Các cuộc đụng độ căng thẳng đã xảy ra khi hàng trăm nghìn người tham gia biểu tình tại Hong Kong vào cuối tuần qua để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.
Các nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn 1 triệu người đã xuống đường tại Hong Kong vào ngày 9/6 để phản đối một dự luật cho phép các nghi phạm được dẫn độ sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Con số này gấp đôi so với cuộc biểu tình hồi năm 2003 khi người Hong Kong phản đối chính quyền thông qua luật an ninh, dẫn tới việc cựu đặc khu trưởng Hong Kong Đổng Kiến Hoa khi đó phải từ chức.
Trong khi đó, cảnh sát cho biết số người biểu tình trong ngày hôm qua khoảng hơn 200.000 người. Đây đươc xem là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tại Hong Kong trong vòng 15 năm qua.
Cuộc biểu tình phản đối dự luật gây tranh cãi đã biến thành bạo lực khi cảnh sát được huy động để giải tán các nhóm biểu tình vào cuối ngày 9/6 và rạng sáng 10/6 khi thời gian cho phép biểu tình đã hết.
Mặc dù cuộc biểu tình ôn hòa đã kết thúc vào lúc 10 giờ tối, song hàng trăm người sau đó vẫn tiếp tục ném chai lọ về phía cảnh sát khi tụ tập bên ngoài tòa nhà hành chính và lập pháp của Hong Kong.
Trong khi đông đảo lực lượng cảnh sát bao vây tòa nhà lập pháp, hai nhóm ủng hộ độc lập tại Hong Kong là Student Localism và Students Independent Union vẫn kêu gọi người biểu tình ở lại và chiếm cơ quan lập pháp.
Một số sĩ quan cảnh sát, người biểu tình đã bị thương và được cấp cứu y tế khi cảnh sát sử dụng dùi cui và hơi cay để giải tán đám đông đang tìm cách lao vào tòa nhà lập pháp.
Người biểu tình bước qua rào chắn kim loại được dựng lên để bảo vệ tòa nhà lập pháp, thậm chí sử dụng các rào chắn này để tấn công các cảnh sát đang tìm cách ngăn cản họ.
Vụ đụng độ kéo dài khoảng 30 phút. Cảnh sát chống bạo động được triển khai, kiểm soát và giải tán người biểu tình tại Legco vào khoảng 0h30 sáng. Tuy nhiên, những người biểu tình tiếp tục chuyển sang đường Lung Wo vào lúc 1h.
Một số người biểu tình bị cảnh sát quật ngã xuống đường và đưa đi. Một đoạn video ghi lại từ hiện trường cho thấy ít nhất một cảnh sát bị chảy máu trên mặt.
Chính quyền Hong Kong đang tìm cách thông qua dự luật cho phép dẫn độ tội phạm bị truy nã tới bất kỳ khu vực nào mà đặc khu này chưa có hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục, Macau và đảo Đài Loan, ngoài 20 nước mà Hong Kong đã ký các hiệp ước dẫn độ.
Nhiều người Hong Kong lo ngại về nguy cơ bị dẫn độ về Trung Quốc đại lục do không tin tưởng vào sự minh bạch và công bằng của hệ thống tòa án Trung Quốc.
Các chính phủ nước ngoài cũng cảnh báo về ảnh hưởng của dự luật dẫn độ đối với vị thế của Hong Kong với vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế. Họ cũng lo ngại rằng người nước ngoài bị truy nã tại Trung Quốc có nguy cơ bị bắt tại Hong Kong.
Đặc khu kinh tế Hong Kong đã được Anh trao trả cho phía Trung Quốc quản lý vào năm 1997 với các cam kết về quyền tự trị và các quyền tự do khác, trong đó có một hệ thống pháp lý riêng.
Những người tham gia biểu tình tại Hong Kong thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, gồm cả sinh viên, doanh nhân, luật sư, các nhóm dân chủ, tôn giáo, xã hội. Cảnh sát đã được huy động để kiểm soát đám đông biểu tình.
Người biểu tình giơ bảng và hô khẩu hiệu “Không dẫn độ sang Trung Quốc” trên các tuyến đường tại Hong Kong. Họ cũng kêu gọi Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người không rút lại dự luật gây tranh cãi, từ chức.
0 nhận xét