Tưởng Niệm Cố Thi Sĩ Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy
Tưởng Niệm Cố Thi Sĩ Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy
THI SĨ ÐẰNG PHƯƠNG VÀ TINH THẦN “HỒN VIỆT”
Năm 1979 và 1980 là thời gian tôi được gần gũi Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tức thi sĩ Ðằng Phương. Trong khoảng thời gian nầy, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thường hay xuống Hoa Thịnh Ðốn để hội họp hoặc gặp gỡ thân hữu và đồng chí của ông. Nơi tôi ở là một “quán trọ của những tâm hồn yêu nước” – cả già lẫn trẻ – cửa lúc nào cũng rộng mở đón tiếp những người từ phương xa tới hoặc các anh chị em thanh niên và sinh viên tranh đấu ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Lúc đó, các anh chị em thanh niên và sinh viên rất hâm mộ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Mỗi lần Giáo sư Huy từ Boston xuống là anh chị em rủ nhau đến thăm ông, trước hết là để vấn an sức khỏe, sau là để nghe Giáo sư Huy tổng kết tình hình chính trị thế giới, hoặc để học hỏi các kinh nghiệm đấu tranh của bậc đàn anh. Những lúc vui miệng, Giáo sư Huy kể chuyện Tam Quốc Chí, Ðông Châu Liệt Quốc, v.v… nhưng tuyệt nhiên ông không hề đả động gì tới tập thơ Hồn Việt của ông.
Một hôm, tôi tò mò hỏi Giáo sư Huy: “Lâu quá không thấy Anh Ba làm thơ nữa! Bộ anh đã chán thơ phú rồi hay sao?” (Tôi gọi GS Huy bằng “Anh Ba” khi chỉ có ông và tôi). Giáo sư Huy cười, nói: “Làm chánh trị riết rồi cạn hết nguồn thơ, không còn cảm hứng như thời còn trẻ nữa! Vĩnh Liêm mà theo đuổi chánh trị thì cũng có ngày hồn thơ bị khô khan cho mà coi”. Ðiều nầy đã được thi sĩ Ðằng Phương thổ lộ trong bài Xuân Cảm như sau:
Tâm hồn cằn cỗi trong cô độc
Ðã hết lâu rồi mộng với thơ.
(Xuân Cảm, Hồn Việt, trang 111)
Năm 1979, tập thơ Tị Nạn Trường Ca I của tôi còn là bản thảo, tôi có đưa cho GS Huy đọc qua để cho biết ý kiến. Giáo sư Huy đọc xong rồi trả lại cho tôi, ông nói: “Làm thơ đấu tranh khó thành công lắm! Nếu Vĩnh Liêm thích thì cứ tiếp tục làm. Loại thơ đấu tranh rất hiếm hoi, mình cũng cần loại thơ nầy để hâm nóng bầu nhiệt huyết của anh em”.
Tôi kính mến GS Huy, không những vì kiến thức uyên bác của ông, mà còn vì lòng hâm mộ những vần thơ hùng tráng của ông qua bút hiệu Ðằng Phương. Thi sĩ Ðằng Phương vẫn sống mãi trong tôi qua những bài thơ để đời của ông, như: Ngày Tang Yên Báy và Anh Hùng Vô Danh… Rất tiếc những bài thơ hùng tráng và sáng ngời lòng ái quốc đó đã không được phổ biến rộng rãi cho nên bút hiệu Ðằng Phương đã bị phai nhạt dần và dường như giới trẻ sau này (từ thập niên 70 trở đi) không biết Ðằng Phương là ai, mà chỉ biết tính danh Nguyễn Ngọc Huy mà thôi!
Mặc dù thi sĩ Ðằng Phương rất khiêm nhường khi xuất bản tập thơ Hồn Việt (Ông không dám tự nhận mình là “thi sĩ” và tập thơ Hồn Việt cũng “chẳng phải là một tác phẩm văn chương” trong bài thơ Thay Lời Tựa) nhưng tập thơ Hồn Việt tự nó đã là một tác phẩm văn chương rồi và không ai có thể phủ nhận rằng Ðằng Phương không phải là một thi sĩ. Theo tôi, một tác phẩm văn chương không chỉ thuần túy trong lãnh vực tình cảm (nghĩa hẹp) với những lời thơ văn ướt át, ủy mỵ, sầu mộng, rên rỉ, ai oán… mà còn được thể hiện ở nhiều lãnh vực khác hoặc dưới những hình thức khác và thể tài khác.
Trong lời nói đầu của cuốn Hồn Thơ Nước Việt Thế Kỷ XX, xuất bản tại Saigon năm 1967, hai tác giả Lam Giang và Vũ Tiến Phúc đã khẳng định: “Một cái nhìn toàn diện về Thi Ca Việt Nam từ khi phong trào thơ mới xuất hiện đến giờ phải bao quát cho đủ mọi sắc thái, không vì một lẽ gì mà bỏ quên những thơ văn không ca tụng nữ sắc và tình yêu… Thơ văn lãng mạn chiếm được ưu thế và vinh dự gần như tuyệt đối lấn át mạnh mà không dập tắt được ngọn lửa thiêng Hùng Việt đã nung nấu tâm can người yêu nước, tạo nên những vần thơ khẳng khái bi ca”. Hai tác giả còn nhấn mạnh thêm: Cái “sắc thái” đó “vẫn cần phải để chỗ trong lãnh vực văn học” và “Không có lý gì những vần thơ huyết lệ tráng liệt dính liền với chính nghĩa dân tộc lại bị người đời bạc đãi, bỏ rơi trong vực tối thời gian”. Và “Còn gì buồn hơn những người kế tục cái truyền thống Hùng Việt bằng thơ văn lại không có chỗ ngồi xứng đáng trên đàn Thơ đất nước!” Tuy nhiên, trong cuốn Hồn Thơ Nước Việt Thế Kỷ XX cũng đã vô tình không nhắc tới tên Ðằng Phương, mặc dù thi tập Hồn Việt đã ra đời trước đó gần hai thập niên! Tôi nghĩ rằng thi sĩ Lam Giang và GS Vũ Tiến Phúc không thể nào không biết tới hai bài thơ hùng tráng của Ðằng Phương – Anh Hùng Vô Danh và Ngày Tang Yên Báy – đã xuất hiện lừng lững vào giữa thập niên 40! Ðó là một sự thiếu sót rất đáng tiếc!
***
Trong một buổi họp mặt thân hữu tại tư gia của anh Ðào Ngọc Thiệu, có sự hiện diện của cựu Ðại Tá Dương Hiếu Nghĩa, anh Nguyễn Văn Phán có cho biết anh em sẽ tổ chức một buổi văn nghệ gây quỹ cho “Nguyễn Ngọc Huy Foundation” và nhã ý mời tôi trình bày về thơ Ðằng Phương. Tôi nhận lời vì lòng cảm kích đối với cố thi sĩ Ðằng Phương. Nhưng không may cho tôi vì sau khi nhận lời thì tôi có việc phải đi xa trong khoảng thời gian đó! Nhân đây, tôi xin cám ơn nhà thơ Thái Thụy Vy đã bỏ công sao lại tập thơ Hồn Việt để tôi làm tài liệu tham khảo.
Trong lúc đọc lại tập thơ Hồn Việt, tôi lại nảy ra ý nghĩ khác, bỏ ý định nói về thi sĩ Ðằng Phương, mà chỉ tập trung vào “tinh thần” của tập thơ Hồn Việt, để từ đó nhìn sâu vào tấm lòng ái quốc sâu thẳm của thi sĩ Ðằng Phương: một nhà thơ ái quốc, một nhà cách mạng chân chính.
Thành thật mà nói, thi tập Hồn Việt của thi sĩ Ðằng Phương đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc đời tình cảm của tôi. Những vần thơ hùng tráng của ông đã làm rung động con tim tôi từ nhiều thập niên qua và cho tới giờ phút nầy nó vẫn còn làm tôi say mê!
Lòng ái quốc của thi sĩ Ðằng Phương được thể hiện rõ nét ngay trong bài thơ Thay Lời Tựa của thi tập Hồn Việt. Ông xác định vị trí người dân của chính mình trong một nuớc nô lệ ngoại bang:
Tôi chỉ là một người dân đất Việt
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc.
Lúc đường sống mịt mù chưa thấy được
Tôi mượn thơ để tỏ nỗi căm hờn
Nỗi u buồn chán nản kẻ cô đơn
Khôn phụng sự giang sơn như ý nguyện.
(Hồn Việt, tr. 3)
Cũng trong bài thơ Thay Lời Tựa, chúng ta nhận thấy thi sĩ Ðằng Phương làm thơ nhằm 6 mục đích chính như sau:
1. Diễn trình quan điểm đấu tranh chung.
2. Phô bày những nguyện ước chờ mong của mọi người và những triển vọng về tương lai nước Việt.
3. Ca ngợi những anh hùng hào kiệt.
4. Lau lại tấm gương anh dũng của tiền nhân để làm ánh sáng soi đường cho công cuộc đấu tranh quyết liệt sắp tới.
5. Gây lòng phấn khởi cho chính tác giả trong những lúc gian lao.
6. An ủi những người bạn tâm giao của ông bị thất bại trên đường tranh đấu.
Khi đọc tập thơ Hồn Việt, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở 6 mục đích chính nêu trên thì chúng ta chỉ hiểu được thi sĩ Ðằng Phương có một phần mà thôi. Ðiều quan trọng hơn hết là chúng ta nên tìm hiểu “Tư Tưởng” và “Quan Niệm” của thi sĩ Ðằng Phương đã gửi gấm những gì ở trong thi tập nầy. Người viết đã tìm thấy có ít nhất 7 Quan Niệm Căn Bản trong thi tập dày 116 trang (do Thanh Phương Thư Quán tái bản). Các Quan Niệm của thi sĩ Ðằng Phương về: Lý tưởng của thanh niên, tinh thần đoàn kết, kiến thiết quê hương, hòa hợp hòa giải, xã hội, lý tưởng và đạo đức, và canh tân đất nước. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, người viết chỉ dẫn-chứng sơ lược và tiêu biểu mà thôi.
1. Quan niệm về lý tưởng của thanh niên: Về lý tưởng của thanh niên, có hai phần quan yếu là Sống và Lẽ Sống. Về Sống, thi sĩ Ðằng Phương còn đi xa hơn, định nghĩa thế nào là Biết Sống, Dám Sống và Quyết Sống. Chúng ta thử tìm hiểu quan niệm của thi sĩ Ðằng Phương về Biết Sống, Dám Sống và Quyết Sống xem sao.
Biết Sống là không chịu đứng khoanh tay, không chịu để ngày của mình trống rỗng, không để thân mình trôi giạt theo làn sóng như những bóng trong đêm, không cam tâm nhắm mắt đóng vai tuồng thụ động, luôn trông xét nghĩ suy, tự mình vạch lối đi cho mình, biết phụng thờ lý tưởng, biết say mê cuộc đời lý tưởng, hiểu nghĩa vụ làm người, cố gắng mãi để tiến đến những cảnh trời cao rộng…
Dám Sống là không biết sợ gian nguy, không cúi đầu khuất phục trước quyền uy, không vì khó khăn mà trở bước, không chịu sống ươn hèn, luôn dũng cảm hiên ngang, đương đầu những trở lực, không hề màng vất vả, nhắm mục đích thiêng liêng và cao cả, tiến theo đường đã định cho đến lúc nhắm mắt…
Quyết Sống là nhất định ở tiền khu, lãnh vai tuồng vét mây mù, phá lối mở đường cho cả nước, khinh thường khổ cực, dám liều mạng hy sinh cho nòi giống…Kết luận cụ thể của thi sĩ Ðằng Phương về Sống là:
Những người Biết Sống, Dám Sống và Quyết Sống là những người Tranh Ðấu.
Về Lẽ Sống, thi sĩ Ðằng Phương quan niệm như sau:
Ði tìm những cảnh trời cao rộngHợp chí tung hoành của tuổi trai!. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Tranh đấu cho dân tộc sống cònLiều mình để phụng sự giang sơn.(Lẽ Sống, Hồn Việt, tr. 50)
2. Quan niệm về tinh thần đoàn kết: Theo thi sĩ Ðằng Phương, tinh thần đoàn kết là mọi người phải hiệp sức, chung lòng, không nên chia rẽ Bắc-Nam-Trung, chớ nên phân chia lực lượng, phải đồng tâm, nhận hướng để đấu tranh cho sự sống còn. Ông đã mạnh dạn kêu gọi:
Phải cùng nhau hiệp sức, phải chung lòng
Xây đắp lại non sông đà bại hoại
Phải dứt nạn tương tàn vì đảng phái
Tận diệt mầm chia rẽ Bắc, Nam, Trung
Và hòa chung dòng máu VIỆT hào hùng
Ðể nền mống quốc gia thêm vững chắc.
(Nước Việt Trường Tồn)
Xây đắp lại non sông đà bại hoại
Phải dứt nạn tương tàn vì đảng phái
Tận diệt mầm chia rẽ Bắc, Nam, Trung
Và hòa chung dòng máu VIỆT hào hùng
Ðể nền mống quốc gia thêm vững chắc.
(Nước Việt Trường Tồn)
Và thi sĩ than thở:
Cùng một non sông, một giống dòng
Sao đành chia rẽ Bắc, Nam, Trung?
Muốn dân tộc Việt sinh tồn được
Phải để hòa chung máu Lạc Hồng.
(Việt Nam Thống Nhất)
Sao đành chia rẽ Bắc, Nam, Trung?
Muốn dân tộc Việt sinh tồn được
Phải để hòa chung máu Lạc Hồng.
(Việt Nam Thống Nhất)
Ông tha thiết kêu gọi chấm dứt tương tàn để đồng tâm hiệp lực:
Hỡi muôn dân! Mau dứt cuộc tương tàn
Thuyền Tự Do chưa thoát bến gian nan
Ðường tranh đấu chớ phân chia lực lượng.
Ðoàn kết lại, bình tâm lo nhận hướng
Rồi chung nhau quyết định những phương châm
Và tiến lên, trong nhịp hát đồng tâm
Theo nẽo sống mở cho nòi giống Việt.
(Lời Sông Núi)
3. Qua:n niệm về kiến thiết quê hương :Theo thi sĩ, việc kiến thiết quê hương phải cần đến những nhân tài lỗi lạc phải cố gắng kiến thiết không ngừng.
Phải qui tập những nhân tài lỗi lạc
Ðể cùng nhau tô điểm lấy sơn hà
Cả tương lai đất nước ở nơi ta
Phải cố gắng, chớ dừng tay kiến thiết.
(Nước Việt Trường Tồn)
4. Quan niệm về hòa hợp hòa giải: Nên mở rộng lượng khoan hồng đối với những người lỡ lầm phạm lỗi với non sông, và nhiêu dung với kẻ thù bạo ngược.
Ðối với kẻ cùng chung dòng máu Việt
Ðã lỡ lầm phạm lỗi với non sông
Ta phải nên mở rộng lượng khoan hồng
Và đối với những kẻ thù bạo ngược
Ðã tàn hại quốc dân ta thuở trước
Ta cũng cần phải có sự nhiêu dung:
Ở quê hương Lê Thái Tổ, Quang Trung
Vô nhân đạo là điều không thể có.
(Nước Việt Trường Tồn)
5. Quan niệm về xã hội: Thi sĩ kêu gọi gột bỏ tính ươn hèn ỷ lại, tẩy trừ thói dâm dật xa hoa cùng những thói hư tật xấu do văn minh vật chất Tây phương mang đến để làm trụy lạc giống nòi.
Chúng ta phải cùng nhau lo gột bỏ
Tính ươn hèn ỷ lại của dân ta
Và tẩy trừ thói dâm dật xa hoa
Những thói xấu nền văn minh vật chấ
Tuy hào nhoáng nhưng kém bề sâu sắc
Cùng với tinh thần phóng túng kiêu căng
Mà bọn người thờ vị kỷ đem sang
Ðể làm trụy lạc người dân đất VIỆT.
(Nước Việt Trường Tồn)
6. Quan niệm về lý tưởng và đạo đức: Lý tưởng gắn liền với đạo đức. Con người thiếu lý tưởng thì không thể trông cậy ở đạo đức của họ. Về Lý Tưởng, theo thi sĩ Ðằng Phương, không nên vụ lợi và tham danh, không khiếp nhược hay ươn hèn, không phục tòng lẽ trái. Về Ðạo Ðức, không lỗ mãng, hung hăng, độc ác… và phải sống cuộc đời trong sạch. Những vần thơ mạnh mẽ và trong sáng của thi sĩ Ðằng Phương đến nay vẫn được coi là “kim chỉ nam” cho thế hệ trẻ.
Không bao giờ vụ lợi hay tham danh
Không miệt mài theo đuổi bóng hư vinh
Chỉ thích sống một cuộc đời lý tưởng
Dáng nho nhã, hiền lành, đầy độ lượng
Nhưng vẫn không khiếp nhược hay ươn hèn
Không cúi đầu sợ hãi trước uy quyền
Không khép nép phục tòng người trái lẽ
Hãy cương quyết, uy nghiêm và mạnh mẽ
Nhưng vẫn không lỗ mãng hay hung hăng
Không để lòng độc ác, tính kiêu căng
Ðưa hành động đi sái đường chính trực
Ðó là hình dung cuộc đời đạo đức
Của người dân đất VIỆT tự muôn năm
Sống luôn luôn bình tĩnh và âm thầm
Họ chỉ biết phụng thờ non nước VIỆT
Làm phận sự đến thế cùng, lực kiệt
Rồi ung dung xem chết thoảng như về
Suốt một đời trong sạch, chỉ say mê
Vẻ đẹp của nho phong đầy ánh sáng.
(Nước Việt Trường Tồn)
Ðọc bốn câu thơ của đoạn cuối trên đây, chúng ta mường tượng hình ảnh nho phong của thi sĩ Ðằng Phương đã thể hiện đúng tinh thần của bài thơ. Thi sĩ Ðằng Phương đã sống một cuộc đời trong sạch cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Thơ và Người là một. Cái vẻ đẹp nho phong của thi sĩ Ðằng Phương là một tấm gương sáng ngời, đã làm cảm kích nhiều người.
7. Quan niệm về canh tân đất nước: Muốn canh tân đất nước, theo thi sĩ Ðằng Phương, phải cải cách duy tân để nâng cao đời sống của nhân dân, để đuổi kịp các nước trên con đường kỹ thuật và làm rạng rỡ những tinh hoa của giống nòi. Nhưng trước hết, phải khôi phục cho bằng được tinh thần văn hóa cũ của dân tộc. Mỗi dòng thơ là một liều thuốc kích thích lòng yêu nước của người đọc.
Khôi phục được tinh thần văn hóa cũ
Chúng ta cần phải cải cách duy tân
Ðể nâng cao đời sống của nhân dân
Ðuổi vạn quốc trên con đường kỹ thuật
Phát triển đến tuyệt vời nguồn sinh lực
Dồi dào và mạnh mẽ của dân ta
Và làm cho rạng rỡ những tinh hoa
Những đức tính của giống nòi ÐẠI VIỆT
Hỡi các bạn! Những công trình kiến thiết
Của chúng ta sẽ nặng nhọc lâu dài
Và con đường đưa đến cảnh tương lai
Cảnh xán lạn mà chúng ta mong ước.
(Nước Việt Trường Tồn)
Cảnh tương lai xán lạn huy hoàng của đất nước mà thi sĩ Ðằng Phương mơ ước từ thập niên 40 đến nay vẫn chưa thành tựu. Suốt nửa thế kỷ dấn thân tranh đấu cho tương lai nước Việt, đến ngày nhắm mắt lìa trần thi sĩ vẫn chưa nhìn thấy được một tí tương lai nào của đất nước! Nhưng ước vọng của ông vẫn còn ở mãi với chúng ta, ở những thế hệ kế tiếp, ở những tinh hoa và nguồn sinh lực dồi dào được đào tạo trong những viện đại học nổi tiếng nhất thế giới.
Người viết còn tìm thấy nhiều điều thích thú khác ở thi tập Hồn Việt và tư tưởng cao đẹp của thi sĩ Ðằng Phương đã gửi gấm trong thi tập, nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn nên đành phải dành cho một dịp khác. Trên đây chỉ là những gợi ý, phớt qua, chưa đi sâu vào từng vấn đề một. Người viết ước mong “Tinh Thần Hồn Việt” sẽ đến với tất cả mọi người Việt ở hải ngoại. Tuy những lời thơ “thô kệch, kém văn hoa” (lời tác giả) nhưng rất bổ ích đối với người Việt không quên cội nguồn./.
(Ðức Phố, 15-07-1992)
Vĩnh Liêm
0 nhận xét