Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Nỗi khó xử của châu Âu trong thương chiến Mỹ - Trung

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019 08:41 // ,

30/5/2019

Liên minh châu Âu (EU) đang trong tình thế không biết nên ngả về bên nào khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Từ trái sang, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, hồi tháng 3/2019. Ảnh: AFP.
Từ trái sang: Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, hồi tháng 3. Ảnh: AFP.
EU, đối tác thương mại hàng đầu của cả Trung Quốc và Mỹ, đang lâm vào thế khó xử kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực thương mại lên Bắc Kinh vào đầu tháng này, bao gồm việc tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và ký sắc lệnh gần như "cấm cửa" công ty thiết bị viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei tiếp cận các chuỗi cung ứng của Mỹ.
"Châu Âu đang rơi vào tình thế cực kỳ bế tắc, trong đó các nước tìm cách tồn tại chung với cả Trung Quốc lẫn Mỹ cảm thấy buộc phải đưa ra lựa chọn bất khả thi và chứng minh rằng mình ngả về bên này hoặc bên kia", Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, tổ chức tư vấn có trụ sở Washington, nói.
Sau khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung sụp đổ hồi đầu tháng 5, các quan chức cấp cao của cả hai nước bắt đầu bước vào cuộc chạy đua ngoại giao con thoi nhằm tranh thủ sự ủng hộ và củng cố các mối liên minh trên khắp châu Âu.
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người trước đây dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, đang chuẩn bị thăm Đức và Hà Lan vào tuần này. Lật Chiến Thư, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, người được xem là trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa kết thúc chuyến công du Hungary, Áo và Na Uy.
Chuyến công du châu Âu của ông Vương diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang lên kế hoạch đến Berlin để hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 31/5. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Pompeo cũng sẽ thăm Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh. Chuyến thăm 4 nước châu Âu của Ngoại trưởng Pompeo sẽ mở đường cho chuyến công du của Tổng Thống Trump đến Anh và Pháp đầu tháng tới.
EU đang phải thận trọng cân bằng các lợi ích khi mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi cùng lúc với việc rạn nứt giữa EU và Mỹ về vấn đề thương mại ngày càng lớn. Quan hệ EU - Trung Quốc cũng đang xuất hiện những dấu hiệu đối đầu gia tăng.
Trong một thay đổi mang tính bước ngoặt về chính sách của EU đối với Trung Quốc, Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 3 ban hành một văn kiện chính sách, trong đó lần đầu tiên gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "địch thủ hệ thống".
Các nhà quan sát cho rằng với căng thẳng chiến tranh thương mại đang gia tăng trở lại, châu Âu, vốn đã mắc kẹt trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, sẽ trở thành một chiến trường quan trọng đối với tính toán địa chính trị chiến lược của hai siêu cường.
"Châu Âu về cơ bản nhất trí với quan điểm chỉ trích của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nhưng không đồng ý với các phương pháp đối đầu của họ", Tamas Matura, chuyên gia về Trung Quốc, hiện là phó giáo sư Đại học Corvinus Budapest, Hungary, cho biết. "EU cùng các nước thành viên quan tâm sâu sắc đến sự ổn định của nền kinh tế tự do toàn cầu và không mong muốn xảy ra sự gián đoạn trong quan hệ với bất kỳ phía nào".
John Seaman, học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, đánh giá các nước châu Âu chia sẻ với Mỹ hầu hết mối quan ngại về Trung Quốc, như yêu cầu mở cửa thị trường và đầu tư hai chiều, cạnh tranh công bằng cũng như sự can thiệp quá mức của nhà nước Trung Quốc vào nền kinh tế, các rủi ro an ninh đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh ở nước ngoài và đặc biệt là sức mạnh công nghệ ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Seaman gọi những động thái mới nhất Washington chống lại Huawei "là một bước ngoặt rõ ràng trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc".
Theo Philippe Le Corre, học giả cao cấp tại chương trình châu Âu và châu Á thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), các đòn công kích của Trump nhằm vào Huawei diễn ra vào đúng thời điểm quan trọng khi nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này đang trở thành "một biểu tượng của các thương hiệu Trung Quốc vươn ra nước ngoài".
Hai tuần trước, Trump tăng áp lực lên Bắc Kinh khi viện dẫn lý do an ninh, ký sắc lệnh dọn đường cho lệnh cấm Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ. Suốt nhiều tháng qua, Washington đã cố gắng củng cố một liên minh quốc tế chống lại Huawei, vốn đã trở thành trụ cột trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu về thương mại và công nghệ.
Australia và Nhật Bản đã cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G để thể hiện sự đoàn kết với Mỹ. Dù vậy, nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu vẫn chưa quyết định có nên áp dụng các lệnh cấm rộng hơn với Huawei hay không, dù họ cũng có những lo ngại an ninh tương tự.
Trong chuyến công du châu Âu sắp tới, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo dự kiến tiếp tục gây sức ép với các đồng minh truyền thống của Mỹ để buộc họ ngả về Washington trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và vấn đề Huawei. Đặc biệt, Mỹ muốn các đồng minh cùng chia sẻ mối lo ngại rằng sản phẩm Huawei có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong hoạt động gián điệp và làm rối loạn mạng lưới liên lạc của các đồng minh.
Logo ở bên ngoài cơ sở nghiên cứu của Huawei tại Canada. Ảnh: Reuters.
Logo ở bên ngoài cơ sở nghiên cứu của Huawei tại Canada. Ảnh: Reuters.
Song các lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Hà Lan đến nay vẫn tuyên bố tiếp tục kế hoạch triển khai mạng 5G của họ và không đi chung đường với Washington trong nỗ lực cấm thiết bị Huawei.
Dù lo ngại về các rủi ro an ninh nếu cho phép Huawei cung cấp thiết bị xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng, nhiều lãnh đạo châu Âu khẳng định họ đã đặt ra các quy định và tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt đối với Huawei. Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ không ngăn chặn Huawei hay bất kỳ công ty nào khác bởi dân châu Âu là "những người thực dụng và thực tế".
Duncan Freeman, học giả tại Trung tâm nghiên cứu EU - Trung Quốc thuộc Đại học châu Âu ở Brussels, nói rằng giống như Nhật Bản và nhiều đồng minh khác của Mỹ, EU cũng là mục tiêu của Washington trong cuộc chiến thương mại, vì chính quyền Trump coi "chủ nghĩa bảo hộ" của EU cũng "tệ như Trung Quốc".
"EU khó có thể theo đuổi lập trường hoàn toàn độc lập vì họ phụ thuộc cả Mỹ lẫn Trung Quốc về an ninh và kinh tế", Freeman nhận xét.
Ông cho rằng dù các chính sách chính quyền Trump đưa ra làm tăng lo ngại của châu Âu về mối quan hệ an ninh và kinh tế với Mỹ, đổng thời làm dấy lên hoài nghi về mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, Mỹ vẫn là tâm điểm trong chính sách của EU.
"Do đó, không có khả năng xảy ra bất kỳ thay đổi lớn nào về trọng tâm chính sách này trong ngắn hạn", Freeman nói. Ông cho rằng Trung Quốc cũng đã không thành công trong nỗ lực tạo ra tiếng nói chung với EU kể từ khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.
"Trên thực tế, những lời hô hào chống Trung Quốc ở EU đã trở nên quyết liệt hơn trong những năm gần đây, dù không đồng nhất, đặc biệt là ở một số nước thành viên EU đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc",  ông nhận định.
Tamas Matura, phó giáo sư tại Đại học Corvinus Budapest, cho rằng Trump và những quan chức cấp cao của ông sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu xa lánh các đồng minh châu Âu trong khi muốn đạt được thành công lớn trong cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.
"Đến nay, chính sách của chính quyền Trump rất nhiễu loạn vì chúng tạo ra sự đối đầu với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu. Nếu Washington thực sự muốn kiềm chế Trung Quốc, các động thái nhằm tách rời mối liên kết kinh tế - chính trị - xã hội với Trung Quốc sẽ tiếp tục. Nhưng Mỹ không thể thành công nếu không xây dựng lại niềm tin toàn cầu đặt vào vai trò lãnh đạo của họ. Ức hiếp mọi người, kể cả đồng minh, không phải cách khả thi để duy trì sự thống trị của Mỹ trên thế giới", ông nói.
Matura và các nhà quan sát khác đồng ý rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á cuối cùng có thể bị kéo vào cuộc chiến tranh lạnh kinh tế đang dần hình thành giữa Washington và Bắc Kinh.
"Dù nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc EU phải độc lập hơn với Mỹ, họ sẽ phải mất nhiều năm phát triển các năng lực công nghệ hoặc quân sự cần thiết để có thể hoạt động như một đối thủ độc lập", Matura nhấn mạnh.
Kịch bản lạc quan nhất là trong trường hợp cuộc đối đầu Mỹ - Trung kéo dài, châu Âu sẽ cố gắng tranh thủ thời gian để phát triển năng lực của chính mình. "Tuy nhiên, trên thực tế, tôi hy vọng EU sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên", Matura nói.
Gal Luft lưu ý dù một số nước châu Âu, chẳng hạn như Italy, đã ngả về phía Trung Quốc, đây sẽ không phải là hiện tượng phổ quát bởi "ít nước châu Âu đủ can đảm đối đầu với Trump vì sợ ông ấy trút đòn phẫn nộ lên mình".
Seaman đánh giá chính sách "nước Mỹ trên hết" của Trump có thể đã khiến châu Âu rúng động và thậm chí gây ra một số oán giận sâu sắc đối với Mỹ, nhưng điều này không khiến châu Âu ngả vào vòng tay Trung Quốc. "Châu Âu đang tìm cách phòng vệ tốt nhất có thể để tránh bị cuốn vào một cuộc đối đầu Mỹ - Trung, khiến khu vực này phải đưa ra những lựa chọn khắc nghiệt", ông nói.
Hồng Vân (Theo SCMP)


0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.