Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Sự khác biệt của cuộc điều tra luận tội Trump

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019 19:29 // ,

VNExpress
Thứ năm, 3/10/2019, 08:00 (GMT+7)

Nỗ lực điều tra của đảng Dân chủ nhằm luận tội Trump rất khác so với những tổng thống Mỹ bị luận tội trước đây.
Trong lịch sử Mỹ có hai tổng thống từng bị luận tội là Andrew Johnson năm 1869 và Bill Clinton năm 1998, nhưng cả hai đều không bị bãi nhiệm. Richard Nixon từ chức năm 1974, ngay trước khi bị quốc hội luận tội vì vụ bê bối Wartergate.
Trong hai cuộc luận tội đó, các thượng nghị sĩ Mỹ đã vượt qua ranh giới đảng phái, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ xảy ra trong trường hợp của Trump. Cuộc điều tra luận tội Trump hoàn toàn khác so với những người tiền nhiệm.
Thực tế, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người đã mạnh mẽ thúc đẩy luận tội Clinton vào những năm 1990 và từng chỉ trích kịch liệt Trump, giờ đây lại bênh vực Tổng thống. Ông cho rằng Trump không có gì sai khi thúc giục Tổng thống Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ đáng gờm trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tổng thống Mỹ Trump tại New York ngày 23/9. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Trump tại New York ngày 23/9. Ảnh: AFP.
Carl Bernstein, người từng góp phần phanh phui bê bối Watergate, cho biết các cáo buộc chống lại Trump có một số điểm tương đồng với cáo buộc chống lại Richard Nixon, người cũng thuộc đảng Cộng hòa. Ngày 17/6/1972, khi Nixon đang vận động tái tranh cử, 5 kẻ đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ trong khu phức hợp Watergate bị bắt. FBI xác định những trợ lý thân cận của Nixon và ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này. 
"Trong trường hợp của Nixon, đó là một chiến dịch gián điệp chính trị và phá hoại nhằm khiến đảng Dân chủ đề cử George McGocate, đối thủ yếu nhất đối với Nixon, thay vì đối thủ mạnh nhất là thượng nghị sĩ Edward Muskie", Bernstein nói.
Nhưng có một sự khác biệt rõ ràng giữa trường hợp này và vụ của Trump hiện nay: Các nghị sĩ Cộng hòa đã quay lưng với Nixon, khiến ông phải từ chức. Nghị quyết để khởi động điều tra luận tội Nixon được các nghị sĩ lưỡng đảng thông qua với tỷ lệ 410 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu yêu cầu luận tội Nixon, 7 thành viên đảng Cộng hòa trong ủy ban đã nhất trí.
"Trong vụ Watergate, những người Cộng hòa đã đứng lên phản đối Nixon, cáo buộc ông ấy nói dối", nhà sử học về tổng thống Mỹ Douglas Brinkley cho biết.
"Đây là sự khác biệt lớn giữa Watergate và những gì chúng ta đang thấy bây giờ", Bernstein nói thêm, ám chỉ đảng Cộng hòa hiện ít khả năng quay lưng với Trump như cách họ từng làm với Nixon.
Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Andrew Johnson, người giữ chức năm 1985-1869, đã cố gắng tái kiến thiết đất nước sau Nội chiến Mỹ, bao gồm nỗ lực tái sáp nhập các bang miền nam vào Chính phủ Liên bang, khiến ông đối nghịch với quốc hội.
Quốc hội phủ quyết tất cả luật mà ông đề xuất. Trong bế tắc, Johnson sa thải bộ trưởng chiến tranh (chức vụ này đã bị xóa bỏ vào năm 1947), khiến quốc hội khởi động thủ tục luận tội.
Ngày 24/2/1868, hạ viện thông qua việc luận tội ông. Nhưng đến tháng 5 năm này, phe Cộng hòa tại thượng viện thiếu một phiếu để có thể đạt được thế đa số 2/3 nhằm kết tội ông. Nguyên nhân là 7 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã không làm theo ý nguyện của đảng, họ phản đối việc bãi nhiệm Johnson.
Năm 1998, Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton bác bỏ có quan hệ với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, nhưng hai người sau đó thừa nhận về mối quan hệ, khiến Clinton bị luận tội vì nói dối và cố gắng che đậy chuyện ngoại tình.
Ngày 12-13/12/1998, Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông qua 4 điều mục luận tội với Clinton, gồm cản trở công lý, lạm quyền và hai điều mục về khai man. Tuy nhiên, ngày 19/12, hạ viện thông qua chỉ hai điều mục luận tội gồm khai man và cản trở công lý, do một số nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu có lợi cho Clinton.
Tại cuộc bỏ phiếu của thượng viện ngày 12/2/1999, 5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối bãi nhiệm Clinton. Mặc dù một số hạ nghị sĩ Dân chủ ủng hộ luận tội Clinton, không thượng nghị sĩ Dân chủ nào có quan điểm đó. Vì vậy, kết quả cuối cùng là phe Cộng hòa không đạt đủ 2/3 số phiếu ở thượng viện để kết tội Clinton. Clinton ở lại Nhà Trắng cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2001.
Từ câu chuyện của Clinton có thể thấy nỗ lực luận tội Trump dù mới chỉ bắt đầu chắc chắn sẽ đối mặt với kết cục thất bại. Để luận tội tổng thống, phe Dân chủ có thể dễ dàng có 218 phiếu thuận tại hạ viện do họ kiểm soát. Tuy nhiên, việc luận tội Trump nhiều khả năng sẽ bị chặn ở thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm 53 ghế, còn đảng Dân chủ chỉ nắm 47 ghế.
"Phe dân chủ sẽ cần 20 nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump và điều này không khả thi", David McLennan, giáo sư khoa học chính trị tại trường Meredith, Mỹ nói.
Kyle Kondik, Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia, cho rằng mọi chuyện chưa rõ ràng để dự đoán. "Chúng ta còn chưa rõ phe Dân chủ có theo đuổi việc luận tội Tổng thống đến cùng hay không", ông nói.
Phương Vũ (Theo CNN/AFP)

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.