Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của “Dân quân biển” TQ trên Biển Đông

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019 17:23 // ,


Bộ Quốc phòng Mỹ (6/2019) công bố Báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó nhận định lực lượng dân quân biển Hải Nam là lực lượng chuyên nghiệp nhất của Trung Quốc, được nhận trợ cấp rộng rãi nhằm hưởng ứng thực hiện các hoạt động tại vùng Quần đảo Trường Sa.

Theo báo cáo trên, Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào cuối năm 2016 có chỉ thị đóng 84 tàu cá dân quân cỡ lớn với mạn tàu được gia cố chịu lực và có trang bị vũ khí. Lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam được tuyển dụng từ các cựu chiến binh và được trả lương độc lập ngoài việc đánh cá. Đây được cho là phù hợp với chính sách Phát triển Quân đội và An ninh 2019 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Báo cáo cho rằng lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam đóng vai trò quan trọng trong một số chiến dịch quân sự và cưỡng chế trên biển từ phía Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm vụ cản trở tàu USNS Impeccable của Mỹ tại Biển Đông vào năm 2009, vụ căng thẳng ở bãi Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc năm 2012, vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và vụ đột kích ở vùng nước gần quần đảo Senkaku năm 2016.
Ngoài ra, theo báo cáo từ Lầu Năm Góc, một số lượng lớn các tàu dân quân biển Trung Quốc đã được huấn luyện và hỗ trợ bởi lực lược hải quân Trung Quốc và cảnh sát biển trong các hoạt động như thực hiện tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, do thám, trinh sát, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ hậu cần. Các tàu này về mặt hình thức là thường thực hiện các nhiệm vụ thương mại dân sự, tuy nhiên, chúng được cho là cũng âm thầm thực hiện các nhiệm vụ “chính thức” được giao phó. Mỹ cũng chỉ ra rằng trong một số vụ việc liên quan tới Mỹ và các bên còn lại trong tranh chấp ở Biển Đông, các tàu cá Trung Quốc đã thực hiện các hành vi như đâm va, ngăn chặn tàu nước ngoài tiếp cận các đầm phá, thậm chí tham gia vào hoạt động chiếm đóng các bãi san hô và bãi cạn.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 750.000 người và 140.000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không. Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.
Lực lượng dân quân vũ trang biển trực thuộc Lực lượng dân quân nhân dân Trung Quốc, là lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển Trung Quốc, ban đầu được thành lập với mục đích cứu hộ cứu nạn. Những năm gần đây, lực lượng này đã phát triển khá tinh vi và được nâng cao vai trò, chuyên thực hiện các nhiệm vụ từ vận tải đến thu thập thông tin tình báo và thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đây được cho là một phần trong học thuyết quân sự lớn hơn của Trung Quốc khi tập trung vào các hoạt động phi vũ trang nhằm gây sức ép tại khu vực Biển Đông. Đó là đội tàu hùng hậu nhất trong khu vực, thường xuyên tấn công cả láng giềng lẫn bên thứ ba tiến hành hoạt động khẳng định tự do hàng hải trong khu vực, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Lực lượng này không mang đồng phục, không chuyên nghiệp, không được huấn luyện thích hợp, đứng ngoài Luật Biển quốc tế, các quy luật và cam kết của quân đội, và các cơ chế đa phương nhằm phòng tránh các vụ đụng độ trên biển. Các sự cố sắp tới trên Biển Đông có nhiều khả năng liên quan đến dân quân biển thay vì quân đội hoặc tuần duyên Trung Quốc, lực lượng này không có cơ chế thông tin và giảm căng thẳng như giữa các đơn vị chuyên nghiệp và các đối tác ở các nước khác hiện nay. Ngoài ra, dân quân biển Trung Quốc còn có nhiệm vụ đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông; tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Quốc; bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh; hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra; cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Quốc; vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.
Chuyên gia Pratnashree Basu, Quỹ nghiên cứu ORF (Observer Research Foundation) của Ấn Độ cho rằng tình trạng bất ổn định đã trở thành thường xuyên tại Biển Đông mà kẻ gây rối chính là Trung Quốc. Điểm đáng ngại, theo chuyên gia này, là vai trò ngày càng hung hăng của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Theo bà Pratnashree Basu, không thể chối cãi được rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất hiện đang gây bất ổn tại Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc đã và đang tiếp tục gây ra nhiều vấn đề vì Bắc Kinh thường xuyên coi nhẹ các chuẩn mực quốc tế và chủ quyền của nước khác. Điều xảy ra ở Bãi Cỏ Rong không phải là sự cố đầu tiên hoặc duy nhất, mà nằm trong một chuỗi dài của các vụ Trung Quốc vi phạm các quy tắc quốc tế. Theo bà Basu, cơ cấu của lực lượng dân quân biển rất phù hợp với ý đồ của Trung Quốc muốn áp đặt các lợi ích của họ tại vùng biển tranh chấp thông qua các cuộc chạm trán ở cường độ thấp, bất cần tôn trọng luật pháp và chủ quyền trong khi vẫn duy trì tình trạng căng thẳng. Trong tương lai gần, những vụ va chạm có sự can dự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể thúc đẩy sư can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, vốn đã cho biết là các hành vi khiêu khích của tàu dân quân sẽ bị coi là tương đương với những hành động của chiến hạm của lực lượng Hải Quân. Mặc dù tuyên bố của Mỹ mới là dấu hiệu của một lập trường cứng rắn hơn, nhưng điều đó hàm chứa rủi ro là tình hình có thể dễ dàng leo thang đến mức một cuộc xung đột toàn diện. Trừ phi Bắc Kinh lùi bước đáng kể trong các hành động gây căng thẳng, trong những ngày tới đây, Biển Đông có nguy cơ chứng kiến một tình huống xung đột leo thang nhanh chóng đến mức không thể quay lại.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng lực lượng dân quân biển vũ trang không còn là bí mật. Điều 36 của Luật nghĩa vụ quân sự Trung Quốc năm 1984, được sửa đổi năm 1998, đòi hỏi dân quân phải “thực hiện những nghĩa vụ có liên quan đến việc chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ biên giới và duy trì trật tự công cộng, luôn luôn sẵn sàng tham gia chiến tranh cùng với quân đội, chống lại các cuộc tấn công và bảo vệ tổ quốc”. Trước đó, Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2013 nâng cao vai trò của dân quân biển, trong việc khẳng định chủ quyền và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Lực lượng này tương tự với dân quân trên đất liền vốn được biết đến rộng rãi hơn, hoạt động tại tất cả các quân khu, dưới sự chỉ huy của Giải Phóng Quân Trung Quốc (PLA). Trong cùng năm, ông Tập Cận Bình đã đi thăm lực lượng dân quân biển ở Đồ Môn, Hải Nam, khen ngợi đây là hình mẫu để noi theo.
Phó Giáo sư Andrew Erickson, Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, “bình thường họ là ngư dân, nhưng khi mặc đồng phục màu xanh, các thuyền viên Trung Quốc sẽ trở thành dân quân biển. Họ núp dưới danh nghĩa tàu cá để tiến hành hoạt động do thám, hoặc tấn công tàu cá nước khác rồi phủ nhận khiến hải quân nước ngoài không thể cản trở hay đe dọa. Tuy nhiên, giờ họ không thể che giấu lực lượng như trước đây”.
Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc muốn thông qua “dân quân biển” để triển khai âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường phát triển và sử dụng lực lượng dân quân biển phục vụ mưu đồ xâm chiếm Biển Đông: Trung Quốc cố ý lợi dụng tình trạng mập mờ danh tính của lực lượng dân quân biển (không phải lực lượng vũ trang, song được đào tạo huấn luyện chuyên sâu) để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo các lợi ích quốc gia, yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang, ít bị các nước chỉ trích, tránh các quy định của luật quốc tế và không gây phương hại tới hình ảnh của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, việc sử dụng dân quân biển quấy rối, khiêu khích tàu chấp pháp, tàu quân sự các nước sẽ khiến các nước gặp khó khăn khi đưa ra phương án xử lý số tàu này. Giáo sư Alan Dupont (Đại học New South Wales, Australia) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác dưới sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hóa.
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đều nhận định đây là một trong những lực lượng nguy hiểm của Trung Quốc. Giáo sư James Kraska (Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) cho biết Trung Quốc gần đây đã công khai kế hoạch xây dựng mạng lưới tàu cá trở thành lực lượng dân quân biển với vai trò bán quân sự trong thời bình và cũng như trường hợp xảy ra xung đột. Kế hoạch trên sẽ cung cấp cho lực lượng hải quân Trung Quốc một lực lượng đông đảo, hợp pháp và mang yếu tố cạnh tranh chiến lược. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã xóa đi sự phân biệt giữa tàu chiến và tàu dân sự trong luật hải chiến (Điều luật quy định việc bảo vệ hoạt động của tàu cá trong giai đoạn xảy ra xung đột). Chính vì vậy, Giáo sư Andrew Erickson cho rằng Chính phủ Mỹ cần hành động ngay trước khi Mỹ cùng đồng minh và đối tác bị đặt vào tình thế bấp bênh khi phải đối đầu với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Theo ông Erickson, các quan chức Mỹ cần phải công khai rộng rãi trước dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế về bản chất và hành động thực tế của lực lượng này; đồng thời các nhà lập pháp Mỹ cần công nhận dân quân hàng hải của Trung Quốc là “một lực lượng quân sự” thường được trá hình và có quy định cụ thể về việc dân quân biển Trung Quốc không được hưởng quyền bảo hộ công dân trong trường hợp xung đột trên biển.
Giáo sư Alan Dupont (Đại học New South Wales, Australia) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác dưới sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hóa. Giáo sư James Kraska (Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) cho biết Trung Quốc gần đây đã công khai kế hoạch xây dựng mạng lưới tàu cá trở thành lực lượng dân quân biển với vai trò bán quân sự trong thời bình và cũng như trường hợp xảy ra xung đột. Kế hoạch trên sẽ cung cấp cho lực lượng hải quân Trung Quốc một lực lượng đông đảo, hợp pháp và mang yếu tố cạnh tranh chiến lược. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã xóa đi sự phân biệt giữa tàu chiến và tàu dân sự trong luật hải chiến (Điều luật quy định việc bảo vệ hoạt động của tàu cá trong giai đoạn xảy ra xung đột). Mặc dù tàu chiến có thể tấn công các tàu cá dân sự hỗ trợ quân đối phương nhưng về lý thuyết, khó có thể phân biệt được đâu là tàu cá dân sự thuần túy với đâu là tàu cá hỗ trợ hải quân. Bất kể tàu dân quân có đóng vai trò quan trọng trong chiến trận hay không, sự hiện diện của chúng trên chiến trường cũng khiến đối phương rơi vào thế lựa chọn khó khăn về tác chiến và pháp lý. Việc sử dụng tàu đánh cá như một lực lượng hỗ trợ hải quân là hành vi vi phạm nguyên tắc phân biệt dân và quân sự, vốn là yếu tố then chốt của luật nhân đạo quốc tế. Luật này nêu rõ rằng dân thường và các mục tiêu dân sự phải được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công vũ trang. Mục đích của nguyên tắc này là để bảo vệ dân thường và giảm bớt tác động chiến tranh lên họ. Tuy nhiên, bất chấp điều này, đội tàu dân quân Trung Quốc đã làm xóa đi ranh giới để phân biệt giữa tàu cá dân sự và tàu có chức năng hải quân. Chính vì vậy, Giáo sư Andrew Erickson cho rằng Chính phủ Mỹ cần hành động ngay trước khi Mỹ cùng đồng minh và đối tác bị đặt vào tình thế bấp bênh khi phải đối đầu với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Theo ông Erickson, các quan chức Mỹ cần phải công khai rộng rãi trước dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế về bản chất và hành động thực tế của lực lượng này; đồng thời các nhà lập pháp Mỹ cần công nhận dân quân hàng hải của Trung Quốc là “một lực lượng quân sự” thường được trá hình và có quy định cụ thể về việc dân quân biển Trung Quốc không được hưởng quyền bảo hộ công dân trong trường hợp xung đột trên biển.
Tuy nhiên, học giả Trương Hoành Châu (nghiên cứu cộng tác của Chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) cho rằng chính sách “dân quân biển” của Trung Quốc là lỗi thời và nguy hiểm, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vì: Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật hàng hải lớn mạnh nhất trong khu vực và không còn cần lực lượng dân quân biển để bảo vệ lợi ích quốc gia; Việc vũ trang hóa có thể khiến cho các ngư dân gặp nhiều nguy hiểm, trong khi chính trị hóa có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ ngành công nghiệp thủy sản; Dân quân biển có thể sử dụng lòng yêu nước như một vỏ bọc để thực hiện các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều ngư dân Trung Quốc đã chuyển từ đánh cá sang bắt trai khổng lồ ở Biển Đông vốn mang lại lợi nhuận lớn hơn, hay một số ngư dân Trung Quốc còn đến vùng biển gần đảo Ogasawara của Nhật Bản để lấy trộm san hô từ đáy biển, săn bắt rùa biển và các loài động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.