Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 05/07/2019

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019 14:41 // ,

Tin Việt Nam – 05/07/2019

Một người bị tổn thương nội tạng tại trại tạm giam,

công an phủ nhận đánh đập

Tin từ Đà Nẵng, ngày 05/7/2019: Trần Văn Hiền, người đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc cố ý gây thương tích, đã bị tổn thương nhiều cơ quan nội tạng cho dù anh hoàn toàn khoẻ mạnh trước đó hai ngày.
Chiều tối ngày 04/7, anh Hiền được phía Trại tạm giam Hòa Sơn đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bác sỹ kết luận Hiền bị bệnh tiểu đường, tiên lượng xấu. Giám đốc bệnh viện Lê Đức Nhân khẳng định anh bị tổn thương đa cơ quan nội tạng, không có dấu vết tác động ngoại lực, đầu không chảy máu.
Ngoài tiểu đường, phía bệnh viện còn nói anh Hiền bị viêm dạ dày cấp. Bệnh nhân còn có các biến chứng như nhiễm toan xeton, suy đa phủ tạng… Rạngsáng ngày 05/7,bệnh nhân bị hôn mê sâu, đồng tử giãn, suy hô hấp nên phải thở bằng máy.
Nhận được tin, hàng chục người là họ hàng của anh Hiền kéo đến bệnh viện để đòi được cung cấp thông tin chính xác về bệnh tình của anh và nguyên nhân. Họ nghi ngờ anh bị đánh đập bởi công an trại giam. Đối phó lại, công an Đà Nẵng điều động hàng chục cảnh sát đến bệnh viện để trấn áp họ.
Bố của bị can, ôngTrần Văn Thêm cho biết anh hoàn toàn mạnh khoẻ vào ngày 03/7 khi gia đình đến thăm anh tại trại tạm giam. Anh bị bắt ngày 25/3 và phiên toà dự kiến vào ngày 10/7.
Giám đốc công an Đà Nẵng nói vết bầm trên ngực bệnh nhân là do các bác sĩ sử dụng biện pháp ép tim khi cấp cứu. Ông này bổ sung rằng cơ quan chức năng đang xác minh sự việc để có câu trả lời thỏa đáng cho công luận và người nhà bệnh nhân.
Tra tấn mang tính hệ thống ở Việt Nam, theo báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW), kể cả khi Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế chống Tra tấn năm 2014.
Mỗi năm có hàng chục bị can và tù nhân bị chết không rõ nguyên nhân. Phía công an nói đa số chết vì bệnh lý hay tự tử, trong khi gia đình tin rằng tra tấn là nguyên nhân chính.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-bi-ton-thuong-noi-tang-tai-trai-tam-giam-cong-an-phu-nhan-danh-dap/

Vụ LS Trần Vũ Hải

khiến giới luật sư quan ngại ‘bị chăm sóc kỹ’

Ben NgôBBC Tiếng Việt
Một nữ luật sư ở Hà Nội bình luận với BBC rằng vụ cáo buộc Luật sư Trần Vũ Hải cho thấy các luật sư bảo vệ dân oan “thường được chăm sóc kỹ” và khiến họ quan ngại việc dấn thân.
Hai ngày sau vụ Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố tội “trốn thuế”, một số đồng nghiệp của ông bày tỏ sự ủng hộ ông trên mạng xã hội, đồng thời dấy lên quan ngại về những cáo buộc mà họ có thể gặp phải.
Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố tội trốn thuế
Vụ Đồng Tâm: ‘Người thông minh sẽ có cách giải quyết’
Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook
Luật sư Phạm Công Út bị kỷ luật, xóa tên
‘Động cơ chính trị’
Hôm 4/7, Luật sư Chu Thị Vân, thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nói với BBC:
“Theo như tôi hiểu, những luật sư bảo vệ dân oan, lên tiếng phản biện thường đối mặt với nguy cơ bị chính quyền cho là đối tượng nguy hiểm, phản động.”
“Các luật sư này thường được “chăm sóc”, theo dõi rất kỹ. Đó là một điều đáng buồn bởi theo tôi nghĩ một xã hội muốn phát triển thì cần có phản biện xã hội.”
“Tôi nghĩ, mọi hoạt động của luật sư cũng không có mục đích gì khác ngoài mục đích mong muốn mọi công dân tuân thủ pháp luật Việt Nam.”
“Theo tôi được biết, ông Trần Vũ Hải và vợ bị cáo buộc là có hành vi giúp cho người khác trốn thuế. Sự việc cụ thể là do ông Hải và vợ có nhận chuyển nhượng nhà đất của người khác, nhưng hai bên thỏa thuận về giá thấp hơn giá thị trường để nộp thuế ít đi so với thực tế.”
Hiện nay Việt Nam có khoảng 14.000 luật sư đang hành nghề 63 tỉnh thành, tập trung đông nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Với cáo buộc “Trốn thuế”, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải có thể đối mặt với bản án từ 1-2 năm tù.
“Tôi thấy những vi phạm như vậy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Và nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Hải không bị tước thẻ hành nghề.”
“Pháp luật chỉ cấm người đã bị kết án về một tội nào đó được quy định trong Bộ luật Hình sự thì không được hành nghề luật sư.”
“Hiện nay, do Cơ quan điều tra đang điều tra và chưa có kết luận gì, hơn nữa bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và sự giúp đỡ của các luật sư đồng nghiệp cũng như dư luận xã hội, tôi tin chắc khó có thể kết tội ông Hải. Tôi tin chắc ông Hải không thể bị tước thẻ hành nghề luật sư.”
“Tuy nhiên, trong vụ này, tôi tin là cáo buộc nhắm vào ông Hải có động cơ chính trị.”
Những luật sư dấn thân là nhóm có nhiều nguy cơ bị trả thù nhất, vì để bảo vệ người lương thiện, họ phải chống chọi lại bộ máy chính trị bao gồm cả công an, Viện Kiểm sát và tòa án ở một địa phương nào đó.luật sư Phạm Công Út
“Bởi ông Hải tham gia nhiều vụ án, bào chữa và bảo vệ cho nhiều người trong đó có những người bị xét xử về những tội mang màu sắc chính trị. Hoặc có những người dân bị thu hồi đất trái pháp luật với số đông. Hoặc cũng có thể đây là một đòn dằn mặt giới luật sư.”
“Theo tôi, điều mà giới luật sư có thể làm được lúc này là cần đoàn kết và ủng hộ, lên tiếng bảo vệ Luật sư Trần Vũ Hải.”
‘Tòa không được cấm luật sư sao chụp hồ sơ vụ án’
LS Võ An Đôn kiện bộ trưởng tư pháp là ‘rất khó’
Luật sư Võ An Đôn: Từ luật sư đến nông dân
Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?
‘Luật sư dấn thân’
Cũng trong hôm 4/7, Luật sư Phạm Công Út nói với BBC:
“Có thể chia hoạt động của luật sư vào ba lĩnh vực chuyên môn chính, là luật sư chuyên tư vấn pháp lý, luật sư làm dịch vụ pháp lý và luật sư tranh tụng pháp lý.”
“Với luật sư tranh tụng, có thể chia làm ba loại chính, loại cần lợi không cần danh, họ chỉ âm thầm… chạy án để làm giàu cho họ, loại cần danh không cần lợi, họ chỉ tìm các số phận thân chủ gắn liền với những sự kiện truyền thông trong lĩnh vực tư pháp bằng việc lê la, tiếp cận các phóng viên đưa tin sự kiện nóng để xin số điện thoại hoặc địa chỉ của nhân vật chính trong các bài báo ấy.”
“Và loại luật sư thứ ba của giới chuyên tranh tụng là loại luật sư bỏ quên cái danh, cái lợi của mình và gia đình để lao vào những số phận nghiệt ngã để cứu giúp người yếu thế bị hàm oan trong xã hội.”
“Loại luật sư sẵn sàng dấn thân là nhóm có nhiều nguy cơ bị trả thù nhất, vì để bảo vệ người lương thiện, họ phải chống chọi lại bộ máy chính trị bao gồm cả công an, Viện Kiểm sát và tòa án ở một địa phương nào đó.”
“Chính vì vậy mà họ luôn bị soi mói, bới móc, xử lý bằng nhiều thủ đoạn đánh vào uy tín, kinh tế, luôn cả hình sự hóa với những cáo buộc mà với các luật sư này thì có vẻ như có lý, nhưng với thực trạng xã hội thì những cáo buộc ấy là vô lý.”
“Nhất là những luật sư mạnh dạn lên tiếng phản biện lại các dự án, các quyết sách của Chính phủ như trường hợp của Luật sư Trần Vũ Hải thì càng phải chịu nhiều áp lực đe dọa hơn.”
“Nếu tới đây, ông Hải bị tuyên là có tội hình sự với lỗi cố ý thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Hải sẽ không còn tư cách luật sư nữa.”
Ông Phạm Công Út nêu suy đoán:
“Chính vì những dự án phục vụ công lý và lượng khách hàng là các yếu nhân có yếu tố chính trị của Luật sư Hải là rất lớn, có thể có nhiều bí mật hậu trường của giới trung ương tập quyền được Luật sư Hải thủ đắc trong tay nên cuộc chạy đua vào các vị trí nóng sắp tới không muốn những tài liệu, hồ sơ vụ án mà ông có được có thể sẽ tạo thế bất lợi cho một bên đối thủ chính trị nào đó.”
“Chỉ một cáo buộc mà vừa bịt miệng được một luật sư biết nhiều, hiểu nhiều và nói nhiều, vừa thu hồi hoặc thủ đắc những tài liệu quý giá. Sự kiện này có thể thấy một hành động, hai kết quả.”
“Thiệt thòi và nguy cơ’
Hôm 4/7, trả lời BBC từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
“Nếu phải kể các thiệt thòi cho những luật sư bảo vệ dân oan thì nhiều lắm: Bị bạn bè, đồng nghiệp xa lánh hoặc ngại tiếp xúc; người thân của chính họ cũng bị ảnh hưởng lây theo hướng tiêu cực.”
“Còn nguy cơ cao nhất thì mọi người có thể nhìn thấy rõ là họ có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự liên quan tới các tội danh như “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” hay “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”
“Cùng với việc bị khởi tố thì họ sẽ bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, tước thẻ hành nghề, gần như là vĩnh viễn không được quay lại nghề luật sư.”
“Về trường hợp của Luật sư Trần Vũ Hải, tới đây sẽ tạm đình chỉ tư cách luật sư và nếu bị đưa ra xét xử và có bản án có hiệu lực của pháp luật kết luận có tội thì ông sẽ bị xóa tên khỏi đoàn luật sư.”
“Sự nghiệp luật sư tranh tụng hình sự của ông ấy có thể xem là chấm dứt khi mà tuổi tác của ông đã cao, tinh thần chiến đấu giảm xuống để giành thời gian cho gia đình nhiều hơn…”
“Nhìn chung, trong những vụ như thế này, tôi không đánh giá động cơ cáo buộc của chính quyền mà chỉ đánh giá giá trị pháp lý của các cáo buộc ấy như thế nào mà thôi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48852642

Người phụ nữ trở về Việt Nam sau 22 năm

bị chuốc thuốc mê bán sang Trung Quốc

Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng 7 năm 2019 loan tin, chị Nguyễn Thị Kim Hon, 43 tuổi, sau 22 năm lưu lạc ở Trung Cộng đã tìm về được tới nhà ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu vào chiều hôm qua ngày 4 tháng 7.
Chị Hon kể lại, năm 21 tuổi, chị có quen một người đàn ông nói giọng miền Bắc ở thành phố Cần Thơ. Sau một thời gian, người đàn ông này đã rủ chị Hon về nhà ở quê, rồi sau đó cùng lên thành phố Bạc Liêu. Trong quá trình trên, người đàn ông này đã đãi chị Hon ăn cơm, và cho chị uống một chai nước nhỏ. Sau khi ăn uống xong, chị Hon đã ngủ li bì, đến khi mở mắt được thì chị thấy mình đã ở tỉnh Quảng Đông, Trung Cộng với một căn phòng nhỏ có một người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ. Lúc này, chị Hon đau đầu dữ dội, không còn nhớ gì, và cũng không thể nói chuyện được. Ngày hôm sau, chị Hon bị đưa đi nơi khác để bán.
Trong thời gian ở Trung Cộng chị Hon đã phải chịu nhiều trận đòn, và bị mang bán 6 lần để làm osin, làm vợ cho đàn ông Trung Cộng.
Cũng trong thời gian trên, chị Hon không biết được mình là người nước nào. Chỉ đến một ngày, chị tình cờ xem được một chương trình trên ti vi có nói tiếng Việt Nam thì chị mới nhớ ra được mình là người Việt, và quyết tâm bỏ trốn, làm thuê đủ thứ việc để tìm đường về Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-phu-nu-tro-ve-viet-nam-sau-22-nam-bi-chuoc-thuoc-me-ban-sang-trung-quoc/

Bà Kim Tiến kiêm chức

Trưởng Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến được Bộ Chính trị bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kêu gọi đầu tư ở London
Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đi lại bình thường, họp kỷ luật đảng’
Theo tường thuật của một số tờ báo, bà Kim Tiến sẽ giữ cả hai chức vụ.
Báo Tuổi Trẻ viết: “Với việc được bổ nhiệm giữ thêm một chức vụ mới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ cùng lúc giữ 2 trọng trách, bộ trưởng và trưởng ban.”
Quyết định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ký ngày 21/6, nhưng công bố hôm 5/7.
Tại buổi lễ trao quyết định, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nói bà Nguyễn Thị Kim Tiến “sẽ phát huy kinh nghiệm và tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương”.
Đều từng là bộ trưởng y tế
Cho tới gần đây, người giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương là ông Nguyễn Quốc Triệu.
Ông Triệu cũng từng là Bộ trưởng Y tế (nhiệm kỳ 2007-2011).
Sinh năm 1959, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành bộ trưởng y tế từ năm 2011, cũng là ủy viên Trung ương Đảng từ 2011 đến 2016.
Bà không trúng cử ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 tại Đại hội Đảng năm 2016.
Thông thường, để làm bộ trưởng ở Việt Nam, người giữ chức phải ở trong Trung ương Đảng.
Nhưng trong chỉ dấu bà Kim Tiến được Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng, bà vẫn được tái bổ nhiệm chức bộ trưởng y tế năm 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48881887

Đại diện nông dân Đồng Tâm giữ đất

 phản đối cáo buộc “nhận tiền bồi dưỡng”

Cụ Lê Đình Kình, người được dân chúng xã Đồng Tâm bầu chọn làm đại diện trong việc đấu tranh giữ đất phản bác thông tin xuất hiện trên mạng xã hội cáo buộc gia đình ông nhận tiền bồi dưỡng cả trăm triệu đồng.
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua cho rằng tổ Đồng Thuận, đại diện của các nông dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội kể từ năm 2015 đến năm 2019 đã thu hàng trăm triệu đồng mỗi lần “hạch toán”, trong đó gia đình cụ Kình nhận tiền bồi dưỡng lên đến cả trăm triệu đồng.
Đài RFA vào tối ngày 5 tháng 7 liên lạc với Cụ Lê Đình Kình để hỏi ý kiến của ông trước cáo buộc vừa nêu. Tuy nhiên, chúng tôi đã không kết nối được với cụ Kình qua điện thoại.
Trong cùng ngày 5 tháng 7, cụ Lê Đình Kình lên tiếng với Báo Dân Việt rằng những thông tin cáo buộc đó là những thông tin bịa đặt, vu khống 100%. Cụ Lê Đình Kình khẳng định ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có nhận khoản tiền bồi dưỡng như vậy.
Cụ Lê Đình Kình cho Báo Dân Việt biết số tiền của người dân xã Đồng Tâm tự nguyện đóng góp đã được chi ra 50% để làm hợp đồng với luật sư cho việc khiếu kiện về đất đai đang tranh chấp với chính quyền địa phương và số tiền đã sử dụng đó có biên nhận rõ ràng.
Cụ Lê Đình Kình cho biết thêm rằng tổ Đồng Thuận luôn từ chối nhận tiền của những người hảo tâm muốn ủng hộ cho bà con nông dân giữ đất ở xã Đồng Tâm trong thời gian qua.
Người dân xã Đồng Tâm hồi ngày 15/04/17 gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua vụ việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội, sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đông Tâm để điều tra cáo buộc gây rối trật tự công cộng, trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.
Vụ việc xảy ra vì liên quan đến 59 héc-ta đất trong xã mà người dân nói là thuộc đất nông nghiệp của họ trong khi chính quyền địa phương lại nói đây là đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng và đòi thu hồi để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Sau đó vào ngày 22/04/17, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm hứa giải quyết vụ việc và không truy tố người dân xã Đồng Tâm.
Vào ngày 25/04/19 vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả rà sát kết luận thanh tra đất đai Đồng Tâm với xác định toàn bộ khu đất ở sân bay Miếu Môn hơn 239 héc-ta đều thuộc đất Quốc Phòng, đồng thời khẳng định khiếu nại của ông Lê Đình Kình và những người dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta thuộc xã Đồng Tâm là không đúng.
Dân chúng Đồng Tâm lên tiếng phản đối kết luận của Thanh tra Chính phủ và tuyên bố cương quyết đấu tranh giữ đất đến cùng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/therepresentatives-of-dong-tam-farmers-objects-accusation-receiving-compensation-07052019083655.html

Hàng ngàn tàu cá không được ra khơi

vì quy định tuỳ tiện của Bộ Nông Nghiệp

Tin từ Hà Nội, ngày 04/7/2019: Hàng nghìn tàu cá của ngư dân Việt Nam không được phép ra khơi đánh cá mà chỉ được hoạt động trong phạm vi 60 hải lý, chỉ vì một quy định tuỳ tiện của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn.
Theo quy định của bộ này thì chỉ các tàu cá có chiều dài trên 15 mét mới được đánh bắt ở ngoài ngơi, và các địa phương tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cải hoán kéo dài các tàu không đạt quy định về chiều dài.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Cao Văn Minh, chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá một phường ở Đà Nẵng rằng toàn phường có 72 tàu cá dài dưới 15 m. Trong số này, 32 tàu đã “nằm bờ” còn 40 tàu khác có nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động do chính sách mới gây khó khăn cho ngư dân. Ông cho rằng quy định của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn không phù hợp với thực tế nghề cá.
Tình hình tương tự xảy ra ở các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
Trong nhiều năm gần đây, chế độ cộng sản đã khuyến khích người dân vay tiền để đóng tàu lớn vỏ thép với công suất cao nhằm đẩy mạnh khai thác xa bờ và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước ở Biển Đông, nhưng do tham nhũng và thiếu thực tế nên nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần vì tàu của họ không đạt tiêu chuẩn ra khơi hoặc khó khăn trong việc vận hành.
Trước khi có quy định mới này, hàng chục nghìn tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên phạm vi rộng gần Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam, nhưng lại đang dưới sự kiểm soát của Trung cộng và Đài Loan.
Trong khi đó, Trung cộng có chính sách hỗ trợ ngư dân đưa hàng chục nghìn tàu tràn vào Biển Đông, tới cả những vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam và sẵn sàng gây hấn với cảnh sát biển và hải quân Việt Nam, và tấn công ngư dân Việt. Tàu của Trung cộng hoạt động ở vùng biển chỉ cách bờ biển của Việt Nam vài chục kilomet.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-tau-ca-khong-duoc-ra-khoi-vi-quy-dinh-tuy-tien-cua-bo-nong-nghiep/

Thành phố Hồ Chí Minh lại hứa

 giải quyết cho dân Thủ Thiêm

Gần 30 người dân Thủ Thiêm ra Hà Nội khiếu kiện về việc bị cưỡng chế dù nhà của họ nằm ngoài ranh qui hoạch đã trở về thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 7 dẫn phát biểu của Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương như vừa nêu. Ngoài ra tin còn nói cơ quan này tạm ứng tiền để những người dân Thủ Thiêm ra Hà Nội khiếu kiện mua vé máy bay để về lại thành phố.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang người dân oan tại Thủ Thiêm và từng khiếu kiện tại Hà Nội xác nhận với chúng tôi rằng, việc ban tiếp công dân tài trợ tiền là có.
“Cái đó có, tôi cũng từng ra Hà Nội khiếu kiện và cũng được ứng tiền vé máy bay về, theo thông tin được biết là họ đã được ứng tiền và chắc ngày mai họ sẽ về, đã có thỏa thuận gì đó hoặc biên bản nào đó giữa Trung ương và dân oan Thủ Thiêm sẽ giải quyết như thế nào đó và thường họ sẽ cho một cái biên bản rồi cầm biên bản về đợi.”
Ông còn cho hay, Ban tiếp công dân tạm ứng với số tiền khoảng 2 triệu đồng, vừa đủ tiền mua vé máy bay về Thành phố Hồ Chí Minh và một chuyến xe từ Hà Nội ra tới sân bay Nội Bài.
Số gần 30 người dân Thủ Thiêm được cho biết ra Hà Nội khiếu kiện từ ngày 20 tháng 5 khi Quốc Hội Việt Nam khai mạc kỳ họp gần nhất.
Vào ngày 4 tháng 7 UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa có kiến nghị Thanh Tra Chính phủ và Ban Tiếp Công dân Trung ương giải thích, thuyết phục các hộ dân Thủ Thiêm đang khiếu kiện ở Hà Nội về đối thoại với thành phố. Lãnh đạo thành phố cho biết chính quyền thành phố đang phối hợp với Thanh Tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ các nội dung của báo cáo thanh tra về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để đối thoại với các hộ dân vào cuối tháng 7 này.
Hiện vẫn còn khoảng 115 hộ dân Thủ Thiêm đang ở Hà Nội để khiếu kiện ròng rã nhiều năm nay, Theo truyền thông trong nước.
Hôm 26/6 vừa qua Thanh Tra Chính phủ công bố một báo cáo thanh tra, xác định sai phạm đến 26.000 tỷ đồng tạm ứng liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh Tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, theo những người dân ở Thủ Thiêm, kết luận của thanh tra vẫn chưa làm rõ những yêu cầu của người dân về việc làm rõ ranh giới khu dân cư nằm ngoai ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như hành vi đập phá nhà dân nằm ngoài ranh giới này.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được bắt đầu vào đầu những năm 2000 với việc giải toả trắng nhiều khu dân cư. Dự án đã làm ảnh hưởng đến khoảng 16.000 hộ dân và 60.000 người. Nhiều người dân Thủ Thiêm cho rằng chính quyền thành phố đã giải toả sai và đền bù rẻ mạt cho người dân. Vụ việc dẫn đến những khiếu kiện kéo dài của hàng trăm hộ dân suốt 20 năm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm nhưng đều không thể giải quyết được dứt điểm những yêu cầu, thắc mắc của người dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ho-chi-minh-city-promise-to-settle-the-thu-thiem-land-dispute-in-july-07052019084036.html

Ba trạm BOT bị đóng cửa

vì chậm triển khai thu phí tự động không dừng

Ba trạm BOT thu phí đường bộ gồm Bắc Hải Vân, Cần Thơ – Phụng Hiệp và Cam Thịnh bị buộc dừng thu phí từ 12 giờ trưa ngày mai 6/7/2019 vì các chủ đầu tư của ba trạm chậm triển khai phụ lục hợp đồng lắp thu phí tự động không dừng.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 5/7 cho biết việc dừng thu phí ba trạm BOT nói trên là quyết định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận việc ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư BOT đang gặp khó khăn dù Tổng cục đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư của 44 trạm BOT.
Tin cho hay đến hết ngày 30/6 chỉ có 8 trạm BOT ký phụ lục hợp đồng lắp hệ thống thu phí tự động không dừng.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng các nhà đầu tư BOT đang cố tình ‘chây ì’ việc ký hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng, bằng cách đưa ra lý do vì ngân hàng không tài trợ vốn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định đây là hành vi cản trở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 7, nên sẽ buộc dừng thu phí nếu chủ đầu tư không ký phụ lục hợp đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 10/6 yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng. Đây được xem là giải pháp minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm BOT.
Tuy nhiên do thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt, việc nạp tiền trước vào thẻ thanh toán khi qua trạm BOT khiến không ít giới tài xế và các chủ đầu tư từ chối kế hoạch thu phí không dừng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/three-bot-stations-will-be-closed-due-to-lack-of-automated-collection-system-07052019090445.html

VN tái khẳng định

‘phối hợp’ với Mỹ vụ thép bị áp thuế hơn 400%

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 4/7 tái khẳng định tuyên bố trước đó của Bộ Công thương về việc “phối hợp” với phía Hoa Kỳ liên quan tới việc Mỹ áp thuế hơn 400% lên thép Việt Nam “xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan”.
Phát biểu của bà Hằng được đưa ra hai ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế hơn 456% đối với thép nhập từ Việt Nam nhưng “ban đầu được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ở Hà Nội, bà Hằng nhắc lại việc Bộ Công Thương “đã cảnh báo, khuyến nghị đến các doanh nghiệp trong nước về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu, trong đó có Hoa Kỳ, có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác”.
“Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ”, nữ phát ngôn viên nói thêm.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra hôm 2/7, ít ngày sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Việt Nam “lạm dụng” Mỹ về thương mại còn “tệ hơn cả Trung Quốc”.
Cũng liên quan tới quan hệ thương mại giữa Hà Nội và Washington, bà Hằng cũng cho báo chí biết về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật hôm 28/6.
Nữ phát ngôn viên nói rằng “hai nhà lãnh đạo đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại và năng lượng”.
Bà dẫn lời ông Trump “đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi, hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Việt Nam”.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-t%C3%A1i-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-ph%E1%BB%91i-h%E1%BB%A3p-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%A5-th%C3%A9p-b%E1%BB%8B-%C3%A1p-thu%E1%BA%BF-h%C6%A1n-400-/4988005.html

Vụ Big C: Doanh nghiệp Thái Lan

 sẽ chiếm hết thị trường VN?

Việc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam thông báo ngưng nhập hàng may mặc Việt cùng trào lưu tỷ phú Thái đổ xô vào đầu tư ở Việt Nam làm dấy lên lo ngại thị trường Việt sẽ bị Thái nuốt chửng.
Sự việc bắt đầu hôm 2/7, khi Central Group Việt Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Big C VN), chi nhánh của Central Group Thái Lan, gửi thông báo tới các đối tác cung cấp hàng may mặc rằng sẽ ngừng đặt hàng của họ từ tháng 7/2019.
Thông báo này khiến nhiều người đã tập trung bên ngoài văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM hôm 3/7 để phản đối quyết định trên.
Tranh cãi Big C: Bộ Công thương Việt Nam giải thích
Vì sao Việt Nam hút đầu tư từ Thái Lan?
Công ty có vốn Thái mua nhiều cổ phần Sabeco?
Thái Lan đầu tư vào Việt Nam thì có gì tự hào?
Đại diện các doanh nghiệp cũng gặp đại diện Central Group ở TP HCM để trao đổi về sự việc.
Theo các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, hành động này đã đẩy ngành dệt may Việt Nam vào khó khăn. Đồng thời bày tỏ lo ngại rằng ngoài thiệt hại về tài chính cho riêng ngành dệt may, hệ thống siêu thị big C sẽ dần dần đẩy toàn bộ hàng hóa của Việt Nam để nhường chỗ cho hàng Thái Lan hoặc các sản phẩm nhập ngoại khác.
Trước các phản ứng nói trên, Big C Việt Nam cho hay hôm 3/7 rằng đây chỉ là quyết định ‘tạm thời’ do đang trong quá trình phát triển các thương hiệu mới.
“Tìm kiếm các nguồn cung ứng từ nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó,” thông cáo của Big C cho hay.
Bộ Công thương Việt Nam cũng cho biết sẽ làm việc với Big C về vấn đề này.
Tuy nhiên một vị lãnh đạo Bộ Công thương nói với tờ Pháp luật Việt Nam rằng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các siêu thị này, “không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích…”
Việt Nam mất thị trường cho Thái Lan ngay trên sân nhà?
Các tập đoàn lớn của Thái bao gồm CP, ThaiBev, Central, Boon Rawd, PTT và SCG đã đầu tư hàng trăm tỷ baht tại Việt Nam, theo The Nation.
Hiện hai đại gia Thái Lan là tập đoàn Central Group và tập đoàn BCJ Group đã sở hữu hơn 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.
Central Group của gia đình tỷ phú Chirathivat người Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam năm 2016, với tổng số 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ đô la. Central Group cũng mua phần lớn cổ phần của Công ty Điện máy Nguyễn Kim.
BCJ Group thì mua lại Mertro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu đô la.
Trong lĩnh vực đồ uống, tỷ phú Thái của tập đoàn ThaiBev đã thâu tóm Sài Gòn Beers (Sabeco) vào năm 2017.
Berli Jucker, một công ty con của ThaiBev, đã đầu tư nhiều tỷ baht vào một nhà máy chai thủy tinh và các khoản đầu tư khác tại Việt Nam.
Tập đoàn CP thì đang mở rộng kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp tại Việt Nam với kế hoạch đầu tư 250 triệu đôla Mỹ để nuôi và chế biến gà.
PTT và SCG đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng cũng như các lĩnh vực năng lượng và hóa dầu, trong khi Boon Rawd đã đầu tư 40 tỷ baht vào ngành công nghiệp nước giải khát của Việt Nam.
Các nhà đầu tư lớn khác của Thái Lan bao gồm tập đoàn Amata trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp; Gulf trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn Wha ở các khu công nghiệp và B Grimm trong năng lượng tái tạo.
Dường như chưa có thống kê về lợi nhuận Việt Nam đạt được kể từ sau khi Thái Lan đổ xô vào đầu tư.
Tuy nhiên riêng trong lĩnh vực thị trường bán lẻ, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại cho hàng Việt.
Các doanh nghiệp cho truyền thông Việt Nam hay rằng sau khi các tỷ phú Thái mua xong siêu thị Việt Nam, họ dần dần đưa hàng Thái Lan vào, đẩy hàng Việt Nam ra khỏi kệ.
Các siêu thị Big C tại Việt Nam từ thời điểm 2016 đã tràn ngập hàng Thái Lan, từ nước giặt, nước xả vải, đồ gia dụng, nước mắm, giầy dép, gạo, bánh kẹo…, đến tăm, theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Trí.
Vì sao Việt Nam hút đầu tư từ Thái Lan?
Theo phân tích của The Nation, Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư Thái Lan này có một tương lai tươi sáng. Việt Nam đã mở cửa kinh tế cho thế giới chỉ vài thập kỷ trước.
Thái Lan, mặt khác, đang phải đối mặt với một xã hội già hóa nhanh chóng và một cuộc khủng hoảng nhân lực xuất phát từ hàng thập kỷ kế hoạch hóa gia đình và tỷ lệ sinh thấp.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ ổn định chính trị với thể chế độc đảng. Trong khi Thái Lan đã trải qua nhiều năm đấu tranh chính trị – góp phần khiến tăng trưởng kinh tế và đầu tư tư nhân bị chậm lại.
Mạng xã hội nói gì?
Cây bút Bạch Hoàn viết: “Việc Big C tạm ngừng thu mua và bày bán hàng may mặc Việt Nam mà không thông báo kế hoạch tái kinh doanh cho thấy, khi hệ thống phân phối rơi vào tay nhà đầu tư ngoại là khi doanh nghiệp nội mất thị trường. Đó không còn là dự báo mà đã là hiện thực.”
“Đây cũng là nguy cơ của cả nền kinh tế.”
“Có những thứ Nhà nước không còn có thể thò tay vào được nữa.”
Cây bút Lê Xuân Thọ bình luận rằng “chúng ta đã trở thành những kẻ làm thuê trên đất của mình.”
Facebooker Ngô Thu thì kêu gọi tẩy chay Siêu thị Big C và và ngừng uống bia Sài Gòn, thậm chí tẩy chay du lịch Thái Lan vì người Thái “ăn no rồi quẹt mỏ”.
Doanh nhân Lê Hoài Anh cũng cho hay bà sẽ có các hành động tẩy chay tương tự, và viết: “Đừng tưởng đặt chân được vào thị trường Việt rồi thì muốn bắt nạt người Việt sao cũng được, nhưng mà doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hoá nếu chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì bán đâu cũng được, không có big C thì thôi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/48864949

Việt Nam muốn Anh tham gia

tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Nguyễn HoàngBBC Tiếng Việt, London
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 4/7 trong chuyến công du Anh Quốc nhằm tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng nói ông tin rằng “chính khách Anh Quốc, giới đầu tư và các nhà quản lý Anh Quốc rất quan tâm tới thị trường Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chào đón Nhật Bản đầu tư
Vụ Big C – Doanh nghiệp Thái sẽ nuốt chửng thị trường Việt?
“Chúng tôi chọn London làm nơi để xúc tiến và kêu gọi đầu tư lần này là bởi nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như sự nghiệp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng vào lúc này là rất lớn.
“Thị trường tài chính London rất lớn nhưng điều quan trọng hơn là mức tăng trưởng khá cao và mức độ quốc tế hóa của thị trường này rất lớn so với các thị trường khác”.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Bộ trưởng Tài chính Việt Nam trả lời BBC Tiếng Việt về lý do chọn London làm nơi kêu gọi đầu tư
Trả lời câu hỏi của BBC về lý do khiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị chậm, ông Dũng giải thích những điểm vướng mắc:
“Hiện còn khoảng 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, là các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa tới đây.
“Vì là các doanh nghiệp lớn nên việc định giá tài sản, xử lý tài chính cần phải có thời gian để thực hiện để làm sao làm đúng và đủ.
“Các doanh nghiệp này có rất nhiều đất đai trên các địa phương nên cần phải có phương án xử lý.
“Với nhà đầu tư Anh, chúng tôi muốn họ tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để mở rộng cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong tương lai.”
“Tức là làm sao để doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ có công nghệ mới, quản trị mới, thị trường mới, qui mô vốn mới và như vậy thì mới phát triển bền vững được,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Ông Dũng cũng nói rằng “mặc dù Việt Nam vừa ký thỏa thuận thương mại tự do với EU nhưng việc tiếp tục thảo luận để có thể ký riêng với Anh Quốc là việc làm rất tốt.”
Mậu dịch Anh – Việt
Đặc phái viên Thương mại với Việt Nam của Thủ tướng Anh, ông Ed Vaizey cũng chia sẻ với BBC về khả năng này.
“Chính phủ Việt Nam và chính phủ Anh đã và đang làm việc tích cực nhằm đảm bảo rằng những điểm chính trong Thỏa thuận Thương mại Tự do EU ký với Việt Nam có thể được mang qua thỏa thuận thương mại tự do riêng biệt giữa Anh và Việt Nam mà chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất trong tương lai gần.
“Điều này là rất quan trọng bởi mậu dịch của chúng tôi với Việt Nam tiếp tục tăng khoảng 10% mỗi năm và quan hệ của Anh với Việt Nam là mạnh mẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào.”
“Việt Nam không chỉ hấp dẫn về sản xuất chế tạo mà còn các lĩnh vực khác như tài chính và năng lượng và khu vực công nghệ đang mới nổi lên và Anh là nơi có thế mạnh ở những mảng này.
“Nếu Việt Nam muốn tiếp tục có được đà tăng trưởng đã và đang có và vươn tới một cấp độ cao hơn thì tôi hy vọng chính phủ Việt Nam làm việc với chính phủ Anh cũng như những nước khác nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư khi kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam.
“Chúng tôi hoan nghênh thực tế rằng chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng tham nhũng là vấn đề và nhận ra rằng tham nhũng làm đầu tư nước ngoài bị chững lại và chính phủ Việt Nam đang có các bước đi để giải quyết thực trạng tham nhũng. Rõ ràng là chặng đường còn đó nhưng đã có sự khởi đầu,” ông Vaizey trả lời BBC hôm 4/7.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48868389

Chế tài nào bảo đảm Việt Nam

 thi hành đúng EVFTA ký với EU?

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Việt Nam mới ký hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu với nhiều hứa hẹn về thịnh vượng và ‘cùng thắng’ giữa hai bên, nhưng các chế tài đảm bảo thi hành thế nào, đặc biệt về bảo đảm quyền của người lao động, thành lập công đoàn độc lập, vẫn là mối băn khoăn trong giới quan sát và hoạt động xã hội ở Việt Nam.
Hôm 04/7/2019, một nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt trong một cuộc hội luận:
“Tôi muốn nói thêm một điều là về vấn đề công đoàn độc lập, như chúng ta hiểu công đoàn độc lập là một tổ chức mà hoàn toàn không phụ thuộc vào sự điều hành của nhà nước và họ có nhiệm vụ bảo vệ cho quyền lợi của người lao động. Thế thì họ bảo vệ bằng cách nào?,” kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với Bàn tròn thứ Năm từ London.
Một công đoàn độc lập đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động, mà không có những vũ khí đó ở trong tay, thì họ bảo vệ bằng cách nào?Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng
EU và VN ký hiệp định thương mại tự do và đầu tư
Bàn tròn BBC: VN ký các hiệp định với EU và những vấn đề chờ giải đáp
EU sẽ ký EVFTA với Việt Nam ‘trong hè này’
“Điều mà tôi muốn nói ở đây đấy chính là tự do ngôn luận và quyền biểu tình. Cho đến hiện nay quyền biểu tình cũng như là quyền tự do ngôn luận liên tục bị nhà nước xâm phạm.
“Thế thì tôi không hiểu là đến lúc nào mà một công đoàn độc lập đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động, mà không có những vũ khí đó ở trong tay, thì họ bảo vệ bằng cách nào?
“Cho nên tôi nghĩ Hiệp định thương mại tự do cũng là một điều rất là hay và một tác động đến xã hội Việt Nam rất là lớn và đây là cơ hội để người dân và những người lao động có thể bắt đầu thực thi các quyền công dân của mình, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình.”
‘Một vấn đề đau đầu’
Ngay trước đó, PGS. TS. Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (FDI) của Việt Nam nêu quan điểm với bàn tròn về mối quan hệ kinh tế với dân chủ, nhân quyền qua hiệp ước mới ký kết:
Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA
‘Không có sức ép quốc tế, tôi không đi dự EVFTA được’
Tôi nghĩ là không thể có một công đoàn độc lập ở Việt Nam, đặc biệt trong 5 năm tới, bởi vì chúng ta còn phải sửa luật và còn phải làm rất nhiều vấn đề để làm điều đấyPGS. TS. Phạm Quý Thọ
Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU ký ngày 30/6
“Liên quan tăng trưởng kinh tế với dân chủ và nhân quyền, thì luôn luôn là vấn đề phức tạp, đặc biệt khi Việt Nam tham gia những hiệp định như vừa rồi. Hiệp định này gắn không chỉ với xã hội dân sự…, nó đặc biệt nhấn mạnh tới lao động.
“Lao động ở Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp, ngay cả luật lao động ngày xưa cũng đã qua một giai đoạn rất là lâu mới có thể thông qua được vào năm 1996. Đến bây giờ, Hiệp định này người ta đặc biệt chú ý đến vấn đề lao động… trong đó có thành lập công đoàn độc lập. Đây là một vấn đề hết sức đau đầu đối với Việt Nam.
“Bởi vì dân quyền, nhân quyền vân vân thì chúng ta có thể nấp dưới hình thức này, hình thức kia, chúng ta có thể làm giảm nhẹ vấn đề được, nhưng với công đoàn độc lập, đây là một cái mang tính tổ chức rất rõ ràng mà buộc Việt Nam phải tuân thủ trong một thời gian tới. Nhưng đây là một thách thức thực sự đối với cải cách thể chế hiện nay ở Việt Nam.
“Nếu mà anh không làm được điều này, bây giờ khác với ngày xưa là có khi người ta đặt nặng tăng trưởng kinh tế hoặc là lợi ích kinh tế lên trên dân chủ và nhân quyền, nhưng càng gần đây, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta bắt đầu đặt vấn đề này lên nặng hơn, người ta chú trọng vấn đề này nặng hơn và châu Âu cũng đã đặt vấn đề này nặng hơn thông qua lao động.
“Và câu hỏi mà một vị khán giả của BBC Tiếng Việt đặt ra [khi nào có công đoàn độc lập], tôi nghĩ là không thể có một công đoàn độc lập ở Việt Nam, đặc biệt trong 5 năm tới, bởi vì chúng ta còn phải sửa luật và còn phải làm rất nhiều vấn đề để làm điều đấy, đây là vấn đề đau đầu nhất và cũng buộc Việt Nam phải có những cải cách thật sự từ cấp cao nhất thì mới hy vọng có thể làm tốt vấn đề lao động, thì nó mới thúc đẩy và phát triển bền vững về mặt kinh tế được,” nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển nói với Bàn tròn.
Đòn bẩy quan trọng nhất vẫn là kinh tế. Phải học tập ông Donald Trump. Hãy dùng những công cụ kinh tế để mà giám sát và chế tàiPGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
Chế tài bắt buộc thế nào?
Về việc chế tài để đảm bảo rằng Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh hiệp định đã ký, đặc biệt trong các khía cạnh được đề cập ở trên, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nói:
“Theo thực tiễn mà từ trước đến này thực hiện các điều ước quốc tế, tôi chia sẻ một ý kiến rằng việc Việt Nam trước khi gia nhập một điều ước nào, thì đều có những cam kết liên quan vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhưng khi đã ký kết xong thì dường như những vấn đề đó bị buông lơi và thậm chí không còn được thực thi.
“Câu chuyện này trên thực tế có, nhưng ở đây vấn đề rất khó là thế này, là quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ bình đẳng, quan hệ ở cấp Công pháp, do đó cho nên việc đàm phán để đặt quyền lực của quốc gia này, nhóm quốc gia này để kiểm soát quốc gia khác cũng rất khó.
“Tôi xin nói ngay mấy Công ước quốc tế về nhân quyền, quyền dân sự chính trị, nó có hẳn cả một chương để giám sát thực hiện, nó có cả hẳn cơ chế, ví dụ như cơ chế Báo cáo Định kỳ phổ quát, cơ chế cử điều tra viên đến tận quốc gia, thế mà vi phạm vẫn là vi phạm thôi.
“Ở đây tôi nghĩ có lẽ đòn bẩy quan trọng nhất vẫn là kinh tế. Phải học tập ông Donald Trump. Hãy dùng những công cụ kinh tế để mà giám sát và chế tài.
“Ví dụ như trong vấn đề nhân quyền, tôi được biết là nước Mỹ có đạo luật Magnitsky, và trong đó nói rõ là những cá nhân nào ở trung ương cũng như địa phương mà vi phạm chính quyền, thì chính quyền hành pháp phải báo cáo cho quốc hội và phải có lệnh trừng phạt bằng cách phong tỏa tài sản của những người đó ở nước ngoài.
“Theo tôi cách làm đó là hiệu quả nhất, thay vì những thỏa thuận, cam kết giữa quốc gia này, quốc gia khác. Tôi nhắc lại đến như Công ước về quyền dân sự, quyền chính trị, cả một cơ chế rất sát sao như vậy, vậy mà hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đâu có được cải thiện chút nào đâu?
“Thế thì vấn đề ở đây, một lần nữa, công cụ mà quốc tế và những đối tác làm ăn với Việt Nam có thể sử dụng hữu hiệu nhất, đó là những công cụ kinh tế mà đặc biệt nhắm vào những cá nhân ban hành những chính sách, hoặc thực thi những hành động để bắt bớ những tù nhân lương tâm, cũng như là đàn áp những người biểu tình.
“Và những người đó thường là những người có tiền, có của và có tài sản ở nước ngoài, do đó dùng công cụ kinh tế thì có lẽ sẽ hữu ích hơn,” ông Hoàng Ngọc Giao nói với Bàn tròn của BBC hôm 04/7.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC News Tiếng Việt hôm 04/7/2019.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48874261

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.