Tin Việt Nam – 05/10/2019
Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019
19:06
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Việt Nam: Sắc giới và tham nhũng tình dục
trong chính trị
Hoàng TrúcGửi tới BBC News Tiếng Việt từ TPHCM
Ở Việt Nam, công tác tổ chức được coi là lá chắn bảo vệ Đảng Cộng sản, bảo vệ chế độ nên nó đã được pháp điển hóa bằng khá nhiều quy định.
Nhưng “con voi lại chui lọt lỗ kim” mà việc một phụ nữ mới tốt nghiệp cấp hai làm trưởng phòng cơ quan Đảng cấp tỉnh ở Đắk Lắk đang ồn ào dư luận VN hay vụ “nâng đỡ không trong sáng” của Thanh Hóa mấy năm trước cũng liên quan đến sắc giới là minh chứng.
Gái đẹp cấp hai làm trưởng phòng
Hôm 3/10, một tài khoản Facebook có dòng trạng thái khó tin về việc một cô gái học mới hết cấp hai trở thành trưởng phòng một cơ quan Đảng. “Chấn động:Ở Văn phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk có một nữ trưởng phòng xinh đẹp tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Nữ trưởng phòng có tên họ, ngày sinh, số CMND, tên cha mẹ trùng khớp với một cán bộ khoa sản Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Hiện nay nữ trưởng phòng vừa “biến mất” khỏi tỉnh ủy.
Nữ trưởng phòng trước đây là một cô bé mới học xong cấp hai, làm nhân viên tiệm tóc và đặc biệt xinh đẹp. Nữ nhân viên được tuyển vào Văn phòng tỉnh ủy và sau đó lên như diều gặp gió. Cứ tưởng Văn phòng Tỉnh ủy là đầu não của Đảng bộ Đăk Lăk, ngờ đâu tuyển người rất dễ dãi.
Mạng xã hội nửa tin nửa ngờ vì câu chuyện quá phi lý so với việc kiểm tra và bổ nhiệm cán bộ hiện hành.Còn những người liên quan đã có một đêm không ngủ.
Sáng hôm sau, 4/10, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận người tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo sử dụng bằng giả, nhân thân giả là để thăng tiến là có thật và đang được làm rõ.
Câu chuyện những người phụ nữ có sắc đẹp và tận dụng sắc giới như một lợi thế để thăng tiến không lạ nhưng ít khi bị lộ.
Chuyện vừa mới xảy ra làm mọi người nhớ ngay đến vụ nâng đỡ không trong sáng xảy ra ở Thanh Hóa cho đến nay vẫn chưa làm rõ được vì nữ chính đã biến mất.
Người đẹp xứ Thanh
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từ một nhân viên bình thường đã thăng tiến thần tốc trở thành một trưởng phòng quyền lực của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mặc dù cuộc điều tra sau này cho thấy bà Quỳnh Anh không đủ tiêu chuẩn để làm một công chức bình thường.
Sự thăng tiến bất thường trên cũng chưa gây ngạc nhiên về bà Quỳnh Anh. Bởi với thu nhập hằng năm khoảng 60 triệu đồng như trong hồ sơ tự khai của mình, gia đình không mấy khá giả, nhưng bà này được cho là có khối tài sản “khủng” lên tới hàng chục tỉ đồng gồm nhà, biệt thự và xe sang . Không những đây là xe sang, biển số “độc” trùng với năm sinh của bà Quỳnh Anh .
Dư luận VN lúc đó đòi hỏi chính quyền trung ương phải điều tra làm rõ nhưng cuối cùng sự việc được kết luận bởi một cụm từ khó hiểu là sự thăng tiến của bà Quỳnh Anh là do “Nâng đỡ không trong sáng”.
Tháng 12-2017, Ban Bí thư Đảng Cộng Sản VN kết luận ông Ngô Văn Tuấn – phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa – có một số vi phạm về công tác tổ chức, cán bộ, trong đó có việc ưu ái, “nâng đỡ không trong sáng” trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn, rồi lên phó trưởng phòng, trưởng phòng.
Ông Ngô Văn Tuấn đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, sau đó cách chức phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Nhưng sau đó ông được bổ nhiệm làm chánh văn phòng Sở Xây dựng.
Còn bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở đâu không rõ và cho đến nay vẫn chưa có tin tức gì về bà Quỳnh Anh.
Đây có phải là nữ quyền?
Tình trạng dùng sắc giới để đánh đổi sự thăng tiến về nghề nghiệp hay để tìm kiếm việc làm ở Việt Nam cho thấy sự bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến bắt đầu ở lĩnh vực cơ hội việc làm và lan rộng ra ở nhiều mặt của đời sống.
Phía nam giới cũng đã tận dụng lợi thế và quyền hạn để vi phạm những quyền nhân thân của lao động nữ hay như một hình thức tham nhũng tình dục.Ngay tại diễn đàn Quốc hội một nữ đại biểu cũng đã có lần bày tỏ sự đau lòng khi xới lên vấn đề ở một tỉnh, lãnh đạo giáo dục đã điều giáo viên nữ đi tiếp khách, tiếp bia.
Câu chuyện xảy ra hồi tháng 8/2016, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi trong văn bản hành chính.
Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.
Báo chí trong nước cũng không thiếu những tin tức về công chức giải quyết công việc với “dân nữ” ở các quán cà phê võng hoặc nhà nghỉ bị vợ bắt gặp đánh ghen.
Trong một số vụ án, nạn nhân có tố cáo bị lợi dụng tình dục nhưng luật không xử được tội hối lộ vì nó phi vật chất.
Được chính thức áp dụng từ đầu 2018 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định của hối lộ không chỉ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất mà còn bổ sung thêm lợi ích phi vật chất khác, như hối lộ tình dục.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có vụ hối lộ tình dục nào được làm rõ hoặc đưa ra xét xử và nữ quyền tiếp tục bị xâm hại.
Với việc một số phụ nữ vẫn phải dùng sắc giới để có việc làm hoặc thăng tiến, hiện trạng này xem ra có thể sẽ còn tiếp tục trong hệ thống chính trị Việt Nam thời gian tới.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Hoàng Trúc từ TPHCM.
Người Việt hải ngoại biểu tình phản đối
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Bãi Tư Chính
Sáng ngày 5 tháng 10 năm 2019, rất nhiều người Việt hải ngoại từ nhiều tiểu bang tề tựu về thủ đô Washington DC, trước tòa đại sứ Trung Quốc, để biểu tình phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Bãi Tư Chính cũng như sự phản đối yếu ớt của chính quyền Việt Nam.
Hôm 18 tháng 9 năm 2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa, đồng thời yêu cầu Việt Nam lập tức dừng các hoạt động mà họ gọi là vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh của vùng nước này.
Bác sĩ Võ Hữu Định đến từ tiểu bang California nói với RFA:
“Người Việt Hải Ngoại luôn nhớ về quê hương, 44 năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ đến Việt Nam, nếu chúng ta không hành động bây giờ, thì Trung cộng sẽ xâm chiếm Việt Nam, từ vấn đề đặc khu, tây nguyên và Formosa… riêng luật đặc khu đã bỏ nhưng Trung cộng đã bỏ rất nhiều tiền để mua đất xâm chiếm Việt Nam.
Trung Quốc đàn áp Tây Tạng, Tân Cương và bây giờ là Hong Kong, người nước họ họ còn đàn áp như vậy, huống gì Việt Nam khi lọt vào tay Trung cộng. Hơn lúc nào hết chúng tôi yêu cầu người Việt trong và ngoài nước cần đoàn kết, kêu gọi Hoa Kỳ và quốc tế và LHQ gây áp lực, buộc Trung cộng phải tôn trọng luật quốc tế, không xâm lược các nước. Và quan trọng nhất là chúng ta phải loại bỏ cộng sản VN hèn với giặc, ác với dân.”
Một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có mặt tại buổi biểu tình cho biết, ông cùng rất nhiều người Việt hải ngoại có mặt trước tòa đại sứ Trung Quốc để hỗ trợ cho người Việt trong nước cùng gióng lên tiếng nói phản kháng các hành động của Trung Quốc trước khi quá muộn. Ông nói thêm:
“Hy vọng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sáng suốt trước sự xâm lăng của Trung Quốc. Chúng tôi muốn người Việt trong và nước cùng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
Buổi chiều cùng ngày, đoàn người sẽ tiếp tục biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam, cũng tại thủ đô Washington, DC để phản đối thái độ “hèn với giặc ác với dân” của chính quyền Hà Nội.
Kể từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã không ngừng đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.
Hôm 28 tháng 9 năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nhưng tránh nói tên Trung Quốc.
Trong bài phát biểu dài khoảng 15 phút trước UNGA, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói:
“Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển của Việt Nam đã được xác định bởi UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982). Các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS”
Chưa được khởi công, dự án đường sắt đô thị
số 2 ở Hà Nội đã đội vốn 680 triệu Mỹ kim
Tin từ Hà Nội, ngày 05/10/2019: Theo báo điện tử Dân Trí, thành phố Hà Nội đang làm thủ tục xin điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt đô thị số 2 từ 19,550 tỷ đồng lên hơn 35,600 tỷ đồng, tăng khoảng 16,000 tỷ đồng (680 triệu Mỹ kim) sau gần 11 năm dù dự án chưa được triển khai.
Theo dự án này, Hà Nội định xây đoạn đường sắt dài 11,5 km có tên Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, có vai trò quan trọng kết nối giao thông từ sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố, và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. Dự án bao gồm 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm và 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Hiện tất các các hạng mục tuyến đường sắt này gồm khu nhà ga và các ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.
Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư của dự án bao gồm trượt giá, thay đổi chi phí nhân công, vật tư, máy móc, chi phí vay lãi tăng, và việc sử dụng không hiệu quả vốn đối ứng của thành phố.
Tính đến tháng 9, dự án giải ngân được 15 tỷ đồng, bao gồm hơn 5,6 tỷ đồng từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Trong đề nghị điều chỉnh vốn đầu tư của dự án, ủy ban thành phố kiến nghị thủ tướng xem xét, chấp thuận cho thực hiện trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án.
Dự án đường sắt số 1 của Hà Nội chính là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đội vốn từ gần 9,000 tỷ đồng lên hơn 18,000 tỷ đồng, mà vẫn có khả năng không thể hoạt động, do nhà thầu Trung Cộng sử dụng vật liệu kém phẩm chất để xây dựng và không đảm bảo an toàn.
Quốc Tuấn
Căng thẳng Bãi Tư Chính,
đảng viên CSVN vẫn sang Trung Cộng đào tạo
Tin Vietnam.- Ngày 4 tháng 10 năm 2019, trên trang facebook cá nhân của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đã đăng tải bức ảnh có nội dung về Lễ bế giảng lớp đào tạo cán bộ đảng cộng sản Việt Nam kỳ thứ 9.
Lớp học này do sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, và trường Đảng tỉnh uỷ Quảng Đông tổ chức, để huấn luyện cho các quan chức đảng cộng sản Việt Nam. Theo nội dung bức ảnh thì Lễ bế giảng diễn ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2019. Kèm theo bức ảnh là một người đàn ông, mà theo facebook Phạm Minh Vũ thì đây là một đảng viên tên là Huy.
Sau khi bức hình trên được loan tải, ngay lập tức đã gây bất mãn trong cộng đồng mạng xã hội Việt Nam. Nhiều người cho rằng, Trung Cộng đang là kẻ thù xâm lược vùng biên giới đất liền, và lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là sự kiện Bãi Tư Chính. Thế nhưng các viên chức cộng sản Việt Nam vẫn sang Trung Cộng để được đào tạo. Nội dung đào tạo của lớp học này là cái gì? Nhiều viên chức cộng sản Việt Nam sau khi sang Trung Cộng đào tạo về thường có những phát ngôn bảo vệ “tình cảm anh em” với Trung Cộng.
An Nhiên
Samsung rời Trung Quốc: Tin tốt cho Việt Nam?
Việt Nam mặc dù là ứng viên hàng đầu để tiếp nhận dòng đầu tư của Samsung sau khi hãng Hàn Quốc này triệt thoái khỏi Trung Quốc nhưng khả năng này không cao, một nhà quan sát kinh tế nhận định với VOA.
Hôm 2/10, Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng đầu thế giới, thông báo họ sẽ đóng cửa nhà máy cuối cùng của họ ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, sau khi đã đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân hồi cuối năm 2018. Lý do họ đưa ra là ‘cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc’ tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Reuters dẫn truyền thông Hàn Quốc cho biết Samsung có 6.000 lao động và sản xuất khoảng 63 triệu chiếc điện thoại ở nhà máy Huệ Châu vào năm 2017, trong tổng số 394 chiếc mà hãng này sản xuất ở các nhà máy trên toàn cầu trong cùng năm, tức chiếm khoảng 16%.
Một phần do chiến tranh thương mại?
Trao đổi với VOA, GS-TS Khương Hữu Lộc, người đang giảng dạy chương trình MBA tại Mỹ và có nhiều năm kinh nghiệm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, nói rằng mặc dù không nói ra nhưng ‘chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chắc chắn là yếu tố rất quan trọng’ trong quyết định di dời này của Samsung.
“Họ (Samsung) không biết chiến tranh thương mại kéo dài bao lâu, vì nếu có đình chiến đi nữa thì cũng sẽ tái phát,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhìn nhận rằng lý do chính cho việc dời đi của Samsung vì ‘thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ người không còn béo bở nữa’.
“Gần đây điện thoại thông minh của Trung Quốc rất rẻ và cạnh tranh nên số sản phẩm Samsung họ bán ra ở thị trường Trung Quốc đã giảm nhiều.”
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết thị phần của Samsung ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 1% từ mức 15% cách nay 6 năm và phần thị phần này họ đã bị mất vào những hãng nội địa của Trung Quốc như Huawei và Xiaomi vốn đang phát triển rất nhanh chóng.
Theo ông Lộc phân tích thì thị trường Trung Quốc ‘chủ yếu là tầng lớp trung lưu’ vốn ‘không có khả năng trả từ 800 đến 1.000 đô la Mỹ cho một chiếc điện thoại thông minh’ nên những chiếc điện thoại giá rẻ do các hãng Trung Quốc sản xuất với giá chỉ tầm 300-400 đô la Mỹ hợp với túi tiền của họ hơn.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc ‘đã yểm trợ các công ty của họ rất nhiều (Huawei, Xiaomi, ZTE) để cạnh tranh với các hãng nước ngoài. “Chính vì sự ủng hộ này của chính phủ Trung Quốc đã làm cho những công ty như Samsung và Apple thấy không còn thuận lợi khi sản xuất ở Trung Quốc nữa,” ông nói.
“Nếu không có thuế quan (của Mỹ) thì chuyện đâu còn có đó, những viễn cảnh bị áp thuế đã khiến các hãng này phải tính đến dời đi,” ông Lộc nói thêm.
Một yếu tố nữa khiến các nhà đầu tư vào Trung Quốc cân nhắc, theo ông Lộc, là ‘môi trường lao động ở Trung Quốc không lý tưởng về lâu dài’.
“Giá lao động ở Trung Quốc hiện nay đã cao, khoảng 1/8 hay 1/10 so với Mỹ do hệ thống phúc lợi xã hội đắt đỏ,” ông giải thích. “Tốc độ lão hóa của dân số Trung Quốc ngày càng gia tăng và trong 20 năm nữa dự đoán có đến 70% dân số Trung Quốc trên 65 tuổi.”
Ngoài Samsung, hãng Sony của Nhật cũng cho biết họ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh ở Trung Quốc để chuyển mảng sản xuất này hoàn toàn sang Thái Lan.
Tuy nhiên Apple, vốn sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, cho đến nay vẫn duy trì nhà máy ở Trung Quốc bất chấp nguy cơ bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Lộc giải thích rằng do Trung Quốc đã tạo ra một ‘hệ thống chuỗi cung ứng chằng chịt rất thuận lợi cho Apple sản xuất với 5 triệu lao động’ bên cạnh thuế má, cơ sở hạ tầng đều thuận lợi cho Apple cho nên nếu hãng này dời đi sẽ ‘tốn hàng tỉ đô la’ và ‘mất thời gian từ 18-24 tháng’.
“Apple có cơ sỏ sản xuất gần như một thành phố ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), thuê mướn trên 10.000 nhân công,” Tiến sĩ Lộc cho biết.
Tuy nhiên, ông dự đoán rằng về lâu dài Apple sẽ ‘giảm bớt sản xuất ở Thâm Quyến’.
“Khi Apple thấy Samsung và Sony dời đi và thị trường béo bở của họ ở Trung Quốc không còn nữa cộng với hiểm họa của thuế quan thì tôi tiên đoán Apple sẽ giảm 50% mức sản xuất của họ để chuyển sang các quốc gia khác,” ông nói và cho biết mặc dù việc chuyển đi này rất tốn kém nhưng ‘về đường dài sẽ đỡ hơn’.
Sẽ chuyển sang Việt Nam?
Ngoài Trung Quốc, Samsung cũng có các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam và Ấn Độ. Riêng ở Việt Nam, hãng này đã mở nhà máy đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh hồi năm 2009, tức là rất lâu trước khi chiến tranh thương mại xảy ra, và sau đó mở thêm nhà máy thứ hai ở tỉnh Thái Nguyên. Theo Financial Times, thì hiện giờ gần một nửa điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất ở Việt Nam.
Năm ngoái, Samsung đã mở nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ để tranh thủ thị trường ngày càng mở rộng của quốc gia này.
Theo nhận định của Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Việt Nam hiện giờ có nhiều lợi thế để cho hãng Samsung chuyển thêm sản xuất sang, đó là ‘lao động giá rẻ, nhiều kỹ sư, cơ sở hạ tầng ngày càng thuận lợi, những yêu cầu về môi trường không gắt gao’.
“Lao động có trình độ (skilled labor) của Việt Nam mấy năm nay đã được nâng cao và không thua gì Trung Quốc,” ông cho biết.
Tuy nhiên, ông lập luận rằng do Samsung đã duy trì sản xuất gần một nửa sản lượng ở Việt Nam rồi nên ‘khó có khả năng họ dồn thêm nữa vào Việt Nam’ vì ‘hiểm họa sẽ cao’.
“Đại đa số các công ty không muốn dồn sản xuất vào một quốc gia vì nếu có chuyện gì xảy ra như bão lụt, chính trị hay thuế quan thì sẽ bị thiệt hại nặng,” ông Lộc, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn lớn, cho biết. “Họ không muốn dồn hết trứng trong một rổ.”
So sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông cho rằng Ấn Độ có lực lượng lao động rẻ cũng như Việt Nam nhưng có trình độ kỹ thuật cao hơn lao động Việt Nam. Ngược lại, Ấn Độ có khoảng cách địa lý xa hơn Việt Nam và phức tạp về ngôn ngữ, văn hóa hơn.
“Hệ thống chính trị của Việt Nam gắn liền với Trung Quốc, nên đầu tư vào Việt Nam có thể bị dính vào thuế quan trong tương lai,” ông cảnh báo.
Về khả năng Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam, ông Lộc cho rằng ‘tùy vào khả năng Việt Nam cung cấp nguồn nhân lực đủ để phục vụ cho Samsung lẫn Apple’ nhưng ‘nhiều khả năng Apple sẽ dời sang hai quốc gia khác nhau’.
Về tác động của việc di dời này đối với Trung Quốc, ông Lộc cho rằng nếu cả Apple và Samsung đều dời đi thì sẽ ảnh hưởng không chỉ hàng chục ngàn nhân công làm việc trực tiếp cho họ mà còn hàng triệu việc làm trong chuỗi cung ứng khổng lồ cho hai hãng này ở Trung Quốc.
“Nó cho thấy chiều hướng rất nguy hiểm là các công ty công nghệ đang rời khỏi Trung Quốc. Hai công ty này ra đi thì còn bao nhiêu công ty nào khác nữa sẽ ra đi,” ông Lộc nói.
Di dời sang Việt Nam, Samsung đóng cửa
nhà máy điện thoại cuối cùng ở TQ
Tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc hôm thứ Tư (2/10) tuyên bố công ty con của tập đoàn là Samsung Electronics sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại di động cuối cùng còn lại của họ tại Trung Quốc vào cuối tháng này, theo Nikkei.
Trước đó Samsung đã tuyên bố cắt giảm hoạt động sản xuất tại một cơ sở của họ ở Huệ Châu, một thành phố ở phía nam Trung Quốc.
Vào năm ngoái công ty này đã đóng cửa một nhà máy khác ở thành phố cảng Thiên Tân.
Theo Nikkei, hãng điện tử Samsung hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, cung cấp khoảng 290 triệu chiếc mỗi năm. Công ty này từng chiếm 15% thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc, nhưng thị phần của họ đã giảm xuống còn 1%, do mất chỗ đứng trước các đối thủ đại lục như Huawei Technologies và Xiaomi.
Khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên, Samsung đã quyết định di dời các nhà máy của mình sang Việt Nam, bắt đầu từ cuối những năm 2000.
Theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu cho Samsung. Hãng này đang tuyển dụng khoảng 200.000 người tại Việt Nam.
Tờ báo Nhật Bản cũng nhận định Việt Nam là điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp di cư khỏi đại lục vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
0 nhận xét