Hồng Kông ngày càng khiến Trung Quốc «đau đầu»
TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM: Hồng Kông ngày càng khiến Trung Quốc «đau đầu»
Minh Anh
Giới trẻ Hồng Kông tụ tập bên ngoài đại học Bách Khoa (PolyU), Hồng Kông ngày 25/11/2019. REUTERS/Leah Millis
Các cuộc biểu tình của sinh viên và các phong trào phản kháng của người dân diễn ra ngày càng nhiều tại Hồng Kông, cựu thuộc địa Anh Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhen nhúm thổi lửa để gây xáo trộn đế chế Trung Hoa.
Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng và bạo lực, một làn sóng « vàng » đã tràn qua hòn đảo Hồng Kông, khu vực bán tự trị thuộc Trung Quốc. Với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đông đảo chưa từng thấy (71% so với 47% năm 2015), phe ủng hộ dân chủ đã thắng lớn trong cuộc bầu cử địa phương 24/11/2019. Mười bảy trong tổng số 18 hội đồng quận vào tay phe đối lập, chiếm được 390 ghế trong tổng số 452 ghế.
Trên đài RFI tiếng Pháp, chuyên gia Emmanuel Dubois de Prisque*, Viện Thomas More, trước hết phân tích ý nghĩa và tác động kết quả cuộc bầu cử này đối với chính trường Hồng Kông cũng như là mối quan hệ ràng buộc giữa đặc khu với chính quyền trung ương.
Ông Emmanuel Dubois de Prisque nhìn nhận, thắng lợi này là thành quả của nhiều năm đầu tư và chuẩn bị của phe dân chủ, sau thất bại cuộc bầu cử năm 2015:
«Bởi vì trước đây các cuộc bầu cử này chỉ tập trung chủ yếu vào những thách thức rất cụ thể do vậy, đảng ủng hộ dân chủ thích đầu tư nhiều vào bầu cử nghị viện hơn. Đúng là trước đây đảng Dân chủ không chú trọng nhiều vào các cuộc bầu cử địa phương. Có thể nói lần này có điều gì đó mới mẻ, nghĩa là có một sự chuẩn bị và việc đề cử tất cả các ứng viên tại các đơn vị bầu cử đã mang lại một thách thức tầm cỡ quốc gia, nếu như chúng ta xem Hồng Kông như là một quốc gia».
Thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ sẽ tác động đến việc bầu chọn lãnh đạo đặc khu?
«Đương nhiên rồi, kết quả này sẽ có một ảnh hưởng gián tiếp. Bởi vì trong số 1.200 người trong ủy ban bầu cử được phép bầu chọn lãnh đạo đặc khu, khoảng 120 nghị viên sẽ đến từ cuộc bầu cử địa phương vừa qua. Dĩ nhiên điều này sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng ngay giữa lòng ủy ban theo hướng có lợi cho phe ủng hộ dân chủ. Và đây sẽ là một bài toán hóc búa mới cho Bắc Kinh.»
Việc phe thân Bắc Kinh thất bại nặng nề đặt chính quyền Trung Quốc trong thế lúng túng?
«Liệu Bắc Kinh có còn tiếp tục tin tưởng vào bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nữa hay không? Hiện tại những tuyên bố đầu tiên vẫn khẳng định ủng hộ bà, nhưng phía Bắc Kinh cũng bị bất ngờ vì họ từng trông cậy vào đa số thầm lặng, những người dường như phản đối phe biểu tình. Đúng là có một hiệu ứng bất ngờ, mà có thể là một sự sững sờ ngay trong chính giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Chắc chắn là họ cần có thêm một ít thời gian để tìm hiểu xem nên áp dụng chiến lược nào trước tình thế mới này».
Nói như vậy, số phận của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hiện chưa rõ và đang chờ sự định đoạt?
«Tôi cho là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng nghĩ đến chuyện từ chức. Đã nhiều lần bà đề nghị từ nhiệm với chính quyền Bắc Kinh. Bà từng nói rằng bà không thể nào phục vụ cùng lúc hai chủ nhân, nghĩa là người dân Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh. Sau cuộc bầu cử này, bà bị giằng xé giữa hai bên. Một mặt, bà phải phục tùng Bắc Kinh và mặt khác, bà phải lắng nghe người dân. Người ta khó có thể hình dung làm sao bà có thể giữ được lập trường trong dài hạn».
Hồng Kông: «Đứa con ngỗ nghịch»
Kết quả cuộc bầu cử là một thông điệp kép mà giới trẻ và nhiều người dân Hồng Kông muốn đưa ra: Thứ nhất, họ bày tỏ thái độ nghi kỵ và phẫn nộ đối với chính quyền thân Bắc Kinh do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga điều hành. Thứ hai, họ khẳng định với chính quyền trung ương ở Bắc Kinh là muốn có dân chủ và sẽ tiếp tục chiến đấu vì khát vọng này.
Chỉ có điều như nhận định của tờ báo mạng Slate của Mỹ, phiên bản tiếng Pháp, bản thân Hồng Kông luôn là một chủ đề tế nhị, gây chia rẽ giữa hai bộ phận người dân trong một nước Trung Hoa thống nhất : Giữa những người dân đảo Hồng Kông và người dân Trung Hoa ở lục địa; giữa những người đã quen thuộc với một số các giá trị dân chủ và những người luôn bị « kềm kẹp » dưới chế độ chuyên chế.
Tình hình ở Hồng Kông càng trở nên phức tạp khi có « bàn tay thao túng » của Mỹ như cáo buộc của chính quyền Bắc Kinh trong những thời gian gần đây. Bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên, tình trạng hỗn loạn gia tăng, rồi việc sinh viên biến trường đại học Bách Khoa thành cứ địa đối đầu với cảnh sát khiến Hồng Kông như rơi vào cảnh nội chiến, chính quyền Trung Quốc vẫn phải tỏ ra bất động, không can dự vào chuyện nội bộ Hồng Kông.
Việc Trung Quốc cho các binh sĩ đồn trú tại Hồng Kông liên tục xuất hiện đã không làm những người biểu tình nhụt chí, mà còn gây phản tác dụng, vì bị xem là một hành động « dọa dẫm ».
Hồng Kông: «Gà đẻ trứng vàng» của giới lãnh đạo Trung Quốc
Trước những hành động bạo lực của những người biểu tình, vì sao Bắc Kinh không triển khai quân trấn áp với cùng mức độ tàn bạo như đối với cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng năm 1959, rồi phong trào Thiên An Môn năm 1989, hay như đối với người dân Duy Ngô Nhĩ hiện nay (kể từ sau vụ tấn công khủng bố nhà ga Côn Minh hồi tháng 3/2014)?
Một điều chắc chắn là giới lãnh đạo Bắc Kinh chưa thể quên bài học Thiên An Môn. Chế độ cộng sản phải mất đến nhiều năm để xóa tan những tác hại cho danh tiếng của Trung Quốc sau cuộc trấn áp đẫm máu. Bắc Kinh giờ không muốn hình ảnh siêu cường hàng thứ hai thế giới một lần nữa bị vấy máu bạo lực.
Hơn nữa, tuy đã quen tay trấn áp, nhưng chế độ cộng sản Bắc Kinh cũng không muốn cung cấp thêm cho Mỹ một cái cớ để chống Trung Quốc, hiện đang phải vật vã đối phó với các kiểu thuế quan và các biện pháp bảo hộ do Donald Trump dựng lên nhằm ngăn chận đà tiến thành siêu cường kinh tế của Trung Quốc. Dùng vũ lực để tái lập trật tự tại Hồng Kông chẳng khác gì làm cho các cuộc đàm phán với Mỹ thêm phần phức tạp và tạo thêm cớ để Hoa Kỳ có thể «mạnh miệng» tố cáo Bắc Kinh.
Trên góc độ kinh tế – tài chính, Hồng Kông vẫn là lá phổi tài chính của một nước Trung Hoa hiện đại. Theo nhà báo Renaud Girard trên báo Le Figaro, «đây chính là một con gà đẻ trứng vàng mà đảng Cộng sản Trung Quốc chẳng có lợi gì khi đập vỡ nó. Nhiều hoàng tử đỏ đã cất giấu tiền của ở Hồng Kông. Những vị hoàng tử đỏ này chính là con cháu những người bạn đồng hành của Mao Trạch Đông, đã trở nên giầu có sau khi tự do hóa nền kinh tế được bắt đầu trong những năm 1980.»
Do vậy, không có lý do gì xóa bỏ quy chế đặc biệt này của Hồng Kông vào lúc này. Người dân Hồng Kông vẫn được lợi cho đến khi nào đặc khu hành chính này vẫn là điểm giao dịch chứng khoán và thương mại lớn nhất của đại công xưởng Trung Hoa. Chế độ cộng sản vẫn có lợi duy trì đặc quyền này chừng nào chúng vẫn còn hữu ích cho nền kinh tế đất nước cũng như là các phi vụ giao dịch của người thân giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Trong tình cảnh này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đành chọn chiến thuật chờ cho phong trào tự hụt hơi. Nhưng chắc chắn là ông cũng không để cho làn gió dân chủ Hồng Kông vượt sông Thâm Quyến tràn vào Trung Quốc. Do vậy, theo quan điểm của chuyên gia Emmanuel Dubois de Prisque, điều đau đầu nhất với Bắc Kinh hiện nay là làm sao tìm người thay thế một khi Lâm Trịnh Nguyệt Nga không còn lãnh đạo Hồng Kông.
«Vấn đề của Bắc Kinh nằm ở chỗ hậu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Hợp lý nhất là phải chọn một người nào đó phải gần gũi với dân nhưng phải biết lợi ích của Bắc Kinh lên trên hết. Đây là một bài toán khó cho Bắc Kinh và cho cả chính người dân Hồng Kông. Bởi vì khát vọng dân chủ sẽ không tìm được giải pháp ở cấp độ chính quyền đặc khu. Do vậy, đây thật sự là một tình huống rất rất tế nhị hiện giờ. »
*****
- Emmanuel Dubois de Prisque còn là đồng tác giả tập sách La Chine e(s)t le Monde, essai sur la sino-mondialisation, cùng với chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, nhà xuất bản Odile Jacob.
0 nhận xét