Đọc báo Pháp – 05/09/2019
Rút luật dẫn độ: ‘‘Bàn tay hòa giải rụt rè’’
của lãnh đạo Hồng Kông
Chính trị trong nước là chủ đề lớn của nhiều nhật báo Pháp, với hồ sơ cải cách hưu trí đầy gai góc được mở lại hôm nay 05/09/2019, và thông tin gây xôn xao về một chính trị gia đảng cầm quyền quyết định ra tranh cử chức đô trưởng Paris vòng một, không cần được ban lãnh đạo đảng chấp thuận.
Về châu Á, hồ sơ nổi bật nhất là lãnh đạo đặc khu Hồng Kông rút hẳn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, một trong các đòi hỏi chính của phong trào phản kháng tại Hồng Kông từ ba tháng nay.
Nhật báo Le Figaro dùng hàng tựa « Tại Hồng Kông : Bàn tay hòa giải rụt rè của bà Carrie Lam » để lột tả tính chất cơ bản của diễn biến quan trọng vừa diễn ra. Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hôm qua thông báo chính thức chôn vùi dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, đầu mối gây nên phong trào phản kháng dữ dội, kéo dài từ ba tháng nay với các cuộc xuống đường của hàng triệu người, chống lại chính quyền bị họ cáo buộc là thần phục Bắc Kinh.
Lãnh đạo Hồng Kông muốn lấy lại chủ động trong cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại Hồng Kông, bằng quyết định rút này, với hy vọng thiết lập lại niềm tin của công chúng, đồng thời hứa hẹn tiến hành « một nghiên cứu độc lập », để xác định « các nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng ».
Theo các chuyên gia, quyết định rút dự luật dẫn độ chắc chắn phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Reuters cách nay ít hôm ghi nhận chính Bắc Kinh đã ngăn cản giải pháp rút hẳn dự luật, theo đề nghị – trong hậu trường – của bà Carrie Lam với các lãnh đạo trung ương. Không có sự bật đèn xanh của Bắc Kinh, chính quyền đặc khu sẽ chỉ dám dừng ở giải pháp đình hoãn dự luật (hôm 15/06). Đây là một nguyên nhân trực tiếp khiến phong trào phản kháng tiếp tục.
Tuy nhiên, với Le Figaro, cử chỉ nhân nhượng này của lãnh đạo đặc khu là không đủ. Trước hết là vì bà Carrie Lam chỉ thỏa mãn một trong năm yêu sách chính của những người đòi dân chủ. Bốn đòi hỏi quan trọng khác không được đáp ứng là : thiết lập một ủy ban điều tra về bạo lực của cảnh sát, ân xá cho những người phản kháng bị bắt, không sử dụng cụm từ « bạo động » để nói về những người biểu tình và đặc biệt là yêu sách cử tri trực tiếp bầu người lãnh đạo đặc khu. lãnh đạo Hồng Kông nhấn mạnh là « ân xá » là một điều « không thể chấp nhận được ».
Trong khi đó, về phía phong trào phản kháng, nhiều tiếng nói chủ chốt khẳng định quyết định rút dự luật là « tích cực », nhưng các đáp ứng của chính quyền là quá ít và quá trễ. Theo nhận định của Adam Ni, nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie, Sydney, nếu bà Carrie Lam đưa ra quyết định sớm hơn, bà đã có thể tác động được đến công luận, nhưng đưa ra vào thời điểm này, ảnh hưởng sẽ rất ít, bà ấy sẽ phải có thêm những cử chỉ khác.
Theo nhật báo Pháp, thì diễn biến những ngày tới sẽ trả lời là « cuộc phản công » của Carrie Lam có đạt được mục tiêu khiến căng thẳng xuống thang, từ đây cho đến trước ngày 01/10, một dịp được coi là cực kỳ nhạy cảm, bởi đó là lúc mà chính quyền Bắc Kinh sẽ rầm rộ kỉ niệm 70 năm ngày ra đời nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Khả năng hành động hạn chế của Carrie Lam
Le Figaro cũng lưu ý là khả năng hành động của lãnh đạo Hồng Kông hiện nay rất hạn chế, cho dù được chính quyền trung ương tuyên bố « hậu thuẫn mạnh mẽ » đối với lãnh đạo đặc khu. Trong một cuộc họp kín với giới doanh nhân hồi tuần trước, một số nguồn tin cho rằng, bà Carrie Lam đã từng thổ lộ muốn từ chức.
Cùng nhận định với Le Figaro, Les Echos có bài « Hồng Kông : Sự lui bước của chính quyền Bắc Kinh không thuyết phục ». Les Echos dẫn lời nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại Hồng Kông, theo ông, « đã có sự phân hóa trong nội bộ giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc ». Thành phần được gọi là « ôn hòa » muốn có một số nhân nhượng nhỏ, và việc rút dự luật là một nhân nhượng nhỏ theo hướng này.
Vẫn theo nhà Hán học Pháp, với quyết định này, ắt hẳn là lãnh đạo Hồng Kông muốn làm hài lòng « những người ôn hòa nhất » trong hàng ngũ phong trào phản kháng, nhằm chia rẽ phong trào. Tuy nhiên, theo Les Echos, nhìn chung, việc lãnh đạo Hồng Kông không đếm xỉa đến các yêu sách còn lại của phong trào đòi dân chủ khiến hành động nhân nhượng nói trên không thuyết phục được đông đảo người biểu tình.
Chính quyền chuẩn bị đàn áp quy mô
Nhật báo La Croix, trong bài « Carrie Lam chấp nhận hy sinh để cứu vãn tình thế », dẫn lời của lãnh đạo trẻ phong trào dân chủ Hồng Kông, anh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cảnh báo là chính quyền Trung Quốc đã « không nhân nhượng gì, và đang chuẩn bị một cuộc đàn áp quy mô lớn ». Theo nghị sĩ Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai), lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập, nếu như mọi người không chấp nhận nhân nhượng nói trên của lãnh đạo đặc khu, coi đây là điều « giả dối », bởi bà Carrie Lam có thể sử dụng điều này như một cái cớ, để sau đó rảnh tay đàn áp.
Cũng La Croix có bài xã luận : « Về sự lùi bước trong chính trị », so sánh hành động rút lại dự luật của chính quyền Hồng Kông với những nhân nhượng của chính phủ Pháp trước phong trào Áo Vàng. La Croix ghi nhận một hiện tượng tương tự là : các nhân nhượng được đưa ra quá chậm trễ đã không giúp làm dịu tình hình. Nhật báo Công Giáo cũng cùng chung dự đoán là phong trào phản kháng sẽ tiếp tục, đặc biệt với yêu sách bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu, bất chấp nguy cơ chính quyền Bắc Kinh can thiệp quân sự.
Riêng phản ứng từ phía giới doanh nhân, sau nhân nhượng của lãnh đạo Hồng Kông, là theo hướng tích cực. Trong bối cảnh nền kinh tế đặc khu đứng trước nguy cơ suy thoái, chứng khoán Hồng Kông mất giá hơn 10% kể từ khi khủng hoảng bùng phát, bắt đầu lên giá ngay sau thông báo của bà Carrie Lam.
Cải cách hưu trí:
Chỉ một phần ba cử tri tin tưởng chính phủ
Cải cách hưu trí là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. Theo La Croix, thương thuyết về cải cách hưu trí bắt đầu khởi sự lại ngày hôm nay và ngày mai tại phủ tổng thống. Lãnh đạo giới chủ và các nghiệp đoàn người làm công sẽ đối thoại với thủ tướng Edouard Philippe, bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn và người phụ trách cải cách hưu trí Jean-Paul Delavoye.
La Croix, dẫn thăm dò dư luận của IFOP, theo đó, 34% tin tưởng vào chính phủ. Tin tưởng nhiều nhất là giới viên chức cấp cao, và những người hành nghệ tự do (49%), thấp nhất là trong giới công nhân (82%). 41% cho rằng không cần phải cải cách. Về phía những người ủng hộ cải cách, có nhiều lý do khác nhau. 36% ủng hộ việc kéo dài thời gian đóng góp tiền vào quỹ hưu trí, 16% ủng hộ tăng số lượng đóng góp, chỉ có 7% đồng ý ủng hộ việc giảm tiền hưu.
Bài xã luận Le Figaro thừa nhận cải cách hưu trí là một hồ sơ cực kỳ phức tạp. Le Figaro than thở là sau 18 tháng đàm phán ròng rã được ví với « cuộc chạy marathon đầu tiên », rốt cuộc giờ đây mở ra một cuộc marathon mới, cũng dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng.
Vấn đề là, giờ đây khó ai hiểu được là cải cách hưu trí đang đi về đâu. Đủ các phương án được bày ra, từ tuổi về hưu cơ bản (64 tuổi), rồi tuổi được hưởng tiền hưu trọn vẹn, rồi lại có thêm phương án kéo dài thời gian đóng góp cho quỹ hưu trí… Nhưng Le Figaro cũng thừa nhận « tính chất nguy hiểm về chính trị » của cuộc cải cách này, và tỏ ra đồng cảm với chính phủ : Nếu chính phủ đạt được mục tiêu như đã cam kết, mọi người cũng sẽ « tha thứ cho tiến trình cải cách chậm như sên này ».
Tranh cử đô trưởng Paris :
Hai ứng cử viên đảng cầm quyền đọ sức
Việc nghị sĩ Cédric Villani, thuộc đảng cầm quyền LREM, Cộng Hòa Tiến Bước, quyết định ra tranh cử thị trưởng Paris gây xôn xao (nghị sĩ Villani là nhà toán học, từng đoạt giải thưởng toán học quốc tế Fields, được coi là tương đương với giải Nobel, cùng đợt với nhà toán học hai quốc tịch Việt – Pháp Ngô Bảo Châu).
Libération chạy tựa lớn trang nhất : Villani, « một vật thể lạ » trong chính trị, tranh cử thị trưởng Paris, đối đầu với ứng cử viên chính thức đảng cầm quyền, Benjamin Griveaux. « Một cuộc chiến huynh đệ tương tàn » là lời lẽ Libération dùng để mô tả về biến cố này.
Le Monde có bài xã luận « Đảng của tổng thống trước thử thách Paris ». Theo Le Monde, việc nghị sĩ Villani quyết định vận động tranh cử, vào lúc đảng cầm quyền đã cử ứng viên chính thức từ tháng 7, đúng là một « cú sét đánh » đối với tổng thống Macron. Điều đáng nói là, đảng LREM không đưa ra quyết định chính thức nào, không coi hành động của nghị sĩ Villani là ứng xử của một người ly khai, chống đảng.
Lý do mà nghị sĩ Villani đưa ra là, để biện minh cho quyết định ra tranh cử, là việc chọn lựa các ứng cử viên trong nội bộ đảng đã diễn ra không minh bạch. Rút cục theo Le Monde, với sự kiện này, dần dần hiện ra « hai cách làm chính trị ». Cách thứ nhất hướng về bộ máy đảng, các dân biểu, còn cách làm thứ hai là hướng về xã hội dân sự.
Cho đến nay, đảng của tổng thống chưa thực hiện được việc tổng hợp quan điểm của các xu hướng khác nhau trong đảng. Trách nhiệm của tổng thống Pháp trong vấn đề này là rất lớn, bởi lập trường của tổng thống Macron cho đến nay là để cho các thành viên trong đảng tự do khẳng định mình thông qua các cạnh tranh.
Làm chính trị ngoài bộ máy đảng phái ?
Về chủ đề này, nhật báo Les Echos nhìn từ góc độ rộng hơn với bài « Chính trị với bộ máy hay không ». Nhà bình luận Cécile Cornudet của Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng từ giờ các hoạt động chính trị sẽ diễn ra ngoài bộ máy đảng ? Les Echos chỉ rõ cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ chính trị của LREM là cuộc đối đầu giữa hai cách làm chính trị, giữa Benjamin Griveaux, « người đồng sáng lập phong trào Tiến Bước » với Cédric Villani, « người không bao giờ thuộc về bộ máy ». Benjamin Griveaux đề cao tính chuyên nghiệp trong lúc Cédric Villani khẳng định tận tâm vì dân Paris, bởi hành động hoàn toàn vô tư.
Trên thực tế, theo Les Echos, viễn cảnh làm chính trị không dựa vào một đảng phái nào có trước đã được mở ra với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2017, của Emmanuel Macron, một người không do đảng phái nào chỉ định làm ứng cử viên.
Không khí, vệ sinh và « hòa hợp xã hội »:
ba điểm yếu của chính quyền
Cũng về chủ đề tranh cử Paris, Libération dành nhiều bài viết, trong đó có bài « Các vấn đề lớn của Paris năm 2020 ». Theo Libération, có ba hồ sơ lớn mà các ứng cử viên phải khẳng định các đóng góp khác biệt với đương kim thị trưởng Anne Hidalgo. Đó là chất lượng không khí, mức độ vệ sinh và việc tạo điều kiện cho việc « hòa hợp xã hội », bằng cách phát triển các khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực trung tâm. Libération chỉ rõ đây chính là ba hồ sơ yếu kém hàng đầu của chính quyền thủ đô Paris hiện nay.
Ý : Người thúc đẩy trong hậu trường
cho một liên minh chính phủ mới
Về thời sự châu Âu, các báo đặc biệt chú ý đến việc nước Ý lập được chính phủ liên minh, tạm thời qua cơn khủng hoảng, sau khi lãnh đạo cực hữu rút khỏi chính phủ. Le Figaro có bài « Người đã làm lãnh đạo cực hữu Salvini bị rớt đài », nói về chính trị gia Davide Casaleggio, con trai của người đồng sáng lập phong trào 5 Sao, người đã âm thầm đàm phán trong hậu trường để tạo lập chính phủ liên minh giữa phong trào 5 Sao và đảng Dân Chủ, giúp cho chính trường nước Ý tránh rơi vào hỗn loạn, sau quyết định ra đi của lãnh đạo đảng Liên Đoàn cực hữu hùng mạnh. Báo Libération tỏ ra hoài nghi, đặt câu hỏi là liên minh chính phủ « Conte bis » sẽ kéo dài được bao lâu.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Vietnam Airlines có giấy phép bay thẳng đến Bắc Mỹ.
Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên được cấp giấy phép bay thẳng đến Mỹ. AFP dẫn nguồn từ hãng hàng không quốc gia Việt Nam và bộ Giao Thông Hoa Kỳ hôm 05/09/2019 cho biết như trên. Từ nay, Vietnam Airlines có thể bay thẳng từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Los Angeles, San Francisco, New York, Seattle và Dallas, cũng như Vancouver, Montréal, Toronto ở
(Reutes) – Bắc Triều Tiên đòi Liên Hiệp Quốc giảm nhân viên cứu đói.
Lấy lý do chương trình viện trợ nhân đạo bị « các thế lực thù địch chính trị hóa » nên thất bại, Bình Nhưỡng yêu cầu Liên Hiệp Quốc giảm số nhân viên tại Bắc Triều Tiên. Văn thư ghi ngày 21/08/2019 đề nghị Liên Hiệp Quốc giảm từ 6 nhân viên xuống tối đa hai người, Tổ chức Y Tế Thế Giới từ sáu xuống bốn, Cơ quan Nhi Đồng UNICEF từ 13 giảm xuống còn một hoặc hai nhân viên. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, gần phân nửa dân số Bắc Triều Tiên, tức khoảng 10 triệu người bị suy dinh dưỡng.
(AFP) – Shinzo Abe gặp Vladimir Putin tại Vladivostok.
Ngày 05/09/2019, bên lề Diễn Đàn Kinh Tế Viễn Đông do Nga tổ chức, thủ tướng Nhật Bản và chủ nhân điện Kremlin thảo luận về một hiệp định hòa bình mà chưa bao giờ hai bên ký kết kể từ khi Thế Chiến II kết thúc. Trước giờ hội đàm, thủ tướng Shinzo Abe tỏ hy vọng hai bên sẽ « trao đổi thẳng thắn về quan hệ song phương, bắt đầu là hiệp định hòa bình ». Tổng thống Putin cũng bảo đảm « sẽ bàn thảo tình hình hiện nay và các biện pháp củng cố quan hệ trong tương lai ». Một trong những khó khăn trong quan hệ Nhật-Nga là xung khắc ở quần đảo Kuril bị Liên Xô chiếm đóng từ năm 1945.
(Reuters) – Ba tập đoàn Nhật-Pháp-Trung tham gia dự án khí đốt 21 tỷ đô la ở Siberia.
Quyết định khởi công dự án khai thác khí đốt ở vùng bắc cực của Nga do tập đoàn Novatek kêu gọi đã được ký kết vào ngày 05/09/2019, bên lề Diễn Đàn Kinh Tế Vladovostok. Total của Pháp chiếm 10% cổ phần trong giai đoạn đầu và có thể lên 15% nếu Novatek chịu giảm xuống dưới 60%. Hai tập đoàn còn lại là Japan-Arctic LNG của Nhật và tập đoàn Dầu Hỏa Quốc Gia của Trung Quốc. Dự án Arctic LNG2 và Yamal LNG, cơ sở khí đốt thứ hai của Novatek, cho phép Nga hy vọng được ngang bằng với Qatar về sản xuất khí đốt.
(Reuters) -Thương mại : Mỹ-Trung sẽ thương lượng vào đầu tháng 10.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thỏa thuận đàm phán về thương mại tại Washington vào đầu tháng 10. Bộ Thương Mại Trung Quốc hôm 05/09/2019 cho biết như trên, trong khi một quan chức Mỹ loan báo thương lượng Mỹ-Trung cấp bộ sẽ diễn ra « trong những tuần tới ». Hôm 03/09, tổng thống Donald Trump đã cảnh cáo Bắc Kinh là việc đàm phán sẽ khó khăn hơn nếu chần chừ đến khi ông tái đắc cử.
(AFP) – Nổ tại Kabul, thủ đô Afghanistan gần khu vực được bảo vệ an ninh chặt chẽ.
Có ít nhất 10 người thiệt mạng, hơn 40 người bị thượng, theo bộ Nội Vụ Afghanistan. Vụ tấn công tự sát hôm 05/09/2019 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và quân Taliban đang đàm phát nhằm đạt được một thỏa thuận vãn hồi hòa bình cho Afghanistan.
(AFP) – Ukraina trả tự do có điều kiện cho một nghi can trong vụ rơi máy bay MH17.
Người vừa được thả là Tsemakh Volodymyr Borysovytch, 58 tuổi. Ông này bị coi là một trong hai nghi can chính trọng vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ hồi tháng 07/2014 trên bầu trời Ukrina. Theo báo chí Kiev, nhân vật này có thể sẽ được trao trả cho chính quyền Nga.
(AFP) – Cảnh sát Pháp bị tố cáo « xách nhiễu » những người giúp di dân vượt núi Alpes.
Dãy núi Alpes là con đường mà không ít thuyền nhân một khi đến được Ý vượt biên sang Pháp và được nhiều hiệp hội thiện nguyện và dân địa phương trợ giúp nhất và vào mùa giá rét. Một bản báo cáo của Tổ Chức Nhân Quyền Mỹ Human Rights Watch công bố hôm 05/09/2019 tố cáo cảnh sát Pháp trong khu vực thường xuyên nhắm vào các nhà họat động thiện nguyện để « kiểm soát giấy tờ » quá đáng, thậm chí ba bốn lần trong một buổi chiều. Xe bị hỏng một quạt nước cũng bị phạt. HRW gọi đây là những hành động cản trở người dân làm việc thiện cho dù Hội Đồng Bảo Hiến trong một phán quyết hồi tháng 07/2018 ghi rõ : một hành động nhân đạo không thể bị xem là phạm pháp luật trừ phi đưa người qua biên giới.
(AFP) -Iran thả 7 thủy thủ của tàu dầu Thụy Điển.
Bộ Ngoại Giao Thụy Điển hôm 04/09/2019 loan báo « một số » thủy thủ của chiếc tàu Stena Impero đã được Iran trả tự do ; còn công ty Stena Bulk, chủ sở hữu tàu này cho biết cụ thể có 7 trên tổng số 23 thủy thủ được thả. Chiếc tàu dầu Thụy Điển treo cờ Anh đã bị Iran bắt giữ tại eo biển Ormuz ngày 19/07, nửa tháng sau khi tàu dầu Iran Adrian Darya 1 bị bắt ngoài khơi Gibraltar.
(AFP) – Facebook họp với quan chức Mỹ đề phong tin tặc bầu cử tổng thống 2020.
Theo thông báo của tập đoàn công nghệ vùng thung lũng Sillicon Valley, cuộc họp diễn ra hôm 05/09/2019 tại khu ký túc xa ở Menlo Park-California. Các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cao từ Facebook đến Google, Microsoft và Twitter đều hiện diện. Phía chính quyền gồm đại diện của bộ An ninh Nội địa và DNI (Director National Intelligence).
(AFP) -Các nhà ly khai Cuba kêu gọi biểu tình chống đối thoại với EU.
Hai tổ chức đối lập Cuba là Unpacu và Cuba Decide hôm 04/09/2019 kêu gọi biểu tình trên toàn quốc vào Chủ Nhật 08/09 để phản đối thỏa thuận đối thoại chính trị giữa đảo quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU), một ngày trước khi người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu thăm Cuba. Lý do đưa ra là thỏa thuận được ký tháng 12/2016 « không đặt ra điều kiện để có được những thay đổi cụ thể về hệ thống chính trị kinh tế Cuba để bảo đảm chấm dứt đàn áp, tôn trọng các quyền tự do căn bản của công dân».
(AFP) – Liên Hoan Phim Deauville khai mạc với phim A Rainy Day in New York.
Bộ phim mới nhất của đạo diễn Woody Allen được chọn khai mạc liên hoan phim Mỹ tại thành phố Deauville, vùng Normandie miền bắc nước Pháp, vào tối 06/09/2019. Festival phim Mỹ Deauville 2019 mở ra từ ngày 6 đến 15/09.
Tạp chí tiêu điểm
Vì Mỹ và Trung Quốc, Pháp
muốn lôi kéo Nga trở về “mái nhà châu Âu”
« Nước Nga là ở châu Âu », ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố trước hội nghị thường niên các đại sứ Pháp ngày 29/08/2019. Cũng tại hội nghị này, tổng thống Pháp phát biểu : « Ai đã đánh mất nước Nga ? Chính chúng ta, phương Tây ». Ngành ngoại giao Pháp và giới chuyên gia nước này cho rằng đã đến lúc « Pháp và Liên Hiệp Châu Âu xem xét một chính sách đối ngoại thực tiễn hơn với Nga ».
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron kêu gọi Pháp cũng như là Liên Hiệp Châu Âu nên « kiến tạo một niềm tin mới » với Matxcơva, « xem xét lại mối liên hệ với nước Nga ». Phát biểu này được đưa ra hơn một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Pháp – Nga tại Brégançon (tây nam nước Pháp) ngày 19/08/2019, vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh khối G7.
Việc tổng thống Pháp quyết định chìa bàn tay thân thiện với Matxcơva đã được nhiều nhà quan sát tán đồng. Ông Hubert Védrine, cựu ngoại trưởng Pháp, trả lời phỏng vấn báo Le Figaro ngày 18/08/2019, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp Macron – Putin khẳng định hướng đi này chỉ có lợi cho mối quan hệ giữa Pháp và Nga cũng như là Liên Hiệp Châu Âu với Nga.
Ông nói : « Đây là một ý định rất hữu ích nhằm giúp Pháp và nếu có thể là châu Âu thoát ra khỏi một ngõ cụt, một cuộc chiến quan điểm vô bổ khởi phát từ nhiều năm qua mà cả hai phía đều sai lầm, nhất là kể từ nhiệm kỳ thứ ba của ông Vladimir Putin. Và cuộc đối đầu này dẫn đến một sự khó hiểu về chiến lược : Hệ quả là ngày nay chúng ta có những mối quan hệ với Nga còn tồi tệ hơn so với ba thập niên cuối cùng với thời Liên Xô ! Điều này chẳng có lợi gì cho chúng ta ! »
Câu hỏi đặt ra : Vì sao vào lúc này ? Khi quan sát cuộc gặp Putin – Macron, cây bút xã luận kỳ cựu của báo Le Monde, bà Sylvie Kauffman, tự hỏi : Phải chăng ông Emmanuel Macron đang chơi lại chiêu bài « RESET » mà cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama đã từng thử thực hiện năm 2009 nhằm xích lại gần với Nga nhưng không thành ?
Ba định đề của Macron
Theo tổng thống Pháp, 10 năm sau chương trình « reset » của Obama, nếu Vladimir Putin vẫn còn đó, thực tế địa chính trị không còn như trước nữa. Thế giới đang trải qua một giai đoạn tái lập một trật tự mới chưa từng có. Do vậy, theo bà Kauffman, nguyên thủ Pháp căn cứ vào ba định đề để lập ra một chính sách đối ngoại mới với nước Nga.
Thứ nhất, mô hình bành trướng quân sự của Nga và tính xung đột thường trực, bắt nguồn từ sự « yếu kém » của phương Tây, tuy có những thành công nhất định nhưng không thể kéo dài. Yếu về mặt kinh tế và dân số, sớm hay muộn, Nga sẽ phải tìm kiếm sự trợ giúp, và điều không thể tránh khỏi, Nga sẽ hướng sang Trung Quốc. Chính châu Âu sẽ phải ngăn chận mối liên minh này, vốn dĩ sẽ bất lợi cho khu vực.
Thứ hai, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang bị tách rời. Tuy vẫn là « một đồng minh rất quan trọng », nhưng Hoa Kỳ đang dần lìa xa châu Âu và không còn quan tâm đến việc tư duy chiến lược của châu Âu nữa. Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung ký kết với Matxcơva – một trong những vết tích sau cùng thời chiến tranh lạnh – mà nước Nga bị cáo buộc đã vi phạm, chính quyền Washington đã thúc đẩy nhanh hơn nữa mọi việc. Vì cơ cấu kiểm soát vũ khí này, « được kiến tạo trong một bối cảnh địa chính trị không còn phù hợp với hiện nay », đang bị phá vỡ, giờ đến phiên châu Âu phải xây dựng cái mới, nhưng phải có sự phối hợp với Nga, quốc gia mà ông Macron tin rằng « thuộc châu Âu ».
Thứ ba, một thế giới hai cực mới Mỹ – Trung đang hình thành. Washington muốn đàm phán với Bắc Kinh về việc kiểm soát vũ khí. Trong bối cảnh này, nguyên thủ Pháp khẳng định « không muốn là con tin » của cuộc đàm phán này và cần phải có một khung đa phương mới. Châu Âu trong quá khứ từng là một con chốt trong bàn cờ địa chính trị Nga – Mỹ. Giờ đến lúc để châu Âu lấy lại « kiểm soát ». Do vậy, châu Âu phải là « đồng minh » chứ không phải là « chư hầu ».
Nước Pháp gặp thời?
Trong chiều hướng này, rõ ràng việc tổng thống Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Brégançon trước thềm hội nghị G7 là động thái ngoại giao được giới chuyên gia đánh giá cao. Nước Pháp muốn đề cao tầm quan trọng của Nga trong một bối cảnh địa chính trị mới. Tổng thống Pháp không ngừng nhắc lại rằng để « Nga rơi vào vòng tay Trung Quốc sẽ là một sai lầm to lớn ».
Cuộc gặp Nga – Pháp không chính thức vừa qua, tuy không mang lại nhiều kết quả như mong đợi trong nhiều hồ sơ lớn như Ukraina, Iran hay Syria nhưng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và hàm chứa nhiều thông điệp chính trị. Do vậy Pháp muốn là tiếng nói của châu Âu, thay mặt châu Âu đối thoại với Nga như nhận xét của ông Cyrille Bret, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po trên đài France Culture.
« Đương nhiên, về mặt nội dung, chúng ta sẽ chưa có được việc trả tự do cho các thủy thủ Ukraina, chúng ta cũng sẽ chưa thể giúp cho vấn đề chủ quyền Ukraina được trở lại bình thường nhưng nước Pháp, nhất là tổng thống Emmanuel Macron đã tận dụng được tình hình và hưởng lợi do việc ông nhân danh Liên Hiệp Châu Âu, tiến hành đối thoại với nhân vật vừa là đối tác vừa là đối thủ của Pháp ở châu Âu, đó là tổng thống Nga.
Thông điệp đưa ra gởi đến công luận Pháp cũng như là châu Âu là chính tổng thống Emmanuel Macron là người đang phải gánh vác một việc cực kỳ khó khăn, đang nói chuyện với một đối thủ khó nhất của Liên Hiệp Châu Âu. Nhìn từ góc độ này, tôi nghĩ rằng cuộc gặp Putin – Macron hàm chứa nhiều thông tin về tiến triển trật tự quốc tế trong những tháng tới đây »
Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu, giảng viên Florent Parmentier, trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) đồng chia sẻ trên đài RMC. Theo phân tích của ông, quyết định xích lại gần với Nga là cần thiết. Nước Nga là tác nhân chủ chốt cho nhiều cuộc đàm phán chiến lược ở cấp độ quốc tế.
« Nước Nga bị gạt ra khỏi G8 (giờ là G7), sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée. Việc tiếp tổng thống Nga là một cách thức cho phép nước Pháp lấy lại thế chủ động và để có thể nói với nguyên thủ Nga rằng trong một chừng mực nào đó, Pháp có thể đưa Nga trở lại với G7.
Ý đồ thứ hai là hồ sơ Ukraina. Hiện nước này vừa có một vị tổng thống mới, ông Volodymyr Zelensky và như vậy tổng thống Pháp muốn gây ảnh hưởng. Cuối cùng là hồ sơ Iran. Đơn giản chỉ vì nước Pháp muốn đóng vai trò không phải là trọng tài, trung gian mà là nhà đàm phán ».
Quả bóng trên sân Nga
Thế nhưng, một trong những khó khăn đầu tiên cần phải được giải quyết là làm thế nào hóa giải các điểm bất đồng giữa Nga và Pháp. Chuyên gia Cyrille Bret nghĩ rằng trong tình cảnh này, không nên trông đợi nhiều vào những bước đột phá ngoại giao quan trọng trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế lớn.
« Nếu như Pháp và Nga cùng đồng thuận trong việc duy trì thỏa thuận nhằm hạn chế năng lực hạt nhân của Iran thì lại bất đồng trong hồ sơ Ukraina. Ngoài những trao đổi hữu hảo trước đây về những nhượng bộ lẫn nhau cần thiết nhưng rất hạn chế, thì giờ đây cả hai nước có thể xúc tiến từ từ hồ sơ này.
Tôi nghĩ là không nên có cách tiếp cận « tối đa hóa » trong cuộc đối thoại giữa Pháp và Nga cũng như là giữa Liên Hiệp Châu Âu với Nga. Do những bất đồng chiến lược, địa kinh tế cũng như là những khác biệt trên phương diện giá trị chính trị quá lớn giữa các bên, nên chỉ có thể đạt được những tiến bộ trong những vấn đề hạn hẹp và cụ thể mà thôi. »
Chỉ có điều như nhận định của ông Cyrille Bret, nếu như Pháp và Liên Hiệp Châu Âu cần đến Nga thì trong một thế cân đối, Nga cũng rất cần đến châu Âu hơn là với Trung Quốc.
« Tôi nghĩ là câu hỏi cân xứng ở đây chính là Nga cũng rất cần đến châu Âu để có nguồn tài chính. Một nửa ngân sách của Liên bang Nga, trong đó có cả các nỗ lực trang bị vũ khí, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu có được từ việc bán dầu khí cho châu Âu, trong khi nguồn xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc không thể thay thế cho nguồn xuất khẩu dầu khí sang châu Âu. Hiện tại, nước Nga rất cần đến các nguồn đầu tư công nghệ, kỹ sư nhất là nguồn ngoại tệ của châu Âu chứ không phải trong chiều ngược lại.
Quả thật có sự bất cân xứng rất lớn. Liên Hiệp Châu Âu không có một chính sách về Nga trong khi ngược lại nước Nga từ lâu chỉ có một chính sách về châu Âu : Đó là chia để trị.
Chính vì lý do này mà tổng thống Pháp tận dụng cơ hội Ủy Ban Châu Âu mới chưa thành lập, tân thủ tướng Anh đang bù đầu với Brexit, thủ tướng Đức Angela Merkel đang dần dần mờ nhạt. Ông xông lên tuyến đầu, nhân danh Liên Hiệp Châu Âu để đối thoại với Vladimir Putin, thể hiện lập trường một cách chung chung, chưa cho phép tạo ra được mối tương quan lực lượng đủ mạnh, nhưng chí ít cũng đặt thêm một viên gạch thứ ba, sau cuộc gặp thứ nhất tại cung điện Versailles và tại Saint Petersburg nhằm thiết lập một cuộc đối thoại với một nước Nga vốn khó tính.
Tương lai của châu Âu không lệ thuộc vào Nga nhưng vấn đề ở đây là cần làm cho nước Nga hiểu được rằng tương lai của chính nước này, đặc biệt trong thời kỳ hậu Putin, lại phụ thuộc chủ yếu vào việc kết gắn, hòa hợp với kinh tế, và các cơ cấu định chế của Liên Hiệp Châu Âu, của Hội Đồng Toàn Châu Âu. Tôi nghĩ đó chính là thông điệp mà tổng thống Pháp muốn đưa ra. »
Liệu rằng điện Kremlin có chịu nắm tay bàn tay « thân thiện » mà tổng thống Emmanuel Macron chìa ra hay không ? Thứ Hai, 09/09 diễn ra cuộc họp cấp cao 2+2 đầu tiên giữa Nga và Pháp (cuộc gặp giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc Phòng) kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014. Liệu Vladimir Putin sẽ có một sự chuyển hướng nào cho sách lược Nga, thân châu Âu hơn hay không ? Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về phía Matxcơva.
0 nhận xét