Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 10/09/2019

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019 18:08 // ,

Đọc báo Pháp – 10/09/2019

Afghanistan: Thêm một thất bại

cho lối ngoại giao ‘‘trình diễn’’ của Trump

Quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ chấm dứt đàm phán với lực lượng Taliban – Afghanistan, đúng vào lúc tưởng thành công trong tầm tay. Bầu cử địa phương Nga: Đảng cầm quyền của ông Putin thất bại. Thủ tướng Anh đơn thương độc mã trong hồ sơ Brexit. Trên đây là các hồ sơ quốc tế được báo chí Pháp hôm nay đặc biệt chú ý.
Đàm phán Afghanistan đổ vỡ là hồ sơ chính của Le Monde, với tựa lớn trang nhất : « Afghanistan : Vì sao các thương lượng giữa Trump và Taliban thất bại ? ».
Rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là một mục tiêu tranh cử hàng đầu của ông Donald Trump hồi 2016, và trước thềm cuộc tái tranh cử vào Nhà Trắng, đây là một trong các lá bài quan trọng đối với ông Trump nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Thất bại nói trên quả là một vố đau với tổng thống Mỹ. Le Monde ghi nhận một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại là « các bất đồng trong nội bộ đảng Cộng Hòa ». Theo Le Monde, việc tổng thống Mỹ viện lý do Taliban vừa đánh, vừa đàm, để hủy bỏ đàm phán đã không phản ánh đúng thực tế. Trong suốt năm qua, đàm phán được coi là vẫn tiến triển, trong lúc trên thực địa, tấn công khủng bố vẫn diễn ra thường xuyên.
Việc ông Trump bất ngờ đưa ra quyết định chấm dứt đàm phán hôm thứ Bảy, 07/09, là do đàm phán bế tắc trong một số điểm căn bản trong hồ sơ chính. Một bộ phận giới cố vấn của tổng thống Donald Trump, trong đó có ông John Bolton, đòi hỏi duy trì một « lực lượng chống khủng bố », trong khi đây là điều mà Taliban bác bỏ. Bên cạnh đó là một yếu tố mang tính biểu tượng quan trọng : cuộc gặp cấp cao với Taliban dự kiến được tổ chức rầm rộ tại Camp David, và lại ngay trước ngày tưởng niệm vụ khủng bố 11/09. Đối với thế lực diều hâu trong chính quyền Mỹ, đây là điều không được phép.
Sau khi Donald Trump thông báo chấm dứt đàm phán với Taliban, nữ nghị sĩ Liz Cheney, nhân vật thứ ba của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney, ngay lập tức hoan nghênh và bình luận thêm : Camp David đã từng là nơi chuẩn bị tổ chức cuộc phản công chống Al-Qaida (được Taliban hỗ trợ), sau vụ Al-Qaida tấn công khủng bố tháp đôi ngày 11/09/2001, « không một thành viên Taliban nào được phép đặt trên đến đây, không bao giờ ».
Cú đặt cược bị bỏ lỡ
Bài « Tiến trình hòa bình Afghanistan : Cú đặt cược bị bỏ lỡ của Trump » trên Le Monde thuật lại những nét lớn của tiến trình đàm phán, khởi sự từ một năm nay, cũng như những lý do dẫn đến đổ vỡ bất ngờ. Kể từ năm 2001 đến nay, giữa Hoa Kỳ và Taliban đã có hơn 10 nỗ lực thương thuyết, nhưng đều thất bại. Theo Le Monde, tiến trình đàm phán cam go kỳ này lại càng trở nên khó khăn hơn với một dòng Tweet lạc điệu của tổng thống Trump hồi tháng 7/2019, khẳng định bất luận thế nào vẫn sẽ còn lính Mỹ trên đất Afghanistan. Mà đây lại chính là điều mà lực lượng Taliban kiên quyết bác bỏ.
Trước đó, phía các nhà đàm phán Mỹ đã tìm cách thuyết phục Taliban, là sau khi các đơn vị quân đội Mỹ rút khỏi nước này, từ đây đến cuối 2020, sẽ còn một số lực lượng « chống khủng bố » ở lại. Tuy nhiên, ngay cả vấn đề « lực lượng chống khủng bố » người Mỹ, chứ chưa nói đến quân đội Mỹ, đã bị phản đối mạnh. Quan điểm của Taliban là Afghanistan có đủ lực để bảo vệ an ninh chống khủng bố, bảo vệ các quyền lợi của Mỹ tại quốc gia này.
Hồ sơ « Taliban » buộc ông Trump trở lại với hiện thực
Vẫn về vụ đàm phán Afghanistan đổ vỡ, Le Monde có bài xã luận mang tựa đề: « Taliban buộc Donald Trump trở lại với hiện thực ». Phân tích của Le Monde trước hết nhấn mạnh đến một « ưu điểm » của tổng thống Mỹ là luôn thể hiện tôn trọng đến cùng các cam kết tranh cử. Đặc biệt trong vấn đề Afghanistan, ông Donald Trump có tham vọng là cam kết rút quân sẽ khởi sự trước cuộc bầu cử tổng thống 2020, vừa để tôn trọng lời hứa với cử tri, cũng vừa để thể hiện mình hơn hẳn người tiền nhiệm, cựu tổng thống Barack Obama.
Với tổng thống Mỹ, một thỏa thuận với Taliban sẽ càng vang dội hơn, nếu diễn ra tại Camp David, một địa điểm mang tính lịch sử, nơi tổng thống Carter trước đây đã thành công trong việc hòa giải Israel và Ai Cập (năm 1978). Giờ đây, tổng thống Donald Trump tưởng tượng là ông cũng sẽ làm được một điều tương tự : tập hợp tại Camp David hai đối thủ tại Afghanistan, phe Taliban và chính quyền Kabul, để ký kết thỏa thuận hòa bình. Nếu thành công, thì đây sẽ là một màn diễn tuyệt vời, đúng với phong cách ưa màn hình – sân khấu, hợp với con người tự tôn, đầy tham vọng, như tổng thống Trump.
Thoạt nhìn, các diễn biến có vẻ thuận lợi. Theo nhiều quan chức chính quyền Mỹ, hai bên đã đi đến nhiều thỏa hiệp, sau 9 vòng thương lượng. Thỏa thuận sẽ cho phép Hoa Kỳ rút 14.000 binh sĩ, trước mắt là rút ngay 5.000 quân. Đổi lại, Taliban sẽ cam kết chống khủng bố, và tham gia đối thoại với chính quyền Kabul. Tuy nhiên, theo Le Monde, ông Donald Trump đã phạm hai sai lầm. Một là coi Taliban là « các đối tác đáng tin cậy », và thứ hai là dường như ông đã « đánh giá thấp sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mỹ » – những phản đối quyết liệt trong nội bộ chống lại dự án hòa bình, đặc biệt là từ phía cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
« Trung thành với phong cách trình diễn truyền thống », ông Donald Trump một lần nữa tuyên bố hủy đàm phán, chỉ bằng một dòng Tweet. Ngoại trưởng Pompeo sau đó đành phải cố sức giải thích trước truyền thông về nguyên nhân thất bại, quy lỗi cho phía Taliban.
Le Monde nhấn mạnh là « Lịch sử sau này sẽ ghi lại nền ngoại giao của Donald Trump suy yếu sau thất bại này, do bởi đã ưu tiên phong cách trình diễn trong một hồ sơ đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu ».
Afghanistan : Liệu đàm phán có nối lại ?
Vẫn về hồ sơ Afghanistan, Libération có bài « Xung đột Afghanistan : Một bước ngoặt lớn và rất nhiều câu hỏi ». Bài viết nhấn mạnh là trong bối cảnh bạo lực gia tăng và sau quyết định chấm dứt đàm phán của Donald Trump, tổng thống Afghanistan tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Taliban. Câu hỏi lớn đặt ra là : Liệu đàm phán có thể nối lại không ? Libération ghi nhận các nỗ lực của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngay sau dòng tweet sét đánh của tổng thống Trump, ông Pompeo liên tục giải thích với báo giới là « một thỏa thuận về nguyên tắc » vẫn tiếp tục trên bàn sau «rất nhiều tiến bộ». Việc nối lại đối thoại tùy thuộc vào thái độ của Taliban. Phía Taliban cũng thừa nhận sẵn sàng đàm phán tiếp.
Ẩn số lớn hiện nay là quan hệ giữa chính quyền Kabul với lực lượng Taliban, vốn không thừa nhận chính quyền mà họ coi là bù nhìn của Mỹ. Bản thân chính quyền của tổng thống Ashraf Ghani cũng không tham gia vào tiến trình đàm phán Mỹ- Taliban. Tổng thống Afghanistan chỉ được thông báo về thỏa thuận hòa bình hồi tuần trước. Quan hệ giữa hai thế lực chính tại Afghanistan lại càng khó lường hơn khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 28/09. Hai ứng cử viên chính không thể vận động tranh cử, vì điều kiện an ninh không cho phép.

Brexit : Thủ tướng Anh đơn thương độc mã

Nếu như Le Monde đặc biệt chú ý đến hồ sơ Afghanistan, thì chủ đề chính của Le Figaro hôm nay là chính trị nước Anh với Brexit. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Boris Johnson một mình chống lại tất cả ». Chỉ còn lại chưa đầy hai tháng nữa là hạn chót (31/10) để Anh quốc rời khỏi Liên Âu, tuy nhiên tình hình vẫn mờ mịt. Anh sẽ rời Liêu Âu có thỏa thuận hay không ? Rời Liên Âu vào thời điểm này hay sau đó ?
Theo Le Figaro, hôm qua, thủ tướng Anh Boris Johnson đã đình chỉ hoạt động của Nghị Viện trong 5 tuần, tức đến ngày 14/10, sau khi đề xuất tổ chức bầu cử sớm của ông Johnson bị các dân biểu bác bỏ. Le Figaro dùng hình ảnh ví von « hai cánh cửa cùng lúc đóng lại », để mô tả tình hình kịch tính này. Cánh cửa thứ nhất là cánh cửa Nghị Viện Anh, còn cánh cửa kia là đề xuất bầu cử sớm của thủ tướng Anh, bị Nghị Viện bác. Le Figaro nhận định bầu cử sớm, hay xóa bài làm lại, là cốt lõi trong chiến lược của ông Johnson. Chiến lược này đã hoàn toàn phá sản.
Giờ đây câu hỏi đặt ra là : Liệu thủ tướng Anh có chấp nhận thực thi quyết định của Nghị Viện, với luật, yêu cầu châu Âu kéo dài thời hạn đàm phán thêm ba tháng hay không ? Về mặt chính thức, chính phủ Anh cho biết sẽ tuân thủ luật mà Nghị Viện vừa thông qua (đã được Nữ hoàng phê chuẩn), tuy nhiên một số nhân vật trụ cột trong chính phủ vẫn muốn duy trì một không khí mơ hồ xung quanh luật này. Ngoại trưởng Anh cho biết « sẽ xem xét kỹ » các cách giải thích khác nhau về luật. Các nghị sĩ chống lại việc Anh rời Liên Âu không thỏa thuận (tức « no deal ») cũng chuẩn bị sẵn các biện pháp pháp lý để đối phó. Một số luật sư thậm chí cảnh báo : nếu không thực thi luật, thủ tướng Anh có thể bị bắt giam.

Bầu cử địa phương Nga :

Chiến thuật thành công của đối lập

Về nước Nga, Libération có bài về đảng của Putin mất tay chân tại địa phương trong cuộc bầu cử địa phương hôm Chủ Nhật vừa qua. Theo Libération, chiến thuật của đối lập Nga đã thành công, bất chấp các ứng cử viên độc lập và đối lập bị chính quyền không cho ứng cử. Lãnh đạo đối lập Alexy Navalny đã đề xuất chiến thuật « bỏ phiếu một cách thông minh », cụ thể là cử tri đối lập dồn phiếu cho ứng cử viên nào có cơ hội giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng cầm quyền.
Kết quả: hàng loạt ứng viên của đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin bị loại, trong đó có 13 ứng viên, ứng cử vào hội đồng nghị viện Matxcơva (tức Duma Matxcơva). Tại một số thành phố, đảng của ông Putin thất bại thảm hại, ví dụ như Khabarovsk, Viễn Đông, Nước Nga Thống Nhất chỉ được 2 trên 36 ghế dân biểu.
Tại Matxcơva, 21 trên 45 ghế dân biểu địa phương đã rơi vào tay ba đảng phái « đối lập trong hệ thống », gồm đảng Cộng Sản, đảng Nước Nga Công Bằng, đảng Iabloko. Theo Libération, đây là các đảng được chính quyền coi là « dễ bảo », nhưng « dù sao cũng là đối lập ». Nhìn chung, cho dù tỉ lệ tham gia bầu rất thấp (hơn 21%), kết quả của cuộc bầu cử nói trên cho thấy « hệ thống kiểm soát chính trị truyền thống » tại Nga – vốn không cho phép mọi ứng cử viên nào có quan điểm khác với điện Kremlin được tham gia chính trường – đã bị vô hiệu hóa.

Hồng Kông:

Thảm họa của người phục vụ cùng lúc 2 chủ

Về Trung Quốc, Le Monde có bài : « Hồng Kông: Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tại tâm điểm khủng hoảng ».Để hiểu về hành trạng của nhân vật nằm ở trung tâm cuộc khủng hoảng Hồng Kông, đây là một bài viết không nên bỏ qua. Le Monde thuật lại những thăng trầm của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, từ đỉnh cao danh vọng. Người phụ nữ đầu tiên được « bầu » làm lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, với 777 phiếu, tức ba lần con số « 7 » thần thánh, được Bắc Kinh sủng ái.
Vấn đề là bà Lâm không thể cùng một lúc phục vụ hai chủ nhân, ông chủ Bắc Kinh và chủ nhân thứ hai là « dân chúng Hồng Kông ». Trong cuộc trao đổi riêng với giới doanh nhân, lãnh đạo Hồng Kông thừa nhận điều này. Theo Le Monde, khi nói điều này, ắt hẳn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (một tín đồ Công Giáo) đã có trong đầu một câu nói của thánh Matthieu trong kinh Phúc Âm : « Nhà ngươi không thể phục vụ cùng lúc Chúa và Mammon (tức biểu tượng của tiền bạc và sự giầu sang) ».

Đa số người châu Âu

muốn Liên Hiệp Châu Âu độc lập hơn

Về Liên Hiệp Châu Âu, Les Echos công bố một kết quả thăm dò thú vị về quan điểm của các công dân châu Âu đối với tương lai của khối. Theo một thăm dò dư luận về châu Âu, do cơ quan nghiên cứu và tư vấn ECFR (Hội Đồng Châu Âu về Đối Ngoại) tiến hành (với 60.000 người, thuộc 14 quốc gia châu Âu), đa số người dân muốn một châu Âu tự chủ hơn, có tiếng nói độc lập hơn, mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Thăm dò được công bố trước khi tân Ủy Ban Châu Âu chính thức ra mắt. Kết quả thăm dò nói trên hoàn toàn ngược lại với định kiến lâu nay về một dân chúng châu Âu thụ động, thờ ơ với đời sống chính trị châu lục.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Nhật Bản sẽ xả trực tiếp nước nhiễm phóng xạ Fukushima ra Thái Bình Dương ? 
Bộ trưởng Môi Trường Nhật Bản trong cuộc họp báo hôm qua, 09/09/2019, gọi đó là giải pháp duy nhất và cho biết chính phủ sẽ thảo luận thận trọng về vấn đề. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suha hôm nay đính chính đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông Harada. Hồi năm 2016, một ủy ban của bộ Công Nghiệp Nhật cũng kết luận là pha loãng nước nhiễm phóng xạ và đổ dần ra biển là biện pháp nhanh nhất và ít tốn kém nhất.
(AFP) – Số sinh viên ngoài Liên Hiệp Châu Âu đến Pháp du học vẫn tăng, 
dù chính phủ đã quyết định tăng học phí. Hôm 08/09/2019, bộ trưởng Giáo Dục Pháp thông báo số sinh viên các nước ngoài Châu Âu đăng ký học đại học tại Pháp năm nay tăng 2% so với năm ngoái.Mặc dù hồi tháng 11/2018, chính phủ quyết định tăng phí ghi danh học đại học và bậc thạc sĩ từ 170 và 243 euro/năm lên thành gần 2800 và gần 3800 euro/năm, nhưng trên thực tế mới chỉ có ít trường áp dụng mức phí mới này.
(France Info) – Lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do xe hơi các hãng lớn bán ra gây ô nhiễm nhiều hơn cả do tổng số dân Châu Âu gây ra trong một năm. 
Báo cáo của tổ chức Greenpeace chi nhánh Pháp công bố hôm qua 09/09/2019 liên quan đến 12 hãng xe lớn nhất thế giới trong năm 2018. Hãng Volkswagen thải nhiều khí cácbon nhất, sau đó là Renaul – Nissan.
(AFP) – Các nhà nghiên cứu thử nghiệm phương pháp dùng vi khuẩn wolbachia để phòng dịch sốt xuất huyết. 
Biện pháp mới này hiện được thử nghiệm tại 9 nước Đông Nam Á có dịch sốt xuất huyết hoành hành, trong đó có Việt Nam, và đạt kết quả khả quan. Sau khi vi khuẩn Wolbachiađược đưa vào muỗi trong phòng phí nghiệm, Wolbachiasẽ ức chế sự nhân lên của một số loại vi-rút, trong đó virus gây bệnh xuất xuất huyết và Zika, từ đó làm giảm hoặc mất khả năng truyền virus từ muỗi sang người.
(AFP) – Pakistan kêu gọi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc điều tra về hành động của Ấn Độ tại vùng Cachemire đang có tranh chấp. 
Phát biểu trước Hội đồng nhân quyền, hôm nay 10/09/2019, ngoại trưởng Pakistan lo ngại đang xảy ra « nạn diệt chủng » tại khu vực này và đề nghị Liên Hiệp Quốc mở điều tra tra quốc tế về các hành động vi phạm nhân quyền của Ấn Độ tại vùng này.
(AFP) – Ý : Nội các Conte 2 hôm qua được Hạ Viện thông qua. 
Chính phủ liên minh của thủ tướng Conte hiện còn phải chờ được Nghị Viện Ý thông qua vào cuối ngày hôm nay. Vào buổi sáng, các nghị sĩ đã thảo luận về chương trình hành động của chính phủ liên minh. Hôm qua, trước Hạ Viện, ông Conte đã hứa sẽ đưa Ý bước vào « một kỷ nguyên cải cách mới », nhất là về chính sách kinh tế và nhập cư.
(AFP) –Cựu đại sứ Anh bị Trump chê « ngu » được phong quý tộc. 
Ông Kim Darroch, cựu đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, bị tổng thống Mỹ Donald Trump nói là « ngu ngốc » và sau đó phải từ chức, hôm nay 10/09/2019 đã trở thành thành viên trọn đời của Viện Quý Tộc, theo sự giới thiệu của cựu thủ tướng Theresa May. Nhà ngoại giao kỳ cựu này đã làm ông Trump giận dữ, sau khi báo Mail on Sunday tiết lộ các báo cáo mật, trong đó ông Darroch đánh giá chủ nhân Nhà Trắng là « bất tài ».
(AFP) – Năm cầu thủ bóng đá Cuba đào thoát sang Canada. 
Năm cầu thủ Cuba đang tranh giải vô địch các nước CONCACAF đã bỏ đội tuyển trốn sang Canada – theo một đài truyền hình địa phương – trong đó có một cầu thủ được coi là sáng giá nhất đảo quốc. Trong 17 năm qua có tổng cộng 44 cầu thủ Cuba đào thoát khi ra nước ngoài thi đấu.
(AFP) –Tây Ban Nha : Thêm một người bị bò húc chết. 
Một ông cụ 82 tuổi hôm 09/09/2019 đã bị bò húc tử vong tại trong lễ hội thả bò rừng ở thành phố Horche, cách Madrid 60 km. Đây là người thứ hai thiệt mạng trong chưa đầy hai tuần lễ trong dịp lễ hội thả bò truyền thống nổi tiếng của Tây Ban Nha.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.