Đọc báo Pháp – 01/08/2019
Rừng Siberi cháy 3 triệu hecta:
2 tháng sau Nga mới phản ứng
Chuyến công cán của tân thủ tướng Anh để thuyết phục các thành viên Vương Quốc Anh về giải pháp « Brexit rắn » gây hoài nghi. Khủng hoảng vùng Vịnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát là một số chủ đề thời sự quốc tế chính trên các báo Pháp ra hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài « Siberi bốc cháy, Matxcơva cuối cùng cũng phản ứng » trên La Croix.
Hơn 3,2 triệu hecta rừng ở Siberi – lớn hơn diện tích nước Bỉ – tiếp tục cháy. Ngày hôm qua, 31/07/2019, sau gần hai tháng phát hiện có cháy rừng, Matxcơva mới quyết định điều quân đội can thiệt để hạn chế tình trạng cháy nghiêm trọng này. Thái độ thụ động của chính quyền bị dân chúng địa phương lên án. Một phi công ẩn danh cho báo Siberian Times biết, kể từ đầu nạn cháy đến nay, đã không có bất cứ máy bay chuyên dụng nào được cử đến khu vực này.
Trên thực tế, một trong các nguyên chính khiến chính quyền không can thiệp là do các tính toán thiệt hơn. Theo chính quyền vùng Krasoiarsk, hôm 17/07, ước tính : thiệt hại do cháy rừng chỉ là là 4 triệu rúp, trong khi can thiệp dập lửa sẽ tổn phí đến 141 triệu rúp (tương đương 2 triệu euro). Những vùng nơi lửa xuất phát của đợt cháy này nằm trong các khu vực, thường được gọi là « vùng nằm trong tầm kiểm soát », theo bộ Tài Nguyên và Môi Trường Liên Bang Nga. Kể từ quy định năm 2015, người ta có quyền để cho rừng tiếp tục cháy, mà không cần can thiệp, chừng nào lửa không đe dọa trực tiếp dân cư.
Tuy nhiên, cuối cùng tình trạng khói mù bóc lên phủ kín nhiều vùng lãnh thổ, trải dài trên 6 múi giờ, đã buộc chính quyền phải phản ứng. Từ nhiều tuần nay, nạn khói mù đã cản trở nghiêm trọng đời sống và hoạt động kinh doanh tại nhiều thành phố lớn của vùng Tomsk và Altai. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại hai vùng Krasnoarsk và Irkoust. Ngày 31/07, tổng thống Nga ra lệnh điều động 10 máy bay quân sự và 10 trực thăng chở nước.
Môi trường : Biểu tình lớn trước khi Liên Xô sụp đổ
Bình luận về phản ứng của chính quyền Nga, một cố vấn của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, ông Anton Beneslavsky, nhận xét : Chính quyền hiện nay đã thừa kế của chế độ Liên Xô trước đây một tập quán, « cố tình làm lơ cho đến khi nào tình hình trở nên tồi tệ hết mức, rồi mới quyết định làm một điều gì đó ».
Nữ sử gia Galia Ackerman, chuyên về Nga, cũng ghi nhận một thực tế đáng suy nghĩ. Bà nhắc lại là những cuộc biểu tình lớn đầu tiên trước khi Liên Xô sụp đổ bắt nguồn từ vấn đề sinh thái, môi trường : thảm họa hạt nhân Tchernobyl gây chấn động. Nhà sử học cho rằng, giờ đây các đe dọa nghiêm trọng về môi trường một lần nữa có thể buộc người dân phải phản ứng, bởi chính mạng sống của họ bị đe dọa.
Hôm qua, một bản kiến nghị mang tên « Hãy cứu lấy rừng Siberi », thu thập được hơn 800.000 chữ ký.
Nhiều chuyên gia môi trường đặc biệt lo ngại hai tác hại lớn của nạn cháy rừng hiện nay ở Siberi đối với Khí hậu, bên cạnh các tác động của cháy rừng thông thường. Thứ nhất là làm tan đi tầng băng giá bao phủ mặt đất Siberi (thường gọi là permafrost), và thứ hai là bụi siêu nhỏ lan đến Bắc Cực, khiến mặt băng đen đi (không phản chiếu được ánh sáng mặt trời) sẽ thúc nhanh đà Trái đất bị hâm nóng.
« Phương Tây lưỡng lự » bên bờ eo biển Ormutz
« Phương Tây lưỡng lự bên bờ eo biển Ormutz » là một phân tích đáng chú ý trên nhật báo kinh tế Les Echos. Hôm qua, phó thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối lời mời của Mỹ, đưa ra hôm trước, về việc tổ chức một lực lượng tuần tra phương Tây tại eo biển, nơi căng thẳng giữa Washington và Teheran đang gia tăng. Phó thủ tướng Đức cho biết « rất nghi ngờ » về sáng kiến này. Nếu tham gia, Berlin lo ngại bị hút vào một xung đột với các lực lượng Iran, từng bắt giữ một tầu chở dầu Anh quốc cách nay mươi hôm. Pháp cũng cho biết sẵn sàng cử tàu tham gia, nhưng chỉ với nhiệm vụ quan sát. Ngay cả nước Anh, tuy sẵn sàng tham gia bảo vệ an ninh tại vùng eo biển này, nhưng không tham dự vào chiến lược « gây áp lực tối đa » với Iran của tổng thống Mỹ.
Tối thứ ba, 30/07, tổng thống Pháp điện đàm với đồng nhiệm Iran, ông Macron kêu gọi tạo các điều kiện để căng thẳng xuống thang, và khẳng định Paris cương quyết tiếp tục nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là lần thứ tư trong vòng hai tháng, nguyên thủ Pháp điện đàm với tổng thống Iran.
Vẫn về cuộc khủng hoảng Iran – Hoa Kỳ tại vùng Vịnh, Le Monde có bài tổng thuật công phu về ba tháng khủng hoảng, với tiêu đề « Hạt nhân Iran : Chiến lược gia tăng căng thẳng, nhưng trong vòng kiểm soát ». Le Monde dẫn lại nhận định của một nhà cựu ngoại giao Pháp Michel Duclos. Theo ông, trong lúc Hoa Kỳ có khả năng gia tăng các biện pháp siết chặt vòng vây, chính quyền Iran giờ chỉ có chiến thuật duy nhất là « rút chốt lựu đạn », để đe dọa đối phương.
Brexit : Chuyến vận động của tân thủ tướng Anh
gây hoài nghi
Báo chí Pháp theo dõi sát nhất cử nhất động của tân thủ tướng Anh Boris Johnson, đang trong giai đoạn vận động cho lập trường cứng rắn với Liên Âu trong hồ sơ Brexit, với đầy hoài nghi. Libération ghi nhận : để quảng bá cho lập trường này, ông Johnson đã đến Scotland, xứ Wales, và Bắc Ailen (ba xứ thuộc Vương quốc Anh) trong những ngày gần đây, ở đâu ông ta cũng được đón tiếp với thái độ nếu không phải là thù nghịch, thì cũng là ngờ vực.
Quyết tâm của tân thủ tướng Anh rời Liên Âu đúng ngày 31/10 làm gia tăng nguy cơ Vương quốc Anh tan rã. Bên cạnh khả năng xứ Scotland trưng cầu dân ý về chủ đề độc lập với Luân Đôn. Lãnh đạo đảng Sinn Fein, một trong hai đảng lớn của Bắc Ailen (thuộc Anh), cho biết, việc Anh rời Liên Âu không thỏa thuận sẽ phải dẫn đến việc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất hai miền (Bắc Ailen và Ailen), bị chia cắt từ năm 1921.
Le Monde, có bài xã luận : « Brexit : Ảo ảnh ‘‘được giải phóng’’ », nhấn mạnh đến những điểm tương đồng trong chính sách đơn phương của thủ tướng Anh với tổng thống Mỹ, trong lúc nước Anh lại không có được sức mạnh của đồng đô la, cũng không phải là nền kinh tế số một thế giới. Le Monde khuyên nhủ tân lãnh đạo Anh, thay vì tập trung chỉ trích việc Liên Hiệp Châu Âu cản trở Anh, mà tập trung vào các hậu quả của kịch bản « Brexit rắn », tức Luân Đôn rời Liên Âu không thỏa thuận. Cụ thể là thuế nhập khẩu sẽ tăng gấp đôi, hệ thống tài chính Anh suy yếu hay nguy cơ tái lập biên giới giữa Ailen và Bắc Ailen.
Bài « Các doanh nghiệp Anh phẫn nộ với Brexit » của Le Monde cho biết, theo người đứng đầu một hiệp hội của giới chủ Anh (ông Mike Hugues), thì có đến 40% các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh hiện không có kế hoạch đối phó trong trường hợp Brexit rắn. Bruxelles cuối tuần trước cùng ra một thông điệp cảnh báo Luân Đôn (một tuần sau khi tân thủ tướng Johnson nhậm chức) là kịch bản « Brexit rắn » sẽ khiến các định chế tài chính Anh mất đi nhiều quyền lợi vốn có ở châu Âu.
Cha thủ tướng Anh khẩn nài Liên Âu
Tình hình căng thẳng đến mức mà cha đẻ của thủ tướng Anh cũng lên tiếng. Le Monde trong bài «Cha của B. Johnson khẩn nài Liên Âu nhân nhượng». Ông Stanley Johnson, vốn là một lãnh đạo của nhóm nghị sĩ bảo thủ Anh tại Nghị Viện Châu Âu, là một người ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, chống lại Brexit. Tuy nhiên, giờ đây, ông quyết định đứng về phía người con, bởi quyết định Brexit được 17,4 triệu cử tri Anh bỏ phiếu. Lo ngại lớn đối với ông là lập trường cương quyết của nhóm 27 nước châu Âu hiện nay có thể đẩy nước Anh « đến bờ vực thẳm ».
Hồng Kông :
« Nồi áp suất nóng lên, nhưng van an toàn bị tắc »
Về điểm nóng Hồng Kông, Libération có bài « Tại Hồng Kông : Chúng tôi mỗi ngày mất thêm tự do », so sánh tình hình tại Hồng Kông từ đầu mùa hè đến nay, như « nồi áp suất đang nóng lên, mà van an toàn đã bị tắc ». Những người phản kháng chống chính quyền theo đuôi Bắc Kinh, dân chủ bị bóp nghẹt, liên tục biểu tình. Tối hôm qua, hàng trăm người tập hợp xung quanh một trụ sở cảnh sát để phản đối việc 44 người bị bắt sau cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, bị tư pháp truy tố vì tội « bạo động ».
Theo Libération, mọi cặp mắt hiện nay đang đổ dồn về Bắc Đới Hà, nơi giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc tổ chức kỳ họp kín hàng năm, trong tháng 8. Khủng hoảng Hồng Kông chắc chắn là chủ đề gai góc tại kỳ họp này.
Tình hình tại Hồng Kông hiện nay bị coi là trong « ngõ cụt nguy hiểm ». Hai bên đều không lùi bước. Chính quyền Hồng Kông không chấp nhận mở « điều tra độc lập » về những người biểu tình bị hành hung, trong lúc cảm nhận chung của giới trẻ biểu tình là « không còn gì để mất ». Chỉ cần một trường hợp tử vong xảy ra, ở bên này hoặc bên kia, xung đột có thể bùng phát vượt tầm kiểm soát.
Trang nhất các báo
Về trang nhất các báo Pháp hôm nay, bên cạnh chủ đề Iran đã nói trên, hồ sơ chính của nhật báo La Croix là « Syria, thùng thuốc súng của quân thánh chiến ». La Croix có phóng sự điều tra về tình trạng hàng chục ngàn người sống trong các trại tại Syria, ở các khu vực do người Kurdistan kiểm soát. Đa số họ là gia đình quân thánh chiến Daech trước đây.
Hồ sơ lớn của của tờ Le Figaro thiên hữu là giới chính trị Pháp đang bị đặt trước áp lực ngày càng lớn của người dân, đòi hỏi minh bạch.Trường hợp mới nhất gần đây khiến chính quyền lúng túng là cái chết của người thanh niên Steve Maia Caniço, tại Nantes. Báo Libération có bài phân tích về « những kẽ hở trong cuộc điều tra của lực lượng thanh tra trong ngành cảnh sát (IGPN) ».
Chủ đề chính của Les Echos là đường sắt cao tốc (TGV) tăng trưởng mạnh, tổng công ty đường sắt Pháp (SNCF) sẽ đặt mua thêm 12 đoàn tàu mới của tập đoàn Alstom, để bổ sung thêm vào 55 đoàn tàu cùng loại, mua từ 2013 đến 2017, đáp ứng nhu cầu tăng vọt ngoài dự kiến. Sau một năm hoạt động sụt giảm (năm 2018), do bãi công chống cải cách, giao thông đường sắt tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay, với 11% nhiều hơn cùng kỳ năm 2017 (năm ngoái SNCF đã đặt mua 100 đoàn tàu được mệnh danh là TGV của tương lai, với tổng chi phí 2,7 tỉ euro. Chiếc đầu tiên sẽ được cấp vào năm 2023).
Cùng với đường sắt cao tốc, giao thông đường sắt địa phương cũng tăng vọt, với 15% so với cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày có thêm 60.000 hành khách tàu địa phương (TER). Doanh thu của SNCF đạt 17,9 tỉ euro, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Sự phát triển của đường sắt là một tin vui với môi trường, trong bối cảnh di chuyển bằng máy bay ở cự ly gần đang ngày càng bị nhiều người chỉ trích là rất nguy hại cho sinh thái.
Tin đọc nhanh
(Yonhap) – Hàn Quốc và Nhật Bản thất bại trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại.
Bên lề cuộc họp cấp ngoại trưởng các nước ASEAN và các đối tác đang diễn ra tại Bangkok, đối thoại song phương ngày 01/08/2019 giữa ngoại trưởng Nhật Taro Kono và đồng sự Kang Kyung Wha không đem lại kết quả. Tokyo đòi rút Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Để trả đũa, Seoul dọa xét lại thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.
(Reuters) – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc xây đập trên sông Mêkong.
Bên lề hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN và các đối tác ở Bangkok, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ hôm 01/08/2019 đã gặp riêng bộ trưởng nhóm Sáng Kiến Khu Vực Hạ Lưu Sông Mêkong. Trong buổi làm việc này, ông Pompeo cho rằng việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn làm cạn khu vực hạ nguồn sông Mêkong.
(Reuters) – F-35 Nhật Bản được cất cánh trở lại.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật ngày 01/08/2019 thông báo cho phép chiến đấu cơ F-35 bay trở lại trong khuôn khổ các chương trình diễn tập. Đây là phi vụ đầu tiên kể từ sau tai nạn rớt chiến đấu cơ F35 hồi tháng 4/2019
(AFP) – Một binh sĩ Bắc Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc ngày 01/08/2019 thông báo binh sĩ Bắc Triều Tiên này đã vượt khu vực phi quân sự chia cắt hai nước Triều Tiên. Đây là một trong những địa điểm quân đội Bắc Triều Tiên à Hàn Quốc canh gác chặt chẽ nhất. Người lính đào thoát đến được lãnh thổ Hàn Quốc nhờ thời tiết xấu, mưa lớn và sương mù nên không bị lính biên phòng phát hiện.
(AFP) – Cháy 488 hecta rừng tại miền nam nước Pháp, gần 200 người phải sơ tán.
Cho đến tối 31/07/2019, lính cứu hỏa đã làm chủ tình hình. Các đám cháy đã bùng lên tại các thị trấn Générac và Saint-Gilles cách không xa thành phố lớn là Nimes, nơi nổi tiếng với các cuộc thi đấu bò. 140 xe và 465 lính cứu hỏa được huy động để dập tắt hỏa hoạn thiêu rụi gần 500 hecta rừng. Tình trạng thêm nghiêm trọng do hạn hán và đợt nắng nóng từ tuần trước kéo dài tại nhiều tỉnh ở miền nam nước Pháp.
(AFP) – Tổng thống Trump cấp cho Brazil quy chế « đồng minh quân sự chủ yếu ».
Trong một công văn gởi bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 31/07/2019, tổng thống Mỹ đã công nhận Brazil là đồng minh quân sự chủ yếu ngoài NATO của Hoa Kỳ. Cho đến nay, chỉ có 17 nước được quy chế đó như Israel, Ai Cập, New Zealand. Quy chế này cho phép các nước đó được mua vũ khí tối tân của Mỹ.
(RFI) – Tổng thống Brazil hủy gặp ngoại trưởng Pháp để đi… cắt tóc.
Đây là một hành động được cho là thách thức Paris vì Pháp luôn hối thúc tổng thống Brazil tôn trọng thỏa thuận Paris về khí hậu. Lý do hủy cuộc hẹn ngày 29/07/2019 với ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian là lịch làm việc của tổng thống Bolsonaro dầy đặc, nhưng vài phút sau đó, ông Bolsonaro đăng trên mạng xã hội một đoạn video đang cắt tóc.
(AFP) – Một nhà tỉ phú Trung Quốc bị truy tố ở Mỹ.
Theo một tòa án liên bang ở Los Angeles ngày 31/07/2019, ông Lưu Trung Điền (Liu Zhongtian), 55 tuổi, nhà sáng lập và là cựu tổng giám đốc công ty nhôm Trung Vượng (Zhongwang), bị tình nghi gian lận về nguồn gốc sản phẩm nhôm nhập vào Mỹ để né 1,8 tỉ đô la tiền thuế. Công ty của ông bị cáo buộc là từ năm 2008, đã ép các miếng nhôm thành các tấm palet nhôm, một sản phẩm chịu mức thuế nhập khẩu thấp hơn tại Mỹ.
(AFP) – Con trai của trùm khủng bố Ben Laden bị giết.
Được cho là « con cưng » của Oussama Ben Laden, Hamza Ben Laden lẽ ra sẽ đứng đầu mạng lưới khủng bố Al Qaida thay Ayman Al Zawahiri, người Ai Cập. Thông tin được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ loan tải ngày 31/07/2019 và cho rằng Hoa Kỳ đã tham gia vào chiến dịch tiêu diệt nhân vật khủng bố này, nhưng bối cảnh và thời điểm vụ triệt hạ con trai của Ben Laden không được nêu lên.
(AP) – Úc tài trợ thêm 55 triệu đô la cho các nước ASEAN chống nạn buôn người.
Ngày 01/08/2019, tại Bangkok (Thái Lan), ngoại trưởng Úc Marise Payne đã tuyên bố triển khai chương trình mới trong dài 10 năm. Từ 15 năm gần đây, Úc đã giúp đỡ các nước ASEAN đào tạo hơn 13.000 thẩm phán để tăng cường hệ thống tư pháp chống nạn buôn người và để bảo vệ tốt hơn các nạn nhân. Theo Tổ chức Di cư Quốc Tế (IOM), trong khoảng 7.000 trường hợp nạn nhân buôn người mà tổ chức này hỗ trợ trong năm 2015, một phần tư là công dân các nước ASEAN.
0 nhận xét