Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Hoàng Chi Phong: Dân Hồng Kông không khuất phục trước "hoàng đế" Tập Cận Bình

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019 10:33 // ,

mediaHoàng Chi Phong (Joshua Wong), 22 tuổi, cựu thủ lĩnh Phong trào Dù Vàng 2014. Ảnh chụp ngày 07/08/2019 tại Hồng Kông.Christophe Paget / RFI
« Tức nước vỡ bờ », từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ sang Hoa lục cách đây hai tháng, hiện người dân Hồng Kông đòi lại những quyền cơ bản mà đáng lẽ họ tiếp tục được hưởng cho đến năm 2049 theo mô hình « một quốc gia, hai chế độ ».
Phong trào thu hút đủ mọi tầng lớp tham gia, từ giới luật sư, ngân hàng đến công chức, lần lượt xuống đường ủng hộ những đòi hỏi của người dân, mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình quy tụ hơn 2 triệu người hôm 16/06/2019 và cuộc tổng đình công hôm 05/08.
Tuy nhiên, mức độ bạo lực trong những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng đã vượt qua sức tưởng tượng. Điều này khác hẳn với phong trào Dù Vàng năm 2014 mà Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một trong những thủ lĩnh sinh viên vừa được ra khỏi tù hôm 17/06, sau khi thi hành xong hai án tù năm 2017 và 2018. Vừa ra khỏi tù, nhà hoạt động chính trị 22 tuổi đã lên tiếng kêu gọi đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức.
Đặc phái viên Christophe Paget của đài RFI đã gặp và phỏng vấn Hoàng Chi Phong tại Hồng Kông
P.V. Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 09/08/2019 Nghe
RFI : Hoàng Chi Phong, anh ra tù cách đây hai tháng khi mà các cuộc biểu tình đã bắt đầu. Hiện tại, anh tham gia phong trào như thế nào ?
Hoàng Chi Phong : Tôi tham gia phần lớn các cuộc biểu tình. Cùng với đảng Demosisto (đảng Dân Chủ), chúng tôi tổ chức hỗ trợ pháp lý bằng cách phối hợp với học sinh trung học. Ngoài ra, chúng tôi quyên góp tiền (crowdfunding) và cũng tổ chức tập hợp trong cuộc tổng đình công vào thứ Hai vừa qua (05/08).
Đây là đợt tổng đình công lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, qua đó người dân Hồng Kông chứng tỏ nhiệt huyết và quyết tâm của họ. Nhưng đó sẽ không phải là cuộc tổng đình công cuối cùng. Tôi nghĩ là sẽ còn có một cuộc tổng đình công khác trong một hoặc hai tháng nữa.
Giữa làn sóng biểu tình hiện nay và phong trào của anh cách đây 5 năm có những điểm gì khác ?
Cách đây 5 năm, chúng tôi yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và chúng tôi đã phải đối mặt với chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày nay, chúng tôi cũng yêu cầu bầu cử tự do và chúng tôi phải đương đầu với hoàng đế Tập. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ về chính sách hà khắc của chủ tịch Trung Quốc mà chúng tôi đang phải chịu.
Ngoài ra, phong trào này không có thủ lĩnh, và đây là một điểm tích cực. Chính quyền Bắc Kinh không thể nhắm đến bất kỳ ai. Họ không thể ngăn chặn phong trào bằng việc lôi ra pháp luật một người đứng đầu. Chính nhờ điểm này mà phong trào kéo dài được từ hai tháng nay để trở thành « mùa Hè của bất bình ». Đới Diệu Bình (Benny Tai, phó giáo sư, khoa Luật, đại học Hồng Kông), Ivan Long và tôi đều bị bỏ tù với tư cách là thủ lĩnh chính trị, nhưng lần này phong trào không hề có người đứng đầu, mà chỉ có những nhà điều phối giúp người dân tiếp tục đấu tranh.
Phong trào Dù Vàng chủ yếu là sinh viên, nhưng giờ người ta có cảm giác là mọi tầng lớp xã hội đều tham gia. Vậy đâu là lý do ?
Điều này là nhờ vào thế hệ hậu chiến (« babyboom ») và thế hệ Millennials (còn gọi là « thế hệ Y », những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến đầu thập niên 2000). Chúng tôi ý thức rất rõ về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Trên tổng số 500 người bị bắt trong vòng hai tháng gần đây, người trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi và người già nhất là 63 tuổi.
Việc có nhiều thế hệ tham gia là điều rất quan trọng, cho thấy sự đa dạng và đoàn kết của người dân Hồng Kông. Họ không tin vào chính phủ Bắc Kinh do Tập Cận Bình lãnh đạo. Họ hoàn toàn hiểu rằng có được bầu cử tự do quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng tôi.
Phải chăng trong vòng 5 năm, người dân Hồng Kông đã mất niềm tin vào Bắc Kinh ?
Từ hàng loạt sự kiện như các nghị sĩ bị mất ghế, các nhà hoạt động bị cầm tù, các nhà xuất bản bị bắt cóc, một thông tín viên nước ngoài bị trục xuất khỏi Hồng Kông, chúng tôi hiểu rằng mô hình « một quốc gia, hai chế độ » đã bị xói mòn để trở thành « một quốc gia, một chế độ ».
Ông Tập Cận Bình đã thay đổi chế độ để trở thành hoàng đế. Với việc sửa đổi Hiến Pháp mà ông cho thông qua để xóa quy định về số nhiệm kỳ chủ tịch, ông Tập sẽ tiếp tục tại vị ở Trung Quốc trong 5, 10, 15 hoặc 20 năm nữa. Chính điểm này đã làm chúng tôi ý thức được tình hình và cũng làm chúng tôi sợ. Chính phủ Hồng Kồng phải được chính người dân Hồng Kông công minh bầu lên, chứ không phải do những người bị Bắc Kinh giật dây.
Những cuộc biểu tình hiện nay cũng bạo lực hơn phong trào Dù Vàng. Có những cảnh khó mà hình dung ra được cách đây 5 năm.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay 1.800 lần trong hai tháng vừa qua, so với 18 lần khi diễn ra phong trào Dù Vàng. Tình hình hiện nay khác hoàn toàn. Cảnh sát Hồng Kông đã dùng đến vũ khí sát thương. Cảnh sát chống bạo động đóng trên nóc nhiều tòa nhà cao tầng ở trung tâm Hồng Kông và bắn đạn hơi cay, đạn cao su từ tầng 14 để ngăn đoàn người biểu tình. Họ thực sự triển khai cả một lực lượng đông đảo quá mức và có khả năng gây chết người. Họ thi hành lệnh từ Bắc Kinh để làm nao núng người biểu tình. Nhưng khí thế vẫn còn đó và phong trào vẫn tiếp tục !
Phong trào Dù Vàng kéo dài hơn hai tháng mà không xảy ra bạo lực, trong khi lần này, người biểu tình đã tấn công và làm hư hại trụ sở Nghị Viện, ngoài ra, nhiều sở cảnh sát cũng bị nhắm đến.
Nhiều người bị bắn đạn cao su, trong khi chúng tôi chỉ là những người biểu tình ôn hòa. Và người ta lại coi đó là chuyện bình thường. Thật điên rồ, thật kinh khủng ! Người dân phẫn nộ và họ hy vọng lấy lại quyền được bầu ra chính phủ của riêng họ.
Ngày 16/06, hai triệu người trên tổng số 7,5 triệu dân Hồng Kông đã tham gia một cuộc tuần hành. Điều này cho thấy rõ mong muốn của chúng tôi có được bầu cử tự do. Nhưng chính phủ hoàn toàn lờ đi cuộc tuần hành của người dân. Không ai muốn cuối tuần nào cũng đi biểu tình cả, nhưng điều này đã xảy ra.
Nhiều người biểu tình nhắm vào các trụ sở cảnh sát, các tòa nhà của chính phủ để cho thấy rằng đó không phải là những nơi đại diện cho tiếng nói của người dân. Cánh cửa thoát khỏi khủng hoảng không phụ thuộc vào người biểu tình, mà phụ thuộc vào việc chính phủ đừng tiếp tục nấp sau lực lượng chống bạo động và không làm gì cả.
Tại sao bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không rút hẳn dự luật dẫn độ ?
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là con rối trong tay Bắc Kinh và chế độ Cộng Sản. Bất kể quyết định nào của bà đều phải phụ thuộc vào Quốc vụ viện. Vì thế mà chúng tôi cần có bầu cử tự do, người điều hành đặc khu không được là con rối của Bắc Kinh.
Câu hỏi quan trọng khác : Liệu Bắc Kinh có sẽ điều quân đến Hồng Kông ?
Chính quyền Bắc Kinh không thể điều Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đến Hồng Kông. Nếu họ làm, thì kinh tế và phát triển sẽ sụp đổ. Và cái giá mà các nhà lãnh đạo tài chính thân Bắc Kinh ở Hồng Kông phải trả sẽ vô cùng lớn. Chính vì thế, họ sẽ không bao giờ làm điều đó.
Vậy thì đâu là giải pháp thoát khỏi khủng hoảng cho Bắc Kinh ?
Xóa dự luật dẫn độ, chấp nhận một ủy ban điều tra độc lập về tình trạng bạo lực của cảnh sát và để người dân Hồng Kông được bầu cử tự do.
Chính quyền Pháp phải tước huân chương Bắc đẩu Bội tinh đã trao cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Chúng tôi vừa đăng bản kiến nghị về vấn đề này trên mạng Twitter. Người dân Pháp cần phải hành động. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không xứng đáng nhận danh hiệu này khi bà điều cảnh sát chống bạo động trấn áp người biểu tình và không màng đến mong muốn được bầu cử tự do của người dân. Điều mà chúng tôi yêu cầu, đó là một quyền mà người dân châu Âu được hưởng từ thế kỷ trước. Vậy mà chúng tôi vẫn còn phải đấu tranh để có được quyền đó.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.