Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Mười câu hỏi nhắm thằng vào sinh tử của ĐCSTQ tại Bắc Đới Hà – Tin trên mạng

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019 22:27 // ,

15 tháng 8, 2019

Hôm 10/8, ông Quách Văn Quý, tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong tại Mỹ đã chia sẻ thông tin một nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra mười chất vấn quan trọng tại Hội nghị Bắc Đới Hà, mỗi câu hỏi đều đặt ra vấn đề liên quan đến sinh tử của ĐCSTQ. Ông Quách Văn Quý cho rằng cuộc chiến nội bộ của giới chức cấp cao ĐCSTQ đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới.
Tỷ phú Quách Văn Quý cho rằng cuộc chiến nội bộ của giới chức cấp cao ĐCSTQ đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới. (Ảnh: DON EMMERT/AFP/Getty Images)
Gần đây, giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã tổ chức Hội nghị Bắc Đới Hà. Hôm 10/8 ông Quách Văn Quý cho biết tại Hội nghị Bắc Đới Hà lần này có một nguyên lão của ĐCSTQ đã viết bức thư công khai với tựa đề “Liệu năm sau chúng ta có còn gặp nhau tại Bắc Đới Hà hay không”. Bức thư chỉ ra trong bối cảnh khủng hoảng tứ bề cả bên trong và bên ngoài như hiện nay, liệu ĐCSTQ có còn trụ vững được hay không. Mười câu hỏi quan trọng này nhắm thẳng vào những vấn đề sinh tử của ĐCSTQ hiện nay:
 
Thứ nhất, làm thế nào giải quyết vấn đề Hồng Kông?
 
Thứ hai, kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, ĐCSTQ còn có năm sau không?
 
Thứ ba, xã hội Trung Quốc bị khống chế dưới áp lực cao độ, ĐCSTQ có thể trụ vững qua năm tới không?
 
Thứ tư, mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đã đến mức độ này, liệu ĐCSTQ có thể trụ vững qua năm tới không?
 
Thứ năm, nếu người dân tộc thiểu số như Tân Cương và Tây Tạng bất ngờ ra đường biểu tình thì ĐCSTQ có thể lại đàn áp không? Có thể bắt bớ không? Giải quyết như thế nào?
 
Thứ sáu, hiện nay nội bộ ĐCSTQ ai cũng trong cảnh nguy hiểm, sẽ dẫn đến tiêu cực trong đảng, cộng thêm ảnh hưởng của hải ngoại, nếu Trung Quốc bùng nổ bạo loạn trong nước thì giải quyết thế nào?
 
Thứ bảy, hiện nay ĐCSTQ còn có thể kiểm soát được mạng Internet và truyền thông xã hội không?
 
Thứ tám, nếu thâm hụt tài chính và nợ nước ngoài của Trung Quốc “bùng phát gấp đôi” thì hệ quả là gì?
 
Thứ chín, nếu phương Tây, dẫn đầu là Mỹ đưa tất cả tài sản của nhà nước Trung Quốc ở nước ngoài vào danh sách tài sản bất hợp pháp và niêm phong thì phải làm thế nào?
 
Thứ mười, cơ cấu Ủy ban An ninh Quốc gia của ĐCSTQ hiện nay, về cơ bản là đã triệt tiêu vai trò của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ cũng như Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, liệu mô hình này có tiếp tục duy trì không?
 
Về vấn đề Hồng Kông hiện nay, giới chức cấp cao ĐCSTQ “rất mâu thuẫn” với giới nguyên lão ĐCSTQ, ví dụ điển hình là gần đây cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào kiên quyết phản đối việc cho quân đội giải quyết vấn đề Hồng Kông. Ngày 9/8, Nhật báo Apple của Hồng Kông dẫn thông tin ông Hồ Cẩm Đào thay mặt cho giới nguyên lão ĐCSTQ cảnh cáo giới chức cấp cao hiện nay nhất định không được có hành động tàn bạo tại Hồng Kông. Đây có thể xem là một động thái hiếm thấy trong nội bộ ĐCSTQ.
 
Cho đến nay phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông đã kéo dài hơn hai tháng. Phong trào biểu tình này có nguyên nhân từ việc sửa đổi điều lệ tội phạm bỏ trốn, những người biểu tình đã đưa ra năm yêu cầu với chính quyền Hồng Kông: (1) Hủy bỏ Điều lệ Tội phạm bỏ trốn (cho phép chính quyền Đại lục bắt giữ công dân Hồng Kông); (2) Hủy bỏ Định nghĩa về bạo loạn hiện hành (để kết tội người biểu tình vì quyền lợi); (3) Hủy bỏ các tội danh vu khống cho người phản kháng Dự luật Dẫn độ; (4) Truy cứu kỹ lưỡng tình trạng lạm quyền của cảnh sát; (5) Dùng lệnh hành chính giải tán Hội đồng Lập pháp, ngay lập tức thực hiện quyền bầu cử phổ thông kép (bầu cử trực tiếp Đặc khu Trưởng và Hội đồng Lập pháp).
 
Đài RFI của Pháp chỉ ra, cho đến nay ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông vẫn không thể hiện rõ ràng quan điểm về việc rút hẳn “dự luật dẫn độ”, cũng không quan tâm đến năm yêu cầu lớn của người dân Hồng Kông. Tệ hơn, cảnh sát Hồng Kông còn liên kết với xã hội đen tấn công bạo lực người biểu tình, chưa nói đến việc cảnh sát Hồng Kông thường xuyên dùng bom hơi cay để đối phó với người biểu tình. Hiện nay, một số lượng lớn binh sĩ đã được tập hợp tại Thâm Quyến, không loại trừ khả năng đây sẽ là lực lượng sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình nguy cấp. Liệu chính quyền Bắc Kinh có cho quân đội can thiệp vào Hồng Kông hay không hiện đang là dấu hỏi lớn.
 
Ngoài ra, phải kể đến những thách thức về mặt kinh tế mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. Thời báo Epoch Times tại Mỹ đã đăng một bài bình luận chỉ ra rằng, với việc Mỹ liên tục trừng phạt thuế quan, trừng phạt các tập đoàn quan trọng của ĐCSTQ như ZTE, Huawei, xem xét lại tư cách nước đang phát triển của Trung Quốc trong WTO, liệt ĐCSTQ vào danh sách thao túng tiền tệ… tất cả đều khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn đang suy thoái lại càng tồi tệ hơn. Thêm nữa, nhiều công ty nước ngoài đã thay nhau tháo chạy khỏi Trung Quốc Đại lục, dòng vốn cũng chảy ra nước ngoài làm tăng nguy cơ sụp đổ của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Điều này khiến niềm tin cũng suy giảm kỷ lục, hệ quả kéo theo tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng, vật giá leo thang, giá trị tiền tệ suy giảm, sức mua suy giảm, lòng người hoang mang. Nói cách khác, về cơ bản là cả ba cỗ xe của ĐCSTQ gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu thụ đều điêu đứng.
 
Liên quan chặt chẽ với bức tranh này là tình trạng xấu đi của quan hệ Trung-Mỹ và sự chia tách về nhiều mặt. Chính quyền Trump đã điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia, phản công ĐCSTQ từ mọi mặt như chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ, mạng Internet, nhân quyền. Xu thế đối lập giữa Trung Quốc và Mỹ về kinh tế, công nghệ đang nổi rõ hơn. Ngoài ra, thái độ của các nước như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Canada và Úc đối với ĐCSTQ ngày càng trở nên cứng rắn hơn, xu thế phương Tây liên minh chống lại ĐCSTQ đang hình thành.
 
Bài viết trên Epoch Times nhận định, trong tình hình tứ bề nguy khốn như hiện nay, tâm lý giới chức cấp cao Trung Nam Hải cũng thấy hoang mang trước câu hỏi liệu ĐCSTQ có thể tồn tại qua năm tới không. Nếu vài năm trước đặt ra vấn đề này, nhiều người cho là chuyện nhảm nhí. Nhưng với tình hình trước mắt, có thể khẳng định rằng hầu hết quan chức ĐCSTQ, kể cả nguyên lão viết thư ngỏ công khai nêu trên, đều nghi ngờ gì về sự tồn vong của ĐCSTQ. Và rõ ràng là giải pháp cho cả mười câu hỏi lớn nêu trên đều rất bế tắc

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.