Đọc báo Pháp – 22/10/2019
Phương Tây tự hại nếu nhượng bộ Putin và Erdogan
Tình hình địa chiến lược tại Trung Đông, bạo động xã hội ở Chilê, ở Liban, bế tắc Brexit vẫn là chủ đề chung của báo Pháp ngày 22/10/2019. Bên cạnh đó, Le Monde giải thích vì sao cần phải cứng rắn với Putin và Erdogan. Le Figaro chú ý « cuộc chiến đòi nợ » của những đứa trẻ mà cha mẹ bị Stalin lưu đày. La Croix dành một bài cho thông điệp hòa bình của Kim Phúc, một nạn nhân chiến tranh Việt Nam, hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, ra mắt sách « Cứu rỗi từ địa ngục ».
Sử gia Françoise Thom :Người luận tội Putin
Hãy chấm dứt cuốn phim dài nhiều tập nhàm chán này, Le Monde công kích Anh Quốc qua bài xã luận cùng tựa, 10 ngày trước khi đến thời điểm Brexit. Nhưng đối tượng bị phê phán nghiêm khắc nhất là tổng thống Nga Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Với tựa « Françoise Thom, người luận tội Putin », Le Monde giới thiệu một nữ sử gia, giáo sư đại học Pháp vừa về hưu, người bị tổng thống Nga xem là khắc tinh.
Được đào tạo trong trường phái của sử gia Alain Besançon, phản tỉnh từ thời hoàng kim của Liên Xô, Françoise Thom là một trong những tiếng nói bị Kremlin thù ghét nhất. Luận án tiến sĩ với đề tài « lưỡi gỗ », Françoise Thom luôn nói thẳng nói thật điều mình nghĩ. Trong một cuộc hội thảo do Le Monde tổ chức ngày 05/10/2019 về chính sách can thiệp của Putin, một phóng viên đài Russia Today, cơ quan tuyên truyền thân Putin, vừa chìa micro định phỏng vấn thì nhận ngay một câu từ chối : anh nên chọn một nghề lương thiện mà làm.
Giáo sư chuyên gia về Liên Xô và nước Nga cũng rất thẳng thắn khi gọi chế độ Putin là « chế độ dã thú ». Bà là tiếng nói công kích Putin triệt để khác với cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine, chủ trương thân thiện với Matxcơva vì nhu cầu « thực dụng ».
Tháng 8/2019, trước khi tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Nga nhân G7, Françoise Thom cùng với một giáo sư gốc Nga Galia Ackerman ký một bức tâm thư tố giác sai lầm của Emmanuel Macron : Mời một kẻ công khai chủ trương tiêu diệt trật tự thế giới và kéo châu Âu vào một chế độ quân phiệt – cảnh sát trị để làm gì ?
Quyển sách « Tìm hiểu chủ thuyết Putin » được nhiều người xem là kim chỉ nam, là binh pháp chống Nga. Mạng xã hội thân Putin không tiếc lời xỉ vả Françoise Thom « là gái điếm của Do Thái » là « lãnh tụ chống Nga ». Còn bộ Ngoại Giao Nga cáo buộc nữ chuyên gia Pháp « nhận tiền » của Luân Đôn. Bà bất chấp.
Thực ra, Françoise Thom, lúc nhỏ theo cha sống bốn năm tại Mỹ, nhưng khi lên đại học, do khám phá nền văn học Nga, bà sang Nga du học. Nhờ đó, như chính bà tâm sự « tôi nhìn thấy cái xấu xa của hiện tượng lẫn cái tồi tệ trong bản chất ». Cả một xã hội sống trong lừa dối và lừa dối nhau.
Thầy trò Alain Besançon – Françoise Thom trong một thời gian dài bị giới trí thức Pháp thiên tả nghi kỵ, thù ghét. Nhưng chuyện gì phải đến đã đến vào năm 1990 như mọi người đã thấy. Riêng Françoise Thom, khi thấy Elsin huy động xe tăng bà đâm ra lo ngại. Rồi đến Putin lên cầm quyền « với một băng đảng được đào tạo trong rừng hoang hậu cộng sản » làm bà rợn người.
Cũng trên Le Monde, liên quan đến Syria, hai chuyên gia Stephane Breton và Patrice Franchesci cùng viết chung một bài đòi phải « trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ »ra khỏi NATO. Biết rằng không được nhưng sẽ làm cho Erdogan bớt lớn lối bắt chẹt các nền dân chủ Tây phương.
Mỹ lùi đến đâu ? Anh Pháp đoàn kết lại
Thái độ nhân nhượng của Mỹ tạo khoảng trống cho Nga và Trung Quốc lấn tới. Le Figaro phân tích cội nguồn và đề xuất giải pháp đối phó qua bài « Hoa Kỳ lùi bước đến đâu ? »
Theo tác giả Renaud Girard, trong quan hệ quốc tế, không có gì nguy hiểm cho bằng biểu lộ yếu đuối qua việc rút lui. Donald Trump đã ba lần liên tiếp phạm lỗi này : không trả đũa Bắc Triều Tiên, không giữ lời hứa bảo vệ Ả Rập Xê Út khi bị Iran oanh kích và gần đây là nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ người Kurdistan.
Hành động này là một tín hiệu xấu cho các nước Baltic, cho Đài Loan là Mỹ không muốn chiến đấu nữa. Tệ hơn nữa, là trợ sức một cách không cần thiết cho Putin và Erdogan và Tập Cận Bình.
Liên quan đến Trung Quốc, Hoa Kỳ đã gửi tín hiệu yếu đuối này từ thời Obama. Chính trong nhiệm kỳ của Obama, hải quân Trung Quốc tự do quân sự hóa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong tình huống này, có nên hy vọng Hoa Kỳ tỉnh thức hay không ? Renaud Girard bi quan. Theo ngòi bút này, điều chắc chắn duy nhất, có thể tin cậy được là Anh và Pháp, hai cường quốc quân sự châu Âu phải hợp tác chặt chẽ với nhau , cho dù Brexit hay không Brexit, tuân thủ hiệp định phối hợp hành quân Lancaster House năm 2010.
Nga : Hành trình đòi công lý cho nạn nhân Goulag
Cũng liên quan đến Nga, nhật báo thiên hữu dành một trang trình bày hành trình đòi công lý của ba người phụ nữ có cha mẹ, trong số 20 triệu nạn nhân của Stalin vùi thây trong các quần đảo ngục tù Goulag. Hôm nay, là ngày Tòa Bảo Hiến Nga xét đơn yêu cầu chính quyền hiện tại thi hành luật bồi thường, ban hành năm 1991, vài tháng trước khi chế độ Cộng sản sụp đổ.
Ba người phụ nữ, không cùng gia đình nhưng có số phận thương tâm giống nhau. Họ quyết tâm đòi lại căn hộ bị chính quyền tịch biên, cha mẹ bị lưu đày lên vùng Siberia.
Sau khi Stalin qua đời, chính sách phục hồi danh dự nạn nhân Stalin được ban hành nhưng rất nhiều nạn nhân không được phục hồi quyền công dân. Bởi lẽ, đa số căn hộ tịch biên đã được cấp cho nhân viên mật vụ chính trị NKVD. Cụ thể là trong số 7.000 căn hộ ở Matxcơva của tù nhân chính trị, bộ Nội Vụ chiếm 4.300.
Đại đa số tù chính trị bị cấm cư ngụ ở 300 thành phố và trong một đường kính 100 km tính từ trung tâm thủ đô Matxcơva.
Khi lòng dân bất mãn thì châu lục nào cũng thế
Người dân Liban ở Trung Đông và Chilê ở Nam Mỹ tiếp tục xuống đường bạo động. Dân Thụy Sĩ đưa phong trào môi trường lên hàng thứ hai trong sinh hoạt chính trị. Đâu là những điểm tương đồng ?
Tại Liban, nhân dân đoàn kết xuống đường chống lãnh đạo chính trị tham nhũng, thủ tướng Saad Hariri hứa sẽ ban hành các biện pháp cải cách với hy vọng làm giảm cơ phẫn nộ của một phong trào Mùa Xuân Ả Rập, theo màu sắc Liban.
Đồng điệu với đồng nghiệp Le Monde, nhật báo La Croix trong bài bình luận « cơn giận của nhân dân » cảnh báo : từ Ecuador, Irak, Liban, Chilê… không thiếu những hình ảnh phẫn nộ. Trong nhiều tuần qua, dân chúng xuống đường chống chế độ đương quyền và đôi khi diễn ra trong thảm kịch với hơn 100 người chết như ở Irak hay hơn một chục người chết ở Chilê.
Lòng dân bất mãn cũng là cội nguồn biểu tình ở các nước khác và với hình thức khác như phong trào « Gilets jaunes » (Áo Vàng) ở Pháp. Dĩ nhiên không thể so sánh cuộc sống ở Irak với Pháp hay Chilê. Nhưng tất cả có cùng một điểm chung là chống « bất công xã hội » và lên án chính phủ đứng về phía kẻ mạnh. Giải pháp duy nhất là giới cầm quyền phải tỏ ra thật sự gương mẫu và đứng về phía nhân dân.
Le Figaro đi sâu vào chi tiết với nhận định : Chilê ngày nay không phải là Chilê thời Pinochet. Nhưng từ khi chế độ quân phiệt sụp đổ đến nay, các đảng chính trị dân sự tả hữu đều tiếp tục mô hình kinh tế tân tự do của chính quyền quân sự để lại. Đã thế, hai lời hứa của tổng thống Pinera kích thích tăng trưởng kinh tế và làm giảm thất nghiệp không được thực hiện. Sinh viên Chilê phải vay nợ để đóng học phí, giờ đây với biện pháp tăng giá vé chuyên chở công cộng, dân chúng nổi giận và nổi dậy là điều không thể tránh được.
Lòng dân Thụy Sĩ : chống biến đổi khí hậu qua lá phiếu
Tại Thụy sĩ, chiến thắng của phong trào môi trường trong cuộc bầu cử Quốc Hội hôm Chủ Nhật (20/10/2019) là « một trận động đất ». Số ghế của đảng Xanh, cánh tả và đảng xanh tự do, cánh hữu được tăng gấp đôi, đưa phong trào bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu trở thành lực lượng thứ hai tại Thụy Sĩ, Liberation nhấn mạnh. Đảng cánh hữu, dân túy vẫn đứng nhất nhưng bị mất đến 4 điểm.
Giải thích của Le Monde : tại quốc gia miền núi đang bị biển đổi khí hậu tác hại, giới trẻ Thụy Sĩ nghe theo tiếng gọi của Greta Thunberg, xuống đường đông đảo nhân cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu do cô bé đấu tranh Thụy Điển phát động hồi tháng 9. Tinh thần ý thức này được thể hiện qua lá phiếu bầu Quốc Hội cuối tuần qua.
Kim Phúc : Phía sau ngọn lửa Napalm có Chúa
« Bác Đồng ơi, bác mà không tin Chúa là có nguy cơ xuống địa ngục ». Đó là lời khuyên chân tình của Kim Phúc trong một dịp trao đổi với cố thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Nhật báo Công giáo La Croix thuật lại trong bài « Chúa, đằng sau ngọn lửa của bom Napalm »
Kim Phúc cách nay hơn 46 năm là nạn nhân của một vụ ném bom napalm ở Việt Nam. Bức ảnh « Cô bé napalm » của phóng viên chiến trường Nick Ut được giải thưởng Pulitzer năm 1973. Nhân dịp ra mắt quyển sách « Cứu rỗi từ địa ngục » (Sauvée de l’enfer) tại Paris, Kim Phúc dành cho La Croix một buổi tiếp xúc. Cô bé năm xưa nay là một phụ nữ ở tuổi 50, thân thể vẫn còn hằn vết sẹo, nhưng đã hoàn toàn « hòa giải » với quá khứ đau thương : « Trước vụ ném bom, tôi có một cuộc sống tự do, vô tư, giữa vườn cây trái và bầy gia súc ».
Kim Phúc hồi tưởng lại, khi chiến trận xảy ra, cô bé 9 tuổi cùng anh em trú ẩn trong một ngôi chùa. Binh sĩ Nam Việt Nam kêu các em chạy ra nhưng quá trễ, bốn quả bom từ trên trời rơi xuống. Kim Phúc vẫn tiếp tục chạy trước khi ngã xuống, quần áo, da thịt nào chịu nổi sức nóng 3000°C.
Câu chuyện tiếp tục với những tình tiết mà cả thế giới đều biết. Trong thập niên 1980, Kim Phúc trong nỗ lực tìm hiểu về cuộc đời đã cảm thấy khát vọng tìm đến Chúa Jesus.
Chính quyền Việt nam lập tức cấm Kim Phúc đi học vì thần tượng dùng để tuyên truyền đã chọn theo đạo Thiên Chúa. Nhưng Kim Phúc vẫn kiên trì và như có phép lạ, Kim Phúc được thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng che chở. Năm 1986, Người « cha tinh thần » đã giúp Kim Phúc đi du học tại Cuba, lấy chồng là một sinh viên Việt Nam, ở miền bắc. Sau đó hai vợ chồng có cơ hội tị nạn
chính trị tại Canada và đã có hai con, lại một phép lạ. Từ năm 1997, Kim Phúc là đại sứ thiện chí của UNESCO.
Đối với Kim Phúc, những phép lạ trong đời là do Chúa ban cho. Khi chồng và gia đình chồng quyết định theo đạo Thiên Chúa, đó cũng là một phép lạ. Đức tin của Kim Phúc lớn mạnh đến mức cô không ngần ngại chia sẻ với công chúng qua quyển sách « Cứu rỗi từ địa ngục » như đã một lần chia sẻ với nhân vật mà cô gọi là « bác » Phạm Văn Đồng : « Bác ạ, nếu bác không tin Chúa, bác có thể bị sa địa ngục ».
Tin đọc nhanh
(AFP) – Bắc Kinh chặn trang web của nhiều cơ truyền thông được phép hoạt động tại Trung Quốc.
Khoảng 23% trên tổng số 215 cơ quan truyền thông nước ngoài có đại diện thường trực ở Trung Quốc có website bị chặn ở quốc gia này do bức « Vạn lý trường thành tin học » mà Bắc Kinh lập ra để ngăn cản những nội dung bị cho là « không mong muốn ». Đây là kết quả nghiên cứu cho Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài ở Trung Quốc (FCCC) được công bố ngày 22/10/2019 tại Hội nghị Internet Thế giới ở Vũ Hán. Bẩy trên 15 cơ quan truyền thông Pháp ngữ bị chặn ở Trung Quốc, trong đó có đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, cùng với Le Monde, Le Point, Le Soir, Libération, Radio Télévision Suisse và Les Dernières nouvelles d’Alsace.
(Reuters) –Trung Quốc muốn áp đặt thuế quan 2,4 tỷ đô la vào hàng hóa Mỹ.
Trong một thông cáo gởi đến Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO công bố ngày 21/10/2019, Trung Quốc đòi áp đặt khoản thuế quan nói trên liên quan đến một vụ tranh chấp từ thời tổng thống Obama, vào năm 2012. Bắc Kinh đã khiếu nại lên WTO việc Mỹ áp thuế phá giá lên một số mặt hàng của Trung Quốc, nào là thép, pin mặt trời, nhôm… Phía Mỹ cho rằng do việc Trung Quốc tài trợ cho một số doanh nghiệp của họ, thuế quan của Mỹ nhằm bù đắp thua lỗ. Tuy nhiên vào năm 2014, khi xét xử sự vụ, WTO đã thiên về Trung Quốc, và yêu cầu bãi bỏ biện pháp áp thuế trong hồ sơ này. Đến tháng 7 vừa qua, tòa phúc thẩm của WTO lại lên tiếng nhắc nhở Mỹ nếu không chấp hành thì sẽ phải chịu biện pháp trả đũa của Trung Quốc.
(AFP) – Ngoại trưởng Trung Quốc lạc quan về một thỏa thuận đầu tư với Châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 21/10/2019, tại Paris, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết ông tin tưởng là đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương với Châu Âu sẽ có kết quả tốt. Tuy nhiên, ông vẫn cố thúc đẩy cho một thỏa thuận tự do thương mại hai bên, từng được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Âu cách đây 7 năm. Ông Vương Nghị nói rõ điều mà Trung Quốc muốn thúc đẩy là một thỏa thuận tự do mậu dịch, và cảnh báo rằng đây là điều mà Châu Âu nên gấp rút làm, vì nếu chần chừ, hàng hóa Châu Âu sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc còn bảo đảm là trong đàm phán thương mại với Mỹ, Bắc Kinh không làm gì thiệt hại đến quyền lợi của Châu Âu. Ông còn muốn Pháp và Châu Âu mở rộng cửa thị trường cho doanh nhân, đối tác Trung Quốc.
(AFP) – Một người Châu Âu sẽ lên Mặt Trăng trong 10 năm sắp tới ?
Cơ quan không gian Mỹ NASA muốn đưa con người trở lại Mặt Trăng và sẵn sàng mở rộng cửa cho hợp tác nước ngoài, qua đó cho những người quốc gia khác cùng đi lên mặt trăng. Thông tin trên được loan báo trong cuộc họp ngày 21/10/2019, của lãnh đạo các cơ quan không gian thế giới tập hợp về Washington nhân Đại Hội Hàng Không Vũ Trụ Quốc Tế lần thứ 70. Cho đến giờ chỉ có 12 người Mỹ là đã được đi lên Mặt Trăng trong những chuyến bay Apollo (1969 – 1972). Chuyến bay đưa người trở lại Mặt Trăng sắp tới đây được dự kiến vào năm 2023, nhưng chỉ với phi hành gia Mỹ. Ông Jan Wörner, lãnh đạo cơ quan Không Gian Châu Âu ESA, tin tưởng là người Châu Âu có thể đến đấy năm 2027 hay 2028.
(AFP) – Facebook chặn chiến dịch mới của Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Trong thông báo ngày 21/10/2019, người phụ trách an ninh mạng của Facebook cho biết đã chặn 4 chiến dịch gây ảnh hưởng « do có thái độ sai lệch, chứ không phải do nội dung chia sẻ ». Những chiến dịch này do một số nhóm giả danh là người sử dụng mạng xã hội lập ra và được một số nước hỗ trợ, trong đó có Iran và Nga. Nhiều tài khoản Nga tấn công trực diện một số ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, như Joe Biden, Kamala Harris và Elizabeth Warren, hoặc ca ngợi Bernie Sanders và tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
(RFI) – Chilê : Tổng thống sẽ đối thoại với đối lập để thông qua «thỏa thuận xã hội».
Tuyên bố được tổng thống Sebastian Piñera nêu lên trong bài diễn văn tối 21/10/2019 trong khi có đến 12 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực. Ông cũng thừa nhận đã có những lời lẽ « cứng rắn » trong cuối tuần qua khi tuyên bố « chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh chống một kẻ thù lớn ». Để phản đối phát biểu của tổng thống, người dân Chilê lại ồ ạt xuống đường một cách ôn hòa, đồng thời kêu gọi chính phủ « có những biện pháp cụ thể chống tình trạng bất công xã hội ».
(AFP) – Mỹ tịch thu và cho bán đấu giá tàu hàng bắt được của Bắc Triều Tiên.
Theo thông báo hôm 21/10/2019 của bộ Tư Pháp Mỹ, một tòa án ở New York đã ra phán quyết trao quyền sở hữu cho chính quyền Mỹ chiếc tàu vận tải của Bắc Triều Tiên bị bắt giữ hồi tháng 5/2019 vì vi phạm lệnh trừng phạt của quốc tế. Tàu đã được rao bán đấu giá. Gia đình hai nạn nhân của chế độ Bình Nhưỡng : sinh viên Otto Warmbier bị chết 2017 sau khi được Bắc Triều Tiên trả về Mỹ và và mục sự Tin Lành Kim Dong Shik, bị Bắc Triều Tiên bắt giữ và tra tấn hồi năm 2000 đã tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi hưởng quyền lợi bán con tàu trên.
(AFP) – Nhà Vua Thái phế truất Hoàng quý phi vì « bất trung ».
Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn ngày 22/10/2019 đã ra lệnh tước mọi danh hiệu của Hoàng quý phi, Sineenat Wongvajirapakdi, 34 tuổi mà ông vừa phong hồi tháng 7 vừa qua. Lý do là vì Hoàng Quý phi có tham vọng tranh ngôi hoàng hậu và như vậy phạm tội bất trung. Bà sẽ bị tước bỏ mọi danh hiệu của nhà vua ban cho. Theo công báo của Hoàng gia Thái, “Hoàng quý phi Sineenat có thái độ vô ơn và hành xử không xứng đáng với tước hiệu của mình. Bà không hài lòng với tước hiệu đã được vua ban cho và làm mọi việc để được ngang hàng với hoàng hậu“.
0 nhận xét