Sức mạnh cuả báo chí, truyền thông
Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Còn sức mạnh của báo chí, Việt cộng ta đâu cần, một sức mạnh của Đảng là đủ rồi. Hơn nữa khuyến khích nhân dân đi đâu cũng có tự sướng cả thì còn đâu sức lực. Đảng ta cũng không cần đến sức mạnh báo chí, truyền thông như của Úc biến X thành “Ếch bỏ lọ” vì X Tàu, X Ta tuy hai nhưng là một, đều là X Cộng cả. Sức mạnh báo chí ở Việt Nam cũng vẫn có và sẽ mãi mãi tồn tại. Nhưng sức mạnh ấy đang phải trốn tránh, chịu sự sách nhiễu không ngừng; hoặc đang nằm trong tù độc tài cộng sản. Đấy là những nhà báo chân chính và 12 nhà báo đang trong tù rất đáng vinh danh là những nhà báo can đảm nhất hành tinh. Họ thà chịụ ở trong nhà tù khắc nghiệt vẫn một lòng kiên định cho một nền TỰ DO BÁO CHÍ cho quê hương Việt Nam.
*
Từ chiếc máy hát vang lên giọng ca cao vút của Celine Dion với bài hát “The Power of Love”. Đây là bài hát nổi tiếng, rất được ưa chuộng trên thế giới cũng như Việt Nam. Bài ca ca ngợi sức mạnh, mãnh lực của tình yêu đôi lứa. Nhưng suy nghĩ lại, trong xã hội loài người có những sức mạnh khác tạo ảnh hưởng rộng lớn hơn rất nhiều, một động lực chính giúp con người xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh như ngày nay. Một sức mạnh vô cùng hệ trọng là sức mạnh từ tự do báo chí, truyền thông.
Nhìn qua nước Mỹ, khi còn là thuộc điạ cuả nước Anh, báo chí ở nước Mỹ bị kiểm soát chặt chẽ, chỉ đăng những tin khi chính quyền thực dân Anh cho phép.
Dành độc lập với tuyên ngôn Độc Lập ngày 4/7/1776. Năm 1789 hiến pháp Mỹ bắt đầu có hiệu lực, qui định tam quyền độc lập: hành pháp, lập pháp và toà án. 15/12/1791 Tự do Báo chí, freedom of the Press, được qui định trong Tu chính Án thứ Nhất của Hiến Pháp Mỹ. Đã hơn 200 năm trôi qua, nhiều luật lệ được quốc hội Mỹ thông qua, qui định chi tiết hơn về Tự do Báo Chí. Trong tương lai, cho dù sẽ còn nhiều tranh cãi trong quốc hội, dân chúng để luật pháp về Tự do Báo Chí phù hợp một xã hội tiên tiến vốn không bao giờ ngừng để vươn lên; một người dân bình thường phải công nhận Tự Do Báo Chí đã tạo một sức mạnh trong xã hội Mỹ. Nước Mỹ không thể văn minh và giàu mạnh như ngày nay nếu không có sức mạnh của báo chí.
Nhìn qua lịch sử thế giới, những chế độ độc tài phong kiến, chế độ Phát xít, chế độ thực dân… và gần nhất chế độ cộng sản đông Âu đã lần lượt bị nhân loại quăng vào thùng rác. Ai dám nói những cuộc cách mạng thực sự như thế không có sự đóng góp to lớn từ sức mạnh của báo chí, truyên thông?
Nhì qua nước Úc, tháng 11/2019 chính trường nước Úc nổi sóng vì chuyện gián điệp Trung Cộng.
Trước đó vào một ngày tháng 3/2019 người ta tìm thấy thi thể cứng đơ của Nick Zhao, một người Úc gốc Tàu, 32 tuổi, tại một phòng trọ ở Melbourne. Một cái chết do dùng ma túy quá liều? Báo chí, dư luận không mấy quan tâm.
Cuối tháng 5 bà Gladys Liu, một người Úc gốc Hongkong, thuộc đảng Tự Do, lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, thắng cử dân biểu khu vực Chisholm, đánh bại nữ đối thủ thuộc đảng Lao động Jennifer Yang, Úc gốc Taiwan.
Chisholm nằm cách trung tâm Melbourne CBD khoảng 20 Km, một khu của người Úc trung lưu Nằm trong khu vực Chisholm có thành phố Box Hill, nơi có rất đông người gốc Á châu. Người gốc Tàu nói Mandarin chiếm tỉ lệ trên 20%. Trong cuộc bầu cử 2013, John Nguyễn, gốc người Việt tị nạn, đại diện đảng tự do đã ra ứng cử tại Chisholm. John xui xẻo khi đụng đối thủ nặng kí đang đương nhiệm của đảng Lao động Anna Burke nên thua sít sao. Khi Gladys Liu thắng cử, dư lụân Úc thấy cũng ok vì di dân gốc Tàu đông sao lại không cho được một ghế trong quốc hội? Nhưng sự việc không đơn giản.
ABC là một cơ quan truyền thông của chính phủ Úc, tương tự như BBC, VOA, RFI… nhưng hoàn toàn độc lập. Điều hành do ngân sách chính phủ, không nhận quảng cáo tư nhân, chủ trương luôn đưa tin thật chính xác, phục vụ người dân Úc chứ không phải cho đảng phái hay chính quyền, ABC có nhiều lúc “cơm không lành, canh không ngọt” với chính phủ vì những bình luận, tin tức không làm chính phủ hài lòng. Chính phủ dọa cắt bớt ngân sách cho ABC nhưng e ngại không dám làm vì sợ phản ứng của người dân. ABC có cứng đầu, có làm gì sai, chính phủ chỉ có cách kiện ABC ra trước toà án. Đừng quên ngân sách cũng từ tiền thuế của dân đấy nhá ! Phóng sự diều tra của ABC đã đưa nhiều bằng chứng Bà Liu có quan hệ với Mặt trận Đoàn Kết Trung Cộng (The United Front Work Department of the Central Committee of the Communist Party of China).
24.11.19, Wang Liqiang- Vương Lập Cường,27 tuổi- một gián điệp Trung cộng sang Úc, tự nguyện ra đầu thú với chính quyền Úc, xin được tị nạn chính trị. Không chỉ thế, họ Wang còn cẩn thận một cách hiếm có khi đồng ý lên chương trình “60 Phút” của hệ thống truyền thông số 9 tư nhân lớn nhất của Úc để khai huỵch toẹt tên tuổi sếp gián điệp cuả minh, Xiang Xin. Họ Xin và vợ bị cảnh sát Đài loan giữ lại khi đang ra phi trường rời Đài Bắc.
Tàu Cộng đã kết tội Wang là một điệp viên giả và đưa video trên mạng cho thấy họ Wang ra toà 2016 vì tội lường gạt. Nhưng ở nước Tàu, camera biết nhận diện khuôn mặt, kiểm soát người dân ở mọi nơi sao lại để Wang có lý lịch không tốt, bad credit, có thể khơi khơi xin visa bay qua Úc? Họ Wang còn rất trẻ, tiếp thu một giáo dục nhồi sọ của Cộng sản đến tận chân răng, sao lại có thể biết dùng sức mạnh của báo chí, truyền thông ở Úc làm lá chắn. Một điều khiến chính quyền Úc dù vì ngoại giao cũng khó có thể giao trả họ Wang về lại Tàu, ngay cả khi tình báo ASIO của Úc chính thức lên tiếng họ Wang không phải là gián điệp.
Chuyện gián điệp Wang chưa ngã ngũ nhưng chương trình “60 phút”đã đưa tín hiệu báo động. Tìm hiểu về cái chết của Nick Zhao, đài số 9 tiết lô Nick Zhao đã khai báo tình báo Úc ASIO, một thương gia Tàu Bian Chen, đã hứa tài trợ 1 triệu đô để Zhao ra ứng cử vào quốc hội Úc. Trời ơi chuyện giết người bit miệng, rồi tạo dựng bằng chứng chết do dùng thuốc quá liều là “nghề của Tàu”, sao không không la lên cho mọi người biết ?
Báo chí, truyền thông Úc như đang mơ màng, chợt tỉnh giấc, thi đua làm các bài điều tra về gián điệp “X” Cộng (vì là anh em nên gián điệp Tàu Công hay Việt Cộng đều lấy mã số đầu “X” như X30 của Trần Bạch Đằng ?). Không biết bằng cách nào mấ́y ông bà phóng viên Úc tìm ra bao nhiêu tấm hình của X Liu, X Zhao , X Chen… cùng có mặt trong các cuộc họp chung. Hèn gì khi cần gây quỹ cho bầu cử, cho hội đoàn địa phương, X Liu cứ như ảo thuật gia tài ba, miệng cười tủm tỉm vừa rút tiền ra như từ một cái túi không đáy. Báo chí Úc đặt biệt hiệu “Phụ nữ 1 triệu đô” (One Million Dollar Woman) cho X Liu.
Trong buổi họp quốc hội, nhiều đại biểu Úc đã chất vấn về việc tiền gây qũi X Liu lấy từ đâu? Quan hệ của X và đảng CS Trung quốc? Sao từ chối không dám nói đến việc Tàu Cộng hành động ngang tàng tại biển Đông, khác hẳn chính sách của Đảng Tự do? Không dám lên tiếng về biểu tình đòi dân chủ ở Hongkong, không dám bênh vực cho người Úc bị bắt giam tại Tàu, người Hồi giáo ở Tân Cương?… Tủi thân vì bí rị không trả lời được các câu hỏi nên X “One Million” bèn bật khóc nức nở.
Có là gián điệp nếu bị phơi bày trên mặt báo xem như nghề gián điệp bị dẹp tiệm, X Liu trở thành “Ếch Liu” bị bỏ vào lọ thuỷ tinh để công luận quan sát. Còn X Tàu nào dám đến gần xì tiền hay giật dây kéo cho Ếch Liu nhảy lên như con rối puppet? Tưởng tượng, nếu không có sức mạnh của báo chí, truyền thông Úc, các X Tàu sẽ tác yêu, tác quái như thế nào?
Tại Úc tổ hợp báo chi truyền thông thường thuộc công ty tư nhân như công ty Nine Entertainment Co, News Corp… Các tờ báo, các đài truyền hình trực thuộc các công ty thường hoạt động độc lập. Tin tức, bài viết, chương trình… do chủ bút, giám đốc đài… chịu trách nhiệm. Nếu tờ báo ra không ai thèm đọc, đài TV ít khán giả, lỗ vốn công ty mẹ sẽ phải đóng cửa tờ báo, đài… Ngược lại báo có nhiều độc giả, đầu tư có lời, các công ty sẽ tranh nhau mua. Thương mại và chính trị được tách biệt hoàn toàn. Ngay cả các công ty truyền thông thường không thuộc hẳn một cá nhân nào vì tất cả đều được mua bán hàng ngày trên thị trường chứng khoán và theo luật nước Úc không một cá nhân nào được sỡ hữu 20% cổ phần một công ty truyền thông.
Làm nhà báo tại Úc như thế nào? Lương một phóng viên loàng xoàng khoảng 50 ngàn đô một năm. Nhưng một phóng viên nổi tiếng có thể phỏng vấn các chính trị gia, CEO… hay có khả năng điều tra, làm phóng sự mà bao nhiêu người chú tâm theo giỏi thì lương bổng không còn là vấn đề.
Yếu tố trở thành phóng viên giỏi là kiến thức, yêu nghề, trung thực, can đảm, có tài quan sát, nhận định sự việc một cách sắc bén… Người Việt ở Úc không thấy ai trở thành phóng viên giỏi vì có lẽ học và trở thành kỹ sư giỏi… dễ hơn nhiều!
Qua Úc trở về Việt Nam để xem sức mạnh báo chí như thế nào?
Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”. Nhiều người ôm bụng cười vì hiến pháp phải ghi như thế để trang điểm cho một chế độ độc tài như tô son, điểm phấn cho một kép hát hạng rẻ tiền.
Thực sự Việt Nam có “tự do”nhưng phải được hiểu theo ý của Bác, “tự do trong khuôn khổ đảng cho phép”. Nhìn một người tù bước tới lui trong phòng giam, Tổng Tịch nhà Ta phải ngữa mặt lên trời để tự khen chế độ “Tù nước ta tự do đến thế là cùng !”. Quá đúng? Tù phải cùm chân, cùm tay không nhúc nhích; còn tù đi lại được trong khuôn phòng giam là còn “tự do”.
“Tự do” báo chí do Đảng qui định cũng “ngộ” lắm. Việt Nam đoạt giải bóng đá Sea games, báo chí, TV tha hồ đăng tin, bình luận xem như Việt Nam sẽ đoạt được world cup nay mai, chuyện nữ hoàng nội y hé lộ đường cong, Sao Việt lấy chồng đại gia. . đến chuyện lễ hội,khu du lịch bạc tỉ… không bị cấm đoán gì cả. Thực ra thời thực dân Pháp“ tự do”báo chí kiểu này đã có rồi, và những người chống Pháp đã la lên “Thực dân Pháp vô cùng ác độc, dùng báo chi để ru ngủ dân Việt chúng ta”. Thời nay không ai dám hé miệng “Đảng dùng truyền thông báo chí để ru ngủ nhân dân ?”.
Trong các báo cáo các tổ chức quốc tế thường đưa Việt Nam và nước Tàu anh em ở chót bảng về tự do báo chí. Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) tại Paris hôm 25/4/2019 xếp hạng các quốc gia về tự do báo chí, Việt Nam đứng thứ hạng 176 trong số 180 quốc gia. Tổ chức Bảo vệ các Nhà Báo(CPJ) tại New York công bố hôm 11/12/2019 Trung Cộng của Xi Đế vô địch thế giới với thành tích bắt tù được 47 nhà báo. Nước anh em Việt Nam của Tổng Tịch không chịu thua kém , đoạt hạng Á quân châu Á với thành tích là 12 nhà báo. Với cố gắng đoạt kết quả như thế nhưng dân Việt Nam không ai chịu xuống đường đi bão ăn mừng? Trên các trang mạng của Đảng và Nhà nước lại còn bài viết phê bình các tổ chức quốc tế này.
Mấy tổ chức báo chí quốc tế thường cứng đầu lằm, năm nào cũng xếp hạng Việt Nam như thế. Phẩn nộ chứ! Tự hào dân tộc mà! Theo tôi đây là vấn đề “communication breakdown”, hai bên không thông hiểu nhau tuy cùng đọc một báo cáo đã dịch ra tiếng Việt, nhất là chữ TỰ DO. Chữ này tổ chức quốc tế hiểu khác Việt C̣ộng của mình. Có một cách giải quyết có tình có lý. Mình cứ việc nhường tổ chức quốc tế dùng chữ TỰ DO, còn mình dùng chữ khác giống giống như vậy nhưng đúng ý nghiã của Bác và Đảng hơn, thí dụ mình nói TỰ DÒ, TỰ SỜ, TỰ SỢ… Tôi xin được đề nghị dùng chữ TỰ SƯỚNG đã có sẵn. Selfie dịch tiếng Việt là “tự chụp (ảnh)” sẽ chính xác hơn. Như vậy câu nói của Bác sẽ là “Không có gì quí hơn độc lập tự sướng”, hiến pháp mình sẽ là :”Công dân có quyền tự sướng ngôn luận, tự sướng báo chí,…”. Nếu tổ chức quốc tế cứ ngang ngược xếp nước mình hạng bét, chỉ cần nhún vui, nhắc nhở vắn tắt “Dân nước tôi không hiểu “tự do” các ông, chỉ hiểu “tự sướng” thôi”. Xin mọi người ủng hộ gửi đơn lên Đảng xin đổi TỰ DO thành TỰ SƯỚNG.
Còn sức mạnh của báo chí, Việt cộng ta đâu cần, một sức mạnh của Đảng là đủ rồi. Hơn nữa khuyến khích nhân dân đi đâu cũng có tự sướng cả thì còn đâu sức lực. Đảng ta cũng không cần đến sức mạnh báo chí, truyền thông như của Úc biến X thành “Ếch bỏ lọ” vì X Tàu, X Ta tuy hai nhưng là một, đều là X Cộng cả. Sức mạnh báo chí ở Việt Nam cũng vẫn có và sẽ mãi mãi tồn tại. Nhưng sức mạnh ấy đang phải trốn tránh, chịu sự sách nhiễu không ngừng; hoặc đang nằm trong tù độc tài cộng sản. Đấy là những nhà báo chân chính và 12 nhà báo đang trong tù rất đáng vinh danh là những nhà báo can đảm nhất hành tinh. Họ thà chịụ ở trong nhà tù khắc nghiệt vẫn một lòng kiên định cho một nền TỰ DO BÁO CHÍ cho quê hương Việt Nam.
15/12/2019
0 nhận xét