Nguyễn Dân (Danlambao) - Bản án chế độ thực dân Pháp, một văn bản nổi tiếng, vạch trần, nêu lên bao tội ác của một chế độ thực dân: hà khắc, bạo tàn, ác độc… thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa, mà đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam (trong liên bang Đông Dương: Việt, Miên, Lào) do Pháp cai trị thời cuối thế kỷ 19 qua thế kỷ 20. Bản án được viết ra vào những năm 1921 – 1925, được chính thức phổ biến năm 1925 trên một tờ báo quốc tế cộng sản có tên Impékor. Tác giả là Nguyễn Ái Quốc.
Và từ năm 1946, thời kỳ chống Pháp, tác phẩm được in ấn, phát hành tại Hà Nội (VN), và được loan tải tuyên truyền cho là tác phẩm của Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp.
Nguyễn Ái Quốc là ai? Và ai là người viết ra “Bản án chế độ thực dân Pháp” (BACĐTDP)?
Một sự “cầm nhầm”, mà qua gần cả thế kỷ vẫn không có một mảy may hổ thẹn. Nguyễn Ái Quốc (Quấc) là tên (biệt danh) chung của nhóm “Ngũ Long’ trên đất Pháp (Ba Lê) từ đầu thế kỷ 20 (1920…) gồm: Phan Văn Trường (tiến sĩ luật), Phan Châu Trinh (phó bảng), Nguyễn Thế Truyền (kỹ sư?), Nguyễn An Ninh (luật sư), và thêm vào Nguyễn Tất Thành (sau này). Nguyễn Tất Thành học cao đẳng tiểu học dang dở, phải bỏ học từ năm 1907 trong vụ biến động chống sưu thuế tại Trung phần (Huế và các tỉnh), trốn chạy sang Pháp từ 1911… kiếm sống nhiều năm (các nơi). Mãi đến 1919 (sau thế chiến 1), Nguyễn Tất Thành từ Anh sang Pháp, cũng để lây lất kiếm sống, và được các tiền bối đàn anh cho nhập vào nhóm “ngũ long” để cùng hoạt động cách mạng.
Ngựa non háu đá, tuổi trẻ nhưng năng nổ, nhiệt huyết, và nhờ thế, được cho “xưng danh” (đứng mũi chịu sào) là Nguyễn Ái Quốc, với những văn bản, tài liệu chống thực dân Pháp. Cái “danh” trở thành quen, và vì thế mà Nguyễn Tất Thành, mang danh “Nguyễn Ái Quốc” được “lưu diễn” về sau.
Và cũng cần phải nên nói, Nguyễn Ái Quốc (tiếm danh cho Nguyễn Tất Thành) đã thật sự vong mạng từ năm 1932 tại Hương Cảng (TQ) từ sau khi được ra khỏi tù. Và Hồ Chí Minh về sau lại là một nhân vật khác. Mấy mươi năm, vì mục đích tuyên truyền “lập lờ đánh lận”, CSVN đã thêu dệt danh xưng Nguyễn Ái Quốc cho một kẻ ngoại chủng Hồ Tập Chương (thiếu tá Hồ Quang) để trở thành Hồ Chí Minh với bao thành tích (ngụy tạo) vẻ vang?
Trở lại bản án chế độ thực dân Pháp. Một văn kiện hài tội khá là sắc sảo qua trình độ (học thức) cao và rất là rành rọt Pháp văn – chớ không phải là tập tành, học lóm – trở nên một tuyệt tác, rất được quan tâm: gồm 12 chương nêu lên những sự tàn bạo, dã man của thực dân thời ấy, mà đáng được lưu ý nhất qua 6 chương thực tế rõ ràng.
Phạm vi bài viết, chỉ có thể tóm gọn, trích ra một phần nào. Để rồi, theo như mục đích của chủ đề: so sánh với những gì mà chế độ CSVN đã làm cho đất nước ta qua thời gian được gọi là “đánh thực dân, đế quốc giành tự do, độc lập” cho tới ngày nay. Cũng là một “bản án” cần được xác lập – Bản Án CSVN – So sánh thử xem, Án nào là tàn độc, nặng nề hơn.
BACĐTDP – Chương 1: Thuế máu
Xin trích: “Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc để phơi thây trên chiến trường châu Âu, dầy đọc phụ nữ trẻ em “thuộc địa”, các thong sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ…
1-Chiến tranh và người “bản xứ”
- Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “Annamít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé(2) nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”. Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Bancăng, lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, – chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế.
Cuối cùng, ở hậu phương, những người làm kiệt sức trong các xưởng thuốc súng ghê tởm, tuy không phải hít hơi ngạt của bọn “bôsơ”(3), nhưng lại nhiễm phải những luồng khí độc đỏ ối của người Pháp; đằng nào cũng thế thôi, vì những kẻ khốn khổ ấy cũng đã khạc ra từng miếng phổi, chẳng khác gì đã hít phải hơi ngạt vậy.
Tổng cộng có 700.000 người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, 80.000 người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa!
2-Chế độ lính tình nguyện
Để cung ứng (quân lính) cho các chiến trường châu Âu (thế chiến 1 và 2) cũng như chiến trường Đông Dương, các nước thuộc địa được kêu gọi “tình nguyện” vào lính. Người dân bỏ trốn thì tìm cách bắt với nhiều cách như: làm cho dân nghèo khổ, sống không nổi phải đi lính, bố ráp, cướp của, đốt nhà, bắt người v.v…
-“Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến dâng xương máu của mình như lính khố đỏ (5), kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ”.
Ở đây, bọn chỉ huy quân đội kéo quân đến từng làng bắt bọn hào mục phải nộp ngay lập tức đầy đủ số người chúng muốn tuyển mộ. Để buộc những thanh niên Xênêgan bỏ trốn phải ra nhận đội mũ lính, chẳng phải một viên chỉ huy đã tra tấn, hành hạ các thân nhân của họ, và cho rằng làm như thế là tài giỏi đó sao? Chính hắn đã bắt các ông bà già, đàn bà có thai, con gái, đem lột trần truồng, rồi đốt hết quần áo trước mặt họ. Những nạn nhân khốn khổ đó mình trần như nhộng, tay trói cánh khuỷu buộc phải chạy khắp các thôn xã dưới làn roi vọt, để “nêu gương”!
Lấy dây chăng ngang hai đầu con đường chính trong làng lại. Thế là tất cả những người da đen ở vào giữa đều coi như chính thức phải tòng quân.
Bức thư viết: “Năm 1915, khi ông M.Nuphla, thống đốc Đahômây, ra lệnh bắt lính, thì làng tôi bị bọn cảnh sát cùng lính cơ cướp phá và đốt sạch. Tất cả tài sản của tôi đều bị mất hết trong các cuộc đốt phá đó. Tuy thế, tôi vẫn bị cưỡng bách nhập ngũ, và mặc dầu là nạn nhân của việc xúc phạm bỉ ổi đó, tôi đã làm nghĩa vụ của tôi ở mặt trận bên Pháp. Tôi bị thương ở trận Exnơ.
“Ngày nay, chiến tranh đã chấm dứt, tôi sắp trở về nước, nhưng không còn nhà cửa, của cải gì cả.
3-kết quả của sự hy sinh
- Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, v.v… trước khi đưa họ đến Mácxây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. “Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!”, đó sao?
Thế là những “cựu binh” – đúng hơn là cái xác còn lại – sau khi đã dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lý nay tay không trở về với chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì đến chính nghĩa và công lý cả.
Theo báo chí Đông Dương thì thương binh người Pháp bị mất một phần thân thể và vợ của tử sĩ người Pháp đều được cấp môn bài bán lẻ thuốc phiện.
Như thế là trong một việc mà chính quyền thuộc địa đã phạm tới hai tội ác đối với nhân loại. Một mặt, họ vẫn chưa thoả khi tự tay làm cái việc bỉ ổi của người đầu độc, mà còn muốn lôi kéo vào đây cả những nạn nhân đáng thương hại của cuộc huynh đệ tương tàn nữa. Mặt khác, họ coi rẻ tính mạng và xương máu của những kẻ đã bị họ lừa bịp, đến nỗi tưởng rằng chỉ cần quẳng cho những người này khúc xương thối ấy là đủ đền bù được một phần của cánh tay bị mất hoặc mạng của một người chồng.
Chúng tôi chắc rằng thương binh và quả phụ chiến tranh sẽ đá văng món quà nhơ nhớp ấy và nhổ vào mặt kẻ tặng quà. Chúng tôi cũng tin chắc rằng thế giới văn minh và người Pháp lương thiện sẽ đứng về phía chúng tôi để lên án bọn cá mập thực dân đang không ngần ngại đầu độc cả một dân tộc để vơ vét cho đầy túi.
Chương 9: chính sách ngu dân
- Sắc lệnh đó viết: “Việc lưu hành báo chí bất cứ bằng thứ tiếng gì, đều có thể bị cấm do nghị định của quan toàn quyền.
-“Báo tiếng Việt không được xuất bản, nếu không được phép của quan toàn quyền. Giấy phép chỉ cấp với điều kiện là các bài báo phải được quan thống đốc duyệt trước. Giấy phép ấy có thể rút lúc nào cũng được.
- Vì người An Nam không có quyền hội họp quá số 20 người, nên ứng cử viên phải gặp 3.000 cử tri lần lượt từng người một.
- Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng. Mỗi năm, vào kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, chạy chọt mọi nơi thần thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú, nhưng vẫn không tìm được chỗ cho con học. Và hàng ngàn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường.
-“Làm cho dân ngu để dễ trị”, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.
- Mặt khác, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục chặn lại và lục soát thư tín của tư nhân
- Những tố cáo của Nguyễn Ái Quốc vào đầu thế kỷ XX về tội trạng của chế độ thực dân cho thấy dù đã qua gần 100 năm, người Việt Nam thực sự vẫn chưa bao giờ có một “tự do thực sự”… Thương, rất đáng thương…
Chương 2: Đầu độc người bản xứ
Để nhồi nhét văn minh “Đại Pháp” cho người An Nam, họ không từ bao thủ đoạn bỉ ổi và tàn ác. Đấu độc bằng cờ bạc, rượu và thuốc phiện:
- Lúc ấy, cứ một nghìn làng thì có đến một nghìn năm trăm đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số một nghìn làng đó lại chỉ có vẻn vẹn mười trường học.
-“Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no”.
Trong số người có cổ phần trong công ty độc quyền rượu, có các nhân vật cao quý nhất ở Đông Dương và tất cả các ngành cai trị đều có đại diện tai to mặt lớn trong ấy. Phần đông các quan lớn này đều rất có ích cho công ty, không ai chối cãi được:
- Dân một làng Bắc Kỳ, buộc phải uống rượu, thấy trước nguy cơ đe doạ ấy, đã kêu với viên quan người Pháp “của họ” rằng:
“Ngay đến cái ăn, chúng tôi cũng không có gì cả”. Quan đáp: “Chúng mày quen ngày ba bữa, bây giờ bớt đi một bữa, hay nếu cần thì bớt đi một bữa rưỡi để có thể mua rượu của nhà nước”.
Trước đây, người bản xứ quen mua rượu từng ít một; họ mang chai lọ thế nào cho vừa thì thôi. Nay thì người ta đóng rượu vào chai sẵn. Rượu chỉ bán trong chai nửa lít hay một lít. Người An Nam quen dùng rượu từ 20 đến 22 độ; ngày nay người ta bắt họ dùng rượu từ 40 đến 45 độ. Họ quen dùng loại rượu có mùi vị thơm dịu do chất lượng của những nguyên liệu mà họ vẫn dùng; trong số nguyên liệu này có thứ gạo thuộc vào loại ngon nhất. Còn thứ rượu mà nay người ta buộc họ phải uống lại cất bằng thứ gạo rẻ tiền, pha thêm chất hoá học, có mùi vị nồng nặc khó chịu.
Bọn chủ độc quyền còn ra thông tư bắt nhân viên của chúng pha thêm nước lã vào rượu đem bán; cứ mỗi héctôlít rượu pha thêm 8 lít nước lã.
Như thế, tính trên toàn cõi Đông Dương mỗi ngày cứ bán 500 héctôlít rượu thì có 4.000 lít nước lã pha thêm vào; 4.000 lít, mỗi lít giá ba hào, thành 1.200 đồng một ngày, 36.000 đồng một tháng. Như thế chỉ cần mở vòi nước lã không thôi, mỗi năm công ty cũng thu được một món lãi nho nhỏ 432.000 đồng, hay 4 triệu phrăng.
Xem thế, đủ biết thứ rượu mà bọn độc quyền cất và đem bán ở Đông Dương là không hợp với khẩu vị của người bản xứ về độ cũng như về mùi vị, cho nên người ta phải cưỡng bức họ mua.
Chương 6: Tệ nan tham nhũng trong bộ máy cai trị
-Ngân sách Nam Kỳ chẳng hạn, năm 1911 là 5.561.680 đồng (12.791.000 phrăng); năm 1912 là 7.321.817 đồng (16.840.000 phrăng). Năm 1922, ngân sách đó lên tới 12.821.325 đồng (96.169.000 phrăng). Một con tính đơn giản cho chúng ta thấy giữa hai năm 1911 và 1922, trong ngân sách của thuộc địa này có một sự chênh lệch là 83.369.000 phrăng. Số tiền đó chạy vào đâu? Tất nhiên là vào các khoản chi về nhân sự, vì các khoản này ngốn gần hết 100% tổng số thu.
Hết hành vi điên rồ này đến hành vi điên rồ khác đã phung phí đồng tiền mà người dân An Nam khốn khổ đã phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được
- Có thể nói một số phiên họp của hội đồng quản hạt chỉ là để bàn việc cướp giật công quỹ một cách có phương pháp. Riêng một ông chủ tịch nào đó của hội đồng đã được lãnh thầu những công việc trị giá hai triệu phrăng rồi. Ông đổng lý sự vụ nọ, đại diện của chính phủ trong hội đồng, đã xin tăng lương mình lên gấp đôi và đã được chấp thuận. Việc làm một con đường kéo dài năm này qua năm khác chẳng ai kiểm tra đem lại cho một vị thứ ba những món lợi thường xuyên đều đặn. Chức vụ thầy thuốc của các viên chức Đông Dương đem lại cho vị thứ tư một khoản lương khá hậu. Vị thứ năm được bổ làm thầy thuốc các công sở thành phố. Vị thứ sáu nhận cung ứng giấy và in tài liệu cho chính phủ. Cứ thế, vân vân và vân vân.
Kho bạc có vơi đi chút ít thì đã có những quý quan làm cho nó đầy lại một cách nhanh chóng. Với quyền hành sẵn có, họ sức cho dân bản xứ biết nhà nước cần một khoản tiền bao nhiêu đó, rồi họ phân bổ cho các làng phải đóng góp. Và các làng lo vội vàng tuân lệnh để khỏi bị trừng phạt ngay lập tức.
- Tất cả bọn chúng chỉ có mỗi cái tài là phung phí công quỹ, còn người An Nam khốn khổ thì cứ nai lưng đóng góp, đóng góp mãi. Họ đóng góp không những để trả lương cho những viên chức giữ những chức vụ vô dụng, mà còn để trả lương cho cả những viên chức không có chức vụ gì cả! Năm 19…, 250.000 phrăng đã tan biến đi như thế.
Một chiến hạm đã được dành riêng cho sự đi lại của một cụ lớn. Việc sửa sang chiếc chiến hạm đã tốn 250.000 phrăng, ấy là chưa kể những khoản “chi phí linh tinh” mà Đông Dương phải đài thọ cho mỗi chuyến đi là trên 80.000 phrăng.
Quan toàn quyền chưa vừa ý với những lâu đài tráng lệ mà ngài ở tại Sài Gòn và Hà Nội, còn phải cần thêm cho ngài một biệt thự ở bãi biển nữa. Ngân sách Đông Dương lại phải “è lưng ra gánh”.
Năm 19… một tay nước ngoài tai to mặt lớn nào đó ghé qua Sài Gòn, đã được viên thống đốc đón tiếp một cách đế vương. Bốn ngày liền ăn chơi phè phỡn thả cửa, yến tiệc, rượu chè lu bù, rốt cuộc xứ Nam Kỳ tội nghiệp phải tính sổ trả 75.000 phrăng.
Các quan cai trị đều là những ông vua con. Họ muốn xung quanh mình cái gì cũng xa hoa tráng lệ, và nói rằng, có thế mới nâng cao được uy tín của họ đối với người bản xứ.
-Tiền nhà cửa, bàn ghế, điện nước của các vị đó đều do công quỹ đài thọ cả. Ngoài ra, những người đánh xe, lái xe, giữ ngựa, làm vườn, tóm lại, tất cả những kẻ hầu người hạ của họ cũng đều do nhà nước trả tiền công.
Thậm chí những cuộc giải trí về văn chương của những người tốt số ấy cũng lại do nhà nước trang trải. Một viên quan cai trị đã ghi vào ngân sách 900 đồng tiền sưởi ấm, và 1.700 đồng mua báo chí! Một vị khác đã dùng mánh lới kế toán để biến tiền mua sắm áo khoác ngoài, đàn dương cầm, đồ trang sức thành những khoản vật liệu tu bổ toà sứ, hoặc những khoản tương tự như thế để bắt ngân sách nhà nước phải chịu
- Dù trước kia họ là những anh hàng cháo, hoặc giám thị trong các nhà trường, nhưng khi đã đặt chân đến thuộc địa là các nhà khai hoá ấy của chúng ta sống một đời sống đế vương. Một viên quan cai trị dùng năm sáu lính khố xanh để chăn dê cho mình; một viên khác bắt lính có nghề điêu khắc chạm trổ cho mình những tượng Phật xinh xắn hoặc đóng cho mình những rương hòm rất đẹp bằng gỗ dạ hương.
Chương 7: Bóc lột người bản xứ
-“Sau khi cướp hết những ruộng đất màu mỡ, bọn cá mập Pháp đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến”.
VINHÊ ĐỐCTÔNG
Trước khi Pháp chiếm cứ xứ này, trong bộ thuế điền thổ các làng, người ta xếp đất ruộng, công cũng như tư, thành nhiều hạng dựa theo các loại cây trồng. Thuế suất ruộng từ 5 hào đến l đồng một mẫu, còn đất từ một hào hai đến một đồng tư một mẫu. Mẫu là đơn vị diện tích hình vuông mỗi cạnh 150 thước. Thước thì dài, ngắn không chừng, tuỳ từng tỉnh, có thước 42, 47, hoặc 64 xăngtimét. Vì thế, diện tích mẫu rộng hẹp khác nhau, có nơi bằng 3.970 mét vuông, nơi 4.900, nơi 6.200 mét vuông.
Để tăng thu nhập cho nhà nước, người ta đã định một thước thống nhất là 40 xăngtimét, non hơn tất cả các thứ thước thông dụng, do đó mỗi mẫu chỉ bằng 3.600 mét vuông. Với cách này, thuế điền thổ tăng lên theo tỷ lệ khác nhau tuỳ từng tỉnh: có nơi tăng một phần mười hai, có nơi một phần ba, nơi không may nhất tăng đến hai phần ba.
Từ năm 1890 đến năm 1896, thuế trực thu tăng gấp đôi; từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi. Làng nào bị tăng thuế cũng cắn răng mà chịu; hỏi còn biết kêu vào đâu? Được thể các ngài công sứ càng làm già. Nhiều người Pháp coi việc các làng ngoan ngoãn đóng thuế như vậy là một bằng chứng rõ ràng rằng mức thuế không có gì là quá đáng!
- Ở Luông Prabăng, nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế.
Tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ) bị lũ lụt tàn phá, thế mà cũng phải nộp 500.000 đồng tiền thuế.
- Nói chung, người An Nam đều phải è ra mà chịu công ơn bảo hộ của nước Pháp. Riêng người nông dân An Nam lại càng phải è ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách nhục nhã hơn: là người An Nam, họ bị áp bức, là người nông dân, họ bị tước đoạt. Chính họ là những người lao khổ, làm để nuôi lũ người ăn bám, bọn đi khai hoá và những bọn khác. Chính họ phải sống cùng khổ, trong khi bọn đao phủ của họ lại sống phè phỡn; hễ mất mùa là họ chết đói. Họ bị cướp giật từ mọi phía, bằng mọi cách, bởi nhà nước, bởi bọn phong kiến tân thời, bởi giáo hội Thiên chúa. Xưa kia, dưới chế độ phong kiến An Nam, ruộng đất xếp thành đẳng hạng theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, những điều đó đã thay đổi. Khi cần tiền, nhà nước bảo hộ Pháp chỉ có việc thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt.
- Năm 1895, viên công sứ một tỉnh ở Bắc Kỳ đã tước mất của một làng nọ nhiều hécta ruộng đất để cấp cho một làng khác theo đạo Thiên chúa. Những người mất ruộng khiếu nại. Người ta bắt họ bỏ tù. Các bạn đừng tưởng chế độ cai trị vô liêm sỉ ấy chỉ dừng lại ở đó thôi. Người ta còn bắt những kẻ xấu số bị mất ruộng phải tiếp tục nộp cho đến năm 1910, tiền thuế của những ruộng đất đã bị tước đoạt từ năm 1895!
Thêm vào nạn ăn cướp của chính quyền, là nạn ăn cướp của bọn chủ đồn điền. Người ta cấp cho những người Âu chỉ có cái bụng phệ và màu da trắng những đồn điền có khi rộng trên 20.000 hécta.
- Phác qua như thế, cũng đủ thấy dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã cắm vào đất An Nam chế độ đáng nguyền rủa của thời trung cổ; người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của giáo hội sa đoạ làm ô danh Chúa.
Angiêri đau khổ vì nạn đói. Tuynidi cũng bị tàn phá vì nạn đói. Để giải quyết tình trạng ấy, chính phủ bắt giam một số đông người đói. Để cho bọn “người đói” đừng coi nhà tù là nơi cứu tế, người ta không cho họ ăn gì hết. Cho nên nhiều người đã chết đói trong lúc bị giam cầm. Trong những hang động En Ghiria, nhiều người đói lả phải gặm xác một con lừa chết thối lâu ngày.
Ở Bêgia, người Cammê(3) giành giật xác thú vật với quạ. Ở Xúc en Acba, ở Ghiđa, Uét Mơlidơ, mỗi ngày hàng chục người chết đói.
Đi đôi với nạn đói, nạn dịch tễ phát sinh ở nhiều nơi và có nguy cơ lan rộng.
Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột đầy tội ác, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn trang điểm cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng, v.v..
Cùng làm một việc trong cùng một xưởng, người thợ da trắng được trả lương cao hơn nhiều so với bạn đồng nghiệp khác màu da.
Trong các công sở, những người bản xứ dù đã làm việc lâu năm và dù rất thành thạo công việc, cũng chỉ được lĩnh một khoản tiền lương chết đói; trái lại một người da trắng mới được đưa vào, làm việc ít hơn, thì lại lĩnh lương cao hơn.
Có những thanh niên bản xứ đã học các trường đại học của chính quốc, đỗ bác sĩ y khoa hay tiến sĩ luật khoa thế mà vẫn không được làm nghề nghiệp của mình trong nước mình, nếu không vào quốc tịch Pháp. Mà ai cũng đã biết, một người bản xứ muốn được nhập quốc tịch Pháp như vậy thì phải vượt qua bao nhiêu khó khăn và tốn bao nhiêu công chạy vạy nhục nhã.
Còn những người bản xứ bắt buộc phải lìa bỏ ruộng nương, gia đình đi “lính tình nguyện” thì đều sớm được nếm hương vị tuyệt vời của món “bình đẳng”.
Chương 11: Khổ nhục của người phụ nữ bản xứ
Đọc những trang trên đây cũng đã thấy người phụ nữ An Nam được các nhà khai hoá của chúng ta “bảo hộ” như thế nào. Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Một người Âu mắng một phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn – mà người ta bảo là một thành phố Pháp-, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối!
Những chuyện đáng buồn như thế, có thể kể mãi không hết, song chúng tôi hy vọng rằng mấy việc kể trên cũng đủ làm cho chị em ở chính quốc biết rõ phụ nữ An Nam sống quằn quại trong cảnh lầm than và bị áp bức như thế nào. Bây giờ hãy xem người phụ nữ bản xứ ở các thuộc địa khác – cũng ở dưới sự bảo hộ của nước mẹ- có được tôn trọng hơn không.
Ở Phết Mơdala (Angiêri), một người bản xứ bị kết án một năm tù vì tội ăn trộm. Anh ta trốn khỏi nhà lao. Người ta phái một toán quân, do một quan hai chỉ huy, đến bao vây làng anh ta. Toán quân sục sạo rất kỹ nhưng không tìm thấy. Chúng bèn tập trung 35 phụ nữ họ hàng thân thuộc của anh ta lại. Trong số người này có những em gái 12 tuổi, những cụ bà 70 tuổi, những phụ nữ có thai, những bà mẹ đang cho con bú. Dưới con mắt bao dung của viên quan hai và của viên quan cai trị vừa đến, mỗi tên lính vồ lấy một phụ nữ. Các hào mục, các người cầm đầu các tổ chức từ thiện trong làng cũng bắt buộc phải đứng xem cảnh ấy. Người ta bảo làm thế để cho họ sợ. Xong rồi, người ta phá nhà cửa, bắt súc vật, nhốt những người đàn bà đã bị hãm hiếp vào một căn nhà để cho chính bọn đao phủ kia canh gác và tiếp tục mọi hành động ô nhục như thế đến hơn một tháng.
Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người
- Các em bé Angiê đói. Nhiều em mới lên sáu, lên bảy đã phải đi đánh giầy hay xách giỏ thuê ở chợ để kiếm ăn.
Chính phủ thuộc địa và khai hoá cho rằng các em cùng khổ kia kiếm được quá nhiều tiền nên bắt mỗi em phải có một sổ đăng ký và trả môn bài hằng tháng từ 1 phrăng rưỡi đến 2 phrăng.
Các bạn công nhân chính quốc! Các bạn đang phản đối món thuế vô lý đánh vào tiền lương, các bạn nghĩ thế nào về món thuế bỉ ổi đánh vào các em bé kia?
-“Ở Côngxtăngtin(2), từng đoàn phụ nữ lũ lượt kéo đi ăn xin. Một người trong đám người cùng khổ đó đã chết bên cầu En Căngtara, tay còn ẵm đứa con nhỏ.
“Từ Bôgari đến Gienpha(3) vô số ông già, trẻ em và phụ nữ bế con bao vây đoàn xe lửa để xin bố thí.
“Họ chỉ còn là những bộ xương, quần áo tơi tả. Người ta cấm họ lảng vảng đến các ga”.
Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh – dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý, v.v., được tượng trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một người phụ nữ và được một hạng người tự cho là phong nhã ra sức điểm tô – lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ.
- Thuế má nặng nề không phải chỉ đánh vào ruộng đất, vào súc vật và vào nam giới mà thôi, mà cái ơn mưa móc (!) ấy còn tưới rộng ra cho cả nữ giới nữa:
Nhiều phụ nữ bản xứ khốn khổ, phải mang nặng gông xiềng đi quét đường chỉ vì một tội là không nộp nổi thuế.
- Một sĩ quan khác hiếp một em bé gái bằng những cách dâm bạo vô cùng ghê tởm. Bị truy tố trước toà đại hình, hắn được trắng án, chỉ vì nạn nhân là người An Nam.”
Trên đây là một số (tóm tắt) được trích ra từ một số chương thiết thực trong 12 chương của “bản án chế độ thực dân Pháp”. Những dã man tàn ác, những tội trạng không thể thứ tha, phải bị nguyền rủa đời đời? Không thể nào phủ nhận chối cãi? Và người CSVN cũng rất tự hào, khoe khoang về một lãnh tụ của họ – Nguyễn Ái Quốc – mà sau này thoát kiếp Hồ Chí Minh? Đã lãnh đạo công cuộc cách mạng, đã đưa đất nước, dân tộc, qua 80 năm, bây giờ thoát cảnh đời nô lê, vì thực dân đế quốc không còn. Một đất nước đang có được: độc lập, tự do và hạnh phúc?
Bản Án CSVN
Một sự đốn mạt tận cùng? Một sự tiếm công thô lỗ? Một sự lừa dối gian manh tột độ? Đảng CSVN qua suốt 89 năm (từ ngày thành lập đảng 1930), và nhất là từ năm 1945 (cướp chính quyền) độc quyền lãnh đạo toàn dân chống thực dân và đế quốc, CSVN đã “vượt xa” bao nỗi tàn bạo của thời thực dân, để đưa đất nước cho đến bây giờ: cùng cực khổ nghèo, trước họa xâm lăng và nô lệ – Nô lệ Tàu cộng? Và một đảng bán nước cầu vinh. Điều này, ai cũng rõ?
Để so sánh (mức độ tàn bạo) giữa hai thời kỳ (thực dân Pháp và CSVN cai trị), bài viết xin được dẫn chứng đôi điều để chứng minh – (và vì khuôn khổ hạn chế của bài, xin được tóm gọn, vắn tắt).
1-Thuế máu (thời CSVN):
Thực dân bắt dân thuộc địa đi làm bia đỡ đạn trong hai cuộc chiến thứ 1 và 2, cũng như đàn áp ở các nước thuộc địa. CSVN cũng đâu thua gì: Qua 2 cuộc chiến chống Pháp (9 năm), và chống Mỹ Ngụy (20 năm), bao nhiêu triệu người ngã xuống: chết cho chiến trường, và chết cho “triệt tiêu” phe phái (không thuộc CS). Chết vì đấu tranh giai cấp: cải cách ruộng đất, tiêu diệt địa chủ và đánh tư sản, bằng cuồng ngông man rợ: “giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”. Chết chóc dẫy đầy, núi xương, sông máu… Với mục đích là gì? Nếu không phải là phục vụ cho “CỘNG SẢN QUỐC TẾ”? Đấu tranh cho “độc lập dân tộc” là một sự “phỉnh lừa”? Vì cho đến hôm nay (sau khi gọi là “toàn thắng” – Mỹ cút, Ngụy nhào), đất nước, dân tộc chưa có một ngày có độc lập tự do? Toàn dân vẫn đói nghèo, cơ cực? Và tiếp tục, vẫn (có thể) là nô lệ? “Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc” như lời của TBT Lê Duẩn đã xác nhận? Thì như vậy. So với thực dân Pháp, CSVN đã tiêu dùng “máu xương dân tộc” là bao nhiêu? Cho cuộc chiến (tôi mọi, làm “tay sai”) cho CSQT?
2-Chính sách ngu dân
Đường lối và chính sách của CS là: “ngu dân”, tạo cho một dân tộc ngu muội, cuồng tín theo giáo điều CS để dễ bề khiến sai, cai trị. Điều này là quá rõ ràng.
3-Đầu độc
Xưa kia, thực dân Pháp chỉ có: thuốc phiện, rượu và cờ bạc. Ngày nay, CSVN chẳng những (khuyên dân) say xỉn ngày đêm, quên trời quên đất, hút chích dẫy đầy, mà cờ bạc trở thành “quốc sách”: trên khắp 63 tỉnh thành… không nơi nào là không có cơ sở “sổ số”. Gái điếm không chỉ ngập tràn trong nước mà còn được “xuất khẩu” ra nước ngoài để “bán dâm” thu về ngoại tệ.
Đồ độc, chất độc tràn lan, VN trong những năm sau này là “bể chứa”: bao độc hại từ Tàu tự do tuông đổ nhập vào, được (đảng ta) cho phép? Thì như vậy, so sánh thế nào với thời kỳ Pháp thuộc?
4-Tham nhũng
Điều này, có lẽ không cần phải nói chi nhiều. “Đảng ta” (CSVN) nếu không tham nhũng thì làm sao mà nhà cao cửa rộng, cuộc sống vinh sang? Người dân đã có câu: “Không tham nhũng, không còn là (cán bộ đảng viên) CS. Đúng không? Xin ông “chủ lò” Trọng Lú trả lời.
5-Bóc lột
Tuyên truyền của CS là: “đấu tranh giai cấp, xóa bỏ bóc lột”? 44 năm qua, từ khi đất nước được “giải phóng hoàn toàn”, người ta thấy được những gì? Thay đổi giai cấp? Từ “chủ” thành tớ, và “tớ” lên làm chủ? Từ vật trở thành người, và người trở thành súc vật? Nhà cao cửa rộng, biệt thự nguy nga tráng lệ dẫy đầy, hình ảnh của một đất nước thay đổi hoàn toàn, được gọi là “tân tiến” và “phát triển” để tự hào: “đất nước chưa bao giờ có được như hôm nay”. Là gì? Và của ai?
Của những kẻ mà trước kia chui rúc núi rừng, trong hầm, hang động… đêm đêm về làng được người dân thương yêu nuôi nấng. Lời hứa của họ là: “Đánh xong giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp, mạnh giàu gấp mười lần hơn”. Và sau này, điếu đó có thật: to đẹp, giàu có (gấp trăm lần hơn) là đám cai trị – nhờ vào bóc lột đám người làm “chủ” là dân, “đầy tớ” lên ngôi vinh sang ngất ngưởng. Chủ là đám bầy đàn “dân oan” không cửa, không nhà, lang bạt khắp cùng, vất vưởng đói khát như là… súc vật? Đó! So sánh với thời Pháp thuộc: giải phóng xong rồi, ai bóc lột hơn ai?
6-Khổ nhục cho người phụ nữ
Không đấu tranh đánh đổ giai cấp mà còn chủ trương phân chia giai cấp tột cùng: sang hèn, nghèo giàu, tước vị, cả giới tính. Người có đảng và không đảng cách biệt quá rõ. Cách mạng có công, và kẻ không công (phản cách mạng?), theo chính sách rất là rạch ròi địa vị thứ ngôi. Không là đảng viên thì đừng hòng ngoi lên cuộc sống. Và ngược đời nhất, giữa thời đại văn minh – thời đại hôm nay, trên đất nước CHXHCNVN, người phụ nữ VN nơi cuối tầng đáy vực. Họ làm gì? Lõa lồ thân thể để xếp hàng cho người (nước ngoài) nhìn ngắm, chọn lựa: để được tuyển chọn làm vợ, làm oshin, làm gái điếm, làm nô lệ tình dục cho những thằng già khú, những đứa tật nguyền, phường vô lại… để có được đồng tiền giúp gia đình đói nghèo, giúp dựng xây đất nước?
Đó! Đem so sánh “Bản án” giữa hai thời đại (Thực dân Pháp: thế kỷ 19-20, và CSVN: thế kỷ 20-21) trên đất nước ta là như vậy? Ai độc hại hơn ai?
Chỉ mới lướt sơ qua “6 điểm”. Nếu kể ra, thêm nữa, sẽ có vô vàn tội trạng mà trên 80 năm một đảng đã gây nên cho đất nước, quê hương, dân tộc.
Trên 80 năm, một đảng chỉ là gian dối. Và trên 44 năm (để phát triển và xây dựng trong thời bình), một đảng đã làm một đất nước lụn tàn, một dân tộc đói nghèo cơ cực…
“Bản án CSVN” cần được xác lập, làm ra để (nếu không bây giờ thì về sau, lịch sử phán xét). So với “bản án chế độ thực dân Pháp” (ngày trước), CSVN ngày nay, “Bản Án” nặng bằng non:
-Một đảng không hoàn thành sứ mạng bảo vệ, gìn giữ giang san, tổ quốc.
-Một đảng đã phí phạm máu xương dân tộc, phá nát tài nguyên quốc gia để củng cố lợi quyền, hưởng thụ.
-Một đảng yếu hèn, nhu nhược, cúi lòn thần phục (quân giặc ngoại bang), đưa dân tộc vào nô lệ.
Thì như vậy, cần phải được xét xử thế nào?
16/12/2019
0 nhận xét