Đọc báo Pháp – 20/09/2019
Tin tặc, vận động hành lang :
Trung Quốc lũng đoạn chính trường Úc
Thông tín viên của Le Monde ở Sydney cho biết « Trung Quốc tấn công vào Quốc Hội Úc bằng tin tặc và vận động hành lang ».
Theo tiết lộ của hãng tin Reuters hôm 16/9, dẫn ra năm nguồn thạo tin, thì cơ quan tình báo Úc nhận định Trung Quốc là thủ phạm các vụ tấn công tin học vào Quốc Hội và ba đảng chính của Úc. Hồi tháng Hai Canberra đã nhìn nhận hệ thống vi tính của Quốc Hội Úc có bị xâm nhập, có lẽ là từ một chính phủ nước ngoài, nhưng không nêu tên. Báo cáo của tình báo Úc khuyến cáo nên giữ bí mật để không ảnh hưởng đến quan hệ với Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của Úc.
Hoạt động gián điệp hay nhằm gây ảnh hưởng ? Hervé Lemahieu, giám đốc chương trình Quyền lực và ngoại giao châu Á của Lowy Institute ở Sydney cho rằng các biện pháp tương tự của gián điệp có thể được khai thác để lũng đoạn chính trị.
Trong những năm gần đây, chính phủ Úc gia tăng nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây. Ông Lemahieu cho biết : «Ngay từ năm 2017, Canberra đã cấm các đảng phái nhận tiền từ nước ngoài và đòi hỏi các nhà vận động hành lang phải khai báo tất cả mọi quan hệ với chính quyền nước khác. Một năm sau, chính phủ Úc cấm Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G». Ông kết luận : « Úc nói ít, làm nhiều ».
Từ tuần trước, dân biểu đảng Tự Do Liệu Thiền Nga (Gladys Liu), người gốc Hoa đầu tiên vào được Hạ Viện đã « biết đá biết vàng » với không khí nghi kỵ về trọng lượng của Bắc Kinh trong nội tình nước Úc. Báo chí Úc tiết lộ bà Liệu Thiền Nga, sinh tại Hồng Kông và định cư ở Úc năm 1985, từng là thành viên của hai hiệp hội Trung Quốc trong khu vực có liên quan đến Mặt trận Tổ quốc ở Hoa lục, từ 2003 đến 2015. Tổ chức đầy quyền lực này có nhiệm vụ thu phục các đồng minh không cộng sản tại các nước, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa.
Bà Liệu phải giải thích trong các cuộc tranh luận kịch liệt ở Quốc Hội, theo yêu cầu của đảng Lao Động đối lập, là bà không biết ai đã ghi tên bà vào hội, và khẳng định đã ra khỏi các tổ chức này. Thủ tướng Scott Morrison, mà đảng Tự Do của ông đã hưởng được các món quyên góp lớn – khoảng 1 triệu đô la Úc (620.000 euro) – nhờ bà Liệu Thiền Nga và mạng lưới của bà, tố cáo đây là chiến dịch « vu khống ».
Trường hợp Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) gây ồn ào nhất trong các vụ Bắc Kinh can thiệp vào chính trường Úc, và vẫn chưa kết thúc. Hôm thứ Ba 17/9, chính quyền Úc đã phong tỏa bốn tòa nhà sang trọng của đại gia địa ốc Trung Quốc. Ông này không những bị từ chối cho nhập tịch mà tư cách thường trú nhân cũng bị chấm dứt, do là trung tâm cuộc điều tra về các món tiền đóng góp bất hợp lệ cho đảng Lao Động, qua vụ này một thượng nghị sĩ là Sam Dastyari đã phải ra đi.
Trung Quốc-Vatican, năm thứ nhất
Cũng liên quan đến người khổng lồ châu Á, nhật báo Công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc – Vatican, năm thứ nhất ».
Ngày 22/09/2018, Tòa Thánh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc phong chức cho các giám mục tại Trung Quốc. Một năm sau, thỏa thuận này đã được dần dà áp dụng, cho dù chính sách tôn giáo của Trung Quốc vẫn nặng nề.
Nhà báo Gianni Valente của hãng tin Vatican, chuyên về Trung Quốc nhận xét : « Việc Đức giáo hoàng là người quyết định cuối cùng trong việc chọn lựa giám mục đã làm thay đổi rất nhiều ». Ông nhìn nhận rằng thỏa thuận này « không hoàn hảo và không giải quyết được mọi vấn đề », tuy nhiên « từ nay tất cả các giám mục Trung Quốc được Roma công nhận – một cuộc cách mạng vì đây là vướng mắc trong suốt 70 năm qua ».
Không có các ứng dụng Google,
smartphone Hoa Vi như « cục gạch » đắt tiền
Về kinh tế, Les Echos đề cập đến việc Hoa Vi hôm qua tại Munchën (Munich), Đức đã giới thiệu hai mẫu điện thoại mới là Mate 30 và Mate 30 Pro, nhưng không có các ứng dụng của Google.
Mười bốn ăng-ten 5G, 4 cảm biến chụp ảnh, có thể cài đặt siêu chậm để quay lại một con chim ruồi nhỏ bé đang vỗ cánh…hai sản phẩm công nghệ tuyệt vời này lại không có được Google Mobile Services do bị Mỹ trừng phạt.
Bị Washington cho vào danh sách đen hồi tháng Năm, Hoa Vi không còn được sử dụng Android, hệ điều hành dùng cho tất cả các smartphone của hãng này từ năm 2009, cũng như Play Store, nơi tập trung mọi ứng dụng. Hoa Vi thay thế bằng Huawei Mobile Services, có khoảng 45.000 ứng dụng, và đang làm phong phú thêm : dành đến 1,5 tỉ đô la để kích thích các lập trình viên lập ra những ứng dụng mới cho mình.
Tuy nhiên rất khó bán cho người tiêu dùng châu Âu các điện thoại không cài sẵn những ứng dụng quen thuộc. Hiện nay Hoa Vi có 570 triệu người sử dụng hàng tháng, nhưng hầu hết ở Trung Quốc, nơi mà các ứng dụng Facebook, Google không thể vào được vì Bắc Kinh kiểm duyệt. Nhà phân tích Neil Mawston kết luận : « Tại châu Âu, smartphone nếu không có Gmail hay Google Maps, chỉ là một cục gạch quá đắt tiền. Nội dung chính là vua ! »
OCDE: Tăng trưởng toàn cầu thấp nhất
từ 10 năm qua
La Croix hôm nay 20/09/2019 nói vềnhững làng quê đã thu hút thêm được cư dân, nhân dịp thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch để hỗ trợ cho các hoạt động tại miền quê nước Pháp vốn thường bị bỏ rơi. Tương tự, Le Figaro chạy tít « Kế hoạch của chính phủ để xoa dịu thị trưởng các vùng quê ».Libération quan tâm đến việc Netflix, dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu, sau năm năm đặt chân lên đất Pháp đã thỏa thuận với kênh Canal+ để hình thành một gói thuê bao chung với giá rẻ.
Nhìn chung kinh tế toàn cầu,Le Monde chạy tựa « Tăng trưởng thế giới : Chẩn đoán gây sốc của OCDE ». Les Echos giải thích « Tăng trưởng : Vì sao thế giới lo ngại ». Mức tăng trưởng của thế giới năm nay chỉ ở mức 2,9%, thấp nhất kể từ 10 năm qua, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố tại Paris hôm qua.
Kinh tế gia trưởng Laurence Boone cổ vũ cho việc nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là lãi suất đang rất thấp. Về trung hạn, thế giới còn thiếu 6.000 tỉ đô la mỗi năm cho giao thông, giáo dục, y tế, điện, viễn thông…Đầu tư ít, nhưng doanh nghiệp tư nhân lại đang nợ nần rất nhiều – một câu hỏi mà OCDE đang tìm lời giải đáp.
Tuy vậy kịch bản của OCDE vẫn còn nhiều bất định. Tổ chức này chưa tính đến tác động từ giá dầu sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu lửa của Ả Rập Xê Út tuần trước. Và Brexit vẫn còn mơ hồ, một « no deal » sẽ khiến tất cả phải trả giá đắt.
Thế giới bên bờ vực khủng hoảng nguyên tử
Một lời cảnh báo khác : « Thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng hạt nhân ». Theo Les Echos, việc từ bỏ các hiệp ước quan trọng về giải trừ vũ khí nguyên tử giữa Nga và Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn lao cho thế giới.
Washington với sự ủng hộ của 28 đồng minh NATO tố cáo Matxcơva vi phạm hiệp ước INF khi cho thử nghiệm, chế tạo và triển khai một loại hỏa tiễn hành trình địa-địa cơ động (SSC-8). Và lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, đến lượt Mỹ cho thử một hỏa tiễn tầm trung.
Một hiệp ước khác là New Start Strategic Arms Reduction Treaty, năm 2010 được tổng thống Barack Obama và đồng nhiệm Nga thời đó là Dimitri Medvedev ký kết, sẽ hết giá trị vào năm 2021 và có thể sẽ không được gia hạn. Mục tiêu là giới hạn số bom mang đầu đạn nguyên tử của mỗi nước là 1.550. Cho đến nay cả tổng thống Donald Trump lẫn Vladimir Putin đều chưa thấy đả động đến việc đàm phán.
Còn một nỗi lo nữa : hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), năm tới sẽ đúng 50 « tuổi ». Một hiệp ước hầu như toàn cầu, vì chỉ có Israel, Ấn Độ và Pakistan không phê chuẩn, còn Bắc Triều Tiên thì rút lui. Trong khi đó tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran ký kết hồi tháng 7/2015.
Ngày nay, trên thế giới không còn là sự đối đầu lưỡng cực Mỹ-Liên Xô, mà mối đe dọa đã trải rộng với việc Trung Quốc bước vào sân chơi, chế tạo ra các loại vũ khí nguyên tử chiến thuật. Một tình thế đảo lộn, mà châu Âu đang phải đứng ngoài cuộc chơi.
« Bây giờ là 12 giờ đêm kém 2 phút trước Ngày phán xử cuối cùng », tựa một bài báo hồi đầu tháng Giêng của « Bulletin of the Atomic Scientists ». Chuyên gia François Heisbourg, Quỹ nghiên cứu Chiến lược (FRS) khẳng định, nếu tổng thể các hiệp ước trên đây đã giúp tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử, thì hãy còn rất ít thì giờ để ngồi lại vào bàn đàm phán.
Ben Ali, ông vua mất ngôi
của Mùa Xuân Ả Rập qua đời
Tại Bắc Phi, sự kiện cựu tổng thống Tunisie qua đời ở tuổi 83 ở quốc gia ông tị nạn là Ả Rập Xê Út, được nhiều tờ báo chú ý. Ông Ben Ali chạy trốn sang đây từ đầu năm 2011, sau 23 năm trị vì bằng bàn tay sắt, do người dân nổi dậy trong cuộc Cách mạng hoa lài. Libération có bài viết « Tunisie : Ben Ali, sự sụp đổ cuối cùng », còn Le Figaro mô tả « Ben Ali, vị vua mất ngôi của Tunisie ».
Les Echos cho biết, tư pháp Tunisie năm 2018 đã kết án khiếm diện nhà cựu độc tài 200 năm tù vì nhiều tội danh trong đó có sát nhân, tham nhũng, tra tấn. Cùng với sự sụp đổ của chế độ độc tài Ben Ali, là cả một hệ thống mafia đã giúp cho ông cướp bóc rất nhiều của cải đất nước.
Sau năm nhiệm kỳ liên tiếp – nhờ sửa đổi Hiến pháp để dỡ bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ và tuổi tác – Zine El Abidine Ben Ali bị đám đông phẫn nộ truy lùng. Ông phải nhanh chóng đào tẩu cùng với bà vợ hai Leila Trabelsi, phu nhân xuất thân là thợ uốn tóc nối tiếng xài sang, tham lam, vơ vét cho cả dòng họ…bị cả nước Tunisie căm ghét. Người dân sẽ không nhỏ một giọt nước mắt nào cho ông.
Françoise Sagan : Buồn ơi chào mi !
Trên lãnh vực văn chương, các báo đều chú ý đến một tiểu thuyết của Françoise Sagan, ra mắt đúng 15 năm sau khi nhà văn nữ hiện sinh của Pháp qua đời, do con trai độc nhất của bà cho xuất bản.
Bản thảo chưa hoàn chỉnh được con trai nhà văn, Denis Westhoff tìm được trong một ngăn kéo, với rất nhiều khoảng trống được chừa do có những từ người đánh máy không hiểu rõ lời bà Sagan. Cuốn tiểu thuyết mang tên « Les Quatre Coins du Cœur » (tạm dịch « Bốn góc trái tim », được in 80.000 bản, là tác phẩm cuối cùng của nhà văn từng gây sóng gió trên văn đàn lúc mới 18 tuổi, với cuốn tiểu thuyết đầu tay « Bonjour Tristesse » (« Buồn ơi chào mi »).
Tin đọc nhanh
(AFP) – Hội Đồng Bảo An nhất trí gia hạn nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan.
Nghị quyết đã được thông qua hôm 17/09/2019, sau khi Trung Quốc rút lại đe dọa phủ quyết. Trong 15 ngày, Trung Quốc đã đòi nêu lên sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nghị quyết, giống như những năm trước đây. Giữa lúc diễn ra cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Washington không muốn nghị quyết nhắc đến sáng kiến của Trung Quốc, một quan điểm được đa số thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ. Sau cùng, nghị quyết đã được thông qua nhờ Đức và Indonesia đứng ra điều chỉnh văn kiện, không đề cập đích danh sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường, nhưng đề cập đến việc thúc đẩy công cuộc « hợp tác và kết nối khu vực », một thuật ngữ được Bắc Kinh chấp nhận.
(AFP) – Đài Loan và quần đảo Kiribati đoạn giao.
Quần đảo nhỏ bé ở nam Thái Bình Dương đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc ngày 20/09/2019 để chạy theo Bắc Kinh. Đây là đồng minh thứ hai – sau đảo Salomon – chính thức rời bỏ Đài Loan trong tuần này. Tổng thống Đài Loan, trong một cuộc họp báo cấp tốc đánh giá : « Kiribati, đảo 100.000 dân đã phạm một sai lầm: rời bỏ một đồng minh chân thật để chọn làm một con tốt trên bàn cờ của Trung Quốc ».
(Reuters) – Bắc Triều Tiên: Thu hoạch ngũ cốc đạt mức thấp nhất từ 5 năm qua.
Đây là lời báo động của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO ngày 19/09/2019. FAO cảnh báo tình hình sẽ khiến 40% dân chúng thiếu lương thực nghiêm trọng và hơn 10 triệu người cần trợ giúp khẩn cấp. Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân mất mùa là do hạn hán, hệ thống dẫn thủy nhập điền yếu kém, ảnh hưởng đến thu hoạch gạo, bắp,… trong lúc mà Bắc Triều Tiên chịu trừng phạt quốc tế. Báo cáo của FAO tiếp nối theo một báo cáo khác của Liên Hiệp Quốc trong năm nay, cho thấy sản xuất lương thực Bắc Triều Tiên xuống đến mức thấp nhất từ 10 năm qua, do bão lụt.
(Reuters) – Thủ tướng Úc công du Hoa Kỳ.
Chuyến viếng thăm Mỹ cấp Nhà Nước của ông Morrison khởi sự ngày 20/09/2019 với một lễ đón long trọng của tổng thống Mỹ Donald Trump, một buổi ăn trưa ở bộ Ngoại Giao và một đại yến ở Nhà Trắng. Thủ tướng Úc là quốc khách thứ hai của ông Trump, sau tổng thống Pháp Macron. Việc Mỹ đón tiếp long trọng thủ tướng Úc cho thấy hai bên xích lại gần nhau hơn vào lúc Washington phải đối đầu cả với Bắc Kinh lẫn Teheran. Các chủ đề thảo luận liên quan đến thương mại, trong đó có vấn đề đất hiếm, và an ninh. Thái độ quyết đoán của Trung Quốc đặc biệt là ở Biển Đông, gây lo ngại trong vùng và cho cả Mỹ.
(AFP) – Cựu độc tài Tunisia qua đời.
Cựu tổng thống Tunisia qua đời hôm qua, 19/09/2019, ở tuổi 83. Chế độ độc tài của cựu tổng thống Ben Ali ngự trị tại Tunisia từ năm 1987. Ông Ben Ali và gia đình chạy sang Ả Rập Xê Út tị nạn đầu năm 2011, một tháng sau khi phong trào đòi dân chủ nổi lên tại Tunisia.
(Reuters) – Pháp chưa cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, hôm qua, 19/09/2019, tuyên bố trên kênh Cnews, trong hiện tại việc cấp quy chế này cho cựu nhân viên an ninh Mỹ là chưa « phù hợp ». Cựu nhân viên của cơ quan an ninh Mỹ NSA, tị nạn tại Nga từ năm 2013, sau khi tố cáo hệ thống theo dõi quy mô lớn của các cơ quan mật vụ Mỹ. Ông Snowden bị tư pháp Mỹ cáo buộc tội làm gián điệp và lấy cắp bí mật quốc gia.
0 nhận xét