Biển Đông: VN khó đạt đồng thuận tại thượng đỉnh ASEAN 2019
Giới quan sát cho rằng một ASEAN chia rẽ là lý do chính để hội nghị lần này khó ra được một tuyên bố chung mạnh mẽ hơn về Biển Đông.
"Việt Nam chắc chắn sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra tại các cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh này. Trong đó Việt Nam nhiều khả năng muốn dùng các ngôn từ mạnh mẽ để nêu đích danh hành vi Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các luật pháp quốc tế liên quan. Nhưng tôi cho rằng các quốc gia ASEAN sẽ không thống nhất được việc đó," TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) cho BBC hay hôm 31/7.
'Khó đạt được đồng thuận'
"Ngôn từ không diễn đạt được hành động nhưng sẽ biểu đạt được tình đoàn kết của các quốc gia ASEAN, và thể hiện rằng các quốc gia có đồng ý với nhau về các vấn đề đang xảy ra ở khu vực Biển Đông hay không. Không thống nhất được ngôn từ nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á không đoàn kết. Cũng giống các lần trước, các quốc gia ASEAN vẫn còn chia rẽ. Do đó các quốc gia ASEAN nhiều khả năng vẫn sử dụng các ngôn từ trước đây như 'quan ngại', và vẫn sẽ không dám chỉ đích danh Trung Quốc," TS Nguyễn Thành Trung phân tích.
"Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam khi Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm tới, là cơ hội để Việt Nam thể hiện mình. Nhưng tôi nghi ngờ vào kết quả của hội nghị này," ông Trung nói.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu luật quốc tế, nói với BBC rằng quan điểm của Việt Nam về vấn đề Bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung là 'mạnh mẽ và xuyên suốt' "kiên quyết trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình". Nhưng "muốn là một chuyện, làm được hay không còn phụ thuộc vào các nước ASEAN khác, trong đó có nước điều phối hội nghị lần này là Thái Lan."
Ông Hoàng Việt nhận định:
"Hôm 30/7, trong khi một số quốc gia ASEAN nỗ lực đưa ra một tuyên bố chung liên quan đến sự kiện gần đây tại Bãi Tư Chính, thì một số quốc gia ra sức phản đối, trong đó có Campuchia. Chuyện này không lạ khi năm 2012 Hội nghị Bộ Trưởng ASEAN ở Phnom Penh đã không đưa ra được một tuyên bố chung vì sự ngăn cản của Campuchia."
"Hội nghị lần này có thể cũng vậy, một số quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ cố gắng đưa được vấn đề Biển Đông và Trung Quốc trong tuyên bố chung. Nhưng số quốc gia không có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông nhưng lại có ràng buộc kinh tế rất lớn với Trung Quốc như Campuchia, Malaysia, Lào, và ngay cả Thái Lan có thể tìm cách tìm cách ra tuyên bố nhắc tới vấn đề này một cách nhẹ nhàng hơn. Điều đó cho thấy là để vượt qua được những thách thức này cần nỗ lực rất lớn từ phía ASEAN."
"Nguyên tắc chung của ASEAN là đồng thuận. Nếu một quốc gia không đồng tình thì ASEAN không thể ra quyết định được."
Vai trò của Mỹ
Giới quan sát cho rằng dù có tiếng nói quan trọng trong vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh lần này, vai trò của Mỹ thực ra vẫn mang tính biểu tượng là chính.
TS Nguyễn Thành Trung nói: "Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ thể hiện quan điểm rằng Mỹ không có lợi ích riêng trên Biển Đông, nhưng Mỹ luôn muốn các quốc gia khác phải luôn tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là quan điểm xuyên suốt của Mỹ từ trước tới nay."
"Tôi cho rằng ông Pompeo xuất hiện lần này để tạo ra sự thống nhất của các quốc gia ASEAN theo chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở rộng mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng Sáu vừa rồi. Mỹ muốn cam kết rằng Mỹ luôn tôn trọng các quốc gia đồng minh và đối tác của mình. Nhưng tôi cho rằng việc này mang tính biểu tượng nhiều hơn. Về hành động thì Mỹ chưa có gì nhiều ngoài các tuyên bố như tự do tuần tra hàng hải."
"Đó là về chính phủ Mỹ. Nhìn vào quốc hội Mỹ, vẫn rải rác có các nghị sỹ Mỹ kêu gọi Mỹ phải có các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc. Dù vậy vẫn chưa tạo được sự đồng thuận lớn để thông qua một số đạo luật ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông. Chính vì vậy tôi nghĩ chưa có gì rõ rệt ngoài một số sáng kiến của Mỹ nằm trên giấy tờ nhiều hơn là trên thực tế."
Nhìn nhận rằng nếu thiếu Mỹ, tiếng nói của ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ 'chìm ngỉm', ông Hoàng Việt nói thái độ của Mỹ về Biển Đông có nhiều dấu hiệu tốt cho Việt Nam.
"Thái độ của Hoa Kỳ với Trung Quốc rất rõ ràng. Sau khi phía Việt Nam lên tiếng chính thức thì phía bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một văn bản thông báo và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích và bắt nạt quốc gia láng giềng. Nếu không có Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã tự tung tự tác trên Biển Đông.''
"Vào thời kỳ chuyển giao quyền lực từ chính quyền Obama, ông Trump đã rút ra khỏi một số định chế quốc tế khiến người ta từng lo ngại Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ. Nhưng gần đây qua cuộc chiến thương mại, Trung Quốc bắt đầu bộc lộ các điểm yếu của mình. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang lo ngại khả năng vỡ nợ khi tham gia dự án Vành đai Con đường, và đã nói không với một số dự án của Trung Quốc. Điều đó cho thấy những nỗ lực của Việt Nam cũng sẽ được đền đáp phần nào."
"Khả năng ông Pompeo sẽ là người đầu tiên nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị lần này... Nhưng nếu để nói hội nghị này có đáp ứng được mong muốn của Việt Nam về vấn đề Biển Đông hay không thì tôi cho rằng chưa được, còn cần thêm thời gian," ông Hoàng Việt nói.
Căng thẳng ở Biển Đông đổ bóng lên thượng đỉnh ASEAN?
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và sự sụp đổ từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc phủ bóng lên các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Bangkok, theo Bloomberg.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo sẽ tham dự tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải vào thứ Ba.
Năm nay, Thái Lan chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các quan chức cho biết sẽ có 27 cuộc họp trong một tuần hội nghị, và 31 quốc gia và liên minh sẽ tham gia.
Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các cáo buộc từ Việt Nam và Philippines rằng Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong việc khẳng định các yêu sách của mình trên Biển Đông - một động thái mà Hoa Kỳ vào tuần trước đã gọi là hành vi bắt nạt.
Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử hàng hải (COC) với khối 10 quốc gia ASEAN - sau khi hai bên đồng ý một dự thảo sơ bộ, một quan chức Indonesia cho Bloomberg biết hôm thứ Hai 29/7.
Biển Đông sẽ là một chương trình nghị sự quan trọng - Trung Quốc sẽ tìm cách kiềm chế thêm bất kỳ lập trường cứng rắn nào của Philippines, Alexander Neill, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói. Trung Quốc có thể sẽ nhắc lại chủ quyền của mìnhđối với hòn đảo và các rạn san hô và chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông Pompeo, người đang có chuyến đi kéo dài sáu ngày qua Thái Lan, Micronesia và Úc, cũng sẽ có bài phát biểu về sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực.
Đối với Trung Quốc, các cuộc họp sẽ là cơ hội để kiềm chế những lo ngại đang gia tăng từ các nước Đông Nam Á như Philippines, những người cáo buộc họ triển khai Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Dân quân Hàng hải để khẳng định quyền kiểm soát ở Biển Đông.
Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng tình hình ở Biển Đông nói chung đã ổn định, với đà phát triển hợp tác và tăng các yếu tố tích cực.
Jose Tavares, tổng giám đốc về các vấn đề ASEAN tại Bộ Ngoại giao Indonesia, khẳng định rằng dù không có lịch đàm phán, Trung Quốc và ASEAN gần đây đã hoàn thành một dự thảo sơ bộ về bộ quy tắc ứng xử hàng hải (COC).
Chúng tôi đang dự tính tiếp tục đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bản dự thảo duy nhất, văn bản đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, chuyển sang giai đoạn tiếp theo, ông Drake Tavares nói.
Các cuộc đàm phán này diễn ra sau việc áp dụng Khái niệm ASEAN Ấn Độ-Thái Bình Dương vào tháng trước mà các nhà phân tích nói là một cái gật đầu cho những lo ngại của Hoa Kỳ [rằng cần có một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc].
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn cho rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên ASEAN để thông qua các điều khoản gây bất lợi trong bộ quy tắc ứng xử.
Cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc càng cho thấy sự khó khăn của khu vực ASEAN trong việc đối phó với căng thẳng gia tăng giữa hai siêu cường thế giới.
0 nhận xét