Tin Biển Đông – 25/09/2019
Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019
18:20
//
Biển Đông
,
Slider
Trung Quốc đưa giàn khoan Thạch Du 982
vào Biển Đông
Giàn khoan nước sâu Hải Dương 982, còn có tên là Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982) của Trung Quốc đã được triển khai hoạt động ở Biển Đông tại vùng nước sâu 3.000 mét từ hôm 21/9, tờ The South China Morning Post loan tin ngày 25/9.
Hải Dương Thạch Du 982 là giàn khoan dầu lớn nhất và tân tiến nhất của Trung Quốc, có thể khoan sâu đến 5.000 mét.
Tờ The South China Morning Post dẫn lại thông tin từ tài khoản mạng xã hội Trường An Kiếm (Chang An Jian) của Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc cho biết như vừa nêu, nhưng vị trí của giàn khoan không được tiết lộ.
Tuy nhiên, theo Twitter của Duan Dang, một nhà báo độc lập chuyên quan sát tình hình Biển Đông thông qua hình ảnh vệ tinh, giàn khoan Hải Dương 982 “có thể vẫn ở vị trí cũ có tọa độ 17.62 N/110.35, nơi mà nó hoạt động trong 1 tháng qua, tức ở vị trí đông nam của Tam Á.”
Cũng theo The South China Morning Post, Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc không cho biết vị trí của giàn khoan này, nhưng tin tức về việc triển khai giàn khoan được đưa trong dịp Bắc Kinh tuyên truyền cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1/10 sắp tới.
Triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình Dương:
Mỹ điều tàu chiến đến Biển Đông
Hải quân Mỹ cho biết, tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords với số thân LCS 10 của Hải quân Mỹ đã rời cảng San Diego để tiến tới khu vực Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, tàu USS Gabrielle Giffords sẽ được neo đậu tại Singapore theo cam kết giữa Mỹ và Singapore trong quá khứ. Trong thời gian đóng quân tại Singapore, tàu USS Gabrielle Giffords sẽ thực hiện nhiều cuộc tuần tra ở khu vực Biển Đông để duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Để đối phó với việc Trung Quốc sử dụng tàu của lực lượng chấp pháp và dân quân biển chèn ép các nước nhỏ trên Biển Đông, từ đầu năm 2019, Mỹ bổ sung tàu tuần dương thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ vào biên chế của Hạm đội 7 và đã tiến hành tuần tra ở khu vực eo biển Đài Loan và Biển Đông. Việc Mỹ điều tàu USS Gabrielle Giffords đến neo đậu lâu dài ở Singapore là một bước đi mới đáp trả lại những hành vi ngang ngược ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu USS Gabrielle Giffords được đóng theo lớp Independence của Hải quân Mỹ.Hiện Hải quân Mỹ đang sở hữu 9 chiếc tàu dạng này. Việc Mỹ điều tàu USS Gabrielle Giffords – một trong số 9 chiếc tàu chiến đấu ven bờ thuộc lớp Independencehiện đại của Hải quân Mỹ đếnneo đậu lâu dài ở Singapore thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc thôn tính độc chiếm Biển Đông, đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là lâu dài và nhất quán.
Tàu USS Gabrielle Giffords có giá trị khoảng nửa tỷ USD, được thiết kế rất đặc biệt với 3 thân và có độ giãn nước thấp chỉ khoảng 3100 tấn. Tàu được trang bị pháo chính loại 57mm cùng với một tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRAM, ngoài ra trên tàu còn có 4 khẩu súng máy 12,7mm cùng với 2 khẩu pháp 30mm và 24 ống phóng tên lửa AGM-114L Hellfire (hỏa lực mạnh nhất trên tàu).
Sau khi Trung Quốc bội hứa (mùa thu năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với Tổng thống Mỹ Obama không quân sự hóa Biển Đông), ra sức quân sự hóa Biển Đông, biến các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông thành những tiền đồn quân sự của Trung Quốc để khống chế Biển Đông và đẩy mạnh xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông, Mỹ thấy cần phải ra tay trước khi Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.
Trung Quốc luôn lớn tiếng cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì Trung Quốc mới chính là kẻ “gieo bão” ở Biển Đông, khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang trên Biển Đông. Chính hành vi hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông buộc Mỹ phải triển khai các biện pháp cụ thể trên thực địa để ngăn chặn Trung Quốc.
Chúng ta có thể dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh cho điều này như:
(i)sau khi Trung Quốc bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông và không tuân thủ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, Mỹ buộc phải gia tăng tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPs);
(ii) do Trung Quốc đẩy mạnh diễn tập quân sự bắn đạn thật ở Biển Đông buộc Mỹ phải tăng cường hợp tác quốc phòng và diễn tập với các nước ở Biển Đông;
(iii) do Trung Quốc dùng dân quân biển (lực lượng bán quân sự) núp dưới danh nghĩa tàu cá để chèn ép, uy hiếp lực lương chức năng quản lý biển của các nước ven Biển Đông buộc Mỹ phải điều tàu của Lực lượng tuần duyên bảo vệ bờ biển Mỹ đến Biển Đông để bảo vệ luật pháp quốc tế;
(iv) do Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông, uy hiếp các hoạt động bất chấp những phản đối của Mỹ, bất chấp luật pháp quốc tế buộc Mỹ phải điều tàu chiến đấu bờ biển đến neo đậu lâu dài ở Singapore;
(v) do Trung Quốc liên tiếp đe dọa thôn tính Đài Loan bằng vũ lực buộc Mỹ phải bán thêm vũ khí cho Đài Loan để tăng cường khả năng phòng vệ cho Đài Loan, đồng thời thường xuyên cho tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan….
Việc Mỹ điều tàu USS Gabrielle Giffords đến Singapore là một phần quan trọng trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Về vai trò của tàu USS Gabrielle Giffords,Hải quân Mỹ khẳng định, sự hiện diện của tàuUSS Gabrielle Giffords sẽ giúp ích cho việc duy trì an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng.
Trong bối cảnh diễn ra ngày càng nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước ven Biển Đông, chúng ta mong rằng sự hiện diện thường xuyên của tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords sẽ giúp cho việc ngăn chặn hành vi hung hăng, cưỡng ép của Trung Quốc, bảo vệ luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông.
Liệu tàu Sansha 2 mới của Trung Quốc
có phải là mối lo ngại quân sự lớn
đối với các nước ven Biển Đông?
Cộng đồng quốc tế luôn tỏ ra lo ngại mỗi khi Trung Quốc xây dựng, củng cố các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Tuy nhiên cũng có không ít học giả tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không thể bảo vệ, duy trì toàn bộ các đảo đó. Trong Thế chiến thứ II, Nhật cũng đã từng cố kiểm soát các đảo để giành lợi thế chiến lược nhưng nhận ra rằng việc duy trì, tiếp tế cho các đảo là vô cùng khó khăn.[1]
Nhận ra điều này từ kinh nghiệm trong quá khứ của Nhật, sau khi đã củng cố, quân sự hóa phần lớn các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động sớm tàu Sansha 2 tại Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa . Theo nguồn tin từ báo Xinhua của Chính phủ Trung Quốc, tàu Sansha 2 có thể hoạt động “khắp Biển Đông.” Tàu này có thể đi 6000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, có thể sử dụng cho các cả các mục đích dân sự và quân sự.[2]
Jay Batongbacal, giáo sư tại trường Đại học Philippines, nói rằng Trung Quốc đang cho các nước khác thấy mình có thể làm được những gì. Ông cũng cho rằng tàu Sansha 2 của Trung Quốc có thể chính là “một trạm năng lượng nguyên tử nổi” để cung cấp năng lượng cho các đảo nhân tạo mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhắc đến.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự lại không nghĩ vậy. Trong giới hoạch định chiến lược quân sự có một câu nói: kẻ nghiệp dư thì nghiên cứu chiến lược còn nhà chuyên gia thì nghiên cứu về sự lưu thông – dù một đất nước có kế hoạch quân sự hoàn hảo thế nào thì vẫn có thể thất bại nếu đất nước đó không thể duy trì, tiếp tế quân sự ổn định. Quả thật, về kích cỡ thì tàu Sansha 2 có thể coi là to nhưng nếu đặt trong bối cảnh tiếp tế quân sự thì kích thước này lại “khá khiêm tốn.” [3]
Đây có thể chỉ là thông tin hỏa mù của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi các tàu tiếp tế lớp 904 của Hải quân Quân Giải phòng Nhân dân Trung Quốc. Tàu vận tải lớp 904 của Trung Quốc to gấp đôi tàu Sansha 2 và đủ khả năng để tiếp tế cho các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đang sử dụng 5 tàu vận tải loại này và sẽ sớm đưa vào sử dụng chiếc thứ 6. Đây sẽ là dấu hiệu quan trọng hơn và rõ ràng hơn về ý đồ và các hoạt động trên biển của Trung Quốc nếu đội tàu này có động thái gì, hoặc nếu Trung Quốc dự định xây dựng thêm các đảo, cơ sở hạ tầng.
Để có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông,
TQ không nên đặt điều kiện
Năm 1995, Trung Quốc và Philippines xảy ra xung đột do tranh chấp chủ quyền ở đá Vành Khăn thuộc Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc và các nước ASEAN đã cùng nhau bàn bạc về cách thức kiểm soát nguy cơ xung đột, giải quyết bất đồng và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo phương thức hòa bình. Năm 1997, các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN và lãnh đạo Trung Quốc đã có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức đầu tiên, ra tuyên bố chung nêu rõ cần “giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua bàn bạc và đàm phán hữu nghị”, đồng thời hy vọng tranh chấp không ảnh hưởng đến tình hình hợp tác giữa hai bên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, hai bên đã tạo ra được bầu không khí tích cực để thúc đẩy giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông theo phương thức trên. Đến tháng 11/2002, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Trung Quốc và đại diện 10 nước ASEAN đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên, có ý nghĩa tích cực nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột trên Biển Đông.
Tuy nhiên, do tuyên bố này không mang tính ràng buộc pháp lý nên trên thực tế, nó không mang lại hiệu quả bao nhiêu mà liên tiếp bị vi phạm. Trung Quốc và một vài nước vẫn có những hành động dẫn tới nguy cơ gây xung đột trên Biển Đông. Vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm kiểm soát hành vi và tránh những tính toán sai lầm gây bất ổn tại các vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nhưng phải đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý cùng với các nước ASEAN tiến hành tham vấn về COC. Ngày 02/08/2018, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51), Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận về “văn bản duy nhất”đàm phán COC. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ tin tưởng Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng dốc sức tăng tốc thúc đẩy COC. Còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thì “mạnh mồm” tuyên bố, COC sẽ kết thúc đàm phán vào năm 2021.
Xem ra, tiến trình đàm phán COC có vẻ như đang diễn ra thuận lợi, nhưng nhìn lại lịch sử chặng đường để đi đến “văn bản duy nhất” cho thấy, Trung Quốc đã và đang có sự tính toán trong tiến trình này để cho ra đời một COC theo hướng có lợi nhất cho mình. Đó là:
Từ năm 2018 trở về trước, Trung Quốc cố tình “câu giờ” trong đàm phán COCđể triển khai các hoạt động trên thực địa ở Biển Đông nhằm giành lợi thế cho mình sau này trong xây dựng nội dung của COC. Sau khi ASEAN và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về DOC, đồng thời kêu gọi các bên sớm thông qua COC, nhưng phải đến 11 năm sau đó, Trung Quốc mới đồng ý cùng với các nước ASEAN tham vấn về COC. Trong khoảng thời gian đó, bất chấp mọi quy định của DOC, Trung Quốc đã tiến hành ồ ạt các hoạt động xâm lấn, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippines, buộc ASEAN nhiều lần kêu gọi các bên phải xúc tiến nhanh hơn nữa các cuộc đàm phán về COC.
Không chỉ có các hành động vi phạm nghiêm trọng DOC, Trung Quốc còn ra sức duy trì yêu sách “đường chín đoạn” lập lờ; nâng cấp các đội tàu hải quân, hải cảnh, ngư chính và đặc biệt là tung ra các đội tàu dân quân biển hiếu chiến. Các hành động trên là chỉ dấu cho thấy khó có khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận một COC mà khi nó được ký kết, quyền lợi của Trung Quốc không được thừa nhận tối đa và đặc biệt là nó dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đọc vị ra ý đồ và hành động trên đây của Trung Quốc, giáo sư James Kraska – Chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ mới đây cho rằng, Trung Quốc trì hoãn tiến trình đàm phán COC là nhằm để xây dựng lực lượng. Giáo sư James Kraska nói: “Bắc Kinh xem COC như một chiến thuật câu giờ, kéo dài thời gian đàm phán ròng rã 17 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, Trung Quốc xây dựng kiên cố vị thế lẫn sức mạnh”.
Từ năm 2018 đến nay, sau khi tạo được lợi thế “vượt trội” trên thực địa ở Biển Đông, Trung Quốc đứng trước áp lực rất lớn của dư luận và tác động tiêu cực từ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Phán quyết cuối cùng ngày 12/07/2016 của phiên tòa được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã tuyên rằng, đường biên giới mà phía Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, hay còn gọi là “đường chín
đoạn” là không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế. Vì thế, Bắc Kinh quyết định “tăng tốc” đàm phán về COC và đặt thời hạn 3 năm nữa sẽ hoàn thành.
Mặc dù đã một mực phản đối và “phớt lờ” phán quyết của Tòa, nhưng Trung Quốc vẫn biết rằng làm như vậy sẽ khiến mình trở thành một kẻ “ngồi xổm” lên pháp luật, bởi chính họ đã tự nguyện phê chuẩn UNCLOS 1982. Do đó, thúc đẩy nhanh đàm phán và cho ra đời COC là cách tốt nhất để Trung Quốc vô hiệu hóaphán quyết của PCA, sau đó mọi thứ sẽ được tính lại từ đầu. May sao, sau phán quyết của PCA, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã là kẻ đầu tiên vô hiệu hóa phán quyết này khi không “thừa thắng xốc tới” trong việc đòi chủ quyền mà lại hạ thấp tầm quan trọng phán quyết của PCA, gia tăng quan hệ với Trung Quốc để tìm kiếm các khoản viện trợ kinh tế, trong khi đó, sự phản ứng của các nước ASEAN đối với phán quyết này cũng quá yếu ớt. Đây là thời cơ cho Trung Quốc “chuyển hướng” đẩy nhanh đàm phán và ký kết COC. Thêm vào đó, tình hình Đài Loan đang trở nên căng thẳng do hậu quả của cuộc xung đột Mỹ – Trung, Trung Quốc cũng muốn đẩy nhanh việc có COC trước khi nguy cơ xung đột vũ trang với Đài Loan trở thành hiện thực, nên Trung Quốc rất tích cực kêu gọi các bên ra quyết định sớm liên quan đến COC.
Một số chuyên gia về luật quốc tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá, trước đây Trung Quốc trì hoãn COC để “câu giờ” cho việc xây dựng lợi thế toàn diện trên Biển Đông, bây giờ công việc đó đã xong, Trung Quốc lại thúc đẩy việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử này.
Tuy nhiên, không phải vì muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán và ký kết COC mà Trung Quốc sẽ có sự nhượng bộ. Việc tính toán làm sao có lợi tối đa cho lợi ích của nước mình là điều thường được thấy rõ ở Trung Quốc thông qua khuôn khổ các cuộc đàm phán. Có thể đánh giá điều này qua các điểm sau đây:
Một là, Trung Quốc không muốn đàm phán với toàn thể ASEAN, mà chỉ muốn đàm phán riêng rẽ với từng quốc gia thành viên của ASEAN. Đó là lý do tại sao dự thảo COC giai đoạn đầu tiên không phải là hai bản đề xuất giữa Trung Quốc và ASEAN, mà tổng cộng có đến 11 bản của 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc. Hành động này cho thấy, Trung Quốc muốn gia tăng sức ép lên từng nước ASEAN theo chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc”, qua đó gây ảnh hưởng lên các nội dung của COC theo hướng có lợi nhất cho Trung Quốc trong thời gian tới.
Hai là, mục tiêu thời hạn xây dựng COC là trong vòng ba năm theo như đề xuất đơn phương của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2018. Cớ sao Bắc Kinh lại đặt dấu mốc là ba năm nữa hoàn thành COC? Có thể lý giải điều này như sau:
Theo quy định nội bộ của ASEAN, Hiệp hội sẽ chọn một quốc gia đóng vai trò phụ trách việc đối thoại với các quốc gia ngoài khu vực và luân phiên thay đổi vai trò đó ba năm một lần. Nước phụ trách đối thoại sẽ là đồng chủ tịch với đối tác ở hội nghị. Philippines là nước phụ trách đối thoại với Trung Quốc kể từ năm 2018. Ai cũng biết Philippines dưới thời của Tổng thống Benigno Aquino III theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc ở Biển Đông, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước; chủ động khởi kiện Trung Quốc lên PCA. Nhưng dưới thời của chính quyền Tổng thống RodrigoDuterte hiện nay, nước này đã hoàn toàn thay đổi chính sách ngoại giao bằng cách ưu tiên nhận hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc.
Theo bảng chữ cái để xếp thứ tự phân công, nước sẽ phụ trách đối thoại tiếp theo sau Philippines là Malaysia. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vốn là chính khách có thái độ nghiêm khắc đối với Trung Quốc, ông này là người “không dễ nhằn”. Vì thế, có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng hoàn thành COC trong giai đoạn thời gian mà Philippines đang giữ vai trò nước phụ trách đối thoại với thái độ ngày càng thân thiện hơn với Trung Quốc. Ông Richard Heydarian – người đã có nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, đến từ Đại học De La Salle của Philippines cũng cho rằng, Trung Quốc đưa ra khoảng thời gian 3 năm là có chủ ý, vì 3 năm nữa là thời điểm Philippines kết thúc vai trò điều phối viên quan hệ đối tác đối thoại ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2018 – 2021. Trong khi đó, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, Philippines đã chuyển hướng “nghiêng hẳn” về Trung Quốc, do đó Trung Quốc tin là có thể gây sức ép với Philippines trong vai trò nói trên đối với xây dựng COC; mặt khác, khoảng thời gian đó cũng đủ để Trung Quốc củng cố sự hiện diện ở Biển Đông, đặc biệt là hoàn thiện các công trình quân sự xây dựng trái phép tại Trường Sa, dựa vào thực lực không ngừng tăng lên để giành quyền chủ đạo lớn hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo về COC.
Ba là, theo một số nguồn tin có liên quan cho hay, Trung Quốc đang chủ trương đạt được ba điều sau đối với xây dựng các điều khoản của COC:
(1) Không áp dụng UNCLOS 1982 trong nội dung đàm phán COC.
(2) Cần có sự đồng ý trước của các nước liên quan về các cuộc tập trận quân sự chung trên Biển Đông với những nước ở ngoài khu vực.
(3) Không hợp tác khai thác tài nguyên với nước ngoài khu vực.
Như vậy, điều thứ nhất có nghĩa là Trung Quốc sợ rằng nếu áp dụng các nội dung của UNCLOS 1982 thì sẽ bất lợi cho quyền lợi của họ, nhất là về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên biển vì Bộ luật này quy định rất rõ ràng phạm vi được tính của các vùng trên. Họ chỉ muốn xây dựng COC như một bộ luật riêng của khu vực.
Điều thứ 2 cho thấy, Trung Quốc vẫn khư khư giữ quan điểm Biển Đông là “ao nhà” do họ làm chủ, người ngoài không được “bén mảng” đến. Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng căng thẳng, nếu các nước ngoài khu vực tập trận quân sự chung trên Biển Đông với một nước nào đó trong khu vực thì chẳng khác gì đem “bom nổ chậm” để trước cửa nhà Trung Quốc. Họ lo sợ quá đi chứ.
Còn điều thứ 3 có thể hiểu, nếu không có sự “ăn chia” với Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, thì các nước khó có thể làm ăn với các đối tác ngoài khu vực. Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 đến nay là nhằm thực hiện nhiều mục đích, nhưng trong đó còn có mục đích là để “nhắc nhở” Việt Nam và các nước khác về vấn đề này.
Bốn là, lợi dụng triệt để khoảng thời gian trước khi COC ra đời để củng cố và mở rộng các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách “đường chín khúc” ở Biển Đông. Để đi đến ký kết một COC thực chất và hiệu quả, điều quan trọng nhất là các bên phải tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, DOC, duy trì môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông, không có các hoạt động làm cho tình hình khu vực thêm bất ổn… Thế nhưng, trong khi các nước đang nỗ lực hướng tới vấn đề này, thì từ đầu năm 2019 đến nay, không ai khác mà chính là Trung Quốc đã chủ động “phá vỡ” không khí hòa bình, ổn định vốn đã được duy trì và thiết lập trong vài năm gần đây ở Biển Đông. Điển hình nhất cho hành động này của Bắc Kinh chính là vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rong tháng 6/2019 và việc Trung Quốc 2 lần ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 đến nay. Đánh giá hành động này của Trung Quốc nhiều chuyên gia cho rằng: “Việc Trung Quốc cùng lúc gây rối không chỉ ở Biển Đông mà còn ở biển Hoa Đông; không chỉ ở vùng biển Việt Nam mà còn ở vùng biển của các nước khác có nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích nhằm tạo sức ép đối với các nước ASEAN trong việc đàm phán COC”. Nói trắng ra là, Trung Quốc đang lợi dụng khoảng thời gian trước khi COC ra đời để gia tăng các hoạt động củng cố, mở rộng tham vọng về “chủ quyền” của mình ở Biển Đông bằng các hành động phô trương sức mạnh và đe dọa, đồng thời cũng là cách để Bắc Kinh tạo ưu thế trên bàn đàm phán.
Cho đến nay, thất bại lớn nhất của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể kể đến là phán quyết của PCA và sự chỉ trích, lên án cũng như can dự của cộng đồng quốc tế với thái độ và cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh buộc phải tìm cách vừa gỡ lại hình ảnh uy tín ngày càng xấu đi trên trường quốc tế, đồng thời vẫn cố đảm bảo lợi ích có được ở Biển Đông mà họ đã “hao tâm, tổn sức” rất nhiều. Cách tốt nhất mà họ đưa ra “thi thố” là tuyên truyền rằng, Trung Quốc đang thúc đẩy và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy COC – một biểu hiện thượng tôn pháp luật. Nhưng họ cũng tìm cách loại bỏ sự ảnh hưởng của UNCLOS 1982 ra khỏi văn kiện COC trong quá trình đàm phán. Không những thế, họ còn tiếp tục muốn đẩy các quốc gia thứ ba ra khỏi Biển Đông, không chỉ ở phương diện quân sự mà cả phương diện ngoại giao. Trong đó, trước tiên là muốn đẩy Mỹ và đồng minh ra khỏi Biển Đông thông qua COC.
Tất nhiên các nước ASEAN, đặc biệt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, sẽ không để cho ý đồ của Trung Quốc biến thành hiện thực. Giới quan sát cho rằng, ASEAN cần bình tĩnh, thận trọng và cảnh giác, tránh đưa ra những quyết định vội vàng có thể “mắc hỡm” với Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mỗi nước và cả khu vực. Những diễn biến từ các hội nghị của ASEAN tại Thái Lan vừa qua cũng như dư luận của nhiều nước trong và ngoài khu vực Biển Đông cho thấy, ASEAN sẽ không nhượng bộ trước các điều kiện của Trung Quốc. Một COC hiệu quả, thực chất, đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên có liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, là mục tiêu ASEAN cần hướng tới, nếu không đạt được mục tiêu đó thì nói như ông Richard Heydarian: “Thà không có, còn hơn là có COC theo các điều kiện của Trung Quốc”.
Từ đàm phán COC đến vụ việc ở bãi Tư Chính,
càng lộ rõ ý đồ thôn tính Biển Đông của TQ
Trong suốt 15 năm kể từ khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, các nước ASEAN đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc tiến hành đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), song Trung Quốc đều khước từ để tranh thủ củng cố chỗ đứng của họ ở Biển Đông thông qua việc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, rồi tiến hành mở rộng bồi đắp các cấu trúc ở Biển Đông thành những đảo nhân tạo và bố trí tên lửa, vũ khí, trang thiết bị quân sự biến những chúng thành những đồn điền quân sự của Trung Quốc hòng khống chế Biển Đông.
Sau khi cơ bản hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông, từ năm 2017, Trung Quốc chủ động đề xuất đàm phán về COC. Thậm chí còn tỏ ra sốt sắng, muốn nhanh chóng thúc đẩy ký kết COC, đưa ra thời hạn hoàn thành đàm phán COC trong vòng 3 năm. Tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra ý kiến này trong Hội nghị ASEAN – TQ vào tháng 11/2018.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng trước đây Trung Quốc trì hoãn COC để “câu giờ” cho việc xây dựng đảo nhân tạo. Bây giờ công việc đó đã xong, Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử này. Phân tích về điều này, Giáo sư James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã trì hoãn tiến trình đàm phán COC để xây dựng lực lượng; “Bắc Kinh xem COC như một chiến thuật câu giờ, kéo dài thời gian đàm phán ròng rã 17 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, Trung Quốc xây dựng kiên cố vị thế lẫn sức mạnh”.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc hôm 31/7/2018 ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn cho rằng COC “nhất định” sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn ba năm tới. Vì sao Trung Quốc lại sốt sắng đẩy nhanh đàm phán COC vào lúc này? Nguyên nhân là: (i) Trung Quốc đã thiết lập được chỗ đứng vững chắc trên Biển Đông sau khi lập ra các đồn điền quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông, họ muốn có COC để “hợp pháp hóa” điều này; (ii) Trước việc Mỹ và các nước ngày càng quan tâm và can dự sâu thêm vào Biển Đông để ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, Trung Quốc muốn có COC để đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông với luận điệu “Trung Quốc và ASEAN đã giải quyết ổn thỏa vấn đề Biển Đông”; (iii) Đưa ra thời hạn hoàn thành COC để thúc ép các nước ASEAN chấp nhận những nội dung có lợi cho Trung Quốc trong COC.
Đặc biệt, các nước đang hết sức bất bình trước việc Trung Quốc yêu cầu các nước ASEAN đưa vào COC nội dung ngăn cản các nước ASEAN hợp tác với các nước ngoài khu vực ở Biển Đông. Họ yêu cầu nếu các nước ASEAN hợp tác hay diễn tập quân sự với bên ngoài phải được sự đồng ý của Trung Quốc. Với yêu sách ngang ngược này, Trung Quốc đã biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Đương nhiên, các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông không thể chấp nhận yêu sách phi lý này của Trung Quốc. Tuy nhiên, đòi đưa nội dung này vào COC lộ rõ ý đồ độc chiếm, thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.
Cùng với việc thúc ép các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở Biển Đông nhằm tạo ra một thực trạng mới, biến các khu vực không tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước thành vùng tranh chấp. Việc họ cho tàu chiến, tàu khảo sát đi vào sâu vùng biển của Philippines, thậm chí đi vào lãnh hải, cách bờ biển Philippines chỉ vài hải lý hay việc các tàu hải cảnh, tàu chấp pháp Trung Quốc ngăn cản hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng biển của Malaysia là những minh chứng cụ thể cho hành vi gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt, việc từ đầu tháng 7/2019, tàu Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu cá dân binh Trung Quốc xâm lấn khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (có lúc vào chỉ cách bờ biển Việt Nam trên 100 hải lý) và đe dọa uy hiếp các hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam càng thể hiện rõ ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích đánh giá những hành động gây rối trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây là nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán COC. Trung Quốc đã kết hợp một cách đồng bộ đàm phán và hành động trên thực địa nhằm buộc các nước phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Trong
đàm phán COC, Trung Quốc đòi đưa vào nội dung loại bỏ các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông; còn trên thực địa họ dùng các tàu chấp pháp cỡ lớn ngăn cản hoạt động hợp tác dầu khí của các nước ven Biển Đông với các nước khác, đồng thời triển khai các hoạt động khảo sát bất hợp pháp.
Các nước đã có phản ứng mạnh mẽ trước mưu đồ của Bắc Kinh đòi loại bỏ các nước ra khỏi Biển Đông trong đàm phán COC với ASEAN, nhiều nước đã lên tiếng yêu cầu COC phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc vể Luật biển 1982, trong đó đề cao việc tôn trọng quyền và lợi ích của các nước ven biển và các nước không có biển trong việc sử dụng các vùng biển; ngăn cấm một quốc gia độc chiếm các vùng biển.
Mặt khác, thấy rõ mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc qua các hành vi cưỡng ép leo thang đối với các nước ven Biển Đông gần đây, nhất là việc liên tiếp cho nhóm tàu Hải Dương 08 khảo sát bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, uy hiếp hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam suốt từ đầu tháng 7/2019 đến nay, nhiều nước đã lên tiếng phản đối hành vi hiếu chiến của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.
Qua những phân tích trên đây, chúng ta càng thấy rõ hơn ý đồ bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc; đồng thời thấy được nguyên nhân vì sao Trung Quốc tỏ ra chủ động thúc đẩy đàm phán COC cùng với việc gia tăng các hoạt động xâm lấn trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông. Các nước ASEAN cần hết sức tỉnh táo trong đàm phán COC, tránh rơi vào “cái bẫy” của Trung Quốc.
Tin rằng Mỹ và các nước khác không thể để Trung Quốc hoành hành, khống chế Biển Đông. Họ sẽ đứng về phía các nước ven Biển Đông để chống lại các hành vi ngang ngược của Trung Quốc để duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc sẽ là “gậy ông đập lưng ông” mà thôi.
Tương lai Biển Đông: Vẫn còn nhiều bất ổn
Tình hình tại Biển Đông hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và tương lai của khu vực vẫn là dấu chấm hỏi lớn. Động thái gần đây của các nước có liên quan cũng không cho thấy bất kì sự nhượng bộ thay thỏa hiệp nào.
Về phía Philippines, ngày 18/9, Phủ Tổng thống Philippines Malacanang đã bác bỏ kêu gọi nêu lại thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc năm 2016 tại kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario. Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Salvador Panelo nói rằng các nỗ lực nêu lại phán quyết năm 2016 là “vô ích” bởi vì Liên Hợp Quốc (UN) “không có lực lượng thực thi pháp luật.” Ông cho rằng phương hướng chính sách hiện tại của Tổng thống Duterte là hiệu quả. “Dù giờ chưa có tiến triển gì [đối với vấn đề giải quyết tranh chấp tại Biển Đông] nhưng các cuộc trao đổi vẫn diễn ra song song với các cuộc đàm phán về các vấn đề khác có lợi cho đôi bên”.[1]
Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đưa ra “khuôn khổ định hướng” mới cho chính sách đối ngoại của đất nước. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Mahathir đề xuất giải pháp không quân sự hóa các vùng biển tranh chấp vì một khu vực hòa bình, hữu nghị và thương mại. Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn Khu vực Hòa bình, Tự Do và Trung lập (ZOPFAN) được Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký năm 1971. Hiệp định trên bao gồm cả điều khoản về “giữ khu vực Đông Nam Á khỏi sự can thiệp dưới mọi hình thức của các thế lực bên ngoài.” Thủ tướng Mahathir cũng nhấn mạnh rằng Malaysia mong muốn một mối quan hệ có lợi cho cả hai bên với tất cả các nước, sẽ hợp tác với các nước cùng chung hướng không liên kết để đảm bảo rằng mọi quốc gia có thể “tham gia một cách bình đẳng, không chịu áp lực từ bất kỳ quốc gia lớn nào.”[2]
Mark Valencia, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quốc gia Nam Hải tại Hải Khẩu, Trung Quốc, dự đoán rằng tình hình ở Biển Đông sẽ không thay đổi gì nhiều so với hiện tại:(i) an ninh và ổn định khu vực sẽ tiếp tục suy giảm do Mỹ và Trung Quốc liên tục gia tăng quân sự hóa;(ii) các nước ASEAN sẽ tiếp tục nằm ngoài lề tại các hoạt động an ninh khu vực, nhường tâm điểm cho cuộc tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc; (iii)các quốc gia này cũng sẽ chịu áp lực nhiều hơn về việc phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc; (iv) có thể sẽ có thỏa hiệp về cùng hợp tác khai thác và phát triển dầu khí
giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông nếu Trung Quốc và Philippines thành công đưa ra một tuyên bố hợp tác chung.[3]
0 nhận xét