'Nếu để Trung Quốc phá luật ở Biển Đông, luật lệ sẽ sụp đổ ở nơi khác'
Zing.Vn
Tác giả : Vy Xuân
1/10/2019
Học giả Bill Hayton lập luận rằng nếu các cường quốc để Trung Quốc tiếp tục "tự tung tự tác" tại Biển Đông, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp sẽ sụp đổ ở những nơi khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 12/9 tiếp tục lên án nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán rằng mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trên vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Các chuyên gia cho rằng dù sự hung hăng của Trung Quốc thể hiện ở Biển Đông, hàm ý của nó rộng hơn đối với trật tự thế giới, và đó là lý do các cường quốc cần lưu ý đến căng thẳng hiện tại ở Biển Đông.
TQ đòi tranh chấp ở khu vực cách bờ đại lục hơn 1.000 km
"Trung Quốc và các nước láng giềng ở phía nam của họ đang trong một tranh chấp tầm khu vực, nhưng mang ý nghĩa quốc tế. Ngay chính giữa của tranh chấp đó chính là hòn đá tảng cho trật tự thế giới dựa trên luật lệ: rằng liệu các quốc gia có nên tôn trọng các hiệp ước mà họ đã ký, hay họ có thể sử dụng vũ lực để đạt được vũ lực?".
Đây là mở đầu bài viết của học giả Bill Hayton đăng trên trang Friends of Europe. Hayton là nhà nghiên cứu tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương ở Viện Hoàng gia về Quan hệ Quốc tế (Chatham House - trụ sở tại London, Anh).
Kể từ tháng 5, các tàu của chính phủ Trung Quốc đã cố gắng để ép buộc Việt Nam và Malaysia đồng ý các dự án khai thác khí đốt và dầu chung. Để đạt được mục đích này, Bắc Kinh đã triển khai một số lượng lớn phương tiện từ lực lượng hải cảnh và dân quân biển của họ.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 lần đầu tiên xâm phạm EEZ Việt Nam với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hồi đầu tháng 7, sau đó rút đi và trở lại vào ngày 13/8. Ảnh: South China Morning Post.
Các tàu Trung Quốc quấy rối các mỏ khai thác dầu, cản trở tàu hộ tống và cố gắng kiểm soát một vùng biển rộng lớn ngoài khơi.
Các hoạt động của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến các công ty đang hoạt động như Shell của Anh/Hà Lan và Repsol của Tây Ban Nha. Hàm ý của chúng còn nhắm đến các công ty năng lượng khác cũng như an ninh năng lượng và tài khóa của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines.
Trong hội nghị Trung Quốc - ASEAN hồi tháng 7, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố rằng các vụ va chạm xảy ra tại vùng biển "tranh chấp" giữa Trung Quốc và các nước - trong khi thực tế đó là những xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia.
Nói cách khác, ông lập luận rằng Trung Quốc cũng có những quyền tương tự Việt Nam hay Malaysia có đối với các nguồn tài nguyên ở đó.
Thế nhưng, giống những quan chức Trung Quốc trước ông, Vương Nghị không thể đưa ra căn cứ cho các tuyên bố của họ. Ngày 18/9, khi được hỏi về những vụ đụng độ gần nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh "quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan", nhưng lại không thể chỉ ra "liên quan" nghĩa là gì.
Ý tưởng của Trung Quốc về khai thác chung thực tế là đòi phần chia tài nguyên biển của các láng giềng Đông Nam Á trong vùng đặc quyền kinh tế của họ và bất chấp luật pháp quốc tế.
Theo ông Hayton, "những tranh chấp kiểu này đáng ra đã phải được loại bỏ sau khi có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)".
UNCLOS, để đơn giản hóa vấn đề, đã trao cho mỗi quốc gia ven biển những đặc quyền đối với nguồn cá trong vùng nước và các khoáng sản ở đáy biển trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 400 km) kể từ đường bờ biển của họ. Khu vực này gọi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996 và chịu ràng buộc bởi các quy định trong đó.
Bờ biển của Trung Quốc đại lục nằm cách khu vực tranh chấp hơn 1.000 km, họ không thể dùng đây làm căn cứ tuyên bố của mình. Cách lý giải pháp lý duy nhất là tuyên bố một EEZ gần với quần đảo Trường Sa.
Thế nhưng, trong phán quyết tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế PCA đã phán rằng không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể xem là đảo hoàn chỉnh.
Chúng quá nhỏ và không thể duy trì sự sống của con người trong một khoảng thời gian nào, vì vậy những thực thể này không thể tạo thành EEZ.
"Hòn đá tảng" trong trật tự quốc tế
Tuy nhiên, phán quyết này chỉ áp dụng cho nước đã mang vụ việc ra tòa là Philippines và nước bị kiện là Trung Quốc.
Bill Hayton kết luận các hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn UNCLOS.
"Liên minh châu Âu từ lâu đã cho rằng các luật lệ và thỏa thuận quốc tế là thành tố tối quan trọng đối với hòa bình quốc tế. Nếu những trật tự này bị phá bỏ ở một phần nào đó của thế giới, đồng nghĩa với việc nó bị yếu đi trên toàn cầu", ông nói.
Tác giả lập luận rằng theo logic đó, nếu Trung Quốc tiếp tục xem thường UNCLOS, các nước khác có thể cũng sẽ quyết định phá vỡ thế tự kiềm chế mà luật lệ quốc tế đã tạo nên. Kết quả là trước sau gì thì mọi nước cũng tự do cho dùng sức mạnh mà bất chấp luật lệ.
Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán rằng mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trên vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam. Ảnh: Rosneft.
EU có nhiều cách để tham gia ở Biển Đông
Thế đối đầu hiện tại trên Biển Đông là một vấn đề mà EU nên đóng vai trò chủ động hơn. UNCLOS và hệ thống về EEZ là những hòn đá tảng của luật pháp quốc tế.
EU cần làm rõ rằng họ ủng hộ quyền của các quốc gia ven biển được làm chủ nguồn tài nguyên trong vùng EEZ của họ. EU cũng cần có khả năng phân biệt một tuyên bố hợp pháp để giành tài nguyên biển so với một tuyên bố bất hợp pháp, và điều hướng chính sách theo đó.
Dù việc điều động các tàu hải quân sẽ mang lại rất nhiều sự chú ý, có nhiều cách khác EU có thể sử dụng để bảo vệ hệ thống EEZ. Họ có thể yêu cầu các nhà nhập khẩu cá, hydrocarbon và những sản phẩm từ biển khác vào EU phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của chúng. EU cũng có thể trừng phạt các công ty và quan chức vi phạm EEZ của nước, đánh bắt cá, thăm do và khai thác dầu khí ở đây.
Họ có thể trang bị hệ thống vệ tinh và các phương tiện cảm ứng để "bêu tên" những bên vi phạm. Họ cũng có thể hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển, giúp đỡ các quốc gia bờ biển tăng cường ý thức về lãnh hải của họ.
EU cũng có thể nghĩ đến việc triển khai các phương tiện để bảo vệ các quốc gia có EEZ. Khi một quốc gia, chẳng hạn Việt Nam hoặc Malaysia, thực thi hành động hợp pháp trong vùng EEZ hợp pháp của họ, EU có thể cử tàu cảnh sát biển hoặc tàu hải quân quan sát và công bố các vi phạm. Bước cuối cùng là can thiệp để tránh những vi phạm, nhưng chúng ta còn cách đó rất xa.
Vào thời điểm này, EU nên sử dụng uy tín của họ như một định chế xây dựng luật pháp để khuyến khích các hành vi tốt và trừng phạt những ví dụ về hành vi xấu, theo bài viết trên Friends of Europe.
Trong khi đó, cựu đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc Vishnu Prakash viết trên Korea Times rằng Ấn Độ có lợi ích chiến lược và kinh tế tại Biển Đông. Theo thỏa thuận năm 2011 với Việt Nam, Ấn Độ đã và đang thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam.
Trung Quốc vẫn phản đối và tuyên bố "chủ nghĩa không thể tranh cãi" tại đây. Các hành vi bắt nạt của Trung Quốc nên là một mối quan ngại nghiêm trọng đối với các quốc gia ven biển lẫn những bên có lợi ích trong một Biển Đông tự do và rộng mở.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ S.S. Menon nói rằng: "Cấu trúc an ninh truyền thống hình nan hoa của Mỹ tại Đông Á và Đông Nam Á không đủ sức để ngăn chặn sự trỗi dậy của các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hại tại Biển Đông và Biển Hoa Đông... cũng như những cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt nhất lịch sử tại khu vực này suốt 20 năm qua".
"Thực tế vẫn tồn tại rằng ngay trong ngày hôm nay, quyền lực vẫn đi qua họng súng. Chỉ khác là các quốc gia cố gắng che đậy sự hung hăng của họ qua lớp màn mỏng của chính danh và các tham vọng hòa bình", ông Vishnu Prakash viết.
"Trung Quốc là bậc thầy của nghệ thuật đó".
Thời gian bất ổn kéo dài trước mặt
Một loạt nước đã lên tiếng quan ngại về các diễn biến trên Biển Đông, dù có hoặc không có đề cập đích danh Trung Quốc. Thông cáo ngày 20/7 của Mỹ nói rằng Washington quan ngại việc Trung Quốc can thiệp vào “các hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam” trên Biển Đông.
“Trung Quốc nên dừng ngay các hành động bắt nạt và không thực hiện các hành vi khiêu khích, gây bất ổn”, người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
"Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các láng giềng và sự kính trọng từ cộng đồng quốc tế nếu họ duy trì các chiến thuật bắt nạt", thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 viết.
Ngày 28/8, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer "đi thuyền trong phạm vi 12 hải lý của đá Chữ Thập và đá Vành Khăn để thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế", Chỉ huy Hải quân Mỹ Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7, cho biết.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Anh, Đức và Pháp hôm 29/8 bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông.
Tuyên bố nhấn mạnh với tư cách các bên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), các bên liên quan cần đảm bảo thỏa thuận được áp dụng một cách toàn diện.
"Công ước này đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở các đại dương và biển bao gồm cả Biển Đông phải được thực hiện và tạo cơ sở cho sự hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải", tuyên bố của ba nước được Bộ Ngoại giao Anh công bố viết.
Trong cuộc họp với ASEAN hồi tháng 8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông "đang xấu đi qua từng năm" và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN.
Lần đầu tiên, vào tháng 5 năm nay, Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận trong khu vực cùng Mỹ, Nhật Bản và Philippines.
Tuyên bố chung Việt Nam - Malaysia hôm 28/8, sau chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir Mohamad, nói rằng Việt Nam và Malaysia chia sẻ quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông.
"Chỉ có một mặt trận quốc tế thống nhất có thể ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc, nhưng việc đó rõ là khó khăn", theo bài viết của cựu đại sứ Vishnu Prakash.
---------
0 nhận xét