Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 14/09/2019

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019 17:50 // ,

Đọc báo Pháp – 14/09/2019

Tiền Trung Quốc cho vay:

Bom nổ chậm cho những con nợ

« Quả bom nổ chậm đến từ các khoản nợ mà Trung Quốc cho vay » trên tuần báo Pháp Courrier International trích dịch một bài trên nhật báo Đức Der Spiegel, giới thiệu một công trình nghiên cứu nêu bật sự kiện Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất hành tinh. Có điều là các điều kiện mà Bắc Kinh áp đặt trên các quốc gia con nợ vốn đã yếu kém, đang gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Bài báo mở đầu bằng một nhận định : Nếu tính cả Hồng Kông, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất hiện nay trên thế giới. Các khoản cho vay của Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế giống như các loại đồ chơi, điện thoại thông minh và xe trượt điện.
Từ Kenya đến Montenegro, từ Ecuador đến Djibouti, tiền của Trung Quốc mang đến những con đường, đập nước hoặc nhà máy điện. Dĩ nhiên đây là tiền cho vay, và các nước đi vay sẽ phải trả trong những năm tới đây không những cả vốn lẫn lãi, mà cả tiền lãi trên tiền lãi.
Nguy cơ lâm vào cảnh “làm nô lệ để trả nợ”
Nếu tín dụng từ Trung Quốc đã cho phép thế giới không rơi vào suy thoái sau cú sốc ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản năm 2008, thì những khoản cho vay của Bắc Kinh đã gây tranh cãi.
Một số người khen rằng tiền của Trung Quốc là một đóng góp đáng hoan nghênh để xây dựng cơ sở hạ tầng tại những khu vực kém phát triển ở châu Á hoặc châu Phi. Nhưng đối với những người khác, thì các món nợ này đã đẩy một nửa hành tinh vào tình trạng phụ thuộc Trung Quốc về chính trị và kinh tế, thậm chí vào cảnh « làm nô lệ để trả nợ ».
Một báo cáo của một nhóm nghiên cứu Mỹ-Đức, do Carmen Reinhart, trường đại học Mỹ Harvard dẫn đầu, đã cung cấp một phân tích toàn diện nhất về các khoản cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài. Toàn cảnh hiện ra không khỏi làm dấy lên lo ngại, đặc biệt với phát hiện là khá nhiều quốc gia ở các khu vực nghèo trên thế giới đã vay mượn của Trung Quốc những khoản tiền lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.
Những khoản cho vay này đã buộc các con nợ phải chịu những chi phí thanh toán đáng kể, bị các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh chi phối mạnh mẽ và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính cho nhiều nước đang phát triển.
Tính ra, Trung Quốc đã cấp khoảng 5.000 khoản tín dụng và trợ giúp cho 152 quốc gia. Theo bản nghiên cứu, Bắc Kinh không chỉ xuất khẩu vốn sang các nước đang phát triển và mới nổi với một khối
lượng nhiều hơn tất cả các quốc gia công nghiệp khác cộng lại, mà các khoản vay của Trung Quốc cũng có nhiều đặc điểm đè nặng lên nước đi vay.
Thời hạn ngắn, chi phí cao, khả năng bị siết nợ nhiều
Trong khi hầu hết các khoản vay mà phương Tây và các tổ chức quốc tế cung cấp cho các nước thế giới thứ ba đều là các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, thì Bắc Kinh thường cho vay với thời hạn ngắn và phí bảo hiểm rủi ro cao. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc thu lợi nhiều hơn.
Các khoản vay của Trung Quốc cũng bao gồm một loạt các điều khoản được thiết kế để bảo vệ Bắc Kinh khỏi bị mất nợ, chẳng hạn như quyền tịch thu thực phẩm, nguyên liệu thô hoặc thu nhập từ các doanh nghiệp nhà nước ở nước là con nợ.
Ngoài ra, các khoản tiền cho vay được rót trực tiếp cho các công ty Trung Quốc xây dựng các sân bay, cảng hoặc đập thủy điện là đối tượng của khoản vay. Do đó, tiền Trung Quốc chi ra lại lọt trở lại các công ty Trung Quốc, một vòng tròn tài chính khép kín, không có chỗ cho nước ngoài chen vào.
Ngoài ra, hơn 75% các khoản tín dụng trực tiếp dành cho phát triển được cấp trong những năm qua, đến từ Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc và Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc. Vì đây là hai đinh chế quốc doanh, Nhà Nước Trung Quốc như vậy hiện diện trong tất cả các giai đoạn của dự án; và trong trường hợp phát sinh khủng hoảng, Nhà Nước Trung Quốc sẽ có thể thâu tóm ngay các khoản bảo lãnh của con nợ trước khi các chủ nợ khác xen vào.
Công trình nghiên cứu kết luận : Trung Quốc đã sáng tạo một hình thức viện trợ phát triển trong đó « các định chế cho vay của nhà nước lại cung cấp tín dụng theo các điều khoản thương mại ».

The Economist:

Đề nghị mới của Hoa Vi đáng được xem xét

Cũng về Trung Quốc, tuần báo Anh The Economist đã chú ý đến một ý tưởng mà tập đoàn Hoa Vi vừa đưa ra để trấn an Hoa Kỳ và các nước đang lo ngại trước việc họ lợi dụng uy thế trong lãnh vực công nghệ 5G để làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh. Đó là chuyển giao các công nghệ 5G của họ cho đối thủ cạnh tranh.
Theo tuần báo Anh, những người nghị kỵ Hoa Vi hoàn toàn có lý. Không một công ty Trung Quốc nào có thể thách thức chính quyền độc đoán đang cai trị nước này, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh quốc gia. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu có thể có một cơ chế để giảm thiểu rủi ro và tạo dựng niềm tin ở trong một lãnh vực mà sự tin cậy lẫn nhau rất ít tồn tại. Anh và Đức đã thành lập các cơ quan giám sát để xem xét kỹ lưỡng các sản phẩm của Hoa Vi, nhưng điều đó không gây ấn tượng gì nơi các quan chức Mỹ.
Giờ đây Nhậm Chánh Phi, ông chủ của Hoa Vi, đã đưa ra giải pháp cho phép nước ngoài mua lại công nghệ 5G của công ty ông và xử lý theo ý mình. Ngay cả các đối thủ cạnh tranh của Hoa Vi là Samsung hoặc Ericsson cũng có thể mua lại phần công nghệ 5G đó.
Theo The Economist, việc Hoa Vi chấp nhận chuyển giao công nghệ 5G không phải là một đảm bảo về mặt an ninh chống lại các điệp viên hoặc kẻ phá hoại Trung Quốc. Tin tặc của Bắc Kinh vẫn hoàn toàn có khả năng tấn cộng các mạng do các công ty phương Tây điều hành. Thế nhưng phương Tây sẽ tiếp cận ngay được công nghệ 5G tiên tiến, tránh sự chậm trễ, cạnh tranh sẽ gia tăng.
Thế giới có thể tiếc rằng vẫn có hai môi trường công nghệ, nhưng đề nghị của Hoa Vi dù sao cũng có thể giúp xóa nhòa cuộc chiến tranh lạnh công nghệ. Đối với The Economist, bình thường ra, đề nghị của ông Nhậm Chánh Phi sẽ là kỳ quặc. Trong tình hình hiện nay, nó xứng đáng được lắng nghe và xem xét.

Không có thời sự nóng trên trang bìa các báo tuần

Thời sự nóng tại Pháp hay trên thế giới hầu như đã rời khỏi trang bìa các tạp chí ra tuần này.
Courrier International có chú ý đôi chút đến tình hình châu Âu với hồ sơ « Nước Đức đang trở thành cực đoan », nói về hiện tượng vươn lên của đảng cực hữu Afd tại Đức trong các cuộc bầu cử địa phương mới đây.
Về phần mình, L’Obs cũng theo gương các đồng nghiệp khác, tuần này đã có một « Hồ sơ đặc biệt địa ốc », nói về vấn đề giá cả nhà đất tại Pháp, và ghi nhận trong hàng tựa trang bìa : « Cuộc đổ xô ồ ạt » để mua nhà, khiến giá cả tăng nhanh.
The Economist cũng dành tựa trang bìa cho đề tài khoa học : «Các con chip điện tử bám vào mọi thứ», đề cập đến công nghệ chip điện tử hiện nay đang thâm nhập vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống hàng ngày.

L’Express : Cách mạng liệu pháp gen

Về các hồ sơ quan trọng được các tờ báo nêu bật, đáng chú ý hơn cả là trang bìa của L’Express, giới thiệu hồ sơ chính trong hàng tựa « Cuộc cách mạng liệu pháp gen », bên dưới một tiểu tựa cho thấy các chứng bệnh có thể được liệu pháp này chữa trị : «Các loại ung thư, bệnh Parkinson, Alzheimer…».
L’Express đã dành một hồ sơ 10 trang cho tiến bộ khoa học này, nêu bật một ví dụ cụ thể về một em bé sơ sinh tên Augustin : « Guillaume và Mélanie, bố mẹ của Augustin tràn đầy hy vọng, ngày 14/05 vừa qua, đứa con của họ được trị liệu bằng liệu pháp gen ».
Tờ báo nói tiếp : « Trước khi được tiêm, đứa trẻ sơ sinh không cử động được tay, đầu không giữ được thẳng và bắt đầu nuốt không được trôi. Đó là do việc một gen trong người bị suy yếu, làm cho các motoneurone, tức là những tế bào của tủy cần thiết cho hoạt động cơ bắp, bị chết đi. Phương thức trị liệu đã khôi phục gen này cho đứa bé : Từ lúc đó thì tiến bộ thấy rõ hàng ngày ».
Nhưng kết quả sẽ đi đến đâu ? Augustin có thể cử động được chân, có thể đứng lên hay không ? Chưa ai biết được, nhưng L’Express ghi nhận là tại Hoa Kỳ, 12 đứa trẻ đã được trị liệu bằng phương thức này trong lần thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào năm 2014 và chúng vẫn sống đến giờ, thở được và ăn được không cần phải trợ giúp.
Thế nhưng tạp chí Pháp tỏ vẻ tiếc nuối : « Pháp phát minh, người nước ngoài hưởng lợi… Những công nghệ học này đòi hỏi những khoản đầu tư quan trọng không huy động được ở Pháp vì không có nhà đầu tư chuyên ngành. Nước Pháp có tiền nhưng không đi vào những hoạt động có tính cách tương lai này ».
Theo L’Express, trường hợp của Zolgensma, loại thuốc ra đời được nhờ tiền của người Pháp quyên tặng nhân các chiến dịch quyên góp Téléthon hàng năm, nhưng lại bị tập dược phẩm đa quốc gia Novartis bán ra với giá đắt như vàng, đã gây tai tiếng vào mùa xuân này.
Nhưng sự việc sẽ lại tái diễn. Généthon, viện bào chế do Téléthon tài trợ, đã nhượng giấy phép của một phương thức trị liệu chống một loại bệnh teo cơcho một công ty khởi nghiệp Mỹ đang thử nghiệm lâm sàng liệu pháp này.

Le Point : Donald Trump và hội chứng Việt Nam

Le Point cũng dành tựa trang bìa và hồ sơ chính 16 trang cho chủ đề khoa học « Cuộc đua chạy theo chỉ số thông minh QI (hay IQ theo tiếng Anh). Câu hỏi mà tờ báo đặt ra là « Nên chăng đo lường trí thông minh của mình và của con cái ? ». Tạp chí Pháp đã nêu lên « sự thật » về các loại test để đo chỉ số thông minh, đồng thời nêu bật tranh luận chính trị liên quan đến đề tài này.
Tuy nhiên, một trong những bài xã luận của Le Point lại rất chính trị, mang tựa đề « Trump và hội chứng Việt Nam », tìm lời giải thích cho quyết định bất ngờ mới đây của tổng thống Mỹ Donald Trump trên hồ sơ Afghanistan.
Đối với Le Point, tổng thống Mỹ muốn rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng ông đang rất khó nghĩ. Người ta không thể kết thúc tốt một cuộc chiến tồi. Hoa Kỳ đã học bài học ở Việt Nam, và lại trải nghiệm một lần nữa ở Afghanistan.
Tại Sài Gòn, những người Mỹ cuối cùng đã phải bỏ chạy bằng trực thăng ngày 30/04/1975 khi lực lượng Cộng Sản tiến vào thủ đô miền Nam. Nỗi nhục vẫn đè nặng gần nửa thế kỷ sau, trên chính sách ngoại giao Mỹ.
Việc này, theo Le Point, có thể giải thích phần nào khó khăn của Mỹ trong việc rút quân khỏi vùng Trung Á và Trung Đông cho dù đó là mục tiêu mà ông Trump cho thấy từ khi vào Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ xem nhẹ tình trạng hỗn loạn mà việc rút quân sẽ để lại ở Afghanistan. Ông Trump không mấy hứng thú trong vai trò sen đầm quốc tế. Chỉ có một việc ám ảnh ông : được tái đắc cử. Vì thế, ông phải kết thúc cuộc chiến không được lòng dân mà cựu tổng thống George W. Bush đã khởi động năm 2001, đưa các « boys » trở về nhà.
Thế nhưng mặt khác, ông phải tránh để cho việc rút quân, như ở Việt Nam, trở thành mối sỉ nhục quốc gia. Bằng không thì ông sẽ bị thua lỗ trong việc rút đi này. Ông cũng phải làm thế nào để Quốc Hội Mỹ và cả chính quyền của ông không cản chân ông.
Cũng dễ hiểu vì sao ông Trump chập chờn. Vào giờ phút chót ông đã từ chối không phê chuẩn thỏa thuận nguyên tắc mà các đặc sứ của ông đã đúc kết với phe Taliban Afghanistan để bắt đầu việc rút quân. Cái chết của một người Mỹ trong cuộc tấn công khủng bố ngày 05/09 ở Kabul là thêm một cái tát quá mức chịu đựng, và là cái cớ để ông hủy bỏ lời mời các lãnh đạo chính của Taliban đến để cùng chụp hình với ông vào ngày 08/09 tại Camp David.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Một quan chức cao cấp cảnh sát Canada bị bắt vì tội làm gián điệp. 
Vụ việc xảy ra hôm 13/09/2019, ông Cameron Ortis, 47 tuổi bị cáo buộc 5 tội danh theo bộ luật hình sự Canada và luật bảo vệ thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Ortis từng là tổng giám đốc cơ quan tình báo của Hiến Binh Hoàng Gia Canada và là người trực tiếp kiểm soát các hoạt động chống gián điệp. Ông còn là một chuyên gia về Đông Nam Á.
(AFP) – Pháp : Sau ngành giao thông công cộng Paris, đến lượt luật sư xuống đường.
Sau ngày Thứ Sáu 13/09/2019 đen tối do cuộc đình công của ngành giao thông công cộng ở Paris phản đối cải tổ hệ thống hưu trí, Thứ Hai tuần tới, 16/09/2019, đến lượt các luật sư xuống đường rầm rộ cũng nhằm chống cải tổ này. Kèm với cuộc biểu tình là một cuộc đình công được dự báo sẽ có nhiều luật sư tham gia. Cụ thể là hôm đó họ sẽ không tham gia vụ xử nào và yêu cầu dời ngày xử.
(AFP) – Pháp : Một thị trưởng lãnh 4 năm tù vì tội lậu thuế. 
Hôm 13/09/2019, tòa tiểu hình đã tuyên án 4 năm tù đối với ông Patrick Balkany, thị trưởng thành phố Levallois-Perret, ngoại ô Paris, về tội lậu thuế. Ông Balkany còn bị đưa thẳng từ tòa án đến nhà tù để thi hành án ngay lập tức. Ông là một nhân vật kỳ cựu của cánh hữu và là một người thân cận với cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Bị xử chung với chồng, bà Isabelle Balkany, phó thị trưởng Levallois-Perret, bị 3 năm tù, nhưng vì lý do sức khỏe nên không bị giam ngay. Hai vợ chồng Balkany còn sẽ ra tòa vào tháng 10, với hai tội danh khác là rửa tiền và tham nhũng.
(AFP) – Mỹ : Hai tuần tù giam vì hối lộ cho con vào đại học. 
Hôm 13/09/2019, nữ diễn viên Mỹ Felicity Huffman đã bị tuyên án hai tuần tù giam vì đã trả 15 ngàn đôla để làm giảm kết quả thi đại học của con gái. Ngoài án tù hai tuần, Huffman còn bị phạt 30 ngàn đôla và 250 giờ lao động công ích. Bà là người đầu tiên bị tuyên án trong số khoảng 30 phụ huynh bị truy tố trong vụ này. Năm nay 56 tuổi, Huffamn nổi tiếng thế giới với vai diễn trong bộ phim truyền hình nhiều tập « Desperate Housewives ».
(AFP) – Tác giả bức ảnh một thanh niên Trung Quốc chận xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989 qua đời. 
Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 13/09/2019 thông báo nhiếp ảnh gia Charlie Cole từ trần tại Indonesia, thọ 64 tuổi. Là công dân Mỹ, năm 1990 ông được trao tặng giải thưởng World Press nhờ bức ảnh “Tank Man”, biểu tượng của đợt đàn áp đẫm máu dập tắt phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh. “Tank Man” được xem là một trong những bức ảnh tiêu biểu nhất của thế kỷ 20 nhưng hầu hết người dân Trung Quốc đều không được biết đến vì bức ảnh này bị Bắc Kinh kiểm duyệt.
(AFP) – Văn hào Hungary Gyorgy Konrad từ trần tại Budapest, thọ 86 tuổi. 
Gia đình ông loan báo tin trên hôm 13/09/2019. Gốc Do Thái, Konrad đã thoát khỏi caác trại tập trung dưới thời Đức Quốc Xã. Sau chiến tranh, ông tham gia phong trào nổi dậy ở Budapest chống lại chế độ Cộng Sản. Tác phẩm đầu tiên của Konrad The Case Worker năm 1969 gây được tiếng vang lớn và đã được dịch sang 13 thứ tiếng khác nhau. Nhưng chất liệu chính cho nguồn sáng tác của nhà văn này chính là cuộc đời của ông.Cho đến tận cuối thập niên 1980, hầu như tất cả những sáng tác của ông đều bị cấm xuất bản tại Hungary.

Tạp chi đặc iệt

‘‘Robot – Bồ Tát’’ giảng kinh:

Cuộc cách mạng trong Phật giáo?

Chùa cổ Nhật Bản « mời » người máy giảng kinh Phật. Viện tư vấn Trung Quốc tố cáo dự án Con đường tơ lụa mới đe dọa Khí hậu toàn cầu. 8 thành viên phong trào chống Biến đổi Khí hậu ra tòa tại Pháp, vì tổ chức gỡ trộm ảnh tổng thống. Triển lãm đầu tiên tại Paris về cuộc đời Đức Phật qua các tác phẩm nghệ thuật. Bang California buộc tập đoàn Uber công nhận quy chế nhân viên với các tài xế tự do. Trên đây là một số chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Nước Nhật tân cổ giao duyên tiếp tục gây ngạc nhiên. Năm 2019, các nhà sư của một ngôi chùa cổ hoan hỉ đón chào người máy đến giảng đạo Phật. Đây có thể là lần đầu tiên. Người máy Mindar giảng kinh Phật, trị giá gần một triệu đô la, là kết quả của một dự án chung, giữa ngôi chùa Kodaiji 400 năm tuổi, với nhà chế tạo robot nổi tiếng Hiroshi Ishiguro, Đại học Osaka.
« Mindar » – cao 1 mét 95, nặng gần 60 kg, không giới tính – làm bằng thép không rỉ. Ngoài một phần đầu, mặt, cổ và đôi bàn tay phủ nhựa silicon trông giống như da người, « Mindar » – dây nhợ chằng chịt quanh người – không hề che giấu mình là máy. Quán Thế Âm Bồ Tát « Mindar », với giọng nói mang thanh sắc kim loại, không mệt mỏi xướng lên hết đoạn kinh này đến đoạn kinh khác, phê phán những thói kiêu ngạo, sân hận, tham lam và ái kỉ của nhân sinh.
Trường Đại học Osaka đã thăm dò phản ứng của các Phật tử, sau khi nghe người máy Mindar giảng kinh. Một số người cho biết có « cảm giác ấm áp gần gũi » khi tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát máy, ngược lại nhiều người thấy khó chịu, « khi nghe những diễn đạt rất không tự nhiên của robot ».
Hãng thông tấn Pháp AFP đã đến thăm ngôi chùa này hồi giữa tháng 8/2019. Trả lời AFP, vị sư trụ trì Tensho Goto hài hước : « Tôi hy vọng là người máy này sẽ mang lại một phong cách vui tươi, lấp đầy được cái hố sâu ngăn cách giữa những nhà tu hành về già, hết mốt như tôi » với giới trẻ.
Nhà sư Tensho Goto giải thích rõ hơn : « Mục tiêu của đạo Phật là giúp giảm bớt khổ đau. Mục tiêu vẫn luôn luôn là như vậy kể từ hơn 2.000 năm nay, cho dù xã hội hiện đại giờ đây có mang lại những hình thức căng thẳng mới…. Theo Phật không phải là tin vào một đấng thánh thần, mà là đi theo con đường của Phật, dấn thân theo con đường của Phật, cho dù đại diện cho Phật pháp có là một cỗ máy, một cục sắt hay một cái cây ».
Đối với thiền sư Tensho Goto và các vị sư trong ngôi chùa cổ này, thì chế tạo ra người máy giảng đạo là điều hoàn toàn phù hợp với Phật giáo, bởi robot có khả năng học hỏi rất nhanh, với đà tiến bộ phi thường của công nghệ hiện đại.
Ông nói : « Sự khác biệt lớn giữa một nhà sư và một người máy, đó là con người như chúng tôi thì đều sẽ chết, trong lúc người máy thì bất tử. Người máy sẽ có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, thu thập được vô số thông tin, và có khả năng tiến hóa đến vô cùng ». Theo thiền sư Tensho Goto, dân Nhật vốn không có định kiến với người máy, bởi tuổi thơ của họ chìm trong không khí tranh hoạt hình, nơi máy với người là bạn, trong lúc nhà sư Nhật nhấn mạnh là sự hiện diện của Quán Thế Âm Bồ Tát máy trong một ngôi chùa là điều phản cảm với người phương Tây nói chung.

« Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc:

Đe dọa lớn đối với Khí hậu

Dự án đường tơ lụa mới không chỉ đe dọa đưa nhiều nước vào bẫy nợ của Trung Quốc, mà còn đe dọa nghiêm trọng nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, theo mục tiêu của thỏa thuận Paris COP21.
Theo một điều tra được công bố hôm 02/09/2019, các dự án hạ tầng khổng lồ, đường sắt và đường biển, cũng như các xa lộ và khu công nghiệp tại nhiều nơi ở châu Á, châu Phi, vùng Trung Cận Đông và châu Âu, với hàng nghìn tỉ đô la đầu tư, tại 126 quốc gia dự kiến tham gia, có nguy cơ làm vô hiệu hóa Thỏa thuận hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã được cộng đồng quốc tế thông qua, chưa kể đến các hậu quả môi trường nghiêm trọng khác.
Chủ trì nghiên cứu nói trên là Trung tâm tư vấn Thanh Hoa nổi tiếng tại Trung Quốc (Tsinghua Center for Finance and Development). Nghiên cứu của Trung tâm Trung Quốc được tiến hành với văn phòng tư vấn Anh Vivid Economics và trung tâm Mỹ Foundation ClimateWorks.
Ông Simon Zadek, một trong các tác giả của báo cáo, cho biết : trong hiện tại 126 quốc gia – ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh về dự án con đường tơ lụa mới – chiếm 28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, toàn cầu (không kể lượng phát thải của Trung Quốc hiện chiếm 30%, đứng đầu thế giới). Nếu từ đây đến năm 2050, cứ theo đà hiện nay, 126 quốc gia này sẽ chiếm đến 66% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Cho dù các nước còn lại, gồm Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, có tuân thủ các cam kết của Thỏa thuận Paris, thì việc không kiểm soát các tiêu chuẩn về môi trường của các dự án hạ tầng Con đường tơ lựa mới sẽ khiến nhiệt độ Trái đất tăng ít nhất là 2,7°C so với thời tiền công nghiệp, tức vượt quá xa so với mục tiêu từ 1,5°C đến 2°C đã được cộng đồng nhân loại thống nhất.
Theo Liên Hiệp Quốc, hai phần ba trong số các cơ sở hạ tầng của thế giới vào năm 2050 hiện chưa được xây dựng. Một bộ phận lớn trong số đó có thể nằm trong kế hoạch « Con đường tơ lụa mới ».

Sáng kiến lập khối các quốc gia tuân thủ

Thỏa thuận Paris

Tình trạng vận tải hàng hóa tăng vọt là điều ngày càng bị các kinh tế gia điểm mặt như một trong các tác nhân chủ yếu làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trả lời phỏng vấn Le Monde ngày 12/09, kinh tế gia Lionel Fontagné – Đại học Paris 1 – đề xuất một biện pháp chủ động : hình thành khối các quốc gia cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015, và hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối cần phải chịu thuế môi trường.
Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc chuyển giao công nghệ sạch cho các nước chậm tiến nhất. Kinh tế gia Lionel Fontagné là đồng tác giả cuốn « Thương mại và Khí hậu : Hướng đến sự hòa giải » (2017).

Khí hậu: Chiến dịch gỡ chân dung tổng thống tại Pháp

Phong trào bất tuân dân sự chống biến đổi khí hậu tại Pháp có thêm nhiều sáng kiến mới. Gỡ ảnh tổng thống tại các tòa thị chính là một trong số đó. Hôm 11/09, 8 nhà tranh đấu môi trường phải ra tòa tại Paris, vì tội « đánh cắp có tổ chức ». Theo AFP, các nhà hoạt động tuổi từ 23 đến 36 bị cáo buộc tham gia vào các vụ đánh cắp ảnh tổng thống Emmanuel Macron, theo chiến dịch « Hạ ảnh Macron » của ANV – COP 21 (tức phong trào Action non-violente vì Thượng đỉnh Khí hậu lần thứ 21).  Bên công tố đề nghị phạt 1.000 euro mỗi người, trong đó 500 euro được hưởng phạt treo. Hiện tại, theo phong trào ANV-COP21, khoảng 50 người tham gia « gỡ ảnh » bị truy tố tại tòa tiểu hình.
Đúng vào ngày nhóm 8 nhà tranh đấu ra tòa, ANV-COP21 tổ chức thêm vụ gỡ ảnh thứ 133, vụ gỡ ảnh mang tính biểu tượng. Phóng sự của nhà báo RFI Agnès Rougier :
« ‘‘Ta đang trong metro’’ – một thành viên thầm thì. Kín đáo là phương thức hoạt động chung của nhóm đi tháo ảnh chân dung tổng thống Emmanuel Macron (tại các tòa thị chính). 10 người tập hợp tại một công viên nhỏ : mọi người chỉ biết sẽ tới tòa thị chính nào, một khi gặp nhau. Mục tiêu lần này là tòa thị chính Mairie de St-Ouen.
Ra khỏi metro, tất cả đều không che mặt. Nguyên tắc của nhóm bất tuân dân sự này là luôn luôn công khai. Các nhà tranh đấu mặc vào người một áo thun màu vàng, mang biểu tượng của ANV COP21 (một phong trào tranh đấu bất bạo động, chống lại các thủ phạm gây khí thải, khiến Trái đất bị hâm nóng).
Một nữ thành viên của nhóm cho biết : đây là bức chân dung thứ 133 của tổng thống Emmanuel Macron được lấy khỏi các tòa thị chính. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Cô giải thích : Chúng tôi muốn bằng hành động tháo ảnh để lên án sự thiếu vắng các nội dung về khí hậu và xã hội trong chính sách của tổng thống. Và cũng là để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà tranh đấu ở Paris, hiện phải ra tòa.
Thành viên này khẳng định đến đây hôm nay để ủng hộ Emma, Marion, Cécile, Félix, Etienne, Thomas, Pauline và Vincent, những người bị đưa ra xét xử. Để nói với họ là chúng tôi rất quyết tâm. Chúng tôi khẳng định với chính phủ là phong trào gỡ ảnh sẽ còn tiếp tục, chừng nào chính phủ chưa thay đổi đường lối.
Bức ảnh của tổng thống Macron nằm trong túi xách tay của một người đi xe đạp đã kín đáo rời khỏi tòa thị chính Mairie de St-Ouen, để đến kho bí mật, nơi lưu giữ 132 bức chân dung khác ».

« Hội nghị Diên Hồng » về Khí hậu

Về nguyên tắc, chính phủ của tổng thống Macron coi Khí hậu là trọng tâm của « hồi 2 » nhiệm kỳ. Hầu hết các đảng phái từ tả sang hữu cũng đều càng ngày càng coi bảo vệ Khí hậu, Môi trường là mục tiêu chung. Trước cuộc bầu cử địa phương năm tới, Môi trường được coi là vấn đề quan tâm hàng đầu của người Pháp.
Theo thăm dò dư luận của Harris Interactive, 72% quan tâm đến Môi trường hơn trước, 82% sẵn sàng ăn ít thịt, 53% sẵn sàng không đi xe hơi. Tuy nhiên, để có được các chính sách và hành động mạnh mẽ, thống nhất cả nước còn là cả một khoảng cách (43% tin tưởng vào sự thành thật của tổng thống trong vấn đề Sinh thái, 57% hoài nghi).
Nhiều người đặt hy vọng được đặt nhiều vào « Hội nghị Diên Hồng » về Khí hậu toàn quốc, mà tổng thống Macron chủ trì, với sự tham gia của 150 công dân đại diện cho nước Pháp. Quyết định được đưa ra sau ba tháng Thảo luận toàn quốc để tìm lối thoát cho Khủng hoảng « Áo Vàng ». Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, Hội nghị Khí hậu 150 công dân – họp lần đầu tiên vào đầu tháng 10 – sẽ có trách nhiệm vạch ra các biện pháp cụ thể, để hoặc đưa ra Quốc Hội bỏ phiếu, hoặc thông qua trưng cầu dân ý, hoặc do chính phủ ban hành qua các quy định.

Chiến thắng đầu tiên tại Mỹ trước Uber

Hôm 10/09/2019, Thượng Viện tiểu bang California, với 29 phiếu thuận và 11 phiếu chống, thông qua dự luật yêu cầu hai công ty Uber và Lyft phải bảo đảm điều kiện để « các tài xế tự do » trở thành người làm công ăn lương. Luật đang chờ thống đốc tiểu bang thông qua. Nếu được áp dụng, luật này sẽ làm thay đổi triệt để mô hình kinh doanh « kiểu Uber », vốn rất ít lời rất nhiều, do dựa trên nguồn lao động giá rẻ, sẵn sàng chấp nhận các điều kiện rủi ro.
Phóng sự của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco:
« Thắng lớn rồi ! Ông Edan – đang lái xe – bày tỏ niềm hân hoan, tự hào về chiến thắng, hôm sau ngày Thượng Viện của tiểu bang California bỏ phiếu thông qua dự luật AB5. Từ nhiều tháng nay, cùng với hàng trăm tài xế tắc xi VTC, ông Edan đã nỗ lực tranh đấu, để buộc các tập đoàn Uber và Lyft, kể từ giờ, phải xem họ như những người làm công ăn lương.
Ông Edan nhận định : ‘‘Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có quyền được hưởng các bảo hiểm căn bản trong quá trình hành nghề, cụ thể là lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, đặc biệt trong trường hợp gặp tai nạn. Làm công việc này, anh em chúng tôi có người bị thương, thậm chí thiệt mạng. Trước đây, Uber và Lyft không đền bù gì. Điều này rất có lợi cho họ”.
Edan làm việc cho Lyft từ 4 năm nay tại San Francisco, 6 ngày trên 7, 8 tiếng mỗi ngày. Ông hiểu rõ thế nào là những rủi ro của một người lái xe tự do, khi bị ốm đau, mà không có bảo hiểm y tế.
Edan nói : ‘‘Liên tục lái xe lâu ngày thể nào bạn cũng mắc bệnh. Khi bạn kiệt sức hoàn toàn, chắc chắn bạn sẽ không thể làm việc được trong nhiều ngày. Mà trong thời gian đó, bạn sẽ không có lương. Tôi đã từng thử kiếm một bảo hiểm y tế cho cá nhân tôi và cho con trai, nhưng không thể được, do thu nhập của tôi quá thấp để có thể có được một bảo hiểm y tế. Chính trong trường hợp này tôi hiểu rằng đang có một bất công rất lớn”.
Kể từ giờ, ông Edan mơ ước lập ra một nghiệp đoàn các tài xế VTC California. Bởi trận chiến vẫn còn chưa kết thúc. Tập đoàn Uber đã thông báo sẽ không tuân thủ luật vừa được Thượng Viện tiểu bang thông qua, và cho biết sẽ kiện lên tư pháp ».

Đời Đức Phật và nghệ thuật Phật giáo châu Á:

 Triển lãm đầu tiên tại Pháp

Năm nay, bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet, Paris, tổ chức một cuộc triển lãm lớn đầu tiên về các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật, thông qua các tác phẩm nghệ thuật châu Á, thuộc nhiều thời kỳ và nhiều khu vực. Tổng cộng 159 tác phẩm được trưng bày. Những người muốn khám phá đạo Phật – tôn giáo được coi là có đông người theo hàng thứ tư thế giới, sau đạo Thiên Chúa, Hồi giáo và Ấn Độ giáo – có điều kiện đến với bốn cái mốc trong cuộc đời của bậc Giác ngộ : ra đời (Đản sinh), thành đạo, hoằng pháp và nhập Niết bàn. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 4/11/2019.
Phóng sự của nhà báo RFI Sarah-Lou Bakouche :
« Trong một gian phòng chìm dưới một thứ ánh sáng dịu nhẹ, một cậu bé đang ngắm nhìn một bức tượng Phật mạ vàng, cao hai thước. Rồi cậu nhỏ tập trung nhìn vào hai bàn tay, gấp các ngón tay lại, thử bắt chước bức tượng. Bàn tay thõng xuống, lòng bàn tay hướng ra bên ngoài, ngón tay hướng về phía đất. Đây là dấu hiệu của sự dâng hiến (hay ‘‘ấn thí nguyện /varada mudra’’).
Thế rồi, vịkhách nhỏ bé tiếp tục cuộc viếng thăm thế giới Phật giáo mà bảo tàng Guimet giới thiệu với du khách, qua triển lãm rất phong phú này, với tên gọi ‘‘Phật : Huyền thoại vàng son / Bouddha : Légende dorée’’.
Hình ảnh Phật hiện diện qua đủ loại chất liệu, từ lụa, sành cho đến vàng hay đồng. Đây là cơ hội để du khách khám phá về đạo Phật qua thế giới các hình tượng nghệ thuật về đức Phật.
Từ tư thế ngồi cho đến tư thế đứng hay nằm, trong hình hài khổ hạnh hay có da có thịt, mỉm cười hay đang thiếp ngủ. Khách tham quan có thể phát hiện ra rất nhiều diện mạo khác nhau của bậc Giác ngộ.
Người xem có thể theo vết cuộc đời của vị Phật lịch sử, các câu chuyện về tiền kiếp của Phật, rồi những phép lạ cho đến khi Phật thành đạo. Đây là một cơ hội tốt cho phép công chúng khám phá nghệ thuật châu Á, với nhiều biến chuyển, bởi triển lãm này cho thấy các hình tượng Phật xuyên qua nhiều thời đại, nhiều quốc gia. Từ một bức phù điêu Pakistan thế kỉ thứ nhất, cho đến chất liệu gốm Nhật Bản năm 2016, hay một loạt các hình tượng tinh tế bằng gốm sứ Trung Quốc cuối thế kỉ 18, về ba đệ tử của Phật.
Cuộc triển lãm cô đúc này cho phép người xem, nếu không đến được với Niết bàn, thì cũng có cơ hội trong chốc lát hòa mình vào thế giới Cực lạc ».


0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.