Tin khắp nơi – 04/10/2019
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019
19:53
//
Tin khắp nơi
Mỹ thử tên lửa mới ở Thái Bình Dương
cùng lúc Trung Quốc phô diễn vũ khí
Vào lúc Trung Quốc phô diễn một số vũ khí mạnh nhất của họ trong lễ duyệt binh kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70 hôm 1/10, Hải quân Hoa Kỳ đã thử nghiệm loại hỏa lực mới nhất của mình ở Thái Bình Dương.Ở vùng biển ngoài khơi đảo Guam, tàu USS Gabrielle Giffords đã bắn đi một tên lửa tấn công hải quân (gọi tắt là NSM), là một tên lửa hành trình đối hải rất khó phát hiện trên radar và có thể cơ động để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.
NSM, cùng với nhiều loại vũ khí khác, đã được nhắm bắn vào một tàu khu trục bỏ đi của Hải quân Hoa Kỳ, chiếc USS Ford cũ, được kéo tới Thái Bình Dương để làm mục tiêu trong cuộc tập trận mang tên SINKEX.
Giffords là tàu Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên triển khai cùng với tên lửa tấn công hải quân (NSM). Các nhà phân tích nói rằng nó tạo lại thế cân bằng ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đã tăng kho vũ khí tên lửa của họ cả về lượng lẫn chất.
Trung Quốc hiện có lợi thế 3 chọi 1 về tên lửa hành trình so với Mỹ, nhưng tên lửa tấn công hải quân (NSM) rốt cuộc có thể “thay đổi cục diện”, ông Carl Schuster, cựu hạm trưởng trong Hải quân Hoa Kỳ hiện là giảng viên tại Đại học Hawaii Pacific, nói.
Điểm trọng yếu của tên lửa NSM là tầm bắn của nó lên đến hơn 160 km, xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon mà Hải quân Mỹ sử dụng lâu nay để chống hạm.
Khi hợp đồng tác chiến với máy bay không người lái dạng trực thăng, tàu chiến Mỹ sẽ có thể nhắm vào mục tiêu xa hơn cả tầm quét của radar trên tàu.
(CNN, Naval News)
https://www.voatiengviet.com/a/my-thu-ten-lua-moi-o-thai-binh-duong/5110642.html
Mỹ: Donald Trump công khai
kêu gọi Trung Quốc điều tra về Joe Biden
Thùy DươngTổng thống Mỹ Donald Trump công khai đề nghị chính quyền Trung Quốc điều tra về cựu phó tổng thống Joe Biden, bên đảng Dân Chủ, đối thủ nặng ký của ông trong kỳ bầu cử tổng thống tới đây. Phát biểu của chủ nhân Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đang bị Hạ Viện điều tra theo thủ tục phế truất tổng thống liên quan đến vụ ông nhờ đồng nhiệm Ukraina Zelensky điều tra về đối thủ Joe Biden.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết chi tiết:
“Trung Quốc cần cho điều tra về những người trong nhà Biden … bởi vì những chuyện đã xảy ra tại Trung Quốc cũng nghiêm trọng như những gì đã xảy ra ở Ukraina … Donald Trump phát biểu như trên trước khi lên máy bay.
Đây không phải là một cuộc nói chuyện riêng qua điện thoại mà Nhà Trắng tìm cách che đậy, mà là một tuyên bố công khai, dõng dạc trước các máy ghi hình, giống như một lời khiêu khích rất có thể là nhằm giảm nhẹ hoặc bình thường hóa một việc từ trước tới nay vẫn bị cấm: đó là việc kêu gọi sự hỗ trợ của một cường quốc trong khuôn khổ một chiến dịch vận động tranh cử. Joe Biden, người đầu tiên bị ông Trump nhắm tới, ngay lập tức đã viết trên mạng xã hội Twitter: Ông không thể ép chính phủ các nước khác giúp đỡ để ông tái đắc cử.
Nhiều dân biểu phe Dân Chủ coi tuyên bố lần này của ông Trump là căn cứ thứ hai để mở thủ tục phế truất tổng thống, nhất là ngay trước khi kêu gọi Trung Quốc đào bới lại các phi vụ làm ăn của Joe Biden, tổng thống Mỹ đã khẳng định ông có nhiều lựa chọn nếu Bắc Kinh không chịu lui bước trong cuộc xung đột thương mại giữa hai nước.
Kamala Harris, cựu chưởng lý California và cũng là ứng viên cho vòng bầu cử sơ bộ của phe Dân Chủ cũng đã yêu cầu là bản ghi các cuộc trao đổi điện thoại giữa Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc phải được đưa vào hồ sơ thủ tục điều tra luận tội truất phế tổng thống.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191004-my-donald-trump-cong-khai-keu-goi-trung-quoc-dieu-tra-ve-joe-biden?xtor=EPR-300-[Quotidienne]-20191004-[contenu]-1177140254985
Phe Dân chủ công bố tin nhắn
cho thấy TT Trump tác động đến Ukraine
Các tin nhắn được công bố hôm thứ Năm 3/10 cho thấy các nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã thúc ép Ukraine điều tra, xem đó là điều kiện cho chuyến thăm Nhà Trắng.Nội dung các tin nhắn giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và một phụ tá cao cấp của tổng thống Ukraine cho thấy nếu Ukraine tiến hành điều tra về cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 thì điều đó có liên quan ra sao với cuộc gặp được mong đợi giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các tin nhắn, được Ủy ban Tình báo Hạ viện công bố, cho thấy rõ luật sư riêng của ông Trump, là ông Rudy Giuliani, có mối liên hệ chặt chẽ ra sao với chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine, và ông này đã tham gia vào việc thu xếp cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa hai ông Trump và Zelensky, trong cuộc gọi đó, ông Trump cũng thúc giục điều tra về cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông, Hunter Biden.
“Nghe được từ Nhà Trắng – giả định rằng Tổng thống Z thuyết phục với ông Trump là tổng thống sẽ điều tra / ‘đi đến tận cùng của những gì đã xảy ra’ vào năm 2016, chúng tôi sẽ chốt ngày cho chuyến thăm Washington”, cựu đặc sứ Mỹ chuyên trách đàm phán về Ukraine, ông Kurt Volker, viết như vậy và gửi cho phụ tá hàng đầu của ông Zelenskiy vào ngày 25/7, ngay trước khi ông Trump nói chuyện qua điện thoại với ông Zelenskiy.
Cuộc gọi điện thoại đó đã khiến một quan chức tình báo Hoa Kỳ nộp đơn tố cáo, dẫn đến một loạt các sự kiện xảy ra nối tiếp nhau nhanh chóng, cuối cùng đi tới cuộc điều tra luận tội tổng thống.
Ông Volker đã từ chức giữa lúc có những rối ren này. Ông cung cấp một bản khai tóm tắt hôm 3/10 cho Quốc hội, bao gồm nội dung các tin nhắn.
Các tin nhắn được các đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện công bố. Chúng cung cấp thêm các chi tiết mới liên quan đến đơn tố giác đã dẫn đến cuộc điều tra luận tội. Ông Trump bị cáo buộc đã thúc giục chính phủ Ukraine đào bới, tìm chuyện xấu về đối thủ chính trị của ông là Joe Biden, ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ.
Năm 2014, ông Joe Biden là phó tổng thống và chuyên theo dõi về Ukraine. Cùng năm đó, con trai của ông, Hunter Biden, đã trở thành thành viên hội đồng quản trị của Burisma Holdings, một công ty khí đốt của Ukraine.
Ông Trump đưa ra những cáo buộc không có căn cứ rằng việc bố trí nhân sự như vậy là “tha hóa”. Hiện chưa có bằng chứng nào là ông Joe Biden hay Hunter Biden đã có sai trái gì.
Các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện đã công bố các tin nhắn sau khi chất vấn riêng ông Volker trong hơn tám tiếng.
Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các tin nhắn hoặc bản khai của ông Volker.
“Toàn bộ cuộc điều tra đang sụp đổ”, ông Trump nói với các phóng viên khi ông rời Nhà Trắng hôm 3/10 để đi Florida. Ông nói rằng cuộc điện đàm của ông với ông Zelenskiy đã diễn ra “hoàn hảo”.
(CNN, NBC)
https://www.voatiengviet.com/a/tin-nhan-cho-thay-tt-trump-tac-dong-den-ukraine/5110544.html
Phi trường LAX sẽ cấm xe chở khách và taxi
đón khách tại trước nhà ga đến
Tin từ Los Angeles, California – Theo tin từ ABC7, giờ đây việc khởi hành từ phi trường quốc tế Los Angeles (LAX) sẽ là một vấn đề nhức nhối, do việc xây dựng nâng cấp phi trường.Từ ngày 29/09/2019, LAX sẽ cấm các công ty dịch vụ chở khách như Uber, Lyft, hay taxi đón khách bên đường trước nhà ga đến. Thay vào đó khách du lịch đi phải xe buýt đến một khu vực chỉ định để đón xe. Việc thả khách ở tầng trên phi trường (nhà ga đi) vẫn được phép diễn ra.
Theo thông báo của phi trường, các thay đổi đối với các hoạt động đón khách bên đường sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 29/10/2019 lúc 3 giờ sáng. Phát ngôn viên của LAX nói với Eyewitness News rằng các tuyến xe bus sẽ đưa đón thường xuyên hành khách, và trong khoảng cách đi bộ từ phi trường.
Thời gian gần đây lượng khách du lịch đến phi trường ngày càng tăng, trong khi phi trường đang trong giữa giai đoạn của dự án tối tân hóa. Phi trường LAX khuyên hành khách nên đến phi trường sớm hơn dự kiến, để phòng ngừa bị trễ máy bay. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phi-truong-lax-se-cam-cong-ty-cho-khach-va-taxi-don-khach-tai-truoc-nha-ga-den/
Hơn 1,000 người mắc bệnh
liên quan đến thuốc lá điện tử, 19 tử vong
Vào hôm Thứ Năm (3 tháng 10), Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) xác nhận 1,080 trường hợp mắc bệnh liên quan đến hút thuốc lá điện tử, theo báo cáo từ 48 tiểu bang và Virgin Island.CDC cũng cho biết có ít nhất 18 người tử vong được xác nhận từ 15 tiểu bang, và tiểu bang Connecticut vừa thông báo trường hợp tử vong thứ 19 chỉ một thời gian ngắn sau đó. Nhiều trường hợp tử vong đang được điều tra.
Trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận là hồi tháng Ba, đến nay có hơn 200 trường hợp được thông báo mỗi tuần. Chỉ có Alaska và New Hampshire vẫn chưa đưa ra báo cáo.
Các bác sĩ nói rằng các triệu chứng bệnh giống như chấn thương hô hấp, bao gồm khó thở nghiêm trọng, mệt mỏi và đau vùng ngực. Báo cáo từ bệnh viện Mayo cho biết bất cứ thành phần nào người hút thuốc lá điện tử hút vào, đều đốt phổi của họ bằng hóa chất độc hại tương đương hóa chất dùng trong công nghiệp. Một số bệnh nhân trong cuộc khảo sát chỉ chứa thành phần nicotine, trong khi số người hút thành phần THC nhiều hơn, một hoạt chất trong cần sa.
Trong khi cơ quan thực thi pháp luật đã và đang thu giữ các sản phẩm thuốc lá điện tử bất hợp pháp, thị trường chợ đen lại rất nhộn nhịp. Trong những tháng gần đây, cảnh sát ở Milwaukee đã bắt giữ một người buôn bán nguyên liệu chứa THC trên đường phố, kiếm được tới 2 triệu Mỹ kim mỗi tháng.
New York cùng một số tiểu bang và thành phố khác đã thực hiện các biện pháp cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa hương liệu. Các viên chức liên bang đang dự tính kế hoạch cấm thiếu niên hút thuốc lá điện tử, dù sẽ mất nhiều thời gian hơn. Không có công ty thuốc lá điện tử lớn nào có liên quan trực tiếp đến các báo cáo mắc bệnh. Thống đốc bang New Jersey, Chris Murphy đang kêu gọi cấm bán thuốc lá điện tử trên mạng và đại lý bán thuốc lá điện tử, cũng như tăng hình phạt đối với các nhà bán lẻ cố tình bán cho người chưa đủ tuổi. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hon-1000-nguoi-mac-benh-lien-quan-den-thuoc-la-dien-tu-19-tu-vong/
Facebook có thể bị buộc phải xóa các nội dung
toàn cầu sau phán quyết của tòa án EU
Tin Brussels, Bỉ – Tòa án hàng đầu châu Âu vào thứ Năm, 3 tháng 10, phán quyết rằng hãng Facebook phải tuân theo các trát tòa yêu cầu kiểm tra và xóa các nội dung bất hợp pháp trên toàn thế giới. Nhiều nhà vận động nhân quyền lo ngại rằng, quyết định của tòa án EU có thể sẽ được một số quốc gia sử dụng để bịt miệng giới đối lập.Phán quyết của tòa án EU có nghĩa là, các tòa án các nước có thể ra lệnh cho mạng xã hội lớn nhất thế giới phải tự tìm kiếm và xóa các nội dung thù địch, bị coi là bất hợp pháp tại nhóm 28 nước EU, thay vì chỉ xóa các bài đăng mỗi khi được yêu cầu, như cách làm của hãng hiện nay.
Facebook và các mạng xã hội khác cũng bị buộc phải tuân theo yêu cầu xóa bỏ nội dung trên toàn cầu, ngay cả tại những nước mà nội dung đó không bị coi là bất hợp pháp, theo tuyên bố của Tòa án Liên Âu CJEU tại Luxembourg.
Phán quyết chống lại Facebook chỉ giới hạn trong các trát tòa, và không áp dụng cho các vụ kiện riêng biệt của người dùng cáo buộc rằng một nội dung nào đó là bất hợp pháp. Phán quyết hôm thứ Năm của EU sẽ ảnh hưởng khá rộng, áp dụng cho mọi mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm, các nhà cung cấp dịch vụ mạng, và các hãng giao dịch tài chính qua mạng.
Facebook đã chỉ trích quyết định của EU, nói rằng các mạng xã hội không có trách nhiệm phải giám sát, diễn giải, và xóa bỏ các bài đăng có thể bị coi là bất hợp pháp tại một quốc gia riêng biệt nào đó. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/facebook-co-the-bi-buoc-phai-xoa-cac-noi-dung-toan-cau-sau-phan-quyet-cua-toa-an-eu/
Giới công nghiệp Bắc Ailen phẫn nộ
về kế hoạch Brexit của thủ tướng Anh
Mai VânTrong lúc giới lãnh đạo châu Âu vẫn thận trọng trước đề nghị mới của thủ tướng Anh Boris Johnson để đạt một thỏa thuận về Brexit, như tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk vào hôm qua, 03/10/2019, Nghị Viện Châu Âu đã bác bỏ thẳng thừng kế hoạch này, không xem đó là một cơ sở để đàm phán. Trong bối cảnh đó, tại Vương Quốc Anh, giới doanh nhân và công nghiệp Bắc Ailen, hôm qua đã lên tiếng phê phán gắt gao.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix tường thuật :
« Hoang đường, vô trách nhiệm, nói láo », giới doanh nhân Bắc Ailen, đã không tiếc lời chỉ trích kế hoạch của thủ tướng Boris Johnson, đề nghị thành lập hai biên giới ở Ireland, với hệ quả là Bắc Ailen sẽ bị thiệt thòi nghiêm trọng.
Cho dù theo kế hoạch của ông Boris Johnson, Bắc Ailen vẫn có một thời gian để tiếp tục áp dụng những quy định của châu Âu về chuyển vận hàng hóa, lương thực thực phẩm, nhưng đối với những người chỉ trích, một biên giới vẫn là một biên giới, với các chế độ kiểm soát, thuế hải quan… những vấn đề gây rắc rối, tác hại đến công việc làm ăn của họ.
Đối với ông Aodhan Connolly, giám đốc tập đoàn phân phối Bắc Ailen, tình hình sẽ phức tạp hơn, sẽ có nhiều chậm trễ, thuế quan và các sắc thuế khác sẽ gia tăng trên giá trị thặng dư.
Nói tóm lại đây là một kế hoạch không thể thực hiện được. Thủ tướng Anh bị tố cáo là đã hy sinh quyền lợi của dân chúng vì mục tiêu chính trị. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191004-brexit-ke-hoach-cua-thu-tuong-anh-gay-phan-no-noi-gioi-cong-nghiep-bac-ailen?xtor=EPR-300-[Quotidienne]-20191004-[contenu]-1177140254985
Nhân viên cảnh sát Paris
đâm chết bốn người trước khi bị bắn chết
Một nhân viên hành chính của sở cảnh sát Paris đã đâm chết bốn người tại trụ sở của cảnh sát hôm 3/10, trước khi bị một cảnh sát bắn chết, theo Reuters.Hiện chưa có thông báo về động cơ của vụ tấn công xảy ra ngay tại trung tâm thủ đô nước Pháp.
Tuy nhiên, theo Reuters, ông Jean-Marc Bailleul, một lãnh đạo công đoàn của cảnh sát, cho rằng đây là một vụ hình sự, chứ không phải khủng bố.
XEM THÊM:
Biểu tình “áo gi-lê vàng” biến thành bạo động ở Paris
Một nhân viên cảnh sát và cũng là thành viên của một nhóm kêu gọi cải thiện điều kiện làm việc cho cảnh sát được dẫn lời nói rằng người thực hiện vụ tấn công đã gặp nhiều vấn đề với người quản lý.
Theo cơ quan phụ trách giao thông của Paris, khu vực quanh trụ sở cảnh sát đã bị phong tỏa và bến tàu điện ngầm gần nhất cũng đã bị đóng cửa vì lý do an ninh.
Theo Reuters, Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ tới hiện trường vào cuối ngày 3/10.
https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-paris-%C4%91%C3%A2m-ch%E1%BA%BFt-b%E1%BB%91n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFn-ch%E1%BA%BFt/5108950.html
Bộ Ngoại giao Đức xác nhận luật sư Đặng Đình Mạnh
không thể đến gặp Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp
Một nguồn tin chính thức từ văn phòng đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Đức hôm 4/10 xác nhận với Đài Á Châu Tự Do việc luật sư Đặng Đình Mạnh đã không thể đến gặp Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức, ông Christian Lange hôm 30/9 vừa qua.Hôm 1/10, luật sư Đặng Đình Mạnh xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin ông bị an ninh mặc thường phục ngăn cản không cho ra khỏi nhà vào sáng ngày 30/9 để gặp phái đoàn của Quốc Vụ khanh Bộ tư Pháp Cộng hòa Liên bang Đức đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo luật sư Lê Công Định, người tham gia cuộc gặp, có 5 luật sư được mời gặp đoàn để cung cấp cái nhìn bao quát về hệ thống luật pháp của Việt Nam cho phái đoàn. Chỉ có một mình luật sư Mạnh bị cản trở.
Luật sư Đặng Đình Mạnh là người đã tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và dân bị mất đất ở Việt Nam.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng có ai đó không muốn ông dự họp để có thể cung cấp những thông tin, quan điểm, cách nhìn của ông và sẽ không tốt cho chính quyền.
Theo trang web của Bộ Tư Pháp Việt Nam, vào sáng ngày 1/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và Quốc vụ Khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức Christian Lange đã ký kết Chương trình hợp tác 3 năm (2019 – 2020) khuôn khổ chương trình hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền.
Chương trình tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trong các lĩnh vực bao gồm: pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, phát luật dân sự và tố tụng dân sự, kinh tế và lao động, tố tụng hành chính, tài phán hành chính, thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc là thành viên, tăng cường năng lực chuyên môn cho những người hành nghề trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/german-foreign-ministry-confirm-lawyer-unable-to-meet-german-delegation-10042019093235.html
Nga giúp TQ có năng lực phòng thủ tên lửa
Điện Kremlin nói hôm thứ Sáu 4/10 rằng động thái của Moscow giúp Bắc Kinh xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa cho thấy hai nước có mối quan hệ đặc biệt.Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm 3/10 cho biết Nga đang giúp Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, một năng lực hiện chỉ hai nước Nga và Hoa Kỳ đang có ở thời điểm này.
“Đây là một thứ rất nghiêm túc sẽ làm tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Trung Quốc”, ông Putin nói.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, từ chối cho biết khi nào hệ thống này sẽ hoạt động, nhưng ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại rằng động thái này nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc.
Mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh từng mang đậm sự cảnh giác lẫn nhau trong quá khứ và một số người ở Nga lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với miền đông nước Nga, nơi dân cư thưa thớt và giàu khoáng sản. Nga và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 4.200 km.
Nhưng Nga đã xoay trục về phía đông sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow sau vụ sáp nhập Crimea vốn thuộc về Ukraine hồi năm 2014, và kể từ đó, quan hệ thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng lên nhiều.
(Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/nga-giup-tq-co-nang-luc-phong-thu-ten-lua/5110812.html
Sau bầu cử,
hai quận ở St. Petersburg gỡ ảnh Putin
Sau bầu cử, chính quyền quận Liteiny ở thành phố St. Petersburg đã ra nghị quyết gỡ ảnh tổng thống Putin khỏi công sở và thay bằng hình nhà hoạt động nhân quyền Andrei Sakharov.Nga ‘kẻ thù nào cũng đánh thắng’
Nga: Putin tuyên thệ nhiệm kỳ thứ tư
Ngôi sao Putin ‘ngày càng ít tỏa sáng’?
TV Putin: Dân Nga xem đều dù không tin?
Nghị quyết do các dân biểu hội đồng địa phương cấp quận cho hay cơ quan chính quyền “không cho treo ảnh các chính trị gia còn sống”.
Thay cho hình ông Putin, người gốc St. Petersburg, hội đồng quận Liteiny quyết định cho treo hình nhà vật lý Liên Xô và người được giải Nobel Hòa bình, giáo sư Andrei Sakharov.
Họ nói đây là quyết định nhằm tôi trọng cuộc chiến vì tự do, dân chủ và nhân quyền.
Các dân biểu thuộc đảng Yabloko tại quận Liteiny ra nghị quyết gỡ ảnh Tổng thống Putin để thể hiện một thủ tục đúng luật.
Còn tại quận Frunzensky, cũng thuộc St. Petersburg, các dân biểu thuộc đảng Phát triển, ủng hộ doanh nghiệp, chẳng cần ra nghị quyết gì mà cho bỏ luôn ảnh ông Putin khỏi mọi cơ quan chính quyền.
Tuy thế một dân biểu khác cũng thuộc đảng Phát triển, ông Pavel Shvets viết trên Facebook hồi tháng 9/2019 rằng ông đã đem ảnh ông Putin và thống đốc vùng mang vào phòng riêng để tỏ sự kính trọng.
Các điều tra dư luận tại Nga cho thấy một hiện tượng là người dân không còn hứng thú với hình ảnh tổng thống Putin.
Giữ các chức vụ cao nhất nước Nga từ 1998, ông dự kiến còn tiếp tục cầm quyền sau bầu cử 2024.
Trong thời gian đó, xã hội Nga đã thay đổi, một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên không còn quan tâm đến thành tích “phục hồi vị thế như Liên Xô” và đường lối dân tộc chủ nghĩa đại Nga của Kremlin.
Điều họ quan tâm là mức sống, kinh tế, thu nhập và các quyền mà người Nga phải được hưởng như các nước châu Âu khác.
Vì thế, họ mệt mỏi với việc chính quyền dùng quá nhiều hình ảnh ông Putin như “người hùng” hoặc “lãnh tụ”.
Bài ‘Putin’s Hold on the Russian Public Is Loosening‘ của Sir Andrew Wood, Viện Chatham House (28/02/2019) nó hiện có tâm lý chán nản về bản thân ông Putin và cách ông cầm quyền ở Nga.
Tôn vinh giáo sư Sakharov
Giáo sư Andrei Sakharov (1921-1989) được coi là cha đẻ của bom nguyên tử Liên Xô.
Từ năm 1964, ông đã vận động chống lại thuyết sinh học của Trofim D. Lysenko.
Sau tháng 5/1968 giáo sư Sakharov đi đến quan điểm cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử Đông – Tây là mối đe dọa cho nhân loại và bắt đầu lên tiếng phản đối chính sách quân sự của Moscow.
Bài báo “Suy tư về sự tiến bộ, chung sống hòa bình và tự do trí tuệ” (Reflections on rogress, Peaceful Coexistence, and Intellectual Freedom) của ông ban đầu in lậu bằng tiếng Nga ở Liên Xô, sau được tờ New York Times đăng tải, gây tiếng vang trên toàn cầu.
Chính quyền Liên Xô đã cấm ông không được tham gia các công trình nghiên cứu phục vụ quân sự nhưng Sakharov vẫn tiếp tục hoạt động vì nhân quyền.
Năm 1975, ông được giải Nobel Hòa bình.
Sakharov cũng tự lập ra chi nhánh của Ủy ban Helsinki trong căn hộ ở Moscow để ủng hộ cho Hiến chương nhân quyền Helsinki mà Liên Xô ký nhưng không cho thực hiện.
Hiện nay, Nghị viện Liên minh châu Âu đặt ra giải thưởng nhân quyền Sakharov để tặng cho những nhà hoạt động vì hòa bình, quyền con người và tự do tư tưởng.
Danh sách những người được giải Sakharov có thể xem tại đây.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49932283
Số người chết tăng lên 27 ở Iraq
trong các cuộc biểu tình
Tin từ BAGHDAD/HILLA, Iraq – Vào hôm thứ Năm (3/10), lực lượng an ninh Iraq nổ súng vào hàng ngàn người biểu tình vi phạm lệnh giới nghiêm ở Baghdad, và trao đổi hỏa lực với các tay súng ở các thành phố phía nam, khiến 27 người thiệt mạng trong ba ngày biểu tình chống chính phủ.Các cuộc biểu tình lan sang các thành phố khác tại miền Nam đa phần Hồi giáo Shi’ite của Iraq, nơi cảnh sát cho biết họ đang gia tăng đụng độ với những người biểu tình mang vũ khí. Phía cảnh sát cho biết hai cảnh sát và hai người biểu tình thiệt mạng vào cuối hôm thứ Năm tại thành phố Diwaniya, 160 km về phía nam Baghdad.
Theo nguồn tin của cảnh sát và bệnh viện, một người biểu tình bị đánh chết tại khu vực Hilla gần đó. Các nguồn tin an ninh cho biết ba người khác thiệt mạng ở một quận của Baghdad. Ở những nơi khác ở thủ đô, người biểu tình đốt cháy xe của quân đội.
Các cuộc biểu tình với hơn 600 người bị thương, nổ ra do tình trạng thất nghiệp và dịch vụ kém, sau đó phát triển thành những lời kêu gọi thay đổi chính phủ và đặt ra một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất trong nhiều năm tại đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Các cuộc biểu tình này có vẻ độc lập với các đảng chính trị, và dường như khiến các lực lượng an ninh bất ngờ.
Ít nhất 4,000 người biểu tình tập trung tại Quảng trường Tayaran của Baghdad và cố gắng diễn hành đến Quảng trường Tahrir, nhưng bị tấn công dữ dội bằng hỏa lực và hơi cay. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/so-nguoi-chet-tang-len-27-o-iraq-trong-cac-cuoc-bieu-tinh/
Cư dân các nước láng giềng
ngày càng ghét Trung Quốc
Trọng NghĩaVào lúc Bắc Kinh rầm rộ phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một cuộc khảo sát quan điểm về Trung Quốc của người dân thuộc 32 quốc gia, công bố hôm 30/09/2019 cho thấy tỷ lệ người thiếu thiện cảm với Trung Quốc gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại các láng giềng ở châu Á, từ Nhật Bản cho đến Indonesia.
Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận thế giới mới nhất Global Attitudes Survey, do trung tâm nghiên cứu Mỹ có uy tín Pew Research Center thực hiện từ ngày 13/05 cho đến ngày 29/08 vừa qua, nhìn chung vẫn có bình quân 41% cư dân thuộc 32 nước trên thế giới có quan điểm tích cực về Trung Quốc, so với 37% có cái nhìn tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, có thể thấy là tâm lý ghét Trung Quốc đang càng lúc càng gia tăng tại các nước, khi so sánh với những kết quả thăm dò trong những năm trước đây. Theo cuộc thăm dò vừa công bố, hiện có đến 60% người được hỏi tại Mỹ, và 67% tại Canada coi Trung Quốc là đất nước “không được ưa thích”, một kết quả xấu nhất đối với Trung Quốc từ năm 2007 đến nay.
Tâm lý chung của người dân Tây Âu cũng rất tiêu cực đối với Trung Quốc, với tỷ lệ không có thiện cảm lên đến 70% tại Thụy Điển, hay 53% tại Tây Ban Nha. So với năm ngoái 2018, thiện cảm đối với Trung Quốc đã giảm mạnh ở Thụy Điển với tỷ lệ -17%, cũng như tại Anh Quốc, hay Hà Lan, -11%. Chỉ có tại Hy Lạp và Ý thì số người thích Trung Quốc có đông hơn một chút.
Điều đáng ghi nhận nhất có lẽ là việc Trung Quốc không hề được các láng giềng ưu ái chút nào. Bản khảo sát của Pew Research Center đã tập trung tại năm nước vùng châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, ở Đông Bắc Á, Philippines, Indonesia ở Đông Nam Á, và Úc ở châu Đại Dương.
Tại hầu như toàn bộ 5 quốc gia này, đa số người được hỏi đều xác nhận là họ không thích Trung Quốc, cao nhất là Nhật Bản với 85%, kế đến là Hàn Quốc, 63%, Úc 57%, Philippines 54%.
Riêng Indonesia thì không rõ ràng, với tỷ lệ người yêu và người ghét ngang nhau là 36%, nhưng tỷ lệ người thích Trung Quốc từ năm ngoái đến năm nay đã giảm 17%.
Một điểm đáng chú ý trong bản khảo sát của Pew Research Center, là đà tăng của tỷ lệ người ghét Trung Quốc tương ứng với đà tụt giảm của tỷ lệ người thích. Khi đối chiếu với tất cả các cuộc thăm dò từ trước đến nay, thì tỷ lệ người có thiện cảm với Trung Quốc tại tất cả 5 nước láng giềng của Trung Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục, hay gần như là kỷ lục trong năm nay.
Tại Philippines, từ 63% người thích năm 2002, tỷ lệ này hiện chỉ còn là 42%. Cũng trong hai thời điểm 2002-2019, tỷ lệ người thích Trung Quốc ở Úc giảm từ 52% xuống 36%, tại Indonesia, từ 73% xuống 36%, tại Hàn Quốc từ 66% xuống 34%, và tệ hại nhất là tại Nhật Bản, từ 55% xuống còn vỏn vẹn 14% trong năm nay.
Theo giới quan sát, nếu tại châu Mỹ và châu Âu, những hành vị bị tố cáo là không hay của Trung Quốc bị vạch trần trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra là một trong những lý do khiến người dân mất đi thiện cảm với Trung Quốc, thì tại châu Á, các hành vi bức hiếp láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là nguyên do khiến người dân các nước không còn thích Trung Quốc.
Năm 2014, Việt Nam đứng đầu thế giới về quan điểm ghét Trung Quốc
Việt Nam không nằm trong danh sách các nước châu Á được Pew Research Center khảo sát trong bản Global Attitudes Survey 2019. Nhưng vào năm 2014, trong một bản thăm dò ý kiến tại ở 44 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thì Việt Nam đứng đầu danh sách về thái độ thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc.
Có đến 78% người được hỏi cho biết là không thích Trung Quốc, một tỷ lệ chỉ thua có Nhật Bản với 91% người ghét Trung Quốc, nhưng hơn xa Philippines, chỉ có 58% không có thiện cảm với Trung Quốc.
Về câu hỏi nước nào là mối đe dọa lớn nhất, 74% người Việt Nam đã trả lời rằng đó là Trung Quốc, một tỷ lệ cao hơn người Nhật (68%) hay người Philippines (58%) cũng xem Trung Quốc là kẻ nguy hiểm.
Tâm lý ghét Trung Quốc của người Việt Nam ngày nay có lẽ vẫn không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh từ năm 2014 đến nay, các hành vi bức hiếp Việt Nam của Trung Quốc chỉ có tăng chứ không hề giảm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191004-cu-dan-lang-gieng-trung-quoc-ngay-cang-ghet-bac-kinh?xtor=EPR-300-[Quotidienne]-20191004-[contenu]-1177140254985
Mẫu tên lửa giúp Triều Tiên
tấn công từ lòng biển
Tên lửa Pukguksong-3 phóng sáng 2/10 có tầm bắn khoảng 2.000 km, giúp Triều Tiên có thể tung đòn tấn công bí mật từ lòng biển.“Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) loại mới Pukguksong-3 ở vùng biển ngoài khơi vịnh Wonsan sáng 2/10. Tên lửa đạn đạo được phóng theo chiều thẳng đứng”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin.
Đây là vụ thử SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong ba năm qua, cũng là lần đầu nước này phóng thử biến thể Pukguksong-3 kể từ khi nó được hé lộ trong ảnh chụp lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 8/2017.
Bình Nhưỡng không cho biết nền tảng phóng tên lửa trong đợt thử nghiệm sáng 2/10, nhưng quân đội Hàn Quốc nhận định quả đạn được khai hỏa từ một bệ phóng thử nghiệm dưới nước thay vì tàu ngầm.
Hình ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy quả đạn ứng dụng cơ cấu phóng lạnh, rời ống phóng thẳng đứng và vọt lên mặt biển nhờ tầng đẩy sơ tốc trước khi động cơ chính kích hoạt. Việc phóng tên lửa từ dưới lòng biển giúp Triều Tiên giữ bí mật tối đa đòn tấn công, khi các vệ tinh, hệ thống trinh sát của đối phương rất khó phát hiện tên lửa trước khi nó rời khỏi mặt nước.
Pukguksong (Bắc Đẩu Tinh) là dòng tên lửa đạn đạo hai tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn được Triều Tiên thử nghiệm từ cuối năm 2014. Phiên bản Pukguksong-1 dành cho tàu ngầm phóng thử thành công ngày 24/8/2016, đạt tầm bắn 500 km và bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Giới chuyên gia ước tính Pukguksong-1 có tầm bắn khoảng 1.200 km, trong khi quân đội Hàn Quốc nhận định phiên bản hoàn chỉnh trang bị trên tàu ngầm có thể vươn mục tiêu ở khoảng cách 2.000-2.500 km.
Triều Tiên sau đó phát triển phiên bản Pukguksong-2 phóng từ mặt đất, với tầm bắn được tăng lên 2.000 km. Cả hai phiên bản Pukguksong đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được đưa vào biên chế năm 2017.
Trong vụ thử Pukguksong-3 lần này, quả đạn được bắn theo góc cao, bay được 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km trước khi rơi xuống biển, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc. Nếu được bắn với quỹ đạo thông thường, nó có thể đạt tầm bắn xa hơn.
Triều Tiên không công bố thông tin chi tiết về mẫu SLBM mới, nhưng các chuyên gia quân sự Hàn Quốc ước tính Pukguksong-3 có tầm bắn ít nhất là 2.000 km và Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng cấp để nâng tầm bắn cho nó.
“Pukguksong-3 có vẻ lớn hơn, dài hơn so với các phiên bản trước, cũng không có các cánh lưới ở đuôi. Các cánh này thường xuất hiện trên bom và tên lửa thông thường để tăng độ chính xác, việc loại bỏ chúng trên Pukguksong-3 cho thấy tên lửa đã đạt độ ổn định đáng kể trong khi bay”, chuyên gia Shin Jong-woo từ Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nhận định.
Shin cho rằng thiết kế này tương tự với SLBM JL-2 có trong biên chế quân đội Trung Quốc. “Hình dáng bên ngoài rất giống tên lửa Trung Quốc cho thấy Triều Tiên đã có khả năng chế tạo SLBM mang được nhiều đầu đạn”, ông nói. Tên lửa JL-2 Trung Quốc có thể mang được 3-8 đầu đạn.
Các chuyên gia Hàn Quốc cũng dự đoán Triều Tiên sẽ nỗ lực cải tiến để Pukguksong-3 đạt tầm bắn tối thiểu 3.000 km. Với tầm bắn này, tên lửa được khai hỏa từ tàu ngầm ở Thái Bình Dương có thể vươn tới mục tiêu Mỹ ở Hawaii hoặc Alaska. Khoảng cách từ thị trấn Wonsan của Triều Tiên đến Hawaii là khoảng 7.000 km, còn Alaska nằm ở cách 5.000 km
“Tên lửa dùng nhiên liệu rắn có thời gian chuẩn bị ngắn, khiến đối phương rất khó phát hiện và đối phó với những vụ phóng trên mặt đất. Nó cũng phù hợp với tàu ngầm vì mức độ an toàn cao, hạn chế những mối đe dọa thường đi kèm với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Seoul cho biết Pukguksong-3 có thể là phiên bản tăng tầm, kết hợp công nghệ từ hai phiên bản trước đó. Thiết kế hai tầng đẩy giúp tăng tầm bắn hoặc tải trọng, cho phép tên lửa mang đầu đạn cỡ lớn hoặc nhiều đầu đạn nhỏ để xuyên phá lưới phòng không đối phương.
“Phát triển SLBM là hướng đi hợp lý, nhất là khi Triều Tiên hé lộ mẫu tàu ngầm tấn công thế hệ mới hồi tháng 7 và đang sở hữu nhiều tàu ngầm có thể phóng SLBM. Chúng có tính năng khá giới hạn và dễ bị phát hiện, nhưng vẫn sẽ là thử thách không nhỏ với các đối thủ của Triều Tiên, đặc biệt là Mỹ”, Rogoway nói thêm.
http://biendong.net/bi-n-nong/30692-mau-ten-lua-giup-trieu-tien-tan-cong-tu-long-bien.html
Hồng Kông: Chính quyền ban bố
các biện pháp khẩn cấp chống biểu tình
Mai VânTrong cuộc họp báo hôm nay, 04/10/2019, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo chính quyền vừa thông qua những biện pháp khẩn cấp, hầu đối phó với các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng nay, với những đụng độ ngày càng dữ dội hơn với cảnh sát.
Một trong các biện pháp gây chú ý là việc cấm đeo mặt nạ, có hiệu lực kể từ 12 giờ khuya hôm nay, trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình sẽ diễn ra những ngày cuối tuần này.
Theo thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Vincent Souriau, đây là biện pháp mà phe thân Bắc Kinh đã luôn luôn yêu cầu :
« Các đảng thân Bắc Kinh đã yêu cầu biện pháp này từ mấy tuần qua : Cấm các loại mặt nạ đã trở thành một trong những biểu tượng của phong trào phản kháng. Không chỉ dành riêng cho những phần tử triệt để nhất, mà hầu như tất cả mọi người đều đeo mặt nạ trong các cuộc tuần hành, có lẽ đến 95% người xuống đường. Thường khi là những loại khẩu trang như người ta thấy ở bệnh viện.
Dĩ nhiên là loại mặt nạ này không hiệu quả trước khói cay, nhưng đó là cách biểu lộ của người phản kháng, trong đó có cả những gia đình, người cao niên, người dân bình thường. Tóm lại, đó là một loại đồng phục cho phép đấu tranh nhưng giữ kín được danh tánh.
Mục đích của chính quyền dĩ nhiên là nhằm nhận diện những người biểu tình. Và họ dựa trên một đạo luật từ thời thuộc địa, luật từ năm 1922, theo đó trong trường hợp phá rối trật tự công cộng, chính quyền được quyền đưa ra những biện pháp khẩn cấp, có thể đi đến giới nghiêm.
Tuy chưa đi xa đến như thế, nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga muốn hành động nhanh chóng, ban hành việc cấm này qua sắc lệnh, tránh né được, ít ra trong thời gian đầu, việc đưa vấn đề ra trước Nghị Viện. »
Người Hồng Kông tiếp tục biểu tình
Theo tin AFP, sáng nay, người biểu tình đeo mặt nạ vẫn hiện diện trên đường phố, lập rào cản ở khu trung tâm thương mại Hồng Kông, nơi có cơ sở nhiều công ty nước ngoài. Phía sau rào cản chính là hàng ngàn người biểu tình khác đeo mặt nạ. Ở khu Sa Điền (Sha Tin), hàng trăm người biểu tình ngồi tại một trung tâm thương mại.
Riêng về thanh niên bị cảnh sát bắn hôm 01/10:2019, anh Tsang Chi-Kin (Tăng Chí Kiện) đã bị truy tố với hai tội danh : bạo loạn và tấn công vào một đại diện công lực. Tsang Chi-Kin có thể bị đến 10 năm tù. Theo cảnh sát, sức khỏe của người thanh niên này, nguy kịch vào hôm thứ Ba, đã khá lên, nhưng anh đã không hiện diện được trước tòa vào hôm qua, lúc bị truy tố.
Trước tình hình rối loạn ở Hồng Kông, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, vào hôm nay, trong một cuộc họp báo, đã đánh giá là lãnh đạo Lâm Trịnh Nguyệt Nga nên từ chức. Ông Mahathir nhận định rất gay gắt : “Lãnh đạo Hồng Kông đứng trước tình thế khó xử. Bà phải tuân lệnh những người chủ của bà, đồng thời đối mặt với lương tâm. Lương tâm của bà nói là người Hồng Kông có lý khi bác bỏ dự luật dẫn độ. Tôi nghĩ biện pháp tốt nhất đối với bà là từ chức”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191004-hong-kong-chinh-quyen-ban-bo-cac-bien-phap-khan-cap?xtor=EPR-300-[Quotidienne]-20191004-[contenu]-1177140254985
Chính phủ Hồng Kông thảo luận
luật cấm đeo mặt nạ khi biểu tình
Tin từ HONG KONG – Vào hôm thứ Sáu (4/10), chính phủ Hồng Kông dự kiến sẽ thảo luận về những đạo luật khẩn cấp, bao gồm luật cấm đeo mặt nạ tại các cuộc biểu tình, một hành động chưa từng có nhằm làm giảm bớt tình trạng bạo lực ở thành phố thuộc quyền cai quản của Trung Cộng.Theo Reuters, các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào hôm thứ Sáu chống lại mọi luật cấm mặt nạ, với nhiều cuộc biểu tình cũng được dự đoán sẽ diễn ra vào cuối tuần, khi các nhà hoạt động tố cáo việc cảnh sát nổ súng vào một học sinh trung học thiếu niên vào hôm thứ ba (1/10). Phía cảnh sát cho biết sĩ quan liên quan trong vụ nổ súng tự vệ, vì tính mạng của anh đang bị đe dọa. Thiếu niên, người biểu tình đầu tiên bị bắn đạn thật trong nhiều tháng bất ổn, đang ở trong bệnh viện trong tình trạng ổn định.
Việc áp dụng luật khẩn cấp sẽ cho phép đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam được Bắc Kinh hậu thuẫn đưa ra bất kỳ quy định nào mà bà cho là có lợi, bao gồm kiểm duyệt truyền thông và kiểm soát giao thông.
Hành động của chính phủ được đưa ra sau khi sự phẫn nộ tiếp tục gia tăng trên khắp thuộc địa cũ của Anh Quốc trong những tháng gần đây. Phóng hỏa, chặn đường, phá hoại các cửa hàng và ga tàu điện ngầm diễn ra ngày càng nhiều. Sự phản đối ngày càng gia tăng đối với chính phủ Hồng Kông, khiến trung tâm tài chính này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ, và đặt ra thách thức lớn nhất đối với Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-hong-kong-thao-luan-luat-cam-deo-mat-na-khi-bieu-tinh/
Tập Cận Bình nên ‘chấp nhận đa dạng
thay vì đồng hóa’
Sau 70 năm kể từ ngày Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giới lãnh đạo Trung Quốc đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình đã có sự thay đổi đáng kể so với chính sách ban đầu là tôn trọng sự đa dạng của các sắc tộc ở Trung Quốc mà thay vào đó đang theo đuổi chính sách đồng hóa, một nhà nghiên cứu ở Mỹ nhận định.Trong bài viết có tựa đề ‘Những gì mà Tập Cận Bình chưa học được từ các hoàng đế Trung Hoa’ đăng trên tờ New York Times, ông James A. Millward, giáo sư lịch sử Đại học Georgetown, cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng muốn đồng nhất Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng thay vì ‘tôn trọng sự đa dạng’.
‘Bất ổn từ ngoại vi’
“Nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ra đời vào ngày 1/10, Đảng và Nhà nước có nhiều lý do để ăn mừng: kỷ lục chưa từng có về phát triển kinh tế, nền giáo dục và sáng tạo công nghệ đẳng cấp thế giới, vai trò ngày càng nổi bật trên vũ đài thế giới. Nhưng ngay cả khi nhà cầm quyền đã làm rất nhiều cho buổi duyệt binh ngày quốc khánh, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đối mặt sự chỉ trích quốc tế dữ dội nhất kể từ năm 1989, khi họ thảm sát hàng trăm người biểu tình tay không tấc sắt ở Quảng trường Thiên An Môn. Ba mươi năm sau, sự quan ngại quốc tế tập trung vào các vùng ngoại vi của Trung Quốc: Tân Cương và Hong Kong,” ông viết.
Theo ông thì cả hai vấn đề này đều là cái gai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như Tây Tạng, nơi tranh chấp về việc ai sẽ kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma nay đã già yếu có thể khơi dậy bất mãn lớn và Đài Loan, nơi sự ủng hộ của người dân đang gia tăng đối với một Tổng thống dám thách thức quan điểm của Bắc Kinh rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc.
“Bất chấp tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những thách thức này không phải là do ‘các thế lực thù địch’, ‘những phần tử ly khai’ hay ‘bọn côn đồ’ làm. Thay vào đó, nó xuất phát từ thực tế là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền cách nay 70 năm, đất nước mà họ cai trị không phải một Trung Hoa đồng nhất, mà là một đế chế rộng lớn với nhiều dân tộc,” ông lập luận.
“Trong những thập kỷ đầu tiên, Trung Quốc ngầm thừa nhận điều này và tự hào tuyên bố về quá khứ này và tự hào tuyên bố bản sắc của mình là nhà nước đa sắc tộc. Nhưng giờ đây, dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tích cực hành động để xóa bỏ sự đa dạng về văn hóa và chính trị vốn là di sản của các đời đế quốc trước đó,” ông viết.
Di sản từ triều Thanh
Theo giải thích của Giáo sư Millward, mặc dù bộ máy tuyên truyền của Đảng khẳng định rằng tất cả các địa phương và dân tộc nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay là Trung Hoa từ xa xưa, nhưng chính triều Thanh mới tạo dựng đượclãnh thổ Trung Quốc ngày nay mà chúng ta thấy. “Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng đều là những vùng đất mà nhà Thanh chiếm được và Mông Cổ cũng vậy. Chế độ đặc thù của Hong Kong ngày nay cũng là một di sản từ triều Thanh,” ông viết.
Ông cho biết người Trung Quốc bắt đầu định cư ở Đài Loan vào đầu những năm 1600, và vào năm 1683, nhà Thanh đã đặt dân Hán và người bản địa trên đảo Đài Loan dưới hai chế độ cai trị riêng biệt. Nhà Thanh chiếm được Tân Cương vào năm 1759, đỉnh điểm của cuộc đấu tranh lâu dài với bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ để thống trị vùng Trung Á. Triều đình nhà Thanh cai trị Tân Cương theo binh chế lỏng lẻo, cho phép chức sắc bản địa quản lý các sự vụ tại chỗ. Sau đó dân Hán mới chuyển đến sinh sống ở miền bắc Tân Cương. Tây Tạng cũng vậy, cũng bị đặt dưới sự thống trị của nhà Thanh trong các cuộc chiến với Chuẩn Cát Nhĩ nhờ vào chinh phạt và chiêu an phối hợp. Các vị Lạt ma Tây Tạng và các hoàng đế nhà Thanh đã đồng ý về nguyên tắc là mỗi bên nắm thần quyền và thế quyền tách bạch lẫn nhau.
Còn về Hong Kong, ông cho rằng ‘đó là chuyện khác, nhưng nó xảy ra dưới triều Thanh’. Vùng lãnh thổ này đã được nhà Thanh nhượng lại cho Anh theo Hiệp ước Nam Kinh vào năm 1842 nhằm chấm dứt Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất – cũng hiệp ước này mở cửa các hải cảng khác trên bờ biển Trung Quốc cho người Tây dương đến mua bán. Hiệp ước đầy tai tiếng này, vốn được nhìn nhận rộng rãi là ‘hiệp ước bất bình đẳng’, không nghi ngờ gì là hành vi xâm lược của Đế quốc Anh. Do đó, Giáo sư Millward cho rằng ý tưởng cho phép người ngoại quốc quản lý các khu vực thương mại biên giới là một nguyên tắc trong phương cách trị quốc của triều đình nhà Thanh. Thật vậy, người Nga đã giao thương tại một lãnh địa như vậy ở Kiakhta, tức Cáp Khắc Đồ, thuộc Mông Cổ của triều Thanh kể từ năm 1727.
Trước Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, nhà Thanh phải đối mặt với thách thức ngoài biên giới phía tây của Tân Cương giống như cách sau này họ đối phó với người Anh. Các thương buôn từ Hãn quốc Kokand (thuộc Uzbekistan) liên tục tấn công Kashgar, tức Khách Thập, thuộc Tân Cương, để gây sức ép buộc nhà Thanh trao cho các đặc quyền giao thương. Sau nhiều năm bất ổn, nhà Thanh và Kokand đã đạt được thỏa thuận mở một khu tô giới để cho phép chính quyền Kokand được áp dụng luật của họ và được đánh thuế để đổi lấy quyền quản lý thị trường Khách Thập và trao quyền tối huệ quốc cho thương nhân đến từ các vùng đất khác. Chính các quan lại nhà Thanh đã đàm phán Hiệp ước Kokand vào năm 1835 cũng đã đàm phán với người Anh sau đó và các điều khoản chính yếu của Hiệp ước Nam Kinh đã thể hiện lại những gì có trong Hiệp ước Kokand. Tô giới có thể là sự áp đặt của ngoại bang, nhưng bản thân nó cũng là công cụ của Thanh triều.
‘Ngầm thừa nhận quá khứ’
“Khi lên nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngầm thừa nhận quá khứ đế quốc này. Cũng như Liên Xô – một nhà nước xã hội chủ nghĩa khác mặc dù lên án chủ nghĩa đế quốc phương Tây nhưng bản thân lại lên nắm quyền lực ở một nước từng là đế quốc – Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không muốn bị xem là nước đế quốc xấu xa,” ông viết. “Vì vậy, họ nhìn nhận sự đa dạng sắc tộc của các dân tộc sống trong lãnh thổ mà họ kiểm soát bằng cách công nhận 55 dân tộc bên cạnh dân tộc chính là người Hán. Và họ cũng thành các khu tự trị ở khu vực người Hán không chiếm đa số người Hán – những nơi mà nhà Thanh đã từng cai trị thông qua các chức sắc bản địa không phải người Hán, trong đó có Tân Cương và Tây Tạng.”
Theo ông phân tích thì các đặc khu kinh tế mà Đặng Tiểu Bình thành lập vào cuối những năm 1970 tại Thâm Quyến và các thành phố khác của Trung Quốc đã làm sống lại một tiền lệ có từ thời nhà Thanh. “Các đặc khu này rất giống các tô giới truyền thống ở Cáp Khắc Đồ, Khách Thập và Hong Kong. Và cũng như các tô giới của triều Thanh, họ thúc đẩy thông thương bằng cách cho các doanh nghiệp nước ngoài các đặc quyền pháp lý và thuế,” ông lập luận.
Tương tự, lời hứa ‘Một nước, hai chế độ’ – nguyên tắc đảm bảo cho Hong Kong quyền tự chủ cao vốn được Bắc Kinh hy vọng sẽ là hình mẫu cho sự thống nhất Đài Loan trong tương lai – cũng là sự thể hiện khác trong chính sách của nhà Thanh.
‘Đề cao tính Trung Hoa’
Ngay từ đầu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thừa nhận và vận dụng truyền thống từ thời nhà Thanh với những cách tiếp cận linh hoạt đối với tính đa dạng và chủ quyền. Nhưng nhiều năm sau đó, đặc biệt là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ chính sách tương đối khoan dung này trong khi tăng cường đồng hóa dân tộc và sự cứng nhắc chính trị, Giáo sư Millward cho biết.
Ngày nay, thay vì tôn vinh nét độc đáo của các nền văn hóa riêng biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng đề cao ‘tính Trung Hoa’ đơn nhất, một kiểu bản sắc cho toàn thể Trung Quốc. Mặc dù được cho là bao gồm tất cả sắc tộc, nhưng phong tục và đặc điểm của ‘Trung Hoa’ trên thực tế là hoàn toàn giống với văn hóa người Hán. Chính phủ Trung Quốc giờ đây tuyên bố tiếng Quan thoại, trước đây được gọi là ‘Hán ngữ’, là Quốc ngữ, và quyết liệt thúc đẩy dùng tiếng Quan thoại trong các trường học và công sở, mặc dù Hiến pháp đảm bảo quyền tự do ngôn ngữ và việc sử dụng chính thức ngôn ngữ địa phương. Trung Quốc từng tích cực hỗ trợ xuất bản và giáo dục song ngữ của các ngôn ngữ thiểu số. Giờ đây, các cửa hàng sách tiếng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị bỏ trống và bị đóng cửa. Ở cả Tân Cương và Tây Tạng, giáo dục song ngữ đã được thay thế bằng các trường dạy bằng tiếng Quan thoại, và những ai đề xuất học tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Tạng đã bị ngược đãi.
Nhà chức trách Trung Quốc đã loại bỏ chữ Ả Rập ở những nơi công cộng trên khắp Trung Quốc – bao gồm cả chữ ‘halal’ trên biển hiệu các cửa hàng và nhà hàng. Các chương trình truyền hình không phải tiếng Phổ thông đang biến mất khỏi các chương trình truyền hình. Tiếng Quảng Đông đang chịu áp lực ở Hong Kong và thành phố Quảng Châu lân cận.
Tương tự, nhân danh Hán hóa tôn giáo, nhà nước của ông Tập đang san bằng các thánh đường và nhà thờ và đã phá hủy một vùng rộng lớn các trung tâm tu viện Phật giáo Tây Tạng ở Larung Gar và Yachen Gar, trục xuất các tăng ni và nhốt họ vào trong những nơi được gọi là trại cải tạo giống như những trung tâm hiện đang giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Sẽ không thành công?
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã tìm cách áp đặt nền ‘giáo dục yêu nước’ tại các trường học ở Hong Kong để bắt buộc giảng dạy lịch sử theo phiên bản của Đảng. Khi cử tri Đài Loan bầu một lãnh đạo mà Bắc Kinh không ưa hồi năm 2016, ông Tập đã đe dọa dùng vũ lực và ngăn khách du lịch từ Đại lục đến thăm hòn đảo này.
“Chính sách của Chính phủ Trung Quốc đã làm suy yếu di sản quản lý linh hoạt và sự khoan dung sắc tộc tương đối, cũng như khiến nước này hứng chịu chỉ trích của quốc tế, làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khi làm suy yếu tính hợp pháp của đảng,” ông nhận định.
“Hơn nữa, các trại tập trung sẽ không biến người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan thành những người ‘Trung Hoa’ trung thành ăn thịt lợn và bỏ qua tháng lễ Ramadan. Bạo lực của cảnh sát sẽ không khiến người Hong Kong từ bỏ những lời kêu gọi quyền tự trị vốn từng được hứa hẹn. Đàn áp tôn giáo và phỉ báng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không khiến người Tây Tạng yêu mến Đảng. Đe dọa quân sự sẽ không làm cho người Đài Loan cảm thấy gần gũi hơn với đại lục.”
“Giấc mơ hão huyền của ông Tập về sự đồng nhất chính trị và văn hóa của Xi không chỉ đi ngược lại các cách tiếp cận truyền thống của Trung Quốc đối với sự đa dạng. Chủ nghĩa đồng hóa của ông ấy cũng gây ra sự bất ổn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã hy vọng tránh được,” ông viết.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-n%C3%AAn-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-%C4%91a-d%E1%BA%A1ng-thay-v%C3%AC-%C4%91%E1%BB%93ng-h%C3%B3a-/5109669.html
Bắc Kinh có thể từ chối yêu cầu
của tổng thống Trump
về việc điều tra gia đình Biden
Tin từ WASHINGTON, DC – Theo tin từ Reuters, nếu Trung Cộng hành động theo yêu cầu bất ngờ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để điều tra đối thủ đảng Dân Chủ Joe Biden và con trai, thì họ sẽ phá vỡ nguyên tắc không can thiệp vào chính trường nội bộ của quốc gia khác.Các chuyên gia Trung Cộng cho biết Bắc Kinh cũng sẽ chẳng có lợi gì khi giúp tổng thống Trump làm suy yếu một đối thủ chính trị, ngay cả trong cuộc chiến thương mại mà Trung Cộng đang muốn chấm dứt.
Tổng thống đảng Cộng hòa- đối tượng của một cuộc điều tra luận tội tại Quốc hội- đã kêu gọi Trung Cộng “bắt đầu một cuộc điều tra” ông Joe Biden, cùng con trai Hunter Biden.
Bắc Kinh có một chính sách công khai lâu dài là không can thiệp vào chính trường của nước ngoài. Ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao của chính phủ Trung Cộng, tuyên bố điều này nhiều lần tại các sự kiện quanh Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước.
Vào năm 2013, ông Hunter từng đến Trung Cộng cùng với cha, khi ông Joe Biden là phó tổng thống. Tạp chí New Yorker cho biết chuyến đi này diễn ra vài tháng sau khi ông Hunter trở thành thành viên hội đồng quản trị của một quỹ đầu tư mới với một người quản lý cổ phần tư nhân Trung Cộng. Hunter Biden nhiều lần phủ nhận mọi hành động sai trái. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-co-the-tu-choi-yeu-cau-cua-tong-thong-trump-ve-viec-dieu-tra-gia-dinh-biden/
TQ sẽ sớm thỏa thuận vì đang chịu thiệt hại?
Tổng thống Donald Trump ngày 25.9 cho hay phía Trung Quốc đang mua nông sản Mỹ với số lượng lớn và cho rằng có thể sớm đạt thỏa thuận thương mại song phương.“Họ rất muốn đạt một thỏa thuận… Điều đó có thể diễn ra sớm hơn các bạn nghĩ”, Tổng thống Trump cho giới phóng viên ở New York hay, theo Reuters.
“Mọi người biết tại sao họ muốn đạt thỏa thuận không? Vì họ đang mất nhiều việc làm, vì chuỗi cung ứng của họ đang chết dần và các công ty đang di chuyển khỏi Trung Quốc, đến nhiều nơi, trong đó có Mỹ”, Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30660-tq-se-som-thoa-thuan-vi-dang-chiu-thiet-hai.html
TQ chuyển hướng chiến lược sản xuất
Trung Quốc đặt thêm mục tiêu nâng cấp ngành sản xuất thành chuỗi công nghiệp.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/9 đã tới thăm cơ sở khai thác than ở Trịnh Châu và đã đề cập tới mục tiêu cho ngành sản xuất ở nước này trong tương lai.
Ông Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc phải là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới và phải nỗ lực hơn nữa nhằm chuyển đổi và nâng cấp nền công nghiệp, đổi mới kỹ thuật để đưa ngành sản xuất thành chuỗi công nghiệp.
Mục tiêu này sẽ là mục tiêu xa hơn đại kế hoạch “Made in China 2025″ được ông Tập khởi xướng. Ở đó, Trung Quốc sẽ không chỉ là công xưởng sản xuất mà còn là nơi sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao.
Chiến lược mới nâng cấp hơn so với mục tiêu của đại kế hoạch “Made in China 2025″ và cho thấy tầm nhìn dài hạn của ông Tập trong bối cảnh đất nước chịu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Hướng tới sản xuất kỹ thuật cao, vì nền công nghiệp chuyên biệt và cao cấp hơn sẽ tạo ra giá trị cao hơn cho Trung Quốc nếu họ lại lâm vào một cuộc chiến thương mại với quốc gia nào đó.
Bắc Kinh nhận thấy, song song với đánh thuế cho hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, Tổng thống Trump còn tìm cách để kéo các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc, trở về sản xuất tại quê hương. Ông Trump đang muốn “khôi phục xưởng sản xuất Mỹ” bằng cách kéo càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Mỹ càng tốt để nâng cấp ngành sản xuất của nước này, không bị phụ thuộc vào thiết bị, linh kiện, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc.
Nếu chỉ sở hữu ngành công nghiệp với kỹ thuật đơn giản, giá rẻ, Bắc Kinh sẽ luôn thua cuộc. Nếu phải lựa chọn giữa tự sản xuất và mua sản phẩm Trung Quốc giá rẻ, nhà máy sẽ chọn tự sản xuất khi hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao. Điều này hiện đang có nguy cơ xảy ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Mới đây nhất, tâp đoàn công nghệ máy tính của Mỹ là Apple đã ngừng kế hoạch sản xuất máy tính thế hệ mới nhất Mac Pro tại Trung Quốc do chịu sức ép từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng đã hỗ trợ Apple miễn thuế 10 sản phẩm điện tử được Apple đặt sản xuất Trung Quốc để tập đoàn này phát triển nhà máy sản xuất tại bang Texas. 5 sản phẩm khác không được miễn thuế dù Apple khẳng định chúng không nguy hại đến an ninh quốc gia và là những sản phẩm độc quyền của hãng.
Quyết định này cho thấy những rủi ro đến với công ty Trung Quốc khi trở thành nơi sản xuất những linh kiện không phải là “trái tim” của sản phẩm. Khi có diễn biến chính trị nào, nhà sản xuất Trung Quốc là người bị động và chịu thiệt.
Do đó, chỉ khi Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp hiện đại, nắm trong tay những bí mật công nghệ, những kỹ thuật công nghiệp cực kỳ tinh vi, độc quyền, họ sẽ chiến thắng trong cuộc đối đầu với bất cứ quốc gia nào.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30688-tq-chuyen-huong-chien-luoc-san-xuat.html
Thủ tướng Malaysia nói
lãnh đạo Hồng Kông nên từ chức
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm thứ Sáu 4/10 nói rằng nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam nên từ chức sau nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của bà, truyền thông Malaysia đưa tin.Phát biểu tại một hội nghị ở Kuala Lumpur, ông Mahathir nhắc đến Bắc Kinh và nói Lam “phải tuân lời các ông chủ và đồng thời bà phải tự vấn lương tâm”, theo cổng thông tin trực tuyến MalaysiaKini.
“Tôi nghĩ điều tốt nhất là từ chức”, ông Mahathir nói.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã bắt đầu vì người dân phản đối một dự luật dẫn độ mà đã bị rút lại, sau đó các cuộc biểu tình đã tăng cường độ rõ rệt kể từ tháng 6. Hoạt động biểu tình cũng đã phát triển thành những lời kêu gọi rộng lớn hơn về dân chủ và đưa ra các yêu sách khác.
Ông Mahathir, 94 tuổi, là một trong những nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhất châu Á. Ông là thủ tướng trong 22 năm kể từ năm 1981, và mới năm ngoái, ông đã thôi nghỉ hưu để lãnh đạo chính phủ sau khi giành chiến thắng ở thế là ứng cử viên đối lập.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-malaysia-noi-lanh-dao-hong-kong-nen-tu-chuc/5110569.html
Hơn 11,500 người trốn chạy khỏi
tình trạng bạo lực tại tỉnh Papua của Indonesia
Tin từ JAKARTA, Indonesia – Vào hôm thứ Năm (3/10), chính quyền Indonesia cho biết hơn 11,500 người được di tản khỏi thị trấn Wamena ở tỉnh cực đông Papua, kể từ khi hàng chục người thiệt mạng trong các vụ đụng độ hồi tháng trước ở khu vực này.Tọa lạc ở nửa phía tây của đảo New Guinea và từ lâu đã chấn động bởi một cuộc nổi dậy ly khai sôi nổi, Papua bao gồm hai tỉnh cực đông của Indonesia và có dân số người Melanesian. Các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn gia tăng đột biến kể từ cuối tháng 8 sau khi các sinh viên Papua ở Surabaya, thành phố thứ hai của Indonesia trên đảo Java, bị chế giễu và tấn công bởi một đám đông hô to các cụm từ kỳ thị chủng tộc vì những cáo buộc về việc xúc phạm quốc kỳ.
Trong một số vụ đổ máu trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ ở Papua, 33 người thiệt mạng và hàng loạt người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Wamena vào ngày 23 tháng 9. Các văn phòng và nhà ở của chính phủ bị thiêu rụi, 250 xe hơi và xe máy bị phá hủy, khi người Papua bản địa và các lực lượng an ninh đụng độ. Chính phủ và một số nhà hoạt động độc lập người Papua cho biết 25 trong số 33 người chết là di dân từ nơi khác trong nước.
Ông Harry Hikmat, một viên chức của Bộ xã hội Indonesia, cho biết từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10, lực lượng không quân Indonesia đưa 7,467 người ra khỏi Wamena trên các máy bay Hercules, trong khi 4,179 người rời đi trên các chuyến bay thương mại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hon-11500-nguoi-tron-chay-khoi-tinh-trang-bao-luc-tai-tinh-papua-cua-indonesia/
Thánh Gandhi: “
Ấn Độ không phải của riêng người theo Ấn Độ Giáo”
Tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng Gandhi đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng độc tôn tôn giáo, bài ngoại, đang nở rộ tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đất nước Ấn Độ, quê hương ông (1). Nhân dịp 150 năm ngày sinh của Gandhi, nhà sử học Ấn Độ Ramchandra Guha công bố cuốn sách “Gandhi : Years That Changed The World” (Penguin, 2018) (tạm dịch là “Gandhi: Những năm tháng thay đổi thế giới”).Đây là tập thứ hai của một dự án lớn thuật lại cuộc đời của nhân vật lịch sử phi thường, mà sự nghiệp của ông là nơi giao thoa của các hoạt động chính trị, cải cách xã hội và tâm linh. Với độ dày hơn 1.000 trang, cuốn sách mới – tập trung với thời kỳ ở Ấn Độ của Gandhi – cho thấy những chiến lược khôn khéo kết hợp với sức mạnh của tinh thần bất bạo động đã cho phép giải phóng Ấn Độ khỏi ách thực dân.
Sau đây là phần phỏng vấn tác giả do nhà báo Tirthankar Chanda, đài RFI, thực hiện (2). Tác giả trở lại với một khoảng trống quan trọng trong cuộc đời nhân vật, bước ngoặt nhận thức của Mahatma Gandhi, những lý do khiến ông có được ảnh hưởng lớn lao…
***
Năm 1914, Gandhi 45 tuổi. Văn phòng luật sư của ông tại Nam Phi đang hoạt động rất thuận lợi. Vậy mà Gandhi lại quyết định bỏ lại tất cả và trở về Ấn Độ. Tại sao vậy ?Tư liệu về tất cả các phương diện trong cuộc đời Gandhi đã được thu thập đầy đủ, nhưng đúng là những lý do khiến ông rời khỏi Nam Phi còn là một mảng trống. Chưa từng có ai tiếp cận được với một tư liệu cụ thể nào giải thích về một quyết định như vậy. Trong những điều kiện này, với tư cách là một nhà biên soạn tiểu sử, tôi chỉ có thể nêu ra một số giả thiết, dĩ nhiên là những giả thiết có nhiều khả năng là sự thực. Theo ý tôi, Gandhi đã rời bỏ Johannesburg, bởi ông cảm nhận là tại đây ông đã đạt đến những giới hạn trong khả năng hành động. Ông đã trở thành một lãnh đạo không ai thay thế nổi trong cộng đồng. Thế nhưng, tại Nam Phi, chỉ có một cộng đồng nhỏ bé người gốc Ấn, với khoảng 160.000 dân. Trong những điều kiện này, ở lại Nam Phi, nhà hoạt động Gandhi sẽ khó mà có được một sự nghiệp chính trị tầm cỡ. Tuy nhiên, những trải nghiệm của một đời tranh đấu đã khiến ông thay đổi rất nhiều trong tư tưởng, cả về chính trị cũng như về khía cạnh con người riêng tư.
Như vậy, Gandhi quyết định : Đã đến lúc đưa cuộc tranh đấu lên một tầm cỡ lớn hơn. Gandhi không thiếu những khao khát về chính trị. Giống như các lãnh đạo chính trị đương đại như tổng thống Mỹ Trump, thủ tướng Ấn Độ Modi hay tổng thống Pháp Macron, Gandhi là người nhiều khát vọng. Ông muốn mình trở thành nhà chính trị Ấn Độ có ảnh hưởng nhất thời đại. Bởi vì chắc chắn ông không bao giờ có thể thực hiện được giấc mơ này tại Nam Phi, ông đã trở về Ấn Độ.
Khi ông nói là tư tưởng của Gandhi đã thay đổi, cụ thể là ông muốn nói về chuyện gì ?
Trong khi sống tại các cộng đồng người Ấn ở hải ngoại, Gandhi hiểu rõ tính đa dạng phi thường về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ. Khách hàng đầu tiên của ông là một người theo đạo Hồi ở bang Gujarat, người trợ tá của ông là một người thuộc cộng đồng Parsi, theo Hỏa Giáo (…), và cũng có nhiều người Tamul trong số các Ấn kiều. Họ đến đây với tư cách là người lao động theo hợp đồng, trước khi quyết định ở lại lâu dài tại quốc gia tiếp nhận. Chính sự tiếp xúc với các cộng đồng người Ấn ở hải ngoại này đã dọn đường cho tư tưởng đa nguyên của Gandhi, được khẳng định khi ông về lại Ấn
Độ. Gandhi hiểu rằng, một ngày nào đó, nếu như ông dấn thân vào vũ trường chính trị ở quê hương, thành công của ông chắc chắn sẽ phụ thuộc vào việc khẳng định một cách dứt khoát và mạnh mẽ tính chất đa dạng này. Chính những năm tháng Nam Phi đã cho phép Gandhi tạo lập một nhãn kiến rộng mở và đa nguyên về bản sắc Ấn Độ. Đối với ông, bản sắc Ấn Độ là tổng hợp của một số giá trị dân chủ nền tảng, và không nhất thiết phải thuộc về cộng đồng Ấn Giáo mới có thể là người Ấn Độ. Tôi không chắc là Gandhi đã có được tinh thần cởi mở như vậy, nếu ông làm việc suốt đời tại Bombay, Ấn Độ. Giai đoạn trung gian ở Nam Phi đã mở rộng tầm nhìn về đạo lý và chính trị của người cha tương lai của nước Ấn Độ hiện đại.
Một khi trở về Ấn Độ, Gandhi sẽ lãnh đạo đảng Quốc Đại, vốn là một đảng của tầng lớp những người có địa vị. Làm thế nào mà ông có thể biến cái câu lạc bộ nhỏ hẹp của giới tinh hoa này thành một công cụ giải phóng đất nước?
Đảng Quốc Đại, như tôi đã viết, là một đảng phái của giới danh gia vọng tộc, đã đô thị hóa. Các thành viên của đảng này thảo luận với nhau bằng tiếng Anh. Gandhi đã biến câu lạc bộ nói tiếng Anh nhỏ hẹp này thành một đảng của toàn Ấn Độ, bắt rễ vào các vùng thôn quê, tỉnh lẻ và các khu vực đông dân. Gandhi sẽ dân chủ hóa việc tham gia, khiến cho những người Ấn Độ bình thường cũng có thể gia nhập đảng. Kết quả không phải đợi lâu, hàng triệu người Ấn gia nhập đảng Quốc Đại. Sức hấp dẫn phi thường của “Bapu” (tức người Cha, trong tiếng Ấn Độ) gắn liền với ảnh hưởng ngày càng lớn của đảng Quốc Đại trong quần chúng. Kể từ giờ các cuộc thảo luận được tiến hành bằng các ngôn ngữ bản xứ. Chỉ trong vòng ba năm, từ 1919 đến 1922, Gandhi đã làm thay đổi hoàn toàn đảng Quốc Đại.
Bất chấp các chiến dịch bất tuân dân sự rất được lòng dân, mà ông khởi sự từ những năm 1920, Gandhi đã không buộc được chính quyền Anh nhanh chóng cởi bỏ ách thống trị. Phải chăng đây là giới hạn của chiến lược Gandhi ?
Ba chiến dịch phản kháng lớn mà Gandhi huy động – trước hết là chiến dịch bất hợp tác những năm 1920, tiếp theo đó là cuộc “Hành Trình Muối” vĩ đại (Salt March) năm 1930 (chống chính sách độc quyền muối của chế độ thực dân) và các cuộc huy động dân chúng trong những năm 1940 xung quanh lời kêu gọi “Quit India / Rời Ấn Độ” – đã khiến người dân ngày càng hướng đến đảng Quốc Đại. Việc hàng trăm nghìn thanh niên nam, nữ tham gia vào đời sống chính trị, sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, là một bằng chứng.
Được những lời giảng của Gandhi soi sáng và gây cảm hứng, giới trẻ dốc lòng cho việc xây dựng sự hài hòa trong cộng đồng, giữa người theo Ấn Độ Giáo với người theo Hồi Giáo, hủy bỏ sự kỳ thị đối với những người bị coi là thuộc “tầng lớp tiện dân”, giải phóng phụ nữ. Cho dù các chiến dịch do Gandhi thúc đẩy đã không mang lại độc lập ngay tức khắc, chúng sẽ tham gia vào việc phổ biến sâu rộng các tư tưởng dân chủ, đa nguyên, công bằng trong lòng xã hội Ấn Độ.
Việc Ấn Độ bị chia tách sau đó có thể là thất bại lớn nhất của Gandhi (với sự phân chia Đế chế Ấn Độ thuộc Anh thành hai, Ấn Độ và Pakistan, năm 1947). Ông giải thích như thế nào về việc Gandhi đã không hiểu được là người Hồi Giáo khao khát có một quốc gia độc lập?
Theo tôi, cần phải tìm kiếm lý do của việc này trong sự khác biệt về cảm nhận, giữa những Ấn kiều như Gandhi tại Nam Phi và những người dân tộc chủ nghĩa, chưa từng khi nào rời khỏi Ấn Độ. Trong nội bộ các cộng đồng Ấn Độ ở hải ngoại, những khác biệt về tôn giáo bị xóa nhòa. Những kiều dân Ấn Độ sống ở Nam Phi tự coi mình trước hết là người Ấn, rồi sau đó mới là người theo Ấn Giáo, Hồi Giáo hay thuộc cộng đồng Hỏa Giáo. Sống lâu năm bên ngoài Ấn Độ, Gandhi có thể đã đánh giá thấp mức độ phức tạp của tình hình trong nước. Như vậy, tôi nghĩ cách đặt vấn đề của ông là không đúng hướng. Không một cá nhân nào, bất kể người đó là ai, có thể một mình chống lại các xu thế lớn của Lịch sử.
Trở lại với hiện tại, trong một đất nước Ấn Độ do người theo Ấn Độ Giáo thống trị, Gandhi và những tư tưởng của ông về sự hài hòa cộng đồng và sự thống nhất của nhân loại, vượt qua các chủng tộc và đẳng cấp phải chăng đã bị chôn vùi trong quên lãng?
Điều đầu tiên cần thấy về chủ đề Gandhi, đó là Gandhi không thuộc riêng về Ấn Độ. Tư tưởng của ông đã trở thành một bộ phận trong di sản chung của nhân loại. Cụ thể là tư tưởng bất bạo động, hài hòa cộng đồng và phát triển bền vững được hưởng ứng trên toàn thế giới. Về phần một bộ phận những người Ấn Độ, giờ đây rất có thể là họ sẵn sàng trục xuất Gandhi ra khỏi ký ức của mình, bởi trong lịch sử, người Ấn cũng đã từng trục xuất Phật ra khỏi Ấn Độ (Nhà sử học Ramchandra Guha lưu ý thêm : Ngược lại với Nehru, De Gaulle, Churchille hay Roosevelt, trước hết là các lãnh đạo quốc gia, trong khi đó Mahatma Gandhi – “Mahatma” trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là bậc Thánh – là một biểu tượng chính trị mang tầm cỡ nhân loại).
(Phần biên dịch do Trọng Thành thực hiện)
Ghi chú
1 - Trang mạng chính thức của chính phủ Ấn Độ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Gandhi.
2 – Mục “Sur les traces de Gandhi” (tạm dịch : Trên những ngả đường Gandhi đã đi qua) của RFI.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191004-gandhi-an-do-khong-phai-cua-rieng-nguoi-theo-an-do-giao
Ấn Độ cấm các trường đại học
liên kết với các học viện Trung Cộng
Tin New Delhi, Ấn Độ – Chính phủ Ấn Độ vừa ban hành các quy định mới, cấm các trường đại học liên kết với các tổ chức học thuật Trung Cộng. Hành động này cho thấy New Delhi đang gia tăng kiểm tra đối với các dự án hợp tác liên quan đến Bắc Kinh.Tin tức này xuất hiện chỉ vài ngày trước khi Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp song phương với Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại New Delhi.
Ủy Ban Tài Trợ Đại Học UGC, thuộc Bộ Phát Triển Nhân Lực Ấn Độ, vào ngày 1 tháng 10 đã gởi thông báo đến mọi trường đại học, yêu cầu các trường này không tham gia các thỏa thuận hợp tác học thuật với các học viện Trung Cộng, trừ khi thỏa thuận này được phê chuẩn bởi Bộ Phát Triển Nhân Lực, Bộ Nội Vụ, và Bộ Ngoại Vụ.
Theo quy định mới, các thỏa thuận hiện đã có hiệu lực đều bị tạm đình chỉ, cho tới khi được phê chuẩn đặc biệt bởi Bộ Nội Vụ và Bộ Ngoại Vụ. Ủy Ban UGC đặc biệt nhắc rằng quy định mới được ban hành bởi Bộ Phát Triển Nhân Lực, nhưng không giải thích lý do đưa ra lệnh cấm này.
Ủy Ban UGC trước đây chưa hề ban hành bất kỳ lệnh cấm đoán học thuật nào đặc biệt nhắm vào 1 một quốc gia. Ấn Độ có 49 trường đại học được tài trợ bởi chính phủ liên bang, và hơn 400 trường đại học được cai quản bởi các chính phủ tiểu bang. Ngoài ra, Ấn Độ còn có hàng chục ngàn học viện tư nhân trên khắp nước. Mệnh lệnh mới của Ủy Ban UCG áp dụng cho mọi cơ sở giáo dục, bất kể trường công hay trường tư. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/an-do-cam-cac-truong-dai-hoc-lien-ket-voi-cac-hoc-vien-trung-cong/
0 nhận xét