Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 26/07/2019

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019 18:44 // ,

Tin Việt Nam – 26/07/2019

UBND TPHCM vận động Nhà thờ Thủ Thiêm

bàn giao mặt bằng làm đường

Đây là nội dung trong bản Kết luận của ông Nguyễn Thành Phong liên quan đến cuộc họp tổ công tác về đầu tư ở thành phố vừa được Văn phòng Ủy ban nhân dân TPHCM thông báo hôm 25/7/2019.
Mạng báo Thanh niên dẫn thông tin từ bản kết luận này cho biết, cơ quan chức năng của thành phố sẽ vận động 2 cơ sở tôn giáo có tuổi đời 160 năm này hợp tác, đồng thuận cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đo vẽ hiện trạng khu đất thuộc khuôn viên nhà thờ, dòng mến thánh giá và bàn giao mặt bằng trước để triển khai ngay công tác thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn (R3) theo tiến độ quy định.
Hồi tháng 2/2019, trong chuyến thăm chúc tết ở Nhà thờ Thủ Thiêm cùng với Bí thư TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch là ông Huỳnh Cách Mạng cho hay, thành phố sẽ giữ lại các công trình chính yếu của Dòng mến Thánh giá và Nhà thờ, các khu vực lân cận sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp quy hoạch, mỹ quan trong quy hoạch chung.
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Nhà thờ và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm là 2 cơ sở tôn giáo lâu đời còn hiện diện duy nhất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm đối diện với nguy cơ bị di dời.
Hồi tháng 9/2016, một cơ sở thờ tự lâu năm là chùa Liên Trì thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có từ trước năm 1975 bị chính quyền cưỡng chế, buộc di dời.
Thủ Thiêm là khu đô thị mới được chính quyền thành phố lên kế hoạch xây dựng từ những năm 1990 và bắt đầu giải tỏa vào khoảng năm 2012 khiến khoảng hơn 14.000 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu phải di dời để nhường đất cho khu đô thị mới ven sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, việc di dời, giải tỏa và đền bù cho người dân Thủ Thiêm đã gặp phải những phản đối gay gắt của người dân do việc thực hiện sai và giá đền bù rẻ mạt.
Nhiều cơ sở tôn giáo trên đất Thủ Thiêm được xác định có tuổi đời cả trăm năm cũng bị ảnh hưởng do việc giải tỏa lấy đất xây khu đô thị mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hochiminh-local-government-want-church-to-sacrifice-land-07262019093000.html

Asanzo chính thức kiện báo Tuổi Trẻ,

đòi xin lỗi, bồi thường

Công ty Asanzo hôm 26/7/2019 đã chính thức nộp đơn khởi kiện báo Tuổi trẻ lên Tòa án Nhân dân Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, để yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi. Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.
Theo đơn khởi kiện, Asanzo ghi rõ các tội danh mà báo Tuổi Trẻ quy kết cho công ty trong bài phóng sự về công ty này như: thay đổi xuất xứ hàng hóa; lừa dối người tiêu dùng; qua mặt cơ quan quản lý; không sản xuất gì ngoài tivi; lập công ty ma… Theo Asanzo, đó là những thông tin xuyên tạc, sai sự thật khi chưa có kết luận của nhà chức trách
Trả lời báo chí trong nước, đại diện Asanzo cho rằng, phóng sự của báo Tuổi Trẻ đã mô tả quy trình sản xuất tivi cắt xén nhiều khâu một cách có chủ ý, khiến người đọc hiểu sai về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Vị đại diện cho rằng đây là nguyên nhân chính gây nên tổn thất cho việc kinh doanh của Asanzo.
Đại diện Asanzo cũng cho biết, công ty đang bị dồn đến bờ vực thẳm với những thông tin do báo Tuổi trẻ đăng, vì vậy, công ty Asanzo buộc phải khởi kiện.
Ngoài ra, công ty Asanzo cũng yêu cầu báo Tuổi Trẻ đăng tải bài viết cải chính về những thông tin đã đăng tải trước đó.
Hiện Tòa án Nhân dân quận 11 cho biết đang xem xét đơn khởi kiện này theo trình tự tố tụng. Sau 8 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn kiện, tòa sẽ thông báo kết quả xử lý đơn.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, báo Tuổi Trẻ trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: ‘Asanzo – hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt’. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng ‘đỉnh cao công nghệ Nhật Bản’ để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn’.
Sau đó vào ngày 28/6, theo tin đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số phóng viên thực hiện phóng sự điều tra về tập đoàn Asanzo đã liên tục bị tấn công khủng bố, đe dọa.
Tin cho biết, nhóm phóng viên đã liên tục bị nhắn tin đe dọa qua mạng xã hội Facebook lẫn tin nhắn điện thoại với nội dung yêu cầu nhóm phóng viên không được tiếp tục thực hiện việc điều tra tập đoàn Asanzo, nếu không sẽ giết cả gia đình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/asanzo-sued-tuoi-tre-newspaper-asking-for-apology-and-compensation-07262019090243.html

Phát hiện 7 con hổ đông lạnh tại Hà Nội

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu của Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá  đường dây vận chuyển, buôn bán hổ từ Lào về Việt Nam và đã phát hiện 7 con hổ đông lạnh đang được chuyển đi tiêu thụ.
Truyền thông trong nước ngày 26/7 loan tin cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội hôm 25/7 tiến hành kiểm tra một xe hơi tại khu vực hầm để xe của tòa nhà Indochina tại Hà Nội và phát hiện 3 người đàn ông đang vận chuyển 7 con hổ đông lạnh.
Ba người đàn ông bị bắt gồm Nguyễn Hữu Huệ (1967) giám đốc công ty kinh doanh vật liệu xây dựng Đại Minh, Phan Văn Vui sinh năm 1985 và Hồ Anh Tú sinh năm 1991, cả ba cùng cư ngụ tại tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Hữu Huệ khai với cơ quan chức năng là vừa mua số lượng hổ trên tại Lào rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam bằng đường bộ và chuẩn bị đưa ra Hà Nội tìm nguồn tiêu thụ.
Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra thì cho rằng ông Huệ là người đứng đầu đường dây chuyên buôn bán hổ xuyên quốc gia từ nhiều năm nay dưới vỏ bọc là một doanh nghiệp xây dựng. Đường dây này đã bị cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện tuy nhiên đến nay mới bắt được đối tượng Nguyễn Hữu Huệ.
Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Việt Nam trong những năm qua đã trở thành điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã trên thế giới. Một số được tiêu thụ trong nước và phần lớn còn lại được vận chuyển sang Trung Quốc.
Số liệu thống kê từ các vụ bắt giữ cho thấy nhiều loài động vật hoang dã được vận chuyển bất hợp pháp sang Việt Nam như ngà voi, tê tê và sừng tê giác cùng với nhiều loại động vật khác được đưa vào danh sách đỏ sắp tuyệt chủng trên thế giới.
Vào ngày 23/7, Singapore vừa tiến hành bắt giữ gần 12 tấn vảy tê tê và 9 tấn ngà voi được vận chuyển từ Cộng hòa Congo tới Việt Nam với trị giá lô hàng lên tới hơn 48 triệu USD. Đây được xem là lần bắt giữ ngà voi nhiều nhất từ trước đến nay và số lượng vảy tê tê đứng thứ 3 kể từ hồi tháng 4/2019.
Hồi đầu tháng 4 năm 2019, Hải quan Singapore cũng đã bắt giữ gần 13 tấn vảy tê tê và  khoảng 177 kg ngà voi, trị giá hàng chục triệu đô la từ Nigeria, Châu Phi đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seven-dead-tigers-found-in-car-in-ha-noi-07262019090358.html

Thực hiện 8 dự án điện, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam

 không hoàn thành cả 8

Tin Vietnam.-  Báo Tuổi trẻ ngày 25 tháng 7 năm 2019 loan tin, Tập Đoàn Dầu Khí CSVN được nhà cầm quyền giao phụ trách 8 dự án trọng điểm về nguồn điện có tổng công suất 11,400 MW với số tiền lên đến nhiều tỷ Mỹ kim, đến nay cả 8 dự án này đều thiếu tiền để triển khai và chậm tiến độ.
Phía Tập đoàn Dầu khí cho biết, dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đã thực hiện được 72% công trình, nhưng đang gặp khó khăn trong thanh toán, chậm tiến độ thực hiện vì chưa có quy định điều chỉnh giá hợp đồng EPC. Ngoài ra, ở dự án này, một số nhà thầu phụ bị hạn chế về năng lực nên không huy động được tài chính, nhân lực, máy móc để thực hiện công việc; còn các định mức đơn giá của nhà cầm quyền ban hành chưa đầy đủ, hoặc chưa phù hợp với thực tế.
Đối với dự án nhiệt điện Long Phí 1, thì đã thực hiện được 77,56% công trình, nhưng phía nhà thầu của Nga là PM không thể thực hiện hợp đồng dự án do nhà thầu này bị Mỹ cấm vận. Nhà thầu PM không thể thực hiện giao dịch bằng Mỹ kim như hợp đồng đã ký, nên các ngân hàng đã từ chối các giao dịch của nhà thầy này. Và nếu dự án này không được tiếp tục thực hiện, thì chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí sẽ bị thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim.
Ông Đinh Văn Sơn, thành viên của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí cho biết, do các dự án nhiệt điện bị rơi vào bế tắc, nên nhiều công nhân, viên chức đã liên tiếp bỏ việc. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí cho rằng, nếu tình trạng trên không được giải quyết thì dự án sẽ bế tắc, hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào dự án sẽ trở thành đống phế thải.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thuc-hien-8-du-an-dien-tap-doan-dau-khi-viet-nam-khong-hoan-thanh-ca-8/

Dự án làm sạch sông Tô Lịch của Nhật

bị công ty nhà nước cố tình phá hoại?

Tin Vietnam.-  Báo Vietnamnet ngày 26 tháng 7 năm 2019 loan tin: công ty Thoát Nước Hà Nội đã xả nước cuốn trôi kết quả 2 tháng thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản của công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura- chuyên gia Liên Hiệp quốc về môi trường, Chủ tịch tổ chức Xúc tiến Thương mại & Môi trường Nhật Bản- cho biết, cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội vào ngày 23 tháng
7 vừa qua, phía ông không được tham dự. Tại cuộc họp này có một số thông tin là một chiều, chưa chính xác.
Trước đó, phía công ty của Nhật đã thực hiện làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản sau hai tháng đã khiến nước sông hết mùi hôi thối, và nước đã có màu trong trở lại. Nhưng vào ngày 15 tháng 7, công ty Thoát nước Hà Nội đã xả nước ở Hồ Tây vào đoạn sông trên khiến mọi thành quả của công ty Nhật bị cuốn trôi, nước sông trở lại đen thối, tuy nhiên công ty này lại đổ lỗi là do mưa. Ông Yamamura giải thích, nếu ở Nhật, việc xả nước thường được thông báo cho các bên liên quan, và người dân trước từ 3 đến 5 ngày. Còn ở Hà Nội, công ty Thoát nước chỉ báo trước 15 phút, nên phía Nhật không có giải pháp kịp.
Còn về vấn đề mưa, chuyên gia Nhật cho rằng, công ty đã thành công trong việc làm sạch nhiều con sông trên thế giới như ở Nhật, Ấn Độ, Trung Cộng, dù với những trận mưa lớn nhưng công nghệ của công ty vẫn thích ứng được. Còn lượng nước của công ty Thoát nước Hà Nội xả vào sông Tô Lịch gấp 10 lần lượng nước chảy vào sông, và liên tục trong 3 ngày, nên kết quả của phía Nhật đã bị cuốn trôi.
Sau khi sự việc trên xảy ra, phía Nhật vẫn muốn thực hiện lại công trình trên trong vòng hai tháng, vẫn tài trợ 100% chi phí, và khẳng định có thể làm sạch sông Tô Lịch.
Trước đó, dư luận cho rằng, công ty Thoát nước Hà Nội vì sợ phiá Nhật lấy mất hợp đồng nên đã xả nước để phá hoại cuộc thử nghiệm.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/du-an-lam-sach-song-to-lich-cua-nhat-bi-cong-ty-nha-nuoc-co-tinh-pha-hoai/

Nếu phụ nữ ép đàn ông quan hệ tình dục,

đó có phải là cưỡng hiếp?

By Katie SilverBBC News
Khi một người đàn ông cưỡng ép một người phụ nữ quan hệ tình dục, đó là cưỡng hiếp. Nhưng nếu một người phụ nữ cưỡng ép một người đàn ông quan hệ tình dục thâm nhập thì sao?
Theo luật của Anh và xứ Wales, đó không phải là cưỡng hiếp nhưng tác giả của một nghiên cứu mới về hiện tượng này nói rằng có lẽ nó nên được công nhận như vậy.
Cảnh báo: Sẽ có một số chi tiết gây sốc
Tiến sĩ Siobhan Weare thuộc Trường Luật Đại học Lancaster đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về sự trường hợp “cưỡng bức xâm nhập” (forced penetration) ở Anh vào năm 2016-7, và thu thập thông tin từ hơn 200 người đàn ông thông qua một cuộc khảo sát trực tuyến.
Nghiên cứu mới nhất của cô, được công bố trong tuần này – dựa trên các cuộc phỏng vấn một-với-một với 30 người đàn ông trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 7/2019, về trường hợp nữ hiếp dâm nam, hậu quả của nó và phản ứng của hệ thống tư pháp hình sự.
Tất cả những người tham gia đều được ẩn danh, nhưng tôi sẽ gọi một trong số họ là John.
MeTooVN: ‘Mãi sau tôi mới biết mình nhiều lần bị xâm hại’
MeTooVN: ‘Tôi đã lên tiếng nhưng không ai tin tôi’
Vì sao cặp vợ chồng có thể sống xa nhau mà vẫn ổn
John nói rằng dấu hiệu đầu tiên cho thấy có gì đó không ổn là khi bạn gái anh ta bắt đầu tự làm hại mình. Sau một sự cố đặc biệt đáng sợ, anh đã nhanh chóng đưa cô đến bệnh viện điều trị. Cặp đôi đã dành hàng giờ để thảo luận về nguyên nhân tâm lý đằng sau.
Khoảng sáu tháng sau, thay vì làm hại chính mình, cô bạn gái bắt đầu chuyển hướng sang John.
“Tôi đang ngồi trong phòng khách và cô ấy vừa rời nhà bếp, cô ấy đấm mạnh vào mũi tôi và rồi bỏ chạy cười khúc khích,” John nói. “Tình trạng bạo lực sau đó bắt đầu xảy ra khá thường xuyên.”
Cô ấy đi làm về “và cơ bản là đòi hỏi tình dục”, John nói. “Cô ấy sẽ rất bạo lực, và đến mức có lúc tôi sợ mỗi khi cô ấy đi làm về.”
Có một lần John tỉnh dậy và phát hiện ra bạn gái còng một tay anh vào góc giường. Sau đó cô bắt đầu dùng một cái loa nhỏ đánh vào đầu anh, trói cánh tay còn lại bằng một sợi dây nylon và cố gắng ép anh quan hệ tình dục.
Sợ hãi và đau đớn, John không thể làm theo yêu cầu của cô, vì vậy cô lại tiếp tục đánh và trói anh trong nửa giờ, trước khi quay lại và thả anh ra. Sau đó cô từ chối thảo luận về những gì đã xảy ra.
Không lâu sau đó, cô bạn gái có thai và bạo lực giảm dần. Nhưng vài tháng sau khi em bé chào đời, John lại thức dậy vào một đêm và phát hiện ra mình lại bị còng tay vào giường.
Sau đó, John nói bạn gái của anh ép anh nuốt Viagra. “Tôi không thể làm gì được,” anh nói.
“Sau đó tôi vào tắm, ngồi xuống và ở trong đó không biết bao lâu… Cuối cùng tôi đi xuống cầu thang. Câu đầu tiên cô ấy nói với tôi khi tôi đi vào phòng là ‘Tối nay ăn gì?’”
Khi John cố gắng nói điều này với mọi người quanh anh, nhưng luôn gặp phải sự hoài nghi.
“Tôi bị hỏi tại sao tôi không rời đi. Đó là nhà của tôi mà tôi đã mua cho con tôi. Và mặt tài chính nữa, tôi bị kẹt trong mối quan hệ này vì vấn đề tài chính,” John nói.
“Tôi vẫn nhận được những phản ứng như, ‘Tại sao anh không đánh lại cô ta?’ Tôi nghe điều này khá nhiều. Điều đó nói dễ hơn làm. Tôi ước gì tôi từ bỏ mối quan hệ này sớm hơn.”
Câu chuyện của John cũng tương tự như câu chuyện của nhiều người đàn ông khác mà Tiến sĩ Weare đã phỏng vấn. Một trong những phát hiện của cô là thủ phạm trong các vụ án “cưỡng bức xâm nhập” (forced penetration) là nữ. Và là một tình trạng thường thấy trong vấn đề bạo lực gia đình.
Những người đàn ông được phỏng vấn cũng nói về sự hoài nghi của những người xung quanh.
“Anh chắc phải thích thế chứ nếu không thì anh đã khai báo sớm hơn”, một người đàn ông nói một cảnh sát đã nói với anh như vậy.
Một người khác thì nói: “Chúng tôi sợ nói về nó và xấu hổ, và khi chúng tôi nói về nó, chúng tôi không được tin, bởi vì chúng tôi là đàn ông. Làm thế nào một người đàn ông có thể bị xâm hại? Hãy nhìn anh ta, anh ta là một người đàn ông cơ mà.”
Những phát hiện khác của Weare bao gồm:
Đàn ông thường xấu hổ khi phải khai báo mình bị “cưỡng bức” – họ có thể khai báo bị bạo lực gia đình mà không đề cập đến lạm dụng tình dục
Tác động lên sức khỏe tâm thần người đàn ông có thể rất nghiêm trọng, bao gồm chứng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn), ý muốn tự tử và rối loạn chức năng tình dục
Một số người đàn ông khai báo đã bị tấn công nhiều lần – một số bị lạm dụng tình dục từ bé, một số người gặp phải các loại bạo lực tình dục khác nhau từ các thủ phạm khác nhau, bao gồm cả nam giới
Nhiều người đã có quan điểm khá tiêu cực về cảnh sát, hệ thống tư pháp hình sự và luật pháp
Nghiên cứu của Weare phá vỡ ba định kiến.
Một là chuyện nữ hiếp dâm nam là không thể vì đàn ông khỏe hơn phụ nữ.
Điều thứ hai là đàn ông luôn mong muốn mọi cơ hội quan hệ tình dục với phụ nữ.
Một định kiến thứ ba bị phá vỡ là nếu đàn ông cương cứng thì có nghĩa họ muốn quan hệ tình dục. Trên thực tế, Weare nói, “sự cương cứng hoàn toàn là phản ứng sinh lý đối với sự kích thích”.
“Đàn ông có thể có và duy trì sự cương cứng ngay cả khi họ sợ hãi, tức giận, kinh hoàng v.v.”, cô nói.
“Cũng có nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thể đáp ứng tình dục khi họ bị hãm hiếp (ví dụ như đạt cực khoái) vì cơ thể họ đang phản ứng sinh lý. Đây là vấn đề cho cả nạn nhân nam và nữ mà chưa được thảo luận một cách đầy đủ, nhưng có bằng chứng rõ ràng về điều này.”
Một số người tham gia vào nghiên cứu năm 2017 của Weare nói họ bị cưỡng dâm sau khi say rượu hoặc say thuốc và không thể ngăn cản những gì đang xảy ra.
Một người được phỏng vấn nói anh về nhà với một người phụ nữ sau khi rời một câu lạc bộ đêm, và hoàn toàn ngất đi vì nghi ngờ anh đã bị chốc thuốc. Anh nói sau đó anh bị ép buộc quan hệ tình dục trái với ý muốn.
Làm sao để được giúp đỡ
Một người khác thì nói anh đã bị ép buộc quan hệ tình dục khi làm việc tại một trại mùa hè, khi còn là một sinh viên. Một nữ đồng nghiệp phát hiện ra lá thư anh ta viết cho bạn trai và đe dọa công khai với mọi người anh là người đồng tính trừ khi anh ngủ với cô ta.
Cô ta nghĩ rằng nếu anh quan hệ tình dục với một người phụ nữ thì “điều này sẽ thay đổi cuộc đời tôi và tôi sẽ dị tính”, anh nói. Khi đó anh chưa sẵn sàng công khai với gia đình và bạn bè về giới tình của mình nên cảm thấy mình không còn cách nào khác ngoài việc tuân thủ.
Weare nói rằng hầu hết những người tham gia vào nghiên cứu mới nhất coi những trải nghiệm bị ép buộc của họ là “cưỡng hiếp”, và một số người đã thất vọng khi biết nó không được công nhận là cưỡng hiếp theo luật của Anh và xứ Wales. Cũng có sự thất vọng rằng xã hội Anh rất có thể sẽ không nhận ra đó là cưỡng hiếp.
“Khi nói về việc bạn gái của bạn đã từng say xỉn và cưỡng ép bạn, hãm hiếp bạn, nghe có vẻ như là giấc mơ của nhiều gã trai phải không?” một người đàn ông tham gia nghiên cứu nói.
“Đi xuống quán rượu, bạn biết đấy, cô ấy hơi say, cô ấy hơi điên cuồng ‘Yay! Ôi thật tuyệt vời! Tôi sẽ thích điều này!’ Không, bạn thực sự sẽ không, bạn sẽ không thích đâu. Đó sẽ không như cách bạn nghĩ. “
Tuy nhiên, một số nước khác công nhận hành vi này là hiếp dâm.
Như trong một trong những bài nghiên cứu của Weare – có tiêu đề “Ồ, anh là một chàng trai, làm sao anh có thể bị một người phụ nữ hãm hiếp, điều đó thật vô lý” – cô chỉ ra rằng ở một số tiểu bang Hoa Kỳ, hiếp dâm được định nghĩa rộng rãi là quan hệ tình dục không có sự đồng thuận, và tại bang Victoria của Úc, cũng cho rằng cưỡng hiếp là hành vi xâm nhập trái ý muốn.
Còn ở Việt Nam, kể từ 2018, theo Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, tội hiếp dâm được quy định như sau:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Như vậy bất kể thủ phạm là nam hay nữ có hành vi vi phạm nêu trên đều bị xử lý về tội hiếp dâm. Tuy nhiên mặc cảm về định kiến xã hội vẫn có thể ngăn cản nhiều người lên tiếng khai báo.
Bạn hay người thân đã từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với series xâm hại tình dục của BBC. BBC sẽ đảm bảo giữ bí mật danh tính của người chia sẻ theo yêu cầu.
Bạn có thể gửi email đến địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk với tiêu đề: MetooVN hoặc điền form dưới đây:
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-49083774

Gia hạn hoạt động giàn khoan ở Bãi Tư Chính,

Việt Nam tiếp tục ‘bất tuân’ Trung Quốc?

Khánh An-VOA
Việt Nam vừa ra thông báo rộng rãi về việc gia hạn thời gian hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính, một động thái được cho là “bất tuân” tiếp theo của Hà Nội sau khi khước từ yêu cầu của Bắc Kinh hồi tháng 6 là rút lại giàn khoan này, dẫn đến việc Bắc Kinh thực hiện lời đe dọa “hành động mạnh” bằng việc đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 đến khu vực, theo tiết lộ của một chuyên gia nghiên cứu với VOA.
Trong khi các dữ liệu theo dõi cho thấy tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động gần khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông bất chấp phản đối từ phía Việt Nam và chỉ trích của Mỹ, một số nguồn tin cho hay Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội rút giàn khoan ở khu vực này đi và đổi lại, Trung Quốc sẽ rút các tàu của họ. Nhưng Việt Nam bác bỏ đề nghị này.
Trao đổi với VOA hôm 25/7, TS. Hà Hoàng Hợp xác nhận thông tin về những đòi hỏi của Trung Quốc hồi tháng 6.
“Đúng là họ có trao đổi với một số nơi ở Việt Nam điều kiện như thế”,TS. Hà Hoàng Hợp khẳng định với VOA. “Họ đòi Việt Nam phải bắt công ty Nhật và công ty Nga phải rút khỏi chỗ đấy. Nếu không rút thì họ sẽ có hành động mạnh”.
Trung Quốc đã thực hiện lời đe dọa bằng cách đưa con tàu dài 88 met, rộng 20,4 met, với tổng trọng tải 6.918 tấn đến “thăm dò” trong khu vực gần Bãi Tư Chính kể từ ngày 3/7. Vụ việc đã đẩy căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Thông báo của Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được truyền thông Việt Nam trích dẫn ngày 25/7 cho biết hoạt động khoan của khu vực Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn do công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của Công ty Rosneft của Nga) “dự kiến kéo dài đến hết ngày 15/9/2019”.
Trang Twitter IndoPacific_SCS_Info, nơi thường xuyên cập nhật tin tức về Biển Đông, nói rằng hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 lẽ ra chấm dứt vào ngày 30/7 theo như kế hoạch ban đầu, nhưng “Việt Nam không lùi bước”.
Theo phân tích của TS. Hà Hoàng Hợp, động thái thông báo gia hạn từ phía Việt Nam là “có và không” liên quan đến căng thẳng ở Bãi Tư Chính.
TS. Hà Hoàng Hợp nói việc gia hạn là do các công ty khai thác dầu khí của Nga, Nhật thực hiện và Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ra thông báo là để tàu bè đi lại có thể tránh xa khu vực này.
“Hợp đồng ban đầu nói có khả năng [hoạt động khai thác] kéo dài 60-90 ngày. Mà bắt đầu khoan từ ngày 29/6 tới giờ chưa được một tháng, thì phải khoan thêm thì mới đạt kết quả về mặt kỹ thuật”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Còn yếu tố “có liên quan”, theo ông, là vì Trung Quốc đã từng yêu cầu Việt Nam rút giàn khoan này đi nhưng phía Việt Nam khước từ.
Theo chuyên gia của Viện Nghiên Đông Nam Á ISEAS, động thái thông báo gia hạn hoạt động từ phía Việt Nam tái khẳng định một lần nữa rằng đòi hỏi của Bắc Kinh là “không hợp lý”.
“Người Nga đã khai thác ở chỗ đó từ năm 2013, sau khi mua lại cổ phần từ công ty BP của Anh quốc và một cố phần nhỏ của công ty Conoco Philips. Từ đó đến giờ họ làm rất tốt, và ai cũng khẳng định khu vực đó là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không tranh cãi được”.
Trong một diễn tiến cùng ngày 25/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lặp lại lần thứ 3 rằng Việt Nam “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền” và đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc về hoạt động của Hải Dương Địa Chất 8. Đây được xem là phản ứng mạnh nhất từ trước đến nay từ phía Việt Nam liên quan đến những vụ xung đột căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/gia-han-hoat-dong-gian-khoan-bai-tu-chinh/5015297.html

Để tư pháp VN có diện mạo đẹp hơn

 thì cần tôn trọng luật sư

LS Ngô Ngọc TraiGửi bài đến BBC từ Hà Nội
Hôm 25/7, bà Helen Nguyễn, vợ của công dân Mỹ Michael Nguyễn, người vừa bị kết án 12 năm tù ở Việt Nam, đã ra điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ với tư cách nhân chứng cho các vụ vi phạm nhân quyền ở các quốc gia Đông Nam Á, theo VOA.
Bà cáo buộc chồng bà bị tước quyền được xét xử một cách công bằng theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
Gia đình bà cho biết: “Trong suốt thời gian bị giam giữ gần một năm trước khi xử án, ông Michael không được phép gặp thân nhân hay tiếp xúc với luật sư bào chữa”.
Việt Kiều Mỹ bị tuyên 12 năm tù tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền’
Ngày Liên Xô đồng ý tôn trọng nhân quyền
Phạm nhân ở Việt Nam ‘bị tước quyền có luật sư’
Ông Huỳnh Văn Nén: 18 năm tù 10 tỷ đồng bồi thường
Lên tiếng tại buổi điều trần, dân biểu Brad Sherman, Chủ tịch Tiểu ban phụ trách các vấn đề châu Á của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, cảnh báo rằng Việt Nam nên coi trọng mối quan hệ giao thương với Hoa Kỳ bằng cách hãy trả tự do cho ông Michael.
“Việt Nam nên quan tâm đến hình ảnh của chính quốc gia mình trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện đang đặt mục tiêu để hưởng lợi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Nhân quyền là vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ. Đã đến lúc phải đưa Michael Nguyễn về nhà.”
Thể diện quốc gia
Là một luật sư nên tôi thấy lời cáo buộc không có luật sư bào chữa là điều hết sức đáng tiếc và rất không đáng có, đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong con mắt quốc tế.
Tôi thấy giới luật sư Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp xây dựng để xóa đi lời cáo buộc này trên toàn thế giới từ nay trở về sau.
Chỉ bằng cách giản dị là nhà nước tạo điều kiện và đừng cấm cản luật sư tham gia bào chữa cho các bị can.
Các cơ quan tư pháp cần chấm dứt ngay những hành vi làm xấu hình ảnh quốc gia trong con mắt cộng đồng quốc tế bởi việc không để bị can có được luật sư bào chữa.
Thực tế hiện nay, các cơ quan tư pháp không cho luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn điều tra đối với các vụ án về an ninh quốc gia, nhiều bị can có quốc tịch nước ngoài và những người còn lại thì cũng được giới nhân quyền quốc tế quan tâm.
Từ đó khiến tạo ra hình ảnh diện mạo xấu xí của nền tư pháp Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Điều cũng khiến người ta bức xúc thêm là các vụ án thường kéo dài từ nhiều tháng đến cả năm. Việc gặp thân nhân cũng không được thực hiện như luật đã có quy định.
Việc cấm cản luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra được viện lý do là phải giữ bí mật, trong khi các vụ án người ta thực hiện các hành vi công khai như biểu tình, viết bài, lập hội nhóm công khai, và đó thực ra cũng chỉ là thực hiện quyền tự do dân chủ của công dân.
Chồng tôi bị tước quyền được xét xử một cách công bằng theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tếBà Helen Nguyễn
Cho nên các cơ quan tư pháp cần chấm dứt ngay những sự phân biệt đối xử, kỳ thị, để cho bị can được có luật sư bào chữa ở giai đoạn điều tra. Không để tạo hình ảnh xấu ra quốc tế vì bị can không có luật sư bào chữa.
Giới luật sư có khả năng và trách nhiệm trong việc giữ gìn hình ảnh vị thế đất nước bằng chức phận nghề nghiệp của mình.
Đừng để sự cẩu thả, kém năng lực trách nhiệm, lạm quyền của cơ quan tư pháp, đã khiến mỗi vụ án lại tạo thành một hồ sơ xấu, sẽ khiến tập hồ sơ xấu dày thêm theo thời gian, gây tác hại cho hình ảnh đất nước và cơ hội bang giao phát triển kinh tế.
Đối nội thì sao?
Không biết ở đất nước Triều Tiên có nghề luật sư không?
Và nếu có thì mọi người hãy hình dung là trong một nhà nước tập quyền chuyên chính cao thì vai trò của người luật sư đối với số phận của bị can bị cáo thế nào, tác dụng vai trò của người luật sư có đáng kể không?
Khi đó, giả sử có một số luật sư, mà vì nhận thức thế nào đó, lại thường lên tiếng phê phán cơ chế tư pháp hiện thời và thúc đẩy cải cách thay đổi, thì luật sư đó đang làm điều đúng hay sai?
Có thể nói luật sư như vậy là những người đáng quý hiếm hoi, họ đã nhìn ra được các vấn đề của nền tư pháp và thúc đẩy thay đổi.
Luật sư như vậy vừa có trình độ vừa có trách nhiệm, và xã hội được hưởng lợi nhờ những người như vậy, vì họ đang thúc đẩy xây dựng cho một nền tư pháp đáng mong muốn, đáng có, một cơ chế tư pháp bảo hộ hữu hiệu hơn cho quyền công dân, thay vì một cơ chế tư pháp nặng tính chuyên chế trấn áp, gây rủi ro cho các quyền công dân và oan sai.
Ở Việt Nam hiện nay thì nền tư pháp không phải như thế nhưng có thể nói vẫn còn nhiều vấn đề. Và cũng đang có những luật sư tích cực lên tiếng thúc đẩy cho cải cách tư pháp.
Nhưng những người lên tiếng lại bị lọt vào tầm mắt để ý của an ninh chính quyền.
Trong khi các luật sư như vậy không gây hại mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước.
Vì thứ nhất, chính nhà nước cũng hơn ai hết đã nhận thức ra vấn đề, và vì vậy nhà nước đã có chính sách về cải cách tư pháp.
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do Chủ tịch nước đứng đầu được thành lập từ năm 2011 là cơ quan thực hiện những cải cách về tư pháp.
Thứ hai, những luật sư tích cực là những người giúp thúc đẩy cho chính sách về cải cách tư pháp được thành công, là cơ chế đối trọng với bộ máy cán bộ tư pháp quan liêu ì trệ, mà vì sự lười biếng, chuyên quyền, không chịu và không muốn thay đổi, sự ì trệ đó không có lợi cho nhà nước.
Rõ ràng là nhà nước hiện nay đang gặp phải vấn đề với chính bộ máy của mình, tình trạng tham ô nhũng nhiễu, và sự quan liêu khiến nhiều chính sách kém chậm được thực thi.
Ví dụ như, từ năm 2003 Bộ chính trị có Nghị quyết 08, năm 2005 có nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, trong đó có những chính sách cấp tiến mà cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, đó là giảm bớt đầu mối cơ quan có thẩm quyền bắt giam giữ và chuyển giao trại giam giữ sang cho bộ tư pháp.
Hoặc Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định phải lắp đặt ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, nhưng hiện nay rất chậm triển khai, giới luật sư lên tiếng thúc đẩy để bảo vệ cho cộng đồng khách hàng, vậy nhà nước đứng về phía nào trong việc này?
Nhà nước về phía giới luật sư lên tiếng hay đứng về những cơ quan muốn giữ nguyên trạng?
Không chỉ góc độ chính sách, mà ở góc độ quy định chi tiết, quy trình giải quyết các vụ án hiện còn chứa đựng nhiều sự bất cập lạc hậu, cần phải thay đổi.
Việc chỉ ra những bất cập trong điều tra truy tố xét xử các vụ án, chính là đặt ra đòi hỏi cao về năng lực trách nhiệm của cán bộ tư pháp nhà nước, giúp ích cho nhà nước nhận diện được ra vấn đề và xúc tiến việc nghiên cứu sửa đổi.
Từ đó nhà nước nâng cao được năng lực hiệu quả trong quản trị quốc gia.
Để đạt được điều đó, chỉ cần lãnh đạo nhà nước quan tâm lắng nghe, và đừng nghĩ rằng những người lên tiếng, những người tích cực là người xấu.
Ngược lại, những luật sư như vậy mang đủ phẩm chất năng lực của những người giỏi nhất, vừa đủ thực tế, vừa có chuyên môn, lại có tinh thần xây dựng.
Nhà nước có thể dựa vào họ mà cải tiến cỗ máy tư pháp.
Tóm lại, có thể thấy rằng luật sư Việt Nam hiện nay, có khả năng đóng góp rất lớn cho đối nội và đối ngoại, góp phần tham gia vào quản trị quốc gia và xây dựng đất nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49125535

Chủ tịch Trọng:

‘Chống tham nhũng tiếp tục được duy trì’

Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trên truyền thông Việt Nam hôm 26/07/2019, chủ trì cuộc họp tổng kết nửa năm chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ở cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Truyền thông Việt Nam đăng hình ông Trọng đứng cạnh bàn khi phát biểu tại phiên họp 16 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
Báo chí Việt Nam trích lời ông nói “trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn”.
Ông Trọng cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn.
Đặc biệt, truyền thông Việt Nam đưa tin về cuộc họp đã nói rằng:
“Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý.”
“Các cơ quan đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc, mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can.”
Lời ‘chống tham nhũng’ và gia tộc Lê ở Sài Gòn
‘Người đốt lò’ Romania bắt nhiều quan hơn người đốt lò VN?
Ông Phạm Nhật Vũ bị bắt vì ‘đưa hối lộ’
Việt Nam 2018 qua chùm tranh biếm họa
Không có ‘vùng cấm’
Phương châm được nêu ra là “không có vùng cấm”.
Thời gian qua, trong số các nhân vật nổi tiếng bị bắt, khởi tố có ông Lê Tấn Hùng, em ruột Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Nhật Vũ, em trai tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, cũng bị bắt tạm giam, khám nhà trong một vụ việc khác.
Ông Vũ bị cáo buộc ‘đưa hối lộ’ cho quan chức.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (nhiệm kỳ 2011-2016) và nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn (nhiệm kỳ 2016-2018), cùng hai cựu lãnh đạo cao cấp của MobiFone, ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải trước đó đã bị truy tố với tội danh khác trong vụ án liên quan.
Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc ngân hàng BIDV, doanh nhân đầy thế lực Trần Bắc Hà cũng bị bắt đưa về Việt Nam, nhưng sau đột nhiên chết “ngoài bệnh viện”.
Nhìn lại nửa năm ‘đốt lò’ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã thông báo họ kết thúc điều tra 3 vụ án/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án/27 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/149 bị cáo.
Có ý kiến từ giới quan sát cho rằng công cuộc chống tham nhũng gắn liền với sức khoẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, người bước sang tuổi 75.
Việt Nam: Ai có thể là Tổng Bí thư năm 2021?
TBT Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại
Xem lại video TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trở lại sau một tháng vắng mặt ‘vì vấn đề sức khoẻ’
Việc ông xuất hiện trở lại trong các cuộc họp như hôm 26/07 cho thấy công tác này vẫn tiếp tục.
Cùng lúc, có các ý kiến cho rằng để chống tham nhũng tốt, Việt Nam cần thay đổi thể chế, để cho hệ thống tư pháp độc lập vào cuộc.
Chẳng hạn ở nước hậu cộng sản là Romania, không cần phải có lãnh đạo đảng cầm quyền hay tổng thống vào cuộc, chỉ một nữ công tố Laura Codruta Kovesi đã đem 1.250 quan chức tham nhũng ra xử, gồm cả một cựu thủ tướng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49125541

Hơn 70 cán bộ cấp cao

bị kỷ luật Đảng, xử lý hình sự

Tổng cộng có hơn 100 tổ chức Đảng và xấp xỉ 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, có 256 đảng viên bị kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.
Số liệu vừa nêu được Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng công bố tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra trong ngày 26 tháng 7.
Trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong 6 tháng qua đã kỷ luật 1 tổ chức đảng và 13 đảng viên cả đương chức lẫn nghỉ hưu thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý và con số cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm hiện tại lên tới 70 người. Số lượng 70 cán bộ này được ghi nhận là rất lớn so với nhiều khóa gần đây.
Tại phiên họp thứ 16, ông Nguyễn Phú Trọng nhận định công tác xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý là “không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể đó là ai” trong đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam.
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng còn khẳng định công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực với nhiều vụ án tham nhũng lớn bị đưa ra xét xử, đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với giá trị tài sản trên 10 ngàn tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2019 khẩn trương hoàn thành công tác thanh tra, điều tra các vụ việc liên quan tham nhũng mà dư luận quan tâm tại Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước, Nhà máy đạm Ninh Bình; đồng thời tiến hành thanh tra chuyên đề trong lãnh vực y tế bao gồm quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Cũng tại phiên họp, Ban chỉ đạo thống nhất quyết định đưa vụ án của “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-70-high-ranking-officials-disciplined-in-first-half-2019-07262019090540.html

Bộ Nội vụ: 40 đến 60% cán bộ công chức sẽ có trình độ

ngoại ngữ đủ để làm việc trong môi trường quốc tế

Đến năm 2030, ít nhất từ 40 – 60% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện sẽ có trình độ ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đó là mục tiêu được Bộ Nội vụ Việt Nam đề ra trong dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp”, được truyền thông trong nước loan đi hôm 26/7.
Ông Triệu Văn Cường, thứ trưởng Bộ Nội vụ, nói với báo chí trong nước rằng đề án được đặt ra là vì hiện nay đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt buộc phải được đào tạo ngoại ngữ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm, đề án cũng nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Theo đề án, 100% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, huyện sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Ngoài ra, 50-60% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên ở Trung ương được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
25-35% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và 20-25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đề án cũng phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng ngoại ngữ để đạt 15-20% cán bộ, công chức cấp xã đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đề án của Bộ Nội vụ được nói đã hoàn tất đề cương và trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành. Đề án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2019 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-gathers-opinions-on-foreign-language-learning-plan-07262019090429.html

Việt Nam phải mạnh mẽ đối với các nước

thượng nguồn Mekong dù đó là nước nào!

Thanh Trúc
Dòng Mekong dài hơn 4.300 Km, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Laos, Thailand, Campuchia và Việt Nam.
Mới đây, các tổ chức dân sự ở Thái Lan cảnh báo 8 đập thủy điện trên lãnh thổ Trung Quốc giữ nước lại là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường còn gởi kiến  nghị lên Ủy Ban Nhân Quyển NHCR của Thái Lan yêu cầu rà soát lại những dự án  thủy điện sẽ được xây thêm trên dòng Mekong.
Ban Việt Ngữ có cuộc phỏng vấn với ông Brian Eyler, tác giả cuốn The Last Days of Mighty Mekong, tạm dịch Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Vĩ Đại. Ông Brian Eyler là giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC. Tháng trước ông từng có mặt trong các cuộc họp của MRC Ủy Hội Sông Mekong ở Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Thanh Trúc: Thưa ông Brian Eyler, Mekong Freedom Network của Thái Lan mới đây cho biết 8 đập thủy điện của Trung Quốc giữ lại khoảng 40 tỷ mét khối nước khiến mực nước sông Mekong xuống đến mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Thưa ông nghĩ sao về cảnh báo này?
Ông Brian Eyler: Tôi đọc thấy thông báo 8 con đập trên phần lãnh thổ Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong gây hạn hạn nên phải nhanh chóng kiểm chứng một số dữ liệu. Đúng hiện đang xảy ra tình trạng hạn hán nặng nề tại khu vực Mekong. Đó là hậu quả của nhiều tác nhân gộp lại. Hoạt động đầu tiên của tôi với tư cách là người đang làm việc để cổ xúy cho những phương cách phát triển thông minh hơn cho khu vực Mekong có thể thay thế cách  xây dựng những đập thủy điện như hiện tại thì trước hết tôi nhắc lại là có đến 11 con đập trên phần sông Mekong chảy qua Trung Quốc đã hoàn tất. Mọi người cần được cập nhật bản đồ của tất cả những đập đó cũng như thông tin liên quan. Tổng cộng tất cả những đập đó có thể giữ lại hơn 40 tỷ mét khối nước; tuy nhiên do trong thời điểm hạn hán số lượng nước trữ lại đó có thể ít hơn. Dẫu thế, việc trữ nước ở các đập như vậy đều có thể góp phần làm ảnh hưởng đến hạ nguồn.
Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán khốc liệt ở khu vực Mekong.
Thanh Trúc: Trong đánh giá mới đây ông thì  có rất nhiều khả năng mực nước sông vào ngày 19/7/2019 là thấp nhất từ trước đến nay, ít nhất là trong một thế kỷ qua. Các đập thủy điện ở Trung Quốc đã xây dựng và vận hành từ nhiều năm, tại sao đến năm nay mực nước mới xuống thấp đến mức kỷ lục như thế, liệu có nhân tố ảnh hưởng nào khác không?
Ông Brian Eyler: Tôi xin có một phân tích nhanh; hãy xem những hình ảnh chụp từ vệ tinh đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất lịch sử hồi tháng Tư 2016 rồi so sánh với những dữ kiện trong tháng Bảy 2019 này tôi thấy mực nước sông Mekong tại khu Tam Giác Vàng xem ra còn thấp hơn cả mực nước thấp của vụ hạn hán lịch sử năm 2016.
Những tác nhân cộng hưởng gây nên tình trạng hạn hán như hiện nay được trình bày theo thứ tự tác động. Thứ nhất hiện tượng khí hậu El Nino ảnh hưởng đến khu vực xét về lượng mưa trong mùa khô chuyển sang mùa mưa. Điều quan trọng cần lưu ý là vào tháng Năm, tháng Sáu mỗi năm thì khu vực Mekong chuyển từ mùa khô hay rất khô sang mùa mưa cực nhiều. Tác nhân El Nino làm mùa khô kéo dài ra.
Biến đổi khí hậu cũng là tác nhân ảnh hưởng đến thời gian ngắn hay dài của mưa mùa. Đã có tiên đoán là tình trạng biến đổi khí hậu khiến mùa mưa ngày càng ngắn đi mỗi năm, sự ngắn đi này được thấy rõ trong năm nay và tác động của nó trong tương lai cần được nghiên cứu kỹ hơn. Về phần các đập thủy điện tích tụ nước trên thượng nguồn Mekong thì đập Xayabury ở mạn Bắc nước Lào đang vận hành thử nghiệm và đã giữ lại một lượng nước lớn cũng phần nào góp sức hạ thấp dòng nước. Tác nhân tiếp là những đập thủy điện lớn của Trung Quốc. Đập tác động nhiều đến hạ nguồn mà chúng ta xem xét đến là đập Cảnh Hồng. Việc xả nước của đập này tác động đến dòng chảy xuống hạ nguồn.
Sau hết, với hơn 60 đập thủy điện đã hoàn tất ở Lào trên các chi lưu của dòng Mekong. Ngoài ra còn hơn 60 đập khác nữa đang được xây dựng. Tất cả những tác động như thế cùng gộp lại tạo đợt hạn hán gây hại nhiều nhất cho những cộng đồng dân cư sống dọc Sông Mekong ở Lào, Thái Kampuchia và Việt Nam.
Thanh Trúc: Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục cho rằng các đập thủy điện khổng lồ ở Trung Quốc là thủ phạm chính làm cạn dòng Mekong trong mùa nắng nóng. Theo ông các đập thủy điện của Trung Quốc vận hành tra sao, à mức độ ảnh hưởng của chúng như thế nào đối với các nước hạ du?
Ông Brian Eyler: Hãy nói về những đập thủy điện của Trung Quốc trước khi đề cập đến các đập nói chung. Hệ thống thủy điện của Trung Quốc là những đập lớn, thâu tóm lượng nước khổng lồ của dòng Mekong. Hệ thống thủy điện Xayabury của Lào ở phía dưới cũng lớn không kém. Còn những đập trên các chi lưu thì nhỏ hơn.Tất cả những đập thủy điện này gây tác động đáng kể nếu không được vận hành phù hợp. Như vào mấy tuần qua, đập Cảnh Hồng không xả nước hay xả nước ít hơn nó thường thực hiện vào mùa mưa. Điều này có thể do nhu cầu nước của đập này được ưu tiên hơn nhu cầu của dưới hạ lưu. Nhà máy có thể thu lợi từ việc phát điện phục vụ các cộng đồng và thành phố quanh khu vực nơi đông đúc dân cư mà ước tính lên đến chừng 600 ngàn đến 800 ngàn và tăng rất nhanh. Tuy nhiên tôi không chắc mấy về con số dân này. Do đó thật không may vì nhu cầu của vùng đập này gây tác hại đến cho nơi khác. Điều này cũng tương tự như những đập thủy điện dưới hạ nguồn.
Trong thời điểm khô hạn thiếu nước này, các đập này phải duy trì chức năng phát điện, nếu không họ mất tiền. Do vậy mỗi đập thủy điện đều hành xử theo cách không xem xét đến nhu cầu của những đập ở dưới hạ nguồn dòng sông, có nghĩa là họ giữ nước lại.
Tác động tích hợp của tất cả: đập Cảnh Hồng giữ nước, đập Xayaburi thử nghiệm vận hành cũng giữ nước, cộng với hơn 60 đập ở Lào, một đập ở Campuchia, cũng như những con đập ở thượng nguồn trung phần Việt Nam, Thái Lan; tất cả gộp lại gây tác động lớn đến dòng chảy hạ nguồn nước và thực sự làm trầm trọng thêm các vấn đề trong thời kỳ hạn hán..
Thanh Trúc: Thưa ông Brian Eyler, năm 2016 Việt Nam đã phải đối diện một trận hạ hán nghiêm trọng và lịch sử. Theo ông tình hình hạn hán Việt Nam năm 2019 này và những năm tới nữa sẽ như thế nào khi các đập lớn ở Trung Quốc và Lào vận hành ráo riết  và còn nhiều chục con đập khác đã lên kế hoạch xây dựng?
Ông Brian Eyler: Tôi nghĩ cần nhiều nhiều nghiên cứu sâu hơn để có thể đoan chắc về những tác động tạo nên hiệu ứng đáng nói hiện nay là El Nino cộng với việc Xayaburi của Lào chạy thử nghiệm cộng thêm sự giữ nước lại của đập Cảnh Hồng phía Trung Quốc.
Đối với tác động mưa mùa, chúng ta biết tiểu vùng Mekong đang chuyển từ khí hậu mùa khô sang khí hậu mùa mưa lẽ ra phải bắt đầu từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu. Đáng tiếc và đáng quan ngại là mùa mưa tính đến lúc này vẫn chưa xảy ra. Còn nhớ cùng  thời kỳ này năm ngoái  Mekong không thiếu nước vì những cơn bảo nhiệt đới liên tục khiến Lào bị vỡ đập vì  lượng nước tích tụ quá nhiều trong các hồ chưa. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác dẩn đến vỡ đập, tuy nhiên vào năm ngoài lượng nước quá nhiều. Số liệu cho thấy như thế. Và phổ dữ liệu rất lớn từ năm này sang năm khác khiến khó có thể quyết định về tác động.
Ủy Hội Sông Mekong thì vẫn phải liên tục theo dõi và tiếp tục nghiên cứu về những tác động của các đập trên dòng chính Mekong và cả trên các chi lưu. Đáng nói là theo dự kiến khoảng 500  đập sẽ được xây lên trong tương lai. 500 con đập là điều khó có thể tưởng tượng trên dòng sông Mekong này. Không ai rõ tác động nào sẽ đến; nhưng thật là đáng sơ.
Thanh Trúc: Ông nghĩ Việt Nam phải làm gì hầu giảm bớt tác động tai hại từ những đập thủy điện thượng nguồn?
Ông Brian Eyler: Phải chăng cơ hội để Việt Nam tự mình có thể làm gì xem ra không có mấy. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam. Cách để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô. Cứ nhìn những con đập đồ sộ của Trung Quốc, nhìn khoảng 300 con đập đã và đang sắp xây ở Lào trong tương lai.
Việt Nam cần làm việc với cả Lào, Campuchia, Trung Quốc trong hợp tác xúc tiến phương cách thay thế có thể chuyển đổi tương lai sản xuất thủy điện sang các nguồn điện khác; cũng như bàn bạc với các quốc gia thượng nguồn về những vấn đề như đòi hỏi các quốc gia thượng nguồn đừng tích nước mà phải xả nước xuống hạ nguồn trong thời gian khô hạn để lưu lượng dòng chảy được tự nhiên như bình thường. Đó là thông điệp duy nhất mà Việt Nam và những quốc gia hạ nguồn cần nói với nước thượng nguồn dù đó là nước nào.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Brian Eyler về cuộc phòng vấn này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-with-brian-eyler-07262019080938.html

Vì sao Trung Quốc

ưa quấy nhiễu Việt Nam ở Biển Đông?

Blogger Nguyễn Anh Tuấn
Năm năm kể từ khi kéo giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc nay lại tiếp tục thử lửa quốc gia láng giềng phương Nam bằng việc vừa gửi đội tàu khảo sát địa chấn vừa triển khai tàu cảnh sát biển trang bị vũ khí hạng nặng quấy rối giàn khoan của Việt Nam.
Trước chỉ là khảo sát, thăm dò, nhưng nay đã là quấy nhiễu, cản trở hoạt động khai thác dầu khí bình thường của Việt Nam, cho thấy bước leo thang mới của Trung Quốc trong một khu vực hứa hẹn sẽ còn căng thẳng hơn nữa bởi các tranh chấp chủ quyền phức tạp kéo dài.
Nhưng vì sao trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp trong khu vực, Việt Nam lại thường được Trung Quốc chọn để tạo tình huống căng thẳng dù trên danh nghĩa vẫn là đồng minh ý thức hệ?
Không dễ để có câu trả lời rốt ráo song những nhận định của Derek Grossmanchuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của RAND trong bài viết 2 tháng trước đây có thể phần nào đó gợi ý về lời giải.
Trong bài viết có tựa đề rất khiêu khích Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight (Quân đội Trung Quốc ưa đánh khởi động với Việt Nam) [1], Derek Grossman chỉ ra có ít nhất 3 lý do khiến Trung Quốc sẽ chọn Việt Nam, nếu muốn đánh khởi động.
Lý do thứ nhất đến từ nhu cầu của chính Trung Quốc khi mà quân đội nước này đang rất cần nâng cao kinh nghiệm tác chiến của hải quân và không quân. Tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là một kịch bản được chuẩn bị sẵn sàng để Giải phóng Quân (PLA) thực hành việc chiếm đảo, phòng thủ cũng như hợp đồng tác chiến trên biển chống lại một kẻ địch khu vực.
Lý do thứ hai có liên quan đến yếu tố Hoa Kỳ. Nếu phải chọn ai đó để khai chiến, Trung Quốc sẽ tránh những quốc gia có thể lôi Mỹ vào cuộc vì dù có nhiều tiến bộ song Giải phóng Quân vẫn chưa chuẩn bị đủ cho một cuộc đụng độ với siêu cường số một thế giới. Với Phillipines, tháng 3 vừa rồi Mỹ đã tái khẳng định một cuộc tấn công vào quân đội Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa hai quốc gia. Với Đài Loan, dù Hoa Kỳ không duy trì một liên minh an ninh chính thức song Luật Quan hệ Đài Loan lại đòi hỏi Washington phải bảo vệ Đài Loan trước các cuộc tấn công của Đại Lục. Riêng Việt Nam với chính sách 3 Không (không liên minh quân sự, không cho quân nước ngoài đồn trú, không hợp tác nước này chống lại nước khác) chắc hẳn sẽ khiến Trung Quốc an tâm hơn nhiều khi động binh.
Cuối cùng, Trung Quốc ưa thích một cuộc chiến mà họ nắm chắc phần thắng. Quân đội Việt Nam hiện khó có thể duy trì tác chiến lâu dài với Trung Quốc vì thua kém về năng lực, huấn luyện và nhân sự. Thêm nữa Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến trên không và trên biển, đặt ra nghi ngờ ngay cả với việc liệu họ có thể tiến hành hợp đồng tác chiến trên biển nổi hay không?
Nếu những lập luận của Derek Grossman là đúng thì sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang khiêu khích Việt Nam ở Biển Đông như những gì diễn ra hiện nay, bởi họ rất muốn, hoặc ít nhất là không ngại coi Việt Nam như bao cát để tập đấm.
[1] https://thediplomat.com/2019/05/vietnam-is-the-chinese-militarys-preferred-warm-up-fight/
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/cn-ha-vn-07252019124458.html

Căng thẳng Bãi Tư Chính: Lòng yêu nước

của người dân bị lợi dụng và phản bội

Cao Nguyên
Hôm 25/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thi Thu Hằng lần thứ ba lên tiếng chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển và khẳng định sẽ “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền”, đồng thời tiết lộ đã trao công hàm yêu cầu nước này phải rút ngay tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã điều tàu Hải Dương 8 cùng các tàu Hải cảnh vào khu vực bắc Bãi Tư Chính và trong Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của  Việt Nam.
Từ sau tuyên bố thứ hai hôm 19/7 của Bộ Ngoại giao, báo chí nhà nước được thoải mái đưa tin về sự kiện này. Hàng loạt các bài báo, phân tích bình luận được đăng tải mỗi ngày chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mạng báo VTC có bài “45 năm Trung Quốc leo thang với dã tâm chiếm trọn Biển Đông” điểm lại toàn bộ những sự kiện Trung Quốc đã tấn công vùng biển Việt Nam từ năm 1974 đến nay.
Vietnamnet có tít bài trước khi sửa chữa là “Huy động toàn dân để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của Dân tộc”. Không những chỉ thẳng Trung Quốc, những bài viết này sử dụng từ ngữ mạnh như “dã tâm, xâm chiếm, tham vọng bành trướng…” nhằm khơi gợi tinh thần chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong những năm qua. Tuy nhiên, khác với các năm 2007, 2011, 2012, 2014, lần này người ta không thấy những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc, biểu lộ lòng yêu nước của đông đảo người dân Việt Nam.
Không cần nhà nước bật đèn xanh
Lý giải về hiện tượng vắng bóng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, thành viên của đội bóng đá NO-U FC chủ trương chống “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông nhận định:
“Thực ra bây giờ, các bài báo đó không có tác dụng và ảnh hưởng lớn đến phong trào biểu tình chống Trung Quốc và các tổ chức xã hội dân sự nữa. Bởi vì từ trước đến nay, đã có rất nhiều cuộc xuống đường nhưng người tham gia cảm thấy uất ức là bởi vì lòng yêu nước của họ bị lợi dụng thậm chí là bị phản bội. Rất nhiều người bị đàn áp, bị đánh đập hoặc thậm chí là đi tù.
Gần như 100% ý kiến những người hoạt động liên quan đến các hoạt động chống Trung Quốc hay Đường Lưỡi Bò có cùng một ý kiến chung với nhau là bây giờ mọi việc đã như thế thì hãy cứ để cho Đảng và nhà nước lo trước đã.
Chúng ta có lịch sử 1000 năm Bắc thuộc nhưng vẫn giành lại được độc lập, nhưng trong bối cảnh nhập nhèm như bây giờ, nhân dân bảo vệ tổ quốc mà chính phủ lại đi đêm với Trung Quốc. Người dân đang rất quan tâm cần sự minh bạch trắng đen rõ ràng các đường lối chính sách của nhà nước trong tình hình thực tại.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng, người từng rất nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm 2011 trước khi bị chính quyền Hà Nội bắt giữ, đưa đi cải tạo với thời hạn 5 tháng khẳng định, bà sẽ không xuống đường dù có được chính quyền “bật đèn xanh”.
“Bản thân tôi đã nhiều lần bị bắt bớ cho nên nên bây giờ tôi xác định là sẽ không xuống đường theo lời kêu gọi của chính quyền.
Lần này khi Trung Quốc có có hành động xâm lược ở bãi tư chính trong khi bà Ngân – Chủ tịch Quốc hội lại đang thăm viếng Trung Quốc. Vì thế, người dân nghi ngờ rằng đây là một màn kịch.
Những lần trước, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không hề có một động thái gì để bảo vệ chủ quyền đất nước cả. Họ không cần người dân, cũng không vận động quốc tế, cũng không đưa Trung Quốc ra toà giống như một số nước khác đã làm.
Những hành động đó của nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy việc kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền đất nước chỉ là một sự mị dân lừa gạt thôi,”
Một người dân ở Sài Gòn giấu tên, có quan tâm đến tình hình đất nước, cũng khẳng định với phóng viên RFA rằngyêu nước không phải theo thời vụ:
“Yêu nước thì phải rõ ràng chứ không phải theo kiểu thời vụ lúc này lúc khác. Yêu nước không cần phải bị định hướng hay không phải hỏi bất cứ ai.
“Tôi thấy mặc dù ban tuyên giáo hay báo đảng đã “bật đèn xanh”, hô hào sự xuống đường (tuy họ ko nói trực tiếp nhưng có ý như vậy) nhưng người dân Việt Nam đã đủ tỉnh táo để hiểu rằng yêu nước là vô điều kiện, không cần ai cho phép, không cần ai bật đèn xanh, khi nào thấy cần thiết thì tự khắc xuống đường.”
Trả tự do cho những người tù lương tâm để huy động được sức dân
Từ năm 2007 đến nay, đã có ít nhất hàng chục người dân bị tòa án Việt Nam ghép các tội trạng khác nhau vì tham gia phản đối Trung Quốc trên mạng xã hội, hoặc trực tiếp xuống đường.
Năm 2008, nhà văn Phạm Thanh Nghiên bị bắt giữ và tuyên án 4 năm tù giam khi đang tọa kháng tại nhà với hai biểu ngữ yêu cầu chính phủ Hà Nội có thái độ cứng rắn đối với việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Trừơng Sa và Hoàng Sa.
Cách đây 5 năm, một số người tham gia biểu tình chống vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan  HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng bị lực lượng mặc áo Thanh niên xung phong ở TPHCM bắt giữ và đánh đập.
Trả lời cho câu hỏi “làm cách nào để chính quyền hiện nay có thể lấy huy động được sức dân nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”, người dân Sài Gòn không nêu tên bày tỏ:
“Lúc trước, chính quyền coi những người biểu tình là những kẻ bị xúi giục, phản động, gây rối. Tuy nhiên đến giai đoạn này thì họ dường như lại cần cái sự “phá rối” đó.
Nếu họ thật tâm thật lòng muốn người dân thể hiện sự phản đối chính quyền Bắc kinh. Họ phải làm một điều gì đấy như là thả những người bị bắt vì tham gia biểu tình. Họ phải hành động để người dân tin tưởng. Người dân đâu phải là con rối trong tay chính quyền!”
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động thường chụp ảnh các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đưa ra các giải pháp:
“Điều đầu tiên là đất nước này cần phải có sự dân chủ hóa, phải thay đổi Hiến pháp, phải loại bỏ điều 4 Hiến pháp và các điều chẳng hạn như là luật đất đai và lực lượng quân đội phải tách ra khỏi sự chỉ huy của đảng Cộng sản.”
Ngoài ra, còn rất nhiều việc khác mà tôi tin trong thời gian sớm thì nhà nước chưa thể làm ngay được. Ví dụ như thả các tù nhân lương tâm, những người lên tiếng chống bất công trong xã hội, những người biểu tình chống Trung Quốc và những người có khác biệt về quan điểm chính trị đã bị bắt giam.
Nếu nhà nước dám dũng cảm thay đổi để hòa giải với nhân dân thì tôi tin là sự tha thứ cũng như rộng lượng của người dân ngay lập tức sẽ thay đổi tất cả.”
Theo thống kê của Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam hiện vẫn còn giữ ít nhất khoảng 128 tù nhân lương tâm, rất nhiều người trong số này bị bắt giữ vì lên tiếng ôn hòa trên mạng xã hội.
Điểm lại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
Gần như những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam trong những năm gần đây đều có yếu tố Trung Quốc.
Ngày 9/12/2007, hàng trăm người đã tập trung biểu tình chống Trung Quốc tại cả Hà Nội, Sài Gòn phản đối vụ việc Trung Quốc sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đảo Hải Nam của Trung Quốc, lập nên Thành phố Tam Sa.
Tại Sài Gòn, bản Tuyên cáo của người Việt Nam yêu nước được ký tên bởi hơn 3000 người, có sự tham gia của giới văn nghệ sĩ trong đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Sáng ngày 29/4/2009, một cuộc biểu tình tại Hà Nội nhằm phản đối sự kiện rước ngọn đuốc Olympics Bắc Kinh đã bị dập tắt nhanh chóng. Nhiều người bị bắt chỉ khoảng 15, 20 phút ngay sau thời điểm bắt đầu.
Ngày 5/6/2011, biểu tình nổ ra ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Những người tập trung trước tòa đại sứ Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tránh xa các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Nguyên nhân là do sự kiện một tàu hải giám Trung Quốc cố ý cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khi con tàu đang tiến hành các cuộc khảo sát dầu khí ở Biển Ðông.
Liên tiếp những ngày cuối tuần sau đó, Hà Nội liên tục biểu tình phản đối Trung Quốc cho đến đầu tháng 8/2011, khi mà chính quyền Việt Nam thẳn tay đàn áp, bắt bớ người tham gia biểu tình.
Mùa hè năm 2012, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc mời thầu dầu khí trong vùng biển Việt Nam và quyết định để thành phố Tam Sa quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2014, Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí HD-981 diễn ra trong tháng Năm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá… Đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình tại Bình Dương và Hà Tĩnh đã dẫn đến bạo động, phá hoại tài sản nhắm vào các công ty có tiếng Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Singapore hay cá biệt là Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Sau vụ việc này, chính quyền Việt Nam đã đàn áp thẳng tay những người tham gia biểu tình, bắt bỏ tù ít nhất 3 nhà hoạt động thuộc Hội Anh em dân chủ đang quay phim, chụp hình đoàn biểu tình.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vanguard_bank_intension-07262019112647.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.