Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tuyên bố chấn động của ông Duterte: Không cấm Trung Quốc đánh cá trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019 17:29 // ,


Trả lời phỏng vấn truyền thông, Tổng thống Philippines Duterte (25/6) cho biết Trung Quốc có thể khai thác hải sản ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines “vì tình hữu nghị giữa hai nước”.

Bãi Cả Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Theo thông tin trên, khi trả lời báo giới tại thành phố Mandaluyong về việc liệu có cần cấm Trung Quốc khai thác hải sản ở khu vực bãi Cỏ Rong hay không, Tổng thống Philippines Duterte cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vì tình hữu nghị giữa hai nước và rằng Trung Quốc cũng có cùng quan điểm với Manila là việc khai thác hải sản không nên dẫn đến bất cứ sự đối đầu gây đổ máu nào.
Trước đó, Tổ chức môi trường quốc tế Oceana mới đây lên tiếng cảnh báo nguồn cá của Philippines đang cạn kiện và không kịp hồi phục vì Trung Quốc được phép đánh bắt thoải mái trong vùng nước của Phlippines. Phó chủ tịch của Oceana Philippines Gloria Ramos cho rằng việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng nước thuộc chủ quyền của Philippines đang gửi đi một thông điệp rằng bất cứ ai cũng có thể đánh cá trộm mà không phải chịu hậu quả. Bà Gloria Ramos nhận định việc Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển của Philippines là một ví dụ của đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), khiến làm giảm nguồn cá.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan nguồn lợi biển và cá của Philippines, Eduardo Gongona cho biết Philippines có thỏa thuận với các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc, mà theo đó Philippines chỉ đưa các tàu cá xâm phạm lãnh hải ra ngoài khi phát hiện có tàu xâm phạm.
Được biết, Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu cá và sản phẩm từ cá lớn nhất thế giới. Các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết việc khai thác cá của Trung Quốc đã gia tăng trong suốt thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2014, sản lượng đánh bắt cá trung bình của Trung Quốc là khoảng 13 triệu tấn. Năm 2016, con số này là hơn 15 triệu tấn. Không những vậy, tàu từ Trung Quốc đại lục có tổng cộng khoảng 17 triệu giờ đánh bắt vào năm 2016, chủ yếu là ở các vùng biển phía Nam. Theo số liệu thống kê không chính thức, đội tàu đánh cá phương xa của Trung Quốc luôn được biết đến là có quy mô lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Dân số nước này tiêu thụ hơn 1/3 lượng cá trên toàn cầu và tỉ lệ này tăng 6% mỗi năm. Ngành công nghiệp đánh bắt cá của nền kinh tế số 2 thế giới sử dụng hơn 14 triệu lao động, với 30 triệu người khác dựa vào nguồn hải sản để kiếm sống. Theo ông Zhang từ Đại học Công nghệ Nanyang, thực tế, các ngư trường truyền thống tại vùng biển Trung Quốc chỉ tồn tại trên danh nghĩa. “Đối với các nhà lãnh đạo TQ, việc bảo đảm nguồn cung thủy sản không chỉ tốt cho kinh tế mà còn ổn định xã hội và mang lại lợi ích chính trị” - chuyên gia này phân tích. Với dân số khổng lồ và sự thịnh vượng ngày càng tăng, Trung Quốc đang có ảnh hưởng vô cùng lớn đến các đại dương trên thế giới. Họ có khả năng mua hải sản và đội tàu đánh cá biển không đâu bì kịp. Khi vùng biển ở quê nhà cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc đi thuyền xa hơn để khai thác vùng biển của các nước khác. Theo Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho ngành đánh bắt đã đạt gần 22 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2015, gấp gần 3 lần số tiền chi tiêu trong 4 năm trước đó. Ông cho rằng con số này chưa bao gồm hàng chục triệu tiền trợ cấp và miễn thuế mà các thành phố ven biển Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty đánh cá địa phương.
Theo đánh giá của giới học giả, hoạt động của tàu cá Trung Quốc là đặc biệt nguy hại, do: Thứ nhất, những tàu cá này đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước. Thứ hai, với tập quán “bầy đàn” tàu cá Trung Quốc thường đi số lượng lớn, được trang bị vũ khí thường chống trả quyết liệt và liều lĩnh đối với lực lượng chức năng các nước, bất chấp nguy hiểm chết người. Điều này đã vượt ra khỏi phạm vi của hoạt động đánh cá thông thường mà có tính chất của hoạt động tội phạm nguy hiểm có tổ chức. Vụ việc mới đây nhất khi tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của Philippines ở bãi Cỏ Rong là một ví dụ điển hình. Thứ ba, sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc gây ra sự hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển các nước. Tàu cá Trung Quốc sử dụng loại lưới mắt nhỏ càn quét, tận diệt các loài hải sản, ngay cả trong mùa sinh sản và trong khu vực bảo tồn của các nước. Nhiều tàu còn sử dụng thuốc nổ, lưới chì... khiến cho các bãi san hô bị tàn phá, gây mất cân bằng sinh thái. Các nước châu Mỹ cho biết nhiều loại thủy sản quý hiếm như hải sâm, cá mập đã suy giảm nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt trộm của tàu cá Trung Quốc. Thứ tư, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đã gây xáo trộn đời sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá truyền thống của người dân các nước. Nhiều tàu cá của các nước châu Phi cho biết đã bị tàu cá Trung Quốc xuôi đuổi ngay trên ngư trường truyền thống của họ.
Vì vậy, Chính quyền của ông Duterte nên suy nghĩ lại khi ngầm cho phép tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt cá trong vùng EEZ của Philippines, nếu không, người dân Philippines sẽ là những người đầu tiên lãnh đủ hậu quả về vấn đề này.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.