Tin Biển Dông – 17/09/2019
Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019
18:30
//
Biển Đông
,
Slider
Xây dựng mạng lưới
máy bay không người lái giám sát Biển Đông:
Hành động bá quyền phi pháp mới của TQ
Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang triển khai xây dựng trái phép mạng lưới các máy bay không người lái để “giám sát” và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực.
Hành động bá quyền mới của Trung Quốc
Theo thông tin trên, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang xây dựng mạng các máy bay không người lái (drone) để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm, 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông và một mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông.
Văn phòng Bộ Tài nguyên Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “chuỗi liên lạc từ các drone giúp chúng tôi tăng cường sự giám sát liên tục đối với Biển Đông và mở rộng phạm vi giám sát của chúng tôi đến những vùng biển xa xôi”; tuyên truyền rằng “hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý giao thông
hàng hải, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn và giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp”.
Việc triển khai mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông là động thái mới nhất của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đẩy mạnh việc thực thi yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên thiết lập các tiền đồn quân sự trên bảy đảo nhân tạo mà nước này tiến hành bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; triển khai nhiều hệ thống quan trắc, giám sát trái phép dưới nước, trên không và trên mặt biển ở Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường, cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.
Mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông trái phép của Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu tăng cường kiểm soát khu vực
Thứ nhất, hệ thống trên có khả năng thu thập thông tin, hình ảnh có độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực, khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng.
Thứ hai, hệ thống giám sát cũng hỗ trợ hải quân, không quân và pháo binh Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác.
Thứ ba, hệ thống giám sát trên còn giúp Trung Quốc bảo vệ sáng kiến “Vành đai, Con đường”, trong đó bao gồm “Con đường Tơ lụa trên biển”, trải dài từ bán đảo Triều Tiên tới vùng biển Đông Phi, qua những khu vực Bắc Kinh chưa có kinh nghiệm hoạt động.
Thứ tư, hệ thống giám sát trên cũng sẽ hỗ trợ ngư dân Trung Quốc tổ chức đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của các nước, tránh bị lực lượng chấp pháp các nước bắt giữ.
Cuối cùng, việc cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao, đa góc… sẽ khiến Trung Quốc có thể theo dõi, giám sát bất hợp pháp hoạt động quân sự cũng như bố trí chiến lược tại các đảo, đá của các nước trên Biển Đông.
Hệ thống giám sát của Trung Quốc là bước đi nguy hiểm, tác động lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Thứ nhất, một khi được hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông đê phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống giám sát ngầm dưới biển còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông.
Thứ hai, tuy Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng các hệ thống giám sát của Bắc Kinh chủ yếu phục vụ kiểm soát tài nguyên, phòng chống thiên tai hay đảm bảo an toàn hàng hải. Nhưng mục đích thật sự của Chính quyền Bắc Kin nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Hành động theo dõi, giám sát hoạt động của tàu, thuyền của các nước đang qua lại ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải.
Việc Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc triển khai mạng lưới giám sát bằng drone ở khu vực Biển Đông mà chưa được Việt Nam đồng ý là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc triển khai mạng lưới giám sát bằng drone ở khu vực Biển Đông cũng đi ngược lại Điều 2 và Điều 3 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 2 quy định: “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Trong khi đó, Điều 3 ghi rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982”.
Nhìn chung, Trung Quốc triển khai mạng lưới giám sát bằng drone ở khu vực Biển Đông là để tăng cường quyền kiểm soát trong khu vực, ngăn chặn Mỹ và các nước can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan. Trước tình hình trên, các nước liên quan, nhất là Mỹ cần theo dõi chặt chẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc để đưa ra phương án xử lý hiệu quả nhất.
Trung Quốc sẽ dùng tàu vận tải mới cực lớn
để tiếp tế cho Hoàng Sa?
Một tàu vận tải cỡ lớn mới có thể sẽ được Trung Quốc dùng để vận chuyển tiếp liệu đến các cứ điểm mà Bắc Kinh đã xác lập trong khu vực Biển Đông đầy tranh chấp.
Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến cho các nước quanh Biển Đông lo sợ khi Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng các đảo nhỏ trong khu vực thành các cơ sở cho quân đội sử dụng.
Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền trên khoảng 90% diện tích.
Theo tường thuật của Tân Hoa Xã, tàu vận tải Sansha 2 của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm vào tháng 8.
Con tàu được cho biết là “có thể hoạt động bao trùm toàn bộ Biển Đông”, và có trọng lượng rẽ nước hơn 8.000 tấn sẽ phục vụ cho cả dân sự lẫn quân sự.
Các nhà phân tích dự đoán con tàu sẽ được dùng để đưa thiết bị ra quần đảo Hoàng Sa – nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đang kiểm soát – và có thể ra xa hơn tới quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Jay Batongbacal, giảng dạy về hàng hải quốc tế tại trường đại học Philippines, nói Trung Quốc “đang mở rộng khả năng ở mọi nơi”.
Ông cho rằng “việc triển khai trong các khu vực tranh chấp mang tính biểu tượng nhiều hơn. Điều này quan trọng hơn đối với họ, vì họ có thể đi trước các nước trong khu vực”.
Tàu vận tải cực lớn
Tàu vận tải thứ hai của Trung Quốc có trọng lượng rẽ nước đặc biệt lớn, có thể sẽ được dùng để vận chuyển đạn dược, thực phẩm, nước và máy phát điện cho các đảo nhỏ mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát, theo ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách cao cấp ở Đài Loan cho biết.
Ông Adrew Yang nói tàu vận tải mới nhất sẽ “tăng cường hỗ trợ hậu cần” cho các binh sĩ đóng trên các đảo nhỏ.
“Họ có quân đội hoạt động và đồn trú ở đó. Vì vậy, chắc chắn họ cần một hệ thống hỗ trợ hậu cần nhiều khả năng hơn”, ông Yang nói thêm.
Chuyến vận hành thử nghiệm tàu Sansha 2 hồi cuối tháng 8 đã đưa con tàu đến Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo Tân Hoa Xã, con tàu có thể đi được 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và chở được tới 400 người.
Trung Quốc đang vận hành một đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm và bố trí binh sĩ tại đó.
Tàu vận tải được sử dụng trên đảo cách đây 11 năm chỉ có thể chở 2.540 tấn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã xây đường băng và các nhà chứa máy bay quân sự trên ba đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa.
Ưu thế của Trung Quốc
Các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều thiếu kỹ năng và sức mạnh quân sự so với Trung Quốc.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đứng thứ ba thế giới, đã đưa máy bay ném bom đến quần đảo Trường Sa vào năm ngoái.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc còn có kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển vào năm 2020.
Giáo sư Batongbacal nói tàu vận tải mới đánh dấu công nghệ mới nhất của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng có thể sẽ sản xuất thêm nhiều con tàu cùng loại để có thể luân chuyển, theo dự báo của ông Yang.
Tân Hoa Xã cho biết nơi làm tàu Sansha 2 và Sansha 1 trước đó có kế hoạch sẽ bắt đầu làm tàu vận tải thứ ba để “cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhân sự đồn trú trên các đảo”.
Ông Yang nói Đài Loan thỉnh thoảng đưa tàu đến Trường Sa nhưng Đài Loan chỉ có một đảo trong quần đảo này.
Hải quân Việt Nam có tàu vận tải nhưng thường sử dụng các tàu đánh cá nhỏ hơn cho các công việc vận tải trên Biển Đông, chuyên gia Collin Koh chuyên nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói.
Theo ông, Trung Quốc có thể gây gián đoạn các hoạt động tiếp tế của các tàu nhỏ hơn.
“Vấn đề ở đây là liệu các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể tái tục tiếp tế cho các đơn vị đồn trú của họ không bị gián đoạn, theo cách mà Trung Quốc đang tận hưởng ở Biển Đông hay không”, ông Koh nói.
Hoa Kỳ và Trung Quốc, từng là kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh và là đối thủ kinh tế thời hiện đại, bắt đầu tăng số lượng tàu thuyền đi qua Biển Đông vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Washington không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn cổ xúy cho vấn đề tự do hàng hải trên thủy lộ này.
Hội thảo “Các vùng biển với sự ổn định
và phát triển kinh tế trong khu vực”:
Hoạt động của TQ ở Biển Đông là phi pháp
Ngày 9/9, Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ (NMF) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội thảo “Các vùng biển với sự ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực”. Tại Hội thảo, giới nghiên cứu đã nêu bật tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay là do các hành vi phi pháp của Trung Quốc.
Hội thảo được chia thành hai phiên thảo luận, với chủ đề “Sự quyết đoán ở Biển Đông, quan điểm từ Việt Nam và Ấn Độ” và “Nhận diện các điểm dễ bị tổn thương về địa chính trị ở Biển Đông: Xác định các lợi ích kinh tế và con đường pháp lý”. Các học giả đã nêu bật tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay xuất phát từ các hành vi của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Không những vậy, giới học giả cũng đã thảo luận về những lợi ích kinh tế cũng như các nguy cơ và thách thức đối với các tuyến hàng hải trọng yếu ở Biển Đông và sự cần thiết phải đảm bảo an ninh, an toàn cho những tuyến đường này phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Theo bà Aayushi Ketkar (giảng viên Khoa quan hệ quốc tế Đại học Gautam Buddha của Ấn Độ), hành vi của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông không chỉ cản trở tự do đi lại mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác – địa kinh tế là một trong số đó. Khu vực Biển Đông đóng vai trò hết sức trọng yếu đối với an ninh năng lượng trong hiện tại và tương lai. Việc thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ là điều mà các nước như Việt Nam và Ấn Độ cần phải chú trọng. Vì nếu chúng ta không làm được thì không một nước nào khác có thể làm được.
Trước đó, NMF và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam (24/4) cũng đã tổ chức hội thảo “Hợp tác hàng hải Ấn Độ – Việt Nam: Những điểm hội tụ” nhằm xác định những lĩnh vực hợp tác cụ thể có tiềm năng giữa hai nước. Tham dự hội thảo có Phó Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ; Tiến sĩ Ash Narain Roy – Giám đốc Viện Khoa học Xã hội, cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã tham dự hội thảo. Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã đề cập đến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang phát triển giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết phải hiện thực hoá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng thông qua nhiều phương cách khác nhau, bao gồm cả việc đẩy
mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng hải. Ông Pradeep Chauhan, Giám đốc NMF đánh giá Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là đối tác hết sức quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. Có những điểm hội tụ về địa chính trị lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các khu vực khác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến những điểm hạn chế về kết nối hàng hải mà hai nước cần khắc phục để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác song phương. Ngoài ra, tại hội thảo, các học giả cũng chỉ ra việc hai nước có thể đạt được nhiều mục tiêu địa kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế hàng hải tương hỗ như thúc đẩy nghề cá bền vững, thăm dò và sản xuất năng lượng ngoài khơi, công nghệ sinh học biển. Ngoài ra, các cơ chế song phương để thúc đẩy và đảm bảo sự an toàn và an ninh hàng hải như cảnh báo thời tiết và định vị, tìm kiếm và cứu nạn, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa… cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình này.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi công bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông tập trung vào các mục tiêu: (1) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (2) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, Ấn Độ đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. (3) Tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đang tích cực sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để can thiệp sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm chế Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động giao lưu, tập trận hải quân; theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán, cứng rắn và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc đưa việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải thành lợi ích quốc gia. Giáo sư Mohan Malik, Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định mình có quyền lợi chính đáng liên quan tự do hàng hải và khai thác tài nguyên tại Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước nhỏ trong khu vực đối trọng với Trung Quốc. (4) Thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ấn Độ tích cực can dự vào Biển Đông là do có sự thay đổi nhận thức, tình hình và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan. Việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo phi pháp các đảo đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm và tiến hành quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đe dọa trực tiếp đến vị thế, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Việc Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và tăng cường quân sự hóa trên các đảo tranh chấp đồng nghĩa với việc tự do hàng hải của các tàu chiến, tàu thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực Biển Đông sẽ bị hạn chế và phải “xin phép” Trung Quốc, nếu không muốn bị cản trở. Trên thực tế, trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ chủ trương phát triển quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng”, chú trọng hợp tác kinh tế, giữ ổn định khu vực. Tuy nhiên, việc tranh chấp biên giới giữa hai nước đang là vấn đề đặt ra mà hai bên cần tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương cũng tác động không nhỏ tới quan hệ hai nước; trong đó, việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay Vikrant và chạy thử tàu ngầm hạt nhân đầu tiên,… đã cho thấy tham vọng làm chủ Ấn Độ Dương và tăng cường hiện diện sức mạnh tại Thái Bình Dương của nước này, nhằm cạnh tranh với một số nước lớn trong khu vực.
Vì vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông theo hướng linh hoạt hơn. Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ bày tỏ quan điểm và lập trường ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), nghiêm túc thực thi Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ mới chỉ can dự vào các thiệp vào các vấn đề tại Biển Đông ở mức vừa phải là do: Ấn Độ không nằm hoàn toàn ở khu vực Biển Đông, chỉ là nước có liên quan lợi ích tại khu vực; Ấn Độ còn phải tập trung xử lý, giải quyết nhiều vấn đề thách thức tại khu vực Nam Á và ảnh hưởng trong quan hệ song phương giữa Ấn Đô – Trung Quốc đang ngày càng quan trọng. Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất và là đối tác xuất khẩu thứ tư của Ấn Độ, nên Ấn
Độ khó có thể đưa ra các quan điểm cứng rắn, chỉ trích Trung Quốc do lo ngại tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Thời gian tới, Ấn Độ sẽ tăng cường hiện diện và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm đối phó với những thách thức về tự do hàng hải cũng như đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp với Mỹ trong duy trì và đảm bảo an ninh, hòa bình ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, nhất là Việt Nam để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực cũng như đối phó với Trung Quốc.
0 nhận xét