Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 01/07/2019

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019 16:44 // ,

Tin khắp nơi – 01/07/2019

Hoa Kỳ chỉ nới lỏng

một phần sản phẩm bán cho Huawei

Tin từ Washington, DC — Vào hôm Chủ Nhật (30 tháng 6), Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết quyết định của Tổng thống Trump cho phép mở rộng bán sản phẩm kỹ thuật cho công ty Huawei sẽ chỉ áp dụng đối với các sản phẩm có mặt rộng rãi trên toàn thế giới, không áp dụng cho các thiết bị an ninh.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình “Fox News Sunday”, ông Kudlow cho biết “Bộ Thương Mại sẽ cấp một số giấy phép bổ sung cho các thiết bị có sẵn thông thường” trong số những linh kiện mà công ty Huawei cần. Theo ông Kudlow, các công ty vi mạch của Hoa Kỳ bán sản phẩm rộng rãi trên toàn thế giới, và Huawei sẽ được giao dịch với họ, nhưng không phải được hoàn toàn muốn mua gì cũng được . Đối với Hoa Kỳ, mối quan tâm về an ninh quốc gia vẫn là quan trọng nhất.
Việc dỡ bỏ một phần các hạn chế đối với Huawei là yếu tố chính của thỏa thuận đạt được vào cuối tuần qua giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, nhằm mở lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ giữa hai nước. Quyết định này thu hút sự chỉ trích lưỡng đảng từ các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, vì họ lo ngại Huawei có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tình báo Trung Cộng nhằm khai thác sự phân phối toàn cầu của kỹ thuật Hoa Kỳ.
Ông Kudlow khẳng định, Huawei vẫn nằm trong danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ, và mối lo ngại về Huawei sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận mới. Theo ông Kudlow, thỏa thuận và cuối tuần qua không phải là thỏa thuận cuối cùng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-chi-noi-long-mot-phan-san-pham-ban-cho-huawei/

TT Trump dỡ cấm vận với công ty TQ

vì “thỉnh cầu cá nhân” của ông Tập Cận Bình

Tổng thống Trump sẽ cho phép Huawei một lần nữa mua sản phẩm từ công ty Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông chưa đưa Huawei ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài “có khả năng làm tổn hại an ninh quốc gia Mỹ”. Nhưng ông sẽ cho phép Huawei một lần nữa mua sản phẩm từ công ty Mỹ.
Đây là lần thứ hai ông Tập giảm bớt áp lực đối với một công ty công nghệ Trung Quốc sau khi trao đổi với ông Tập. Hồi tháng 7 năm 2018, ông đã dỡ bỏ hạn chế đối với ZTE.
Trong cuộc họp báo G20, ông Trump tiết lộ, ông đã dỡ bỏ giới hạn đối với ZTE theo “thỉnh cầu cá nhân” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi cho tôi và ông ấy đề nghị tôi thực hiện một thỉnh cầu cá nhân, ông ấy là nhà lãnh đạo của một nước lớn và điều đó rất quan trọng đối với ông ấy. ZTE có 85.000 nhân viên và họ suýt phá sản”, ông Trump nói.
http://biendong.net/doc-bao-viet/29030-tt-trump-do-cam-van-voi-cong-ty-tq-vi-thinh-cau-ca-nhan-cua-ong-tap-can-binh.html

Quan hệ Mỹ – Triều trở lại đúng hướng

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều sẽ mang lại sức bật cần thiết không chỉ cho các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang bị đình trệ, mà còn cả với các mối quan hệ liên Triều.
Trên Đài CNN của Mỹ, nhà phân tích James Griffiths cho rằng đây là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay từ đầu tháng 3 vừa qua. Thậm chí đã có những động thái, phát ngôn khiến người ta tưởng hai bên không còn muốn nhìn mặt nhau.
Nhưng cuộc gặp chớp nhoáng ngày 30-6, theo ông Griffiths, đã giúp đưa mối quan hệ này trở lại đúng hướng một cách vững chắc, nếu phân tích theo cách hai nhà lãnh đạo chào đón nhau nồng ấm. Thậm chí nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un chấp nhận lời mời của ông Trump tới Nhà Trắng, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ.
Giáo sư Kim Yong Hyun của Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cũng nhận định các nội dung chi tiết của cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được thảo luận ở các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong 2 – 3 tuần tới (theo tuyên bố của Tổng thống Trump), nhưng rõ ràng nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định cam kết của lãnh đạo Mỹ – Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Kim Yong Hyun, một khi tiến trình phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, nó sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Trong khi đó, giáo sư Lim Eul Chul thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) đánh giá dù cuộc gặp thượng đỉnh tại DMZ có thể ngắn, song nó chắc chắn đã tạo ra một thời điểm bước ngoặt quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì, cuộc gặp trên đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng, khởi đầu sự thay đổi trong quan hệ liên Triều. Đương nhiên cơ hội để dẫn đến sự cải thiện quan hệ lớn trong thời gian ngắn là không cao
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29031-quan-he-my-trieu-tro-lai-dung-huong.html

Sau hội kiến với Kim tại Bàn Môn Điếm,

Trump tuyên bố “sớm” đàm phán tiếp

Trọng Thành
Ngoài hành động mang tính biểu tượng bước qua lằn ranh giới tuyến Nam Bắc Triều Tiên, dấu ấn chia cắt sâu đậm nhất còn lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc gặp bất ngờ giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn để lại những kết quả cụ thể gì ?
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, sau cuộc họp kín kéo dài 53 phút, với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tại ngôi nhà mang tên Tự Do, trên đường giới tuyến Liên triều, bên phía lãnh thổ Hàn Quốc, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Hàn Quốc, nguyên thủ Mỹ tuyên bố: « Chúng tôi đã đạt thỏa thuận về việc thành lập các ê kíp », để chuẩn bị trong hai ba tuần lễ tới sẽ mở lại các đàm phán nhằm tìm phương hướng vượt qua các bất đồng.
Cũng như những lần hội kiến trước, tổng thống Mỹ tỏ ra tin tưởng, cũng như không vội vã. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tham gia vào cuộc gặp mặt tay ba lịch sử này, và cũng là người tham gia kiến thiết cuộc hội kiến bất ngờ, ghi nhận : với cuộc gặp mặt trực tiếp Trump – Kim lần thứ ba, tại Bàn Môn Điếm, « tiến trình hòa bình nhằm hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, và thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, đã vượt qua được một trở lực lớn ».
Vẫn theo Yonhap, sau khi thông báo về nhân sự đứng đầu đoàn đàm phán mỗi bên, Donald Trump và Kim Jong Un đã quyết định sẽ nhanh chóng tái khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Tổng thống Mỹ cho biết đặc sứ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun sẽ tiếp tục dẫn dắt đoàn đàm phán Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng thay đổi một số thành phần trong đoàn.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên không đưa ra tuyên bố nào sau cuộc họp kín.
Ngờ vực
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế và chính trị gia tỏ ra ngờ vực về cuộc hội kiến bất ngờ Trump – Kim lần thứ ba, mà tổng thống Mỹ thoạt tiên nhấn mạnh chỉ là một cuộc gặp thân mật nhằm duy trì quan hệ song phương, chứ hoàn toàn không phải là một cuộc thượng đỉnh lần thứ ba.
Mintaro Oba, một cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ, chuyên gia về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phê phán lối ngoại giao của tổng thống Mỹ, mang tính quảng cáo, không nhằm giải quyết các vấn đề thực chất. Trả lời ABC, ứng cử viên sơ bộ tranh cử tổng thống Mỹ, đảng Dân Chủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders khẳng định bản thân ông không hề thấy có vấn đề gì khi gặp gỡ lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un tại Bắc Triều Tiên hay nơi khác, đồng thời lên án phong cách ngoại giao « trưng ảnh » của tổng thống Mỹ, và « chính sách trống đánh xuôi, kèn thổi ngược không thể tin nổi » của tổng thống Trump đã làm suy yếu nền ngoại giao Hoa Kỳ.
Món quà tráo đổi
Theo nhà phân tích Go Myong Hyun, Viện nghiên cứu chính trị Asan, Seoul, cuộc gặp nói trên là « một món quà rất lớn của Kim dành cho Trump », trong bối cảnh đàm phán bế tắc sau thượng đỉnh Hà Nội, bởi cho đến nay Washington không hề đáp ứng đòi hỏi của Bình Nhưỡng, là cần dỡ bỏ một số trừng phạt quốc tế để nối lại các đàm phán. Chế độ Bình Nhưỡng đã « mang lại một cơ hội mới » cho tổng thống Mỹ, muốn khẳng định là quan hệ ngoại giao có thể duy trì, chủ yếu nhờ mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo.
Ngược lại, vẫn theo vị chuyên gia này, cuộc gặp này cũng là món quà của tổng thống Mỹ tặng lãnh đạo họ Kim, từ lâu vẫn trông đợi một tổng thống Mỹ đặt chân lên đất Bắc Triều Tiên, và được Hoa Kỳ đối xử bình đẳng. Trước cuộc họp kín, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỏ ý tin tưởng là mối quan hệ mật thiết của mình với tổng thống Mỹ « sẽ cho phép vượt qua nhiều trở ngại », và chỉ có một mối quan hệ như vậy mới cho phép hai bên tổ chức trong chớp nhoáng một cuộc hội kiến được đánh giá là lịch sử này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190630-sau-hoi-kien-voi-kim-tai-ban-mon-diem-trump-tuyen-bo-dam-phan-tiep

Pompeo: Giữa tháng 7

nối lại đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên

Anh Vũ
Sau cuộc gặp bất ngờ giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un tại khu phi quân sự ở biên giới liên Triều, hôm qua 30/06/2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ được nối lại vào giữa tháng 7.
Trước các nhà báo trong căn cứ không quân Mỹ Osan, ông Mike Pompeo, tháp tùng tổng thống Trump tới Hàn Quốc, tuyên bố các cuộc đàm phán « sẽ diễn ra trong tháng 7, rất có thể trong 2 hay 3 tuần nữa, có thể là giữa tháng, theo đánh giá của tôi. Địa điểm vẫn chưa được xác định ». Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm là các nhóm đàm phán sẽ tập hợp và bắt đầu các cuộc trao đổi.
Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên đã bị ngừng lại sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay.
Trong khi đó cả hai miền Nam, Bắc Triều Tiên đều tỏ ra vui mừng về cuộc gặp Trump-Kim tại Bàn Môn Điếm và đều hy vọng đối thoại sẽ được nối lại.
Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul ghi nhận phản ứng ở Bình Nhưỡng và Seoul :
Cuộc gặp ở biên giới mang tính « lịch sử » và quyết định của ông Donald Trump là « can đảm », báo chí Bắc Triều Tiên sáng nay ca ngợi như trên, đồng thời phổ biến hàng chục bức hình chụp ông Trump và ông Kim bắt tay nhau.
Đánh giá cuộc gặp này đã tạo sự « tin cậy chưa từng có » giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng khẳng định các nhà đàm phán hai nước sẽ nối lại các cuộc họp để thảo luận về một thỏa thuận giải trừ hạt nhân sau nhiều tháng bế tắc.
Nhìn chung báo chí Hàn Quốc cũng ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh bất ngờ, đồng thời hy vọng các cuộc thương lượng về hạt nhân sẽ được nối lại. Nhật báo có xu hướng bảo thủ Joogang đánh giá, « một trang sử đang được viết lên ». Tờ báo nhắc lại « sự tin cậy lẫn nhau được xây dựng qua trao đổi thông tin, tiếp xúc thường xuyên ».
Kim Jong Un « nếu như không quyết tâm nối lại đối thoại, thì đã từ chối cuộc gặp này », tờ Korea Times nhận định. Còn báo Korea Herald tỏ ra thận trọng hơn, nhắc lại rằng để đạt được « giải trừ hạt nhân và hòa bình thực sự, cần phải làm nhiều hơn một « đòn truyền thông ».
Bắc Kinh thế chân trung gian của Hàn Quốc ?
Chuyến thăm Triều Tiên của tổng thống Mỹ diễn ra ngay sau cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 cùng với thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vai trò không thể xem nhẹ trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên Simon Leplâtre tại Thượng Hải nhận định:
Trước khi có cái bắt tay lịch sử của Donald Trump và Kim Jong Un tại đường giới tuyến giữa hai miền Triều Tiên, tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc tại thượng đỉnh G20, Nhật Bản. Theo báo chí Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nói với Donald Trump rằng Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng để giúp nối lại đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Chuyến thăm Triều Tiên của ông Trump đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc trong cuộc chơi . Cách đây vài tháng, trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Việt Nam, tổng thống Hàn Quốc đóng vai trò trung gian. Nhưng thất bại của cuộc gặp này đã khiến vai trò của Trung Quốc trở nên cốt yếu.
Cách đây 10 ngày, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bắc Triều Tiên. Đó là cách nhắc nhở rằng Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu và đồng minh của Bắc Triều Tiên, đang nắm hồ sơ. Đó cũng là điều mà ông Tập có thể đã nhắc lại với ông Trump tại Osaka hôm thứ Bảy.
Liệu có phải ngẫu nhiên không khi mà chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Bắc Triều Tiên diễn ra ngay sau thông báo Mỹ-Trung đình chiến thương mại. Nếu ông Trump muốn có một chiến thắng ngoại giao ở Bắc Triều Tiên, ông phải thương lượng với cả Trung Quốc cũng như với Bình Nhưỡng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190701-ngoai-truong-my-du-tru-giua-thang-7-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-bac-trieu-tien

Mỹ thúc ép Campuchia giải thích lý do

từ chối đề nghị giúp sửa chữa căn cứ

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu Campuchia giải thích lý do vì sao nước này đột nhiên từ chối lời đề nghị sửa chữa một căn cứ hải quân, và nói rằng quyết định này làm dấy lên suy đoán về khả năng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại đó.
Một bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, mà hãng tin Reuters xem được, cho thấy mối quan ngại của Washington về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán với yêu sách chủ quyền trong khu vực tranh chấp Biển Đông.
Bức thư của ông Joseph Felter, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Nam và Đông Nam Á, yêu cầu cung cấp thêm thông tin về quyết định từ chối Mỹ giúp đỡ sửa chữa một cơ sở đào tạo và kho tàu tại căn cứ Hải quân Ream.
“Thư thông báo ngày 6 tháng 6 năm 2019 đã được chính phủ Hoa Kỳ đọc và đang gây ra suy đoán rằng việc thay đổi chính sách đột ngột này có thể cho thấy kế hoạch thay đổi lớn hơn tại căn cứ Hải quân Ream, đặc biệt là những kế hoạch liên quan đến việc đặt các thiết bị quân sự của Trung Quốc”, lá thư có đoạn, theo Reuters.
Tùy viên quân sự Mỹ tại Phnom Penh, Michael Stelzig, xác nhận bức thư được gửi cho Tướng Tea Banh vào ngày 24/6.
Đại sứ quán Hoa Kỳ không bình luận gì thêm với Reuters.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Campuchia cho Reuters biết, Campuchia không từ chối tiền của Mỹ, nhưng muốn chi tiêu nó vào việc khác.
“Có lẽ, tại Ream sẽ có một số thay đổi trong tương lai”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Chhum Socheat nói, và cho biết không thể đưa ra chi tiết về những thay đổi này. Khi được hỏi liệu chúng có liên quan đến quân đội Trung Quốc hay không, ông trả lời rằng không.
Đồng minh thân thiết của TQ
Campuchia là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Nước này đã nhận được hàng tỷ đôla viện trợ của Trung Quốc cũng như hậu thuẫn chính trị cho Thủ tướng độc tài Hun Sen dù vấp phải những chỉ trích của phương Tây.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về bức thư hay bất kỳ kế hoạch nào cho các lực lượng Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream.
Trung Quốc hiện đang điều hành một căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại Djibouti ở vùng Sừng châu Phi, và đã nhiều lần bác bỏ suy đoán cho rằng họ có kế hoạch mở thêm tại các nước khác.
Ông Felter đã đến thăm căn cứ Ream vào tháng 1 và cho biết ông đã đề nghị hỗ trợ sửa chữa các cơ sở do Hoa Kỳ tài trợ vào tháng 4, sau khi nhận được yêu cầu xin giúp đỡ của Campuchia. Ông Felter cho biết, đề nghị này sau đó đã bị từ chối.
Ream, căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia, nằm về phía đông nam của thành phố cảng Sihanoukville, trung tâm của đặc khu kinh tế do Trung Quốc điều hành với sự bùng nổ sòng bạc của Trung Quốc.
Hồi năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen nói sẽ không bao giờ có một căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia, sau khi có tin tức cho rằng Trung Quốc đang vận động hành lang cho một căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong, phía tây bắc Sihanoukville.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cũng đã viết thư cho Thủ tướng Hun Sen hồi năm ngoái để bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện quân sự hoặc căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia, là điều mà Hiến pháp Campuchia cấm.
Campuchia đã cảnh giác với sự cạnh tranh siêu cường kể từ khi nước này bị tàn phá bởi cuộc chiến giữa các lực lượng ủy nhiệm của Trung Quốc và Mỹ trong những năm 1970, mà đỉnh điểm là nạn diệt chủng Khmer Đỏ.
Nhưng Campuchia đã ủng hộ Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán với các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
https://www.voatiengviet.com/a/my-thuc-ep-campuchia-giai-thich-ly-do-tu-choi-de-nghi-giup-sua-chua-can-cu/4980529.html

Mỹ hy vọng VN ‘giải quyết quan ngại’ của TT Trump

Hoa Kỳ “hy vọng Việt Nam sẽ sớm thực hiện các biện pháp để giải quyết những quan ngại” mà Tổng thống Donald Trump vừa nêu về quan hệ thương mại hai nước, TTXVN trích lời phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết hôm 1/7.
Trả lời phỏng vấn Fox Business hôm 26/6, ông Trump nói rằng Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ông Trump nói: “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước.”
Phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sáng 1/7 cho TTXVN biết: “Tổng thống Hoa Kỳ quyết tâm theo đuổi các điều khoản đầu tư và thương mại tự do, công bằng và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi cho các doanh nghiệp, nông dân và người lao động Hoa Kỳ trong quan hệ với tất cả các đối tác kinh tế của Hoa Kỳ, trong đó có các nước bạn hữu như Việt Nam.”
“Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn với các đối tác Việt Nam về sự mất cân bằng thương mại và hy vọng Việt Nam sẽ sớm thực hiện các biện pháp để giải quyết những quan ngại này của chúng tôi trên tinh thần xây dựng,” phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ nói thêm.
Trước đó, hôm 28/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Hà Nội muốn phát triển quan hệ thương mại “công bằng” với Mỹ sau khi bị Tổng thống Donald Trump cáo buộc là đang lạm dụng Mỹ về thương mại “tệ hơn cả Trung Quốc.”
Trả lời qua email về chỉ trích của ông Trump, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với VOA rằng “Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-hy-vong-vn-giai-quyet-quan-ngai-cua-tt-trump/4980471.html

Đặc phái viên Hoa Kỳ hỗ trợ Israel

củng cố quyền kiểm soát miền đông Jerusalem

Tin từ JERUSALEM, Israel — Vào hôm Chủ nhật (30/6), các đặc phái viên Hoa Kỳ đã dùng búa để phá một đường hầm mới tại một khu di tích của người Do Thái ở Đông Jerusalem, báo hiệu sự ủng hộ của Washington đối với quyền kiểm soát của Israel đối với một phần của thành phố nơi người Palestine muốn thành lập một quốc gia tương lai.
Người Palestine xem kế hoạch này và các hoạt động định cư ở quận Silwan là những hành động của Israel nhằm tiếp tục củng cố quyền kiểm soát đối với các khu vực mà họ chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, và gọi sự hiện diện của Hoa Kỳ tại sự kiện này là một hành động thù địch.
Hai trong số các cố vấn hàng đầu Trung Đông của Tổng thống Donald Trump – đặc phái viên hòa bình Jason Greenblatt và Đại sứ tại Israel David Friedman – đã đến dự lễ khai mạc một con đường được khai quật mà các nhà khảo cổ Israel cho rằng đã được những người hành hương Do Thái sử dụng để đi đến Jerusalem vào hai thiên niên kỷ trước. “Con đường của người hành hương” này là một phần của Thành phố của David, một điểm thu hút khảo cổ ngoài trời của người Do Thái được xây dựng ở Silwan thông qua việc mua lại tài sản thuộc sở hữu của người Palestine. Việc mua tài sản này từng nhiều lần bị tranh cãi tại tòa án.
Israel đã chiếm được Silwan và các quận lân cận trong cuộc xung đột năm 1967, sau đó sáp nhập và biến những khu vực này thành thuộc địa. Hành động này làm phẫn nộ các quốc gia ủng hộ mục tiêu của người Palestine trong việc xây dựng thủ đô ở đó, cho một quốc gia tương lai sẽ tiếp nhận Bờ Tây và Dải Gaza. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dac-phai-vien-hoa-ky-ho-tro-israel-cung-co-quyen-kiem-soat-mien-dong-jerusalem/

Rơi máy bay tại Dallas Texas, 10 người thiệt mạng

Tin từ Dallas, Texas — Đài KTLA dẫn lời giới chức địa phương cho biết, tất cả mười người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn kinh hoàng vào sáng Chủ Nhật (30 tháng 6), khi máy bay cố gắng để đạt được độ cao sau khi cất cánh từ phi trường ở ngoại ô Dallas.
Nhân chứng cho biết, máy bay đã rẽ sang một bên và lao vào nhà chứa máy bay. Theo lời các viên chức liên bang, hai thành viên phi hành đoàn và tám hành khách đã thiệt mạng khi chiếc máy bay hai động cơ, dự kiến bay đến St. Petersburg, Florida, bị rơi tại phi trường Addison Municipal Airport vào lúc 9:11 sáng. Danh tính của những người thiệt mạng hiện thời chưa được công bố.
Các viên chức cho biết máy bay Beechcraft BE-350 King Air đâm vào một nhà chứa máy bay và sau đó bốc cháy với khói đen cuồn cuộn tỏa lên từ tòa nhà. Lực lượng lính cứu hỏa đã đến hiện trường để chữa cháy. Một chiếc máy bay và trực thăng cũng bị hư hại, nhưng may mắn là không có người trong tòa nhà khi sự việc xảy ra. Vụ tai nạn để lại một lỗ hổng trong nhà chứa máy bay, nơi cách đó không xa là một dãy thương mại sầm uất và khu dân cư đông đúc của vùng ngoại ô phía bắc Dallas.
Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (gọi tắt là NTSB) Bruce Landsberg cho hay, gần đây chiếc máy bay đã đổi chủ, nên vẫn chưa thể xác định số đuôi của máy bay.
Theo KTLA, trong khoảng thời gian xảy ra sự việc, tháp kiểm soát không lưu không nhận được thông báo từ bất kỳ phi công nào cho thấy tình huống khẩn cấp hoặc gặp khó khăn với máy bay. Nhưng một nhân chứng cho hay chiếc máy bay có vẻ không ổn ngay từ khi cất cánh. Người này cho biết chiếc máy bay bị giảm lực nâng rõ ràng; dù không rõ có chủ đích hay không, nhưng sau đó, khi máy bay bắt đầu rẽ sang trái, nó không thể nâng độ cao lên được nữa.
Hiện nay, chính quyền Dallas đã giúp thành phố Addison thành lập một trung tâm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng từ vụ tai nạn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/roi-may-bay-tai-dallas-texas-10-nguoi-thiet-mang/

Trump – Kim: Đảng Dân Chủ lên án

sự khinh suất của tổng thống Mỹ

Một năm sau cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu giữa Donald Trump và Kim Jong Un, tình hình chẳng có mấy gì thay đổi. Tại Hoa Kỳ, phe đối lập Dân Chủ lên án sự ưu ái mà ông Donald Trump dành cho nhà « độc tài » Bắc Triều Tiên, được cho là đã không đưa ra một chút nhượng bộ nào.
Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật :
« Các ứng viên đảng Dân Chủ giành quyền đại diện tranh cử tổng thống Mỹ gần như có cùng luận điệu. Khi nhắc lại lời đe dọa « lửa và cuồng nộ » chống lại Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ, thật sự họ không thể lên án sáng kiến ngoại giao của Donald Trump. Nhưng giống như Julian Castro, nhiều người lấy làm tiếc về sự ngẫu hứng và khinh suất dường như đang chi phối mối quan hệ đặc biệt giữa ông Trump với Kim Jong Un.
Ông Julian Castro phát biểu : « Tôi cho rằng chúng ta nên có chuẩn bị kỹ từ trước và buộc Kim Jong Un phải thực hiện những cam kết mà ông ấy đưa ra tại thượng đỉnh Singapore. Tôi không nghĩ là thích hợp khi lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục gặp gỡ một nhà độc tài một cách sai lầm như thế, vì ông ấy đã không tuân thủ những gì mình nói cách nay một năm ».
Đối với một số người trong đảng Dân Chủ, chính Bắc Triều Tiên đang dẫn cuộc chơi. Đương nhiên, Donald Trump nghĩ ngược lại, và ông ấy muốn tạo ra hình ảnh một người kiến tạo hòa bình. Đối với ông Bernie Sanders, một ứng viên khác, cuộc gặp đó chẳng qua chỉ là làm cho người ta lóa mắt và điều này đi ngược với những lập trường khác được đưa ra.
Ông Sanders nói : « Tôi không muốn đó đơn giản chỉ là một bức ảnh để thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai và những ngày sau đó ? Hiện tại, vào lúc gặp Kim Jong Un, quý vị biết rồi đấy, ông Trump luôn là người khiêu khích và hầu như luôn nhắm đến một cuộc chiến với Iran ».
Tổng thống Mỹ đang làm ngược lại người tiền nhiệm Barack Obama và phải đợi một thời gian để biết là chiến lược của ông đối với Bình Nhưỡng hay Iran có thành công hay không. Trừ phi là có một ứng viên đảng Dân Chủ bước vào Nhà Trắng sau năm 2020 và lại dỡ bỏ những gì Donald Trump đang cố thực thi lúc này. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190701-trump-%E2%80%93-kim-lan-ba-dang-dan-chu-my-len-an-su-khinh-suat-cua-tong-thong-my

Venezuela : Một sĩ quan tham gia đảo chính

bị tra tấn chết trong tù

Minh Anh
Chính quyền Caracas bị chỉ trích gay gắt sau vụ một sĩ quan quân đội « bị nghi ngờ tham gia một âm mưu đảo chính » chết trong tù ngày 29/06/2019 do bị tra tấn. Phe đối lập muốn Liên Hiệp Quốc mở điều tra vì nghi ngờ cam kết của chính phủ làm sáng tỏ vụ việc
Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille giải thích :
« Phải đợi đến chiều hôm sau, Chủ Nhật 30/06/2019, chính phủ mới có phản ứng về vụ việc đang làm rúng động cả nước Venezuela. Trong một thông cáo, chính phủ cam kết mở điều tra, nhưng không nói rõ thực trạng. Quân đội chỉ nói rõ là Rafael Acosta bị ngất xỉu trong phiên xử ngày thứ Sáu 28/06, buộc thẩm phán phải đề nghị chuyển người này vào bệnh viện quân sự và viên sĩ quan này đã qua đời ở đây.
Nhưng nữ luật gia đấu tranh nhân quyền, cô Tamara Suju cáo buộc Cơ quan phản gián quân đội đã tra tấn viên sĩ quan này và gây ra cái chết của anh. Hai viên chức đã bị bắt hôm Chủ Nhật.
Đối với Nghị viện Venezuela, hiện trong tay phe đối lập, làm như thế vẫn chưa đủ. Phe đối lập đề nghị Liên Hiệp Quốc gởi một êkíp độc lập đến điều tra và tiến hành khám nghiệm tử thi. Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu hay nhóm Lima, quy tụ nhiều nước Nam Mỹ chống Nicolas Maduro.
Ngoài việc khiến cho bầu không khí chính trị tại Venezuela thêm phần căng thẳng, vụ này xảy ra chưa đầy một tuần sau chuyến thăm Venezuela của bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Trong suốt chuyến thị sát của bà, ông Nicolas Maduro đã đưa ra nhiều cam kết, nhất là về việc trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị và về việc sử dụng tra tấn ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190701-venezuela-mot-si-quan-tham-gia-dao-chinh-chet-trong-tu-vi-bi-tra-tan

Thức trắng đêm, châu Âu vẫn chưa bầu được lãnh đạo

Thụy My
Sau một đêm thức trắng và 14 tiếng đồng hồ đàm phán gay go, đến sáng nay 01/07/2019 các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về các chức vụ chủ chốt. Cuộc họp được dời lại ngày mai.
Cuộc họp thâu đêm này là kỳ thảo luận chính thức lần thứ hai, nhưng thật ra đã là lần thứ ba, vì các nhà lãnh đạo 28 nước châu Âu đã có bữa ăn tối làm việc trước đó. Thông tín viên Anissa El Jabri tại Bruxelles cho biết, nhiều đại biểu không chấp nhận để cho chính khách dân chủ xã hội Hà Lan Frans Timmermans làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, theo như thỏa thuận sơ bộ tại thượng đỉnh G20 ở Osaka.
« Đó là cả một trận oanh kích nhắm vào ứng viên Timmermans. Cánh hữu châu Âu không chấp nhận ông : Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Ireland và cả Đức cũng thế. Theo tổng thư ký CDU, một giải pháp nào khác ngoài ông Manfred Weber đều « không thể hiểu được ».
Một nguồn tin châu Âu cho biết, thỏa thuận khung đã không được thảo luận ở cánh hữu châu Âu (PPE). Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, ông Donald Tusk đã phải cố tháo gỡ bế tắc suốt đêm qua tại Bruxelles, thử đề nghị một số tên tuổi khác như ông Michel Barnier của Pháp. Có điều người Pháp lại muốn chiếc ghế giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, sẽ bỏ trống vào mùa thu này, vào tay ông Barnier.
Như vậy, một « sushi deal », như cách gọi của nhóm cánh hữu đối với giải pháp được đưa ra ở thượng đỉnh G20 tại Osaka, vẫn đang được đặt trên bàn hội nghị, với chức chủ tịch Nghị Viện Châu Âu dành cho người đứng đầu nhóm cánh hữu, ông Manfred Weber.
Nghị Viện sẽ phải bầu ra chủ tịch vào thứ Tư tới. Nếu việc bầu cử này diễn ra trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được đồng thuận, thì sẽ là một mảnh puzzle được đặt trước những mảnh khác. Theo một nguồn tin châu Âu, đây là một sự bất tiện mà 28 nước thành viên không mong muốn, vì nó « không logic cả về chính trị lẫn định chế ». Hơn nữa, Paris và Berlin cũng muốn làm mọi cách để tìm ra được thỏa thuận trong cuộc họp thượng đỉnh này».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190701-thuc-trang-dem-chau-au-van-chua-tim-ra-duoc-lanh-dao

Ngôi làng yêu thích nhất của người Pháp 2019

Tuấn Thảo
Thị trấn Saint-Vaast la Hougue ở vùng Normandie đã đoạt danh hiệu ‘‘Ngôi làng yêu thích nhất của người Pháp’’ năm 2019, theo bình chọn của khán giả hôm 26/06/2019. Đây là tên của một chương trình truyền hình nổi tiếng, chuyên giới thiệu các danh lam thắng cảnh các vùng miền nước Pháp.
Nằm ở ở cuối bán đảo Cotentin thuộc tỉnh Manche, cách thủ đô Paris khoảng 370 cây số về phía Tây Bắc, Saint-Vaast la Hougue là một thị trấn hiền hòa yên bình, với nhiều di sản kiến trúc có từ thế kỷ 17 do được bảo tồn chu đáo, nên vẫn còn nguyên vẹn cho tới tận ngày nay. Có lẽ cũng nhờ vào những lợi thế ấy, Saint-Vaast la Hougue của vùng Normandie đã đoạt giải nhất trong số 14 địa danh tham gia cuộc thi năm nay.
Về hạng nhì là làng Pont Croix ở Finistère vùng Bretagne. Đứng hạng ba là ngôi làng Terre de Haut ở đảo Guadeloupe. Tính tổng cộng, hơn 700.000 lượt người xem đã bỏ phiếu bình chọn cho ngôi làng họ yêu thích nhất. Năm 2019, chương trình trên kênh truyền hình France 3 cũng đã thu hút hơn 2 triệu rưỡi khán giả.
Thị trấn Saint-Vaast la Hougue có khoảng 1.700 cư dân, nhưng vào những mùa cao điểm, đặc biệt là trong các tháng hè, số lượng du khách tại chỗ tăng lên gấp 5, gấp 10 lần. Do vậy thời điểm lý tưởng nhất để viếng thăm Saint-Vaast la Hougue vẫn là cuối mùa xuân (tháng 5 & tháng 6) hay là đầu mùa thu (tháng 9 & tháng 10) nếu bạn muốn thật sự tận hưởng bầu không khí yên tĩnh trong lành của vùng này.
Nơi đây vẫn giữ được nét duyên hài hòa của vùng Normandie truyền thống, các công trình xây cất dùng những vật liệu dễ tìm thấy trong vùng. Gần phía ven biển, các ngôi nhà thường được xây bằng đá. Còn ở phía trong thị trấn, những ngôi nhà cổ xưa để lộ các khung sườn gỗ, những con đường lát đá, nhỏ hẹp quanh co đẹp như các bức họa, những lối ngõ đường mòn dẫn đến ngọn hải đăng có từ thế kỷ 18, nay được sơn những phết tựa như tranh màu nước.
Từ nhà thờ ở trung tâm ngôi làng Saint Vaast la Hougue, hầu hết các lối đi đều dẫn tới mặt biển, nơi có rất nhiều hàng quán chuyên bán các món hải sản đặc biệt là hào tươi và sò điệp ngon không thua gì làng Erquy ở gần Saint Brieuc. Một trong những di sản kiến trúc không thể bỏ qua vẫn là ‘‘La Chapelle des Marins’’, nhà nguyện cầu an cho các ngư phủ và thủy thủ mỗi lần họ nhổ neo ra khơi. Nhà nguyện này còn giữ nguyên ở bên trong cung nhà thờ hình bán nguyệt thời Trung cổ, với lối kiến trúc roman có từ thế kỷ 12.
Từ nhà nguyện, bạn có thể đi dạo khoảng hai cây số dọc bờ biển, để tới mũi tận cùng bán đảo Cotentin, nơi đây có dựng pháo đài và tháp quan sát được xây dựng bởi Hầu tước Vauban (một kỹ sư quân sự người Pháp dưới thời vua Louis XIV). Hai ngọn tháp Vauban này từng được liệt kê là Di sản Văn hóa Thế giới kể từ năm 2008. Bạn cũng có thể đón tàu ra ghé thăm Viện bảo tàng hải dương trên đảo Tatihou, những khung cảnh đẹp nhất vẫn là từ trên đỉnh đồi nhìn ra biển xuyên qua lỗ châu mai các bức thành lũy còn đứng vững từ thế kỷ 17.
Qua chương trình “Ngôi làng yêu thích nhất của người Pháp” lần thứ 8, Saint Vaast la Hougue đã được khán giả công nhận một cách xứng đáng. Vùng Normandie sánh vai trên bảng vàng với nhiều vùng miền khác. Cho tới nay, các ngôi làng của Pháp giành được danh hiệu này vẫn là vùng Bretagne (với ngôi làng Ploumanac’h vào năm 2015 và Rochefort en Terre năm 2016), vùng Occitanie cũng hai lần đoạt giải (với “Cirq Lapopie năm 2012 và Cordes-sur-Ciel năm 2014), vùng Alsace Loraine còn được gọi là vùng Grand Est (với Eguisheim được trao giải năm 2013 và nhất là Kaysersberg năm 2017).
Ngoài việc bảo tồn di sản kiến trúc và lịch sử, chương trình “Ngôi làng yêu thích nhất của người Pháp” còn có mục đích giới thiệu phong tục tập quán của người dân địa phương. Các cảnh quay không chỉ đơn thuần làm nổi bật “vẻ đẹp của nước Pháp” thông qua các danh lam thắng cảnh nên thơ hữu tình, chương trình này còn chủ yếu đề cao nỗ lực bảo tồn các di sản địa phương, một điều rất cần thiết do chính phủ ngày càng cắt giảm ngân sách dành cho việc trùng tu các công trình xây dựng có từ lâu đời.
Đối với các thị trấn hẻo lánh, các ngôi làng vùng sâu vùng xa, việc đoạt danh hiệu “Ngôi làng yêu thích nhất của người Pháp” có tác động thu hút thêm du khách, giúp cho các vùng miền tạo được thêm nguồn kinh phí hoạt động. Sự giàu có, trú phú của những vùng miền nước Pháp không chỉ là di sản lịch sử hay công trình kiến trúc, tài nguyên thực sự chính là những người dân địa phương sống và làm việc tại chỗ, để bảo vệ gin giữ tất cả những gì cần để lại cho con cháu đời sau.
http://vi.rfi.fr/van-hoa/20190701-ngoii-lang-yeu-thich-nhat-cua-nguoi-phap-2019

Nhật hạn chế xuất khẩu

một số mặt hàng sang Hàn Quốc

Anh Vũ
Theo AFP, hôm nay 01/07/2019, Nhật Bản thông báo siết chặt điều kiện xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều loại hóa chất dùng cho sản xuất chíp điện tử, màn hình điện thoại thông minh hoặc máy thu hình. Nguyên do của quyết định bắt nguồn từ những bất đồng do lịch sử để lại về Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Theo Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Nhật, quy định mới có hiệu lực từ ngày thứ Năm (04/07) tới. Thông cáo của bộ giải thích : « Việc kiểm soát xuất khẩu là dựa trên cơ sở quan hệ tin cậy giữa các quốc gia. Nhưng sau các tham khảo với các bộ liên quan, rõ ràng quan hệ tin cậy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị xấu đi đáng kể ».
Các biện pháp hạn chế của Nhật liên quan đến 3 loại sản phẩm cũng như việc chuyển giao công nghệ liên quan đến các linh kiện bị cấm xuất khẩu.
Các nhà xuất khẩu Nhật mỗi lần chuyển hàng đến hàn Quốc đều phải xin giấy phép. Thời hạn cho thủ tục này kéo dài khoảng 90 ngày.
Dù Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ, nhưng lịch sử thời Nhật chiếm đóng Triều Tiên 1910-1945 đã để lại những bất đồng và hiềm khích đến giờ vẫn chưa thể giải quyết hết.
Các hiềm khích lại bùng lên khi gần đây tư pháp Hàn Quốc ra phán quyết đòi các công ty Nhật bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động. Tokyo phản đối vì cho rằng vấn đề đó đã được giải quyết bằng hiệp định nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965. Tuy nhiên, tư pháp Hàn Quốc nhiều lần cho rằng hiệp định trên không tính đến vấn đề lao động khổ sai trong các nhà máy của Nhật.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190701-nhat-han-che-xuat-vat-tu-dien-thoai-thong-minh-cho-han-quoc-vi-bat-dong-lich-su

Hong Kong: Người biểu tình tràn vào

tòa nhà chính phủ trong ngày kỷ niệm bàn giao

Người biểu tình đã tràn vào bên trong nhà Hội đồng Lập pháp của Hongkong, sau khi bủa vây tòa nhà này trong nhiều giờ.
Hàng chục người biểu tình phá cửa kính của tòa nhà Legco, trong lúc đám đông đứng ngoài quan sát từ bên ngoài.
Sau đó, hàng trăm người đã tràn vào tòa nhà, xịt các dòng chữ lên tường và mang đồ tiếp tế cho những người chiếm tòa nhà.
Vụ bất ổn diễn ra sau một cuộc biểu tình ôn hòa của hàng hàng người phản đối luật dẫn độ.
Bên trong phòng lập pháp trung tâm, một người biểu tình xịt sơn đen lên biểu tượng của Hong Kong treo trên bức tường phía sau – trong lúc một người khác vẫy lá cờ thuộc địa màu trắng, có hình lá cờ Anh Quốc.
Trước đó, cảnh sát đã giơ biểu ngữ nói họ sẽ dùng bạo lực nếu người biểu tình phá các bức tường bằng kính. Sau đó họ cảnh báo rằng bất cứ ai phá cánh cửa kim loại bên trong sẽ bị bắt giữ.
Thế nhưng mỗi khi người biểu tình hành động, họ quyết định không chống lại đám đông – những người được trang bị mũ bảo hiểm, tấm chắn bằng bìa các tông tự chế, và ô.
Tuy nhiên, cảnh sát đã dùng hơi cay và gậy với đám đông trong những vụ đụng độ trước đó.
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ xuống đường nhân dịp kỷ niệm 22 năm Anh quốc trao trả thành phố này cho Trung Quốc.
Đây là cuộc biểu tình mới nhất trong một chuỗi các cuộc biểu tình chống một đạo luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ người dân sang Trung Quốc lục địa.
Chính quyền đã đồng ý đình chỉ nó vô thời hạn, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục giữa những lời kêu gọi Chủ tịch Hong Kong Carrie Lam phải từ chức.
Tòa nhà LegCo được đặt ở mức báo động đỏ lần đầu tiên hôm Thứ Hai 1/7 – có nghĩa mọi người phải thoát khỏi tòa nhà và khu vực lân cận.
Nhưng cho tới 21:00 giờ địa phương, đám đông đứng xem không những không giảm mà Biểu tình chống TQ: Giới trí thức Hong Kong nghĩ gì, làm gì?
Bà Carrie Lam xin lỗi nhưng không từ chức
Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?
Điều gì xảy ra từ sáng sớm thứ Hai đến giờ?
Nhà chức trách cho biết người biểu tình đã chặn một số con đường trong thành phố từ 4 giờ sáng địa phương.
Một tuyên bố của cảnh sát lên án “hành vi bất hợp pháp” của những người biểu tình, người mà họ nói đã lấy cột sắt và các đường ray bảo vệ từ những công trường gần đó. Họ cảnh báo người biểu tình không được ném gạch hoặc tấn công hàng ngũ cảnh sát đứng chặn đường.
Có báo cáo là một số người biểu tình bị thương. Hãng tin AFP cho biết ít nhất một phụ nữ được bị chảy máu từ vết thương ở đầu sau khi đụng độ với cảnh sát.
Cảnh sát sau đó cho biết 13 sĩ quan cảnh sát phải được đưa đến bệnh viện sau khi người biểu tình ném “chất lỏng không xác định” vào họ. Một số người được cho là đã bị khó thở do tiếp xúc với chất lỏng này.
Hàng ngàn người tham gia cuộc diễu hành hòa bình vào chiều thứ Hai.
Vào giờ ăn trưa, một nhóm người biểu tình ly khai đã chuyển đến tòa nhà Hội đồng Lập pháp (LegCo), nơi chính phủ họp và dùng xe đẩy bằng kim loại cố gắng phá cửa kính của toà nhà.
Một nhóm nhỏ người biểu tình liên tục đâm xe đẩy kim loại vào cửa kính của tòa nhà, sau đó giải tán đi nơi khác.
Đến tối, một số người quay trở lại tòa nhà LegCo và bắt đầu kéo hàng rào xuống để đột nhập vào bên trong.
Người biểu tình bị chặn bởi một cánh cửa kim loại nặng, trong khi cảnh sát đứng nhìn và sẵn sàng đáp trả. Nhưng sau khi người biểu tình mở được cổng, cảnh sát rút vào sâu hơn trong tòa nhà.
Một người đàn ông, tự gọi là G, cho BBC biết tại hiện trường những người biểu tình đã tính trước sẽ có bạo lực.
“Phong trào lúc này đã vượt quá luật dẫn độ. Đó là [đấu tranh] về quyền tự trị của Hong Kong,” ông nói.
“Tôi lo sẽ có phản ứng tiêu cực từ công chúng. Tất cả những gì chúng tôi làm đều có rủi ro và đây là một trong những rủi ro mà những người ở đây chấp nhận”.
Chính phủ lên án cái mà họ gọi là những hành động “cực kỳ bạo lực”, nói thêm rằng cảnh sát sẽ “có những biện pháp tăng cường cần thiết để bảo vệ trật tự và an toàn công cộng”.
Hong Kong đánh dấu 20 năm chuyển giao
Hong Kong: Phe Dân chủ mong giành lại quyền phủ quyết
Biểu tình Hong Kong: Giới vận động VN nghĩ gì?
Trước đó lễ chào cờ để đánh dấu bàn giao đã diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hồng Kông trong bối cảnh sự có mặt dầy đặc của cảnh sát.
Phát biểu sáng hôm 1/7, bà Lam cho biết các sự kiện vào tháng 6/2019 khiến bà “nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe người dân”.
Khi bà dự buổi lễ thượng cờ, những người biểu tình đã tổ chức một sự kiện gần đó, giơ cao cờ đen để biểu hiện nỗi sợ lãnh thổ này đánh mất tự do.
Bà Lam đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức liên tục và đám đông dự kiến ​​sẽ tham dự cuộc biểu tình lớn trong hôm 1/7.
Yêu cầu của người biểu tình gồm rút toàn bộ dự luật, rút lại từ “bạo loạn” để mô tả cuộc biểu tình vào ngày 12/6, trả tự do cho tất cả các nhà hoạt động bị giam giữ và điều tra về hành vi bạo lực của cảnh sát.
Hơn một triệu người đã xuống đường nhiều lần trong ba tuần qua để trút sự tức giận và thất vọng của họ lên Trưởng đặc khu Carrie Lam do Bắc Kinh hậu thuẫn. Động thái này đặt ra thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ ngày 18 tháng 6, nhà lãnh đạo Hong Kong đang bị thúc dục phải từ chức Carrie Lam nói bà nhận ra rằng mình cần phải dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe.
“Tôi sẽ học được bài học và đảm bảo rằng công việc trong tương lai của chính phủ sẽ gần gũi hơn và phản ứng nhanh hơn với nguyện vọng, tình cảm và ý kiến của cộng đồng”, bà nói.
Ý nghĩa ‘đặc biệt ‘năm nay
Phân tích của Karishma Vaswani, BBC News tại Hong Kong
Hong Kong có một lịch sử biểu tình ôn hòa và phần lớn các cuộc biểu tình này rất bình tĩnh, ngoại trừ thỉnh thoảng đụng độ với cảnh sát.
Cảm nhận áp đảo mà tôi có được sau khi nói chuyện với nhiều người ở đây là giới trẻ Hong Kong thực sự tức giận và thất vọng với cách Hong Kong đang được điều hành. Họ muốn những người biểu tình bị giam giữ được thả ra, dự luật bị huỷ bỏ và Carrie Lam phải từ chức.
Ngoài những cơn giận tôi cũng thấy những cảnh hợp tác đáng chú ý. Từng người phát cho nhau dù, mũ bảo hiểm và bám chặt lấy nhau khi họ đứng vững để chống lại cảnh sát đã mang bình xịt hơi cay và dùi cui để đánh trả.
Khi màn đêm buông xuống, số người xuống đường càng đông – khi những người biểu tình được tham gia bởi các gia đình có trẻ nhỏ đã tham gia cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ diễn ra hàng năm để đánh dấu việc bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc đại lục.
Nhưng năm nay, nó cuộc tuần hành mang một ý nghĩa đặc biệt – một cơ hội để cho chính phủ ở đây thấy rằng họ sẽ không để mất thành phố của mình mà không tranh đấu.
Tại sao mọi người biểu tình?
Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, là một phần của Trung Quốc kể từ năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế”, cho phép các quyền tự do mà dân đại lục không có, trong đó bao gồm cả độc lập tư pháp.
Dự luật dẫn độ gây lo ngại cho tình trạng đó.
Những người chỉ trích dự luật sợ rằng nó có thể được sử dụng để nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến với chính phủ Bắc Kinh, và đưa Hồng Kông tiến xa hơn vào sự kiểm soát của Trung Quốc.
Vào ngày 12 tháng 6, cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông tuần hành chống lại dự luật – một bạo lực tồi tệ nhất trong thành phố trong nhiều thập kỷ.
Cuối cùng, các cuộc biểu tình đã buộc chính phủ phải xin lỗi và đình chỉ luật dẫn độ dự kiến sẽ được thông qua.
Chính phủ Hong Kong ‘tạm dừng’ luật dẫn độ
Trung Quốc giận dữ với nhà hoạt động Hong Kong
Tuy nhiên, nhiều người biểu tình cho biết họ sẽ không lùi bước cho đến khi dự luật hoàn toàn bị hủy bỏ.
Nhiều người vẫn tức giận về mức độ sử dụng bạo lực của cảnh sát vào ngày 12 tháng 6, và đã kêu gọi một cuộc điều tra.
“Việc cảnh sát Hồng Kông sử dụng bạo lực quá mức đối với những người biểu tình ôn hòa khẩn cấp yêu cầu một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập”, bà Sophie Richardson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Trung Quốc bình luận trong một thông báo.
Tuy nhiên, cũng đã có những cuộc biểu tình nhỏ hơn từ phong trào ủng hộ Bắc Kinh.
Vào Chủ nhật, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh đã biểu tình ủng hộ cảnh sát Hong Kong.
Một người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh nói với cảnh sát AFP chỉ đang cố gắng “duy trì trật tự”, gọi những người biểu tình chống dẫn độ là có hành động “vô nghĩa”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48769761

Hồng Kông : Đụng độ dữ dội

giữa người biểu tình với cảnh sát

Thụy My
Những vụ đụng độ dữ dội đã xảy ra hôm nay 01/07/2019 giữa người phản kháng chính quyền thân Bắc Kinh trong dịp kỷ niệm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Cảnh sát dùng hơi cay, dùi cui đẩy lùi một số người cố gắng xâm nhập Nghị Viện Hồng Kông, cũng như đối phó với hàng trăm ngàn người biểu tình đông đảo đã phong tỏa ba con đường lớn của đặc khu.
Theo AP và Reuters, một nhóm người biểu tình đã phá vỡ được một mảng tường bằng thủy tinh và kim loại của Nghị Viện (LegCo), nhưng bị chặn lại bằng hơi cay. Cảnh sát chống bạo động làm thành hàng rào với khiên chắn ngăn họ xâm nhập.
Ở trung tâm thành phố, đoàn biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người, đa số đã xuống đường từ sáng sớm. Những nhóm nhỏ hầu hết là sinh viên mang khẩu trang, chiếm lĩnh ba đại lộ lớn tại trung tâm Hồng Kông, dùng các rào cản bằng nhựa và kim loại để phong tỏa. Có những người mang những lá cờ đen, tượng trưng cho « sự sụp đổ của Hồng Kông, thành phố mà tự do bị siết lại, đang hướng về phía toàn trị ». AFP ghi nhận có người biểu tình bị thương tích do cảnh sát.
Sáng nay trước lễ kéo cờ Trung Quốc như truyền thống, để đánh dấu ngày Hồng Kông được trao trả hôm 01/07/1997, cảnh sát cũng đã dùng dùi cui và hơi cay để giải tán người biểu tình. Khu vực quanh quảng trường Golden Bauhinia nơi diễn ra buổi lễ đã được phong tỏa từ hôm thứ Bảy 29/6. Theo South China Morning Post, có khoảng 5.000 cảnh sát chống bạo động được huy động.
Hàng năm vào dịp này người dân Hồng Kông đều xuống đường để phản đối chế độ Bắc Kinh, nhưng năm nay sau các cuộc biểu tình đại quy mô chống dự luật dẫn độ, căng thẳng càng dâng cao. Không chỉ đòi hủy bỏ hẳn dự luật, những người phản kháng còn đòi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức, và phản đối bạo lực cảnh sát.
Hôm qua khoảng 50.000 người thân Bắc Kinh đã tập hợp trước Nghị Viện để ủng hộ cảnh sát, nhiều người tấn công và lăng mạ những nhóm nhỏ thanh niên vẫn biểu tình ngồi tại đây từ nhiều tuần qua, gây ra các vụ xô xát.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton hôm nay tuyên bố Washington hy vọng Trung Quốc tuân thủ các cam kết về Hồng Kông. Trước đó ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định Luân Đôn « đang theo dõi sát sao những diễn biến, và tiếp tục gây áp lực để Bắc Kinh tôn trọng các điều khoản » khi Anh trao trả lại cựu thuộc địa. Hôm nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng phản bác, nói rằng Anh không có trách nhiệm gì về Hồng Kông, đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190701-hong-kong-dung-do-du-doi-giua-nguoi-bieu-tinh-voi-canh-sat-ok

Biểu tình Hong Kong: Các ứng dụng hỗ trợ

cuộc biểu tình ‘không lãnh đạo’ thế nào?

Danny VincentBBC News, Hong Kong
Trong một căn phòng nhỏ ở rìa một khu phức hợp có một người lặng lẽ tham gia phong trào phản kháng của Hong Kong. Ngồi trước màn hình máy tính , Tony (tên giả) theo dõi điểm số của các nhóm trên ứng dụng nhắn tin riêng Telegram và các diễn đàn trực tuyến.
Các nhà tổ chức cho biết những tình nguyện viên như Tony điều hành hàng trăm nhóm Telegram đang tạo sức mạnh cho cuộc biểu tình của Hong Kong và nó thành một chiến dịch bất tuân dân sự. Họ tuyên bố rằng hơn hai triệu người đã xuống đường trong những tuần gần đây để bày tỏ sự phản đối với đạo luật dẫn độ gây tranh cãi.
Hong Kong đã trải qua một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại dự luật mà các nhà chỉ trích lo ngại có thể chấm dứt sự độc lập tư pháp của vùng đất này. Người biểu tình mong đợi một bước ngoặt lớn vào 1/7, ngày kỷ niệm Hong Kong trở lại Trung Quốc.
Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam
Cô gái ngồi thiền: Biểu tượng biểu tình ở Hong Kong
4 điều cần biết về biểu tình ở Hong Kong
Bỏ phiếu trực tuyến
Nhiều lời kêu gọi phản đối được thực hiện ẩn danh, trên bảng tin và trò chuyện nhóm trong các ứng dụng nhắn tin được mã hóa.
Một số nhóm có tới 70.000 người tham gia hoạt động, chiếm khoảng 1% dân số Hong Kong. Nhiều người cung cấp thông tin cập nhật và báo cáo trực tiếp tin tức liên quan đến các cuộc biểu tình, trong khi những người khác hành động như một nhóm chuyên viên theo dõi cảnh sát, cảnh báo người biểu tình về hoạt động gần đó.
Ngoài ra còn có các nhóm nhỏ hơn bao gồm các luật sư, hỗ trợ y tế. Họ cung cấp tư vấn pháp lý và đồ dùng cho người biểu tình đứng ở hàng đầu.
Những người biểu tình nói rằng việc phối hợp biểu tình trực tuyến giúp họ tiếp cận thông tin nhanh và tiện. Các nhóm trò chuyện cũng cho phép người tham gia bỏ phiếu – trong thời gian thực – để quyết định những bước tiếp theo.
Tony giải thích: “Bỏ phiếu thường chỉ hiệu quả khi có ít lựa chọn hay rõ ràng, chẳng hạn như trong việc quyết định giữa có và không”.
Tối 21/06, gần 4.000 người biểu tình đã bỏ phiếu trong một nhóm Telegram để xác định xem đám đông sẽ trở về nhà vào buổi tối hay tiếp tục biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát Hong Kong. Chỉ 39% đã bỏ phiếu để đưa các cuộc biểu tình đến trụ sở cảnh sát – nhưng tuy thế vẫn tạo nên kết quả còn một cuộc bao vây tòa nhà kéo dài sáu giờ đồng hồ. Người biểu tình cũng dùng các công nghệ khác giúp tổ chức hoạt động của họ.
Ở các khu vực công cộng, áp phích và biểu ngữ quảng cáo các sự kiện sắp tới được truyền qua Airdrop, cho phép mọi người chia sẻ hình ảnh trực tiếp tới các máy iPhone và iPad xung quanh.
Tuần này, một nhóm các nhà hoạt động ẩn danh đã huy động được hơn nửa triệu đôla trên một trang web gây quỹ. Họ dự định đặt quảng cáo trên các tờ báo quốc tế kêu gọi dự luật dẫn độ của Hong Kong sẽ được thảo luận tại hội nghị G20. Những người biểu tình nói rằng công nghệ đã biến cuộc biểu tình này thành một phong trào phản kháng không lãnh đạo.
Ẩn danh
Giáo sư Edmund Cheng, từ Đại học Baptist Hong Kong cho biết: “Nguyên nhân sâu xa hơn là do mất lòng tin với chính quyền”. Ông đề cập đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong năm 2014, “nhiều nhà lãnh đạo biểu tình trong Phong trào Dù đã bị truy tố và bỏ tù”.
Vào tháng Tư năm nay, chín nhà lãnh đạo biểu tình đã bị kết tội kích động người khác gây phiền toái cho công chúng.
Tony cho biết mọi người lựa chọn ẩn danh qua các ứng dụng phần mềm do “có khả năng lớn họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc của tòa án nếu tham gia vào một phong trào phản kháng có tổ chức rõ ràng”.
Nhiều người biểu tình ở Hong Kong đã cố gắng hết sức để tránh để lại dấu vết trên mạng.
“Chúng tôi chỉ sử dụng tiền mặt, chúng tôi thậm chí không sử dụng ATM trong cuộc biểu tình”, Johnny, 25 tuổi, người tham dự các cuộc biểu tình cho biết.
Johnny sử dụng điện thoại di động đời cũ và thẻ Sim mới mỗi khi tham gia cuộc biểu tình.
Một quản trị viên khác – những người không muốn bị nêu tên vì sợ bị trả thù – cho BBC biết một số người sử dụng nhiều tài khoản để che giấu dấu vết trực tuyến của họ.
“Một số chúng tôi có ba hoặc bốn điện thoại, iPad, máy tính để bàn và máy tính xách tay. Một người có thể kiểm soát năm hoặc sáu tài khoản. Mọi người sẽ không biết họ là cùng một người và cũng có nhiều người sử dụng một tài khoản”.
Bảo vệ
Tony tin rằng việc ra quyết định thông qua bỏ phiếu nhóm có thể bảo vệ các cá nhân khỏi các cáo buộc. Ông lập luận rằng các quản trị viên nhóm trò chuyện không liên kết với các đảng phái chính trị và không kiểm soát được những gì thành viên đăng trong nhóm của họ.
“Chính phủ sẽ không bắt giữ tất cả những người tham gia phong trào này. Không thể thực hiện được”, ông nói.
Nhưng Tony cũng biết rằng những người thực thi pháp luật sẽ có phương án đối phó khác.
“Họ sẽ chọn nhằm vào các nhân vật có ảnh hưởng để làm gương, cảnh báo những người tham gia khác.”
Hôm 12/06, một quản trị viên của một nhóm Telegram đã bị bắt với cáo buộc âm mưu với những người khác bao vây tòa nhà LegCo Hong Kong và chặn các con đường xung quanh.
“Họ muốn cho người khác biết rằng ngay cả khi bạn trốn trên internet, họ vẫn có thể đến bắt bạn tại nhà”, Bond Ng, một luật sư Hong Kong đại diện cho nhiều người biểu tình bị bắt cho hay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48822210

Tổng thống Đài Loan lại thăm Hoa Kỳ,

Trung Quốc tức giận

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ có chuyến thăm kéo dài 4 đêm đến Hoa Kỳ trong tháng này khi bà đi thăm các đồng minh ngoại giao ở khu vực Caribbe, Reuters dẫn thông tin từ chính phủ của bà cho biết hôm 1/7.
Hãng tin Anh nói rằng đây là một động thái được cho là chọc giận Trung Quốc, vốn luôn thúc giục Washington không cho phép bà đến thăm.
Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan tự trị chỉ là một tỉnh của mình nên không có quyền có mối quan hệ nhà nước với nhà nước. Bắc Kinh gọi đây là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất” trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, là nước không có quan hệ chính thức với Đài Bắc nhưng luôn là quốc gia hậu thuẫn ngoại giao chính và cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Tào Lập Kiệt cho biết, bà Thái sẽ dành 2 đêm ở Hoa Kỳ trong mỗi lượt đi và về trong chuyến đi tới St Vincent và Grenadines, St Lucia, St Kitts và Nevis, và Haiti từ ngày 11 đến 22/7.
Thông tin chi tiết về lịch trình tại Hoa Kỳ trong chuyến đi hiện vẫn đang được sắp xếp, Reuters dẫn lời ông Tào cho biết thêm.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan cho biết bà Thái dự kiến sẽ quá cảnh ở New York và Denver.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ “không cho phép bà Thái Anh Văn quá cảnh, xử lý thận trọng và thích đáng các vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh làm tổn hại đến mối quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại của mình tới Hoa Kỳ và gửi đi “những tuyên bố cứng rắn”, ông Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo thường nhật.
Đài Loan đang cố gắng củng cố các liên minh ngoại giao trong bối cảnh chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc, vốn đang lôi kéo làm giảm bớt số đồng minh ngoại giao ít ỏi còn lại của Đài Bắc, đặc biệt là ở vùng Caribbe và châu Mỹ Latin.
Bốn đồng minh Caribbe chia sẻ những lý tưởng tương tự với Đài Loan, Thứ trưởng Đài Loan nói và cho biết thêm rằng chủ đề của chuyến thăm là “tự do, dân chủ và quản trị bền vững”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chuyến thăm Haiti, quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu, sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 24 giờ do tình trạng bất ổn tại đây.
Người biểu tình Haiti trong nhiều tháng qua đã kích động để lật đổ Tổng thống Jovenel Moise, một cựu doanh nhân nhậm chức hồi tháng 2/2017.
Thời gian bà Thái ở Hoa Kỳ được cho là kéo dài một cách bất thường, vì thông thường bà chỉ lưu lại một đêm mỗi lần dừng ở các điểm quá cảnh.
Bà Thái Anh Văn, người sẽ đối diện với cuộc bầu cử lại vào tháng 1, nhiều lần kêu gọi hỗ trợ quốc tế trong việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan trước mối đe dọa Trung Quốc. Lần gần nhất bà đến Hoa Kỳ là vào tháng Ba, với điểm dừng ở Hawaii vào cuối chuyến công du Thái Bình Dương.
Bắc Kinh thường xuyên triển khai tàu và máy bay quân sự vây quanh Đài Loan trong các cuộc tập trận trong vài năm qua.
Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với chỉ 17 quốc gia, hầu hết là các quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương.
Tuần trước, lãnh đạo phái đoàn đại diện của quần đảo Solomon cho biết, đảo quốc này sẽ cử một phái đoàn nghiên cứu viện trợ của Trung Quốc ở các nước láng giềng trong lúc xem xét việc chuyển đổi mối quan hệ ngoại giao sang Bắc Kinh.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-dai-loan-lai-tham-hoa-ky-tq-tuc-gian/4980455.html

Điều hạm đội tàu sân bay qua eo biển Đài Loan:

TQ đang cảnh cáo Mỹ và đồng minh

Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (25/6) đã đi qua Eo biển Đài Loan nhằm răn đe Đài Bắc và Washington.
Chính quyền Đài Loan cho biết hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng 5 tàu hộ tống đã đi qua eo biển Đài Loan và hướng về cảng Thanh Đảo, phía Đông Trung Quốc. Trước hành động trên của Trung Quốc, cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo: “Xin hãy yên tâm rằng quân đội có khả năng tham gia hoạt động tình báo chung để nắm bắt được toàn bộ hoạt động của nhóm tàu sân bay và đối phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực”.
Trung Quốc hiện đang vận hành một tàu sân bay duy nhất có tên là Liêu Ninh. Chiếc tàu sân bay đầu tiên này được tân trang lại từ một chiếc tàu sân bay chưa được hoàn thiện của Ukraine. Nó được chính thức chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 25/9/2012. Tàu Liêu Ninh có trọng tải hơn 50.000 tấn. Thiết kế ban đầu của chiếc tàu sân bay này cho phép nó mang theo 30 chiếc máy bay cánh cố định. Tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành thử nghiệm cho máy bay chiến đấu J-15 cất cánh và hạ cánh trên con tàu này. J-15 được cho sẽ là lực lượng tấn công chính trên tàu sân bay Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình nhưng các chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu máy bay tấn công, vũ khí, thiết bị điện tử, các thiết bị đào tạo và cung cấp hậu cần để có thể trở thành một chiếc tàu chiến có khả năng chiến đấu thực sự.
Trước khi đi qua eo biển Đài Loan, hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đi qua Eo biển Miyako của Nhật Bản, vùng lãnh thổ thuộc đảo Guam, Philippines và qua Biển Đông.
Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ và các nước đồng minh liên tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan. Theo đó, Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Pháp (6/4) cũng điều tàu chiến Vendemiaire thực hiện hành trình đi qua eo biển Đài Loan. Hải quân Mỹ (28/4) đã điều 2 tàu khu trục William P. Lawrence và Stethem đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời xác nhận không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp đối với các tàu của quốc gia khác trong quá trình di chuyển. Hải quân Hoàng gia Canada (18/6) đã điều tàu khu trục Regina (FFH 334) tuần tra qua vùng eo biển Đài Loan trước khi đi vào vùng biển Hoa Đông. Trước đó, hải quân hoàng gia Canada (6/2) đã điều tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ba tàu sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển
khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Theo giới quan sát, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.
Để răn đe Đài Loan, cũng như đáp trả Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Bắc Kinh cũng nhiều lần điều tàu chiến, máy bay tham gia tuần tra, tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đưa ra cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Để ngăn chặn và kiểm soát Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị để ngăn cản Đài Loan. Trong thông điệp tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) một lần nữa lại đưa ra yêu cầu thống nhất với Đài Loan. Không những vậy, Trung Quốc liên tục tập trận, tuần tra sát eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải trả giá đắt nếu tìm cách tuyên bố độc lập. Trong năm 2018, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật và tuần tra trong khu vực eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Đại tá Shen Jinke cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nhận định để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi.
Không chỉ hù dọa bằng quân sự, Trung Quốc còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Đại lục, với rất nhiều ưu đãi.
http://biendong.net/bien-dong/29027-dieu-ham-doi-tau-san-bay-qua-eo-bien-dai-loan-tq-dang-canh-cao-my-va-dong-minh.html

Đông Phong 17:

Tên lửa siêu thanh tầm xa nhất thế giới của TQ

Trung Quốc được cho là đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động Đông Phong 17 (DF-17) có tầm bắn xa nhất thế giới.
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã chứng minh sự phát triển và triển vọng của mình trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo, họ đã lần đầu tiên tiết lộ về quy trình phóng mô phỏng tên lửa di động thế hệ mới. Theo phân tích bên ngoài, loại tên lửa đạn đạo di động này rất có khả năng là “Dongfeng-17” đầy bí ẩn của Quân chủng tên lửa chiến lược, bởi vì tính năng lớn nhất theo của tin đồn DF-17 đó được trang bị đầu đạn siêu vượt âm. Báo chí quốc tế tin rằng DF-17 có tầm bắn từ 18.000 đến 25.000 km, đây là tầm bắn xa nhất trong các loại hình tên lửa Dongfeng (và tầm xa nhất trên thế giới). Dự kiến tên lửa đạn đạo DF-17 sẽ được trang bị cả đầu hạt nhân và thông thường. Toàn bộ nền tảng tên lửa lẫn đầu đạn lượn siêu vượt âm đặc biệt đều do Trung Quốc tự phát triển.
Về cơ bản, vũ khí siêu vượt âm được xem như một dạng đầu đạn hạt nhân đặc biệt có độ cơ động cực cao, nó vẫn được phóng đi bằng tên lửa đẩy xuyên lục địa thông thường và chỉ khi lên tới tầng cao của khí quyển thì mới tách ra rồi thực hiện chế độ bay linh hoạt để tiếp cận mục tiêu. Tính năng đáng chú ý nhất của đầu đạn thông thường đó là hầu như chỉ dựa vào tốc độ cực cao (lên tới Mach 8 – 10) để vượt qua hàng rào phòng thủ. Một số loại đầu đạn tiên tiến được tích hợp thêm khả năng thay đổi quỹ đạo trong khi bay nhằm vô hiệu hóa thuật toán nội suy điểm chạm nhằm đưa tên lửa đánh chặn lên đón đầu.
Tuy nhiên khả năng vận động của chúng vẫn khá hạn chế với quỹ đạo tương đối đơn giản, không thay đổi được hướng đi nhiều lần, dẫn tới việc vẫn có thể bị phá hủy nếu phía phòng thủ bắn nhiều tên lửa cùng lúc. Trong khi đó phương tiện bay siêu vượt âm lại khác hẳn, nó có khả năng cơ động linh hoạt chẳng kém gì một chiếc tàu lượn di chuyển ở tốc độ cực cao với quỹ đạo được điều khiển từ xa, cho nên không có tính dự báo hay có thể nội suy điểm chạm, từ đó gia tăng thách thức đối với hệ thống phòng thủ. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cho biết vũ khí siêu vượt âm của họ còn được tích hợp trí thông minh nhân tạo, giúp nó tự động đánh giá các mối hiểm họa để lẩn tránh khỏi vùng phòng không của đối phương.
Trước đó, theo thông tin của tình báo Mỹ, các tên lửa tầm trung DF-17 được thử nghiệm vào ngày 1 và 15/11/2017 có tầm bắn 1.800-2.500 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và thông thường. Đáng chú ý, đây có thể là đầu đạn cơ động hoặc thiết bị bay siêu vượt âm. Nguồn tin cho biết, trong vụ thử đầu, thiết bị bay siêu vượt âm đã đến mục tiêu với độ chính xác vài mét. Sau khi tách khỏi tên lửa, thiết bị bay trong 11 phút ở độ cao 60 km đã vượt qua quãng đường 1.400 km. DF-17 là tên lửa đầu tiên được thiết kế để mang thiết bị bay siêu vượt âm trong Lực lượng tên lửa Trung Quốc.
Từ năm 2014-2016, Trung Quốc đã thực hiện tổng công 7 vụ thử nghiệm các mẫu thiết bị bay siêu vượt âm. Mỹ và Nga cũng đang phát triển các thiết bị này, nhưng chưa từng thử nghiệm ở cấu hình dự định để triển khai tác chiến. Giới chuyên gia nhận định, các vụ thử đầu tiên trên thế giới thiết bị bay siêu vượt âm sử dụng tên lửa thiết kế cho mục đích tác chiến. Mỹ cho rằng, DF-17 được phát triển trên cơ sở tên lửa tầm ngắn DF-16B đã được đưa vào biên chế và dự đoán sẽ hoàn tất phát triển vào năm 2020.
Nhà bình luận quân sự của đài truyền hình Phoenix (Hong Kong, Trung Quốc) Song Zhongping phân tích: Hệ thống phương tiện bay siêu thanh có thể được sử dụng với nhiều loại tên lửa đạn đạo, đơn cử như tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn ít nhất 5.500km. Ông Song Zhongping đánh giá đó còn có thể là tên lửa DF-41 có phạm vi hoạt động 12.000 km, mang khả năng tấn công vào mọi vị trí của Mỹ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Một nhà phân tích quân sự khác đưa ra ý kiến rằng phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc còn đánh bại được hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD). Năm 2017, Mỹ đưa THAAD đến Hàn Quốc để đề phòng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng Trung Quốc lại coi hệ thống này là mối đe dọa với mình.
Nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming đưa ý kiến cá nhân rằng phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc có thể tấn công mục tiêu nhanh và chính xác hơn với các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và mục tiêu tại Ấn Độ đều nằm trong tầm bắn.
http://biendong.net/bien-dong/29026-dong-phong-17-ten-lua-sieu-thanh-tam-xa-nhat-the-gioi-cua-tq.html

Trump-Kim: KCNA ca ngợi

chuyến thăm ‘tuyệt vời’ của ông Trump

Donald Trump tới nước này là “một sự kiện tuyệt vời”.
Hôm Chủ nhật, ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Bắc Hàn, cùng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Trump trước đó tweet hỏi rằng ông Kim có muốn gặp ông trong khi ông đang ở Hàn Quốc không.
Hôm thứ Hai, KCNA đưa tin dồn dập chưa từng thấy về cuộc họp của hai bên.
Hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn cho biết cuộc gặp “theo đề nghị của Trump”, là một sự kiện “lịch sử”.
KCNA nói trong 66 năm kể từ Hiệp định Đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên – “đã xảy ra một sự kiện đáng kinh ngạc như vậy, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ trao đổi những cái bắt tay lịch sử tại Panmunjom, nơi được gọi là biểu tượng của sự phân chia”.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) là tên chính thức của Bắc Hàn.
Trump và Kim nhất trí tái tục đàm phán hạt nhân
Bình Nhưỡng ‘vẫn giữ vũ khí hạt nhân’?
Xác nhận ý kiến từ ông Trump, KCNA cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý “giữ liên lạc chặt chẽ trong tương lai” và “nối lại và thúc đẩy các cuộc đối thoại hữu ích để tạo bước đột phá mới trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và trong quan hệ song phương”.
Bắc Hàn hiếm khi nhận được tin tức về thế giới bên ngoài và các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ đã mô tả Mỹ là kẻ thù đáng ghét nhất trong nhiều thập kỷ.
Vì vậy, hình ảnh của tổng thống Mỹ đi vào miền Bắc với tư cách là bạn của ông Kim là điều phi thường co với những hình ảnh người dân Bắc Hàn thường thấy.
Điều gì xảy ra tại khu DMZ?
Ông Trump có chuyến thăm theo lịch trình tới Nam Hàn, sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Ông Trump có chương trình thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ của Bắc Hàn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và đến thăm khu phi quân sự (DMZ), vùng đệm giữa hai miền Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Hôm thứ Bảy, ông Trump đã tweet một tin nhắn cho ông Kim, đề nghị “gặp ông ấy ở biên giới / DMZ chỉ để bắt tay và nói Xin chào (?)!”
Sau một ngày nhiều đồn đoán và ngoại giao hậu trường, ông Trump và ông Moon đã xác nhận vào Chủ nhật rằng ông Kim đã chấp nhận lời mời và họ sẽ có một “cái bắt tay ngắn”.
Hai ông Trump và Moon đến khu vực biên giới vào đầu giờ chiều và sau một vòng đi quanh xem xét ngắn, đã tiến đến gần đường phân định quân sự.
“Rất vui khi gặp lại bạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ gặp bạn ở nơi này “, ông Kim cười nói với ông Trump thông qua người phiên dịch trong cuộc gặp gỡ được phát trực tiếp trên truyền hình quốc tế.
Phát biểu bên cạnh ông Trump trong một tuyên bố hiếm hoi với báo chí, ông Kim nói cuộc gặp là một biểu tượng cho mối quan hệ “tuyệt vời” của họ.
Gọi tình bạn của họ “đặc biệt tuyệt vời”, ông Trump – người từng gọi ông Kim là “người tên lửa nhỏ” – nói đó là một “ngày tuyệt vời cho thế giới” và ông “tự hào bước qua ranh giới” giữa hai miền Triều Tiên .
Cuộc gặp gỡ ban đầu được dự định sẽ là một lời chào ngắn ngủi nhưng ông Trump và ông Kim cuối cùng đã nói chuyện gần một tiếng đồng hồ trong một tòa nhà được gọi là Nhà Tự do, ở phía Panmunjom của Hàn Quốc, “làng đình chiến” bên trong DMZ.
“Khoảnh khắc lớn”, ông Trump nói, “tiến bộ lớn”.
Ông Kim mời ông Trump bước sang Bắn Hàn, nói rằng ông sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên làm điều đó.
Dáng vẻ thoải mái, ông Kim bước chân qua Nam Hàn và đứng bên ông Trump nói: “Tôi tin rằng đây là biểu hiện của sự sẵn sàng loại bỏ tất cả quá khứ không may và mở ra một tương lai mới”.
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in tham gia cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim, một cuộc gặp mặt chưa từng có giữa ba người.
Bắc Hàn xây lại bãi thử tên lửa: Ông Kim gửi thông điệp gì?
Mỹ phạt hai nhà phát triển tên lửa Bắc Hàn
Cuộc họp này có ý nghĩa gì?
Hai ông Trump Kim đồng ý rằng các nhà đàm phán sẽ gặp nhau trong những tuần tới để nối lại các cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông “không tìm kiếm tốc độ [nhưng] đang tìm cách làm cho đúng”.
Các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn, ông nói thêm, sẽ vẫn được duy trì mặc dù ông dường như bỏ ngỏ việc có thể nới lỏng chúng như một phần của cuộc đàm phán. Ông Trump cũng cho biết đã mời ông Kim đến thăm Washington.
Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu cuộc họp có dẫn đến bất kỳ tiến triển đáng kể nào không.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48822191

Gặp Trump lần ba :

Nước cờ mạo hiểm của Kim Jong Un ?

Minh Anh
Ngày 30/06/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lần ba tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Sự kiện còn mang đậm ý nghĩa lịch sử vì ông Donald Trump là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, trong khi hai nước về mặt nguyên tắc vẫn còn đối đầu nhau. Một số nhà quan sát nhận định : Cuộc gặp lần này đã được Kim Jong Un tính toán kỹ lưỡng.
Sự kiện đã khiến cả thế giới sững sờ trong hai ngày cuối tuần qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ các quy tắc ngoại giao, mời gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm trong một dòng tweet ngắn ngủi. Bình Nhưỡng sau một hồi do dự đã chấp nhận lời mời vào phút chót.
Vậy Kim Jong Un đang toan tính gì nhận lời mời gặp không tuân theo một nghi thức ngoại giao nào ? Trước hết, nhật báo Pháp Le Figaro nhìn nhận, sau thượng đỉnh Hà Nội và Singapore, cú bắt tay « lịch sử » này đã mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhiều mối lợi chính trị và ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ mời Kim Jong Un một ngày đến thăm Nhà Trắng là một « bước nhảy vọt » mới cho chế độ « độc tài » đang tìm kiếm một sự nhìn nhận về ngoại giao từ cộng đồng quốc tế.
Về mặt phương pháp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn nối lại đối thoại trực tiếp giữa hai nguyên thủ. Sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội, chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố không muốn hai nhân vật « diều hâu » là ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton có mặt trong các cuộc đàm phán.
Bắc Triều Tiên cáo buộc hai nhân vật này tìm cách phá hỏng các cuộc thương lượng và yêu cầu chỉ đàm phán với Donald Trump, được cho là linh động hơn. Cuộc gặp lần này gần như xác nhận cách tiếp cận trên của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia đặc biệt lưu ý là trong buổi gặp ngày Chủ Nhật 30/06 không có sự hiện diện của ông John Bolton. Một dấu hiệu cho thấy Donald Trump đang thay đổi phương pháp đàm phán ?
Thượng đỉnh lần ba này cũng có thể được xem như là kết quả của một tháng chiến dịch « quyến rũ » tổng thống Mỹ từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, như viết thư hỏi thăm hay gởi thiệp chúc mừng sinh nhật ngày 14/06. Dường như Kim Jong Un sợ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và hồ sơ Iran có thể làm cho nguyên thủ Mỹ « lơ là » Bắc Triều Tiên.
Đây quả là một nước cờ được tính toán, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng. Áp lực của phe chủ trương cứng rắn trong nội bộ chế độ ngày càng tăng sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội. Những người này  cho rằng, tại Hà Nội, Kim Jong Un không những đã không có được một sự nhượng bộ nào về các trừng phạt , mà còn bị kẻ thù Hoa Kỳ sỉ nhục. Kết quả là một đợt thanh trừng đã diễn ra và nhà thương thuyết chính của Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol vô hình chung bị biến thành vật tế thần để giải tỏa các lời chỉ trích ông Kim Jong Un.
Khi chấp nhận đến gặp Donald Trump tại khu phi quân sự, nhà độc tài trẻ tuổi hy vọng được tổng thống Donald Trump giảm nhẹ trừng phạt kinh tế, hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế đất nước, nhằm làm hài lòng người dân và những tầng lớp lãnh đạo. Nhưng nếu lần này về tay không, hình ảnh lãnh đạo tối cao sẽ bị sứt mẻ. Thật ra, ông Kim Jong Un không thể không nhận lời gặp tổng thống Donald Trump, vì làm như thế là sĩ nhục chủ nhân Nhà Trắng, gây tác hại cho mối quan hệ của ông với vị tổng thống nổi tiếng « khó lường » này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190701-thuong-dinh-kim-%E2%80%93-trump-lan-ba-cuoc-cuoc-mao-hiem-cua-kim-jong-un

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.