Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 27/08/2019

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019 18:31 // ,

Tin Việt Nam – 27/08/2019

Vụ Gateway: Bà Nguyễn Bích Quy bị khởi tố bị can

Theo báo Tuổi Trẻ, Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội xác nhận hôm 26/8 đã phê chuẩn quyết định khởi tố với bà Nguyễn Bích Quy về tội “vô ý làm chết người”.
Ngày 27/8, công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định này tới bà Quy.
Bà Quy là một trong những người liên quan tới vụ việc bé trai L. 6 tuổi được phát hiện trong xe ô tô của trường Gateway hôm 6/8.
Vụ Gateway: Dư luận nói gì khi bà Quy bị mời triệu tập 2 lần vào thứ Bảy
Những gì đã biết về vụ bé trai trường Gateway tử vong
Vụ Gateway: Thực hư tài xế tử vong, trường bỏ mác ‘quốc tế’?
Vụ bé trai trường Gateway tử vong gây choáng dư luận VN
Bé L. đã được xác định trước khi đến bệnh viện.
Viện Kiểm sát cho rằng bà Quy “vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi” dẫn tới việc bé L. bị bỏ quên trên chiếc xe Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng ngày 6/8.
Theo kết quả giám định, bé chết vì bị sốc nhiệt, suy hô hấp, không có nguyên nhân bệnh lý.
Viện Kiểm sát cũng cho rằng tài xế ô tô đưa đón học sinh, ông Doãn Quý Phiến cũng có trách nhiệm, khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Quy.
Viện Kiểm sát xác định ông Phiến và bà Quy đã “vô ý, tự tin và cẩu thả”.
Hiện bà Quy đang được cho tại ngoại, luật sư Nguyễn Thanh Sơn, người bảo vệ quyền lợi cho bà Quy nói với báo Tuổi Trẻ.
Viện Kiểm sát cho biết đây là kết quả điều tra bước đầu và trong quá trình điều vụ án có thể sẽ xem xét trách nhiệm của trường Gateway.
Đơn khởi tố bị can cho thấy bà Quy đã từng có một tiền án tiền sự.
Bị triệu tập bất thường
Trước đó bà Nguyễn Bích Quy đã hai lần bị triệu tập một cách bất thường vào thứ bảy ngày 24/8 của cả công an và Viện Kiểm sát Quận Cầu giấy.
Hai lệnh triệu tập yêu cầu bà Quy lên làm việc ngay trong ngày.
Luật sư Lê Minh, cộng sự của luật sư Thanh Sơn cho BBC biết, khi công an gửi giấy triệu tập sáng 26/8, tình hình khá căng thẳng cho đến khi luật sư đến.
Ông Minh cho biết, hôm 26/8, nhóm luật sư cùng bà Quy đã đến làm việc cùng với giới chức điều tra.
Trên Facebook, ông Minh nói hôm 26/8, lãnh đạo Viện Kiểm sát vẫn thông báo tư cách tham gia tố tụng của bà Quy là “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Ông Minh cũng cho biết khi trả lời phóng viên hôm 26/8, bà Quy nói:
“Bà đã thực hiện hết trách nhiệm đưa các cháu đến trường, còn những việc sau khi các cháu vào trong trường là do bà chỉ làm theo những người cùng làm ở các xe khác và do hai cháu khóc bám chặt lấy bà.”
“Nhà trường đã không thông báo gì cho bà và bất cứ ai (gia đình cháu bé, lái xe) về việc vắng mặt của cháu trong trường (nếu có).”
Dư luận đặt câu hỏi?
Bà Nguyễn Bích Quy là người duy nhất liên quan tới vụ việc liên tục trả lời báo chí, và được bên điều tra liên tục mời triệu tập làm việc.
Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm những cá nhân khác liên quan như ông Doãn Quý Phiến, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.
Có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng vụ việc có vẻ đang bị quy trách nhiệm cho mình bà Quy, người đưa trẻ.
Facebooker Trần Anh Khoa Vụ: An đầy nghi vấn vậy mà lại quy trách nhiệm cho bà đưa trẻ. Đúng là không tin luật pháp được. Ai có tiền là có quyền chạy án.
Facebooker Hoa Dại: Bà này đi thay cho tất cả bọn dã thú kia hết thật sao? Bà Quy đi tù, trường vẫn hoạt động bình thường ai còn dám cho con đi học nữa k? Trường này nên đổi tên thành trường sát thủ đúng hơn.
Ngoc My: Bà Quy lúc trước là người tố cáo nhà trường gian dối. Khi nhà trường nói rằng để quên cháu bé trên xe làm cháu chết nên bà Quy tố cáo nhà trường nói không đúng, vì đã bàn giao đủ số lượng học sinh, không thể có chuyện cháu chết trên xe, và rồi giờ bà Quy bị bắt?
Viet Nguyen: Nhà trường kí nhận đủ 13 cháu rồi thì còn liên quan gì tới bà Quy?
Hung Hoang: Một quân chốt thí, cả bọn đều yên! Tình huống mà mọi người đều đoán được!
Nguyễn Khánh Tùng: Trách nhiệm nhà trường ở đâu trong vụ này? Tư cách pháp nhân, trách nhiệm chính phải là trường.
Tuy nhiên cũng có một số người đặt nghi vấn vì bà Quy từng thay đổi lời khai.
Nguyễn Dung: Bà nay hâm rồi khai lung tung lúc nói no lúc nói kia cho [đi tất vào tù].
Có người thì cho rằng ông lái xe không liên quan.
Nguyễn Chiến Thắng: Tài xế chỉ có trách nhiệm lái xe và nếu xảy ra tai nạn giao thông mà chết người thì tài xế mới chịu trách nhiệm, còn quản lý đưa đón học sinh mới là người phải chịu trách nhiệm sau đấy đến nhà trường, trong hợp đồng ký giữa nhà xe với nhà trường có ghi lái xe phải quản lý học sinh không?
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49470005

Một phụ nữ Việt sẽ bị Đài Loan trục xuất lần thứ ba

Một phụ nữ Việt Nam từng bị Đài Loan trục xuất hai lần vì cư ngụ bất hợp pháp tiếp tục bị bắt và sẽ bị trục xuất lần thứ ba.
Mạng báo Taiwan News loan tin ngày 26 tháng 8 dẫn nguồn của Cơ quan Nhập Cư Đài Loan (NIA). Theo đó thì người phụ nữ có họ Mai, 33 tuổi, bị bắt lần mới nhất vào ngày 23 tháng 8 vừa qua cùng với hơn 20 công nhân và 4 người sử dụng lao động tại quận Tân Trúc.
Kết quả điều tra cho thấy người phụ nữ Việt Nam họ Mai lần đầu tiên nhập cư hợp pháp vào Đài Loan vào tháng 5 năm 2015 để làm hộ lý. Sau đó cô bỏ việc làm hợp pháp, rồi mất tích cho đến khi bị bắt lần thứ nhất vào tháng 1 năm 2018. Cô bị trục xuất về nước và bị cấm nhập cảnh vào Đài Loan.
Tuy nhiên, cô tiếp tục chi ra 7500 đô la cho một nhóm buôn người để vào lại Đài Loan trên một tàu từ Trung Quốc sang. Cô đến Quận Tân Trúc làm lậu, bị bắt và bị trục xuất lần thứ hai. Tuy nhiên bản tin không cho biết cụ thể thời gian đến và lúc bị trục xuất lần thứ hai vào khi nào.
Đến tháng 7 năm nay cô lại tìm cách đến được Đài Loan và rồi bị bắt vào ngày 23 tháng 8 vừa qua. Hiện cô bị chuyển đến Trung tâm Giam giữ người nhập cư lậu tại Huyện Nam Đầu chờ ngày trục xuất.
Theo bản tin của Taiwan News thì lương tại Đài Đoàn gấp từ 4 đến 5 lần ở Việt Nam và đó có thể là lý do khiến những người như người phụ nữ Việt Nam có họ Mai tìm cách trở lại mặc dù từng bị trục xuất hai lần và tốn tổng cộng 15 ngàn đô la Mỹ cho những nhóm buôn người trong hai lần nhập cư trái phép.
Cũng tin liên quan, vào ngày 23 tháng 8, Cảnh sát thành phố Cơ Long bắt được hai cô gái Việt đang nhảy thoát y tại một quán rượu trên đường Ái Nhất ở thành phố Cơ Long, đảo quốc Đài Loan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-3-de-tai-08272019111355.html

Con cái lãnh đạo ‘ăn và phá’- ai lãnh?

Vào ngày 8 tháng 6 năm 2019, trên Facebook Thảo Thắng của cô Nguyễn Thị Thanh Thảo có bài viết nói về tâm tình của cô đối với bố là ông Nguyễn Mạnh Thắng – TGĐ Công ty Sông Đà 7 – đơn vị vừa trúng thầu dự án nhìn tỷ tại Thái Nguyên. Trong đó có đoạn cô viết “Nhiều lúc nghĩ thương bố thật. Cứ ăn và phá. Trường kỳ bao năm nay. Mỗi 1 năm báo bố 20 tỷ.. 5 năm liên tiếp báo 5 lần con số như thế.. Cũng vì tội tin người và ga lăng quá. Tặc lưỡi xong tiền mất…”
Xài tiền của ai?
Mãi đến ngày 24/8, status này được lan truyền rộng rãi trên mạng. Nhiều người chia sẻ lại ảnh chụp màn hình và thể hiện bức xúc trước thông tin mỗi năm con gái lãnh đạo tiêu xài hàng chục tỷ đồng …
Nó thể hiện gần như sự thối nát của chế độ bởi vì nguyên tắc con các quan lại thời nay khi đất nước còn đang rất khó khăn, phải đi vay tiền nước ngoài rất nhiều thì phải rất liêm khiết. Rõ ràng các quan không liêm khiết thì con cái mới ăn tàn phá hại như vậy. - Lã Việt Dũng
Trả lời với báo chí trong nước, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết do con ông “trẻ con, hồ đồ, đồng bóng” và thích tôn vinh bản thân nên khoe khoang chứ chẳng có gì, vì thân ông còn lo cho ông chưa xong thì cướp đâu 20 tỷ cho con?
Mặc dù giải thích như vậy, nhưng cư dân mạng vẫn lục lại Facebook con gái ông và chụp lại ảnh những xe hơi cao cấp mắc tiền trong bộ sưu tập của cô con gái rượu ông Thắng đã đăng tải trước đó.
Sau khi thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt, cô Thảo đã khóa Facebook – Thảo Thắng.
Hầu hết những người trao đổi với Đài Á Châu tự Do đều cho rằng chuyện con cái các lãnh đạo Tổng công ty tiêu xài hoang phí không phải là điều gì mới mẻ, nhưng hiếm người nào “không đánh mà khai” như trường hợp cô Thảo. Nhưng dù sao cũng phải cám ơn cô Thảo vì nhờ có dòng trạng thái của bà mà người dân mới biết rõ hơn, như lời bạn Hiền, hiện đang ở Sài Gòn:
“Thật ra nó còn nhiều hơn vậy nữa mà nhiều khi mình đâu biết được. Nói đơn giản như ông (Nguyễn Tấn Dũng đi, chắc chắn ông đã có quốc tịch nước ngoài, con ruột, con rể, con dâu, thậm chí cháu cũng có quốc tịch nước ngoài thì nghĩ đi, 20 tỷ đó làm gì đủ, nhiều khi nhiều hơn như vậy nữa. Nói chung tùy theo cấp độ của người cha làm ở đâu, làm ít thì ‘ăn’ ít, làm nhiều thì ‘ăn’ nhiều, đại loại vậy, chứ một năm nhà nước mình lỗ mấy ngàn tỷ thì 20 tỷ này nhằm nhò gì.”
Không quan tâm nợ quốc gia
Giải thích rõ hơn trong trường hợp cô Thảo và ông Thắng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định các doanh nghiệp nhà nước đều báo cáo lỗ nhưng các quan chức phụ trách đều giàu nên bao nhiêu cái lỗ thì nhà nước phải chịu, dân phải gánh. Ông cho rằng đây là tình trạng chung các quan
chức nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước đều được độc quyền nên có thu nhập bất chính và có nguồn tiền rất lớn.
“Một là họ để dành, gửi ra các nhà băng nước ngoài. Hai là tiêu xài không thương tiếc. Người thì gửi con đi học nước ngoài như bà Bộ trưởng (Y tế) Nguyễn Kim Tiến gửi con sang Mỹ, Nguyễn Đức Chung gửi con sang Úc… Nói chung trên mạng người ta đã đăng hết quan chức nào, từ cấp huyện cũng rất nhiều người có con du học nước ngoài rồi. Họ lấy tiền đó cho con du học nước ngoài, nếu không đi nước ngoài, ở trong nước thì lấy tiền đấy để ăn chơi hoặc đẻ ra các doanh nghiệp để rửa tiền là chính.”
Sự việc lần này cũng khiến nhiều người nhớ lại vụ việc cách đây gần 1 năm khi cô Trần Thị Tâm, sinh năm 1999, con gái Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cháu cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương phải nhập viện vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây hôm 16/9/2018.
Điều dư luận chú ý là sau khi cô Tâm nhập viện, không những cô không bị công an đến làm việc mà giới chức lãnh đạo Hà Nội đã mang hoa và quà đến thăm hỏi, động viên. Hành động này đã gây nên nhiều bất bình trong xã hội lúc bấy giờ, phải chăng do con cháu lãnh đạo nên cô có thể ‘thoát nạn’ một cách nhẹ nhàng.
Nhận xét về thực trạng những ‘hạt giống đỏ’ được bao bọc, phung phí ăn chơi bị lên án trong thời gian gần đây, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội bày tỏ:
“Nó thể hiện gần như sự thối nát của chế độ bởi vì nguyên tắc con các quan lại thời nay khi đất nước còn đang rất khó khăn, phải đi vay tiền nước ngoài rất nhiều thì phải rất liêm khiết. Rõ ràng các quan không liêm khiết thì con cái mới ăn tàn phá hại như vậy.
Thứ hai là mình thấy được sự bế tắc trong việc ăn chơi của giới trẻ vì khi họ kiếm tiền một cách mờ ám, bất chính dễ dàng quá gần như họ không có động lực trong việc lao động chân chính nữa mà dồn vào việc ăn chơi, đua đòi.”
Còn theo Nhà báo Minh Hải, không hẳn những ‘con ông cháu cha’ trên cả nước đều ăn chơi, phung phí, vẫn còn nhiều người chăm chỉ lo học, có chí tiến thủ, tuy nhiên con số thích sống tận hưởng vẫn nhiều hơn:
“Đó là cách giáo dục của mỗi bậc chính trị vì thật sự những người làm chính trị ở Việt Nam hầu như đều khá giả về kinh tế, đủ tiền của cho con ăn học. Nhưng nếu không điều khiển được con cái thì nó sẽ thành ra lêu lổng, ăn chơi trác táng vì cha mẹ có điều kiện, có tiền. Đó là chuyện bình thường ở Việt Nam.”
Từ khi đổi mới, kinh tế thị trường, đầu tư nước ngoài vào thì bán đất, bán khoáng sản, bán tài nguyên thì các quan chức mới có nhiều tiền lại càng tham nhũng nhiều hơn, con cái họ càng ăn chơi, phá phách nhiều hơn. - PGS. TS. Mạc Văn Trang
Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng bất bình đẳng trong xã hội hiện nay đang thể hiện rất rõ và những tầng lớp con cái các quan chức, đại gia ăn chơi như vậy là một gương xấu cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ được chuyện này không phải là dễ:
“Nhìn chung là tình trạng đó lâu rồi, từ thời bao cấp đã thấy con các quan chức được ưu tiên đặc quyền đặc lợi rồi, nhưng lúc đó chưa có nhiều của cải để tham nhũng. Còn từ khi đổi mới, kinh tế thị trường, đầu tư nước ngoài vào thì bán đất, bán khoáng sản, bán tài nguyên thì các quan chức mới có nhiều tiền lại càng tham nhũng nhiều hơn, con cái họ càng ăn chơi, phá phách nhiều hơn.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, tình trạng con ông cháu cha được bao che để lộng quyền, ăn chơi trác táng lâu nay như một điều tất yếu trong cơ chế, thể chế của đất nước Việt Nam. Do đó, nếu thay đổi thể chế mới có thể chỉnh đốn lại hệ thống, mà điều này có lẽ còn quá xa vời.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-pay-for-luxurious-activities-of-leaders-children-08262019150837.html

Ông Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị truy tố

liên quan vụ giao đất cho Vũ ‘nhôm’

Ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa bị đề nghị truy tố vì giao đất cho công ty của Vũ ‘nhôm’.
Tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa công bố kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) truy tố ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Nguyễn Thanh Chương và Lê Văn Thanh vì liên quan vụ giao đất ở số 15 đường Thi Sách cho Công ty Bắc Nam 79 – do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT.
Các bị can này bị đề nghị truy tố vì “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Theo cơ quan điều tra, ông Tín là người ký các văn bản giao đất cho Công ty Bắc Nam 79 để xây dựng khu phức hợp thương mại – dịch vụ – căn hộ. Quyết định này yêu cầu công ty không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đến tháng 12 năm 2015, ông Nguyễn Hữu Tín ký tiếp văn bản công nhận Công ty Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án trên lô đất nêu trên.
Tháng 5 năm 2016, UBND TPHCM chấp thuận đầu tư dự án khu phức hợp thương mại – dịch vụ – căn hộ do Công ty Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư. Trong đó cho phép chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 18 tầng để làm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, căn hộ…
Quyết định giao đất cho Công ty Bắc Nam 79 căn cứ vào tờ trình của giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thời điểm đó là ông Đào Anh Kiệt với sự tham mưu của ông Trương Văn Út, phó phòng quản lý đất đai của Sở Tài nguyên và môi trường.
Ngày 19/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út.
Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’, 43 tuổi, bị tòa tuyên án 9 năm tù giam với cáo buộc Cố ý làm lộ bí mật nhà nước trong phiên xử kín ngày 30 tháng 7.
Ông Phan Văn Anh Vũ là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79. Ông Vũ bị phía Singapore trục xuất về Việt Nam vào ngày 4 tháng giêng vừa qua với lý do nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này. Ông bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giam và khởi tố về các tội ‘cố ý làm lộ bí mật quốc gia, trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Ông Vũ vốn là một nhà kinh doanh nhôm kính tại thành phố Đà Nẵng. Sau đó ông trở thành một nhà kinh doanh địa ốc. Ngoài ra, theo báo chí Việt Nam, ông còn là một sĩ quan tình báo của cơ quan an ninh Việt Nam, mang hàm thượng tá.
Cũng trong ngày 27/8/2019, Sở Giao thông vận tải TPHCM xác nhận cơ quan này đang thực hiện kiểm điểm trách nhiệm 10 cán bộ lãnh đạo cấp phòng ban đã có những vi phạm trong công tác cán bộ giai đoạn 2017-2018. Việc kiểm điểm trên thực hiện theo kết luận thanh tra TPHCM.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposing-prosecution-nguyen-huu-tin-08272019082622.html

Khởi tố tổng giám đốc MobiFone

vì có liên quan đến vụ mua AVG

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an hôm 26/8 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đăng Nguyên – Tổng giám đốc MobiFone cùng 4 lãnh đạo khác của công ty này vì có liên quan đến việc MobiFone mua Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước. Truyền thông trong nước loan tin này vào tối cùng ngày.
4 người bị khởi tố khác gồm 3 phó tổng giám đốc: Nguyễn Bảo Long, Hồ Tuấn và Nguyễn Mạnh Hùng; bà Phan Thị Hoa Mai là thành viên hội đồng thành viên của MobiFone.
5 bị can bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 220 Bộ Luật HÌnh sự 2015.
Cả 5 người hiện đều được tại ngoại.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên trước đây là Phó tổng giám đốc của MobiFone thời kỳ công ty này mua AVG.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, vào tháng 2, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trường Minh Tuấn  đã bị khởi tố và bắt giam về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc MobiFone – một công ty trực thuộc bộ Thông tin và Truyền thông, mua 95% cổ phần AVG đã được bắt đầu từ khoảng năm 2014 tuy nhiên đến năm 2016, MobiFone mới chính thức công bố việc
mua bán này và cho biết việc mua AVG sẽ giúp công ty đặt mục tiêu phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016. Số tiền mua AVG lên đến 8.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, nhận định vụ mua bán là một sai phạm kinh tế rất nghiêm trọng, và kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an để điều tra.
Tháng 7 năm 2018,  Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại MobiFone và các cơ quan liên quan về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau 9 tháng điều tra, tính đến tháng 4 năm 2019, đã có tổng cộng 9 người bị bắt trong vụ mua bán này. Những người bị bắt bao gồm các quan chức thuộc Bộ Thông Tin và Truyền thông, lãnh đạo công ty MobiFone và ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch Công ty AVG. Ông Vũ bị bắt và khởi tố về tội đưa hối lộ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mobifone-executive-prosecuted-08262019114425.html

Việt Nam “tránh xa” Huawei vì an ninh hay vì Mỹ?

Diễm Thi, RFA
Không hợp tác với Huawei
Hôm 26/8/2019, mạng báo Bloomberg đưa tin Tập đoàn Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, đã quyết định không sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei cho mạng 5G. Thay vào đó, công ty này sẽ sử dụng thiết bị của Ericsson, công nghệ Nokia và bộ chip của Qualcomm.
Ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel cho biết, hiện nay Viettel không làm việc với Huawei vì đã có những thông tin cho rằng công ty này không an toàn về an ninh quốc gia. Ông cũng cho biết Huawei hiện đang gặp khó khăn ở Việt Nam do các công ty mạng khác như Mobifone, Vinaphone cũng “tránh xa”.
Ông NT., một Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer) từng dạy tại trường Đại học Hoa Sen nêu nhận định:
“Mạng cơ sở của Việt Nam bao gồm 2G, 3G, 4G đều được xây dựng trên nền tảng của châu Âu là Alcatel (Pháp) và Ericsson (Thụy điển) từ lâu rồi. Bây giờ Việt Nam đang muốn phát triển chip 5G bởi vì các công nghệ ứng dụng 5G vào IoT (Internet of things) sẽ ngày càng nhiều và Việt Nam không muốn nhập các thiết bị này trong tương lai nhưng khả năng sản xuất chế tạo còn hạn chế, do vậy phải hợp tác với các công ty hàng đầu châu Âu để phát triển 5G như Nokia và Ericsson.”
Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei, mà chúng tôi tự ra quyết định của mình. – Ông. Lê Đăng Dũng
Đầu tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chánh Phi (nguyên là một kỹ sư, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc), bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, vì vi phạm lệnh cấm vận với Iran, tức tiếp tục bán sản phẩm cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Huawei là tập đoàn viễn thông khổng lồ, đứng thứ nhì thế giới về số lượng điện thoại thông minh được sản xuất.
Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, báo chí thế giới đã tiết lộ thông tin từ năm 2012, tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ.
Theo một báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ, tập đoàn này đặt ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ vì sản phẩm của Huawei có thể bị sử dụng như một cánh tay tình báo của quân đội Trung Quốc với mục tiêu do thám chính trị, quân sự, công nghiệp.
Tuy Huawei bị Hoa Kỳ “kết tội” như thế nhưng vị giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam của tập đoàn này, ông Phạm Quân, được tờ Nikkei của Nhật dẫn lời hôm 14/2/2019 rằng ông tin Huawei sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam. Thực tế từ vài năm nay Huawei đã có văn phòng đại diện ở Việt Nam, bên cạnh vài công ty lớn nhỏ khác của Trung Quốc như Oppo và Xiaomi.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV cho rằng Viettel có thể làm chủ mạng 5G:
“Theo tôi được biết thì bên Viettel đã phát triển những trạm phát sóng 4G và họ đang nghiên cứu các thiết bị cho hệ thống mạng 5G. Tôi tin họ có thể làm được.”
Ông Quảng nói thêm rằng Việt Nam không sử dụng linh kiện và thiết bị 5G của Huawei là một quyết định khôn ngoan, bởi Việt Nam và Trung Quốc dù là hai nước láng giềng, mối quan hệ cũng rất tốt, nhưng trong lịch sử đã có nhiều xích mích và chiến tranh, nên Việt Nam phải đề phòng là điều hiển nhiên. “Việc phải phụ thuộc vào hạ tầng của một nước láng giềng thì rõ ràng là vấn đề rất lớn về an ninh”, ông nói thêm.
Lý do Việt Nam “né” Huawei
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg từ Hà Nội, ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel nói rõ Việt Nam quyết định không sử dụng Huawei cho mạng 5G của Viettel là vấn đề kỹ thuật công nghệ chứ không liên quan đến địa chính trị. Mạng báo này trích lời ông Dũng: “Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei, mà chúng tôi tự ra quyết định của mình”.
Trong khi đó, khi lên tiếng về quyết định của Việt Nam “tránh xa” Huawei, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales ở Úc cho rằng Việt Nam có một lý do khác để tránh công nghệ Huawei đó là do Việt Nam muốn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ, bởi việc triển khai cơ sở hạ tầng Huawei 5G có thể khiến Mỹ miễn cưỡng chia sẻ một số thông tin tình báo với Việt Nam.
Điều này từng được Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore nói đến trong một lần trả lời phỏng vấn với RFA:
Hoa Kỳ đã đưa ra những cảnh báo rằng những quốc gia nào sử dụng thiết bị của Huawei, đặc biệt cho mạng 5G, thì sẽ không được tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ nhất là về mặt thông tin và tình báo. – TS. Lê Hồng Hiệp
“Chúng ta đều biết Hoa Kỳ đã đưa ra những cảnh báo về tác hại tiềm tàng về an ninh từ các công nghệ của Huawei, họ nói rõ rằng những quốc gia nào sử dụng thiết bị của Huawei, đặc biệt cho mạng 5G, thì sẽ không được tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ nhất là về mặt thông tin và tình báo.
Hiện tại Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa có những hợp tác thực chất về trao đổi thông tin tình báo, nhưng rõ ràng Việt Nam muốn lưu tâm tới cảnh báo của Hoa Kỳ để tạo điều kiện phát triển mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ trong tương lai.”
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng từ chối bình luận, tuy nhiên ông cho rằng, ở Việt Nam, nếu sử dụng hệ thống mạng của một công ty Trung Quốc thì là vấn đề “nhạy cảm.”
Vị Giám đốc Công nghệ, ông NT. nhận định, sở dĩ Việt Nam “tránh” Huawei là vì hai nước Việt Nam và Trung Quốc thực chất không tin nhau cho dù lúc nào cũng “4 tốt 16 chữ vàng”. Hơn nữa, Huawei luôn có cửa sau (backdoor) để ăn cắp thông tin và tấn công mạng khi cần. “Còn chuyện “sức ép” của Mỹ chỉ là một phần vì Việt Nam không thuộc nhóm đối tác chiến lược của Mỹ”, ông kết luận.
Hồi tháng 5/2019, các công ty tình báo Mỹ đã buộc tội Huawei cài đặt truy cập “cửa sau” trên các thiết bị do công ty này sản xuất theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc để do thám người dùng. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Huawei đều phủ nhận cáo buộc trên.
Bộ Thương Mại Mỹ hôm 15/5 đã ra thông báo về quyết định đưa công ty Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách đen. Theo đó, bất cứ việc mua bán chuyển giao công nghệ từ phía Mỹ phải được Bộ này cấp phép đặc biệt.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vn-not-use-huawei-technology-for-security-or-for-the-us-dt-08262019151706.html

Việt Nam tiếp tục bắt giữ

nhiều người Trung Quốc lừa đảo bằng công nghệ cao

Công an thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 27/8 đã bắt giữ 28 người mang quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để điều hành đường dây sàn chứng khoán giả.
Theo cơ quan chức năng thành phố Móng Cái, vào ngày 26/8 đã tiến hành kiếm tra một nhà nghỉ tại phường Trần Phú, thành phố Móng Cái và phát hiện 28 người mang quốc tịch Trung Quốc đang điều hành sàn chứng khoán giả với nhiều thiết bị công nghệ cao. Công An thành phố Móng Cái đã thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi được cho là lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm nhiều máy tính vẫn còn đang hoạt động và các thiết bị thanh toán thẻ ngân hàng.
Những người này khai với Công an rằng, họ sử dụng máy tính và điện thoại để tham gia vào các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội, lôi kéo người Trung Quốc tham gia chơi chứng khoán tại sàn giao dịch giả này để chiếm đoạt tài sản của họ.
Công an thành phố Móng Cái cho biết, đang phối hợp với trạm quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái bàn giao 28 người này cùng toàn bộ tang vật, tài liệu thu giữ cho cục công an thành phố Đông Hưng, Trung Quốc xử lý.
Trước đó vào ngày 30/7, công an thành phố Hải Phòng cũng bắt giữ 400 người mang quốc tịch Trung Quốc đang vận hành đường dây đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City và cũng đã tiến hành dẫn độ bằng đường bộ gần 400 người vi phạm bàn giao lại cho phía Trung Quốc xử lý.
Vào tháng 4 năm 2019, một nhóm 40 người Trung Quốc nghi dùng công nghệ cao để lừa đảo cũng bị bắt giữ tại Nha Trang. Sau đó, công an Đà Nẵng cũng phát hiện 35 người Trung Quốc có hành vi vi phạm sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng nhưng thực tế là thuê nhà và tổ chức đánh bạc qua mạng internet…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-captures-many-chinese-scams-with-high-technology-08272019102225.html

Nguyễn Xuân Phúc, Kim Ngân

bị nhiều quan chức đấu đá trước đại hội đảng

Tin từ Hà Nội, ngày 27/8/2019: Nhiều viên chức cao cấp của chế độ cộng sản Việt Nam bị đồng đảng ngầm chỉ trích, hoặc bị báo chí lề đảng phanh phui chuyện sai trái trong thời gian gần đây, khi đảng cầm quyền chuẩn bị nhân sự cho đại hội toàn quốc lần thứ 13.
Đương kim thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, người đang là ứng cử viên số 1 cho chức tổng bí thư đảng, đang bị dính vào rắc rối liên quan đến vụ cháu học sinh lớp 1 tên L. chết ở trường tiểu học Gateway, nơi con gái Phúc là đồng sáng lập viên và có cổ phẩn 14,3%. Công an không chịu công bố lý do về cái chết của cháu, và có biểu hiện che giấu sự thật vụ án. Đây có thể là cái cớ để các đối thủ của Phúc đánh và cản bước tiến của ông ta vào vị trí tối cao của chế độ.
Chưa hết, Thường trực Ban Bí thư của đảng Trần Quốc Vượng, cũng là một ứng cử viên mạnh khác kế nhiệm đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngầm chỉ trích Phúc về việc hay ba hoa và phô trương không tôn trọng luật pháp vì trong lần về thăm phố cổ Hội An, đoàn xe vài chục chiếc tháp tùng Phúc đi vào đường cấm phương tiện cơ giới.
Chủ tịch quốc hội bù nhìn Nguyễn Kim Ngân cũng không thoát. Gần đây rộ chuyện Ngân đeo đồng hồ nửa tỷ trong khi lương của bà ta chỉ khoảng 17 triệu đồng/tháng. Trước đó, báo lề đảng cũng có đưa tin Ngân có hàng trăm bộ áo dài diêm dúa và đắt tiền.
Ở Hà Nội, chủ tịch Nguyễn Đức Chung dường như đã sống sót sau nhiều đòn đánh liên hồi của đối thủ từ vụ Công ty Nhật Cường, được cho là sân sau của Chung thực hiện các hoạt động buôn lậu, rửa tiền. Trong khi con trai và vợ Chung bị cho là độc quyền nhập và bán hoá chất làm sạch sông hồ với giá cực đắt.
Sau khi Trần Đại Quang chết một cách bí ẩn, nhiều đàn em của y bị đánh tới tấp, tài sản và chức vụ của chúng bị chuyển cho phe phái khác. Nhiều vụ liên quan đến việc lấy đất công của nhóm lợi ích của ông này đang bị phanh phui, như dự án xây chùa Tam Chúc và Bái Đính của tập đoàn Xuân Trường hay dự án khu du lịch hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên, nơi em của Quang là Trần Quốc Tỏ đang làm bí thư. Cùng liên quan là bộ trưởng tài nguyên & môi trường Trần Hồng Hà và chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng.
Cuộc chiến chạy đua vào các vị trí cao ở đại hội sắp tới vô cùng khắc nghiệt và các đối thủ không ngần ngại trong sử dụng các trò tiểu xảo tinh vi.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nguyen-xuan-phuc-kim-ngan-bi-nhieu-quan-chuc-dau-da-truoc-dai-hoi-dang/

Đảng viên cộng sản trẻ lên kế hoạch

chống lại người bất đồng chính kiến

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên loan tin, chiều ngày 26 tháng 8 năm 2019, ban Bí thư trung ương đoàn cộng sản Việt Nam cùng với Học viện Báo chí- Tuyên truyền đã tổ chức diễn đàn mang tên “đảng viên trẻ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng”.
Tại đây, tiến sĩ Lê Thị Chiên, thuộc học viện Chính trị quốc gia tại Sài Gòn cho rằng, các đảng viên trẻ phải học tập lý luận chính trị, để nâng cao hệ miễn dịch cho bản thân trước những luận điệu của thế lực thù địch. Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Khắc Hiếu, cựu Giám đốc Học viện Báo chí- Tuyên truyền thì nhận định rằng, bất cứ điều gì trái với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của đảng, pháp luật của nhà cầm quyền thì đều phải được xem là sai trái. Những người đảng viên như ông phải kiên quyết chống lại. Theo ông Hiếu, để đấu tranh với những quan điểm khác chủ nghĩa cộng sản thì phải đấu tranh với cả người đưa quan điểm  và người có khả năng sẽ nhiễm các tư tưởng sai trái.
Một ý kiến trong diễn đàn này đang làm nóng dư luận cộng đồng mạng xã hội chính là đảng viên Nguyễn Ngọc Trinh, Bí thư đoàn phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk. Trinh cho rằng, chị đã tham mưu thành lập “đội phản ứng nhanh” để đấu tranh với các những người bất đồng chính kiến mà chị xem là các thế lực thù địch. Ngoài ra, mỗi ngày Trinh sẽ gửi một lời dạy của ông Hồ vào đội phản ứng nhanh, và yêu cầu cáng đảng viên trong chi bộ phải nhấn nút like, hoặc thả tim. Nếu đồng chí nào của Trinh không làm hành động trên thì sẽ bị đưa vào tiêu chí đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm. Sau khi vấp phải sự quan tâm của cộng đồng mạng, thì báo Thanh niên đã gỡ bỏ ý kiến yêu cầu các đảng viên phải thả tim, và nhấn like của đảng viên Trinh.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dang-vien-cong-san-tre-len-ke-hoach-chong-lai-nguoi-bat-dong-chinh-kien/

Ngăn chặn phim trực tuyến

là cách quản chủ quyền không gian mạng?

Với sự phát triển nhanh của ngành công nghệ số ảnh hưởng trên toàn thế giới, thị trường Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn về kiểm duyệt đặt biệt khâu kiểm duyệt trên không gian mạng. Tình trạng xuất hiện các dịch vụ xem phim trực tuyến qua mạng thông qua ứng dụng truyền hình OTT (Over-the-top) đang làm đầu đầu các nhà quản lý.
Văn hóa TQ tràn vào VN
OTT là thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào. Các dịch vụ này được cung cấp trên các ứng dụng như App Store hay Google Play như Netflix, iFlix, Apple TV, We TV, iQiYi…
Việt Nam đang làm rất tốt khâu kiểm soát chặt nội dung phim nhập khẩu và phim phát sóng trên truyền hình, tuy nhiên lại “bỏ ngỏ” kênh phim trực tuyến nước ngoài của Mỹ, Trung Quốc… Đặc biệt, với sự bùng nổ của phim Trung Quốc thông qua các ứng dụng này, hàng chục ngàn bộ phim lẻ, phim bộ, phim truyền hình, các chương trình truyền hình…dày đặc trên các ứng dụng này đã tràn vào Việt Nam. Các nhà nghiên cứu văn hóa lo ngại rằng, khi các sản phẩm phim Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam một cách dễ dàng như vậy, có thể gây ảnh hưởng, tác động tới văn hóa, lối sống của giới trẻ Việt Nam.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn (Đại học công nghệ Llmenau, Đức) trao đổi với báo ICTnews về vấn đề này hôm 23/8/2019 cho rằng “…Khoảng 20 năm trước, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến lược này từ Hàn Quốc. Khi đó Hàn Quốc đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam ban đầu là bằng các bộ phim thu hút được công chúng Việt. Khi làn sóng phim ảnh và nhạc Hàn đã thành công và có tác động rất lớn tới giới trẻ Việt Nam thì tiếp đến là các trào lưu mà giới trẻ phải lao theo như: thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực… thậm chí phim ảnh còn tác động tới cả ngôn từ, lối sống.”(trích từ ICTnews)
Cũng theo ông Sơn, không có công cụ nào đi vào thị trường nước khác hiệu quả nhất bằng con đường phim ảnh, sự ảnh hưởng của phim ảnh sẽ ngấm từ từ nhưng hiệu quả mang lại cao. Một khi đã mê những nhân vật từ phim ảnh thì người ta sẽ dễ dàng học theo, nói theo và thậm chí làm thay đổi xu hướng sống, lối sống. Do đó, ông cho rằng, nếu không cẩn trọng về lâu về dài chúng ta sẽ bị chi phối áp đảo, xâm lấn về chủ quyền và không gian truyền thông trên mạng, cũng như giá trị văn hóa có nguy cơ bị tổn thương.
Nhạc sĩ Triệu Mây từ Sài Gòn đồng ý với nhận xét của chuyên gia Lê Ngọc Sơn đồng thời cho rằng giới trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều thông qua phim ảnh, vì một thời gian tuổi trẻ Việt Nam đã
bị ảnh hưởng Hàn Quốc khá nhiều đến nổi họ quên hết mọi vấn đề của xã hội, chính trị, nhân văn, văn hóa của dân tộc Việt Nam.
“Đối với điện ảnh TQ cũng vậy họ cuồng lên với những diễn viên rồi họ cứ lao vào đó giống như một luồng thông tin gì đó từ Nhà nước đưa ra để giới trẻ bị cuống vào chuyện đó mà quên hết mọi vấn đề khác. Về mặt âm nhạc, phim ảnh thì họ có thể thích nhưng không đến độ cuồng như vậy nhưng chính giới truyền thông mấy trăm tờ báo của Nhà nước bơm lên (quảng cáo –PV) để giới trẻ đổ xô, bị cuốn hút vào đó.”
Còn tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương một nhà nghiên cứu xã hội học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, chắn chắn phim ảnh tràn lan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lớp trẻ vì với khối lượng khổng lồ như thế thì việc kiểm soát không xuể được.
“Tôi nghĩ cần kiểm soát chủ động hơn tức là tăng cường giáo dục để thanh niên, người dân có một cái nhận thức tốt hơn và lựa chọn những bộ phim nó phù hợp, tránh được những tác động không mong muốn. Nhưng truyền thông và giáo dục thì tại VN từ xưa đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đấy, thường cả thanh niên cả người trưởng thành đều rất bở ngỡ khi tiếp xúc với những trào lưu phim đa dạng như thế.”
Chính phủ bỏ ngỏ quản lý?
Có một luồng suy nghĩ khác xung quanh đề tài này, một vị quản lý truyền thông tại Sài Gòn (không muốn nêu tên) cho rằng, chắc chắn phim ảnh TQ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến văn hóa của giới trẻ. Người này giải thích:
“Phim TQ ngay cả thị trường TQ thì nó chỉ ăn khách ở phim cổ trang mà thôi chứ ngay cả phim hiện đại của TQ thì cũng chẳng ai coi cả, còn đối với mấy phim bình thường như kiểu vườn trường thì nó không có vấn đề gì đâu. Chính vì thế hồi năm ngoái TQ họ cũng vừa mới ban bố một sắc lệnh là hạn chế một đài truyền hình một năm cũng chỉ được sản xuất và chiếu bao nhiêu đấy thời gian cho phim Cổ trang mà thôi bởi vì ngay chính TQ cũng nói phim cổ trang cũng xuyên tạc lịch sử. Đối với VN xem phim của TQ mà ăn khách cũng chỉ có phim cổ trang thôi nên nói ảnh hưởng thì không có ảnh hưởng gì đâu.”
Ngoài ra, vị này nói thêm rằng nếu nói nhà nước Việt Nam không kiểm soát hết được nội dung thì điều đó không đúng, bởi vì nhà nước nếu muốn kiểm duyệt là làm được hết, chẳng qua…
“Theo thông tin em được biết thì tầm khoảng giữa năm nay có quy định nhưng chưa thấy các bác làm, là sẽ đưa ra một luật giống kiểu TQ, tức là nếu muốn phát sóng trên internet mà người ta hay gọi là “truyền hình internet” là phải có giấy phép đó. Nếu như muốn kiểu danh chính ngôn thuận như Netflix, FPT Play thì bắt buộc phải có giấy phép đó, giấy phép đó bắt buộc phải có công ty tại VN, hoặc phải phát thông qua một công ty tại Việt Nam nên các bác muốn quản là quản được thôi.”
Cũng theo chuyên gia Lê Ngọc Sơn trả lời với ICTnews rằng, những nước có ảnh hưởng văn hóa lâu đời như Việt Nam thì dễ “trói chặt” công chúng hơn ở những bộ phim có nội dung nhiều nét văn hóa tương đồng. Nếu Việt Nam không có biện pháp chọn lọc thông minh thì sẽ có nguy cơ những nội dung liên quan đến chính trị, về chủ quyền sẽ được lồng ghép khéo léo qua các bộ phim đó. (trích từ ICTnews)
Nhạc sĩ Triệu Mây cho rằng, hiện nay cả thế giới đều lo ngại khi nhắc đến TQ chứ không chỉ riêng người Việt Nam nên ông lo ngại rằng nếu văn hóa đó du nhập vào Việt Nam thì điều này rất đáng quan ngại “Nếu giới trẻ VN hòa với văn hóa TQ thì dần sẽ mất bản sắc dân tộc đi, văn hóa ngày càng xuống cấp và sẽ gây ra nhiều hỗn loạn trong xã hội.”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ ảnh hưởng về khía cạnh văn hóa, lối sống chứ phim ảnh tác động đến chính trị thì chuyện đó còn xa lắm.
“Để muốn làm được như thế thì phải có một seri phim rất là dài mà phải mưa dầm thấm lâu nên nếu Nhà nước phát hiện ra thì người ta cũng sẽ ngăn chặn ngay. Tuy nhiên nếu nhà nước vẫn thả cửa như thế thì đến người dân cũng chẳng ai kiên trì theo hết được xu hướng định hướng chính trị như vậy. Nên tôi nghĩ không có tác động liên quan chính trị nhiều lắm đâu.”
Đồng ý với điều này vị quản lý truyền thông khẳng định “Ở VN có cái hay là tinh thần họ ghét TQ nó rất cao nên khi nội dung của phim có gì mà dạng kiểu đã động tới VN là mọi người nhảy dựng lên liền nên không dễ bị ảnh hưởng mấy chuyện liên quan đó đâu.”
Ngoài ra, vị này còn cho hay ngoài những ứng dụng xem phim chính thống đàng hoàn đều được kiểm soát thì ngay chính những trang phim “lậu” (bất hợp pháp) tải miễn phí thì cũng được kiểm soát nên không lọt đi đâu được đâu.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/preventing-online-movies-is-the-way-to-manage-cyber-rights-08262019152851.html

Việt Nam ứng phó với bão Podul

Bão Podul được dự báo vào trưa ngày 28 tháng 8 cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chừng 370 kilomet về phía đông đông nam.
Trung tâm Dự báo Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam thông báo như vừa nêu, cụ thể sức gió của bão giật cấp 10. Đến 13 giờ ngày 29 tháng 8, vị trí tâm bão được dự kiến ở trên vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Thiên Tai cùng Ủy Ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm Kiếm cứu nạn Việt Nam vào ngày 27 tháng 8 đã có yêu cầu các địa phương ven biển của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các bộ, ngành khẩn cấp ứng phó với bão Podul.
Các địa phương trong khu vực vừa nêu được yêu cầu kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền. Song song đó rà soát các phương án bảo đảm an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển.
Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm gửi đến các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh bão.
Trung Tâm Dự Báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia Việt Nam còn cho biết vào khoảng ngày 29 tháng 8, rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Trung Bộ nối với vùng xoáy thuận nhiệt đới phát triển sẽ hình thành và có khả năng mạnh thành bão.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tropical-storm-threaten-vietnam-later-this-week-08272019083359.html

Hàng hoá Trung Cộng nhập vào Việt Nam tăng đột biến

Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 27 tháng 8 năm 2019 loan tin, bất chấp việc Trung Cộng đang xâm lược Việt Nam ở Biển Đông, và phía Mỹ điều tra Việt Nam về hành vi tiếp tay cho Trung Cộng xuất cảng hàng hoá sang Mỹ để trốn thuế, Việt Nam vẫn tăng cường nhập cảng hàng hoá của Trung Cộng.
Theo đó, số liệu của cơ quan Hải Quan cộng sản Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập cảng hàng hoá của nước này với số tiền 42,5 tỷ Mỹ kim, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018. Một số mặt hàng Việt Nam nhập cảng của Trung Cộng tăng đột biến là các sản phẩm máy vi tính, điện tử, linh kiện, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, các loại máy móc, thiết bị khác.
Ngoài ra, mặc dù các sản phẩm sắt thép của Việt Nam xuất sang Mỹ đang bị điều tra về hành vi giúp Trung Cộng trốn thuế, nhưng số lượng mặt hàng này nhập vào trong nước vẫn tiếp tục tăng với gần 3,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ Mỹ kim, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Một số các sản phẩm khác như hoá chất, và các sản phẩm từ hoá chất của Trung Cộng được nhập vào Việt Nam đang chiếm vị trí số một với kim ngạch trên 1,8 tỷ Mỹ kim, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hang-hoa-trung-cong-nhap-vao-viet-nam-tang-dot-bien/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.