Chết bởi Trung Quốc
7-10-2019
Peter Navarro là Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng – Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ. Và ông cũng là tác giả cùng viết với Greg Autry “Death by China” (Chết dưới tay Trung Quốc).
Nếu ai đã đọc quyển sách này, tôi xin phép không giới thiệu thêm. Nếu ai chưa đọc, tôi sẽ viết ra một ví dụ đầy sinh động ngay tại Việt Nam.
Nếu ai đã đọc quyển sách này, tôi xin phép không giới thiệu thêm. Nếu ai chưa đọc, tôi sẽ viết ra một ví dụ đầy sinh động ngay tại Việt Nam.
Dự án thuỷ điện thượng Kontum được chủ đầu tư Việt Nam là công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ký hợp đồng hạng mục tuyến năng lượng với Viện thiết kế HydroChina Huadong (nay đổi thành Huadong Engineering Coporation Limited) và công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc với tổng trị giá hơn 1.900 tỉ đồng vào năm 2010.
Đến 2/7/2014, tổ hợp nhà thầu tuyên bố chấm dứt hợp đồng khi mới chỉ hoàn thành 25% khối lượng công việc nhưng lấy lý do là Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam nên muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Dù thừa nhận chỉ mới hoàn thành 25% khối lượng công việc song họ lại kiện chủ đầu tư phải trả số tiền hơn 2.300 tỉ đồng. Con số này thậm chí nhiều hơn cả hợp đồng đã ký, giả sử tổ hợp nhà thầu Trung Quốc hoàn thành 100% công việc. Và trên giấy trắng mực đen con dấu đỏ, số tiền mà phía Trung Quốc chưa được thanh toán chỉ gần 171 tỉ đồng.
Phía Trung quốc đưa vụ việc ra trọng tài thương mại quốc tế và vụ việc này “lang thang” từ Hà Nội sang Singapore và cả Nhật Bản rồi trở về Hà Nội.
Hiểu một cách ngắn gọn thì phía Trung Quốc quá tài khi vẫn giữ được quyền khởi kiện theo phán quyết của trọng tài thương mại trong khi Luật Trọng tài thương mại Việt Nam và quy tắc tố tụng trọng tài khi chuyển địa điểm đến quốc gia khác. Điều lạ lùng là hội đồng trọng tài lại áp dụng luật của Anh và Singapore để thực hiện tố tụng. Trong khi đó, phía chủ đầu tư Việt Nam khẳng định việc thụ lý đơn kiện của phía Trung Quốc vừa sai thoả thuận ban đầu của các bên lẫn vừa trái Luật trọng tài thương mại 2010.
Cụ thể hai bên thoả thuận luật áp dụng cho hợp đồng và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là luật Việt Nam. Địa điểm phán xử (nếu có tranh chấp) là Hà Nội, Việt Nam. Và chi tiết rất quan trọng của hợp đồng là tổ hợp nhà thầu phải hoàn thành dự án chậm nhất vào ngày 30/6/2014.
Vậy mà phía Trung Quốc đã tài tình đưa vụ việc “du lịch” qua nước khác, áp dụng luật của quốc gia khác; trong khi ngay cả thứ cơ bản nhất là thi công còn chưa xong.
Sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng chủ đầu tư Việt Nam nếu thua kiện thì có khả năng mất ngân sách (tiền thuế của dân), bởi thuỷ điện có liên quan vốn vay mà nhà nước bảo lãnh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà cổ đông lớn, cụ thể là Trung tâm điện lực III.
Giả sử vốn ngân sách và vốn của các nhà đầu tư Việt Nam góp cùng mất đi một cách siêu phi lý như vậy; thì ngoài cách gọi “chết bởi Trung Quốc” thì tôi không biết dùng từ gì chính xác hơn.
Nhưng ngạc nhiên nhất vẫn là chuyện báo chí trung ương và các báo trên địa bàn thủ đô vẫn hoàn toàn không hay biết vụ việc này(?!) Có lẽ nào mấy trăm báo đài có trụ sở hay văn phòng ngay giữa thủ đô cũng…?
Đọc hồ sơ “Death by China version Vietnam” bỗng nghĩ về cái lý do ban đầu: Trung Quốc kéo dàn khoan qua vùng biển Việt Nam nên đơn phương chấm dứt hợp đồng và đòi tiền cao hơn 100% hợp đồng dù mới hoàn thành 25%. Vậy những giàn khoan khác từ 2014 đến nay và nhất là sự kiện Tư Chính vừa rồi liệu có là cái cớ cho vụ việc tương tự tính bằng nhiều nghìn tỉ? Để làm ít, ăn nhiều và ăn như ăn cướp?
Cát Linh – Hà Đông te tua vẫn “sừng sững” sai phạm, cao tốc Quảng Ngãi xuống cấp “thách thức” nhân dân. Phải chăng là…? Cứ viết mỗi câu lại phải dừng một lát để kềm cơn phẫn nộ. “16 vàng” cộng thêm “4 tốt” ai đội lên đầu cứ đội, nhưng cứ vầy mãi thì nhân dân biết vét nhẫn nhịn đâu ra mà sống nổi qua ngày?
Người Việt sẽ chết bởi Trung Quốc (không hề có ngoặc kép) bao nhiêu lần nữa các vị mới hài lòng?
https://baotiengdan.com/2019/10/07/chet-boi-trung-quoc/
0 nhận xét