Tin Biển Đông – 22/08/2019
Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019
19:49
//
Biển Đông
,
Slider
Biển Đông: Ý đồ áp đặt
một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Made in China
Tại cuộc họp báo sau Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Bangkok hôm 31/07/2019 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hoan hỉ tuyên bố rằng hai bên đã có những « tiến triển đáng kể » trong quá trình đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) quy định hoạt động trên Biển Đông của Bắc Kinh và khối Đông Nam Á. Đại diện Trung Quốc không ngần ngại gợi ra chỉ tiêu
« tiến tới hoàn tất COC trong vòng ba năm » nhờ vào giai đoạn đầu tiên đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Thái độ nôn nóng của Bắc Kinh vào lúc này đã được giới quan sát đặc biệt chú ý vì điều đó quả là khác thường so với các thủ đoạn trì hoãn mà Trung Quốc đưa ra trước đây để tránh né việc đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông mà ASEAN rất mong muốn.
Trong bài phân tích ngày 12/08/2019 mang tựa đề « Trung Quốc thực sự muốn gì từ Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông – What Beijing really wants from South China Sea code of conduct », tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review đã vạch trần ý đồ thâm sâu của Trung Quốc khi muốn nhanh chóng thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông.
Đó là tranh thủ các lợi thế mà Bắc Kinh đang có để áp đặt một bộ luật về căn bản sẽ đi theo chiều hướng mà Trung Quốc mong muốn. Nói cách khác, đó sẽ là một Bộ Quy Tắc Ứng Xử có tác dụng phục vụ các lợi ích của Trung Quốc, theo kiểu Trung Quốc.
Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã chính thức bắt đầu đàm phán về COC từ tháng 5-2017 và đưa ra được một dự thảo đầu tiên bao gồm lập trường của các bên liên quan tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018.
Tuy nhiên, song song với việc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục một loạt các hành vi gây hấn, nhằm áp đặt các yêu sách của Bắc Kinh.
Nikkei Asian Review ghi nhận việc Trung Quốc không hề buông lơi việc tôn tạo các đảo nhân tạo và xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực, bao gồm cả kho chứa đạn dược và nhiên liệu, các cơ sở radar, và các phi đạo dài dến 3000 mét, như trên Đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Vừa phô trương sức mạnh quân sự, Trung Quốc vừa tìm cách chiếm hữu các nguồn lợi kinh tế. Vào tháng Bảy này, Bắc Kinh đã cho tàu vào tìm kiếm dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Trước đó tàu Trung Quốc cũng va chạm với tàu đánh cá Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vào tháng Sáu….
Thúc đẩy COC để biện minh cho việc phớt lờ phán quyết quốc tế ?
Đối với Nikkei Asian Review, Trung Quốc cần đến bộ Quy Tắc Ứng Xử để có thể nói là mình cũng tôn trọng luật lệ trong khi đã phớt lờ phán quyết quốc tế về Biển Đông.
Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng yêu sách quá đáng của « đường 9 đoạn » đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ trong phán quyết năm 2016, căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết quốc tế, nhưng với tư cách là một nước đã ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Trung Quốc không thoải mái với việc bị coi là một kẻ ngoài vòng pháp luật.
Trong bối cảnh đó, theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc như đã cho rằng họ có thể sử dụng bộ quy tắc ứng xử để nói rằng họ cũng tôn trọng luật lệ.
Ngoài ra, căng thẳng ở eo biển Đài Loan phát sinh từ cuộc đối đầu với Hoa Kỳ cũng là một yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh nhanh chóng đúc kết một thỏa thuận với ASEAN về Biển Đông để có thể tập trung đối phó với Washington.
Đối với tạp chí Nhật Bản, kết quả ban đầu của việc đàm phán với ASEAN về bộ Quy Tắc Ứng Xử có vẻ rất thuận lợi cho Bắc Kinh.
Trước hết, quá trình thương lượng vừa qua đã cho thấy rằng đàm phán với Trung Quốc không phải là ASEAN trong tư cách một khối thống nhất, mà là 10 quốc gia ASEAN riêng lẻ.
Văn bản của thỏa thuận trong giai đoạn đầu tiên của quá trình soạn thảo được xử lý như là 11 đề xuất riêng biệt, một từ Trung Quốc và một từ mỗi thành viên ASEAN, thay vì hai đề xuất – một từ Trung Quốc và một từ ASEAN.
Điều này có thể được coi là một thất bại của ASEAN, đã phải chấp nhận tình trang không có được một lập trường thống nhất trong đối sách chống Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Một nguồn tin ngoại giao đã cho tạp chí Nhật Bản biết là chính Trung Quốc đã gây sức ép rất mạnh trên chủ trương đàm phán 11 bên, thay vì 2 bên, khi chuẩn bị thương lượng về bộ Quy Tắc Ứng Xử.
Điều này phản ánh quan điểm nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay, theo đó tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc và từng nước trong số 4 quốc gia ASEAN có liên quan. Cách tiếp cận này cho phép Bắc Kinh dễ dàng gây sức ép buộc đối phương chắp nhận đòi hỏi của Trung Quốc.
Vai trò quan trọng của Philippines
Một yếu tố thứ hai được cho là lợi thế của Trung Quốc, khiến cho Bắc Kinh không ngần ngại đơn phương đưa ra thời hạn ba năm để hoàn tất bản dự thảo thỏa thuận.
Lợi thế đó chính là sự kiện một đồng minh mới của Trung Quốc trong ASEAN là Philippines được giao trách nhiệm làm điều phối viên của các nước Đông Nam Á trong quan hệ với Trung Quốc kể từ năm 2018, với một nhiệm kỳ ba năm.
Chỉ tiêu ba năm hoàn thành bộ Quy Tắc Ứng Xử mà Bắc Kinh đưa ra trùng hợp gần như hoàn toàn với nhiệm kỳ điều phối viên đặc trách quan hệ ASEAN-Trung Quốc của Philippines, trên nguyên tắc, sẽ kết thúc vào năm 2021.
Không giống như người tiền nhiệm, người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, tổng thống hiện nay của Philippines là Rodrigo Duterte đã tỏ rõ quan điểm chiều ý Bắc Kinh trên hồ sơ này, với hy vọng giành được viện trợ kinh tế.
Mưu đồ của Trung Quốc về quân sự và tài nguyên
Nhưng, điểm quan trọng nhất cho thấy rõ lý do vì sao Trung Quốc muốn nhanh chóng có được một bộ quy tắc ứng xử là nội dung có thể rất có lợi cho Trung Quốc trong văn kiện này.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có ba yêu cầu cơ bản mà họ đòi ghi vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử : Trước hết, các điều khoản trong UNCLOS sẽ không được áp dụng cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử. Kế đến là tất cả cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực chỉ được tổ chức với sự đồng ý của tất cả bên ký kết bộ Quy Tắc. Điểm quan trọng thứ ba là không một hoạt động nào liên quan đến khai thác tài nguyên ở Biển Đông được thực hiện với các nước ngoài khu vực.
ASEAN, đặc biệt là những nước như Việt Nam, Malaysia, không thể chấp nhận những yêu cầu này bởi vì điều đó sẽ vô hiệu hóa phán quyết của tòa án đối với đường chín đoạn của Trung Quốc.
Việc không được tập trận với nước ngoài khu vực sẽ giảm bớt ảnh hưởng khu vực của Hoa Kỳ và Châu Âu và đó là ý muốn của Trung Quốc.
Vấn đề đối với ASEAN, theo Nikkei Asian Review, là làm sao duy trì một mặt trận thống nhất trên Biển Đông, vì có một số thành viên, chẳng hạn như Cam Bốt, sẵn sàng chấp nhận các đòi hỏi của Trung Quốc.
Tóm lại, khác với giai đoạn đầu chỉ đơn giản là rà soát và đọc lại để đưa ra được một văn kiện hoàn chỉnh, ASEAN và Trung Quốc sắp tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc san bằng bất đồng.
VN tham gia cuộc tập trận chung đầu tiên Mỹ-ASEAN
Cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào ngày 2/9/2019, ở khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực nam của Việt Nam.
Tin cho hay cuộc tập trận kéo dài năm ngày có sự tham dự của ít nhất tám tàu hải quân và một số phi cơ, hãng tin Nhật Bản Kyodo News Service tường thuật.
Phía Mỹ theo kế hoạch sẽ đưa Đội tàu Khu trục 7, thuộc Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ, tham gia.
Căn cứ hải quân Sattahip đặt tại tỉnh Chonburi của Thái Lan sẽ là nơi mở màn.
Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa 10 thành viên của khối ASEAN với Hoa Kỳ, và có vẻ như một phần nhằm tạo thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang có những ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, Kyodo bình luận.
Hành trình thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan tai Biển Đông
Việt Nam “sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận chiều 22/8.
Tin tức xác nhận về thời gian tập trận chung Mỹ-ASEAN được đưa ra vào lúc đang có căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nơi Hà Nội nói là hoàn toàn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng nói rằng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Cuộc đối đầu “hiệp hai” tại vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu bắt đầu từ hôm 13/8, khi Trung Quốc lại đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại sau ít ngày tạm rút lui về các đảo Trung Quốc xây cất nhân tạo trên Biển Đông, được cho là để tiếp liệu, và căng thẳng ngoại giao giữa hai bên hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cạnh tranh ảnh hưởng trên Biển Đông
Hồi năm ngoái, Trung Quốc và ASEAN tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên trên biển trong sáu ngày, từ 22/10, ở khu vực ngoài khơi Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Về mặt thời điểm, việc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã được đưa ra bàn thảo ngay trước khi diễn ra cuộc tập trận Trạm Giang.
Tuyên bố về kế hoạch tập trận chung trong năm 2019 khi đó được coi như nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tăng cường các hoạt động quân sự của mình tại các quốc gia Đông Nam Á trong thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên Mỹ tìm cách mở rộng các hoạt động tập trận đa phương với các nước khác trong khối ASEAN.
Đây là chủ đề dã được thảo luận từ vài năm qua, kể từ thời Tổng thống Obama, trang tin The Diplomat bình luận, và đã từng có chỉ dấu cho thấy việc tập trận chung có thể diễn ra vào năm 2018.
Tuy nhiên, mọi việc cho tới năm ngoái vẫn mới chỉ nằm trên giấy, cho tới khi quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Bộ trưởng Mattis của Mỹ tại Singapore, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 12 hồi cuối 10/2018.
Trong cuộc tập trận Trạm Giang, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN tham gia cùng Trung Quốc. Có tổng số tám tàu, ba trực thăng và hơn 1.200 người tham dự, trong đó Việt Nam gửi một tàu khu trục.
Hiện chưa có thông tin chi tiết từng nước ASEAN sẽ tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ tới đây với quy mô thế nào.
Biển Đông: VN yêu cầu TQ rút tàu
và ‘không đe dọa hòa bình’
Việt Nam lại yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các nhóm tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam và không có các hành động đe dọa hòa bình ở Biển Đông, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao từ Hà Nội.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ, Bộ Ngoại giao Việt Nam qua người phát ngôn nêu phản ứng và thái độ của nước này liên quan vụ việc căng thẳng đối đầu ở bãi Tư Chính và khu vực cận kề mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
“Như đã thông tin ngày 16/8, trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982,” báo Thế giới & Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao dẫn lời Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong một cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hôm 22/8/2019.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, và pháp luật của Việt NamNgười phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng
“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực,” bà Thu Hằng nói, khi trả lời câu hỏi của truyền thông đề nghị cho biết phản ứng và hành động cụ thể của Việt Nam trước việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc quay trở lại.
“Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, và pháp luật của Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định an ninh khu
vực và quốc tế. Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Một lần nữa, chúng tôi đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.”
Liên quan tuyên bố của người người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nói rằng tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực quyền chủ quyền của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo Thế giới & Việt Nam dẫn lời, khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 08, chúng tôi đã nói rõ nhiều lần: Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.”
Về thông tin báo Ấn Độ dẫn lời nguồn tin ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam có thể đưa vụ việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và có thể cân nhắc kiện ra tòa án quốc tế, vẫn theo tường trình và dẫn lời của tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao VN, bà Lê Thị Thu Hằng nói:
“Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.”
Tam trụ ở đâu?
Bà Lê Thị Thu Hằng là tiếng nói cấp cao tại Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên thông báo cho quốc tế trong mùa Hè này về các sự kiện liên quan đối đầu trên Biển Đông và bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Có ý kiến đặt ra trong dư luận trong suốt thời gian vừa qua và tới nay về việc vì sao ‘Tam Trụ’, cách gọi thường được dùng nói về dàn lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không có tiếng nói công khai nào trước quốc tế và khu vực.
Cũng có ý kiến đặt vấn đề là vì sao trong sự việc này, mà nhiều người gọi đó là một cuộc ‘khủng hoảng’ trên Biển Đông lần thứ hai trong quan hệ Việt – Trung kể từ năm 2014 gắn với sự kiện giàn khoàn HD-981 được Trung Quốc đưa vào vùng biển ‘tranh chấp’ giữa hai quốc gia cộng sản láng giềng, Việt Nam lại nói là ‘giao thiệp’ với phía Trung Quốc mà không có các động thái mạnh khác như ‘triệu đại sứ’ của bên đã ‘vi phạm’ hay ‘xâm phạm’ nghiêm trọng chủ quyền để ‘phản đối mạnh mẽ’ và đưa ra các yêu sách của mình.
Cũng hôm thứ Năm, 22/8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận Việt Nam tham gia một cuộc tập trận quân sự lần đầu tiên tổ chức giữa Hoa Kỳ và khối Asean, hoạt động mà Việt Nam gọi là “diễn tập”.
Tin tức quốc tế cũng xác nhận về thời gian tập trận chung Mỹ – ASEAN được đưa ra vào lúc đang có căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nơi Hà Nội nói là hoàn toàn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng nói rằng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào ngày 2/9/2019, ở khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực nam của Việt Nam.
Tin cho hay cuộc tập trận kéo dài năm ngày có sự tham dự của ít nhất tám tàu hải quân và một số phi cơ, hãng tin Nhật Bản Kyodo News Service tường thuật.
Phía Mỹ theo kế hoạch sẽ đưa Đội tàu Khu trục 7, thuộc Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ, tham gia.
Căn cứ hải quân Sattahip đặt tại tỉnh Chonburi của Thái Lan sẽ là nơi mở màn.
Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa 10 thành viên của khối ASEAN với Hoa Kỳ, và có vẻ như một phần nhằm tạo thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang có những ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, Kyodo bình luận.
Trong một diễn biến khác, tin cho hay ngày 19/8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Đại tướng David L. Goldfein, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ.
Ông David L. Goldfein đã trở thành Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.
“Trong chuyến thăm hai ngày đến Hà Nội, ông đã giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông,” đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin và bình luận hôm 21/8.
Việt Nam phản ứng việc TQ tuyên bố
tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển TQ:
Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam!
Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, những ngày qua, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, được xác lập tại Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu khỏi EEZ của Việt Nam, không có hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hinh, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và của Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp hợp với luật pháp quốc tế, bà Hằng nhấn mạnh.
“Một lần nữa, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế có những đóng góp tích cực thiết thực vào việc duy trì hòa bình trật tự trong khu vực, ổn định an ninh an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982″, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Về phát ngôn mới đây của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng rằng, tàu của Trung Quốc hoạt động trong vùng thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa theo luật pháp quốc tế.
“Về hành vi vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, chúng tôi đã nói rõ nhiều lần: Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982″, bà Hằng nói thêm.
Trả lời câu hỏi của Trí Thức Trẻ về khả năng Việt Nam đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi vi phạm, đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích hợp pháp của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế.
0 nhận xét