Chương trình Thời sự thứ Ba, 10/09/2019
Cherry Radio
Cẩm Nhung | 10/09/2019
Nguồn: https://cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-ba-10092019-rd2304593
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Thặng dư thương mại giảm 7.29 tỷ đô la trong tháng Bảy
- Dandenong North: Trộm xe hơi và tàng trữ chất cấm, hai người bị bắt giữ
- Victoria: Thủ hiến bang công bố dự án xây dựng khoa cấp cứu hiện đại cho bệnh viện Monash
- Greater Dandenong: Lễ hội Thiếu nhi 2019 sẽ mang đến chuyến phiêu lưu kỳ thú ngoài không gian
- Victoria: Người hâm mộ túc cầu nên cảnh giác trước tình trạng đầu cơ vé
- Brimbank: Công bố chiến lược mới để giải quyết vấn đề đậu xe
- Victoria: Phố mua sắm Hampshire Road sẽ rực sáng trong Lễ hội Đèn lồng Sunshine
- Tin Úc: Sức khỏe của người nhận phúc lợi xã hội ngày càng kém hơn
- Tin vắn
Tin thế giới:
Sáng 10/9, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu bác đề xuất tiến hành bầu cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson. Tại cuộc bỏ phiếu, đề xuất tiến hành bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson chỉ nhận được 293 phiếu ủng hộ. Trong khi đó, để được thông qua, đề xuất này cần tới 434 phiếu ủng hộ, tức 2/3 số phiếu tại Hạ viện gồm 650 ghế. Trong ngày 9/9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện kế hoạch đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận - còn gọi là "Brexit cứng"- vào ngày 31/10 tới. Cuộc bỏ phiếu mới nhất tại Hạ viện Anh được tiến hành ngay trước khi Quốc hội nước này bắt đầu tạm ngừng hoạt động sau khi kết thúc ngày làm việc 9/9 và kéo dài trong vòng một tháng theo yêu cầu của Thủ tướng Johnson.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước Nga và Pháp vừa có cuộc hội đàm tại Moskva. Đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ 2+2 giữa Nga và Pháp, sau khi bán đảo Crime sáp nhập vào Nga năm 2014. Hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề, từ việc xây dựng lòng tin, vấn đề Ukraine cho đến hồ sơ hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng quan hệ Nga - Ukraine sẽ cải thiện. Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng đánh giá cao động thái tích cực trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, đặc biệt sau cuộc trao trả tù nhân vừa diễn ra.
Hôm 8/9, các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã băng qua biên giới Syria để bắt đầu các cuộc tuần tra chung với Mỹ trong khu vực an toàn của người Hồi giáo dọc theo biên giới. Đây là cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận đạt được giữa hai nước hồi tháng 8 vừa qua nhằm thiết lập "vùng an toàn" và giảm căng thẳng giữa Ankara và nhóm vũ trang lực lượng người Kurd được Washington hậu thuẫn. Phản ứng trước động thái này, Syria đã lên án cuộc tuần tra chung trên đất Syria là sự "xâm phạm trắng trợn" chủ quyền Syria, vi phạm sự "toàn vẹn lãnh thổ" của Syria.
Theo Reuters, 3 ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ ngày 9/9 cho biết đã khởi động “một cuộc điều tra trên diện rộng” đối với những báo cáo cho rằng Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani - luật sư của ông và những người khác gây sức ép buộc Chính phủ Ukraine hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của người đứng đầu Nhà Trắng. Chủ tịch thuộc đảng Dân chủ của 3 ủy ban tình báo, giám sát và đối ngoại Hạ viện Mỹ đã viết thư gửi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao để tìm kiếm các hồ sơ liên quan đến hoạt động mà các ủy ban này mô tả là những nỗ lực nhằm “thao túng hệ thống tư pháp của Ukraine.” Trước đó, một nguồn thạo tin ngày 7/9 cho biết Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ dự định sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết nhằm chính thức hóa cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump trong tuần này.
Cuộc biểu tình phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ ở đặc khu hành chính này của Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong 3 tháng qua và chưa có dấu hiệu lắng xuống, các cuộc xung đột vũ lực giữa cảnh sát và người biểu tình gia tăng. Chiều 9/9, cảnh sát Hong Kong cho biết từ ngày 6-8/9, cảnh sát đã bắt 157 đối tượng biểu tình quá khích, trong đó có 125 nam, 32 nữ, độ tuổi từ 14 đến 63. 12 cảnh sát đã bị thương trong quá trình bắt giữ người biểu tình quá khích. Mặc dù Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ hôm 4/9, nhưng những người biểu tình cho rằng động thái này của chính quyền Hong Kong là "quá muộn và quá ít." Họ tiếp tục xuống đường biểu tình để yêu cầu chính quyền đáp ứng 4 yêu cầu còn lại.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn tuyên bố của quân đội nước này đưa tin Triều Tiên vừa phóng 2 vật thể chưa xác định ra biển Nhật Bản vào sáng sớm ngày 10/9. Đây là vụ phóng thứ 8 của Triều Tiên trong hơn một tháng qua. Tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết 2 vật thể được Triều Tiên phóng đi từ tỉnh Nam Pyongan về phía Đông. Yonhap cũng dẫn tuyên bố của JCS cho biết quân đội Hàn Quốc duy trì trạng thái sẵn sàng và theo dõi tình hình nhằm đề phòng các vụ phóng tiếp theo. Ngay sau khi Triều Tiên phóng 2 vật thể chưa xác định về phía Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sáng 10/9 tuyên bố vụ phóng không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của nước này. Vụ phóng trên được thực hiện sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui ngày 9/9 cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định trọng tâm sứ mệnh của tổ chức này tại Afghanistan không thay đổi sau những diễn biến mới đây liên quan đến tiến trình đàm phán giữa Mỹ và lực lượng phiến quân Taliban. Trong tuyên bố ngày 9/9, NATO nhấn mạnh tổ chức này vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố và kiến tạo hòa bình tại quốc gia Tây Nam Á này. Hiện, NATO duy trì khoảng 16.000 binh sỹ tại Afghanistan, có nhiệm vụ đào tạo, cố vấn các lực lượng an ninh nước sở tại. NATO đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/9 bất ngờ hủy cuộc gặp bí mật với lãnh đạo Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về một dự thảo thỏa thuận thúc đẩy hòa bình tại Afghanistan.
Bộ trưởng Năng lượng mới của Saudi Arabia-Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết quốc gia này muốn sản xuất và làm giàu urani nhằm triển khai chương trình sản xuất điện hạt nhân theo kế hoạch đã đề ra. Phát biểu ngày 9/9 tại một hội nghị ở Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bộ trưởng bin Salman tuyên bố Saudi Arabia đang thận trọng xúc tiến các dự án liên quan đến hoạt động sản xuất và làm giàu urani. Hiện Riyadh đang trong quá trình thử nghiệm hai lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, hoạt động làm giàu urani là một bước nhạy cảm trong quá trình tổng hợp nhiên liệu hạt nhân do việc sở hữu urani có thể mở ra khả năng cho quốc gia sở hữu nguyên liệu này cho mục đích quân sự. Các nước phương Tây và nhiều nước khu vực đang hết sức quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran.
Một giáo sư người Trung Quốc đã bị buộc tội đánh cắp công nghệ của một công ty tại bang California, Mỹ để làm lợi cho hãng thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc. Cáo buộc trên do các công tố viên Mỹ đưa ra. Những cáo trạng tại tòa cho biết, giáo sư Bo Mao đã bị bắt tại bang Texas. Sáu ngày sau, ông được tại ngoại sau khi nộp 100.000 USD và đồng ý sẽ tiếp tục phục vụ điều tra tại New York. Trong phiên xử tại tòa Brooklyn vừa qua, ông Bo Mao đã bác bỏ tội danh bị cáo buộc là cấu kết để gian lận tài chính liên quan đến việc sử dụng viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Ông Mao là phó giáo sư tại Đại học Hạ Môn, Trung Quốc. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại một trường đại học ở bang Texas, Mỹ từ mùa thu năm 2018.
Các quan chức y tế Pháp cho biết, trong 18 ngày của đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè vừa qua, đã có hơn 1.500 người thiệt mạng tại nước này. Một nửa trong số những người thiệt mạng do nắng nóng ở độ tuổi trên 75. Pháp đã đưa ra cảnh báo ở mức cực kỳ nguy hiểm khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Bộ Giáo dục Pháp đã cho học sinh tiểu học nghỉ học và dời lịch cho các kỳ thi quốc gia khi trời quá nóng.
Tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn, công ty hàng đầu về sản xuất nhựa, hiệp hội thương mại tại Bangkok, Thái Lan cam kết ngừng phát túi nhựa dùng một lần từ tháng 1/2020. Sự hợp tác từ những tập đoàn bán lẻ và các siêu thị lớn có thể giúp giảm 30% túi nhựa sử dụng một lần, góp phần đưa Thái Lan thoát khỏi danh sách những nước có nhiều chất thải và rác thải nhựa. Từ đầu năm 2022, quốc gia Đông Nam Á này sẽ cấm sử dụng các hộp đựng thực phẩm làm bằng xốp và những vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần. Lệnh cấm này là một phần trong lộ trình của Chính phủ về quản lý chất thải nhựa giai đoạn 2018 - 2030. Kế hoạch tổng thể nói trên còn đặt mục tiêu tái chế tất cả vật liệu và rác thải nhựa ở Thái Lan vào năm 2030.
Lực lượng cứu hỏa Nhật Bản đang nỗ lực khống chế vụ cháy xảy ra ngày 9/9 tại một nhà máy điện Mặt Trời ở tỉnh Chiba, gần thủ đô Tokyo. Theo truyền thông địa phương, nguyên nhân khiến đám cháy bùng phát có thể là do gió lớn, ảnh hưởng của cơn bão Faxai đổ bộ vào tỉnh Chiba trước đó cùng ngày. Ngọn lửa đã làm bốc lên tạo đám khói đen dày đặc từ các tấm pin năng lượng Mặt Trời được đặt trên bề mặt nước. Hiện chưa có thông tin về thương vong trong vụ hỏa hoạn này. Lực lượng cứu hỏa cho biết khoảng 50 tấm pin năng lượng Mặt Trời trong tổng số hơn 50.000 tấm tại nhà máy này đã bốc cháy.
Tin thể thao:
Vòng loại EURO 2020: Mặc dù phải làm khách trên sân Hampden Park của Scotland, song Bỉ đã dễ dàng đánh bại Scotland 4 bàn không gỡ ngay trên sân khách trong trận đấu thuộc vòng loại EURO 2020. Tiền vệ Kevin De Bruyne là ngôi sao sáng nhất trận này với 1 hat-trick kiến tạo và 1 bàn thắng. Kết quả này giúp Scotland vững vàng ở vị trí đầu bảng I với 18 điểm sau 6 lượt trận, hơn Nga 3 điểm.
Vài ngày sau cú ngã 2-4 trước Hà Lan, người Đức đã trở lại với chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 trên sân Bắc Ireland để chiếm luôn ngôi đầu bảng C (12 điểm/5 trận) từ chính Bắc Ireland (bằng điểm nhưng kém hiệu số phụ). Trong khi đó, Hà Lan dạo chơi 4-0 trên sân Estonia. Với 9 điểm/4 trận, Hà Lan tạm thời xếp thứ 3 bảng C, kém Đức và Bắc Ireland 3 điểm nhưng đá ít hơn 1 trận.
Sao trẻ MU lại tỏa sáng: Sau khi ghi bàn liên tục trong màu áo MU (3 bàn/4 trận), tân binh Daniel James tiếp tục trình diễn phong độ xuất sắc khi lập một siêu phẩm cứa lòng giúp Xứ Wales đánh bại Belarus 1-0 ở trận giao hữu vừa qua. Ở trận này, James đá chính từ đầu trước khi nhường chỗ cho đàn anh Gareth Bale ở phút 50.
Man City tăng cường lực lượng đua Liverpool. Theo DailyExpress, HLV Pep Guardiola đã nhắm chiêu mộ trung vệ Milan Skriniar trong tháng 1 để tăng cường hàng thủ. Man City vừa mất trung vệ Laporte, người sẽ phải nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương gối. Hiện Skriniar đang chơi rất nổi bật trong màu áo Inter Milan.
Messi gia hạn hợp đồng trọn đời với Barca: Theo truyền thông Tây Ban Nha, ban lãnh đạo Barca đang soạn thảo hợp đồng mới dành cho Lionel Messi nhằm đảm bảo siêu sao Argentina ở lại Camp Nou cho tới cuối sự nghiệp. Hợp đồng hiện tại của Messi với Barca có hạn đến tháng 6/2021 nhưng một khi hợp đồng mới được kí, dự kiến sẽ không có thêm lần gia hạn nào nữa vì Barca đang soạn thảo một hợp đồng trọn đời với số 10 huyền thoại của họ. Chủ tịch Bartomeu không nghi ngờ về lòng trung thành của Messi nhưng Barca vẫn muốn đảm bảo chắc chắn rằng Messi sẽ ở lại với họ tới khi treo giày bằng cách đề nghị với anh một hợp đồng đủ dài.
Tổng thống Pháp "muối mặt" vì BTC sân Stade de France. Theo AFP, Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã gửi lời xin lỗi đến Albania và Thủ tướng quốc gia này, ông Edi Rama về vụ Ban tổ chức trận Pháp - Albania ở vòng loại Euro 2020 (8/9) phát nhầm quốc ca. Cụ thể, thay vì cử quốc ca Albania trước trận, BTC đã phát quốc ca của Andorra. Trận này "Gà trống Gaulois" thắng 4-1.
Inter tiếp tục giải cứu SAO MU "hết thời": Theo tiết lộ từ trang Calcio Mercato (Italia), Inter Milan đang rục rịch khởi động chiến dịch "giải cứu" Nemanja Matic - ngôi sao bị thất sủng của MU ở kỳ chuyển nhượng tháng 1/2020. Đáng chú ý, Matic là cầu thủ MU thứ 3 được đại diện Serie A để mắt sau khi chiêu mộ Romelu Lukaku (73 triệu bảng) và mượn Alexis Sanchez. Thời gian qua, Matic cũng liên tục công khai bày tỏ thái độ bất mãn với HLV Ole Gunnar Solskjaer vì mất suất đá chính vào tay đàn em Scott McTominay.
Sergio Ramos muốn đi vào lịch sử: Thủ quân Real Madrid Sergio Ramos cho biết mục tiêu của anh là chơi 200 trận cho tuyển Tây Ban Nha và dĩ nhiên nếu chạm mốc đó, anh sẽ là cầu thủ khoác áo La Furia Roja (biệt danh của tuyển Tây Ban Nha) nhiều nhất trong lịch sử. Sau khi ra sân ở trận thắng Đảo Faroe 4-0 mới rồi, Ramos cùng với cựu thủ môn Real Madrid Iker Casillas đã trở thành hai cầu thủ khoác áo tuyển Tây Ban Nha nhiều nhất trong lịch sử cho tới lúc này với 167 trận.
De Gea sắp gia hạn: Tờ Guardian vừa tiết lộ thủ thành David De Gea đã chấp nhận mức lương 290 nghìn bảng/tuần, ngang với Paul Pogba, và sẽ ký hợp đồng mới trong nay mai. Trong khi đó, Telegraph cho biết, yếu tố tiên quyết khiến De Gea ở lại chính là lời hứa sẽ được mang băng đội trưởng MU. Hợp đồng hiện tại của De Gea với MU sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Từ đầu mùa đến giờ, De Gea chơi không quá xuất sắc, tuy nhiên, đẳng cấp của thủ thành người Tây Ban Nha đã được khẳng định, và anh vẫn là trụ cột hàng đầu của MU. Giữ chân được anh, MU vẫn sẽ bớt âu lo hơn.
Neymar hối lỗi, được đồng đội ở PSG tha thứ: Bất chấp những nỗ lực "nổi loạn" để tới Barca trong kỳ chuyển nhượng hè, Neymar vẫn phải ở lại PSG. Tuy nhiên trái với lo ngại rằng siêu sao 27 tuổi bị cô lập, đội trưởng Thiago Silva đã lên tiếng khẳng định các đồng đội lẫn HLV Thomas Tuchel quyết định tha thứ cho anh vì biết hối lỗi đúng lúc.
Lý do Washington không thể giảm bớt dấu ấn quân sự của mình
Trang mạng nationalinterest.org đưa tin trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban vẫn đang tiếp diễn, một sự thực ngày càng rõ ràng là dù có đạt được một thỏa thuận đi nữa thì bất kỳ một sự rút quân nào của Mỹ khỏi Afghanistan đều sẽ chỉ là một phần, chứ không phải toàn bộ.
Tổng thống Donald Trump vừa xác nhận điều này trong bài phỏng vấn với đài phát thanh Fox News: “Đúng vậy, các bạn sẽ vẫn duy trì sự hiện diện ở đó. Chúng ta sẽ vẫn duy trì hiện diện ở đó.”
Ông đã chỉ rõ rằng số lượng 14.000 quân lính hiện nay đã được giảm bớt xuống còn 8.600. Số lượng này sẽ được giảm thêm nếu thỏa thuận cuối cùng được nhất trí, song số lượng lớn nhân sự thuộc Lực lượng Đặc biệt, gián điệp tình báo và các nhà thầu quân sự sẽ vẫn được duy trì vô hạn định.
Những người ủng hộ một sự rút quân hoàn toàn của Mỹ khỏi cuộc chiến dai dẳng nhất này một lần nữa lại phải tuyệt vọng tin rằng tổng thống đã lắng nghe các lãnh đạo quân sự và các thành phần diều hâu như thượng nghị sỹ Lindsey Graham và rút lại ý định kéo Mỹ ra khỏi cuộc xung đột dường như không có hồi kết này.
Một hình mẫu tương tự từng xuất hiện mùa Hè năm 2017, khi Cố vấn Anh ninh Quốc gia McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, và các cố vấn khác đã áp đảo thành công Trump để từ bỏ lời hứa mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử 2016 là chấm dứt sứ mệnh Afghanistan. Đây là sự đơn giản hóa nhằm đổ lỗi cho sự ảnh hưởng của các thành phần diều hâu đáng ghét lên ý muốn duy trì dấu ấn quân sự của Mỹ (dù nhỏ hơn) tại Afghanistan. Động thái của ông nhất quán với chính sách an ninh thế giới của Mỹ trong hơn bảy thập kỷ qua.
Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ đã áp dụng phiên bản của Học thuyết Brezhnev thời Chiến tranh Lạnh theo kiểu của mình. Chính sách của Moskva này, vốn được đặt theo tên lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, xác định rằng một khi một đất nước trở thành một thành viên của phe cộng sản, thì nó sẽ luôn là như vậy. Phiên bản của Mỹ mang ý nghĩa là một khi một quốc gia bị phụ thuộc an ninh vào Mỹ, thì nước đó sẽ muôn đời phải phụ thuộc vào an ninh Mỹ, và một khi Washington thiết lập được một dấu ấn quân sự quan trọng tại một đất nước, thì dấu ấn đó sẽ tồn tại mãi mãi.
Chính sách này đã trở thành một hình mẫu kiên định. Mỹ vẫn đóng quân tại châu Âu và Nhật Bản dù Chiến tranh Thế giới Thứ Hai kết thúc từ lâu. Ngay cả khi Hiệp ước Warsaw và Liên Xô sụp đổ thì điều đó cũng chỉ kéo theo một sự giảm bớt, chứ không phải là xóa bỏ hoàn toàn, sự hiện diện của quân lính Mỹ tại châu Âu. Tương tự, Washington vẫn tiếp tục duy trì gần 30.000 quân lính tại Hàn Quốc, dù cho dân số đất nước này hiện đã tăng gấp đôi và nền kinh tế thì lớn gấp gần 50 lần so với kinh tế Triều Tiên, và bối cảnh lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh gần như đã biến mất.
Ngay cả trong những trường hợp hiếm hoi mà các lãnh đạo Mỹ chấp nhận chấm dứt dấu ấn quân sự của mình, quyết định này cũng được thực hiện một cách bất đắc dĩ, và Washington chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực dàn xếp một sự đảo ngược kết quả. Một cuộc bầu cử Thượng viện mạnh mẽ tại Philippines và một vụ phun núi lửa lớn đã chôn vùi căn cứ không quân của Mỹ tại đây, khiến Mỹ phải rút các lực lượng của mình tại quốc gia này vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Thêm vào đó, chừng nào các quan chức Mỹ còn có thể thổi phồng mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và sự nổi lên của cường quốc quân sự Mỹ, thì họ vẫn sẽ lợi dụng những luận điểm đó để khôi phục sự hiện diện quân sự của Mỹ. Dấu ấn được khôi phục này sẽ còn lớn hơn, với những điều kiện vật chất mới và bền vững được xây dựng. Có lẽ khía cạnh đáng hổ thẹn nhất của sự quay lại này là nó đang được thực hiện thông qua một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường 2014 đã phớt lờ một cách trơ trẽn năng lực thương lượng hợp pháp của Thượng viện Philippines.
Khi Washington tiến hành cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003, giới chức Mỹ đã bảo đảm với những người dân Trung Đông đa nghi rằng họ không có ý đồ thiết lập một sự hiện diện quân sự thường trực tại Iraq. Tổng thống George W.Bush khi đó còn đàm phán một thỏa thuận với chính phủ dân chủ mới của Baghdad nhằm rút tất cả quân lính Mỹ vào thời hạn cuối năm 2011. Bất chấp sự vận động mạnh mẽ của các thành phần diều hâu (chủ yếu là phe Cộng hòa) nhằm bội ước thỏa thuận này và đàm phán một Thỏa thuận về Tình trạng các Lực lượng để duy trì các lực lượng Mỹ tại Iraq.
Tổng thống Barack Obama thì ủng hộ thời hạn của việc rút quân, song Washington đã nhanh chóng nắm bắt mối đe dọa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo để điều quân trở lại đất nước này.
IS đã trở thành một cái cớ để đưa lính Mỹ vào nước Syria láng giềng, và dù chính quyền Trump có khẳng định rằng IS đã bị đánh bại và vương quốc Hồi giáo mà chúng thiết lập không còn tồn tại nữa, thì vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy dấu ấn quân sự của Mỹ tại bất kỳ nước nào sẽ chấm dứt trong tương lai gần. Nhiều nhất cũng chỉ có "những tiếng nói nhỏ" về khả năng giảm bớt quân số.
Không may thay, đó lại là kịch bản dễ xảy ra với sứ mệnh Afghanistan. Mỹ không áp dụng hình thức xâm lược đế quốc, thiết lập các nước thuộc địa, và trực tiếp cai trị như kiểu cũ. Thay vào đó, chủ nghĩa đế quốc Mỹ gồm cả việc hình thành các mối quan hệ nhà bảo trợ-khách hàng bằng những sự phụ thuộc an ninh và thúc đẩy chính sách đó thông qua một mạng lưới các căn cứ quân sự toàn cầu. Tuy nhiên, đó vẫn là một chính sách đế quốc, và dấu ấn quân sự của Mỹ tại một nhà nước khách hàng đã trở nên cố định. Afghanistan chỉ đơn giản là đấu trường mới nhất mà mô hình này đang được áp dụng.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/09/2019 là 1 AUD = 0.686 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/09/2019 là 1 AUD = 15,898 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa, mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 32 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–22 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–23 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–20 độ.
Tại Melbourne, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–20 độ
Cẩm Nhung – Hồng Đào
0 nhận xét