Tin Việt Nam – 20/08/2019
Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019
15:20
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Vụ Gateway: Thực hư tài xế tử vong,
trường bỏ mác ‘quốc tế’?
Trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều tin đồn xoay quanh vụ việc bé trai tử vong ở trường mang danh ‘quốc tế’ Gateway và gần đây nhất là thông tin tài xế lái xe ô tô đưa đón cháu bé L. hôm 6/8 đã tử vong.Tuy nhiên theo VTC đưa tin hôm 19/8, công an xác nhận thông tin ông Doãn Quý Phiến tử vong là thất thiệt.
Theo Trung tá Trần Văn Hóa, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy nói: “Cho đến thời điểm này, Cơ quan cảnh sát điều tra, công an quận Cầu Giấy chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ gia đình ông Phiến nói về lái xe này như những thông tin đồn đoán ác ý trên mạng xã hội.”
Công an cũng đồng thời bác bỏ thông tin ông Phiến đang bị điều tra, khởi tố.
Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra và đã tiến hành khởi tố vụ án, nhưng chưa khởi tố bị can.
Những gì đã biết về vụ bé trai trường Gateway tử vong
Vụ bé trai trường Gateway tử vong gây choáng dư luận VN
Lực lượng điều tra đã tiến hành thủ tục pháp y, khám nghiệm, thực nghiệm hiện trường.
Ông Phiến, 53 tuổi, là nhân viên hợp đồng của công ty Ngân Hà, đưa đón học sinh cho trường Gateway. Hiện ông Phiến vẫn chưa lên tiếng với báo giới về vụ việc.
Tuy nhiên theo báo Người Lao Động, chiếc xe 16 chỗ chở cháu L. thuộc sở hữu của ông Phiến nhưng chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh.
Gateway bỏ mác ‘quốc tế’
Theo báo Đất Việt, website trường Gateway đã xóa bỏ cụm từ ‘quốc tế’.
Tên trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway giờ đã trở thành Trường Tiểu học & THCS Gateway.
Tuy nhiên, trường vẫn không bỏ dòng chữ “International” bằng tiếng Anh.
Vào mục “Kiểm định quốc tế,” “Hệ thống đo nghiệm quốc tế” đều hiển thị lỗi “Rất tiếc! Không thể tìm thấy trang này.”
Cũng theo báo Đất Việt, nhiều cơ sở giáo dục từng xưng danh quốc tế ở Hà Nội cũng gỡ bỏ cụm từ “quốc tế” hoặc “International” như Trường Mầm non Việt-Hàn Montessori, Trường quốc tế Việt-Hàn Montessori, Trường Mầm non quốc tế IQ và Tiểu học quốc tế IQ…
Trước đó, tại hội nghị triển khai năm học mới 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, cho biết hiện chỉ có 11 trường có yếu tố nước ngoài (vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng chương trình giáo dục nước ngoài, có học sinh nước ngoài học tại trường cùng học sinh Việt Nam).
Còn các trường có danh xưng quốc tế khác ở Hà Nội thực chất chỉ là các trường ngoài công lập.
Trường Gateway khi đăng ký cũng không hề có chữ “quốc tế”.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, trưởng phòng GG&ĐT quận Cầu Giấy, trong quyết định thành lập trường Gateway không hề ghi là trường quốc tế.
“Chữ ‘quốc tế’ như cách ghi trên cổng thông tin chính thức của trường… có thể do trường quảng cáo để thu hút học sinh,” ông Ngọc Anh nói tại buổi họp báo của Ủy ban Nhân dân Quận hôm 7/8.
Diễn biến sự việc
Sáng 6/8, ông Doãn Quý Phiến lái xe ô tô từ ký túc xá của trường Học viện báo chí và tuyên truyền đến đón bà Nguyễn Bích Quy, nhân viên đưa đón học sinh của trường Phổ thông liên cấp Gateway, rồi đi đón tổng cộng 13 học sinh, trong đó có cháu L., 6 tuổi.
Khoảng 7h25, ông Phiến lái xe đến cổng phụ của trường, bà Quy đưa học sinh xuống xe rồi đóng cửa xe lại. Ông Phiến đưa xe về ký túc xá Học viện Báo chí và tuyên truyền gửi xe.
15h30 ông Phiến lấy xe quay lại trường tiểu học đón học sinh.
Khi đón học sinh tan học lên xe, bà Quy không thấy cháu L. nên báo cô giáo chủ nhiệm.
Sau đó, khi đưa học sinh lên xe, bà Quy phát hiện cháu L. đang nằm dưới sàn xe. Cháu L. được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tím tái, bệnh viện cấp cứu nhưng không có kết quả và thông báo với gia đình cháu đã tử vong.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49404569
Dự án Cát Linh-Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ:
Bộ GTVT thừa nhận sai – lối ra vẫn mờ mịt
Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT không những thừa nhận “bất lực” trong cách giải quyết việc chậm trễ của dự án này, mà Bộ còn thẳng thắn đưa ra nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm trễ. Trong đó, Bộ cho rằng dự án có nguy cơ sẽ tiếp tục bị kéo dài thời gian thi công là do Tổng thầu Trung Quốc không thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT.Lỗi do đâu?
Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.
Như đã nói ở trên, song song với việc thừa nhận về việc dự án CL-HĐ chậm tiến độ, Bộ GTVT cũng đưa ra 7 nguyên nhân và 5 lý do khiến dự án đội vốn, chậm tiến độ. Trong đó, Bộ có cho biết, tuyến đường sắt đô thị này của Hà Nội vay vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2008 và do phía Trung Quốc chỉ định thầu là Tổng thầu EPC do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cũng là bên tài trợ vốn thực hiện thi công.
Ngoài vốn Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc, đến giám sát cũng là công ty Trung Quốc.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, hôm 19/8 đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Theo tôi đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị kéo dài như vậy chủ yếu do chọn nhà thầu đối tác Trung Quốc sai lầm, đây là đối tác chưa bao giờ xây dựng đường sắt cả. Vì chúng ta vay vốn của Trung Quốc nên họ được quyền chỉ định nhà thầu, chỉ định giám sát và đến bây giờ thì kéo dài. Tôi nghĩ đây là bài học rất đau xót, và Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trong việc vay vốn Trung Quốc, rất mong là sẽ không bao giờ bị lặp lại lần nữa.”
Theo Bộ GTVT, các nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ và đội vốn dự án này gồm: thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài nên phải điều chỉnh nhiều lần, thủ tục vay vốn, ngân hàng quản lý, cung cấp vốn vay không có đại diện thường trú tại Việt Nam…
Không những thiết kế sơ sài, theo Phó giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện kinh tế tài chính Việt Nam, còn nhiều điểm không hợp lý gây khó khăn làm chậm tiến độ là những quy định xử lý không hề có:
“Tất cả những vấn đề có liên quan việc xử lý thì gần như không có gì cả. Ví dụ như trách nhiệm nhà thầu khi không thi công xong thì sao? Hay việc đội vốn bao nhiêu % thì ban quản lý dự án phải xin ý kiến hay tự quyết, hay nếu thiếu vốn thì quy định giải quyết như thế nào. Bây giờ nói ra thì không hề có những điều khoản đi kèm để xử lý. Bây giờ sờ đến đâu đều bí đến đó cả.”
Theo ghi nhận của RFA, tính đến tháng 4 năm 2019, dự án Cát Linh – Hà Đông có nhiều lần lùi tiến độ: tháng 1/2015 hai tai nạn làm hai người tử vong; 7/2015 EPC đòi tăng chi phí; 10/2015 trục trặc ký kết hợp đồng; 8/2016 chậm thanh toán cho nhà thầu phụ; 12/2016 khó khăn vốn bổ sung; 3/2017 vốn Trung Quốc chậm giải ngân; 4/2019 chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu…
Luật không “ràng” được nhà thầu TQ?
Bộ GTVT cũng nhìn nhận, Tổng thầu EPC chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức EPC, chưa thực hiện đúng cam kết về tiến độ… Ngoài ra tổng thầu quản lý điều hành còn lúng túng và bất cập và các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC chưa đầy đủ.
Liên quan vấn đề này, Phó giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, nhận định:
“Đáng ra khi làm hợp đồng vay vốn phải có điều khoản, nếu trục trặc thì xử lý thế nào? Ngay cả nhà thầu cũng vậy, nếu làm chậm tiến độ thì phải thế nào? Chậm tiến độ các đối tác thì sẽ ra sao? Tất nhiên nó cũng có những nguyên nhân khách quan và chủ quan như Bộ GTVT đưa ra thì rất phức tạp.”
Trong khi đó, tại phiên chất vấn trước Quốc hội vào ngày 5/6 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cho rằng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành đến 99%, nhưng tiếp tục chậm trễ là do 1%, gồm các hạng mục nhỏ chưa hoàn thành và do nhà thầu Trung Quốc thiếu kinh nghiệm.
Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, 1% này cực kỳ quan trọng và không đưa vào hoạt động được vì liên quan an ninh chạy tàu, quy trình chạy tàu? Phía Việt Nam không làm cách nào để vận hành được tàu và cũng không có cách nào để bắt phía Trung Quốc đưa tàu đi vào vận hành được cả. Ông nói tiếp:
“Họ làm xong nhưng có thể họ nghi ngại chất lượng, hay họ sợ thế nào đó mà không bàn giao, chứ chỉ còn có 1% chủ yếu là quy trình chạy tàu, mà họ cứ rềnh rứ thì rõ ràng là vấn đề khác chứ không phải là vấn đề vốn.”
Vì sao biết phía Trung Quốc có nhiều điểm yếu mà cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chọn vay vốn Trung Quốc dẫn đến phải chấp nhận nhà thầu được chỉ định này. Ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này và phải xử lý thế nào?
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, dù đã lâu (16 năm), nhưng cần phải quy trách nhiệm những người liên quan, ông nói:
“Cũng từ lâu rồi, những người chịu trách nhiệm các nhà thầu này cũng đã nghỉ hưu hết rồi. Nhưng tôi nghĩ ngay những người nghỉ mà chịu trách nhiệm như vậy thì cũng cần đưa ra quy trách nhiệm, và xử lý thích hợp theo pháp luật.”
Tuyến đường sắt trên cao 2A Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư, là tuyến số 3 trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội.
Ngoài những nguyên nhân vừa nêu, Bộ GTVT cũng cho rằng có những nguyên nhân khách quan như do: Công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật; Khác biệt về quy định giữa hai quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật; Hệ thống pháp luật của Việt Nam về thực hiện hợp đồng EPC chưa đầy đủ, đồng bộ… Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự án và lạm phát tăng cao trong 3 năm là 49,83%…
Khi đưa ra các nguyên nhân, Bộ GTVT cho biết có vấn đề quan trọng là Tổng thầu Trung Quốc không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Liên quan đến biện pháp chế tài, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ phía Việt Nam phải ra một cái tối hậu thư, đề ra thời hạn chót. Nếu không thực hiện được thì phía nhà thầu Trung Quốc sẽ bị phạt. Nếu không có nữa thì chúng ta phải khởi hiện ra tòa quốc tế. Tôi nghĩ không thể nhân nhượng mãi, kéo dài mãi, với một chất lượng kém như vậy. Và cũng cần phải mời giám định quốc tế đến để xem xét nghiệm thu, trước khi chúng ta chấp nhận dự án này.”
Tuy nhiên theo Phó giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, nếu kiện ra tòa quốc tế thì phải có những chứng cứ rất rõ ràng về mặt quyền hạn và trách nhiệm cũng như cách thức xử lý theo hợp đồng… Nhưng theo ông, hợp đồng lại không có, thì kiện gì? Chẳng có gì thì làm sao đưa ra tòa, ai xử, bằng căn cứ gì để nói người ta phải đền bù?
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cat-linh-ha-dong-project-hanoi-authority-admits-wrongdoing-but-there-is-still-no-solutions-08192019142126.html
10 bị can nguyên lãnh đạo tài chính
công đoàn dầu khí & chứng khoán SMES bị truy tố
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 20 tháng 8.Theo tin, các bị can đã chiếm đoạt của Công ty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) số tiền hơn 107 tỉ đồng, Công ty CP Tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) số tiền trên 111 tỉ đồng, Ngân hàng Habubank (nay đã sáp nhập vào SHB) số tiền 80 tỷ đồng.
10 bị can trong vụ án này gồm: Phạm Minh Tuấn (SN 1974, nguyên Tổng Giám đốc SMES); Phan Huy Chí (SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc SMES); Nguyễn Huy Sơn (SN 1981, nguyên Cán bộ SMES); Nguyễn Phương Lan (SN 1980, nguyên cán bộ SMES); Cao Tuấn Nghĩa (SN 1974, nguyên Giám đốc Công ty CP tư vấn Anh); Nguyễn Thanh Nam (SN 1975, nguyên Giám đốc SMES – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh); Chu Xuân Lai (SN 1967, nguyên Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam – (PVFI); Lê Xuân Tân (SN 1979, nguyên Phó TGĐ PVFI); Vũ Xuân Công (SN 1980, nguyên Phó Ban dịch vụ tài chính PVFI) và Vũ Thị Hồng Lan (SN 1978, nguyên Trưởng Ban dịch vụ tài chính PVFI).
Trong đó 6 bị can gồm Phạm Minh Tuấn, Phan Huy Chí, Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Thanh Nam, Nguyễn Phương Lan và Cao Tuấn Nghĩa bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4, Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999.
4 bị can còn lại bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo qui định tại khoản 2, Điều 285- Bộ luật hình sự năm 1999.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/10-ex-leaders-of-pvfi-smes-prosecuted-08202019073438.html
Sống chung với bãi rác ô nhiễm,
dân Núi Thành kêu cứu
Tổn hại sức khỏe vì bãi rác ô nhiễmThời điểm chúng tôi có mặt tại Khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 (gọi chung là bãi rác Tam Xuân 2) thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để ghi nhận tình hình thực tế thì xuất hiện những thanh niên mặc thường phục đeo bám, kiểm tra máy quay khiến việc tác nghiệp của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy vậy, cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được một số hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bãi rác.
Bãi rác nằm giáp ranh giữa hai thôn Bích Nam và Bích Sơn, do đó hàng ngàn hộ dân 2 thôn này đều bị ảnh hưởng do nước thải từ bãi rác chạy ra khiến nguồn nước đen đục và bốc mùi hôi thối. Theo chia sẻ của đại đa số bà con, từ nhiều năm qua, cao điểm là vào khoảng 5h chiều cho đến tận sáng hôm sau, mùi hôi thối càng kinh khủng hơn, nhất là khi lượng xe chở rác tập kết rác tại bãi.
Do địa phương không có hướng xử lý, nên mấy tháng gần đây, người dân ở hai thôn Bích Nam và Bích Sơn không thể chịu đựng thêm với ô nhiễm từ mùi hôi bốc lên tại khu vực bãi rác nên họ đã dựng lều, thay phiên nhau canh 24/24, ngăn chặn không cho xe chở rác thải vào bãi đổ.
Chị Trần Thị Ánh, cư dân sinh sống ở thôn Bích Nam cho biết, từ 5h chiều là các hộ dân phải đóng chặt cửa cho đến một, hai giờ sáng hôm sau. Ban đêm nhiều lúc không ai thở nổi, nhất là con nít.
“Nói đúng ra là bà con mình ở đây bị ảnh hưởng mùi thối kinh lắm. Tối lại thối quá chịu không nổi, cỡ 5h chiều là bắt đầu coi như ở trên kia xuống là không chịu nổi luôn. Nhà tôi tối lại đóng cửa kỹ chứ chịu không nổi.”
Tương tự, bà Luôn cũng cho biết mùi hôi thối từ bãi rác đã “tấn công” khu dân cư.
“Cái hố rác này nó ảnh hưởng cả cái thôn này. Coi như đến 5h chiều là bắt đầu gió nó thối, ở trong nhà nó khuất mà ra ngoài đồng thì thối chịu không nổi y như gà chết, heo chết…”
Ông Nguyễn Quang (thôn Bích Nam) nói với chúng tôi từ khoảng 2 năm nay, mùi hôi càng lúc càng nặng, khiến cuộc sống của bà con quanh khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lúc không thể ăn cơm được…
“Ăn cơm, ăn đồ với đám giỗ, đám cổ là họ chịu không nổi. Họ đang ăn là nó hôi quá là chạy trốn thôi. Nó hôi mà răng ăn được, chỉ bịt cái mũi lại chứ là răng mà ăn. Nó bay thối quá !”
Còn lúc ngủ thì bà con phải trùm khẩu trang, chị Ánh bức xúc nói.
“Bà con mình tối lại ngủ không được, nhiều người họ phải trùm cái khẩu trang lại. Thối chịu không nổi với ảnh hưởng nên dân mình mới làm như rứa (tập trung chặn xe rác) chứ không ảnh hưởng thì nói thật cũng không làm như vậy đâu.”
Cũng theo bà con ở đây, trong quá trình ngăn chặn xe rác vào bãi, họ đã phát hiện nhiều xe chở không chỉ rác thải sinh hoạt mà còn có cả rác thải y tế. Điểm đáng lưu ý, cạnh bãi rác là kênh thủy lợi từ hồ Phú Ninh dẫn nước về, nước kênh trong vắt nhưng khi nước rác từ bãi đổ chảy vào kênh khiến nguồn nước đen ngòm, cá chết. Nước ô nhiễm cũng khiến những đồng lúa của bà con khi thu hoạch bị thiệt hại như hạt lúa bị đen, hư hỏng.
“Khi mà trời mưa là nước đọng không được là nó chảy thẳng theo đường mương ruộng đồng là bò trâu ngứa chân, với lại nó ra cái chất ấy là ruộng hư hết một số”- Lời của ông Quang.
Chị Ánh, một người dân trong thôn cho biết thêm, có hôm đứa con trai của chị lội xuống mương chích cá, khi về da bị dị ứng nổi ngứa. Lúc đầu chị Ánh tưởng con mình ở bẩn nhưng sau đó chị phát hiện là do nguồn nước ở mương bị ô nhiễm.
“Ở đây nói thiệt ra thì bệnh tật, ở đây tôi thấy nhiều người cũng mắc bệnh ung thư nhiều rồi đó nghe. Chứ không phải giỡn đâu, thối quá chịu răng cho nổi”–Lời của chị Ánh.
Nước thải của bãi rác còn xâm nhập vào nguồn nước sinh hoạt của bà con, nhiều giếng nước của bà con cũng bị đen đục, họ phải đi mua nước bình về dùng.
“Nước mương về là nước giếng có, mà nước mương không về là nước giếng không có coi như vào hết nước giếng uống. Chừ nước ở đâu, không lẽ đi mua ở đâu? Mua thì mua nước bình uống thôi chứ còn giặt giũ hay là nấu cơm nấu đồ không lẽ dùng nước bình hết thì tiền ở đâu chịu cho nổi”- Bà Luôn nói.
Chính quyền lại hứa –dân tiếp tục chờ…
Bà con lo lắng đời mình chẳng còn sống bao lâu nhưng đời con cháu thì còn dài mà với tình hình nguồn nước bị ô nhiễm như vậy thì sẽ sống ra sao? Mặc khác, không rõ từ nguồn thông tin nào mà bà con cho biết là nghe đâu sắp tới bãi rác Tam Xuân 2 này sẽ mở rộng thêm. Điều này càng khiến bà con thêm lo lắng, mức độ ô nhiễm hẳn không dừng ở một, hai thôn mà sẽ lan ra toàn xã. Vì vậy, bà con càng quyết tâm bám trụ canh chừng, ngăn chặn không cho xe chở rác vào bãi. Ông Quang chia sẻ:
“Họ sợ là sẽ mở rộng, ô nhiễm môi trường cả hai thôn này và sắp tới sẽ đẩy luôn xuống dưới kia là cả xã Tam Xuân 2 là nguy hiểm. Cho nên dân họ không cho thôi.”
Trước bức xúc và lo lắng của bà con ở các thôn thuộc xã Tam Xuân 2, chúng tôi liên lạc ông Trần Thanh Hà-Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam để hỏi về tình hình ô nhiễm bãi rác và hướng giải quyết của các cơ quan chức năng, ông nói: “Có rồi. Có rồi, có ghi nhận ý kiến sáng nay (15/8/2019) cho đi lấy mẫu và đang tập trung giải quyết.”
Về phía người dân, bà con cho biết đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm của bãi rác Tam Xuân 2 lên cơ quan chức năng địa phương. Thế nhưng…nhiều năm trôi qua, bãi rác ô nhiễm vẫn trơ ra đó – ngày càng ô nhiễm.
“Thì nói miết mà địa phương cứ kêu để ở trên xử lý, xử lý gì mà càng ngày nó càng thối hung. Thối chịu không nổi”-Lời của bà Luôn.
Chúng tôi được biết thêm, trước đây chính quyền địa phương chỉ thông báo cho bà con biết là xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ nhưng nhà máy không thấy đâu chỉ thấy bãi rác ra đời và tồn tại nhiều năm qua.
Với thực trạng như trên, ông Trần Thanh Hà cho biết: Cái này anh đùng đùng hỏi tôi làm sao tôi nói được. Chiều hôm qua (14/8/2019) anh Thanh (Lê Trí Thanh)–Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã có trả lời với báo rồi và chiều mai (16/8/2019) thì Tỉnh tổ chức họp báo. Cho nên thôi, nội dung này tỉnh đã phân công anh em tiếp cận, khắc phục”
Hiện tại, bà con ở xã Tam Xuân 2 vẫn tiếp tục bám trụ, ngăn không cho xe chở rác thải vào bãi rác. Đồng thời bà con mong muốn cơ quan chức năng cho dừng việc đổ rác ở bãi rác, di dời bãi rác hoặc có công nghệ tốt nhất xử lý rác thải, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, để bà con có thể có một môi trường sống trong sạch, lành mạnh hơn.
Trong một trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 12/8/2019, lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam (đơn vị quản lý khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2) cho biết đã cùng chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với người dân. Phía đại diện công ty cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ như điều động thêm công nhân, cán bộ xử lý rác thải để xử lý mùi hôi từ bãi rác, phân công lãnh đạo tổ chức giám sát triệt để trong thời gian xử lý, trang bị thêm máy bơm hóa chất xử lý mùi hôi, lấp đất đầy đủ…Hiện công ty đã yêu cầu nhân viên dùng tấm bạt HDPE phủ kín hết diện tích của bãi rác, phun chế phẩm sinh học để khử mùi.
Xin được nói thêm, cùng vào thời gian chúng tôi ghi hình tại bãi rác Tam Xuân 2, tỉnh Quảng Nam thì bà con thôn Đại An (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) do lo sợ lò đốt rác địa phương được cơ quan chức năng cho xây dựng trên thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt cuộc sống của người dân nên bà con cũng đã dựng lều trại, giăng biểu ngữ phản đối.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/living-near-waste-landfil-nuithanh-residents-need-help-08192019152241.html
Nói người Hồng Kông ‘tự đập nồi cơm’,
thày giáo Việt gây bão mạng
Một thày giáo Việt Nam nổi tiếng trên mạng xã hội mới đây gây ra nhiều tranh cãi sau khi bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân với hàm ý chế giễu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.Vào sáng 17/8, trên trang Facebook có tới xấp xỉ 174.000 người theo dõi, thày Vũ Khắc Ngọc, 33 tuổi, chia sẻ đường link một bản tin về sinh viên Hồng Kông biểu tình, và viết: “Các thanh niên Hồng Kông đang tự phá hủy nồi cơm của chính mình, dưới sự kích động từ bên ngoài”.
Thày giáo nổi tiếng với các bài giảng môn hóa học miễn phí qua YouTube viết thêm rằng rất nhiều bên ở Việt Nam cũng đang “theo dõi sát sao” những diễn biến này vì “nó mang theo rất nhiều bài học”. Bài viết của thày Ngọc nhận được hơn 600 phản ứng yêu, thích.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một lãnh thổ của Trung Quốc, bắt đầu nổ ra từ cuối tháng 3 năm nay, với mục đích ban đầu của người dân là phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc xét xử.
Sau đó, các cuộc biểu tình kéo dài đến nay, trở thành một thách thức trực tiếp đối với chính quyền thành phố Hồng Kông khi người biểu tình đòi hỏi được hưởng dân chủ hoàn toàn.
Ngay sau khi đăng bài và trong những ngày kế tiếp, thày Ngọc, hiện công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận được vô số lời chỉ trích từ nhiều người sử dụng mạng xã hội, trong đó là những Facebooker có nhiều ảnh hưởng.
Blogger Dương Quốc Chính, cây viết quen thuộc trên các trang Dân Luận và Tiếng Dân, đăng một bài trên trang Facebook cá nhân cho rằng lối tư duy như thầy Ngọc là “phổ biến ở các nước toàn trị” và “đa số dân Việt Nam cũng nghĩ như thầy”.
Nguyên nhân sâu xa, theo blogger này, là trái với các nước dân chủ, tự do, nơi con người được hưởng nền giáo dục khai phóng, Việt Nam có cái mà ông Chính gọi là “nền giáo dục ngu dân”, nên người dân “không hiểu thế nào là tự do, dân chủ”.
Với nền tảng như vậy, vẫn theo lập luận của ông Chính, người dân Việt Nam thậm chí hiểu tự do, dân chủ “đồng nghĩa với bạo loạn, lật đổ, khủng bố…” Vấn đề càng trầm trọng với việc chính quyền trong nước “ra sức tuyên truyền nhồi sọ dân qua báo đài là dân chủ đồng nghĩa với bất ổn, biểu tình là phá hoại”, blogger Dương Quốc Chính viết, và khẳng định “Thầy Ngọc này cũng là nạn nhân bị nhồi sọ mà thôi”.
Trong cùng bài viết, ông Chính phân tích rằng mặc dù các cuộc biểu tình đang diễn có làm Hồng Kông bị thiệt hại kinh tế trong thời gian trước mắt, nhưng đó là sự đánh đổi mà người dân xứ xở này chấp nhận để đòi duy trì “thể chế tự do như thời thuộc Anh” và đó mới là “lợi ích dài lâu”.
Ông đưa ra thêm lập luận để chứng minh cho quan điểm của mình: “Hồng Kông được như ngày nay chính là do được hưởng tự do, đặc biệt là tự do kinh tế từ thực dân Anh. Nếu Hồng Kông bị Trung Quốc kìm hãm, xóa bỏ dân chủ và tự do, thì kinh tế Hồng Kông mới suy giảm bền vững. Vậy người dân Hồng Kông đi biểu tình chính là bảo vệ nồi cơm của mình chứ không phải là lật đổ nồi cơm đâu”.
Nhận xét về ý kiến thày Ngọc bày tỏ hôm 17/8, ông Chính viết: “Biểu tình là việc cần thiết và đương nhiên, nhất là với thể chế dân chủ. Lấy nhãn quan dưới đáy giếng của công dân 1 nước toàn trị, để chỉ trích biểu tình ở 1 lãnh thổ tự do, dân chủ, là 1 biểu hiện thiểu năng trí tuệ”.
Bài viết của ông Chính nhận được hơn 1.200 phản ứng yêu, thích, và được 203 người chia sẻ.
Phần nào đồng quan điểm với ông Chính, luật sư Lê Luân, người thường lên tiếng cổ súy cho dân chủ, tiến bộ xã hội, viết trên trang cá nhân của mình rằng việc thày giáo Ngọc thay vì nói đến biểu tình như là “một quyền chính trị”, lại chỉ nói tới “cái nồi cơm” cho thấy đó là “cách nhìn của một con ếch dưới đáy giếng”.
Lưu ý rằng Hồng Kông là một vùng có thu nhập cao nhất châu Á, ông Luân khẳng định việc giới trẻ nói riêng, người dân Hồng Kông nói chung xuống đường là vì “họ nhìn thấy tai hoạ trong tương lai đang đe doạ tới họ và con cháu họ”, khi mà với điều kiện kinh tế hiện nay, họ “không còn phải bận tâm về cái niêu cơm trực quan hữu hình” như thày Ngọc nói đến.
Trong con mắt của luật sư Luân, thày giáo Ngọc “chỉ cần miếng ăn chứ không cần hiểu hoặc biết tới những giá trị làm người khác – những quyền chính trị cơ bản của con người”.
Võ sư, nhà văn Đoàn Bảo Châu, một người ủng hộ dân chủ tiến bộ có 110.000 người theo dõi qua Facebook, nói ý kiến của thày Ngọc là “phán bừa” trong tình trạng “thiếu thông tin.
Ông Châu cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của thày Ngọc đến các học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, với câu hỏi cuối bài: “Tôi không biết cậu đã làm ô nhiễm bao nhiêu cái đầu non trẻ bằng cái tư duy hèn mọn của cậu rồi?”
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, với trang Facebook có hơn 57.000 người theo dõi, chỉ ra rằng có sự khác biệt rõ rằng giữa một bên là thầy giáo “sinh ra và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, được lãnh đạo bởi đảng cộng sản”, và một bên là những thanh niên Hồng Kông tuy được sinh ra và lớn lên khi lãnh thổ này đã thuộc về Trung Quốc “nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ, được giáo dục bởi nền giáo dục của một xã hội dân chủ”.
Trong khi, người thày ở Việt Nam chỉ lo đến khái niệm nồi cơm gói gọn trong giá trị vật chất và sự an nguy cho bản thân mình, “thể hiện một quan niệm rất hoang sơ và ấu trĩ về trách nhiệm xã hội”, thì những thanh niên trẻ Hồng Kông có một tầm nhìn khác hẳn, đó là “không ai có quyền đẩy những trách nhiệm trọng đại của xã hội, của đất nước cho thế hệ sau”, và vì vậy họ đang xuống đường để đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ của mình ngay lúc này, bác sĩ Sơn viết.
Ngoài các trang cá nhân nêu trên, bài viết của thày Vũ Khắc Ngọc cũng được đưa vào thảo luận trong các diễn dàn “Bàn luận về Kinh tế-Chính trị” và “Góc nhìn Báo chí-Công dân” với nhiều lời chỉ trích thậm tệ dành cho thày.
Dường như do áp lực từ các ý kiến đó, bài viết của thày Ngọc đã bị xóa hoặc ẩn đi trên trang Facebook của thày.
https://www.voatiengviet.com/a/noi-nguoi-hong-kong-tu-dap-noi-com-thay-giao-viet-gay-bao-mang/5049669.html
Trường cao đẳng tổ chức thi liên thông đại học
tại nhà riêng của trưởng phòng giáo dục
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 20 tháng 8 năm 2019 loan tin, trường cao đẳng An Ninh Mạng Ispace, có trụ sở tại Sài Gòn vừa bị sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Long An xử phạt 20 triệu đồng về hành vi tổ chức điểm thi không đúng quy định.Trước đó, ngày 10 tháng 8, Thanh tra sở Giáo dục và đào tạo, cùng với phòng An ninh chính trị nội bộ tỉnh Long An đã phát hiện, 30 học viên của trường đang thực hiện thi hết học phần của chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học ở một nơi rất riêng tư: nhà ông Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đức Hòa, ông Nguyễn Tấn Lợi, ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Người đại diện tổ chức thi là bà Phan Thị Liên, giáo viên trường tiểu học Châu Văn Liêm, huyện Đức Hòa. Bà Liên tổ chức, kiêm thực hiện coi thi với tư cách trưởng phòng tuyển sinh của trường Ispace. Ngoài ông Lợi, và bà Liên, còn có một người khác với tư cách là giám đốc trung tâm đào tạo của trường Ispace.
Hiện tại, mới chỉ có trường Ispace bị phạt, còn các cá nhân trên chưa thấy có thông báo bị giải quyết gì. Đồng thời phần thi của các học viên có được công nhận hay không vẫn chưa được sở Giáo dục tỉnh Long An đề cập đến.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/truong-cao-dang-to-chuc-thi-lien-thong-dai-hoc-tai-nha-rieng-cua-truong-phong-giao-duc/
Lãnh đạo mới công ty KaiYang VN cam kết
thanh toán 50% tiền lương tháng 7 cho công nhân
Ban lãnh đạo mới của công ty KaiYang Việt Nam vừa chính thức ra mắt và đối thoại trực tiếp cùng với cam kết sẽ thanh toán trước 50% tiền lương tháng 7 cho công nhân lao động.Báo Người Lao động loan tin hôm 19/8 cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, bà Jenny Koo chủ tịch hội đồng quản trị công ty cùng với 2 lãnh đạo mới công ty KaiYang Việt Nam tại Hải Phòng đã có buổi đối thoại và làm việc trực tiếp với hàng ngàn công nhân công ty về những sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua. Đồng thời, ban lãnh đạo mới công ty cam kết sẽ thanh toán trước 50% tiền lương tháng 7 và 10 ngày của tháng 8/2019 cho người lao động trong tuần này. Số còn lại sẽ được thanh toán vào tuần sau, trước ngày 31/8. Các chế độ khác công ty sẽ thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng cảm ơn Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc ổn định tình hình công nhân, bảo đảm tài sản công ty và cảm ơn sự ủng hộ của toàn thể công nhân, mong muốn công nhân sớm quay trở lại làm việc.
Trước đó, hôm 12/8 báo Người Lao động có đưa tin về việc hơn 2.400 công nhân lao động công ty KaiYang tại thành phố Hải Phòng phát hiện Tổng giám đốc công ty là ông Huang Shang Che cùng 17 nhân viên kỹ thuật người Đài Loan đã biến mất. Trong khi đó, công nhân công ty này vẫn chưa nhận được lương tháng 7, theo lịch thanh toán là vào ngày 10/8.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam có địa chỉ tại 196 đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan, do ông Huang Shang Che làm tổng giám đốc. Kai Yang chuyên sản xuất các loại giày da xuất khẩu và có gần 2.500 công nhân, nhân viên đang làm việc tại công ty.
Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2005 và được báo cáo là kinh doanh khá ổn định hơn 10 năm qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/kai-yang-vns-new-management-board-pledge-to-advance-50-wages-for-workers-08192019104756.html
‘Trạm thu phí’ BOT: thuật ngữ
thể hiện sự hiểu biết của một Chính phủ
Thay đổi hay làm xáo trộn khái niệm?Báo chí trong nước vào ngày 7/5 vừa qua loan tin trích dẫn từ Dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của ‘trạm thu tiền’ dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế cho thông tư 49/2016, cho biết Bộ Giao thông – Vận tải có đề xuất dùng ‘trạm thu tiền’ thay cho ‘trạm thu phí’.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giao thông – Vận tải dùng từ thay thế cho cụm từ ‘trạm thu phí’. Trước đó, vào đầu năm 2018, Bộ cũng đã sử dụng ‘trạm thu giá’ nhưng sau khi gặp nhiều phản đối do cụm từ ‘trạm thu giá’ không có ý nghĩa và không cần thiết để thay đổi nên Bộ sử dụng lại ‘trạm thu phí’ rồi một thời gian sau lại đổi sang ‘trạm thu tiền’.
Đây là một từ kinh tế mà có thuật ngữ kinh tế chứ không phải mình muốn đặt ra thế nào cũng được. Chính phủ phải quay về với từ ‘thu phí’ thì mới chuẩn mực, thành ra tôi nghĩ họ buộc phải làm thôi. - ThS. Đinh Gia Hưng
Mới đây nhất, vào ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về tiến độ Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng và Bộ trưởng Thể đã lại công bố sử dụng “Trạm thu phí” thay cho “Trạm thu tiền”.
Nhiều người cho rằng, sau một thời gian dài loay hoay quanh việc đổi tên và bị dư luận phản đối mạnh mẽ, phải chăng Bộ Giao thông – Vận tải đã bắt đầu lắng nghe ý kiến người dân bằng việc quay lại với cách gọi cũ, dễ nghe là ‘Trạm thu phí’?
Theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Văn hóa học tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, việc Bộ giao thông – Vận tải dùng lại cụm từ ‘trạm thu phí’ là lẽ dĩ nhiên vì trước đó Bộ đã đưa ra những đề xuất làm xáo trộn các khái niệm không cần thiết và không tôn trọng ngôn ngữ, bản chất chính xác của loại hình ‘thu phí’.
“Người ta thấy không đúng trong tên gọi cũng như trong chức năng từ. Đây là một từ kinh tế mà có thuật ngữ kinh tế chứ không phải mình muốn đặt ra thế nào cũng được. Chính phủ phải quay về với từ ‘thu phí’ thì mới chuẩn mực, thành ra tôi nghĩ họ buộc phải làm thôi.”
Ông giải thích thêm:
“Cụm từ ‘trạm thu phí’ phản ánh chính xác nhất của ngôn ngữ cũng như ý nghĩa việc thu, vì đây là các loại dịch vụ mà dịch vụ thì người ta gọi là phí. Nhưng đổi thành trạm thu tiền thì nó không phản ánh được, vì chữ tiền rất chung chung, mơ hồ, không phản ánh được bản chất của công việc mà ở đây là dịch vụ công. Lâu nay từ ‘phí’ là từ chuẩn mực của thế giới và Việt Nam, không tranh cãi về chuyện này nữa. Công luận cũng biết từ trong kinh tế cũng như kinh doanh, thế nào là phí, thế nào là giá, và thế nào là tiền, người ta biết rất rõ.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội lại nhận định rằng không phải nhà nước đang lắng nghe lòng dân, mà mấy ông trong Bộ Giao thông – Vận tải nghĩ cách đổi tên gọi để lách luật. Ông giải thích:
“Phí và giá là hai khái niệm mà luật pháp Việt Nam quy định khác nhau và khi thu những khoản tiền ấy có những quy định khác nhau về vấn đề báo cáo, sử dụng cũng như thuế khóa liên quan. Nhưng họ dùng ‘thu giá’ để lách những quy định về phí, tất nhiên xã hội lên tiếng, bản thân các ủy ban trong Quốc hội cũng tranh luận và buộc Bộ Giao thông quay trở lại dùng đúng thuật ngữ quy định chứ không dùng những thuật ngữ phịa ra để lách luật.”
Đồng tình với suy nghĩ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, anh Nguyễn Minh Hùng, một tài xế thường xuyên lên tiếng phản đối tại các trạm BOT ‘bẩn’ cũng cho rằng Bộ Giao thông – Vận tải muốn lách luật phí và lệ phí. Anh tiếp lời:
“Vì thu phí, giá cả phải quyết định qua Hội đồng Nhân dân thẩm định và duyệt, còn thu giá do công ty và Bộ Giao thông – Vận tải quyết định giá cả và thời điểm tăng giá, không qua Hội đồng Nhân dân. Còn chính phủ cũng một phần lắng nghe dân và Hùng cảm thấy cũng có những chuyển biến tích cực từ những phản ứng của người dân.”
Còn theo anh Vũ Tân, một người dân sống tại Kiên Giang thường xuyên qua trạm BOT T2 và từng nhiều lần tham gia phản đối vị trí đặt trạm thu phí T2 lại đặt ra nghi vấn việc sử dụng những từ ‘thu giá’, ‘thu tiền’ mà Bộ Giao thông – Vận tải đề ra trước đây phải chăng là sự lấp liếm của một số người trong nhóm lợi ích.
“Mình thấy thu gì thì thu, nhưng mà thu bất hợp lý thì dân mới phản đối, như làm be bét cũng thu, không làm cũng thu mà thu nhiều nữa.”
Bài toán khó giải, bài học kinh nghiệm
Trao đổi với Đài Á Châu tự Do, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh đều nhận xét rằng thực chất mô hình BOT đã và vẫn đang thực hiện rất tốt ở các nước khác, nhưng lại bị “biến chất” khi đưa vào vận hành tại Việt Nam.
Hàng loạt các trạm BOT đặt sai vị trí vẫn ngang nhiên hoạt động mặc sự phản đối mạnh mẽ từ những tài xế và người dân sống quanh trạm. Những lời hứa sẽ giải quyết các sai phạm trên từ phía Bộ Giao thông – Vận tải đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách thỏa đáng.
Chuyện Bộ Giao thông – Vận tải hết lần này đến lần kia đề nghị hết thu giá đến thu tiền rồi cuối cung quay lại thu phí như thế là suy nghĩ của Bộ Giao thông – Vận tải có nhiều vấn đề. - TS. Đinh Trọng Thịnh
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng hiện BOT đang là một sai lầm rất khó khắc phục trong một sớm một chiều:
“Chuyện Bộ Giao thông – Vận tải hết lần này đến lần kia đề nghị hết thu giá đến thu tiền rồi cuối cung quay lại thu phí như thế là suy nghĩ của Bộ Giao thông – Vận tải có nhiều vấn đề.
Rất hy vọng từ việc thay đổi nhận thức về thu phí, thu tiền, hay thu giá cuối cùng cũng chỉ là một khoản thu, từ đó giúp Bộ Giao thông – Vận tải có nhận thức đúng đắn hơn không chỉ là tên gọi, mà thực chất các dự án BOT nói riêng cũng như các dự án cơ sở hạ tầng nói chung trong tương lai.”
Thông qua việc Bộ Giao thông – Vận tải sử dụng lại cụm từ ‘trạm thu phí’, anh Nguyễn Minh Hùng lạc quan tin rằng, đối với những sai trái trong xã hội hiện nay, người dân nên bày tỏ quan điểm, lập trường của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép để dần dần xã hội sẽ tốt lên.
Còn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, việc đổi tên ‘thu phí, thu giá, thu tiền’ vừa qua có lẽ là bài học mà Bộ Giao thông – Vận tải cần rút kinh nghiệm:
“Bất kỳ sửa đổi hay công bố gì liên quan đến chính sách công, trong đó các thuật ngữ rất quan trọng bởi vì thuật ngữ thể hiện sự hiểu biết của một chính phủ về những vấn đề hệ thống quốc gia ảnh hưởng tới hàng triệu công dân. Vì sức ép đó chính phủ càng phải chú tâm và lắng nghe người dân, xem phản hồi của người dân ở mức độ nào thì lúc đó mới điều chỉnh và thể hiện vai trò đại diện tốt hơn của mình.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-government-re-use-old-name-for-bot-toll-booths-08192019150658.html
Mùi vị quen thuộc
Tuấn KhanhTrong những câu chuyện về Hồng Kông, có những điều thật đáng chú ý. Đó là những câu chuyện kể về những người biểu tình trẻ tuổi xuống đường bị bắt đem về đồn, thẩm tra, đánh đập… có mùi vị thật quen thuộc.
Tin từ Hong Kong Columns, kể rằng cách thức mà cảnh sát Hồng Kông – lúc này thì không còn nhận diện được rõ là có phải cảnh sát Hồng Kông hay không – đã có những điều kỳ lạ, đặc biệt đối với những người bị bắt, kể cả trẻ vị thành niên.
Một cô gái nhân chứng kể lại rằng khi cô bị bắt. Cô đã bị ép buộc, hăm dọa và không được liên lạc với gia đình dù cảnh sát Hồng Kông không nói được lý do gì bắt giữ cô.
Cũng như những người khác, trong khi bị giam giữ tại đồn cảnh sát, cảnh sát đã lấy điện thoại của cô, và buộc cho phải cho mật khẩu để vào kiểm soát nội dung trong điện thoại của cô. Dĩ nhiên cô gái này từ chối. Cô nói cũng thấy có người bị đánh để ép phải đưa mật khẩu, và tất cả mọi người không ai được gọi điện thoại về nhà, trong đó có những em nhỏ.
Trang Hong Kong Free Press cũng xác nhận nguồn tin là sau hơn hai tháng của phong trào Dự luật chống dẫn độ, cảnh sát đã bắt giữ hơn 700 người, và người trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi.
Dĩ nhiên, việc đòi truy cập vào nội dung cá nhân của người biểu tình, mục đích của cảnh sát là tìm xem các tin nhắn về tập họp biểu tình, truy tìm người kết nối hay tổ chức và đồng thời tạo dữ liệu để kết tội.
Mùi vị quen thuộc ở đây, là ở Việt Nam, một quốc gia cách xa Hồng Kông, phương thức cũng không có gì là khác biệt.
Ngày 10/6/2018, tại trại tập trung tạm thời được công an lập ra ở công viên Tao Đàn, Sài Gòn, hàng trăm người bị bắt lôi về đây, đánh đập dã man và bị tịch thu điện thoại. Công an xét từng người và đòi mật khẩu để vào xem nội dung điện thoại, bất kỳ ai từ chối, sẽ bị dẫn vào một căn nhà vốn được để luyện tập thể thao, bị tra tấn một cách kín đáo. Có người hôn mê phải đưa đi bệnh viện, có người mang thương tích và ngất xỉu tại chỗ. Khác với ở Hồng Kông, những người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền bị thu giữ ở trại khủng bố Tao Đàn tháng 6/2018, đều không được trả lại. Dĩ nhiên cũng không có giấy tờ gì chứng nhận sự thu giữ.
Phương thức của cảnh sát Hồng Kông và Việt Nam có cái gì đó giống nhau đến lạ lùng. Vào ngày 5/8/2019, lúc có 3 cuộc biểu tình cùng nổ ra một lượt, gây bối rối cho cảnh sát Hồng Kông, nhiều cuộc bắt giữ vô cớ và thô bạo đã diễn ra. Đặc biệt sự phản đối đã tập trung ở bên ngoài đồn cảnh sát Tin Shui Wai. Một học sinh 14 tuổi, tên Chan, đột ngột nhận được tin nhắn của trường cho các học sinh là phải gấp rút quay lại trường để mua sách giáo khoa, trong cùng một ngày. Chan không quay lại trường, nhưng sau đó đi ngang qua qua một con phố, em bị bắt vì bị coi là người biểu tình. Lúc đó, mọi người mới vỡ lẽ việc nhắn tin quay lại trường chỉ là một phương thức của cảnh sát.
Vào những ngày chống luật đặc khu, luật an ninh mạng hay chống Trung Quốc, những trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cũng đã nhắn tin, ra công văn cấm sinh viên đi biểu tình, cấm tụ tập và cấm cầm biểu ngữ. Thậm chí, có trường còn tổ chức cho thi, kiểm tra… vào đúng những ngày có tin sẽ biểu tình.
Việc cài người vào các nhóm biểu tình để gây rối, kích động và tạo cớ cho cảnh sát Hồng Kông tấn công, đánh đập… cũng là một phương thức quen thuộc. Thậm chí có cả thủ đoạn để vu cáo là khủng bố hay âm mưu lật đổ. Cảnh sát giả dạng thường dân ở Hồng Kông bị phát hiện, có mang cả bom xăng, được đánh dấu bằng các que phát sáng giắt trong túi quần. Ở Việt Nam, người ta cũng phát hiện các công an giả thường dân và người biểu tình, được phân biệt bằng nhẫn hoặc chỉ đeo trên tay.
Chỉ duy nhất một điều khác biệt, là giới truyền thông của Hồng Kông vẫn được hoạt động công khai. Các phóng viên và giới săn tin trên mạng xã hội đã không ngại chui tọt vào ngay chỗ người biểu tình đang bị đánh đập và ghi hình để làm chứng cứ. Trên nhiều video, cảnh sát Hồng Kông cũng đã tức giận, có lúc chực đánh, hoặc đã đánh cả người ghi hình và người cứu thương, nhưng vẫn không ngăn cản được. Ở Việt Nam, máy chụp hình, điện thoại ghi hình… tất cả bị coi là vật dụng nguy hiểm cho chế độ, nên chỉ cần đưa lên, công an thường phục lẫn sắc phục đều bu quanh. Nhưng dù vậy, cũng như Hồng Kông, Việt Nam vẫn có đủ các loại hình ảnh mang tính lịch sử, lẫn chứng cứ cho các cuộc đàn áp phi nhân đó.
Tuy xa mà gần, tuy hai quốc gia nhưng chỉ một phương thức đối phó từ nhà cầm quyền.
Người Việt Nam khát khao một tương lai mới, hay người Hồng Kông đã quá đủ kinh nghiệm về cộng sản nên không thể dừng lại, hai nơi chốn cách xa nhau ấy đều chung một cảm nhận: con người mãi là nạn nhân của chế độ độc tài.
Đặc biệt, loại độc tài ấy, rất dễ nhận ra bởi cùng chung một phương thức, cùng khoác chiếc áo “vì nhân dân, vì ổn định”. Mùi vị ấy, thật quen thuộc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/po-thug-co-08192019133324.html
Quan chức cấp cao Việt Nam, Campuchia
họp song phương
Cuộc gặp quan chức cấp cao trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ Việt Nam (JC 17) khai mạc tại Phnom Penh vào ngày 20 tháng 8.Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Eat Sophea đồng chủ trì hoạt động vừa nêu.
Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Thủ tướng Campuchia Hun Sen trước khi ông và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đồng chủ trì phiên họp toàn thể của JC 17 vào ngày 21/8.
Theo thông cáo báo chí của Chính phủ Campuchia, JC 17 sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, và đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và quốc tế.
Thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 4,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018, tăng 23,8% so với năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 2,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến sẽ đạt 5 tỷ đô la trong năm nay.
Việt Nam hiện là một trong năm nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 214 dự án trị giá hơn 3 tỷ đô la ở Xứ Chùa Tháp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nguồn khách du lịch lớn nhất đến Campuchia, với gần 900.000 khách du lịch trong năm 2018.
Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế như thỏa thuận khung về kết nối kinh tế Việt Nam – Campuchia vào năm 2030, kế hoạch hành động cho kết nối kinh tế Campuchia – Lào – Việt Nam, thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần và bản ghi nhớ về hợp tác vận tải vào năm 2025 với tầm nhìn đến năm 2030.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và Bộ Du lịch Campuchia cũng đã ký một bản ghi nhớ về kết nối du lịch.
Hai nước đang chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại biên giới năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-cambodia-hold-senior-officials-meeting-08202019084630.html
Cấm công chức nhận quà có chống được tham nhũng?
Diễm Thi, RFACấm công chức nhận quà là một trong những quy định trong Nghị Định 59/2019/NĐ-CP do Thủ tướng Việt Nam ký ban hành ngày 1/7/2019, cũng là một trong các biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng mà chính quyền Việt Nam đang áp dụng. Liệu hình thức này có hiệu quả không khi tham nhũng đã thực sự bén rễ sâu trong đội ngũ quan chức từ cấp cao đến cấp thấp tại Việt Nam?
Hôm 1/7/2019, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, chính thức có hiệu lực vào ngày 16/8/2019. Trong đó có quy định chi tiết về việc tặng quà và nhận quà tặng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
Ngay khi nghị định 59 được ban hành, nhiều người cho rằng đây là động thái siết chặt kỷ cương của Chính phủ Việt Nam, là vũ khí mới để ngăn chặn tình trạng sân sau, lợi ích nhóm đồng thời là công cụ để dựa vào đó xử lý những vi phạm của các quan chức có những hành vi liên quan đến góp vốn, bố trí vợ, chồng, con cái vào những vị trí do mình trực tiếp quản lý….Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét về nghị định này:
Thật ra, quy định theo Nghị định số 59 thì cấm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn nhận quà trực tiếp và cả gián tiếp. Điều này được xem là yếu tố tích cực trong “cuộc chiến” chống tham nhũng. – LS. Đặng Đình Mạnh
“Thật ra, quy định theo Nghị định số 59 thì cấm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn nhận quà trực tiếp và cả gián tiếp. Điều này được xem là yếu tố tích cực trong “cuộc chiến” chống tham nhũng.”
Với Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc Chính phủ VN ban hành Nghị định 59 để chống tham nhũng thực sự là chuyện nực cười, vì theo ông tham những nó muôn hình vạn trạng, đâu chỉ có chuyện nhận quà. Ông nói:
“Hiện giờ cần phải có những nghiên cứu tham nhũng tại Việt Nam để có một bức tranh rõ ràng về những kiểu tham nhũng. Quà biếu chỉ là cái mẫu con con trên chóp tảng băng chìm khổng lồ về tham nhũng.”
Trong một lần trò chuyện với RFA về chuyện tham nhũng của các quan chức Việt Nam, nhà báo Đường Văn Thái, người từng làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã nhận định rằng, các quan chức kiếm tiền quá dễ bằng tham nhũng. Ông nêu ví dụ: Khi một dự án được ký thì bên tư vấn họ sẵn sàng đẩy giá lên và người có quyền quyết định phê duyệt dự án sẽ được hưởng phần trăm của dự án. Đó là tham nhũng bằng tiền mặt. Ông phân tích tiếp, khi các dự án bất động sản phát triển ồ ạt thì họ không tham nhũng bằng tiền mặt nữa mà họ tham những bằng những mét vuông đất.
Rồi các nhóm lợi ích lại vẽ ra một viễn cảnh cho dự án đó để những người đầu cơ về bất động sản nhào vào mua. Đây lại là tham nhũng về chính sách.
Vậy việc hưởng phần trăm trên các dự án có được coi là “quà tặng, biếu” của doanh nghiệp cho quan chức? Quy định mới có hiệu lực này xem ra chỉ là cách để Chính phủ xoa dịu lòng dân khi quá nhiều vụ án tham nhũng bị phanh phui và hàng loạt quan chức bị vào tù.
Có chống được tham nhũng?
Năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở “đánh chuột đừng để vỡ bình”. Điều ông Trọng muốn nói là chống tham nhũng nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian qua đã đưa nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền ra vành móng ngựa, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng…
Nhưng theo Nhà báo Trần Quang Thành, một nhà báo từng bị tạt acid do viết những bài chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam đã từng trả lời RFA trong một phỏng vấn về đề tài tham nhũng, thì lại cho rằng:
“Ông Trọng chỉ cho vào lò những đối tượng ông muốn triệt hạ, chứ những đối tượng mà ông nâng niu thì không. Cho nên việc kiên quyết chống tham nhũng của ông thực chất là triệt những kẻ có thể cản trở ông về quyền lực. Ông Trọng bảo “không có vùng cấm”, ai chả nói thế nhưng hành động thì mới quan trọng, nó chứng minh cho lời nói.”
Dù nhận xét việc cấm nhận quà trực tiếp và gián tiếp là một trong những biện pháp chống tham nhũng như đã nói ở trên, nhưng Luật sư Đặng Đình Mạnh vẫn e rằng trước bối cảnh khá buồn về tình trạng tham nhũng tràn lan như hiện nay, khi cán bộ, công chức đều “cá mè một lứa” với nhau, sẽ dẫn đến tình trạng nể nang, xuê xoa … vô hiệu hóa các quy định luật pháp về chống tham nhũng.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1, dùng chống tham nhũng để giữ đảng; Giai đoạn 2, dùng chống tham nhũng để giữ nước. Ông dẫn chứng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích của quốc gia dân tộc, của nhân dân, của đảng làm trọng tâm’.
Ông Trọng chỉ cho vào lò những đối tượng ông muốn triệt hạ, chứ những đối tượng mà ông nâng niu thì không. Cho nên việc kiên quyết chống tham nhũng của ông thực chất là triệt những kẻ có thể cản trở ông về quyền lực. – Nhà báo Trần Quang Thành
Trong khi đó, giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng hiện nay thể hiện quyết tâm mang lại sự trong sạch cho guồng máy điều hành đất nước.
Tháng 8 năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật về Phòng chống tham nhũng. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian tới.
Rất nhiều cách mà Chính phủ VN đưa ra để chống tham nhũng trong thời gian qua, nhưng theo Tiến Sĩ nguyễn Quang A, với cách làm như bây giờ thì không thể chống tham nhũng được ở Việt Nam. Ông cho rằng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, bắt buộc phải có một nền tư pháp độc lập, không nhất thiết phải có tam quyền phân lập. Ông nêu ra ba điều cần phải có để chống tham nhũng trong chế độ độc đảng như hiện nay:
“Thứ nhất là tất cả mọi người – không trừ một ai – đều phải tuân thủ luật pháp; thứ hai là phải có một nền tư pháp thật sự độc lập và mạnh. Chỉ khi có nền tư pháp thật sự độc lập thì lúc đó mới có thể trị tội bất kỳ ai vi phạm. Rule of Law mà không gắn với tư pháp độc lập thì hoàn toàn vô nghĩa; thứ ba là phải có tự do báo chí.”
Ông cho rằng thực sự chống tham nhũng không cần phải đi liền với dân chủ, bởi ba điều trên chưa tạo nên dân chủ nhưng có thể giảm tham nhũng một cách triệt để.
Một số nhà quan sát chính trị tại Việt Nam cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao nhà nước vì lý do tham nhũng thực ra là chuyện thanh trừng nội bộ. Một khi đảng cộng sản còn độc quyền cai trị thì nạn tham nhũng không thể chấm dứt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận:
“Với một cái đảng cộng sản “ngồi xổm” trên pháp luật 80 năm qua đã thành nếp rồi. Bất kể một ai mà “chui” được vào hệ thống này đều chỉ muốn “ngồi xổm” để kiếm tiền mà thôi thì làm sao mà chống tham nhũng được. Không thể!”
Ngày 29/1/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công thì Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, tụt 10 hạng so với năm 2017.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prohibition-of-officers-receiving-gifts-against-corruption-dt-08192019142224.html
Các nhà hoạt động lưu vong lo ngại
khi công an CSVN- cảnh sát Thái Lan tăng cường hợp tác
Tin từ Hà Nội, ngày 20/8/2019: Báo An ninh Thủ đô đưa tin công an thành phố Hà Nội và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cam kết tăng cường hợp tác trong việc phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.Cam kết này được đưa ra trong buổi gặp ngày 20/8 tại Hà Nội giữa đoàn đại biểu của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan do Đại tướng Torsak Saardpark dẫn đầu, và Phó giám đốc công an thành phố là đại tá CSVN Nguyễn Thanh Tùng.
Trong buổi gặp, đại tá Tùng đề nghị lực lượng cảnh sát hai bên tiếp tục thực hiện kế hoạch trao đổi hàng năm theo thỏa thuận, nhằm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm công tác nhất là trong lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người.
Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, đoàn khách đến từ Thái Lan cũng gặp gỡ với đại diện Bộ công an CSVN
Đây là một tin không vui với nhiều nhà hoạt động đang phải lưu vong ở Thái Lan. Rất có thể sau chuyến đi này, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan sẽ tăng cường kiểm soát việc lưu trú của người Việt Nam lưu vong. Thái Lan vẫn chưa ký Công ước của Liên Hợp quốc về người tỵ nạn. Và người nước ngoài không có visa hợp lệ, kể cả người đã được Liên Hợp quốc cấp thẻ tỵ nạn, bị bắt giam và trục xuất về nước.
Hiện có hàng trăm người hoạt động trốn chạy sự đàn áp của chế độ cộng sản Việt Nam và sống lưu vong ở Thái Lan. Một số người hoạt động và cựu tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong nhà giam của Thái Lan vì không có visa hợp lệ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cac-nha-hoat-dong-luu-vong-lo-ngai-khi-cong-an-viet-nam-thai-lan-tang-cuong-hop-tac/
Vingroup được tham gia
xây dựng dự thảo luật đất đai sửa đổi
Tin từ Hà Nội, ngày 20/8/2019: Theo báo Người Đô thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định đưa bà Hồ Ngọc Lâm, trưởng ban pháp chế của tập đoàn Vingroup của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng vào nhóm chuyên gia xây dựng dựthảoLuật Đất đai sửa đổi.Theo quyết định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì Vingroup là doanh nghiệp duy nhất có viên chức tham gia nhóm xây dựng dự thảo luật này, cho dù công ty này nói rằng bà Lâm tham gia với tư cách cá nhân. Đích thân bộ trưởng Hà làm tổ trưởng tổ biên soạn.
Vingrouplà một công ty tư nhân phất lên nhờ được mua những mảnh đất vàng để xây dựng dự án bất động sản cao cấp. Sau đó, tập đoàn này lấn sang nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, nông nghiệp, y tế, công nghệ (sản xuất oto và smartphone).
Theobáo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2019, Vingroup có tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý là 39.457 tỷ đồng. Trong đó, chuyển nhượng bất động sản đóng góp trên 60% tổng doanh thu của Vingroup khi mang về 25.759 tỷ đồng.
Không loại trừ Vingroup là nhà tài trợ cho việc xây dựng dự thảo luật trên, vì theo quy định thì “Kinh phí chi cho nhiệm vụ soạn thảo dự án luật do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.”
Một số nhà quan sát nhận định việc Vingroup có viên chức trong nhóm soạn thảo là một hình thức lũng đoạn chính sách, cho dù có tin bà Lâm xin rút tên khỏi tổ biên soạn.
Luật Đất đai được thông qua năm 2013và có hiệu lực năm 2014, nhưng còn nhiều bất cập và vướng mắc so với thực tiễn cuộc sống. Thí dụ như đất đai thuộc sở hữu nhà nước và giá đất nhà nước quy định luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Thấp nhất là giá đất nông nghiệp; có địa phương giá đất nông nghiệp cao nhất chỉ là 20.000 đồng/m2.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/vingroup-duoc-tham-gia-xay-dung-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi/
CSVN tìm cách bảo vệ thông tin mật
bị “các thế lực thù địch” thu thập
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 19 tháng 8 năm 2019 loan tin, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, tình trạng vi phạm bảo vệ bí mật nhà nước CSVN đang khá nhiều, công việc bảo vệ bí mật nhà nước của đảng cộng sản, nhà cầm quyền có nhiều khó khăn, sơ hở.Vi phạm nhiều nhất là khi thực hiện các xác định thống kê, lưu giữ, bảo quản, sao chụp. Tình trạng bí mật của nhà cầm quyền bị lộ, bị mất đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, năm sau bị nhiều hơn năm trước.
Theo ông Tân việc này làm ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của nhà cầm quyền. Vì những bí mật này đã bị các thế lực “thù địch” dùng để chống phá, đả kích nhà cầm quyền.
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, thuộc cơ quan An ninh Chính trị nội bộ- bộ công an cho rằng, nói nguyên nhân bí mật của nhà cầm quyền bị lộ, lọt ra ngoài là do hệ thống pháp luật là hoàn toàn không đúng. Theo bà Nhung, nguyên nhân là do ý thức chủ quan của con người. Khi các viên chức đã chủ quan, không cảnh giác nên dùng máy tính có kết nối với internet để đánh văn bản mật trên máy tính. Bà Nhung thống kê, từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 1,000 vụ bí mật của nhà cầm quyền bị lộ ra ngoài. Con số này chỉ là trên báo cáo của ngành công an, còn thực tế thì có thể số vụ bị lộ lớn hơn rất nhiều.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 49 vụ với 198 tài liệu của nhà cầm quyền bị lộ, lọt ra ngoài. Trong đó, có cả cấp trung ương lẫn địa phương. Ngoài ra, bà Nhung còn chỉ ra nguyên nhân các bí mật của nhà cầm quyền bị lột là do nhiều tài liệu được chuyển bằng chế độ fax, mạng viễn không thông được mã hóa, và email.
Chính quyền CSVN đang cố tìm cách dập tắt các thông tin bất lợi cho chế độ trên mạng xã hội của người dân, mà họ vẫn gọi là “các thế lực thù địch”
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/csvn-tim-cach-bao-ve-thong-tin-mat-bi-cac-the-luc-thu-dich-thu-thap/
0 nhận xét