Đọc báo Pháp – 16/07/2019
Thương chiến với Mỹ:
Trung Quốc thấm đòn trừng phạt
Tăng trưởng kinh tế yếu nhất từ 1992 kể cả so với thời điểm khủng hoảng 2009. Thấm đòn trừng phạt của Donald Trump và xu hướng « di tản » của giới công ty quốc tế, Trung Quốc để lộ bản chất của anh khổng lồ chân đất sét. Đó là hình ảnh của chế độ Tập Cận Bình trên báo Pháp hôm nay.
Trung Quốc : Nỗi sợ đại khủng hoảng
Áp lực của Mỹ và môi trường thiếu lành mạnh trong nước đã làm cho kinh tế Trung Quốc hãm phanh. GDP giảm dần từ quý này sang quý nọ, chỉ còn 6,2% theo thống kê quý 2 năm 2019. Hàng ngàn công ty Trung Quốc đã phá sản. Vấn đề là không có thuốc trị.
Les Echos, La Croix, Le Figaro đưa cùng một tựa : Đấu sức với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trượt phanh.
Phát ngôn viên cơ quan thống kê Trung Quốc bi quan khi thông báo tăng trưởng kinh tế thấp kỷ lục từ khi Hoa lục cho thống kê vào năm 1992. Tình hình phức tạp ra sao và phải giải quyết như thế nào ? Theo Le Figaro, Bắc Kinh không có giải pháp khả thi.
Trước hết, các biện pháp kích cầu đều thất bại. Tháng vừa qua, Trung Quốc bơm vào thị trường 300 tỉ đô la, không kể 80 tỉ được giải ngân hồi năm trước để hỗ trợ đầu tư qua một đại chương trình xây dựng đường sắt, nhà máy điện và phi trường. Chiến lược này đã từng được áp dụng trong hai lần khủng hoảng trước là năm 2009 và 2015. Bộ Chính trị sẽ bật đèn xanh cho một ngân khoản nữa vào cuối tháng này, bởi vì đảng Cộng sản Trung Quốc sợ nhất là bạo loạn xã hội do nạn thất nghiệp gia tăng không ngừng, hơn 5,1% theo số liệu chính thức. Ở các tỉnh miền nam, hàng ngàn nhà máy đóng cửa. Một số đã chạy sang Việt Nam.
Kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng do chiến tranh thương mại, theo nhận định của chuyên gia tài chính Edward Moya của công ty Oanda. Bức tranh còn u ám hơn, vì nợ chiếm đến 250 % tổng sản lượng nội địa. Vụ ngân hàng Nội Mông Baoshang bị tái cấu trúc và ngân hàng nhà nước phải bơm vào hệ thống tài chính 127 tỉ đôla là một dấu hiệu báo động. Vấn đề là chính quyền Trung Quốc dường như vô kế khả thi : giải pháp giảm lãi suất để kích thích đầu tư đã được dự kiến, nhưng khó tránh được hệ quả làm suy yếu hệ thống ngân hàng và làm tăng lạm phát, khiến dân bất mãn.
Cùng quan điểm, nhật báo kinh tế Les Echos tiên đoán kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tăng trưởng trước ba cú « sốc » cùng lúc : công nghệ, tài chính và thương chiến. Do vậy, các biện pháp mới thúc đẩy tăng trưởng sẽ càng ngày càng ít hiệu quả.
Kinh tế Trung Quốc suy nhược: Hệ quả nào ?
Tình hình sắp tới sẽ có nhiều bất trắc hơn, khi Hoa Vi không phải là nạn nhân duy nhất, kinh tế Đức do liên hệ mật thiết với Trung Quốc khó tránh khỏi tác động. Đài Loan, Đông Nam Á là vùng đất hứa cho doanh nghiệp bỏ Hoa lục.
Bị Donald Trump tấn công, Trung Quốc bây giờ thấm thía ý nghĩa câu « đất lành chim đậu ». Phong trào doanh nghiệp « di tản » chưa ghi vào thống kê chính thức, nhưng tác động đến nhiều lĩnh vực. Les Echos kể ra một danh sách các tập đoàn có danh tiếng, từ xe hơi đến sản phẩm tiêu dùng đại chúng chạy qua Đài Loan và Đông Nam Á. Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Đài Loan là những vùng đất lành, nhưng với hệ quả không tránh khỏi là giá nhân công sẽ lên cao. Nhật báo kinh tế cho biết thêm, Indonesia đã tiên liệu gió đổi chiều, tổng thống Joko Widodo thông báo hai quyết định song hành : cải cách hạ tầng giao thông và đơn giản hóa luật lao động để thu hút đầu tư.
Trong khi đó, nhật báo Công giáo La Croix tiên đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại vì tác động nhân quả. Điểm lạc quan duy nhất là kinh tế Pháp, do ít đầu tư vào Hoa lục, nên không bị tác động mạnh như kinh tế Đức.
Khác với các đồng nghiệp, Libération dành 5 trang chỉ để phân tích tình trạng và phản ứng của Hoa Vi qua hai bài : Hoa Vi trước cơn chấn động và Hoa Vi đi vào đường hầm : Ế ẩm, doanh số giảm, nhưng tập đoàn điện thoại Trung Quốc chuẩn bị phản công với hệ thống khai thác độc lập Harmony. Các kỹ sư Trung Quốc được lệnh phải nhanh chóng hoàn thiện Harmony trong bối cảnh Hoa Vi được dự báo sẽ mất từ 40% đến 60% thị phần quốc tế từ nay đến cuối năm.
« Quả bom nội lực chính trị » của giới trẻ Hồng Kông
Đó là bài phóng sự của Le Monde về « thế hệ không có gì để mất » trước sự dối trá của Bắc Kinh. Bạo động là vũ khí cuối cùng, qua tâm sự của sinh viên Lương Kế Bình (Brian Leung), đại học chính trị Hồng Kông.
Người sinh viên 25 tuổi, cùng với hàng trăm bạn trẻ chiếm đóng Nghị Viện Hồng Kông hôm 01/07 và tuyên bố lý do tranh đấu, đã trở thành biểu tượng của phong trào phản kháng bằng hành động triệt để. Chấp nhận đề nghị phỏng vấn được bảo mật của Le Monde, Lương Kế Bình cho biết anh có bằng cử nhân chính trị tại Hồng Kông trước khi sang Mỹ du học tiếp. Ngày 16/06, anh từ Washington trở về Hồng Kông và chỉ kịp mặc bộ quần áo đen là anh lao vào cuộc xuống đường với hai triệu người tham dự. Lương Kế Bình không phải là « lính mới » vì vào năm 2015, anh điều hành tờ báo sinh viên, tố cáo trưởng đặc khu Lương Chấn Anh tội tham ô.
Vụ xâm nhập nghị trường hôm mùng 01 tháng 07 đối với anh không phải là hành động phạm pháp hay phá hoại, vì các hư hại vật chất có thể sửa chữa dễ dàng, so với cái chết của 4 người trẻ là mất mát vĩnh viễn. Đứng trên bàn của một nghị viên, Lương Kế Bình tuyên bố dõng dạc : chúng tôi không có gì để mất. Mỗi lời nói đều đến từ đáy tim, anh giải thích với Le Monde. Khi rời Nghị viện, Lương Kế Bình cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm vì lần đầu tiên chiếm đóng một cơ quan công quyền và thực hiện thành công.
Điều làm nhà báo Pháp chú ý là mối quan hệ nhân quả giữa phong trào Dù vàng năm 2014 và phong trào chống luật dẫn độ hiện nay. Theo giải thích của người sinh viên 25 tuổi này, năm 2014 là năm mà xã hội Hồng Kông nhận ra rằng « Bắc Kinh không bao giờ tôn trọng lời hứa chế độ dân chủ tại Hồng Kông ». Trong bốn năm qua, Tập Cận Bình công khai nuốt lời hứa. Giờ đây, « tuổi trẻ mới » ở Hồng Kông biết rõ « giấc mơ hai chế độ » đã chết. Người dân Hồng Kông đã tỉnh thức, không thụ động chờ Bắc kinh ban phát dân chủ. Điều mà người ta tưởng là « giấc ngủ », theo Lương Kế Bình, thật ra là « giai đoạn án binh ». Do vậy, không ai thấy trước được « nghị lực tranh đấu đã nổ bùng ».
Iran : Donald Trump
là « bạn » của Vệ binh Cách mạng
Cũng bị Washington trừng phạt nhưng Iran bị tác động ra sao ? Châu Âu tìm mọi cách tạo điều kiện nối lại đối thoại quốc tế trong khi tại Iran, lực lượng Vệ binh Cách mạng thừa nước đục thả câu, lũng đoạn kinh tế quốc gia để trục lợi và mưu đồ quân sự.
Châu Âu vất vả tháo ngòi nổ khủng hoảng Mỹ-Iran. Một trong những hành động thiện chí của Bruxelles là không khởi động thủ tục trừng phạt Iran vi phạm hiệp định hạt nhân 2015. Tuy thế, do sức ép của phe bảo thủ, tổng thống Rohani lên giọng cứng rắn đối với Châu Âu, theo phân tích của Le Figaro. Phe bảo thủ động thủ ra sao ? Trong bài « Vệ binh Cách mạng lợi dụng cuộc xung khắc với Mỹ để trục lợi », Le Figaro mô tả chi tiết guồng máy kinh tài của Vệ binh Cách mạng Iran trong bối cảnh cấm vận. Tại Teheran, Donald Trump được gọi là « bạn » của Vệ binh cách mạng Iran. Nhờ tình hình căng thẳng này mà phe vệ binh xâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh tế để làm giàu và tung tiền vào các chiến dịch bất hợp pháp. Ngay tổng thống Iran cũng phải tuyên bố bất lực : làm sao có thể thảo luận với những kẻ cầm súng.
Chiến lược « Star Wars » của Pháp
Từ thời kỳ quan sát bước qua giai đoạn tự vệ : Đó là chính sách phòng thủ không gian của Pháp đề phòng xảy ra chiến tranh tinh cầu.
Theo Les Echos, tổng thống Macron đã loan báo thành lập Bộ tư lệnh Không gian, giai đoạn tới là nữ bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly sẽ trình bày chiến lược phòng thủ không gian Pháp. Theo học thuyết 1967, Pháp từ chối đưa vũ khí tấn công lên không gian, nhưng từ nay sẽ trang bị phương tiện tự vệ trong trường hợp vệ tinh bị tấn công. Tạm thời, Pháp tập trung nghiên cứu những vũ khí có thể can thiệp từ mặt đất hoặc từ không trung có khả năng đáp trả trực tiếp. Học thuyết tương lai bắt buộc phải thành lập quân chủng, tố chức nhân sự cũng như như đề ra chiến lược tăng cường hiệu năng quân sự trong không gian.
50 năm đổ bộ Mặt Trăng : từ Jules Verne đến Neil Amstrong
Cũng liên quan đến không gian, nhân kỷ niệm 50 năm chinh phục Mặt Trăng (20/07/1969), hôm nay Le Monde trở lại cuộc đổ bộ của phi thuyền Apollo-11 với bước chân đầu tiên và lời phát biểu đầu tiên của Neil Armstrong : Đó là một bước nhỏ của một người nhưng là một bước tiến lớn của nhân loại.
Les Echos cũng vinh danh “Apollo-11, khúc khải hoàn của Hoa Kỳ”. Còn Le Figaro đưa độc giả trở lại với các tác phẩm khoa học giả tưởng tiêu biểu của nhà văn Pháp Jules Verne « đẩy mộng du hành ngày càng cao » như Từ Trái Đất Đến Mặt Trăng và Bay Quanh Mặt Trăng làm say mê hàng triệu triệu độc giả ở mọi nơi và ở mọi thế hệ, từ 100 năm trước khi Neil Amstrong đặt chân lên vệ tinh độc nhất của Trái Đất.
Tin đọc nhanh
(AFP) - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khoan thăm dò dầu khí, bất chấp trừng phạt của EU.
Để trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ khoan thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của Cyprus, Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 15/07/2019 đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt chính trị và tài chính, trong đó có việc cắt khoản tài trợ 145,8 triệu euro mà chính quyền Ankara được hưởng trong năm 2020. Trong thông cáo ngày 16/07, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các biện pháp trừng phạt trên sẽ không tác động đến hoạt động khoan thăm dò của nước này.
(AFP) - Ý : Một nhân vật thân cận với phó thủ tướng Matteo Salvini bị tư pháp thẩm vấn.
Ông Gianluca Savoini đã trả lời thẩm vấn ngày 15/07/2019, trong bối cảnh đảng Liên Đoàn cầm quyền Ý bị nghi bí mật nhận tiền tài trợ của chính quyền Nga. Từng là nhà báo, ông Gianluca Savoini bị nghi là đầu mối liên lạc giữa đảng cực hữu cầm quyền và chính quyền Matxcơva. Phó thủ tướng Ý Salvini phủ nhận việc nhận tài trợ của Nga, nhưng phe đối lập đòi ông giải trình trước Nghị Viện.
Philippine Star) - Hoa Kỳ và Philippines đang củng cố hiệp định phòng thủ hỗ tương 1951.
Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose Manuel “Babe” Romualdez, cho biết như trên ngày 16/07/2019 trong một cuộc họp báo sau Đối Thoại Chiến Lược Mỹ-Philippines lần thứ 8. Theo ông, ủy ban quốc phòng hỗn hợp giữa hai bên sẽ có một cuộc họp vào tháng 9 tới.
(Yonhap) - Hàn Quốc : Ba thuyền Bắc Triều Tiên tìm thấy trên biển bị phá hủy tại chỗ.
Theo một quan chức quân đội Hàn Quốc, ba chiếc thuyền Bắc Triều Tiên, không người, đã được tìm thấy ở khu vực phía Nam đường ranh giới trên biển ngày 13/07/2019, và đã bị phá hủy tại chỗ. Những sự cố liên quan đến thuyền Bắc Triều Tiên như trên, thường xẩy ra trong những tuần gần đây, theo quân đội Hàn Quốc.
(AFP) - Ấn Độ : Sự cố kỹ thuật khiến việc phóng hỏa tiễn lên mặt trăng bị dời lại.
Báo chí Ấn hôm nay, 16/07/2019 tiết lộ là phi thuyền thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan 2, dự kiến được phóng lên vào hôm qua, rốt cuộc đã bị đình chỉ do sự cố kỹ thuật ở bộ phận gây lạnh của tên lửa mang phi thuyền GSLV-MKIII. Cơ quan không gian Ấn ISRO, khi thông báo việc dời lại chuyến đi chỉ nói do sự cố kỹ thuật, những không nói rõ là ở bộ phận nào.
(Reuters) -Lũ lụt nghiêm trọng thêm ở đông bắc Ấn Độ.
Mưa to không ngừng khiến nhiều làng vùng đông bắc Ấn bị ngập dưới nước, dân cư phải di tản. Bang Assam đã phải cho tản cư 200.000 người vào hôm nay 16/07/2019. Công viên quốc gia Kaziranga, nơi có voi và loài tê giác sắp bị tuyệt chủng, cũng bị lụt lội đe dọa. Từ tuần qua mưa to ở vùng Nam Á đã làm ít nhất 119 người chết, hơn 5 triệu người phải di tản ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh.
(AFP) - Pakistan mở lại toàn bộ không phận cho các chuyến bay dân sự.
Thông báo được đưa ra ngày 16/07/2019, sau nhiều tháng Pakistan giới hạn không phận do khủng hoảng ngoại giao trầm trọng với Ấn Độ, sau vụ khủng bố ngày 14/02 tại vùng Kashmir, phía do Ấn Độ kiểm soát. Vào đầu tháng Ba, Pakistan đã mở lại một phần, nhưng không phận ở khu vực biên giới hai nước vẫn bị hạn chế.
(Vogue) - James Bond : Điệp viên 007 sẽ do một nữ diễn viên thủ vai ?
Theo trang Mail on Sunday, sau vai diễn chàng điệp viên hào hoa James Bond trong tác phẩm thứ 25, diễn viên Daniel Craig sẽ rút khỏi MI6. Một nhân vật mới xuất hiện, do Lashana Lynch thủ vai, và sẽ lấy lại tên của chàng điệp viên quyến rũ. Lashana Lynch, nữ diễn viên người Anh gốc Jamaica, từng xuất hiện trong phim Captain Marvel, trong vai Maria “Photon” Rambeau, nữ phi công của Không Lực Mỹ, một bà mẹ đơn thân và là bạn thân của nhân vật chính Carol Danvers (do Brie Larson thủ vai).
(AFP) - Nhân viên Amazon đình công nhân ngày khuyến mãi.
Hàng ngàn nhân viên Amazon, từ Âu sang Mỹ, đã đình công vào hôm qua, 15/07/2019, nhân dịp những ngày khuyến mãi “Prime Day”. Họ đòi tôn trọng luật lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho bớt căng thẳng, lương hướng cao hơn. Ở Minnesota (Hoa Kỳ) chẳng hạn, nhân viên kho hàng Amazon đã chận các xe tải, trương khẩu hiệu “Chúng tôi là con người chứ không phải là robot”. Ở Đức, cuộc đình công chống “giảm giá trên lưng lương hướng” đã huy động được hơn 2.000 người.
0 nhận xét