Cơ sở để đi đến giải pháp cho những thác thức an ninh tại khu vực Biển Đông
Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019
16:18
//
Phân tích
,
Slider
Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xử lý mọi vấn đề và mọi tranh chấp trên biển.
Khu vực Biển Đông đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh nghiêm trọng. Những hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông như xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và các quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác đã và đang thách thức nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định; đe dọa các quyền tự do hàng hải, hàng không và an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông. Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và tranh chấp biển giữa Trung Quốc và các quốc gia là các bên tranh chấp trong khu vực, cùng với cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và các nước lớn khác trong khu vực biển này càng làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp. Bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống, khu vực Biển Đông cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác. Môi trường biển và các hệ sinh thái biển tại khu vực Biển Đông đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng. Tài nguyên cá - nguồn sống của hàng chục triệu người dân ven khu vực Biển Đông - đang ngày càng bị suy kiệt. Các loại tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn bán ma túy, buôn người đang có xu hướng gia tăng.Trong bối cảnh đó, tìm ra các giải pháp để có thể đối phó một cách hữu hiệu với những thách thức an ninh nói trên là một yêu cầu cấp bách đối với tất cả các nước liên quan trong và ngoài khu vực.
Câu hỏi đặt ra là: Cần dựa trên cơ sở nào để có thể đi đến các giải pháp đó ? Dựa trên cơ sở ý chí chính trị của các quốc gia liên quan hay dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế ? Thực tế những thập kỷ qua cho thấy do lợi ích khác nhau nên ý chí chính trị của các quốc gia liên quan trong khu vực cũng rất khác nhau, rất khó có thể dung hòa. Sự khác biệt về ý chí chính trị của các quốc gia liên quan là nguyên nhân chính dẫn đến bế tắc trong quá trình đi đến các giải pháp cơ bản, lâu dài cho những tranh chấp trên biển và cho việc giải quyết những thách thức an ninh ở Biển Đông. Do đó, chỉ có một cách duy nhất để đi đến các giải pháp là dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cơ sở luật pháp quốc tế chủ yếu chính là Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc (Công ước luật biển), một điều ước quốc tế quan trọng mà hầu hết các quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực đều là thành viên. Bởi vì:
- Một là, các quy định của Công ước thiết lập lên một trật tự pháp lý trên biển là cơ sở quan trọng để bảo vệ và duy trì trật tự trên Biển Đông, là phương cách hữu hiệu nhất để bảo đảm cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực biển này, vì lợi ích của mỗi quốc gia và của cả cộng đồng quốc tế.
Với những quy định khá toàn diện về phạm vi và quy chế pháp lý của các vùng biển, về quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia, và về hầu như mọi vấn đề liên quan đến việc sử dụng, quản lý biển và đại dương, Công ước luật biển đã thiết lập được một trật tự pháp lý trên biển kể từ năm 1982, chấm dứt tình trạng vô chính phủ trên biển đã kéo dài từ đầu thế kỷ 20 cho đến thời gian đó. Mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng có thể nói rằng trật tự pháp lý mà Công ước luật biển thiết lập lên đã cơ bản dung hòa được yêu cầu, lợi ích và sự quan tâm của tất cả các nước trên thế giới, cả quốc gia có biển lẫn quốc gia không có biển, cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trật tự pháp lý đó đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, và vì vậy, đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới ủng hộ, tôn trọng.
Tuân thủ, tôn trọng các quy định đã thiết lập lên trật tự pháp lý trên biển trong Công ước luật biển vừa là quyền lợi, đồng thời cũng là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Các quốc gia thành viên phải tôn trọng và tuân thủ đầy đủ các quy định này bởi vì Công ước luật biển là một thỏa hiệp cả gói, không cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu mà đòi hỏi các quốc gia đã phê chuẩn hoặc tham gia Công ước phải có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.
- Hai là, những quy định của Công ước luật biển về phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biểnlà cơ sở để các quốc gia xác lập vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán và những lợi ích trên biển của các quốc gia ven biển. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để các quốc gia ven biển láng giềng phân định các ranh giới biển trong các vùng biển chồng lấn và giải quyết những tranh chấp biển.
Các quy định của Công ước luật biển về phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển và quy chế pháp lý của đảocũng là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định tính hợp pháp, hợp lý của các yêu sách biển của các quốc gia trong khu vực Biển Đông.Tòa Trọng tài thường trực PCA trong vụ kiện giữa Philipin và Trung Quốc đã vận dụng những quy định này để ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò dựa trên cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc.
- Ba là, các quy định trong khoản 3, điều 121 về quy chế pháp lý của đảo trong Công ước luật biển góp phần thu hẹp đáng kể phạm vi khu vực biển tranh chấp. Vận dụng điều khoản trên, Tòa Trọng tài thường trực PCA đã ra phán quyết rằng tất cả các thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì những thực thể này không đáp ứng được những điều kiện nêu trong khoản 3, điều 121, cụ thể là: Các thực thể đó không thích hợp cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng. Phán quyết của Tòa đã thu hẹp hơn 95% diện tích khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
- Bốn là, những quy định trong Công ước luật biển có vai trò tích cực trong việc điều chỉnh hành vi của các quốc gia tại các vùng biển nằm trong quyền tài phán quốc gia và những vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc lên án, ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp, trái với luật biển quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển.
Trên cơ sở các quy định của Công ước luật biển, dư luận khu vực và quốc tế có thể nhận thấy rõ tính phi pháp của những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm qua như đưa giàn khoan HD - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; trấn áp, xua đuổi, cướp bóc ngư dân các nước đánh bắt cá trong những vùng biển truyền thống; thách thức các quyền tự do hàng hải và hàng không; và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông. Trong vụ giàn khoan HD -981, nhiều nước trên thế giới đã lên án Trung Quốc vì đã có hành động triển khai giàn khoan, tàu chiến và tàu dân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; coi đó là sự vi phạm nghiêm trọng các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trái với các quy định của Công ước luật biển. Trước sức ép của công luận và đấu tranh của Việt Nam, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Các quy định của Công ước luật biển cũng là cơ sở quan trọng để ASEAN và Trung Quốc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực, hiệu quả, có tác dụng thực sự trong việc điều chỉnh hành vi của các quốc gia liên quan trong khu vực Biển Đông.
- Năm là, các quy định trong Công ước luật biển là cơ sở cho việc hợp tác giữa các quốc gia liên quan trong việc bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển; bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên cá; nghiên cứu khoa học biển; bảo đảm quyền tự do hàng không, hàng hải; bảo đảm an ninh, an toàn trật tự trên biển; ngăn chặn các loại tội phạm trên biển; hợp tác tìm kiếm cứu nạn; và đối phó với những thảm họa tự nhiên, nước biển dâng trong khu vực Biển Đông.
- Sáu là, các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước luật biển là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia trong khu vực Biển Đông vận dụng giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Điều 279 của Công ước quy định: Các quốc gia thành viên Công ước có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc. Các tranh chấp này bao gồm: Các tranh chấp liên quan đến việc thực thi các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến việc đánh bắt và bảo tồn tài nguyên sinh vật; bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển; các quyền tự do hàng hải, hàng không trong các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia; các hoạt động của tàu thuyền, kể cả tàu thuyền quân sự, trong vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia; việc thực thi các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trên vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia...
Công ước luật biển cung cấp một hệ thống các cơ chế và biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp để các quốc gia lựa chọn như đã được quy định tại điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc. Ngoài ra, Công ước còn quy định các cơ chế và thủ tục giải quyết bắt buộc tranh chấp. Những tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước luật biển, khi không được giải quyết bằng đàm phán hay các cơ chế khác như được trù liệu trong Mục 1 của Phần XV của Công ước về giải quyết tranh chấp thì theo yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào, sẽ được đệ trình ra trước trọng tài hoặc tòa án quốc tế có thẩm quyền theo quy định của điều 286 của Công ước luật biển. Đây có thể được coi là một bước phát triển mới của luật pháp quốc tế nói chung và của luật biển quốc tế nói riêng.
Tóm lại, Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xử lý mọi vấn đề và mọi tranh chấp trên biển. Vì vậy, các quy định của Công ước này cũng chính là cơ sở để các quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực đi đến các giải pháp có thể đối phó một cách hữu hiệu các thách thức an ninh trong khu vực Biển Đông vì lợi ích của mỗi nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế.
0 nhận xét