Đọc báo Pháp – 16/09/2019
Vì sao phương Tây im lặng về Hồng Kông ?
Châu Á với cuộc đọ sức giữa phòng trào dân chủ Hồng Kông và chính quyền vẫn tiếp tục căng thẳng. Trung Cận Đông có « Syria hậu chiến trong bóng của những người cha đỡ đầu Nga và Iran » và vụ tấn công vào cơ sở sản xuất dầu của Ả Rập Xê Út khiến thế giới lo ngại giá dầu tăng… Đó là những chủ đề quốc tế lớn của các báo Pháp ra hôm nay.
Hồng Kông: Phương Tây né tránh vì lợi ích kinh tế
Trước hết đến với Hồng Kông. Vùng nhượng địa cũ của Anh Quốc từ hơn ba tháng qua lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có kể từ khi được trả lại cho Trung Quốc dưới quy chế đặc khu hành chính. Cuộc đọ sức giữa phong trào biểu tình đòi dân chủ và chính quyền địa phương vẫn không có lối thoát và bạo lực vẫn không chấm dứt. Dư luận báo chí cả thế giới đều quan tâm theo dõi những diễn biến ở Hồng Kông trong những ngày qua.
Nhật báo Công giáo La Croix ghi nhận : « Đã hơn ba tháng từ khi phong trào phản kháng đòi dân chủ và phổ thông đầu phiếu, khởi phát ở Hồng Kông, cộng đồng quốc tế không thấy huy động ủng hộ phong trào này ». Tờ báo đặt câu hỏi : « Tại sao phương Tây lại lặng thinh về Hồng Kông ? ».
Để tìm câu trả lời, tờ báo đăng bài viết của ông Hervé Goulletquer, phó giám đốc nghiên cứu của Ngân hàng Bưu điện Asset Management.
Tác giả cho rằng chính xung đột thương mại với Trung Quốc mà tâm điểm là cuộc thương chiến Mỹ -Trung là nguyên nhân ngăn cản phương Tây đi quá xa, dù các nước này không phải không quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Hồng Kông.
Theo tác giả, xung đột thương mại có nguy cơ mở ra cuộc khủng hoảng rộng hơn. Cả hai bên Mỹ và Trung Quốc đều hiểu không có lợi gì khi đi quá xa. Mỗi bên đều muốn tránh để cuộc khủng hoảng Hồng Kông làm rắc rối thêm cuộc thương lượng vốn đã quá phức tạp. « Trung Quốc biết mình có thể đi tới đâu trong việc trấn áp Hồng Kông còn Hoa Kỳ thì cũng biết giới hạn phản ứng của mình ». Tất cả đều vì lợi ích kinh tế, hai bên lệ thuộc vào nhau quá lớn.
Tác giả phân tích thêm: « Nhiều công ty nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc, doanh thu của các công ty Mỹ trên thị trường Trung Quốc cao hơn 100 tỷ đô la. Nếu chính quyền Trung Quốc muốn gây rắc rối cho chúng ta (phương Tây) thì họ biết sẽ phải làm thế nào ».
Bên cạnh đó Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1000 tỷ đô la nợ của Mỹ dưới dạng trái phiếu. Bắc Kinh mà bán ra ồ ạt số nợ này thì sẽ gây không ít phiền toái cho kinh tế Mỹ cũng như có thể đảo lộn thị trường tài chính thế giới. Theo tác giả đây là vũ khí cuối cùng của Trung Quốc. Tuy nhiên họ cũng không dễ gì sử dụng vì sẽ gây tác động tiêu cực đến mô hình Trung Quốc vốn đang cần sự ổn định.
Tác giả kết luận : « Không ai ham gì khi thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đổ sụp vì quốc gia này đóng góp từ 30 đến 40% tăng trưởng kinh tế thế giới. Quan hệ phương Tây và Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình trong những năm 1970 đã đúc kết là « đồng sàng dị mộng ». Đúng là các nước phương Tây và Trung Quốc gắn với nhau về kinh tế nhưng những khát vọng của họ thì lại mang tính chất khác nhau. »
Ít ra cũng phải tỏ lo ngại
Cùng chủ đề này, La Croix còn có một bài viết khác của chuyên gia Antoine Bondaz, giám đốc chương trình Triều Tiên thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), cho rằng « cần phải bày tỏ lo ngại của chúng ta (Liên Hiệp Châu Âu) với Trung Quốc » về tình hình Hồng Kông.
Riêng với nước Pháp, chuyên gia Bondaz cho rằng « thách thức ở Hồng Kông không phải chỉ là vấn đề nhân quyền. 20 nghìn kiều dân chúng ta có mặt tại đó và rất nhiều lợi ích kinh tế khiến các nhà chính trị Pháp phải lên tiếng. Không phải để tấn công Bắc Kinh mà là để bảo vệ lợi ích của chúng ta. Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ lập trường là một chuyện, điều đó không ngăn cản các nước thành viên làm như vậy ». Tác giả bài viết ghi nhận mới chỉ có Đức là mạnh dạn hơn cả . Trong chuyến thăm Bắc Kinh, thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc đến tình hình Hồng Kông. Hoàng Chi Phong gương mặt tiêu biểu của phong trào phản kháng Hồng Kông liền sau đó tới Đức, được ngoại trưởng Đức tiếp.
Cho dù từ tháng 6 năm nay, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về Hồng Kông. Trong khi đó ở Pháp các nghị sĩ cũng như các đảng phái chính trị không hề nói gì. Không cần phải đặt lại vấn đề về quyền hạn của Bắc Kinh với Hồng Kông mà chỉ là bày tỏ hy vọng đối thoại và hòa dịu thôi cũng không có.
Nhìn sang Mỹ, tác giả thấy Hồng Kông là chủ đề ngày càng được đưa vào trong các tranh luận của các Thượng và Hạ nghị sĩ về Trung Quốc và về cuộc chiến thương mại cũng như là trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên ra tranh cử tổng thống. Ở bên Anh Quốc các dân biểu vẫn thường xuyên chất vấn chính phủ về vấn đề Hồng Kông.
Chuyên gia Antoine Bondaz nhấn mạnh : « Ý nghĩ tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc là một chiến lược tồi. Ngoan ngoãn dễ bảo không giúp có được sự tôn trọng của Bắc Kinh ».
Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung :
Hòa hoãn chỉ là tạm thời
Liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung dằng dai từ 18 tháng, qua lúc bùng lên dữ dội, khi thì lại dịu xuống đầy hy vọng, báo Le Monde có bài « Bắc Kinh và Washington cố giảm căng thẳng » đề cập đến những diễn biến mới nhất của cuộc đọ sức Mỹ -Trung trên mặt trận kinh tế. Vài ngày qua, cả Bắc Kinh và Washington liên tiếp đưa ra các cử chỉ thiện chí như hoãn áp thuế với nhau, mua lại sản phẩm của nhau… Tổng thống Donald Trump thậm chí hôm 12/9 còn cho biết ông không loại trừ khả năng ký một hiệp định thương mại tạm thời với Trung Quốc.
Le Monde đặt câu hỏi, liệu các cử chỉ như vậy có đủ để làm dịu lâu dài các căng thẳng Trung-Mỹ ? Tờ báo khẳng định: Dù một thỏa thuận từng phần hay tạm thời được ký thì cũng chẳng có gì chắc chắn hết. Các vấn đề cốt lõi vẫn còn. Đó là mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc và Mỹ vẫn xung đột với nhau. Trên vấn đề này, không có gì cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng nhượng bộ dù chỉ là một chút, Le Monde kết luận.
Trung Cận Đông căng thẳng thường trực
Trung Cận Đông nơi căng thẳng, xung đột và khủng hoảng thường trực, vài ngày qua lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.
Hôm 14/9 tổ hợp dầu lửa khổng lồ của Ả Rập Xê Út Ramco bất ngờ bị các máy bay không người lái tấn công. Lực lượng nổi dậy người Houthi, Yemen đã nhận trách nhiệm. Tuy nhiên vụ tấn công này có bóng dáng của cuộc xung đột gián tiếp giữa Riyad và Teheran. Một lần nữa Hoa Kỳ lên án Iran đứng đằng sau vụ tấn công để tạo thanh thế, gây ảnh hưởng trong khu vực. Libération nhận xét : « Dầu lửa : Ả Rập Xê Út bị đánh vào túi tiền ». Les Echos chạy tựa lớn trang nhất : « Dầu lửa: Ả Rập Xê Út bị đánh vào giữa tim ». Sau vụ tấn công, Ả Rập Xê Út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, thông báo
giảm phân nửa sản xuất dầu. Điều này sẽ khiến giá dầu thế giới sẽ biến động căng thẳng trong thời gian tới
Syria : Bachar al Assad trả giá đắt
cho sự sống còn của chế độ
Vẫn là thời sự trong khu vực Trung Đông, chuyển qua Syria. Cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm ở đất nước này gần như sắp kết thúc. Chế độ Assad đã vượt qua được cuộc chiến đẫm máu dân này để tồn tại. Tổng thống các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hôm nay gặp nhau tại Ankara để bàn về vấn đề người tị nạn và tương lai của đất nước này.
Nhật báo Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Assad : thời hậu chiến trong bóng các cha đỡ đầu Nga và Iran ». Le Figaro cũng ghi nhận chế độ Damas sống sót nhưng đó là một chiến thắng cay đắng của Bachar al Assad. Cái giá phải trả cho sự tồn tại chế độ này là hơn 500 nghìn người chết, 5 triệu người phải bỏ nhà cửa phiêu bạt trong nước, 6 triệu người ra nước ngoài lánh nạn và một đất nước trong đổ nát hoang tàn.
Cũng như cuộc vật lộn vì sự sống sót 8 năm qua, chế độ Assad sẽ tiếp tục thỏa hiệp và dựa vào những người bảo trợ Nga và Iran trong thời kỳ hậu chiến đầy khó khăn.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Matxcơva tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/09/2019 cho biết đã triển khai tên lửa S-400 tại quần đảo Novaya Zemlya, tăng cường khả năng phòng thủ cho căn cứ Không Quân trên đảo Yuzhny. Trước đây căn cứ này đã được trang bị loại tên lửa S-300. Ngoài quần đảo Novya, quân đội Nga còn hiện diện tại quần đảo Franz Josef Land không có người ở, tại quần đảo Tân Siberia và nhiều địa điểm khác ở Bắc Cực.
(AFP) – Brexit : Đoạn đường đầy gian nan của thủ tướng Boris Johnson.
45 ngày trước thời hạn Brexit, thủ tướng Anh dùng cơm trưa với phái đoàn đàm phán của châu Âu tại Luxembourg vào hôm nay (16/09/2019). Lãnh đạo Anh lạc quan vì đã đạt được những “tiến bộ lớn” với châu Âu về thủ tục ly dị. Ngược một nhà quan sát ví von : trong thực đơn trưa nay sẽ có những món ăn “khó nuốt trôi“.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc báo động về “nguy cơ bị diệt chủng” nhắm vào 600.000 người Rohingya tại Miến Điện.
Báo cáo của một Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Miến Điện được công bố hôm nay (16/09/2019) đưa ra kết luận như trên và trực tiếp quy trách nhiệm cho chính quyền Miến Điện. Ủy ban này đề nghị những người có trách nhiệm trong vụ này phải bị xét xử trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
(AFP) – 46.000 nhân viên tập đoàn xe hơi Mỹ General Motors đình công đòi cải thiện các điều kiện lao động.
Cuộc đình công bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/09/2019. Đây là đợt bãi công quy mô nhất trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ từ hơn một chục năm qua. Dây chuyền sản xuất của GM, tập đoàn xe hơi lớn nhất của Mỹ có nguy cơ bị gián đoạn.
(Reuters) – Thủ tướng Lý Khắc Cường lo ngại Trung Quốc “rất khó” để giữ được mục tiêu tăng trưởng 6 % trong năm nay.
Trả lời báo chí Nga, lãnh đạo Trung Quốc không nêu đích danh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, mà chỉ nói tới một “môi trường quốc tế không thuận lợi“. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8/2018 gây thất vọng. Tăng 4,4 % và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
(AFP) – Một công dân Ba Lan bị tư pháp Nga xử phạt 14 năm tù vì tội gián điệp.
Trong phiên xử phúc thẩm hôm nay tư pháp Nga y án 14 năm tù nhắm vào công dân Ba Lan, Marian Radzajewski, 42 tuổi. Tháng 6 vừa qua ông này đã bị buộc tối thu thập thông tin tình báo và âm mưu bán phụ tùng hệ thống phòng thủ S-300 của Nga cho Ba Lan. Bị cáo là giám đốc một công ty vận tải tại miền đông bắc Ba Lan. Theo cơ quan tình báo Nga FSB, ông này làm việc cho một tổ chức của Ba Lan chuyên cung cấp trang thiết bị cho quân đội và cơ quan tình báo Ba Lan. Vacxava không bình luận về hồ sơ Radzajewski.
(AFP) – Bất ngờ tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống Tunisa hôm 15/09/2019.
Theo kết quả sơ bộ ứng viên Kais Saied, 61 tuổi, không thuộc một đảng phải chính trị nào, đang dẫn đầu với 19 % số phiếu. Chuyên gia về luật hiến pháp này bỏ xa lại phía sau doanh nhân Nabil Karoui một ứng cử viên đang bị cầm tù vì bị cáo buộc trốn thuế. Và đại diện của đảng Ennahda theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, Abdelfattah Mourou. Kết quả chính thức vòng 1 bầu cử tổng thống Tunisia trên nguyên tắc sẽ được thông báo vào ngày mai 17/09/2019. Vòng hai sẽ diễn ra trước ngày 13/10/2019.
(AFP) – Thượng đỉnh Nga -Thổ -Iran tại Ankara về Syria.
Ngày 16/09/2019, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp đồng nhiệm Nga và Iran tại Ankara để bàn về Syria. Thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về Syria lần thứ 5 mở ra trong bối cảnh chính quyền Damas đang tấn công vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại Idleb. Chính quyền Erdogan lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới sẽ bùng lên cùng ngay sát cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara vốn ủng hộ phe nổi dậy tại Syria, ngược lại Matxcơva và Teheran là những điểm tựa chính của tổng thống Bachar al Assad.
(AFP) – Tổ chức bán đấu giá hơn 40 tác phẩm nghệ thuật để quyên tiền tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris.
Cuộc bán đấu giá diễn ra chiều Chủ Nhật 15/09/2019 tại tòa Lâu Đài Chambord. Ban tổ chức thu về được 43.000 euro. Trong số các tác phẩm được giao bán, có hai bản thảo ca khúc Foule Sentimentale và Allô maman, bobo của danh cả Alain Souchon, một bức tranh chịu ảnh hưởng của hội họa truyền thống Nhật Bản của họa sĩ Grégory Cortecero. 500 nhà mạnh thường quân tham gia cuộc bán đấu giá vừa qua.
0 nhận xét