Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin ngày 8-7-2019

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019 20:05 // ,

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM có bài phân tích tình hình Biển Đông: Nhìn lịch sử đánh giá tư duy quân sự của Trung Quốc. Bài báo dẫn lời chuyên gia quân sự Brad Lendon, so sánh kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông, với chiến lược của Mỹ trong Chiến tranh Thái Bình Dương: “Khi xem xét những căng thẳng hiện tại ở biển Đông, nơi mà Trung Quốc cũng đang tiến hành xây dựng các đường băng (trái phép), cuộc chiến trên đảo Saipan đã để lại nhiều bài học không thể bỏ qua”.

Cụ thể, Bắc Kinh “trong nhiều năm đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và đường băng trên các bãi cạn và đảo chiếm đóng trái phép. Những công trình này sẽ cho Không quân Trung Quốc khả năng mở rộng phạm vi triển khai hoạt động”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Tổng thống Duterte thách Mỹ đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 6/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định lại quan điểm, nước này không thể giành chiến thắng nếu có chiến tranh với Trung Quốc, nên ông Duterte nhấn mạnh, Mỹ phải tự “nổ phát súng đầu tiên”: “Bây giờ tôi nói hãy triển khai máy bay và tàu của quý vị đến Trung Quốc. Hãy nổ súng trước và chúng tôi đứng sau quý vị”.

Biển Đông của Philippines tranh chấp với Trung Quốc hay của Mỹ? Mỹ đâu có đòi chủ quyền ở Biển Đông mà phải nổ súng trước vào TQ? Ngoài ra, qua phát ngôn này, có thể thấy ông Duterte đang thể hiện lập trường đứng về phía Trung Quốc, vì nếu Mỹ khai hỏa trước, họ tự biến mình thành thế lực gây chiến ở Biển Đông, tạo cơ hội cho Bắc Kinh liên minh với các nước trong khu vưc, đuổi Mỹ ra khỏi Biển Đông.


“Thái tử đảng” chạy làng?

Báo Pháp Luật VN đưa tin: Ông Nguyễn Bá Cảnh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Đà Nẵng. Ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xác nhận, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai cựu Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh, đã có đơn xin thôi làm đại biểu HĐND TP khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Trung nói: “Ông Nguyễn Bá Cảnh đã có đơn xin thôi làm đại biểu HĐND TP Đà Nẵng từ lâu, tuy nhiên vì chưa đến kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng để trình HĐND thành phố.  Thẩm quyền quyết định là của HĐND thành phố, dự kiến trong kỳ họp thứ 11 từ ngày 9/11 tới, HĐND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo”.

Không chỉ Nguyễn Bá Cảnh, mà con trai nguyên Chủ tịch Đà Nẵng xin thôi chức Trưởng phòng Sở KHĐT, theo báo Dân Việt. Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và giám sát đầu tư thuộc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, con trai cựu Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh đã xin nghỉ việc vì “vì lý do gia đình” và đề nghị “tổ chức tôn trọng nguyện vọng cá nhân” của ông Mẫn. Ông Mẫn từng bị cáo buộc đi du học thạc sĩ ở Úc bằng tiền ngân sách, nhờ có cha làm quan.

Trước đó, ngày 17/4/2018, ông Trần Văn Minh bị khởi tố và bị bắt tạm giam để điều tra về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”, liên quan đến vụ Vũ “nhôm” thu tóm nhà đất ở Đà Nẵng. Rất nhiều khu đất và nhà công sản đã được bán cho Vũ “nhôm” không qua đấu giá, dưới thời ông Minh làm chủ tịch.


Các vụ “ăn” đất

Công an vừa bắt thêm 1 ‘cò đất’ liên quan đến sai phạm của hàng loạt cán bộ Trà Vinh, báo Thanh Niên đưa tin. Vụ cán bộ tỉnh Trà Vinh sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát khoảng 120 tỉ đồng ngân sách nhà nước. Công an tỉnh này đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thanh Vũ để điều tra.

Tháng trước, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam năm nhân vật là cựu lãnh đạo, chuyên viên Phòng TN-MT TP Trà Vinh, gồm: Nguyễn Văn Chiến (56 tuổi), Lê Hữu Lễ (48 tuổi), Lý Kiến Trung (48 tuổi), Nguyễn Trọng Nghĩa (40 tuổi) và Trần Thanh Sơn (45 tuổi).

Trang Cafe Land đặt câu hỏi: Hàng chục lô đất ven biển Thừa Thiên Huế được cấp không đúng quy định? Ngày 7/7/2019, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ ra, chuyện Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc giao đất cho cá nhân trồng rừng phòng hộ từ những năm 1990 “là hết sức cần thiết, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện đã để xảy ra những vi phạm”.

Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc đã ban hành các quyết định về việc thu hồi đất của HTX Bình Dương không đúng thẩm quyền. Lãnh đạo huyện Phú Lộc còn cấp 62 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng chục lô đất khu vực ven biển Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh từ không đúng mục đích sử dụng đất.

Mời đọc thêm: Thêm 1 ‘cò đất’ liên quan đến sai phạm của hàng loạt cán bộ Trà Vinh bị bắt giữ (ANTT). – Bắt thêm “cò đất” liên quan đến vụ thất thoát 119 tỷ đồng ở Trà Vinh (PT). – Câu kết chuyển mục đích sử dụng đất cho người có công để trục lợi tiền thuế (Tin Tức). – Tỉnh Kon Tum nói gì về việc dân lấn chiếm đất trái phép? (NLĐ). – Họp báo ‘nóng’ vụ chiếm 209,8 ha đất trồng cao su (TP). – Đất không được cấp sổ đỏ, nhiều hộ dân ở Cần Thơ thiệt thòi khi bị giải tỏa (CATP). – Vụ cán bộ được cấp đất rừng: Quy trách nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt (DV). – UBND tỉnh thu hồi hơn 28 ha đất của Lâm trường Cô Ba giao cho huyện Quỳ Châu (NA).

Tin nhân quyền

RFA đưa tin: Đại diện nông dân Đồng Tâm giữ đất phản đối cáo buộc “nhận tiền bồi dưỡng”. Vụ gia đình ông Lê Đình Kình, người được dân xã Đồng Tâm bầu chọn làm đại diện đấu tranh giữ đất, bị cáo buộc nhận tiền bồi dưỡng cả trăm triệu đồng. Ông Kình cho rằng, “những thông tin cáo buộc đó là những thông tin bịa đặt, vu khống 100%. Cụ Lê Đình Kình khẳng định ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có nhận khoản tiền bồi dưỡng như vậy”.

Ông Kình nói thêm, “tổ Đồng Thuận luôn từ chối nhận tiền của những người hảo tâm muốn ủng hộ cho bà con nông dân giữ đất ở xã Đồng Tâm trong thời gian qua”. Ngày 25/4/2019, TTCP đã công bố kết luận thanh tra đất Đồng Tâm, nhưng người dân xã này phản đối và tuyên bố cương quyết đấu tranh giữ đất đến cùng.

Trang An Ninh Tiền Tệ có bài: Sự thật về số tiền 6,7 tỷ đồng bồi thường cho tử tù oan sai Trần Văn Thêm. Bài báo bàn về vụ ông Thêm bị kết án oan, tội giết người em họ của mình vào năm 1970, đến năm 1973, cơ quan tố tụng kết tội ông Thêm mức án tử hình. Ông kêu oan nhưng không thành. Đến năm 1975, hung thủ Phan Thanh Nhàn khai nhận tội trạng, ông Thêm mới được tạm tha, nhưng vẫn phải kêu oan.

40 năm sau, năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do gia đình ông Thêm cung cấp, các cơ quan tố tụng Trung ương mới chính thức tuyên bố ông không phạm tội giết người. Con út ông Thêm kể: “Bố tôi sau khi được giải oan được cơ quan chức năng đền bù số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ thấy cụ Thêm mang về có hơn 2 tỷ đồng”, chia cho 2 người con trai và 4 người con gái.


Vụ Asanzo bán hàng TQ, dán nhãn VN

Biz Live đặt câu hỏi: Tòa án tuyên chấm dứt sử dụng nhãn hiệu Asanzo, CEO Asanzo nói gì? Bài báo nhắc lại vụ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN kết luận hành vi của Asanzo VN là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ vào ngày 6/5/2016. Tòa phúc thẩm xử vụ này đã tuyên buộc Công ty Asanzo VN chấm dứt hành vi xâm phạm, đồng thời buộc Asanzo VN phải xin lỗi công khai.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo VN phản bác: ‘‘Tòa không thể có chuyên môn bằng bên Cục Sở hữu trí tuệ, cục sẽ phải làm đơn cùng với bên tôi có thể gửi lên Tòa án Tối cao để ra phán quyết cuối cùng. Bên tôi đầu tư biết bao tiền của cho thương hiệu đó làm sao nói bỏ là bỏ được. Tòa đã phán quyết thì giờ công ty phải lôi cục Sở hữu trí tuệ vô”.

Asanzo phản đối việc Điện máy Xanh, Nguyễn Kim thu hồi sản phẩm, Zing đưa tin. Trước diễn biến nhiều nhà bán lẻ trong nước thu hồi và đổi trả các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo, ông Phạm Văn Tam đã có thông báo gửi các nhà phân phối và khách hàng: “Chúng tôi không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo, và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách này của khách hàng và đối tác, vì tất cả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo đã và đang được đưa ra thị trường bởi chúng tôi”.

Asanzo cũng khẳng định sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào “liên quan đến thiệt hại trong quá trình các đối tác tự ý thực hiện chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm mang thương hiệu của công ty này”, đồng thời nhấn mạnh tính “hợp pháp” của hàng điện tử Asanzo.

VOV có bài: Không để Asanzo làm mất lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bài viết bàn về đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt từ ngày 4/7/2019.

Theo đề án này, các cơ quan chức năng “sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu; tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc”. Đúng là “mất bò mới lo làm chuồng”.


Gian lận thi cử

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Cuối tháng 4/2018 đã nhờ vả, việc nâng điểm có thể đã diễn ra từ năm trước? Bài báo lưu ý tình tiết: “Vào khoảng cuối tháng 4/2018, bị can Lê Thị Dung có đến nhà Nguyễn Thanh Hoài do có mối quen biết thân thiết”, và đã nhờ Hoài: “Trong kỳ thi lần này em có một số cháu nhờ anh giúp đỡ, để các cháu được đi học”.

Chi tiết này củng cố nghi ngờ của một số người, rằng sai phạm gian lận điểm thi đã có từ các năm trước chứ không phải chỉ năm 2018.  Ngày 17/7/2018, đại diện Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã thừa nhận: “Qua kiểm tra trực tiếp, chúng tôi phát hiện trên máy tính dùng để quét trắc nghiệm do ông Vũ Trọng Lương là người quản lí vẫn còn dữ liệu thi Trung học phổ thông quốc gia 2017”.


Tin môi trường

Dân Đà Nẵng xuống đường chặn xe rác, ngàn tấn rác ùn ứ, theo VietNamNet. Bài báo cho biết, từ chiều 6/7 đến tối 7/7/2019, hơn 100 người tập trung tại ngã tư đường Hoàng Văn Thái – Huỳnh Thị Bảo Hòa, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng chặn xe vào bãi rác Khánh Sơn, sau khi buổi đối thoại giữa người dân Khánh Sơn và lãnh đạo TP Đà Nẵng kết thúc.

Một người dân nói: “Chúng tôi quá khổ vì chịu ô nhiễm lâu nay, chỉ mong bãi rác sớm di dời. Thành phố nói xây nhà máy xử lý rác sẽ hết ô nhiễm vậy thì đưa đến các khu vực khác để xây đi”.



Người dân tập trung tại ngã tư đường Hoàng Văn Thái – Huỳnh Thị Bảo Hòa chặn xe vào bãi rác Khánh Sơn. Nguồn: VNN

Vụ vịnh Bái Tử Long bị ô nhiễm: Chất thải độc hại xả thẳng ra vịnh, báo Lao Động đưa tin. Theo đó, “suốt từ khu vực Km6, phường Quang Hanh cho tới Cửa Ông, TP. Cẩm Phả, có đủ các nguồn ô nhiễm khổng lồ tấn công vịnh Bái Tử Long từ nhiều năm qua”, như Nhà máy xi măng Cẩm Phả, Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả và những “bãi chứa than, sít rộng mênh mông không được che chắn nằm chình ình ngay bên bờ vịnh”.

Từ các bãi than nói trên, “nước đen sóng sánh vẫn tiếp tục đổ thẳng ra vịnh Bái Tử Long; chưa kể, bụi xỉ của các nhà máy nhiệt điện, xi măng và đặc biệt là lũ bùn than từ các mỏ than ở trên cao xối thẳng xuống khi có mưa lớn”.


***


https://baotiengdan.com/2019/07/08/ban-tin-ngay-8-7-2019/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.