Đọc báo Pháp – 26/08/2019
Chung tay bảo vệ rừng Amazon:
Bài học của Pháp cho Donald Trump
Việc Paris lên tuyến đầu cuộc chiến bảo vệ rừng Amazon, đang bị thần lửa đe dọa, khiến quan hệ Pháp – Brazil chưa bao giờ tồi tệ như vậy. Nguyên thủ Pháp nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trên nhiều mặt trận tại thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp, trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, nguy cơ bùng phát xung đột tại Trung Đông. Trên đây là một số chủ đề chính của báo Pháp hôm nay.
Năm ngày sau kêu gọi cứu nguy Amazon của tổng thống Pháp, đề tài khu rừng – được mệnh danh là « lá phổi xanh của thế giới » – tiếp tục là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp. Le Monde chạy tựa trang nhất : « Cơn giận toàn cầu chống lại tổng thống Brazil ». Tựa của La Croix : « Amazon : Mệnh lệnh bảo vệ khẩn cấp ».
Từ đầu năm đến nay, số lượng vụ cháy rừng tại Amazon tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai ngày trước khai mạc thượng đỉnh G7, thứ Năm 22/08, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phẫn nộ đưa lên một thông điệp trên Twitter : « Ngôi nhà của chúng ta đang cháy », đồng thời quyết định đưa vấn đề này thành trung tâm nghị trình G7.
« Bài học kinh điển » cho kẻ rao giảng chủ thuyết ích kỷ
Bài xã luận nhật báo Công Giáo, với tựa đề « Một bài học kinh điển », hoan nghênh can thiệp bất ngờ của tổng thống Pháp, bất chấp cái giá là sự giận dữ của lãnh đạo Brazil, Jair Bolsonaro, và những hệ quả khó lường trong quan hệ song phương. Theo La Croix, ông Macron đã « nắm bắt đúng cơ hội » để nêu vấn đề. Với can thiệp này, tổng thống Pháp đã buộc lãnh đạo Hoa Kỳ « ý thức được nguy cơ (của nạn cháy rừng) với khí hậu và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế ».
La Croix nhấn mạnh là, trước tuyên bố ngày 22/08 của Pháp, nguyên thủ Brazil – cầm quyền từ gần một năm nay – vốn được coi là người cùng hội, cùng thuyền với tổng thống Mỹ về nhiều mặt. Chẳng hạn như phản bác việc các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu, dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt, cổ vũ cho sự phát triển của nền công nghiệp chế biến thực phẩm bất chấp các hậu quả sinh thái, môi trường. Giống nhau đến mức mà nhiều người gọi ông Bolsonaro là « Trump nhiệt đới ».
Đỉnh điểm của mâu thuẫn xuất hiện khi rừng Amazon cháy. Tổng thống Brazil Bolsonaro là hiện thân triệt để nhất cho lập trường mỗi quốc gia đặt mình lên trên hết, mà nhiều lãnh đạo quốc tế, trước hết là tổng thống Mỹ, thường rao giảng. Trong lúc đó, khu rừng nguyên thủy lớn nhất hành tinh chính là « một biểu tượng hoàn toàn trái ngược ». « Lá phổi xanh » của Trái đất chỉ có thể tồn tại nhờ sự chung tay của cộng đồng quốc tế, và như vậy cũng được coi là tài sản chung của nhân loại.
« Tài sản chung của nhân loại »
Tuy nhiên, La Croix cũng ghi nhận là, cho dù thông điệp mạnh mẽ của tổng thống Pháp được sự hưởng ứng của G7, nhưng để cứu được rừng Amazon, phải có các nỗ lực lâu dài, nhằm bảo đảm được các nguồn tài chính, cho phép khuyến khích các quốc gia trong vùng bảo tồn và khai thác rừng hợp lý. Amazon phải là một chủ đề trọng tâm trong hội nghị về Khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 23/09 tới. Từng quốc gia riêng lẻ, dù mạnh như Mỹ, không thể hóa giải được các thách thức tầm cỡ hành tinh như vậy.
Xã luận của Le Monde, mang tựa đề « Amazon, tài sản của nhân loại », nhấn mạnh là Brazil quốc gia « sở hữu đến 60% diện tích rừng Amazon », cung cấp 20% lượng oxy của Trái đất (chưa kể đến độ đa dạng sinh học và lượng nước ngọt được bảo tồn tại đây), rõ ràng phải chấp nhận đảm đương một « trách nhiệm quốc tế ».
Le Monde cũng ghi nhận là can thiệp của tổng thống Pháp và áp lực quốc tế đã buộc chính quyền Brazil bước đầu điều chỉnh thái độ, bằng cách tuyên bố cử quân đội dập cháy khẩn cấp. Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng đặt câu hỏi : Liệu giải pháp bác bỏ thỏa thuận mậu dịch tự do Liên Âu – khối Mercosur (gồm 4 nước Nam Mỹ, trong đó có Brazil) có tốt không? Khi mà thỏa thuận này lại chính là một phương tiện châu Âu có thể dùng để gây áp lực với Brazil, thông qua các tiêu chuẩn môi trường.
Paris – Brasilia : Quan hệ băng giá và hành động hạ nhục
Le Monde cũng có bài tổng thuật « Macron và Bolsonaro : Trận chiến Amazon » nhắc lại những chống trả dữ dội trên truyền thông của giới thân cận tổng thống Brazil nhắm vào nguyên thủ Pháp. Ông Macron bị lên án là « ngớ ngẩn », « hoang tưởng », « kẻ mang đầu óc thực dân », kẻ dám xâm lược Amazon… Thông điệp được tung lên mạng Twitter với hashtag #MacronLies (Macron dối trá), trên nền hình ảnh Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, những người « Áo Vàng » biểu tình, hay rừng cháy tại miền nam nước Pháp. Các thông điệp nói trên được truyền đi bởi ba con trai của tổng thống Brazil, mà một trong số họ sắp được bổ nhiệm đại sứ tại Mỹ.
Le Monde cũng tìm cách lý giải một số nguyên nhân khác khiến tổng thống Pháp quyết định lên tuyến đầu, bất chấp quan hệ ngoại giao với Brazil trở nên « tồi tệ nhất » kể từ 30 năm nay (tức từ khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ). Trên thực tế, hai tổng thống Pháp và Brazil đối nghịch nhau về mọi phương diện. Trước can thiệp của Macron, quan hệ Paris – Brasilia đã xấu hết mức. Tại thượng đỉnh khối G20 tại Osaka hồi tháng 6, trong lần đầu tiên hội kiến, hai ông Macron và Bolsonaro không tìm thấy một thiện cảm nào ở đối tác.
Cuối tháng 7, ngoại trưởng Pháp trong chuyến công du Brasil đã bị tổng thống Brazil bất ngờ hủy cuộc hẹn, đồng thời ông Bolsonaro còn phô trương hình ảnh đi cắt tóc, được truyền trực tiếp trên mạng. Lý do là ngoại trưởng Pháp tiếp xúc với một số tổ chức bảo vệ môi trường. Bộ Ngoại Giao Pháp và tổng thống Macron chắc chắn đã « không tiêu hóa nổi hành động hạ nhục này » – Le Monde mường tượng.
G7 : Những đòn gây ấn tượng của Macron
Những đột phá ngoại giao khác của tổng thống Pháp tại G7 thu hút sự chú ý của hầu hết các báo. Le Figaro chạy tựa trang nhất « G7 : Macron nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trong hồ sơ Iran», Les Echos : « Iran, thương mại : Macron chơi lá bài hạ nhiệt với Trump ». Libération đặt câu hỏi : « G7 : Những đòn gây ấn tượng của Macron có kết quả ? ».
Xã luận Libération có tựa đề « Trao đổi ngoại giao có văn hóa » ghi nhận : cho đến giờ, tổng thống Macron, nhờ ở sự năng động hiếm có, các tuyên bố ào ạt đưa ra, những trao đổi tay đôi tay ba không chính thức với các đối tác G7, đã hạn chế được các tổn hại khó tránh khỏi. Những thảo luận không chính thức đã cho phép đạt được một số bước tiến cụ thể, trong vấn đề rừng Amazon, khởi đầu cho cuộc « đình chiến thương mại » với Mỹ bất chấp các đe dọa của Trump, hay phác thảo một thỏa hiệp cho vấn đề hạt nhân Iran. Nhật báo Libération khẳng định đây là một thành tựu, cho dù đã có rất ít điều đạt được và những căng thẳng vẫn còn đó.
Một cái nhìn khác
Xã luận Le Figaro « Đằng sau vẻ bên ngoài » thì đưa ra một cái nhìn khác về diễn biến G7. Le Figaro thừa nhận nỗ lực của tổng thống Pháp tìm cách gạt sang một bên những bất đồng về hàng loạt chủ đề, để tìm ra một đột phá mới trong hồ sơ Iran, với mục tiêu tìm mọi cách tránh tái diễn thất bại thảm hại của thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Canada, khi tổng thống Mỹ rút chữ ký khỏi tuyên bố chung. Tuy nhiên, Le Figaro cũng chú ý đến sự thay đổi chiến thuật của tổng thống Mỹ, ngay từ khi hạ cánh xuống Pháp, ông Trump đã phủ nhận tình trạng căng thẳng, gọi những bất đồng giữa các nước G7 mà báo chí mô tả là « fake news ».
Tuy nhiên, ngược lại, trong hậu trường G7, phía Mỹ không bỏ lỡ dịp để lên án tổng thống Pháp và thượng đỉnh G7 « của ông ta » đã quá xa rời các vấn đề thực sự của thế giới. Tổng thống Trump muốn đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trở thành trọng tâm thượng đỉnh, tỏ rõ thái độ đồng minh với Anh quốc trong cuộc đàm phán Brexit với Liên Âu… Riêng về hồ sơ Iran, Le Figaro cũng hoài nghi là sáng kiến của Emmanuel Macron, nới lỏng cấm vận dầu lửa đổi lại Teheran trở lại tuân thủ các cam kết quốc tế, có thể nhận được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ, khi mà ông Trump lại « không phải là người đầu tiên đề xuất ».
Mô hình ưu việt Hồng Kông sắp chấm dứt ?
Về Trung Quốc, Le Monde có hồ sơ « Phải chăng chế độ đặc biệt mà Bắc Kinh dành cho Hồng Kông sắp chấm dứt ? ». Le Monde tập trung mô tả « tính ưu việt » của mô hình một quốc gia, hai chế độ, giúp cho chế độ cộng sản Trung Quốc được hưởng lợi từ các đầu tư quốc tế trong vòng hơn hai thập niên. Bắc Kinh đã lợi dụng được con gà đẻ trứng vàng, cựu thuộc địa của Anh quốc.
Hồng Kông trong hiện tại vẫn tiếp tục là một cây cầu giữa kinh tế Hoa lục với thế giới, nhưng không còn là cây cầu duy nhất. Tỉ trọng của kinh tế Hồng Kông so với kinh tế Trung Quốc, sụt giảm còn 3% GDP so với 17% khi mới được trao lại cho Bắc Kinh. Cảng contener Hồng Kông, từ chỗ đứng số một thế giới, nay chỉ còn đứng hàng thứ 5, sau ba cảng biển Trung Quốc và Singapore. Đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của vùng Thâm Quyến, sát Hồng Kông, với các công trình hạ tầng cơ sở khồng lồ, đường xá, cầu cống, tàu cao tốc, với nhiều ngành công nghệ mũi nhọn, đang biến đặc khu Hồng Kông, trung tâm kinh tế xưa kia, thành một vùng ngoại vi.
Khác hẳn với thời kỳ trước, nhiều người Hồng Kông từng rất tự hào, tin là nhờ vào Hồng Kông mà Trung Quốc cất cánh, thì ngày nay cảm giác liên đới với Hoa lục tại Hồng Kông sụt giảm mạnh. 71% người dân Hồng Kông tuyên bố không hề tự hào là công dân Trung Quốc, tỉ lệ này lên đến 90% ở lứa tuổi 18 đến 29.
Hồng Kông : Bắc Kinh ngăn chặn những tiếng nói khác tại Hoa lục
Le Monde cũng chú ý đến tình trạng im lặng trở lại xung quanh khủng hoảng Hồng Kông, tại Hoa lục trong những ngày gần đây. Bài phân tích của Le Monde, với tựa đề « Tại Trung Quốc không thể thảo luận về Hồng Kông » khẳng định : các phản ứng của người Trung Quốc tại Hoa lục, kể từ khi khủng hoảng bùng phát hơn hai tháng nay, đều chỉ mang tính đơn phương. Chính quyền chỉ chấp nhận những lời lẽ sục sôi lên án người biểu tình Hồng Kông, nhân danh lòng yêu nước, ngược lại, những tiếng nói khác bị ngăn chặn. Tiêu biểu là trường hợp một võ sĩ nổi tiếng bị công an thẩm vấn, sau khi phát biểu trên mạng phản đối các tuyên truyền một chiều rầm rộ chống những người đòi dân chủ tại Hồng Kông. Đương sự đã thuật lại sự việc trên mạng YouTube ngày 20/08.
Thư viện Chirac : 50.000 cuốn sách thời Trung đại
Trong lĩnh vực văn hóa, La Croix giới thiệu với bạn đọc thư viện sách thời trung đại tại tỉnh Aube, miền bắc nước Pháp, mang tên Chirac, được đánh giá là thư viện thời trung cổ lớn thứ hai nước Pháp. Gian chính của thư viện có đến 48.000 cuốn sách xuất bản trong ba thế kỷ, 16, 17 và 18. Cùng với khoảng 4.000 bản thảo viết tay, từ sưu tập của tu viện Clairvaux, thành lập từ năm 1115. Đây là bộ sưu tập bản thảo thời Trung cổ lớn thứ hai sau Thư viện Quốc gia Mitterand (BnF). Thư viện đang nỗ lực số hóa để đưa bảo vệ kho báu này, và bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn.
Tin đọc nhanh
(Le Firago) – Phụ nữ Iran được phép xem trận đấu Cam bốt-Iran.
Dưới sức ép của FIFA, bộ Thể Thao Iran ngày 25/08/2019 ra thông báo như trên. Trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022. Tại Iran, phụ nữ không được đến sân vận động từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979. Các nhà tu hành cho rằng phụ nữ cần được bảo vệ khỏi « một bầu không khí nam tính » và tránh nhìn « những người đàn ông bán khỏa thân ».
(Reuters) – Nga công nhận khó trở lại nhóm G8 nếu chỉ được một quốc gia mời. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov hôm nay, 26/08/2019, tuyên bố là Nga « không thể » trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển với lời mời của một quốc gia, vì tất cả các quyết định đều dựa trên sự đồng thuận của toàn bộ các thành viên. Phát ngôn viên Nga khẳng định rằng tham gia nhóm G7 không phải là mục tiêu của Matxcơva. Tổng thống Mỹ hôm nay nhắc lại rằng để Nga trở lại G7 là điều có lợi, nhưng các quốc gia châu Âu vẫn không đồng ý.
(AFP) - Juan Guaido kêu gọi G7 thảo luận về Venezuela.
Quốc Hội Lập Pháp Venezuela, định chế thân phe đối lập, hôm qua, 25/08/2019, cho biết thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã gửi một bức thư kêu gọi các nước thành viên nhóm G7 thảo luận về tình hình khủng hoảng tại đây. Trong bức thư, ông Juan Guaido hy vọng nhóm G7 « phối hợp hành động » nhằm trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền và giúp « chấm dứt sự đau khổ của người dân Venezuela ».
(AP) - Trump: Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán thương mại.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung-Mỹ leo thang, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm nay, 26/08/2019, cho biết hai nước sẽ sớm quay trở lại bàn đàm phán, nhưng không nói rõ khi nào. Cụ thể hơn, ông tiết lộ phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ « đã nhận được những cuộc gọi đầy tích cực » từ phía Trung Quốc vào hôm qua. Tuy vậy, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho biết ông không hề biết đến những cuộc gọi mà ông Trump nhắc tới. Vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa hai nước được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9.
0 nhận xét