Một số phân tích về tham vọng sức mạnh của TQ trong “Sách trắng Quốc phòng 2019”
Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019
19:56
//
Phân tích
,
Slider
Sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” do Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện nước này chính thức công bố hôm 24/7, là Sách trắng lần thứ ba của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, không chỉ làm rõ chiến lược quân sự mà Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) theo đuổi, mà còn lần đầu tiên định vị lại toàn bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc đang tiến hành cải cách triệt để nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc “đại biến đổi chưa từng có trong hàng trăm năm qua”.
Kể từ khi ông Cận Bình nắm giữ quân đội, Trung Quốc đã ba lần ra Sách trắng Quốc phòng vào các năm 2013, 2015 và hiện nay là 2019 với các tiêu đề lần lượt là “Đa dạng hóa việc sử dụng các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” và “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới”. Các Sách trắng quốc phòng đều cung cấp cái nhìn tổng quan về các lực lượng vũ trang Trung Quốc, nhưng nếu so sánh thì thấy Sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” 2019 đã nêu bật các đặc trưng của “thời đại mới”, đó là lần đầu tiên các quân chủng của PLA được xác định rõ vị trí, vai trò khác nhau.
Mặc dù là một thành phần trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang đã trải qua “cắt bỏ, sáp nhập và tái tổ chức, chuyển đổi sở hữu”, xác lập thể chế lãnh đạo chỉ huy mới “Quân ủy Trung ương – Bộ Tư lệnh Cảnh sát Vũ trang – đơn vị”, nhưng các thuộc tính chức năng cơ bản của cảnh sát vũ trang không thay đổi nhiều và không được đưa vào biên chế PLA. Nói tóm lại, sẽ không bàn đến vị trí của lực lượng cảnh sát vũ trang ở đây.
So sánh 3 cuốn Sách trắng quốc phòng ra đời dưới thời đại Tập Cận Bình; nói chung, thay đổi lớn nhất là Trung Nam Hải trong quá trình bắt tay thực thi “đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội”, đã lần đầu tiên đưa việc cải cách và xây dựng các quân chủng vào toàn cục tổng thể an ninh và phát triển quốc gia, chứ không chỉ là sự liệt kê đơn giản như các Sách Trắng trước đây.
Trong Sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới”, trong phần nói về “Điều chỉnh các quân binh chủng và cảnh sát vũ trang sau cải cách”, lần đầu tiên nhấn mạnh: Lục quân PLA “có tác dụng không thể thay thế trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia”; Hải quân “có địa vị hết sức quan trọng”; Không quân “có địa vị và vai trò vô cùng quan trọng”; bộ đội Tên lửa “có địa vị và tác dụng cực kỳ quan trọng”; Lực lượng Chi viện chiến lược mới thành lập “là lực lượng chiến đấu mới để bảo vệ an ninh quốc gia”; Lực lượng Bảo đảm hậu cần “là bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống sức mạnh quân sự hiện đại đặc sắc Trung Quốc”.
Trong khi đó, Sách trắng “Đa dạng hóa việc sử dụng các lực lượng vũ trang Trung Quốc” năm 2013 và “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” năm 2015 đều không xuất hiện những lập luận và định hướng như vậy, mà chỉ liệt kê một cách giản đơn các yêu cầu chiến lược và chi tiết thành phần cụ thể của các quân binh chủng trong PLA. Sách trắng 2013 chỉ giới thiệu Hải, Lục, Không quân và Bộ đội Pháo binh là lực lượng chính trong các hoạt động chiến đấu trong các lĩnh vực; không đề cập đến vị trí từng quân chủng trong an ninh và phát triển của đất nước.
Dựa trên sự thay đổi rất cụ thể này, các nhà quan sát cho rằng điều này có nghĩa là so với cách quản lý kiểu truyền thống trước đây, PLA sau cuộc cải cách đã trở nên tinh tế, cụ thể hơn khi đưa ra một văn kiện chiến lược quân sự mang tính chiến lược. Quan trọng hơn là, lần đầu tiên xác định và làm rõ địa vị các quân chủng khác nhau của PLA trong mục tiêu quốc phòng cơ bản: kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia.
Trong 3 năm đi sâu cải cách quốc phòng và quân sự vừa qua, dư luận đã chỉ ra rằng PLA đang học hỏi từ quân đội Mỹ mạnh nhất trên thế giới; cải cách và xây dựng Lục quân, Hải quân và Không quân ngày càng tiến gần tới quân đội Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Nam Hải trong khi đang cố gắng học tập kinh nghiệm của quân đội Mỹ, cũng đang ra sức đề phòng xuất hiện tình trạng tranh chấp lợi ích giữa các quân chủng như quân đội Mỹ. Bởi vì sự cạnh tranh lợi ích giữa các quân chủng sẽ làm trì trệ nghiêm trọng việc xây dựng quân đội và lãng phí tài nguyên có hạn.
Theo Sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” năm 2019, địa vị của Lục quân PLA là “không thể thay thế”, đứng đầu trong 6 quân chủng, tiếp theo là “cực kỳ quan trọng” (chí quan trọng yếu) của Tên lửa, rồi đến Không quân “vô cùng quan trọng” (cử túc khinh trọng); “ hết sức quan trọng” của Hải quân; “lực lượng chiến đấu kiểu mới” của Lực lượng chi viện chiến lược và “bộ phận hợp thành quan trọng” của Lực lượng Bảo đảm hậu cần. (Quân chủng Lực lượng chi viện chiến lược mới mẻ, được coi là “rất bí ẩn”, theo một số nguồn tin là các đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ đối kháng điện tử, tấn công mạng, quản lý vệ tinh, tiến hành công tác thu thập tình báo, trinh sát kỹ thuật và tiến hành chiến tranh tâm lý...).
Vị trí của 6 quân chủng lớn của PLA được xác định bởi nhu cầu thực tế. So với trước đây, vị trí của Lục quân và Tên lửa “bắt mắt” hơn so với Hải quân, Không quân, Lực lượng Chi viện chiến lược và Lực lượng Bảo đảm hậu cần. Đối với Lục quân, vị trí “không thể thay thế”được xác định đã bác bỏ luận thuyết “chiến tranh trên bộ đã lỗi thời” và “Lục quân vô dụng” trong dư luận. Vậy tại sao PLA lại coi trọng vai trò của Lục quân đến vậy?
Hải quân được xác định “có địa vị hết sức quan trọng” nên được đầu tư phát triển đội tàu mặt nước, tàu ngầm với số lượng tăng rất nhanh: i) Thứ nhất, là một quân chủng cơ bản, Lục quân là quân chủng duy nhất mà ĐCS Trung Quốc có khi “tay không dựng cơ đồ”. Trong giai đoạn hiện nay, ngay cả khi đã cắt giảm hàng triệu quân, Lục quân đội vẫn đứng đầu trong số 4 quân chủng với gần một triệu quân. Trong tương lai gần, các lĩnh vực hoạt động chính của con người vẫn là trên mặt đất và xung đột quân sự cũng vẫn thường phát sinh từ các vấn đề trên đất liền. Là một quốc gia lục địa lớn, Trung Quốc tiếp giáp với nhiều quốc gia láng giềng và vẫn còn những tranh chấp lãnh thổ rất khó giải quyết vào lúc này, cũng như sự chia rẽ tiềm tàng do các vấn đề dân tộc và tôn giáo gây ra. Điều này đòi hỏi phải giữ lại Lục quân. ii) Thứ hai, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc có sự nhận thức khá tỉnh táo về sự phát triển chiến lược quân sự hiện nay. Cuối năm 2015, Trung Quốc chính thức tiến hành cải cách quân sự. Khi thiết lập riêng cơ cấu lãnh đạo Lục quân, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: Lục quân đội có vai trò không thể thay thế trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia. Đầu năm 2016, Tư lệnh đầu tiên của Lục quân Trung Quốc là Lý Tác Thành cũng nói, vừa phải phá vỡ tư duy “Lục quân là nhất”, nhưng cũng cảnh giác với nhận thức sai lầm “Lục quân đã lỗi thời” và “Lục quân đội là vô dụng”.
Không quân là quân chủng “vô cùng quan trọng” với đội máy bay và tên lửa phòng không vừa tự sản xuất trong nước vừa đầu tư mua sắm những loại trang bị hiện đại từ Nga. Về thứ hạng, quân chủng Tên lửa (Hỏa tiễn quân) được chính thức được nâng cấp lên cấp quân chủng sánh ngang Hải, Lục, Không quân vào cuối năm 2015. Trong 6 năm từ 2013 đến nay, Tên lửa cũng đã đạt được bước nhảy vọt nhanh chóng về địa vị và vai trò. Điều này bắt nguồn từ khả năng của lực lượng chiến lược này và những thay đổi về môi trường bên ngoài Trung Quốc. i) Thứ nhất, là sau thời gian xây dựng và cải cách, Tên lửa đã dần hoàn thành việc xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh với cả lực lượng tên lửa hạt nhân và thông thường, răn đe chiến lược và phản kích hạt nhân, khả năng tấn công chính xác tầm trung và tầm xa đã đạt được tiến bộ lớn; vì vậy trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển lợi ích quốc gia, Tên lửa tỏ ra hiệu quả hơn các lực lượng Lục, Hải, Không quân. Ví dụ, vào ngày 30 tháng 6 năm nay, quân chủng Tên lửa đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên ra Biển Đông, trong một chừng mực nào đó đã xua tan tác động tiêu cực của các tàu sân bay và tàu khu trục Mỹ thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông. ii) Thứ hai là môi trường xung quanh của Trung Quốc đang phải đối mặt với những biến đổi to lớn và áp lực chiến lược đối với Trung Quốc đã tăng mạnh. Sau khi bổ sung nâng cấp “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” lên thành “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Mỹ đã tăng cường triển khai quân sự và tái bố trí xung quanh Trung Quốc, lôi kéo các nước như Australia, Ấn Độ áp dụng các sách lược gây áp lực cực đoan khiến cho Trung Quốc lực lượng quân sự thông thường còn khá yếu phải giành nhiều tài nguyên hơn cho Tên lửa.
Cũng chính vì vậy, Sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” không chỉ nâng cấp toàn diện chiến lược của quân chủng Tên lửa từ chỗ duy trì bản thân “tinh cán hữu hiệu” lên thành lực lượng “đe dọa mọi khu vực toàn cầu”, mà còn thể hiện rõ năng lực cân bằng chiến lược. Và Sách Trắng khi thảo luận về “các lĩnh vực an ninh lớn”, lần đầu tiên đưa “ lực lượng hạt nhân” từ vị trí thứ tư năm 2015 lên vị trí đầu tiên hiện nay và nhấn mạnh lực lượng hạt nhân phải được sử dụng cho việc duy trì sự ổn định chiến lược quốc tế.
0 nhận xét