Chuyên gia Mỹ: TQ đang tìm cách chi phối, tạo luật chơi với các quốc gia trong khu vực
Mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn và tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) song Bắc Kinh lại vi phạm những quy định của Công ước này. Hành vi của Trung Quốc cho thấy nước này đang tìm cách trở thành bá quyền, lấn át, chi phối trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng của Mỹ Elbridge Colby (23/8) cho biết, việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông thời gian qua là hành vi đặc biệt quan ngại. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “cắt lát salami” hay còn gọi là chiến lược “tằm ăn dâu”, áp dụng đối với Việt Nam và Philippines. Khẳng định Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc tạo ra và kiểm soát các đảo nhân tạo, ông nhấn mạnh đây là sự vi phạm các cam kết. Trung Quốc đang sử dụng các hòn đảo đó đe dọa Việt Nam và Philippines.Chuyên gia Colby cũng nhấn mạnh mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn và tham gia Công ước UNCLOS song lại vi phạm những quy định của Công ước này. Không những vậy, Trung Quốc cũng không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Theo chuyên gia Elbridge Colby, tình hình Biển Đông hiện nay khác với trên biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Trên biển Hoa Đông, Mỹ và Nhật Bản có liên kết chặt chẽ hơn, Nhật Bản cũng có tiềm lực tốt hơn. Còn ở Biển Đông, năng lực của các nước yếu hơn và quan hệ với Mỹ cũng không bằng Nhật Bản. Ông Colby cho rằng vấn đề chính hiện nay mà nhiều nước đang đối mặt là Trung Quốc thực hiện chiến lược chia rẽ, cô lập và gây sức ép để buộc các nước phải chấp nhận điều kiện, luật chơi của mình.
Trong khi đó, quan điểm của Mỹ là muốn có một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở tự do, nơi các quốc gia có quyền quyết định tương lai, về cách tiến hành giao thương, quan hệ an ninh, kết nối về mặt chính trị; khẳng định điều này cũng phù hợp với lợi ích các quốc gia trong khu vực, khi họ không muốn sống dưới cái bóng của Trung Quốc. Việc Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông dù rất tốt nhưng chưa đủ để đem lại sự thay đổi trong tính toán của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tiếp tục lợi dụng những kẽ hở đó bằng các hoạt động cụ thể ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp tục lợi dụng cách làm là thực hiện các hành động luôn để những căng thẳng ở dưới ngưỡng xung đột, song nếu nước này ra tay chớp nhoáng và tạo ra những thực tế mới, sẽ rất khó có thể đảo ngược. Vì vậy, Mỹ phải thực hiện những biện pháp khác và phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ cũng có thể thực hiện những động thái mạnh mẽ hơn bằng cách công nhận việc khẳng định chủ quyền của các nước như Việt Nam, Philippines... Hiện Mỹ cần lên tiếng ủng hộ về mặt chính trị đối với lập trường của Việt Nam trên Biển Đông; đồng thời giúp nâng cao năng lực để Việt Nam có thể tự bảo vệ cũng như khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoài ra, ông Elbridge Colby cũng cho biết, Mỹ và Việt Nam có cơ sở để hợp tác quốc phòng. Phía Mỹ muốn Việt Nam xây dựng và nâng cao hệ thống chống tiếp cận/chống đột nhập (A2/AD), tăng cường hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, thu thập thông tin tình báo, xây dựng và tăng cường hệ thống tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm để khiến Trung Quốc khó có khả năng ra tay và sử dụng sức mạnh của họ hơn.
Phân tích, nhận định của ông Elbridge Colby được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) đưa ra tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Theo tuyên bố trên, Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 8; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải.Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông - những nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp với Trung Quốc.Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD.Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.
0 nhận xét