Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đức : Động cơ kinh tế của châu Âu bị mất đà

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019 15:41 // ,

TẠP CHÍ KINH TẾ

Thanh Hả
Phát Thứ Ba, ngày 06 tháng 8 năm 2019



Đức : Động cơ kinh tế của châu Âu bị mất đà

Logo của ngân hàng Commerzbank tại thành phố Frankfurt, Đức. Ảnh chụp ngày 09/02/2017.Reuters

    Cỗ máy tăng trưởng của Đức bị mất đà. Nền kinh tế số một trong Liên Âu có nguy cơ trải qua một giai đoạn dài với nhiều khó khăn. Những cột trụ của nền kinh tế Đức lần lượt lung lay : từ xuất khẩu đến công nghệ xe hơi, công nghiệp hóa chất. Là nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, Berlin kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, kèm theo đó là lo ngại cho thời kỳ hậu  Merkel.

    Lúc châu Âu bắt đầu bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm các doanh nghiệp lớn của Đức thông báo những tin xấu. Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, sa thải 18.000 nhân viên, đợt cắt giảm nhân sự "tồi tệ nhất trong gần 150 năm hoạt động". Chỉ một ngày sau, đến lượt tập đoàn hóa chất số một thế giới là BASF hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, sau khi xóa 6.000 chỗ làm. Rồi đến lượt một biểu tượng khác của nền công nghiệp Đức là hãng xe Daimler lại giảm chỉ tiêu tăng trưởng cho năm nay. Trước đó, hãng xe BMW đã gửi thư báo động với các cổ đông "2019 là một năm khó khăn hơn dự kiến".
    Giám đốc trung tâm nghiên cứu thuộc đại học Duisbourg –Essen (tây bắc nước Đức), Ferdinand Dudenhoffer, không mấy lạc quan cho rằng, Đức sẽ còn phải đối mặt với "nhiều tin dữ như trên từ nay đến cuối năm và không một công ty nào được bình yên". Sau gần một thập niên tăng trưởng liên tục, "cỗ máy kinh tế đang ngon trớn của Đức bị trục trặc".
    Chỉ số sản xuất công nghiệp của Đức trong tháng 5/2019 giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Kinh Tế còn bi quan hơn với đánh giá "không hy vọng tình hình sáng sủa hơn" trong nửa cuối năm nay. Tính đến giữa tháng 4/2019, trong chưa đầy hai năm, Berlin đã sáu lần giảm dự báo tăng trưởng.
    Thêm một dấu hiệu đáng lo ngại: hơn 8 % hãng Đức trong ngành công nghiệp lo là sẽ phải giảm giờ làm việc của nhân viên ngay từ đầu tháng 9 tới đây.
    Ngân hàng Luxembourg VPBank nêu lên kịch bản Đức bị suy thoái, tức là GDP sụt giảm trong hai quý liên tiếp. Vì sao thành trì kinh tế của khu vực đồng euro lại nên nông nỗi này ?
    Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Christian de Boissieu, đại học Paris 1, nguyên chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh tế của chính phủ Pháp, nhấn mạnh đến yếu tố Trung Quốc :
     Đức mở cửa rộng hơn so với Pháp. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn đối với kinh tế nước này. Trung Quốc là một thị trường quan trọng của Đức, là một nguồn đầu tư ngoại quốc lớn vào Đức. Cho nên Đức bị tác động nhiều hơn Pháp vì xung đột thương mại Mỹ-Trung. Thêm một yếu tố nữa là kinh tế Đức lệ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, mà chúng ta biết rằng lĩnh vực này đang trong giai đoạn khó khăn. Tất cả những rủi ro này đang đè nặng lên đà tăng trưởng của Đức.
    Điều đáng ngạc nhiên không kém là Đức trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Jean Pierre Letartre, cơ quan tư vấn Ernest Young, so sánh trường hợp của Đức và Pháp :
    Năm 2009 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đức vượt qua Pháp. Đức ngày càng bỏ xa Pháp cho đến tận năm 2016. Nhưng từ hai năm trở lại đây, Pháp bắt đầu đuổi kịp Đức và thu hẹp khoảng cách. Một phần là nhờ 'hiệu ứng' Macron, có nghĩa là từ khi đắc cử năm 2017, tổng thống Emmanuel Macron  đã cải thiện hình ảnh của nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời ông cũng đưa ra hình ảnh một quốc gia "thân thiện với các doanh nghiệp hơn". Năm ngoái, 144 trung tâm nghiên cứu và đầu tư quốc tế đã mở cửa tại Pháp. Con số này tương đương với của cả hai nước Đức và Anh cộng lại.
    Những cột trụ bắt đầu lung lay
    Vì đâu sau gần một thập niên tăng trường đều đặn vã vững chắc của một quốc gia được mệnh danh là cột trụ của mái nhà chung trong khu vực đồng euro, giờ đây các chuyên gia đang nói đến một mô hình "bị hụt hơi" ?
    Cần biết rằng Đức là quốc gia hiếm hoi trong khu vực đồng tiền chung châu Âu thặng dư về ngân sách và thương mại. Năm ngoái, Berlin dư ra được 60 tỷ euro. Đức cũng là một ngoại lệ trong eurozone giữ được nợ công ở mức tương đương với 60 % GDP. Trên thị trường lao động, Pháp chật vật lắm mà vẫn chưa hạ được tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 8,5 %, còn tại Berlin, thủ tướng Angela Merkel không phải khổ tâm giải quyết công việc làm cho người dân, với một tỷ lệ thất nghiệp chưa đầy 5 %.
    Có điều, những điểm ưu việt của mô hình kinh tế Đức bắt đầu cho thấy những giới hạn của chúng.
    Thứ nhất, về xuất khẩu, Đức có khả năng cạnh tranh rất cao, hàng của Đức có uy tín với toàn thế giới. Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn của các nhà sản xuất ở Đức. Trong khối Liên Âu, Anh, Ý và Pháp là những khách hàng quan trọng của Đức. Hiềm nỗi, từ hai năm nay, chính sách bảo hộ của Donald Trump liên tục đặt các nhà sản xuất Đức trước hàng loạt những thách thức mới. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm tổn hại đến kim ngạch xuất khẩu của Đức. Anh Quốc thì đang vướng bận với Brexit và kèm theo đó là một loạt những "bất trắc" về giao thương với vương quốc Anh trong tương lai.
    Thứ hai, hệ thống công nghiệp của Đức từ cuối thế kỷ thứ 19 luôn là ngọn hải đăng của thế giới, hiện thời chiếm 25 % tổng sản phẩm nội địa. Từ ngành sản xuất xe hơi cho đến ngành chế tạo máy móc phục vụ cho các nhà máy, các tập đoàn hóa chất, dược phẩm và ngay cả ngành ngân hàng của nước này đều trên đỉnh cao. Nhờ vậy cán cân thương mại của Đức luôn thặng dự từ với Trung Quốc cho đến Hoa Kỳ và với hầu hết phần còn lại của thế giới.
    Trong mảng công nghiệp, quan trọng nhất là xe hơi. Hiềm nỗi thị trường xe hơi thế giới đang trong giai đoạn chuyển tiếp, từ bỏ dần xe chạy bằng dầu diesel để hướng tới xe hơi điện, với những chuẩn mực về khí thải ngày càng khắt khe, khiến các nhà sản xuất phải thích nghi với tình huống, đầu tư nhiều hơn cho xe hơi của thế kỷ 21. Các khoản đầu tư tính bạc tỷ chưa cho phép thu lại vốn, thì lượng xe bán ra lại bị hụt hơi. Phần do Donald Trump ở Nhà Trắng dọa đánh thuế xe Đức bán sang Hoa Kỳ, phần thì do thị trường Trung Quốc có dấu hiệu bão hòa. Thăm dò của viện HIS Markit dự phóng nội việc thay thế xe hơi chạy bằng dầu diesel sang xe hơi điện sẽ ảnh hưởng đến công việc làm của 150.000 người lao động Đức.
    Thách thức thứ ba là Đức dường như đã chậm một nước cờ trong một số lĩnh vực công nghệ cao, từ trí thông minh nhân tạo đến viễn thông. Đó cũng là một nhược điểm của ông khổng lồ công nghiệp châu Âu này.
    Cuối cùng, từ hơn một chục năm qua, Berlin chủ trương áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, nhờ thế mà có được những khoản thặng dư ngân sách khiến các đối tác châu Âu phải ganh tị, nhờ thế mà nợ công của Đức được giữ đúng ở ngưỡng 60 % so với GDP. Nhưng đó cũng là nhược điểm của Berlin. Ngày càng có nhiều tiếng nói đòi chính phủ phải can thiệp nhiều hơn để bảo vệ mạng lưới công nghiệp và khu vực sản xuất, để đối phó với hiện tượng dân số bị lão hóa, nguồn lao động giảm mạnh. Điểm son duy nhất trên bức tranh ảm đạm này là tới nay sức mua của các hộ gia đình vẫn vững chắc, qua đó giúp ngành xây dựng vẫn phát triển tốt.
    Tất cả những khó khăn vừa nêu xuất hiện đúng vào lúc thủ tướng Merkel thông báo từng bước rút lui khỏi chính trường. Liên tục nắm quyền từ 12 năm qua, bà được xem là vị thủ tướng đem lại thịnh vượng cho nước Đức.

    0 nhận xét

    Leave a comment

    Được tạo bởi Blogger.