“Cuộc cách mạng không có lãnh đạo” chỉ là cái nhìn bên ngoài
Mẹ Nấm (Danlambao) – Những hình ảnh biểu tình từ Hong Kong gây cảm hứng khắp nơi trên toàn thế giới. Nhìn từ bên ngoài vào, những người xuống đường dường như không cần có lãnh đạo. Họ phối hợp nhịp nhàng, hành động nhanh gọn và dứt khoát. Điều này khiến nhiều người cho rằng đây là cuộc biểu tình tự phát, không cần có tổ chức. Sự thật không phải như vậy!
Bất kỳ một phong trào nào được gây dựng nghiêm túc cũng cần phải có tổ chức, lên kế hoạch, bàn thảo phương án, chiến lược. Quan trọng nhất là để bảo toàn lực lượng đấu tranh.
Hong Kong với sự chuẩn bị trong 12 năm để xây dựng chiến lược, tạo dựng các gương mặt nổi trội và kiên định với một mục tiêu “bảo toàn nền dân chủ” đã đạt được thành quả bước đầu.
Hôm nay người ta chỉ thấy con số 2 triệu người trên đường phố mà quên đi những gầy dựng bước đầu của các thủ lĩnh của Mặt trận Dân quyền Nhân quyền hay các thành viên nòng cốt của phong trào Liên hội học sinh sinh viên.
Từ cuộc biểu tình 12/6/2019, người ta chỉ nhìn đám đông mà quên đi vài ngày trước đó La Quán Thông (Nathan Law) và những người bạn trong đảng Demosito đã im lặng cầm bảng mời gọi giới bác sĩ, luật sư, công chức bước chân xuống đường ở các khu vực trung tâm.
Phong trào tại Hong Kong đã xây dựng các trang mạng, sân chơi dành cho người tham gia ẩn danh chia sẻ ý kiến và qua đó những người tổ chức có thể theo dõi và lượng giá tình hình.
Nhiều năm tháng cung cấp và hướng dẫn phương thức đấu tranh đến với người dân và CHÍNH NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH CÓ TỔ CHỨC trong quá khứ cũng đã TRUYỀN ĐẠT KINH NGHIỆM cho người dân tự tổ chức và hòa nhập vào làn sóng biểu tình chung ngày hôm nay.
Và thực tế là luôn luôn có một bộ phận lãnh đạo xuất hiện công khai hay tiềm ẩn sau lưng để đưa ra những quyết định tiến đến hay tạm lui cho phong trào dựa trên những phân tích chiến lược về tình hình cụ thể.
Không có một ngọn lửa nào có thể bùng cháy mà không cần nỗ lực.
Tôi đọc khá nhiều bài viết về Hong Kong. Có nhiều mơ ước xen lẫn với những tiếng thở dài lẫn thái độ ngao ngán khi so sánh Việt Nam với Hong Kong. Thực ra điều chúng ta cần là nghiên cứu kỹ tiến trình gầy dựng phong trào, phát triển những nhân tố lãnh đạo và nỗ lực học hỏi những kinh nghiệm thành công của tổ chức Civil Human Rights Front – tổ chức đầu não của phong trào tranh đấu tại Hong Kong.
Tôi ví dụ, khi so sánh cảnh sát Hong Kong và công an cộng sản Việt Nam, nhiều người nói Hong Kong làm được vì cảnh sát không đánh người. Thật ra điều này chỉ đúng một phần, bởi Hong Kong dù có ôn hoà thì đàn áp cũng đã xảy ra, đạn đã nổ, máu đã đổ! Quan trọng là họ – những chiến lược gia Hong Kong đã tính toán tất cả các phương án xảy ra để không bị động. Họ sử dụng truyền thông và khai thác tối đa các yếu tố gây phẫn nộ để dành lấy quyền làm chủ mặt trận thông tin.
Cảnh sát nổ súng, những người mẹ lên tiếng bằng một lá thư công khai với hơn 44,000 chữ ký và lời tuyên bố “xuống đường mỗi ngày” đồng hành với con em mình.
Một người ngã xuống cho thông điệp tự do – hai triệu người xuống đường bày tỏ thái độ.
Các chuyên gia chiến lược Hong Kong khai thác triệt để các sự kiện xảy ra và gầy dựng phương án cụ thể cho từng sự kiện.
Còn chúng ta, chúng ta có gì?!
Chúng ta mới đi những bước đầu giữa sự đàn áp của bạo quyền và cả sự nghi ngờ của những người xung quanh.
Chúng ta thừa lời chỉ trích nhau và thiếu khả năng đóng góp ý kiến xây dựng.
Chúng ta thừa mơ ước khi nhìn ra thế giới bên ngoài nhưng lại thiếu khát vọng học hỏi.
Hay nói đúng hơn chúng ta bế tắc vì chưa đặt ưu tiên vào chiến lược, chưa đầu tư công sức để xây dựng đội ngũ làm việc nghiêm túc và chưa kiên nhẫn để từng bước gầy dựng sức mạnh quần chúng – people power.
Cuộc cách mạng không có lãnh đạo, không tổ chức chỉ là cái nhìn bề nổi. Bởi thực tế có tổ chức nhưng không lộ diện thủ lãnh mới chính là chìa khoá dẫn đến sự thành công của Hong Kong.
Cổ suý niềm tin làm cách mạng không cần tổ chức gián tiếp đồng nghĩa với việc đem yếu tố tổ chức, kế hoạch, sách lược ra khỏi phong trào đấu tranh.
Hơn một triệu người tràn ngập phố phường Hong Kong không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của quá trình làm việc, tổ chức và phát triển của nhiều năm tháng – từ những nhà hoạt động bền bĩ – lộ diện hoặc ẩn mặt.
Cuộc cách mạng ở Việt Nam cũng vậy. Nó phải là kết quả của quá trình làm việc, tổ chức và phát triển của nhiều năm tháng – từ những nhà hoạt động lộ diện hoặc ẩn mặt – luôn kiên trì bền bĩ với công việc đã chọn.
20.06.2019
0 nhận xét