mua 50 ngàn đồng mới đủ ăn, mà có chút xíu thôi cũng không đủ ăn luôn. Mua cá khô, đậu hủ, trứng vịt, mua rau…luộc ăn.”
Bộ Công thương vào ngày 17/12 phát đi thông tin Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 100 ngàn tấn thịt heo (thịt lợn) trong 10 tháng năm 2019, tăng hơn 101 về lượng và tăng gần 95% về trị giá so với cùng kỳ năm trước do bị ảnh hưởng bởi ASF. Bộ Công thương dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê ghi nhận trong tháng 11 năm 2019, đàn heo trên cả nước Việt Nam giảm mạnh 22% so với cùng kỳ năm 2018. Bộ Công thương cho biết từ tháng 10, Việt Nam nhập khẩu thịt heo nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ và Hà Lan trong tổng số 24 quốc gia nhập khẩu thịt heo chính ngạch.
Bộ Công thương nhấn mạnh rằng mặc dù nguồn cung thịt heo bị thiếu hụt và gia tăng nhập khẩu, tuy nhiên việc nhập khẩu thịt heo còn gặp khó khăn ở khâu hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản và lượng thịt heo nhập khẩu đông lạnh vẫn rất khiêm tốn đối với người tiêu dùng Việt Nam vốn ưa thích thịt tươi sống.
Một nhân viên tên Trọng, làm việc ở Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết tình hình nhập và bán mặt hàng thịt heo của công ty trong dịp cuối năm và Tết cổ truyền:
“Bên công ty của tôi chuyên nhập thịt sống về và giết mổ. Giết mổ vừa xong thì đưa vào phòng lạnh cho tươi mát một chút xíu rồi bán. Nhưng tình hình vài tháng nay thì hàng tươi sống rất hiếm. Những công ty mà mình ký hợp đồng thì người ta cũng giao hàng cho mình, nhưng chỉ giao khoảng 40% còn 60% thì người ta nói bị dịch bệnh hay heo chưa đủ (kg) xuất chuồng nên người ta sẽ không bán và người ta sẽ tuồn qua Trung Quốc hết. Do đó, thịt heo sẽ không có nên bắt buộc mình phải nhập thịt heo và nhập gần như đến 60%.”
Bên công ty của tôi chuyên nhập thịt sống về và giết mổ. Giết mổ vừa xong thì đưa vào phòng lạnh cho tươi mát một chút xíu rồi bán. Nhưng tình hình vài tháng nay thì hàng tươi sống rất hiếm. Những công ty mà mình ký hợp đồng thì người ta cũng giao hàng cho mình, nhưng chỉ giao khoảng 40% còn 60% thì người ta nói bị dịch bệnh hay heo chưa đủ (kg) xuất chuồng nên người ta sẽ không bán và người ta sẽ tuồn qua Trung Quốc hết. Do đó, thịt heo sẽ không có nên bắt buộc mình phải nhập thịt heo và nhập gần như đến 60%
-Nhân viên Vissan
Báo Người Lao Động Online, vào ngày 16/12 loan tin tình trạng xuất/nhập lậu thịt heo tiểu ngạch gia tăng nhằm trục lợi, do sự chênh lệch giá cả thịt heo ở Campuchia và Thái Lan rẻ hơn, còn ở Trung Quốc cao hơn so với Việt Nam.
Ngày Tết Nguyên đán của người Việt Nam không thể thiếu món ‘thịt kho dưa giá’ hay ‘thịt mỡ dưa hành’ và một trong những thành phần thu nhập thấp trong xã hội Việt Nam là giới công nhân, họ tâm tình rằng giá cả thịt heo tăng cao và những thông tin vừa nêu cũng khiến họ không an tâm cho món ăn cổ truyền này trong dịp Tết Canh Tý, như qua lời của một người đi chợ mà phóng viên RFA tình cờ gặp gỡ “Tết này không ăn thịt heo nữa mà mua thịt gà, kho với trứng”.
Dịch ASF lần đầu tiên xuất hiện tại quốc gia Kenya, ở Châu Phi vào năm 1921. Tuy nhiên cho đến nay bệnh dịch này vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận đã có 20 quốc gia trên thế giới báo cáo có lợn bị mắc phải bệnh dịch tả Châu Phi, tính từ thời điểm năm 2017 và đã có hơn 1 triệu con lợn mắc bệnh dịch này bị tiêu hủy đến trung tuần tháng 2 năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-to-increase-importing-pork-but-still-not-meets-market-demand-tet-12172019135047.html

Thủy điện thiếu nước, cán bộ trục lợi

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 16/12, tổng lượng nước trong các hồ thủy điện trên toàn quốc đang bị thiếu hụt khoảng 11 tỷ m3, chiếm khoảng 1/3 lượng khi mức nước các hồ dâng bình thường.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 18/12 cho biết với lượng nước thủy điện là khoảng 24 tỷ m3 hiện có, EVN quy ra lượng điện có thể sản xuất là khoảng 10 tỷ kWH và lượng thiếu hụt là gần 5 tỷ kWh.
Số liệu của EVN cho thấy lượng điện do các hồ thủy điện miền Bắc có thể sản xuất đang thiếu hụt khoảng 3,2 tỷ kWh, miền Trung hụt hơn 1,2 tỷ kWh và miền Nam là 0,45 tỷ kWh.
Nguyên nhân của tình trạng này được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nói vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu dù lưu vực có hồ thủy điện trên cả nước đã chuyển sang vận hành mùa khô. Theo đó, cùng với sự thiếu hụt nguồn nước trong mùa lũ, tuần suất nước về các hồ chứa vẫn tiếp tục yếu kém.
EVN nói đã huy động sản xuất điện từ các nguồn điện than, khí ngay trong mùa lũ, khai thác cao nguồn điện chạy dầu,… để tích lũy nước các hồ thủy điện nhưng việc tích nước lên mức bình thường là không thể đạt được.
Cũng liên quan đến tình trạng thiếu hụt nước thủy điện, một số cán bộ đã lợi dụng để trục lợi và bị đưa ra xét xử thời gian qua.
Mạng báo Pháp luật ngày 18 tháng 12 loan tin hôm 6/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên ông Đỗ Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Giám đốc Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa, 17 năm tù và 10 cán bộ liên quan từ 2 năm đến 16 năm tù giam vì tội danh ‘tham ô tài sản’.
Theo cáo trạng, trong hai năm 2014, 2015, các bị cáo đã lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn để lập các hồ sơ khống nhằm chiếm ngân sách Nhà nước.
Các cán bộ của công ty Nam Khánh Hòa bị xác định thông đồng, ký khống các biên bản nghiệm thu, quyết toán các công trình thủy lợi để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng tiền ngân sách.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hydropower-shortage-of-water-profiteering-officials-12182019072532.html

Nhiều công ty bình phong

được người nước ngoài lập để sản xuất ma túy ở VN

Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy thuộc Bộ Công an Việt Nam thừa nhận lâu nay có nhiều người nước ngoài lập công ty bình phong để sản xuất ma túy ở VN.
Thông tin vừa nêu được đưa ra vào ngày 17 tháng 12 tại Hội nghị Song phương Việt Nam- Trung Quốc lần thứ 8 về hợp tác phòng chống, trấn áp tội phạm ma túy giữa hai nước láng giềng này với nhau.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, nhiều người Trung Quốc, Đài Loan móc nối với các đối tượng trong nước lập ra các công ty, doanh nghiệp ‘bình phong’ nhằm ngụy trang cho hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Tình trạng tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam được nhận định diễn ra phức tạp, đặc biệt ở khu vực phía nam. Đơn cử vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy Việt Nam phối hợp cùng phía Trung Quốc phá xưởng sản xuất chất ma túy lớn do người Trung Quốc cầm đầu tại xã Dak Hà, huyện Dak Hà, tỉnh Kon Tum.
Trong vụ này phía Việt Nam bắt giữ 7 nghi can quốc tịch Trung Quốc, phía Trung Quốc bắt giữ 18 nghi can liên quan.
Trên tuyến biên giới phía bắc qua 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu; lực lượng chức năng hai phía báo cáo phát hiện và bắt giữ hơn 2100 vụ buôn lậu ma túy với gần 3600 đối tượng. Số ma túy bị tịch thu gồm trên 345 kilogram heroin, hơn 20 kilogram thuốc phiện, hơn 79 kilogram cây thuốc hiện, hơn 86 kilogram ma túy tổng hợp, hơn 38 ngàn viên ma túy tổng hợp…
Việc vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ cũng gia tăng trong thời gian qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/shell-co-drug-12182019080801.html

Trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm

vùng biển Việt Nam

Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào hôm 18/12 báo cáo Chính phủ về việc triển khai thực hiện chỉ thị tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam.
Theo Cục Kiểm Ngư Việt Nam 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vì không có giấy tờ, không có nhật ký khai thác thủy sản, không có giấy phép khai thác mà đã vào khai thác tại vùng đánh cá chung ở phía Tây đường phân định, xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu cá này là các tàu lưới kéo và đa số là tàu vỏ sắt, công suất lớn, không có số hiệu và không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, cắt lưới bỏ chạy sang khu vực phía Đông đường phân định. Do đó, cục kiểm ngư đã lập biên bản và tiến hành trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc như vừa nêu.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2019 đến nay Cục Kiểm ngư đã tổ chức 20 đợt tuần tra, kiểm tra các hoạt động thủy sản, huy động 44 lượt tàu kiểm ngư với hơn 420 ngày bám biển.
Cục Kiểm ngư Việt Nam đã lập biên bản và xử lý hành chính hoạt động thủy sản đối với hơn 200 trường hợp và thu về ngân sách với số tiền hơn 634 triệu đồng, phạt cảnh cáo 254 tàu vi phạm và tiến hành trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam như vừa nêu.
Cũng theo Cục Kiểm ngư thì các lỗi mà tàu cá Việt Nam thường vi phạm là không mang theo hoặc không có đầy đủ các loại giấy tờ, chứng chỉ theo quy định, không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định, không có hoặc không mang theo đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc theo quy định. Hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật quá hạn khi hoạt động khai thác thủy sản và nhiều vi phạm khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/forty-two-chinese-fishing-vessels-violating-vietnamese-waters-expelled-12182019071754.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.