Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Chương trình Thời sự thứ Ba, 16/07/2019

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019 13:30 // ,

Cherry Radio
Cẩm Nhung | 16/07/2019 

Nguồn: https://www.cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-ba-16072019-rd2304555


Tin nước Úc:
- Victoria: Kinh hoàng xe hơi bị đẩy đi xa 150m và bị nghiền nát dưới gầm xe lửa
- Victoria: Kinh hoàng xe hơi bị đẩy đi xa 150m và bị nghiền nát dưới gầm xe lửa
- Chuyên mục thuế: Cổng thông tin MyGov bị sập khi hàng ngàn người cố gắng nộp tờ khai thuế
- Tin Úc: Người Úc ồ ạt mua sắm trong ngày hội Amazon Prime Day
- Melbourne: Hãng xe lửa Metro Trains sẽ bồi thường cho các hành khách bị trễ chuyến trong tháng Sáu 
- Victoria: Phát hiện thi thể một nam sinh người Ấn Độ bị mất tích ở Victoria 
- Tin Úc: Một báo cáo khẳng định di dân không làm ảnh hưởng đến đồng lương của người Úc
- Chi quá nhiều tiền để làm đám cưới gây cản trở giấc mơ mua được căn nhà đầu tiên
- Tin vắn
Tin thế giới:
Theo Reuters, ông Mark Esper ngày 15/7 đã chính thức được Nhà Trắng đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, chức vụ mà ông đã đảm nhiệm với tư cách là quyền bộ trưởng kể từ tháng trước. Mỹ đã và đang không có bộ trưởng quốc phòng chính thức từ khi ông Jim Mattis từ chức hồi tháng 12 năm ngoái, và đây là khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc. Tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ, theo quy định của pháp luật, khi ông Esper được đề cử vào ngày 15/7, ông sẽ không đảm đương vai trò quyền bộ trưởng quốc phòng và quay trở lại vị trí làm việc trước đây là Bộ trưởng Lục quân Mỹ. Cho tới khi ông Esper chính thức được bổ nhiệm, Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Rạng sáng 15/7, giờ địa phương, Mỹ đã chính thức mở chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp tại 10 thành phố lớn. Tuy nhiên, diễn biến của chiến dịch lại tỏ ra im ắng bất thường. Theo như kế hoạch, chiến dịch của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) nhắm tới 2.000 người nhập cư đã nhận lệnh trục xuất nhưng vẫn ở lại nước Mỹ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu nào về một chiến dịch quy mô lớn. Chiến dịch được thay đổi vào phút chót được cho là do cộng đồng người nhập cư tại Mỹ đã được chuẩn bị và hướng dẫn trước để đề phòng bằng cách ở nhà đóng chặt cửa và không ký vào bất cứ giấy tờ nào. Chiến dịch truy quét người nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người nhập cư do nguy cơ nhiều gia đình rơi vào tình trạng chia cắt.
Ngày 15/7, Tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định việc giải quyết những tranh cãi thương mại giữa nước này và Nhật Bản thông qua biện pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh việc Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tương tự như việc tìm cách gây cản trở tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc vẫn bày tỏ hy vọng Chính phủ Nhật Bản sẽ rút lại hành động gây sức ép đơn phương và quay trở lại đàm phán để hướng tới một giải pháp ngoại giao.
Chính phủ và các công ty của Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ kinh doanh với những công ty Mỹ bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan. Thông tin trên là tuyên bố người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 15/7. Tuy nhiên, ông từ chối nêu đích danh những công ty sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông Cảnh Sảng, việc bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan vi phạm luật quốc tế và ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tuần trước, Lầu Năm Góc đã thông qua việc bán vũ khí theo yêu cầu của Đài Loan bao gồm: 108 xe tăng chiến đấu, 250 tên lửa Stinger do hãng Raytheon sản xuất. Thương vụ này trị giá 2,2 tỷ USD.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/7 cho biết nước này đã bắt giữ một công dân Canada liên quan một vụ án ma túy có sự tham gia của các sinh viên nước ngoài. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, cảnh sát tỉnh Sơn Đông gần đây đã phát hiện một vụ án ma túy có liên quan tới các sinh viên nước ngoài, trong đó có 1 công dân Canada. Hiện vụ án đang được xử lý, song không nêu rõ thông tin chi tiết. Trước đó hai ngày, Chính phủ Canada cũng cho biết 1 công dân nước này đã bị bắt giữ tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada xấu đi nghiêm trọng từ tháng 12/2018, sau khi cảnh sát thành phố Vancouver bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, theo yêu cầu của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 cho biết, thêm 2 máy bay chở thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã đáp xuống căn cứ không quân Murted gần thủ đô Ankara. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ đây là ngày thứ 4 liên tiếp các thiết bị của hệ thống S-400 được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là máy bay thứ 8 và 9 của Nga đáp xuống căn cứ Murted kể từ ngày 12/7. Mỹ liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa Ankara ra khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ thương vụ S-400. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố thương vụ S-400 là vấn đề chủ quyền quốc gia.
Ngày 15/7, Philippines đã ban bố tình trạng báo động quốc gia tại một số khu vực trước sự bùng phát bệnh sốt xuất huyết tại nhiều địa phương. Theo Bộ Y tế Philippines, riêng trong tháng 6/2019, cơ quan này đã ghi nhận hơn 106.000 ca sốt xuất huyết trên cả nước, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2018 và ít nhất 450 ca tử vong. Bộ trên cũng công bố 4 khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cao vượt ngưỡng gây dịch. Giới chức y tế Philippines cho biết, đây là lần đầu tiên Philippines ban bố báo động quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của người dân và đặc biệt trong các cộng đồng. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố cương lĩnh cho nhiệm kỳ 2 của mình trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng vào tối 14/7 kể từ khi tái đắc cử. Ông Widodo cam kết đẩy nhanh hơn tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư để tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Có thể thấy, Tổng thống Joko Widodo bước vào nhiệm kỳ 2 và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình, do đó ông sẽ không ngần ngại triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhất để thực hiện thành công các kế hoạch đề ra, thực hiện đúng các cam kết của mình với cử tri.
Chính phủ Guatemala thông báo nước này không có kế hoạch ký một thỏa thuận biến Guatemala thành nước thứ 3 an toàn cho người xin tị nạn với Mỹ. Guatemala sẽ hoãn chuyến thăm của Tổng thống nước này tới Mỹ nhằm thảo luận về thỏa thuận này. Nếu thực hiện theo thỏa thuận trở thành nước thứ 3 an toàn cho người tị nạn, Guatemala sẽ có trách nhiệm cấp quy chế tị nạn cho những người đến từ Honduras và El Salvador vào lãnh thổ nước này, mặc dù mục đích của những người này là tới Mexico rồi tới Mỹ. Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục phối hợp với chính phủ Guatemala nhằm đề ra các biện pháp có thể triển khai tức thì, giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.
8 người phải nhập viện, trong đó có 3 trường hợp bị thương nặng trong ngày cuối cùng của lễ hội đấu bò tót San Fermin ở thành phố Pamplona, Tây Ban Nha. Đây là một sự kiện thường niên và truyền thống ở nước này. Lễ hội gồm hai phần, sau phần chạy cùng bò tót là chương trình đấu bò tót. Trong 7 ngày diễn ra lễ hội, có hàng nghìn người xếp hàng dài ở một con phố hẹp để tham gia chạy đua với các chú bò tót. Những con bò hung dữ tìm cách rượt đuổi người tham dự. Trong các cuộc đua như thế này, đã có không ít người bị thương, thậm chí tử vong do bị bò tót húc. Lễ hội đấu bò tót San Fermin diễn ra lần đầu tiên vào năm 1591 và đã ghi nhận 16 trường hợp tử vong.
Hãng hàng không Mỹ American Airlines tuyên bố gia hạn lần thứ 4 lệnh đình chỉ khoảng 115 chuyến bay/ngày tới đầu tháng 11 đối với máy bay Boeing 737 MAX. Theo kế hoạch trước đó, American Airlines tạm hoãn hoạt động của dòng máy bay này tới ngày 3/9. American Airlines là hãng hàng không lớn nhất thế giới và là hãng sử dụng Boeing 737 MAX nhiều thứ hai tại Mỹ. Theo kế hoạch hoạt động hiện tại, các chuyến bay của American Airlines không sử dụng mẫu máy bay 737 MAX cho đến hết ngày 2/11. Hãng hàng không Mỹ cho biết, việc cấm máy bay Boeing 737 MAX hoạt động đã khiến lợi nhuận quý II/2019 của hãng giảm 185 triệu USD.
Cảnh sát Thái Lan vừa tiến hành chiến dịch truy quét quy mô lớn trên cả nước, thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng sản xuất trái phép, trong đó có viên uống giảm cân. Theo cảnh sát và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan, lực lượng chức năng đã khám xét 33 địa điểm tình nghi và phát hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng trái phép tại 25 địa điểm. Số thực phẩm chức năng bị tịch thu gồm 1,5 triệu viên uống giảm cân và hơn 305.000 túi cà phê giảm cân có chứa sibutramine, một chất có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Sibutramine vốn bị cấm tại Thái Lan. Những người sản xuất, nhập khẩu hoặc xuất khẩu chất này có thể đối mặt với án tù từ 5 - 20 năm, đồng thời phải nộp phạt từ 500.000 - 2 triệu Baht.
Tin thể thao:
Barca hết hi vọng với Neymar: Tờ Daily Mail cho rằng Barca đã hết ngân quỹ chuyển nhượng cho mùa Hè này khi phải vay tiền để chiêu mộ Frenkie De Jong (75 triệu euro), Neto (25 triệu euro), Moussa Wague (12 triệu euro) và Antoine Griezmann (120 triệu euro). Bên cạnh đó, Barca còn đang chịu số nợ lên tới 888 triệu euro, gồm 488 triệu euro nợ ngắn hạn. Do đó, họ sẽ cần phải thanh toán các khoản nợ xuống còn 200 triệu euro. Cách đây ít ngày, Chủ tịch Josep Bartomeu từng thừa nhận Barca phải đi vay 35 triệu euro để ký hợp đồng với Antoine Griezmann và 85 triệu euro dự kiến được thanh toán còn lại vẫn chưa được nhận.
Iker Casillas được Porto thăng chức: Trên trang chủ CLB, Porto thông báo xác nhận bổ nhiệm Iker Casillas trở thành thành viên ban huấn luyện đội bóng. Thông báo của đội chủ sân Dragao có nội dung: "Iker Casillas sẽ trở thành một phần trong ban huấn luyện của Porto trong thời gian anh ấy bình phục sức khỏe". Nhiệm vụ của Iker Casillas là xây dựng mối quan hệ tốt giữa các cầu thủ, BHL và BLĐ Porto. Tờ MARCA còn cho rằng anh sẽ trở thành Giám đốc của Porto trong tương lai.
MU ra điều kiện cho Real Madrid về Paul Pogba: Tờ Daily Mail cho biết MU định giá Paul Pogba là 150 triệu bảng và Juventus đã từ bỏ thương vụ này. Theo đó, chỉ còn Real Madrid mới đủ khả năng chi trả số tiền trên để ký hợp đồng với tiền vệ người Pháp. MU sẵn sàng để Paul Pogba ra đi nếu Real Madrid đồng ý trả 150 triệu bảng trước ngày 8/8, khi TTCN Hè 2019 ở Anh khép lại. Nếu Real Madrid đưa ra đề nghị sau ngày 8/8, họ sẽ phải chờ tới mùa Hè 2020 để quay lại thương vụ này. Hiện tại, Paul Pogba đang cùng MU du đấu tại Australia. Tuy nhiên, việc anh có ở lại đội chủ sân Old Trafford trong mùa giải tới hay không thì phải phụ thuộc vào Real Madrid.
De Gea sắp gia hạn hợp đồng với MU: Tờ Daily Mail tiết lộ De Gea nhiều khả năng sẽ gia hạn hợp đồng với MU sau tour du đấu Hè 2019. Theo đó, thủ môn người Tây Ban Nha sẽ được MU tăng lương từ 200.000 bảng/tuần lên 375.000 bảng/tuần. Nếu ký hợp đồng mới có thời hạn 5 năm với MU, anh sẽ nhận số tiền tổng cộng lên tới 97,5 triệu bảng. Con số này giúp anh trở thành thủ môn hưởng lương cao nhất thế giới, đứng thứ 2 tại MU và Premier League, chỉ sau Alexis Sanchez – 500.000 bảng/tuần.
Ole Gunnar Solskjaer thất vọng với ban lãnh đạo MU: Theo các nguồn tin thân cận với MU, Ole Gunnar Solskjaer tỏ ra thất vọng với ban lãnh đạo CLB vì không thực sự quyết tâm mua tiền vệ của Sporting Lisbon Bruno Fernandes. Đội bóng Bồ Đào Nha áp giá cầu thủ này cỡ 70 triệu bảng nhưng MU chỉ sẵn sàng trả khoảng 50 triệu. Bruno Fernandes được ca ngợi như “Frank Lampard mới” vì giỏi ghi bàn. Anh đã tham gia vào 50 bàn thắng ở các giải cho Sporting mùa trước trong đó ghi 31 bàn thắng. Lí do lãnh đạo MU không muốn trả nhiều hơn 50 triệu cho vụ này vì Bruno Fernandes chưa chơi thường xuyên ở Champions League.
Djokovic đặt mục tiêu mới sau Wimbledon: Nhà vô địch Wimbledon 2019 Novak Djokovic đặt mục tiêu mới cho mình sau khi đăng quang ở All England Club lần thứ 5 trong sự nghiệp. “Trong 5 năm nữa tôi muốn mình cũng được yêu mến như Roger. Anh ấy tạo cảm hứng cho tôi. Tôi không rõ mình có đuổi kịp và vượt qua được kỷ lục vô địch Grand Slam của Federer hay không nhưng tôi tin cơ hội vượt qua kỷ lục của Federer chỉ phụ thuộc vào việc tôi còn thi đấu bao lâu nữa”, Nole chia sẻ sau khi đánh bại Federer trong trận chung kết dài 5 set và gần 5 tiếng đồng hồ để vô địch Wimbledon 2019. Hiện anh đã có 16 cúp vô địch Grand Slam, kém Nadal 2 cúp và kém Federer 4 cúp vô địch nữa ở các giải lớn.
Premier League thay đổi luật thành tích đối đầu. Trang chủ của Premier League vừa công bố sự thay đổi trong luật xác định thành tích đối đầu của các CLB thi đấu trong mùa giải 2019/20. Theo đó nếu xảy ra trường hợp có ít nhất 2 đội bằng điểm nhau và có cùng hiệu số lẫn số bàn thắng ghi được ở cuối mùa giải, tiêu chí tiếp theo sẽ là số điểm mỗi đội giành được sau các trận đối đầu trực tiếp. Sau tiêu chí đó sẽ là số bàn thắng sân khách trong các trận đối đầu, và nếu tiêu chí đó vẫn chưa phân định được thì Premier League mới tổ chức một trận playoff trên sân trung lập để xác định vị trí cuối cùng. Đây được xem là cách để BTC Premier League hạn chế tối đa khả năng phải tổ chức một trận playoff.
Fan Liverpool áp đảo fan Chelsea ở Siêu cúp châu Âu. Trận tranh Siêu cúp châu Âu giữa Liverpool và Chelsea sẽ diễn ra vào ngày 14/8 tại Istanbul và theo tờ London Evening Standard, lượng vé chính thức phát ra cho các CĐV Liverpool đã nhiều tới gấp 4 lần fan Chelsea. 4.957 vé ban đầu cho fan Liverpool đã bán hết và UEFA đã bổ sung thêm cho Liverpool 1.016 vé nữa, trong khi Chelsea chỉ đề nghị 1.314 vé.
PSG bị tố gian dối chuyển nhượng. Các đầu báo tại Pháp cho biết chủ tịch Nasser Al-Khelaifi bị nghi vi phạm các quy định chuyển nhượng của FIFA và khai man thông tin cho tòa án tại Pháp, theo những tài liệu bị rò rỉ. Al-Khelaifi được cho là đã gửi một bức thư tới Qatar cho tổ chức Qatars Sports Investments (QSI) để xin thanh toán 2 triệu euro cho người đại diện của Javier Pastore khi thực hiện vụ chuyển nhượng này năm 2011. Theo quy định của FIFA, chủ tịch và các chức danh khác trong một CLB không được phép trả tiền cho người môi giới của cầu thủ, mà thay vào đó tiền phải được chuyển khoản rõ ràng từ tài khoản đứng tên của CLB. Không những vậy, tài liệu rò rỉ còn cho thấy Al-Khelaifi đã cung cấp thông tin không chính xác cho một thẩm phán người Pháp về bức thư này, nói dối rằng mình không có thẩm quyền ký vào những văn kiện của QSI dù rõ ràng bức thư có chữ ký của ông.
Tranh giành chủ quyền tại Bắc Cực có trở thành cuộc chiến quy mô lớn?
Các lớp băng dày tại Bắc cực đang tan chảy. Điều này không chỉ mang lại cơ hội kinh tế mới cho các quốc gia vùng Bắc cực mà còn khiến sự cạnh tranh giữa họ trở nên khốc liệt hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu những lợi ích đối nghịch nhau có thể dẫn đến một cuộc chiến quy mô lớn tại Bắc cực?
Cuộc tranh giành khu vực giàu tài nguyên này không chỉ có sự tham gia của các quốc gia quanh Bắc cực như Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch mà còn cả những cường quốc ở các khu vực khác như Trung Quốc. Nghiên cứu vùng này cực giờ đây không còn là một bộ môn khoa học thuần túy mà đã chuyển sang khía cạnh kinh tế, dẫn đến nhiều cuộc tranh luận chính trị gay gắt giữa các quốc gia liên quan.
Sự trở lại của Nga tại Bắc Cực
Vào những năm 1990, quy mô của hầu hết các đơn vị quân đội Nga đồn trú tại Bắc cực đều bị thu hẹp. Về cơ bản, không có sự hiện diện của quân đội dọc theo bờ biển trải dài từ Murmansk đến Chukotka. Nga đã mất kiểm soát phần lớn khu vực rộng lớn này.
Hiện nay, Nga đang quay trở lại đầu tư vào Bắc cực với việc sử dụng các giải pháp công nghệ mới để củng cố cho các tuyên bố của mình. Các lực lượng vũ trang Nga đang gia tăng nhanh chóng tiềm lực quân sự và sự hiện diện tại Bắc cực. Moscow có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới tại đây và hiện giờ đang đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, cải thiện hệ thống hỗ trợ trên không, hệ thống bảo vệ phòng không và nâng cấp radar.
Nhưng không chỉ có Nga, các quốc gia khác ở vùng Bắc cực cũng tham gia vào cuộc chạy đua. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu những xung đột về lợi ích trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hay không. Trên thực tế, có nhiều bất đồng giữa các nước ở khu vực Bắc cực vào thời điểm hiện tại và một số bất đồng đó tiềm ẩn những nguy hiểm.
Cần phải lưu ý rằng, ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế ở Bắc cực vẫn chưa được xác định rõ ràng do sự mơ hồ của một số điều khoản trong luật pháp quốc tế và điều này đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau cũng như làm nảy sinh nhiều bất đồng.
Vấn đề quan trọng tiếp theo tại Bắc cực là sự tranh cãi về chủ quyền của các quốc gia đối với “hành lang Đông Bắc” (NEP) hay tuyến đường biển phương Bắc theo cách gọi của Nga. Tuyến đường này đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận với tàu thuyền thương mại do lớp băng bề mặt tan dần.
Thời gian gần đây, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng hạn chế sự hiện diện của Nga và thúc đẩy ý tưởng biến NEP thành một tuyến đường quốc tế, phản đối việc biến tuyến đường này thành một phần thuộc cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm cách tăng cường hoạt động tại Bắc cực. Một trong những chiến lược được Mỹ sử dụng là triển khai một số lượng lớn các đơn vị bảo vệ bờ biển trong khu vực.
Về phía Nga, Moscow cho rằng nước này có chủ quyền đối với NEP, vốn chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của họ và bất cứ tàu thuyền nào muốn sử dụng tuyến đường này cũng cần phải có sự cho phép của Moscow. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, lập trường của Nga đối với NEP chưa thực sự thuyết phục, đôi khi vẫn xuất hiện một số cáo buộc cho rằng Moscow vi phạm luật hàng hải quốc tế, đi ngược lại với quy tắc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình.
Sự khác biệt về quan điểm giữa các nước liên quan có khả năng dẫn đến những sự cố nghiêm trọng. Thử tưởng tượng kịch bản tàu hải quân Mỹ đi qua NEP và tuyên bố rằng họ sử dụng tuyến đường này dựa trên nguyên tắc tự do hàng hải. Khi đó, nhiều sự cố có thể xảy ra như đụng độ giữa các tàu thuyền hay nỗ lực để buộc tàu thuyền phải chuyển hướng.
Các vấn đề quân sự
Có nhiều vấn đề quân sự tại Bắc cực. Vào giữa những năm 1990, Nga đã phát triển học thuyết Pháo đài chiến lược phía bắc, trong đó vạch ra các biện pháp đặc biệt để duy trì khả năng sống sót của tàu ngầm mang tên lửa chiến lược. Ý tưởng là tạo ra các khu vực an toàn quanh những tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo, với sự hỗ trợ từ trên biển và trên không cũng như các hệ thống chiếu sáng cố định dưới nước. Nếu học thuyết này được triển khai, chắc chắn sẽ vấp phải sự thách thức từ Mỹ và đối mặt với nhiều sức ép nghiêm trọng khác.
Nhưng Mỹ cũng đang trong tình huống tương tự. Họ có những khu vực tương đối nhỏ nơi neo đậu các tàu ngầm hạt nhân và họ sử dụng tất cả các phương tiện cùng với nguồn lực sẵn có để bảo vệ những khu vực này.
NATO rất quan tâm đến Bắc cực. Vì thế, bên này mặt trận sẽ là Mỹ, Na Uy, Canada, Greenland và Đan Mạch. Ở phía bên kia sẽ là Nga. Trung Quốc giờ đây cũng muốn tham gia cuộc chơi. Nước này đang tìm cách có được một chỗ đứng tại Bắc cực với hy vọng tới một thời điểm nào đó có thể sử dụng các tuyến đường phía bắc phục vụ cho mục đích vận chuyển hàng hóa thương mại khi điều kiện khí hậu cho phép.
Về cơ bản, mọi quốc gia phát triển đều muốn khai thác lợi ích tại Bắc cực, chỉ là không phải ai cũng công khai thừa nhận điều đó. Khi “miếng bánh Bắc cực” vẫn còn nằm trên bàn, mỗi nước đều mong muốn được nhận lấy một phần của nó.
Để phân tích khả năng xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn tại Bắc cực, cần phải ghi nhớ yếu tố quan trọng là bất cứ cuộc xung đột nào giữa các bên liên quan trong khu vực này đều có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Xung đột tại Bắc cực sẽ giống xung đột trên Biển Đông và Vịnh Persian?
Tình hình tại Bắc cực sẽ thay đổi đáng kể nếu băng tiếp tục tan chảy với tốc độ nhanh. “Hành lang Tây Bắc” có thể không còn bị bao phủ bởi băng trong vòng 40 đến 50 năm tới. Đây là một tuyến đường biển đi qua Bắc Băng Dương, dọc theo bờ biển phía bắc của lục địa Bắc Mỹ, đi qua các quần đảo Bắc cực của Canada. Đó sẽ là con đường ngắn nhất đi từ Thượng Hải đến New York.
Nếu băng tan chảy hoàn toàn, tuyến đường này chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề tương tự như “Hành lang Đông Bắc”. Mỹ nhiều khả năng sẽ tuyên bố chủ quyền đối với “Hành lang Tây Bắc”, còn Trung Quốc sẽ cáo buộc tuyên bố này vi phạm luật lệ hàng hải và đi ngược lại với quyền tự do hàng hải.
Xét về mặt địa chính trị, bất kỳ tình huống nào xảy ra ở Bắc Băng Dương sẽ tương tự như những tình huống mà chúng ta đang chứng kiến ở Vịnh Persian hay tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Cũng cần phải lưu ý rằng, hầu hết những quốc gia tham gia “cuộc chơi” tại Bắc cực đều là các cường quốc hạt nhân có tiềm lực quân sự lớn hoặc là thành viên của một liên minh quân sự quyền lực. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ cơ chế răn đe sẽ được áp dụng nếu có bất cứ điều gì xảy ra. Nhưng ít có khả năng các cường quốc hạt nhân sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân để giải quyết vấn đề, thay vào đó họ sử dụng một số cơ chế khác. Các cơ chế đó sẽ khiến tình hình nằm trong tầm kiểm soát và không leo thang thành một cuộc chiến toàn diện bởi cuộc chiến này có thể chuyển thành chiến tranh hạt nhân ở giai đoạn hai.
Sẽ không có một cuộc chiến quy mô lớn và cũng không có một cuộc chiến tranh truyền thống với tuyên bố chính thức hay ban bố tình trạng thiết quân luật. Nhưng số vụ tranh chấp chủ quyền chắc chắn sẽ gia tăng. Và cũng không có lý do để tin rằng, tình hình sẽ khác biệt so với những gì diễn ra tại Biển Đông, Vịnh Persian hay tại Địa Trung Hải – những nơi căng thẳng thường xuyên leo thang.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 16/07/2019 là 1 AUD = 0.704 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 16/07/2019 là 1 AUD = 16,358 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 37 độ.
Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 15 độ. 
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 23 độ. 
Tại Sydney, trời nắng, sáng sớm có sương mù ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8 đến 19 độ. 
Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 14 độ. 
Cẩm Nhung – Hồng Đào

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.