Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông -12/06/2019

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019 19:18 // ,

Tin Biển Đông -12/06/2019

Biển Đông : Manila lên án

Trung Quốc hèn nhát khi đâm tàu Philippines

Philippines hôm nay 12/06/2018 lên án « hành động hèn nhát » của một tàu cá bị nghi là của Trung Quốc, đã đâm vào một tàu đánh cá Philippines rồi bỏ mặc tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Chiếc tàu này đã tông vào một tàu Philippines đang neo đậu gần Reed Bank, ngọn núi ngầm dưới biển mà Trung Quốc gọi là Lễ Nhạc ở Trường Sa, khiến tàu này bị chìm cùng với 22 thủy thủ, rồi bỏ đi.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố : « Chúng tôi cực lực lên án hành động hèn nhát của chiếc tàu bị nghi ngờ là của Trung Quốc vì đã bỏ mặc thủy thủ đoàn Philippines. Đó không phải là hành vi của một dân tộc có trách nhiệm và hữu nghị ». Ông Lorenzana kêu gọi mở điều tra vụ đánh đắm tàu này, và có những hành động ngoại giao để tránh những sự cố tương tự tái diễn.
Bộ trưởng Lorenzana cũng cảm ơn các thủy thủ một tàu cá Việt Nam ở gần đó đã cứu giúp các ngư dân Philippines.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines chưa thể xác nhận chiếc tàu thủ phạm có phải là của Trung Quốc hay không, dù các ngư dân Philippines đã khẳng định.
Reed Bank ở cách đảo Palawan 93 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và rất xa so với đất liền gần nhất của Trung Quốc. Năm 2011, Manila từng tố cáo các tàu Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò ở ngoài khơi Reed Bank.
Năm 2016, Philippines đã thắng kiện với việc Tòa án Trọng tài Thường trực tuyên bố yêu sách chủ quyền dựa trên đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ nên là bất hợp pháp, nhưng tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương gác tranh chấp biển đảo qua một bên, với hy vọng nhận được nhiều đầu tư và thương mại từ Bắc Kinh. Tuy nhiên; đến tháng Năm vừa rồi, ông Duterte đã phải phát biểu : « Liệu có đúng khi một nước yêu sách chủ quyền trên toàn bộ đại dương ? »

Tại Đối thoại Shangri-La 18, TQ ngang nhiên

thừa nhận quân sự hóa Biển Đông

Theo tờ Philstar cho biết, tại Đối thoại Shangri-La 18, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa ngang nhiên cho rằng Bắc Kinh có “mọi quyền triển khai quân đội và chế tạo vũ khí” trên các đảo và rạn san hô mà họ đang chiếm đóng, cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Tướng Ngụy Phương Hòa đã ngang nhiên cho rằng Trung Quốc “có quyền” xây dựng các cơ sở quốc phòng trên các đảo tự nhiên và nhân tạo ở Biển Đông và rằng “đây là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền để thực hiện xây dựng trên lãnh thổ của mình”.
Trước ông Ngụy Phương Hòa, tại Đối thoại Shangri-La 17, ông Hà Lôi cũng là Phó Chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc cũng từng phản bác lại các cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc đang cưỡng ép và đe dọa các nước láng giềng bằng các hoạt động quân sự ở vùng biển giàu tài nguyên này. Ông này đưa ra một so sánh hết sức khập khễnh giữa việc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông và quyết định của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình gửi một đơn vị đồn trú của quân đội Trung Quốc tới Hong Kong năm 1997 để biểu thị chủ quyền của Bắc Kinh.
Ngoài ra, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) hùng hồn tuyên bố: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không
những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Đồng thời, ông Vương Nghị cũng không quên cáo buộc “các nước ngoài khu vực” cố tình gây rối tại Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa ở Biển Đông (bất chấp cam kết trước đây của Tập Cận Bình) là nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc; đồng thời tìm cách gây áp lực với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, nhằm khiến các nước này nản chí, từ bỏ hy vọng có ngày giành lại được khu vực tranh chấp. Ngoài ra, việc thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông cũng phục vụ mục đích “răn đe” và đe dọa của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh chấp về quyền đánh cá và khai thác tài nguyên có thể nóng lên trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đánh thuế nặng đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu cũng như giá trị đồng tiền của nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông là nhằm hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác.
Trước các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực, Mỹ và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Trong cuộc đàm phán cấp cao tại Washington với sự có mặt của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ủy viên bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (9/11/2018), các quan chức hàng đầu của Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeochỉ trích Trung Quốc xây dựng các căn cự quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về các hoạt động và hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện các cam kết trong quá khứ của họ – về việc không quân sự hóa ở Biển Đông. Đáng chú ý, Thông cáo chung sau cuộc họp nhấn mạnh Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và tái khẳng định rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết các tranh chấp thông qua cưỡng chế hoặc đe dọa.
Mỹ đã nhiều lần chỉ trích “hoạt động quân sự hóa liên tiếp của Trung Quốc tại các thực thể đang tranh chấp” ở Biển Đông. Đáng chú ý, phát biểu tại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nếu Trung Quốc chọn lựa hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước, trong khu vực năng động này. Nhưng chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông lại hoàn toàn tương phản với sự cởi mở của chiến lược mà Mỹ muốn phát huy, đặt ra các câu hỏi về những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc. Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, kể cả triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị điện tử gây nhiễu, và mới đây nhất là việc cho máy bay ném bom hạ cánh xuống đảo Phú Lâm. Mặc dù Bắc Kinh chối cãi, sự bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp gắn với việc sử dụng trên phương diện quân sự, mà mục đích là hù dọa và bức hiếp. Việc quân sự hóa Biển Đông cũng trái ngược hẳn với những cam kết công khai của chủ tịch Tập Cận Bình, ngay tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào năm 2015. Vì những lý do đó, Mỹ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Đó là câu trả lời bước đầu của chúng tôi trước tình trạng Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim lớn tiếng bày tỏ lo ngại về “mọi hành động xác quyết nào hướng tới quân sự hóa”, đồng thời nhận định rằng Trung Quốc “đang hướng tới quân sự hóa các tranh chấp”. Mỹ cũng đã gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự khi liệt nước này vào danh sách những đối thủ của Mỹ trong chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi năm 2017.
Trên thực tế, việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại cam kết của ông Tập Cận Bình mà còn vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia. Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt – Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế
Việc quân sự hóa cao độ của Trung Quốc tại các đảo được xây dựng trái phép trên Biển Đông đã làm dấy lên phản ứng mạnh trên toàn khu vực và xa hơn thế, đồng thời đặt ra nguy cơ xảy ra xung đột dữ dội, đặt toàn bộ các nước có tranh chấp khác trong đường ngắm của Trung Quốc. Quá trình quân sự hóa tăng cường tại các tiền đồn tôn tạo trái phép” của Trung Quốc sẽ “chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây ra sự mất lòng tin giữa các nước có tranh chấp”.
Không những vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.
Khác với Trung Quốc và một số nước trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.

Đức thận trọng với đề nghị

đưa tàu hải quân đến Biển Đông

Trong những tháng gần đây, các quan chức chính phủ Đức chưa thể thống nhất quan điểm về kế hoạch điều tàu tham gia các hoạt động vì tự do hàng hải do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Biển Đông.
“Các quan chức bộ ngoại giao liên bang bị chia rẽ”, một nguồn tin ở Berlin cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng biết. Điều đó không chỉ phản ánh về nước Đức có vị thế là cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu và có vai trò dẫn đường cho EU, mà còn là một quốc gia có chính sách đối ngoại và quốc phòng chịu ảnh hưởng của hai cuộc thế chiến cũng như 45 năm đất nước và chính trị bị chia cắt kể từ năm 1945.
Mặc dù vào tuần trước, chính phủ Đức đã bác bỏ tin tức nói về kế hoạch đưa tàu Hải quân Đức qua eo biển Đài Loan, song khả năng Đức sẽ có mặt ở Biển Đông không phải là một bí mật đối với 6 nguồn tin ngoại giao và quân sự đã nói chuyện với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
“Biển Đông là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng và Đức là cường quốc thương mại”, ông Walter Ladwig, thuộc khoa nghiên cứu chiến tranh tại King’s College, London, nói. “Hoàn toàn hợp lý nếu Đức muốn thực hiện phần của mình để giúp đảm bảo là quyền tự do hàng hải được tôn trọng trong vùng biển quốc tế được cho phép theo luật quốc tế”.
Biển Đông là một giao lộ hàng hải đối với các nhà xuất khẩu Đức. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở ở Washington, hàng hóa Đức trị giá khoảng 117 tỷ đô la đã được vận chuyển qua Biển Đông vào năm 2016, khiến Đức trở thành nước có lưu lượng thương mại lớn thứ 9 đi qua khu vực này.
Đối với Đức, di sản của hai cuộc chiến tranh thế giới có thể khiến họ gặp khó khăn hơn Pháp, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Philippines khi tham gia các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
“Thủ tướng Merkel muốn Đức có quân đội mạnh để có thể gánh vác trách nhiệm quốc tế, nhưng người dân Đức chống lại điều đó”, ông Werner Kraetschell, một người bạn của gia đình bà Merkel, nói với truyền thông Đức năm 2017.
Ba phần tư cử tri Đức đã chống lại việc nước này tham gia cuộc xung đột làm Syria bị tàn phá kể từ năm 2011. Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Đức cũng đã duy trì nguyên tắc là “quân đội tuân theo quyết định của quốc hội”.
Tuy nhiên, các đồng minh hy vọng Berlin sẽ đồng ý đóng vai trò quân sự lớn hơn trong thời kỳ mới, khi mà châu Âu cũng như Hoa Kỳ cảm nhận rằng sức mạnh của Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế.
Mathieu Duchatel, giám đốc chuyên trách châu Á của Institut Montaigne, nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Paris, nói: “Từ góc nhìn của Pháp hoặc Mỹ, nếu Đức cũng báo hiệu sẽ tham gia hoạt động vị tự do hàng hải, thông điệp sẽ có nhiều trọng lượng hơn”.
(South China Morning Post, Politico)

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.