Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Nhớ Lộc Hưng mùa Giáng Sinh – VietTuSaiGon

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019 17:54 // ,

Nhớ Lộc Hưng mùa Giáng Sinh – VietTuSaiGon

12/09/2019
Thời sinh viên của tôi gắn với Lộc Hưng, tôi và một vài người bạn đã thuê trọ ở đó gần nửa quãng thời gian học đại học. Hồi đó, vườn rau Lộc Hưng hoàn toàn chưa có nhà cửa, chỉ có rau và rau. Vườn Lộc Hưng nằm trước nhà thờ Lộc Hưng (Giáo xứ Lộc Hưng), rộng chừng vài chục hecta, được bao bọc bởi một con đường vòng cung nối Lý Thường Kiệt với Cách Mạng Tháng Tám. Có thể nói rằng cứ mỗi mùa Giáng Sinh, khu dân cư Lộc Hưng là khu đẹp nhất Sài Gòn, các con hẻm đều rtang trí đèn màu, đủ màu sắc. Đi dưới các con hẻm ở Lộc Hưng giống như đang đi dưới một vòm trời đầy các ngôi sao xanh, đỏ, vàng, tím… Và chừng vài chục mét lại nhìn thấy hang đá, Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ… Có thể nói rằng để tìm ra một khu dân cư có hàng chục ngàn người đều đồng nhất chung tay làm nên một con phố Noel, chỉ có Lộc Hưng, Sài Gòn. Sau này thì nhiều nơi như vậy, nhưng thời tôi đi học, cách đây gần ba mươi năm, dường như chỉ có Lộc Hưng.
Và thời đó, cả con đường dài quanh vườn Lộc Hưng chỉ có đúng một quán cơm. Quán bình dân, không tên, nhưng chúng tôi đặt tên quán cơm Nỗi Niềm. Vì chủ quán có hai cô con gái, cả ba mẹ con của họ nhìn gương mặt lúc nào cũng chất nặng nỗi niềm. Cha của hai cô gái hình như đã mất thì phải. Hồi đó, tài sản sinh viên của tui tôi chẳng có gì ngoài một thùng gỗ đựng sách vở, gọi cho sang là vali, vài bộ quần áo và chiếc xe đạp. Chúng tôi sống trong một căn gác gỗ của một gia đình Thiên Chúa Giáo, mỗi năm, thú vị nhất vẫn là mùa lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, cách gì chúng tôi cũng được chủ nhà đãi cho một bữa ăn ngon và miễn cho một tháng tiền nhà, ngoài ra còn có phần mỗi đứa 50 ngàn đồng. Hồi đó thuê nhà mỗi tháng 100 ngàn đồng, có 50 ngàn đồng lúc đó giá trị hơn 500 ngàn đồng bây giờ rất nhiều.
Nhớ có năm, cũng mùa Noel, tôi và thằng bạn (bây giờ là nhà thơ khá nổi tiếng) rủ nhau đi dạo thành phố một đêm cho biết (sở dĩ có hứng để rủ nhau đi là do chiều đó được bà chủ nhà tặng cho mỗi đứa 50 ngàn đồng), tôi mua một đôi giày bata Thượng Đình hết 15 ngàn, vậy là hai thằng cùng đi. Không biết đi kiểu gì mà lòng vòng qua tận quận Nhất, rồi xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở giáp giới Tân Bình, Gò Vấp, rồi lại quay về Cách Mạng Tháng Tám, mệt quá, hai thằng ngồi ở trước cổng nghĩa trang Hồi Giáo trên đường Cách Mạng Tháng tám nghỉ xả hơi, bị dân phòng tới hỏi giấy tờ, lại phải xuất trình thẻ chứng minh, thẻ sinh viên mới được cho về. Bụng đói meo vì đi bộ, tiền thì có rủng rỉnh mấy chục ngàn đồng trong túi như xui sao bữa đó lễ Giáng Sinh nên hầu hết những người bán thức ăn dạo ban đêm đều nghỉ. Sài Gòn mà đi ăn đêm không tìm ra chỗ thì cũng lạ. Thực ra có nhiều chỗ nhưng không hợp túi tiền, tụi tôi cần phải dành dụm và chỉ tìm cho được chỗ bán xôi, chỉ có xôi Sài Gòn vừa ngon, vừa rẻ, hợp với sinh viên.
Lang thang cuốc bộ, đôi giày tôi mua ban chiều đến khuya đã vẹt gót, lòi da, có lẽ do khúc đói bụng, đi hai chân cứ kéo xoèn xoẹt dưới đất nên nó nhanh mòn. Về đến nhà thờ Lộc Hưng, đã gần 4h sáng, tôi và thằng bạn mới nhớ sực là giờ này thì hết về nhà được rồi vì chủ nhà qui định phải về nhà trước 23h đêm. Thôi thì chui vào nhà thờ Lộc Hưng ngủ. Hai thằng chọn cái ghế đá, chỗ gần tượng Chúa nằm ngủ cho đỡ sợ. Lúc đó tự dưng cảm giá hơi ớn lạnh, bụng đói nữa nên hai thằng cứ run cầm cập theo cái lạnh Giáng Sinh. Nằm trằn trọc do ghế đá lạnh, do sợ mỗi khi nhìn ra vườn rau vì thằng bạn nó nghe ai đó kể ằng trước đây vườn rau là một nghĩa địa (chuyện này không đúng nhưng hồi đó người ta kể vậy để phỉnh những kẻ hái trộm rau thôi!). Chỉ mong trời mau sáng để về nhà trọ tắm rửa, kiếm chút gì bỏ bụng thì tự dưng thấy một bóng đen đứng lù lù bên cạnh, sợ chết khiếp nhưng cũng cố giữ can đảm, im lặng quan sát. “Các cậu làm gì nằm đây?”, giọng hỏi hơi quát tháo. “Dạ, tụi con là sinh viên, lỡ ham chơi Giáng Sinh, về khuya quá, không dám gọi cửa nên nằm đỡ qua đêm chút về”. “Sinh viên sao lại run như cầy sấy khi bị hỏi thế kia?”. “Dạ, tại đói bụng mà lạnh chứ tụi con trả lời thật thà, đây, thẻ sinh viên của con đây, mời chú coi”. “Người đàn ông bật đèn pin coi thẻ, sau đó giọng trầm ấm hẳn. “Ui chao là sinh viên! Đói bụng mà nằm ngủ lạnh như vậy có khi ngủ luôn cũng không chừng, thôi vào đây!”. Nói xong ông quay đi và ra hiệu hai thằng tôi đi theo. Ông dắt vào một dãy phòng, chỉ cho chúng tôi một phòng trống có trải đệm hẳn hoi và nói “Vào đó ngủ đi. Đợi tôi chế mì gói cho mà ăn. Nói xong ông đi, chừng mười phút sau ông gọi tụi tôi ra ngoài phòng ăn, đã có hai tô mì gói chế với trứng và thịt bò. Hai thằng chẳng biết nói chi, chỉ biết cảm ơn rồi ăn. Xong rồi đi rửa mặt nhưng ngại không ngủ vì thấy giường sạch quá. Hình như hiểu ý chúng tôi, ông lại bảo “Ngủ và thức là ý Chúa, không phần biệt sạch dơ đâu, tụi con cứ ngủ”. Đêm đó mặc dù chỉ ngủ vỏn vẹn hơn giờ đồng hồ nhưng giấc ngủ ngon đặc biệt của thời sinh viên, giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác của đêm ấy.
Sau này, chúng tôi mới biết người đàn ông đó là một ông trùm họ đạo, ông cũng là người phụ trách cả viêc phụng vụ Chúa và Cha, ông ở lại nhà thờ để chăm sóc Cha và coi quản mọi việc. Ông cũng là người giới thiệu chúng tôi với quán cơm Nỗi Niềm để mỗi khi thiếu tiền, chúng tôi lại ăn nợ mà không cần thế chấp thẻ sinh viên. Thậm chí có thể dạy thêm tiếng Anh cho hai cô con gái trong cuối tuần để trừ tiền cơm. Mối gắn kết của chúng tôi với làng rau Lộc Hưng cũng gần gũi và thân thiết hơn từ đó.
Hầu hết người làm vườn ở Lộc Hưng đều không dùng phân bón hóa học, họ ra vùng ngoại ô để mua phân bò về ủ, muốn chở phân bò vào thành phố thì phải dùng loại bao đặc biệt, có hai lớp, gồm một lớp nilon và lớp bao tải, nhận đầy phân vào đó và chất lên xe chở về. Mỗi chuyến đi chừng vài chục bao tải như vậy, về đổ ra, chất thành đống và đậy bao tải lên trên, sau đó phủ bạt che kín để ủ. Cứ mỗi dịp tháng Mười Một, tháng Chạp thì đi qua đây chỉ nghe đúng hai mùi, rau ngò, hành cải và mùi bánh dầu ngâm. Có thể nói theo tiêu chuẩn rau sạch bây giờ thì lúc đó, vườn rau Lộc Hưng là vườn rau sạch. Hầu hết các nông dân Lộc Hưng là những người có nhà trên đường vòng cung nhà thờ Lộc Hưng, nhìn ra vườn rau. Chủ quán cơm Nỗi Niềm cũng có một lô đất trồng rau trước nhà.
Năm ngoái, nghe tin Lộc Hưng bị đập phá nhà cửa, tự dưng tôi nhớ đến cái đêm Giáng Sinh lạnh và những ngày sinh viên thiếu thốn, đói kém trên đất Sài Gòn, nhớ những bữa cơm thiếu nợ đầy ân tình ở Lộc Hưng và nhớ cả cảm giác ấm áp khi đi dạo trong vùng đất xa lạ những rất đỗi thân thương này. Tìm hiểu thêm thì tôi được biết hai cô con gái quán Nỗi Niềm cũng có nhà bị đập. Nghĩa là hai cô đã lấy chồng, làm nhà trên vườn rau của ông bà để lại. Vì vườn rau này vốn là thổ cư của nhiều người dân nơi đây từ thời mới khai canh cả gần trăm năm trước. Nhưng năm 1995, họ lại không được kê khai và cấp thổ cư vì trở ngại từ nhà nước, họ chỉ được công nhận là đất hoa màu, đó cũng là mấu chốt để chuyện đau lòng xảy ra ngày hôm nay.
Mấy đêm hôm này trời trở rét, cả ba miền Việt Nam đều rất lạnh, tự dưng tôi rùng mình nghĩ đến cái lạnh ở Lộc Hưng, cũng lạ, cả Sài Gòn chỉ có Lộc Hưng là nơi lạnh nhất và nóng nhất, mùa hè thì nóng muốn chảy mỡ, mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, nhưng ra khỏi Lộc Hưng, đi vài cây số thì không còn lạnh như vậy. Giáng Sinh về, tự dưng, nghĩ đến cái lạnh, nghĩ đến những đứa trẻ mất nhà, những đứa trẻ phải ngủ nhờ lây lất, ấm lạnh chẳng biết về đâu vì tổ ấm không còn… Lòng bùi ngùi khó tả. Mới đây thôi mà đã gần ba mươi năm, vật đổi sao dời. Từ một Lộc Hưng thanh bình, quê kiểng giữa lòng phố, nay đã dâu bể đa đoan. Không biết người trùm họ đạo năm xưa có còn? Và không biết mùa Giáng Sinh năm nay, Lộc Hưng có còn những con phố giăng đèn, còn giống như một thiên đường ấm áp đèn hoa mà trước đây gần ba mươi năm tôi đã đi lang thang rồi mơ ước xa vời?! Chỉ biết cầu nguyện cho Lộc Hưng được bình yên, điều lành đến với người Lộc Hưng và Chúa thương xót mọi lầm lỗi để được sáng suốt, được yêu thương, để kẻ lầm lỗi được từ bỏ mọi thủ đoạn mất tính người, để trả Lộc Hưng về lại với Lộc Hưng!
VietTuSaiGon

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.