Tin Việt Nam – 22/07/2019
Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019
19:40
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Không có bằng chứng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ
nhưng vẫn phải truy tố
Kết luận của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Tp HCM cho biết không đủ cơ sở kết luận giám định bàn tay trái ông Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé hay không.
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM công bố kết luận điều tra bổ sung vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, về vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở Sài Gòn. Truyền thông trong nước loan tin ngày 22 tháng 7.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP.HCM cho biết vẫn tiếp tục đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Luật sư của ông Linh lên tiếng rằng sau hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung thì vẫn chỉ xác định ông Linh có hôn vào má của bị hại và điều này cũng được ông Linh thừa nhận.
Cũng theo báo trong nước thì cha mẹ người bị hại vẫn xác định ngoài việc ông Linh hôn vào má thì không có hành vi dùng tay sờ, bóp vào bộ phận sinh dục của bị hại.
Hôm 18/6/2019, truyền thông trong nước dẫn biên bản lời khai, biên bản giao nhận kết luận điều tra và hỏi cung cho thấy ông Nguyễn Hữu Linh, thừa nhận có ôm hôn bé gái 3 lần nhưng không cho rằng đó là hành vi dâm ô.
Hôm 2/4/2019, các trang mạng xã hội nóng lên với video clip cho thấy ông Nguyễn Hữu Linh đã có những hành động sờ mó, hôn hít một bé gái ngay trong thang máy.
Ngay sau đó, trưởng ban quản lý chung cư nơi vụ việc xảy ra đã mời ông Linh xuống làm việc với sự có mặt của cha mẹ nạn nhân. Tại buổi làm việc ông Linh đã nhận mình là người trong clip và xin lỗi gia đình cháu bé. Tuy nhiên, do sợ mất danh dự nên ông Linh đã khai mình là Nguyễn Văn Hưng với số chứng minh thư khác.
Ngày 22/5/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4 đã ký quyết định truy tố ông Nguyễn Hữu Linh với tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Vào ngày 25/6/2019, sau nửa ngày xét xử, Tòa án Nhân dân Quận 4 trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án vơi lý do bị cáo Nguyễn Hữu Linh không thừa nhận truy tố của Viện Kiểm Sát Nhân dân Quận 4, Tp HCM về tội danh ‘dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Tài xế Hà Văn Nam và 6 người khác
chống BOT bẩn sắp ra tòa
Tin từ Dự án 88 cho biết vào ngày 30 tháng 7 tới đây tài xế Hà Văn Nam, người phản đối BOT bẩn cùng 6 người khác có cùng hoạt động, sẽ bị tòa án tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo Điều 318, Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Tài xế Hà Văn Nam và những người trong ‘Nhóm Bạn Đường Xa’ công khai phản đối những trạm thu phí đường bộ BOT trên cả nước bị cho đặt sai vị trí và thu phí quá mức hay quá thời hạn đầu tư.
Chị Đặng Thị Huệ (Facebook Huệ Như), người cùng đồng hành với các tài xế phản đối BOT bẩn, hôm 22/7 xác nhận Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Vài ngày 30 tháng 7, sẽ diễn ra phiên tòa xử Hà Văn Nam cùng 6 người khác BOT Phả Lại, Quế Võ, Bắc Ninh. Phiên tòa lưu động sẽ diễn ra tại xã Đào Viên, huyện Quế Võ. Nhưng vấn đề là họ đưa ra xử lưu động tại một địa điểm cách xa BOT Phả Lại 10km, không liên quan gì, và người dân ở đó cũng không biết gì đến vụ án hà Văn Nam. Có nghĩa là phiên tòa xử lưu động nhưng không có tính chất răn đe như bản chất một phiên tòa lưu động thường có.”
Tài xế Hà Văn Nam bị lực lượng công an đến bắt vào ngày 5 tháng 3 tại nơi cư ngụ ở Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với cáo buộc ‘gây rối trật tự’ liên quan đến cuộc phản đối ngày 31 tháng 12 năm ngoái ở trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến Quốc lộ 18 thuộc địa phận xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Ông này từng bị công an bắt và đánh trọng thương vào ngày 28 tháng 1 năm nay khi đang cùng một số tài xế khác phản đối hoạt động thu phí sai qui định tại trạm thu phí BOT An Sương, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lúc đó tài xế Hà Văn Nam chỉ bị giam giữ vài giờ rồi được thả ra.
Vào ngày 15 tháng 7 vừa qua, tài xế Vũ Ngọc Hoàng, người phản đối trạm thu phí BOT An Sương bằng cách đâm gãy một thanh chắn của trạm, bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 18 tháng tù giam với cáo buộc ‘cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Xe biển số xanh nối nhau
đi ăn tiệc cưới gia đình đại biểu quốc hội
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 21 tháng 7 năm 2019 loan tin, những ngày gần đây, người dân tỉnh Sóc Trăng xôn xao chuyện đám cưới to nhất tỉnh của con Trưởng đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh này.
Theo đó, bà Hồ Thị Cẩm Đào là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đám cưới cho con mình với 4 tiệc rượu diễn ra trong 3 ngày. Để chuẩn bị cho đám cưới lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, bà Đào đã cho in nhiều thiệp mời chia giờ, và phân loại khách ra để đãi ở những nơi khác nhau. Cụ thể, bà Đào đã chia thành tiệc tiền nhóm họ, tiệc nhóm họ, tiệc đãi khách tại nhà riêng, và tiệc đãi khách tại nhà hàng từ chiều 19 đến chiều ngày 21 tháng 7. Trong đó, tiệc “tiền nhóm họ” là dành riêng cho những quan chức chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng.
Và để đáp lại “tấm lòng” của bà Đào, nhiều quan chức của tỉnh này đã dùng hàng loạt xe hơi công vụ để phục vụ việc đi đám cưới con bà Trưởng đoàn đại biểu quốc hội một cách trái quy định.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh sóc Trăng cho rằng, gia đình bà Đào tổ chức tiệc cưới như vậy là không nên. Việc dùng xe công vụ đi đám cưới là không đúng. Ở tỉnh này đã từng xảy ra và sự việc đã được giải quyết, nhưng bây giờ lại tái diễn.
An Nhiên
Việt Nam nên dùng biện pháp pháp lý
trên vấn đề Biển Đông
Nhân việc phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ Philipines khời kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông tròn 3 năm, chúng ta cùng nhau trao đổi về việc Việt Nam sử dụng đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông như thế nào.
Việt Nam là một nước nhỏ, nhưng có rất nhiều lợi ích ở Biển Đông, bao gồm các lợi ích kinh tế và an ninh. Về kinh tế, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng với Việt Nam, kinh tế biển luôn đóng góp một tỉ trọng lớn trong nền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội cũng ý thức được vấn đề này nên trong năm 2018 đã đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Còn về mặt an ninh, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3000km, chạy dọc từ Bắc chí Nam; Biển Đông án ngữ toàn bộ phía Đông của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm thế nào để giữ được an ninh từ phía Đông mà chính quyền Bắc Kinh luôn nhòm ngó và o ép, đồng thời bảo vệ được những quyền lợi biển của mình để thực hiện các mục tiêu kinh tế biển.
So với anh bạn láng giềng phương Bắc thì Việt Nam thật là nhỏ bé cả về quy mô đất nước lẫn tiềm lực kinh tế nên khó có thể dùng sức mạnh quân sự hay kinh tế để chống lại. Trong bối cảnh, những người cầm quyền Bắc Kinh không từ bỏ ý đồ thôn tính các vùng biển, đảo của Việt Nam thì biện pháp duy nhất để chống lại là dùng pháp lý. Chính quyền Hà Nội chủ trương giữ hòa khí với Bắc Kinh là đúng đắn, đó cũng là sách lược của các triều đại Việt Nam đã làm để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải dùng vũ khí pháp lý để chống lại sự bá quyền trên biển của Bắc Kinh.
Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền Hà Nội đã bỏ lỡ cơ hội khi Philippines khởi kiện Trung Quốc về các yêu sách biển phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Chính quyền Hà Nội đã không tranh thủ việc này để dùng pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.
Trước hết, có thể thấy do Việt Nam không tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines nên phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7/2016 không có những nội dung liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Đây là một thiệt thòi cho Việt Nam vì nếu tham gia Việt Nam có điều kiện nêu các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa để Tòa ra phán quyết.
Đối với Hoàng Sa, chính quyền Hà Nội cần sớm dùng pháp lý bởi lẽ từ năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa, đến nay đã là 45 năm. Việt Nam cần có động thái đấu tranh về pháp lý với Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa. Mặc dù, Việt Nam có nhiều tư liệu lịch sử khẳng định việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa từ các triều đại phong kiến thế kỷ 17-18 và những tài liệu liên quan đến quản lý Hoàng Sa của Pháp trong thời kỳ là thuộc địa của Pháp, song việc khởi kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa là không hiện thực vì Trung Quốc không chấp nhận. Nếu có khởi kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa thì cũng chỉ có ý nghĩa chính trị, Tòa sẽ không xem xét để phân giải.
Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc liên quan đến việc áp dụng và thực thi những quy định của UNCLOS 1982 ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 của Công ước như cách Philippines đã khởi kiện Trung Quốc năm 2013 và Tòa ra phán quyết ngày 12/7/2016. Những nội dung Việt Nam có thể khởi kiện như: (i) việc Trung Quốc vạch đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa là trái với UNCLOS 1982; (ii) việc Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về đối xử nhân đạo với ngư dân, tàu cá; (iii) đề nghị Tòa ra phán quyết các thực thể thuộc Hoàng Sa không đủ điều kiện là đảo theo Điều 121 UNCLOS 1982 nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải giống như Tòa đã ra phán quyết đối với các thực thể thuộc Trường Sa trong phán quyết ngày 12/7/2016; (iv) việc Trung Quốc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Hoàng Sa gây tổn hại đến môi trường biển; (v) việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc ở Hoàng Sa, liên tiếp tiến hành diễn tập quân sự ở khu vực này đe dọa an toàn, tự do hàng hải, hàng không….
Nếu như trước đây còn nhiều ý kiến lo ngại Tòa không có thẩm quyền do Trung Quốc phản đối, nhưng sau chiến thắng vang dội của Philippines trong vụ kiện Biển Đông với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thì mối lo ngại này đã được giải tỏa. Với những nội dung khởi kiện liên quan đến Hoàng Sa như nêu ở trên, Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 UNCLOS 1982 hoàn toàn có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Việt Nam bất chấp việc Trung Quốc tẩy chay và không chấp nhận thẩm quyền của Tòa.
Vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng đã mở ra cơ hội sử dụng pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và trở thành một án lệ hữu ích cho Việt Nam. Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã tuyên bố rất rõ ràng rằng không ra phán quyết về vấn đề chủ quyền hoặc phân định biên giới trên biển nên phán quyết hoàn toàn không ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Việc phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” cũng như phán quyết các cấu trúc thuộc Trường Sa không phải là đảo, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng là một thuận lợi rất lớn cho Việt Nam trong các cuộc tranh tụng sau này. Vấn đề là quyết định cuối cùng của chính quyền ở Hà Nội, có dám đứng ra để khởi kiện không hay còn e ngại Bắc Kinh.
Để có được quyết sách về sử dụng pháp lý, chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đắn rằng khởi kiện hay dùng pháp lý nói chung là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp một cách văn minh để tránh nguy cơ xung đột, chiến tranh. Hơn nữa, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên UNCLOS 1982; Trung Quốc còn là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên càng phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với hòa bình, ổn định.
Từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999 và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 đến nay đã gần 20 năm, hai bên đã đàm phán khá nhiều nhưng chưa giải quyết thêm được bất cứ vấn đề nào trong tranh chấp Biển Đông. Chính quyền Hà Nội nghĩ rằng có thể thông qua đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền biển đảo và những quyền lợi trên biển của Việt Nam là một suy nghĩ viển vông, không hiện thực. Do mục tiêu của Trung Quốc là khống chế, thôn tính Biển Đông, họ sẽ không từ bỏ ý đồ này và ngày càng tìm cách bắt nạt các nước trong đàm phán song phương với các nước. Việc Trung Quốc đàm phán với các nước chỉ là để che đậy những mưu đồ xấu xa của họ, chứ nếu thực tâm muốn giải quyết vấn đề Biển Đông thì đã có thể giải quyết được.
Việt Nam cần sẵn sàng cho phương án đưa tranh chấp Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế. Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho các vấn đề liên quan và đào tạo đội ngũ luật sư đủ năng lực có thể tranh tụng tại Tòa, Việt Nam cần lựa chọn thuê các luật sư nước ngoài giỏi, có kinh nghiệm tranh tụng quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần có những Tuyên bố công khai bày tỏ quan điểm trên các vấn đề pháp lý ở Biển Đông (chẳng hạn như về quy chế các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, Trường Sa; thừa nhận những cấu trúc ngầm mà phán quyết ngày 12/7/2016 đã tuyên bố thuộc quyền của Philippines như bãi Cỏ Rong, bãi Cỏ Mây…). Việt Nam cũng cần xem xét điều chỉnh những gì chưa phù hợp với luật pháp quốc tế như đường cơ sở thẳng mà Việt Nam tuyên bố ở khu vực phía Nam, trong đó lấy đảo Côn Đảo và đảo Phú Quý cách bờ biển Việt Nam gần 30 hải lý làm điểm cơ sở. Việc điều chỉnh này không thu hẹp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam hiện nay của Việt Nam vì Côn Đảo và Phú Quý đủ điều kiện là một đảo theo điều 121 UNCLOS 1982 nên có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Việc Việt Nam điều chỉnh đường cơ sở phía Nam thể hiện rõ sự tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sử dụng pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Nhân kỷ niệm 3 năm phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, xin nêu một số vấn đề từ góc độ pháp lý để nhà chức trách Hà Nội có thể tham sử dụng trong đấu tranh chống lại sự bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, bảo vệ quyền và những lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.
Tại sao Việt Nam
cần phải kiện Trung Quốc lần này?
Dư luận trong và ngoài nước tiếp tục nóng lên qua việc Trung Quốc ngang nhiên đem tàu thăm dò địa chấn tới bãi Tư Chính trong hai tuần qua. Hành động này không mới vì nước này từng làm những việc tương tự trong nhiều năm qua đối với nhiều nước trong đó có Việt Nam và Philippines. Riêng với Việt Nam đây là lần thứ hai sau vụ dàn khoan Hải Dương 981 chiếm dụng vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam trong nhiều tuần lễ còn lần này tuy ngắn hơn nhưng bản chất không hề kém.
Truyền thông Việt Nam lặng lẽ chờ Ban tuyên giáo bật đèn xanh trong khi mạng xã hội là nơi phản ứng dữ dội và nhiều người tin rằng lần này chính quyền Hà Nội đã có một thỏa thuận ngầm nào đó nên đành ngậm tăm chờ khi thuận tiện.
Rất may, chỉ hai tuần sau, ngày 19 tháng 7, cơ hội thuận tiện đã tới khiến cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng công bố nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Quan trọng hơn bà Hằng còn cho biết “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.
Tiết lộ này làm cho cộng đồng mạng phần nào hả hê lẫn … thất vọng, hả hê vì biết đất nước chưa đến nỗi bị đem ra đấu giá nhưng thất vọng vì cách ứng xử của Việt Nam vẫn tồn tại yếu tố “hòa bình và ổn định” là chiếc ổ khóa vạn năng mà Trung Quốc tặng cho Việt Nam sau Hội nghị Thành Đô, đánh dấu một tiến trình mới của hai đảng Cộng sản mà người cầm chiêc chìa mở khóa lại là Trung Quốc.
Nếu Việt Nam bị hòa bình và ổn định khóa chặt mọi nỗ lực vượt ra khỏi tầm khống chế của Trung Quốc thì Philippines, một nước nhỏ hơn Việt Nam nhưng ý chí bảo vệ đất đai lãnh thổ lớn hơn Việt Nam rất nhiều thông qua việc nước này thẳng thừng kiện Trung Quốc vào ngày 22 tháng 1 năm 2013 tại Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) kiện Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền Đường lưỡi bò đối với Biển Đông.
Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. Tòa án tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tòa cho rằng Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.
Trong vụ kiện này người ta chú ý tới một yếu tố đó là Trung Quốc từ chối tham dự vào cuộc phân xử, cho rằng nhiều hiệp ước với Philippines đặt điều kiện cho những đàm phán song phương có thể được thỏa thuận để giải quyết những tranh cãi về biên giới.
Hành động này làm cho giới quan sát quốc tế liên tưởng tới Công hàm Phạm Văn Đồng, một văn bản được xem là “thỏa thuận” quan trọng hạn chế Việt Nam không thể đem Trung Quốc ra tòa như Trung Quốc từng áp dụng với Philippines và vì vậy Bắc Kinh mặc tình tung hoành trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền như vụ Bãi Tư Chính đang xảy ra hiện nay.
Bãi Tư Chính hay bãi cạn Tư Chính, bãi ngầm Tư Chính, tiếng Anh: Vanguard là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông. Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa mặc dù Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bãi Tư Chính cách đất liền Việt Nam 220 hải lý về phía đông nam và cách bãi Phúc Nguyên 30 hải lý về phía nam tây nam. Về mặt hành chính, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính quyền Việt Nam lắp đặt nhà giàn DK1 có cấu trúc thép kể từ năm 1989. Về sau, mẫu nhà giàn được thiết kế lại, rộng rãi và vững chắc hơn, có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Hiện có ba nhà giàn đang hoạt động tại Bãi Tư chính. Binh sĩ đồn trú thuộc biên chế Tiểu đoàn DK1, lúc đầu thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Nhân dân Việt Nam, về sau trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Đây là một thực tế cho thấy Việt Nam đã có mặt và phân định những hoạt động thường xuyên trên vùng biển này từ trước. Nhiều tập đoàn dầu khí nước ngoài có hợp đồng khai thác với Việt Nam đang làm việc tại Bãi Tư chính. Khu vực này có nhiều túi dầu và Việt Nam đang sở hữu.
Qua sự cố tàu Trung Quốc công khai hoạt động trên vùng biển này có thể tác động xấu đến nhận thức của người dân Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến các tập đoàn dầu hỏa quốc tế đang có hợp đồng khai thác dầu khí. Nhận thức của người dân vĩnh viễn cho rằng là một nước có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không thể nào nhịn nhục tới mức bị xem như bán đứng đất đai, chủ quyền cho Trung Quốc qua cách ứng xử như thường thấy, mặc dù người dân rất thông cảm cho sự thua sút về khí tài quân sự của Việt Nam so với Trung Quốc bao nhiêu chăng nữa. Bài học Philippines khiến cho dân chúng Việt Nam mạnh mẽ tin rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì thái độ của Bắc Kinh sẽ thay đổi nhiều phần lợi hơn cho Việt Nam chứ không thể bị Trung Quốc tiếp tục chèn ép tồi tệ như trước đây chỉ đề mang một phần lợi duy nhất về cho Dảng cộng sản Việt Nam.
Trong vụ kiện của Philippines, Ông Dương Danh Huy thuộc nhóm Nghiên cứu Biển Đông nhận định rằng sau khi Hội đồng Trọng tài kết luận quần đảo Trường Sa không có EEZ, trong khi Trung Quốc cũng không được đòi quyền lịch sử trong EEZ của nước khác, thì nếu Trung Quốc lấn lướt trong bãi Tư Chính hay bồn trũng Nam Côn Sơn, chẳng hạn, thì đó không phải là tranh chấp mà là gây hấn trong EEZ và thềm lục địa của nước khác, và cộng đồng quốc tế có thể ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ mà không vi phạm nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”.
Một chuyên gia khác, ông Robert Beckman, giám đốc Chương trình Chính sách và Luật Đại dương, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), có bài viết được đăng lần đầu trên trang The Straits Times sau đó được Nghiên Cứu Biển Đông dịch và in lại cho biết: “Phán quyết của toà trọng tài cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. Toà trọng tài đã tuyên rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác nằm trong đường chín đoạn, và không một đảo có tranh chấp nào được phép có vùng đặc quyền kinh tế của riêng nó, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý dựa trên Công ước để yêu sách rằng mình có quyền chia sẻ hoạt động đánh bắt cá hoặc nguồn khí hydrocarbon ở trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước có yêu sách trong ASEAN trong khu vực Biển Đông.
Nếu Trung Quốc tiếp tục xem Biển Đông là sân sau của mình thì Việt Nam cũng không nên tự nguyện làm hàng rào cho cái sân ấy.
Việt Nam không thể hết lần này tới lần khác thúc thủ chịu trận trước sự thách thức của Trung Quốc. Việt Nam không thể chờ đợi ngày mà Trung Quốc yếu đi hay Việt Nam mạnh hơn để có thái độ quyết đoán. Cho dù một vụ kiện như Philippines xảy ra lần nữa thì Việt Nam cũng đã đặt được một viên gạch trước cửa tòa án Quốc tế nói lên sự minh bạch và quyền hạn của mình trước chủ quyền đất nước.
Một vụ kiện Trung Quốc sẽ đánh động lòng yêu nước của nhân dân, sức mạnh duy nhất khiến Đảng có thể tại vị chứ không phải nhờ vào “hòa bình và ổn định” như Trung Quốc mớm lời. Khi dân tin vào chính quyền có ý chí chống lại Trung Quốc là lúc mọi nghi ngờ về sự thỏa hiệp sẽ không có cơ sở tồn tại và vì thế cho dù có khó khăn đi nữa lãnh đạo Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội lần này.
Một vụ kiện có thể thay đổi nhận thức của các nước Tây phương về vị thế thật sự của Việt Nam tại sao không làm?
Tàu TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa Việt Nam: Công lý đứng về phía Việt Nam!
Hành vi của tàu Trung Quốc là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 19/7/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7/2019 liên quan đến diễn biến ở khu vực biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông”.
Để xác định tính chất và mức độ vi phạm tại hiện trường gây ra bởi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc ở khu vực Nam biển Đông cần xem xét đến những căn cứ pháp lý, qua đó đánh giá lập trường của các bên liên quan.
TS Trần Công Trục – nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, một trong những người đầu tiên tham gia biên dịch các tài liệu và nội dung Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 ra tiếng Việt, chia sẻ với VTC News những vấn đề giúp độc giả hiểu rõ hơn về vụ việc.
- Thưa Tiến sĩ, căn cứ pháp lý nào để Việt Nam có thể khẳng định đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình?
Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016, chúng tôi đánh giá rằng lời khẳng định nói trên của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là khá thuyết phục, vì nó có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Bởi vì, khu vực phía Nam biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện cũng xấp xỉ khoảng trên dưới 200 hải lý.
Chúng tôi nhấn mạnh đến khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý; bởi vì còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý, nếu chứng minh được bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý .
Vì vậy, Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.
Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
- Vậy cơ sở nào mà Trung Quốc lại nguỵ biện rằng khu vực mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang hoạt động nằm trong phạm vi “quần đảo Nam Sa” thuộc lãnh thổ của Trung Quốc?
Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc. Nhưng lập luận ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, và đặc biệt là đã bị Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016 bác bỏ.
Cụ thể, liên quan đến quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý của quần đảo Trường Sa, Tòa trọng tài đã tuyên:
- Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thủy triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy;
- Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. Các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”;
- Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Theo đó, các bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong… là những rạn san hô, bãi cát ngầm ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển được Tòa xác định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines. Tuy nhiên, Tòa đã nói rất rõ: Phán quyết của Tòa không giải quyết vấn đề chủ quyền/phân định biển.
- Có thể hiểu là riêng vấn đề chủ quyền đối với Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong…, toà không ra phán quyết. Vậy các bên liên quan sẽ phải giải quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc nào, thưa ông?
Theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Và, lúc đó, các bên liên quan sẽ phải chứng minh bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong… về mặt địa chất, địa mạo là một phần của quần đảo Trường Sa hay chỉ là một bộ phận cấu thành thềm lục địa của một quốc gia ven biển liên quan theo quy định của UNCLOS 1982.
Tất nhiên, khi bàn thảo về nội dung này, người ta không thể không đề cập đến quần đảo Trường Sa bao gồm những thực thể nào, phạm vi của nó đến đâu. Liên quan đến phạm vi quần đảo Trường Sa, hiện nay chưa có bên liên quan nào công bố chi tiết, chính thức. Nếu nghiêm túc dựa vào các quy định của UNCLOS, đối chiếu với trạng thái tự nhiên của chúng trên thực tế và với một thái độ thật sự cầu thị, thiện chí, khách quan, chắc chắn sẽ tìm ra được những đáp số chuẩn xác nhất.
Bởi vì, Phán quyết của Tòa trọng tài đã cung cấp và giải thích cho chúng ta những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng; có thể được xem như là một Phụ lục của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; giúp cho chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong biển Đông trước những tính toán giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 của Trung Quốc hòng độc chiếm biển Đông, không chỉ những nội dung mà Phán quyết Tòa trọng tài đã tuyên, mà còn các nội dung khác nữa.
- Xin ông cho biết cụ thể Trung Quốc có những hành động gì để thực hiện hóa yêu sách ngang ngược của mình? Và Việt Nam có những phản đối mạnh mẽ ra sao với các hành động ngang ngược đó?
Để hiện thực hóa yêu sách của mình, ngày 8/5/1992, một công ty nhỏ của Mỹ, Crestone Energy Corporation, được Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một phạm vi biển rộng đến 25.155 km² mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính. Đồng thời, Trung Quốc cũng ký hợp đồng giao 5.076 km² biển tại bãi Tư Chính cho doanh nghiệp này.
Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc, trong khi vẫn tiến hành cấp quyền một lô dầu khí cạnh đó cho hãng Mobil của Mỹ. Đến năm 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò lô Vạn An Bắc 21 (theo cách gọi của Trung Quốc) nhưng Việt Nam đã kiên quyết ngăn cản nên Công ty này phải dừng hoạt động. Cũng trong năm này, Việt Nam thuê Công ty Vietsovpetro tìm cách khoan một giếng dầu trong khu vực.
Hai năm sau, vào năm 1996, Việt Nam đã ký hợp đồng với hãng Conoco của Mỹ thăm dò dầu khí tại hai lô 133 và 134, bao trùm diện tích 14.000 km² tại vùng biển hầu như trùng khớp với vùng biển mà Trung Quốc giao cho Crestone năm 1992. Trung Quốc xem hành động của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị, đồng thời cảnh cáo trực tiếp Công ty Conoco. Việt Nam cho rằng, không cần phải thảo luận với Trung Quốc về hợp đồng dầu khí, bởi lẽ vùng khai thác thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
- Thưa ông, vậy chủ chương và phương thức ứng xử của Việt Nam là như thế nào?
Nội dung tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của UNCLOS 1982. Chúng tôi đánh giá cao và xin nhấn mạnh đến biện pháp đấu tranh ngoại giao và phương thức ứng xử trên thực tế của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam khi phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương 8.
Về đấu tranh ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và phạm vi xảy ra vi phạm và xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước Công đồng khu vực và quốc tế, Cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành.
Nội dung các văn kiện ngoại giao theo chúng tôi cũng đã phản ánh đầy đủ lập trường nói trên của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể vì lý do nào đó, chúng không nhất thiết phải được công bố công khai. Đó là một thực tế thông thường trong cách ứng xử giữa cac quốc gia trong quan hệ quốc tế. Dù công bố hay không, giá trị pháp lý vẫn không thay đổi.
- Còn những ứng xử của các lực lượng chấp pháp tại hiện trường, thưa ông?
Về những động thái ứng xử của các lực lượng chấp pháp tại hiện trường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”. Chúng tôi xin được bình luận sâu hơn về thông tin này:
Như chúng tôi đã phân tích, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình,Nghiên cứu khoa học về biển, Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
Các quốc gia khác, có biển và không có biển, có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
Hơn nữa, cũng xin được lưu ý rằng, theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện, đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp… Chẳng hạn, Điều 73, UNCLOS 1982, quy định:
- Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước;
- Khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này;
- Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác;
- Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó.
- Như vậy, khi áp dụng các biện pháp đấu tranh tại hiện trường xảy ra vụ việc, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam phải lưu ý điều gì, thưa ông?
Có thể thấy rằng, khi áp dụng các biện pháp đấu tranh tại hiện trường xảy ra vụ việc để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một biện pháp nào đó, chứ không thể xử lý theo cảm xúc, chủ quan. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị mắc bẫy của đối phương khi họ kiếm cớ để gây khủng hoảng dẫn tới đụng độ, nhằm nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu chiến lược của họ.
Điều này còn là bài học, lời cảnh tĩnh đối với chúng ta, với tư cách là những công dân bình thường, khi tiếp cận với những thông tin không được kiểm chứng hòng kích động dư luận, gây bất ổn về chính trị, vì những động cơ chính trị; còn với tư cách là những cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh chính trị, pháp lý, tuyên truyền, giáo dục, trước hết, phải nâng cao kiến thức pháp lý của mình để chỉ đạo hay trực tiếp tham gia quá trình xử lý đúng đắn và thích hợp, đồng thời, có trách nhiệm thông tin kịp thời, chuẩn xác, rõ ràng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, trong bối cảnh có nhiều thông tin thiếu kiểm chứng đang tràn ngập trên các mạng xã hội ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Việt Nam yêu cầu TQ
rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế
Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết đã nhiều lần tiếp xúc với Trung Quốc sau khi nước này đưa nhóm tàu khảo sát xâm phạm biển của Việt Nam ở nam Biển Đông.
“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong thông cáo hôm nay.
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, bà Hằng nêu rõ.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam, theo người phát ngôn.
Theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh
vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Đối với thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó.
Hôm 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.
“Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”, bà Hằng nói.
Cuối cùng, nạn nhân bị cướp đã bớt ‘hèn với giặc’!
Phải mất đến hai tuần lễ ‘cân nhắc đại cục’, đến chiều ngày 19/7/2019 Bộ Chính trị đảng Việt Nam mới chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao của chế độ này mở miệng: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông”.
Lần mở miệng hiếm muộn
Lần mở miệng trên là một dịp quá hiếm muộn mà giới chóp bu Việt Nam dám gọi đích danh cái tên Trung Quốc, thay cho não trạng suy sụp về ‘tàu lạ’ và ‘người lạ’ trong rất nhiều lần trước.
Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xông thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2014 như một cái tát nảy đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam, Hà Nội đã chỉ dám hé môi ‘càm ràm’ đích danh cái tên Trung Quốc với độ trễ sau đó đến cả tháng trời.
Còn trong hai lần tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc Repsol – một công ty Tây Ban nha là đối tác liên doanh khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như chẳng thấy ‘người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam’ vung tay về phương Bắc, dù chỉ để ấp úng ‘phản đối’ như một lối đọc vẹt chẳng cần tới sách vở.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.
Vẫn chưa hết run sợ
Sau vụ “giương cờ trắng” lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vào tháng 3 năm 2018 vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải.
Ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam: tháng 3 năm 2018, một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol hơn 200 triệu USD chi phí ban đầu (có ước tính cho biết con số này còn cao hơn, có thể lên đến hơn 300 triệu USD), nhưng đã không thể, và trong thực tế là còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.
Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị – ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền – và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’. Nếu chấp nhận đề nghị này, giới chóp bu Việt Nam đương nhiên phải mời kẻ cướp vào nhà mình và tự nguyện dâng hiến tài sản cho y.
Chưa bao giờ ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị thách thức và đe dọa đến thế: tiền nằm ngay trong túi mà không làm sao lấy ra được.
Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng ngân sách trước những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Có cầu cứu Mỹ một cách thực chất?
Hiện tượng Bộ Ngoại giao, mà đằng sau đó là bộ Chính trị Việt Nam, rốt cuộc đã phải và dám gọi đích danh Trung Quốc “đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông” trùng với những tin tức về việc tàu Hải Dương – 8 và những tàu cảnh sát biển vẫn ung dung ngự trị ngay gần đảo Trường Sa Lớn và vẫn tiếp tục ‘thăm dò dầu khí’ như chốn không có chủ quyền, phát ra chỉ dấu Bắc Kinh không hề có ý định rút tàu Hải Dương – 8 về nước, mà còn có thể thi hành chiến thuật ‘vờn tàu’ với phía Việt Nam trong một thời gian nữa – tương tự cái cách mà Hải Dương 981 và nhiều tài hải giám đã xung sát với tàu Việt Nam vào năm 2014.
Cú vỗ mặt trên lại xảy ra ngay trong và sau chuyến thăm Trung Quốc của Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch quốc hội – như một thông điệp không thể cởi mở hơn của Bắc Kinh về việc muốn biến Việt Nam thành chư hầu và biến giới quan lại Việt thành một đám quần thần thành ‘ngựa xe mấy cỗ quân hầu vài tên’.
Rốt cuộc, những chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã một lần nữa nắm thóp được tâm lý sợ hãi đến mức ‘đái ra quần’ của giới chóp bu Việt Nam. Vụ Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương – 8 xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2019 chỉ là bước thăm dò ‘bản lĩnh Việt Nam’ thêm một lần nữa, để nếu Hà Nội vẫn không có nổi một động tác ngả mạnh về Mỹ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục những đòn gây hấn mới hơn và khó chịu hơn nhiều, với hai mục tiêu song hành: vừa buộc Việt Nam phải chia bôi nguồn dầu khí khai thác được ở Bãi Tư Chính, vừa chặn lối chuyến đi Mỹ sắp tới của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.
Vậy vào lần này, khi bị ‘đồng chí tốt’, hay còn gọi là ‘bạn vàng’ và cũng là ‘đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất’ hung hãn bắt nạt ở Bãi Tư Chính – khu vực ‘thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, giới chóp bu Việt Nam sẽ phản ứng thế nào? Liệu sẽ vẫn chịu ‘nuốt nhục’, mà thực chất là ‘hèn với giặc’ như nhiều lần trước, hay sẽ tỏ ra can đảm hơn chạy sang Mỹ để cầu cứu hỗ trợ, nhưng phải là hỗ trợ tác chiến chứ không còn là ‘giao lưu hải quân’ như trước đây, từ Hạm đội Thái Bình Dương?
Từ tháng 7 năm 2017, ‘cầu cứu Mỹ’ đã trở thành một triết lý sống còn và cũng là logic không có thì chết của chính thể Việt Nam. Chính thể này, trong khi khư khư ôm trọn quyền hành ‘đã có đảng và nhà nước lo’ để không những không chấp nhận tinh thần yêu nước và biểu thị phản đối Trung Quốc của người dân Việt, mà còn cho công an lao vào đoàn người biểu tình – hệt cảnh bầy cho dữ lao vào cắn xé những con mồi của chúng, thì chỉ còn nhìn thấy ở Mỹ như một cứu cánh duy nhất, trong khi cả Nga và hàn chục ‘đối tác chiến lược toàn diện’ khác đều thản nhiên quay lưng trước cơn nguy khốn nguy cơ chiến tranh Việt – Trung.
Thế nhưng sự thể tồi tệ là não trạng đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc. Từ năm 2017 đến nay đã chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, trong khi vấn đề sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một.
Thái độ vặn vẹo gần đây của Donald Trump với Việt Nam cho thấy ông ta có vẻ không hài lòng với tiến trình ‘hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ’ như rùa ấy.
Tướng Việt Nam:
‘Cả thế giới cần cảnh giác với Trung Quốc’
Một tướng công an của Việt Nam vừa lên tiếng cảnh báo về Trung Quốc với báo New York Times của Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn cho bài viết về chuyện các công ty viễn thông Việt Nam đang lẳng lặng tránh xa công ty viễn thông Huawei, Tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an nói:
“Cả thế giới cần cảnh giác với Trung Quốc… Nếu một siêu cường như Hoa Kỳ coi Trung Quốc là mối đe doạ an ninh mạng thì đương nhiên là Việt Nam [cũng] phải thế.”
Cảnh báo của Tướng Cương được đăng báo giữa lúc cuộc đối đầu trên biển giữa tàu cảnh sát biển hai nước ở Bãi Tư Chính được cho là vẫn “căng thẳng”.
Mặc dù không công bố những gì thực sự đang diễn ra tại vùng biển “thuộc quyền tài phán của Việt Nam” trong suốt nửa đầu tháng Bảy, trang tin Chính phủ nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hôm 11/7.
Báo điện tử của Chính phủ cũng nói ông Phúc đã “[t]rực tiếp nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ” và “đề nghị thuyền trưởng các tàu báo cáo tình hình khu vực biển mà tàu đang làm nhiệm vụ”. Báo không nói các thuyền trưởng trên các tàu đang đối đầu với đối thủ ở Bãi Tư Chính có nằm trong số sỹ quan ông Phúc đề nghị báo cáo tình hình hay không.
Mới đây ông Phúc cũng có hành động mà Bắc Kinh có lẽ không ưa gì khi ông tươi cười tiếp cận Tổng thống Trump, nhân vật Trung Quốc đang ghét cay ghét đắng, tại một hội nghị ở Nhật Bản.
Hồi đầu năm nay đánh dấu 40 năm cuộc chiến đẫm máu dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc hồi năm 1979 trong đó hàng chục ngàn người Việt đã ngã xuống. Trước đó Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hoà trong trận hải chiến đầu năm 1974.
Trong căng thẳng mới nhất ở Bãi Tư Chính, các tàu Trung Quốc được cho là đã được tiếp nhiên liệu từ đá Gạc Ma mà họ đã dày công gia cố sau khi chiếm được từ tay Việt Nam trong hải chiến năm 1988 trong đó hàng chục lính hải quân Việt Nam tử trận.
Lẳng lặng dửng dưng
Bài đăng hôm 18/7 trên New York Times dẫn lời các chuyên gia nói Việt Nam không muốn chọc giận Trung Quốc và buộc phải có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh nhưng luôn giữ để không quá gần ông láng giềng mà họ biết rằng cần phải cảnh giác.
Báo này nói khác với ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan, các công ty viễn thông lớn tại Việt Nam hợp tác với Ericsson và Nokia để phát triển mạng 5G chứ không phải với Huawei.
“Hãng lớn nhất trong số đó, Viettel, cũng không dùng thiết bị của Huawei trong mạng 4G hiện nay cho dù họ không có vấn đề gì khi dùng công nghệ Trung Quốc ở một số nước mà các chi nhánh của họ cung cấp dịch vụ 4G như Cam Pu Chia, Lào và Peru,” phóng viên Raymond Zhong của New York Times viết. Viettel giải thích với báo Hoa Kỳ rằng lý do là họ có các thoả thuận khác nhau với Huawei tại các thị trường khác nhau.
Phóng viên Raymond Zhong cũng nói thêm rằng Phó Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng thấy khó xử khi bị hỏi về Huawei và muốn kết thúc cuộc phỏng vấn càng nhanh càng tốt. Còn Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thành Hưng lúc đầu đồng ý trả lời phỏng vấn nhưng khi phóng viên tới Hà Nội đã hoãn rồi huỷ luôn.
Các quan chức Việt Nam rõ ràng rất e ngại khi phải nói tới các vấn đề nhạy cảm liên quan tới ông láng giềng khổng lồ với tham vọng cũng khổng lồ, nhất là ở Biển Đông nơi Bắc Kinh coi biên giới biển tuỳ thuộc vào sức mạnh của họ. Dù cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản và Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, Hà Nội hẳn ước gì họ không phải là hàng xóm của ‘ông bạn bốn tốt’ mà trong 40 năm qua đã ba lần khiến máu người Việt đổ xuống cả trên đất liền và trên biển. Nhưng sự thật đúng như Tiến sỹ Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nói với New York Times: “Chúng tôi không thể nhấc đất nước lên và đặt vào chỗ nào khác được.”